Sunday, April 11, 2021

1986. THỤY KHUÊ Tự Lực Văn Đoàn Văn Học & Cách Mạng (22)


Giới thiệu và cổ động Thơ mới

Phong Hóa nghĩ ra nhiều thứ lần đầu tiên áp dụng trên báo như các mục Dòng nước ngược, Những hạt đậu dọn, Bàn ngang, Tin văn vắn… sau này được người ta bắt chước, tạo những mục tương tự. Ngày Nay lần đầu tiên in bản nhạc, giới thiệu các nhạc phẩm tiên phong và đăng những bài biên khảo về âm nhạc của Nguyễn Xuân Khoát.

Nhưng Tự Lực văn đoàn, trong tờ báo xuân đầu tiên, Phong Hóa làm thêm một việc tiên phong nữa là giới thiệu Thơ mới.

Phan Khôi

Như chúng ta đã biết, người sáng tạo ra thơ mới là Phan Khôi, tác giả bài Tình già, và ông còn viết bài tiểu luận "Một lối thơ mới trình chính trong làng thơ" giải thích tại sao cần phải có "thơ mới", bởi vì "thơ cũ" bị gò bó trong niêm luật, không thể diễn tả đầy đủ ý tưởng mà nhà thơ mong muốn; vì thế phải phá cái niêm luật tù túng đó đi.

Bài tiểu luận này và bài thơ Tình già được công bố lần đầu trên Tập Văn Mùa Xuân, báo Đông Tây, cuối tháng 1-1932, rồi trên Phụ Nữ Tân Văn số 122 (10-3-32) nhưng không có tiếng vang đáp lại.

Phan Khôi chán nản, muốn bỏ cuộc.

Khi Phong Hóa số 14 (22-9-32) ra đời, trong mục Văn Học, do Khái Hưng phụ trách với bút hiệu Văn Lực, ông viết bài tiểu luận tựa đề Thơ, nội dung đồng ý với Phan Khôi, chỉ ra những gò bó niêm luật, câu chữ đối xứng, hình ảnh sáo mòn trong thơ cổ điển và hô hào phải bỏ hết:

"Tả mùa thu thì bất cứ mùa thu ở Chapa hay ở Hà Tiên tất phải dùng những ý: lá vàng, gió vàng, nhạn kêu sương, lá ngô đồng rụng. Kỳ thực về mùa thu ở nước ta chỉ thấy chẩy mồ hôi tay và ánh sáng mặt trời trong vắt, song những ý ấy mới, không có ở cổ thi, dùng sao được!

Một lần hai cụ Cử ngồi bình thơ cho nhau nghe, một cụ tả mùa thu có tuyết, cụ kia vội kêu:

- Mùa thu làm gì có tuyết!

- Sao lại không có? Trong bài tả mùa thu của Lý Bạch chả có tuyết là gì?

… À phải, tôi nhớ, phải… mùa thu có tuyết.

Vì theo cổ nhân quá, nên các thi sĩ ta phần nhiều thường mắc cái bệnh dùng rất nhiều sáo ngữ.

Tả người Mỹ-nữ thì bao giờ cũng phải: nghiêng nước nghiêng thành, nhạn sa cá nhảy, xanh như liễu, gầy như mai, làn thu thủy, nét xuân sơn.

Tả thời gian mau chóng thì tất phải: vùn vụt như tên bay, bóng ngựa qua cửa sổ.

Tả đời người ngắn ngủi thì khó lòng bỏ qua được những chữ: giấc mộng kê vàng, đời người như gang tay.

Sự giản tiện nhất cho ta là phê một chữ "bỏ". Bỏ luật, niêm, đối, bỏ điển tích, sáo ngữ. Nghiã là tóm tắt: Đừng bắt chước cổ nhân. Thơ ta phải mới: mới văn thể, mới ý tưởng" (Phong Hóa số 14).

Sự đồng tình của Khái Hưng với Phan Khôi đã rõ ràng.

Bốn tháng sau, trên Phong Hóa Xuân, số 31 (24-1-33) vẫn trong mục Văn học, xuất hiện bài Lối thơ mới, ký tên Phong Hóa, không những giới thiệu Thơ mới mà còn hết lòng thuyết phục Phan Khôi đừng nản chí, phải tiếp tục con đường.

Lối thơ mới trên Phong Hóa số 31

Bài Lối thơ mới mở đầu bằng lời giới thiệu đại ý: Chúng tôi vừa nhận được một bức thư của cô Liên Hương gửi cho ông Phan Khôi, đính kèm bài thơ [Tình già] của Phan Khôi và mấy bài thơ của Lưu Trọng Lư. Chúng tôi quyết định đăng bởi vì cô Liên Hương "ý tưởng có nhiều chỗ giống ý tưởng bản báo" đã nêu trong bài viết trên Phong Hóa số 14. "Bản báo" sẽ tiếp tục đăng trên mục Văn Học này những bài thơ mới của các bạn thi sĩ khác gửi đến.

Đọc "lá thư ngỏ" này của cô Liên Hương, chả cần nghĩ lung, ta cũng đoán được cô Liên Hương chính là Khái Hưng.

Không tiện ủng hộ bạn một cách trực tiếp, nhất là hai người lại đồng ý với nhau về việc cải tổ thơ, nên Khái Hưng mượn tên Liên Hương để viết thư ngỏ cho Phan Khôi như sau:

"Bức thư ngỏ cùng Phan Khôi Tiên sinh, sau khi đọc bài "Một lối thơ mới trình -chính trong làng thơ"

Phan Tiên sinh,

Cách đây đã lâu, Tiên sinh có đưa trình chính giữa làng thơ một lối thơ mới. Tôi đọc bài ấy rồi tôi cứ đợi mãi, đợi mãi mà sau Tiên sinh không thấy có ai nối gót theo, mà chính Tiên sinh cũng không buồn giở dói việc ấy nữa. Thế là thôi. Cái "của mới" ấy có lẽ chưa thích hợp với đời này. Mấy muôn độc giả đã yên trí như vậy, mà hẳn Tiên sinh cũng đã từng chau mặt giậm chân mà nói rằng: "Thôi, không ai ưa thì ta xếp nó lại đã, đợi khi khác ta lại mang ra". Thưa Tiên sinh, đợi khi khác, khi nào nữa? Thi ca ta ngày nay đương lúc ngấp ngoải, không còn có lấy một chút sinh khí. Nếu không soay phương cứu chữa gấp, thì ôi thôi, còn chi là tính mạng của thi ca? Đừng có nói láy lắt như vậy, Tiên sinh ạ! Nếu Tiên sinh cứ giữ mãi thái độ tiêu cực ấy, thì bọn thi nhân "rỗng tuếch" kia còn cứ ca đi hát lại những câu sáo hủ nghìn xưa mà không thấy nở ra được những bậc thi nhân chân chính (…)

Dám khuyên tiên sinh nên mạnh dạn một lần nữa mà tiến lên đường.

Cái lối thơ mới của chúng ta là đương ở vào cái thời kỳ phôi thai, thời kỳ tập luyện, nghiên cứu. Không biết rồi đây nó có đi được đến chỗ thành công, hay là nửa đường mà bị đánh đổ! Đó là sự bí mật của lịch sử văn hoá mai sau! Dầu thế nào đi nữa nó cũng có cái giá trị là giúp cho sự tự do phát triển của thi ca, đưa thi ca đến một chỗ cao xa rộng lớn, nó như thúc giục, như khiêu khích, như kêu gọi nhà thi nhân ra làm một cuộc cách tân, dầu có thất bại, thất bại vì lòng mong ước quá cao, thì nó cũng đã hiến cho ta một cái công lớn: nó chính là một tiếng chuông cảnh tỉnh làng thơ giữa lúc đương triền miên trong cõi "chết" (Phong Hóa số 31).

Lời thư bộc lộ tâm trạng của Phan Khôi. Làm gì có cô Liên Hương nào biết rõ thế? Lại gói ghém cả tình hình thi ca lúc bấy giờ: Sự tê liệt của "thơ cũ". Thơ mới còn trong thời kỳ phôi thai, tập luyện, chưa biết ra sao, có sống được hay không? Tác giả không những đi guốc vào bụng Phan Khôi mà còn có cái nhìn bao quát về tình trạng thi ca Việt Nam thập niên 30 như thế, thì chỉ có Khái Hưng, người đã cải tạo văn xuôi với Hồn bướm mơ tiên, và bằng những lời tâm huyết này, vừa kích động Phan Khôi, vừa cổ võ cho sự xây dựng một nền thơ mới, trên đống tro tàn của thơ cũ.

Bài thơ Tình già của Phan Khôi, in trên Phong Hóa, xuống dòng đúng chỗ, hay hơn những bản khác in theo lối văn xuôi:

"Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ.

Hai mái đầu xanh, kề nhau than thở:

- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,

Mà lấy nhau hẳn là không đặng.

Để đến nỗi tình trước phụ sau

Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.

- Hay! mới bạc làm sao chớ?

Buông nhau làm sao cho nỡ,

Thương được chừng nào, hay chừng nấy.

Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy.

Ta là nhân ngãi đâu phải vợ chồng

Mà tính việc thủy chung?

Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau,

Đôi cái đầu đều bạc.

Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được.

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi

Con mắt còn có đuôi. (Phong Hóa số 31, 24-1-33)

Tình già được công nhận là bài thơ mới đầu tiên của thi ca Việt Nam. Ngày nay đọc lại, ta có thể xem là một bài thơ tự do, bởi vì Phan Khôi đã bỏ âm điệu do niêm luật, để tạo ra âm điệu của riêng mình. Về mặt tư tưởng, đây là lời tâm sự của hai kẻ sống chung, mà không cưới hỏi, thời đó là mới lắm.


Lưu Trọng Lư

Vẫn trên Phong Hóa Xuân, số 31, cùng với thơ Phan Khôi còn có ba bài thơ của Lưu Trọng Lư, bài đầu tám câu, chưa có tên:

"Đủng đỉnh một con thuyền,

Trăng lên đầu ngọn núi.

Đối cảnh với người yêu,

Cầm tay tôi gạn hỏi:

"Mộng Vân ơi! vũ trụ ngó bao la,

Nên cười hay nên tủi?

Lặng lặng tự Hằng Nga,

Vân nhìn tôi mà chẳng nói." (Phong Hóa số 31)

Ta thấy ngay Lưu Trọng Lư mới là nhà thơ chính hiệu, Phan Khôi chỉ là nhà thơ nghiệp dư. Từ những câu thơ còn bỡ ngỡ trên đây, mấy năm sau, Lưu Trọng Lư sửa lại và làm thêm, thành bài thơ dài Một mùa đông, với những câu mở đầu:

Đôi mắt em lặng buồn

Nhìn thôi mà chẳng nói

Tình đôi ta vời vợi

Có nói cũng không cùng

Có nói cũng không cùng

Với bài này, thơ mới đã chuyển từ sự mô tả hời hợt những tình cảnh thơ mộng ban đầu, sang lối truyền cảm sâu lắng trong mỗi chữ: thơ Lưu Trọng Lư đã vượt thơ Thế Lữ.

Bài Một mùa đông là tuyệt tác, thơ, của Lưu Trọng Lư, sau này, Phạm Đình Chương phổ nhạc đổi thành Mắt buồn, và qua giọng hát Thái Thanh, trở thành tuyệt tác thi nhạc.

Cũng trên Phong Hóa số 31, còn có 3 bài thơ nữa của Lưu Trọng Lư: Trên bãi biển Giấc mộng tình, Lại nhớ Vân, Vì sương thu đổ, cả ba đều có những ý, những chữ, chứa đựng thế giới hình ảnh và không gian thơ Lưu Trọng Lư sau này: người em ngồi bên của sổ, lặng nhìn nhau, và sự phù du của cuộc tình, cuộc đời:

"Trên cái vô tình vạch chữ Vân

Ta vừa vạch xong, sóng xoá dần" (Giấc mộng tình, Phong Hóa số 31)

Những câu như thế đã xác định căn cước thơ Lư Trọng Lư ngay từ những bài đầu và Khái Hưng đã nhìn thấy, đã lựa ra và đăng trên Phong Hoá cùng với thơ Phan Khôi. Một lựa chọn sành điệu.

Sau này, Lưu Trọng Lư làm một bài thơ đề "tặng em Triệu" trong tập Tiếng thu, đó là bài Chị em, có những câu:

Em bước vào đây,

Gió hôm nay lạnh,

Chị đốt than lên,

Để em ngồi cạnh.

Nay chị lấy chồng

Ở mãi Giang Đông.

Dưới làn mây trắng

Cách mấy con sông.

Lưu Trọng Lư tặng em Triệu những lời thơ như thế, hẳn không phải vô tình.

Và Huy Cận cũng có bài Tựu trường trong tập Lửa thiêng đề tặng em Triệu.

Vậy hai "em Triệu" này chắc là một, là cậu bé Trần Khánh Triệu, con nuôi Khái Hưng, con ruột Nhất Linh. "Em Triệu" được các thi sĩ tặng thơ phải chăng vì họ cảm kích tấm lòng của "papa Khái Hưng" đối với họ và thơ mới?

Thơ Lưu Trọng Lư nhẹ nhàng, trong sáng, không cầu kỳ, không dụng chữ, chỉ là những tiếng nói thông thường, do ảnh hưởng lối văn Hồn bướm mơ tiên chăng? Thực vậy, chỉ cần một câu hỏi: Em không nghe mùa thu? nhưng khi cất lên là đã thấy đớn đau, luyến tiếc, ngậm ngùi. Sau này Nguyễn Đình Thi có những bài thơ hay, cũng đi theo con đường ấy.

Đó là câu chuyện về "nguồn gốc thơ mới".

Cũng trên Phong Hóa số 31 (24-1-33), ngoài bài Tình già của Phan Khôi, và thơ của Lư Trọng Lư, còn có thêm 2 bài Gượng vui Cái vui ở đời của Tân Việt (Nhất Linh) và bài Ngày xuân vắng khách thơ của Thanh Tâm. Thơ Tân Việt và Thanh Tâm không có gì đặc sắc.

Sau số xuân 31, Phong Hóa vẫn kiên trì giới thiệu thơ mới, nhưng Lưu Trọng Lư có diễn đàn riêng, nên không đăng thơ trên Phong Hóa.

Trên Phong Hóa số 32 (3-2-33), Tứ Ly làm bài thơ mới Trên sông Đáy, khá hay, lấy ý từ Tỳ bà hành, tiếc rằng sau đó Tứ Ly không làm thơ nữa.

Tiếp tục cổ động cho Thơ mới, Phong Hóa số 36 (3-3-33) đăng bài thơ Im lặng của Tân Việt và bài tiểu luận Thế nào là thơ mới của Nhất Linh, cả hai đều không có gì đặc biệt vì Nhất Linh không chuyên về lý thuyết thơ. Đến Phong Hóa số 38 (17-3-33), Nhất Linh làm thêm bài thơ Hai thế giới, cảm hứng từ truyện Mực tầu giấy bản của Nhị Linh (Khái Hưng), và Phong Hóa số 39 (24-3-33) Nhất Linh làm bài thơ chính trị Dân quê, ký tên Tân Việt, đó là bài thơ cuối cùng. Những bài thơ này của Nhất Linh sau sẽ được ông đăng lại trên Văn Hóa Ngày Nay.

Thế Lữ

Thế Lữ, thơ, có mặt từ Phong Hóa số 31 (24-1-33) với bài Con người vơ vẩn, được Tự Lực văn đoàn tích cực hỗ trợ, trên Phong Hóa số 54 (7-7-33) Nhất Linh viết bài Nguyễn Thế Lữ, Một nhân vật mới trong làng thơ mới, giới thiệu nồng nhiệt. Thế Lữ nổi tiếng ngay.

Thơ ông, gồm khoảng 21 bài được đăng trên Phong Hóa từ số 31 (24-1-33) đến số 103 (22-6-34): Con người vơ vẩn, Lựa tiếng đàn, Người phóng đãng, Tiếng chuông chùa, Trước cảnh cao rộng, Hồ xuân và thiếu nữ, Hoài Xuân, Miả mai, Tiếng trúc tuyệt vời, Mộng ảnh, Tình bâng khuâng, Nhan sắc, Tiếng gọi bên sông, Bông hoa rừng, Mấy vần thơ ngây, Hổ nhớ rừng, Bóng mây buồn I, II, III, Một giấc mơ dữ dội, Bên sông đưa khách [1].

Bài thơ đầu tiên, Con người vơ vẩn tặng Trần Bình Lộc, đã có bốn câu thật hay:

"Cơn gió thổi… lá bàng rơi lác đác,

Rơi theo loạt nước đọng trên cành.

Những cây khô đã chết cả mầu xanh,

Trong cái phút lạnh lùng tê tái ấy."[2]

Thơ Thế Lữ có cốt lõi lãng mạn: con người nhìn cảnh vật, đắm mình trong cảnh vật, tả lại cái cảnh vật đã được nhuộm bằng tình cảm của riêng mình: nghiã là thi sĩ buồn, thì cảnh cũng buồn theo; thi sĩ mơ màng thì tiếng trúc cũng dặt dìu theo tâm hồn thi sĩ; đó chính là cái lãng mạn thời Lamartine. Ngay ở trong những câu thơ đầu tiên này, ta đã thấy sự khác biệt sâu xa giữa Thế Lữ và Lưu Trọng Lư: Thơ Lưu Trọng Lư nói lên tâm sự của mình, nội tâm của mình. Chỉ mấy câu đơn sơ tặng em Triệu:

Em bước vào đây,

Gió hôm nay lạnh,

Chị đốt than lên,

Để em ngồi cạnh.

là đã thấy tha thiết tình yêu hai chị em, mối tình không nói mà vẫn toả ra, sưởi ấm hồn em và hồn ta, người đọc. Trong khi thơ Thế Lữ, lời đẹp, chải chuốt, cảnh lạ, âm điệu tuyệt vời, nhưng lại thấy rõ: một bên là cảnh vật, một bên là con người, không thông thương, dù tác giả đã đưa ra câu Trong cái phút lạnh lùng tê tái ấy. Nhưng cái phút lạnh lùng tê tái ấy là của tác giả làm văn chương viết ra, với ý phô trương, còn câu: Chị đốt than lên, để em ngồi cạnh, là tự đáy lòng người chị, đốt than trong yên lặng, là tình yêu không nói, và cũng là thực chất thơ Lưu Trong Lư.

Một trong những tuyệt tác của Thế Lữ là bài Tiếng trúc tuyệt vời (Phong Hóa số 69, 20-10-33):

Tiếng địch thổi đâu đây,

Bởi vì đâu déo dắt?

Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt.

Mây bay… gió quyến mây bay…

Tiếng vi vút như khuyên van như dìu dặt,

Như hắt hiu cùng hơi gió heo may.

Ánh chiều thu

Lướt mặt hồ thu

Sương hồng lam nhẹ lan trên sóng biếc

Rặng lau già sao sác tiếng reo khô

Như khua động nỗi nhớ nhung thương tiếc

Trong lòng người đứng bên hồ… (Phong Hóa số 69)

Bài thơ này tiêu biểu cho lối tạo âm và tạo hình trong thơ Thế Lữ: lấy mỹ thuật làm nền.

Ở đây âm thanh và hội họa gắn bó mật thiết với nhau: Tiếng địch không chỉ là tiếng địch suông, mà nó còn bay lên trời, quyến vào gió, vào mây, nên ta không chỉ nghe thấy mà còn nhìn thấy nó đang bay lên, tiếng nó vi vút, như khuyên van, hiu hắt như gió heo may đang thổi. Tất cả trạng huống này nẩy sinh từ tâm hồn người đứng bên hồ, được thi sĩ phóng lên không trung.

Thơ Thế Lữ thời đó, hết sức mới lạ so với Giọt lệ thu của Tương Phố. Lời thơ trau chuốt, âm thanh mê đắm, mầu sắc tung bay, nhiều người bắt chước nhưng không làm được: Thế Lữ là chủ soái.

Nhưng Thế Lữ không thoát ra khỏi lối thơ của mình, ông bị giam trong thế giới lãng mạn Lamartine thế kỷ XIX, với những lời đẹp đẽ du dương. Nhưng lời đẹp sẽ phôi pha nếu không có trái tim, nên chỉ vài năm sau, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Hồ Dzếnh đều vượt ông vì ngôn ngữ của họ giản dị hơn, thành thật hơn, và Nguyễn Bính, riêng một cõi, tạo ra thi pháp đau thương độc đáo mà tôi gọi là cấu trúc thi thoại, hay thơ nói, rồi Bích Khê, một trường thơ siêu thực huyền bí âm giai và nhất là Hàn Mặc Tử phi trường phái, trở thành ngôi sao bắc đẩu trên nền trời thi ca nước Việt.

Vũ Đình Liên và Phạm Huy Thông

Trong thời gian này, ngoài Thế Lữ, Phong Hóa còn giới thiệu hai nhà thơ khác là Vũ Đình Liên và Phạm Huy Thông.

Từ số 50 (9-6-33) Phong Hóa giới thiệu thơ Vũ Đình Liên, với những bài: Đứa trẻ ăn mày, Cô hàng bán lá xim, Chiêu Quân, Lòng thương, Thân tàn ma dại, Ngày khai trường, Tiếng hát ru[3].

Vũ Đình Liên làm thơ theo hướng tả thực, bài Đứa trẻ ăn mày, dưới tên tác giả ghi hai chữ: Trường luật, chứng tỏ ông là sinh viên, đã viết:

Trong phố vắng lang thang một đứa trẻ

Mồ côi chừng lên chín lên mười.

Mình trơ xương mặc áo rách tả tơi

Quần lá tọa[4] buông ống cao ống thấp (Phong Hóa số 50)

Vũ Đình Liên là nhà thơ xã hội đầu tiên, bài Đứa trẻ ăn mày, xác định lối thơ hiện thực nhìn xuống những thân phận nghèo nàn, khốn khổ, khác hẳn lăng kính lãng mạn của những người cùng thời. Vũ Đình Liên nói với người yêu:

"Vì tôi muốn Tuyết Lan bớt một phần ân ái

Dành cho những kẻ khốn cùng khổ ải" (Lòng thương, Phong Hóa số 108)

Thơ Vũ Đình Liên bình dị và bình dân, với nhiều đề tài khác nhau, chú ý đến những cảnh đời xưa nay không được thi nhân lưu ý, như cô gái thượng du (Cô hàng bán lá sim), người dân nghèo (Thân tàn ma dại), học sinh (Ngày khai trường)… Riêng bài Chiêu Quân mang âm hưởng cổ kim khác lạ, ít thấy ở buổi đầu của thơ mới:

Gió lặng, mây im, nước lững lờ

Trôi về Hàn quốc, góc trời xa

Hai con chim nhạn bay giao cánh

Dậm thẳng xe tung cát bụi mờ (Phong Hóa số 104)

Bài Ngày khai trường[5] rất nổi tiếng, lời thơ đơn mạc, được đưa vào chương trình giáo khoa cùng với bài Ông đồ:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

mà hầu hết chúng ta ai cũng thuộc. Ông đồ là một tuyệt tác, lời thơ nhẹ nhàng như lời nói nhưng âm thầm sâu sắc: tất cả những đau thương lập đi lập lại như những điệp khúc của một cuộc đời, ẩn dưới sự phôi pha của ngày tháng, sự quên lãng của con người…

Phạm Huy Thông

Cùng thời với Vũ Đình Liên, Phong Hóa khuyến khích và đăng thơ Phạm Huy Thông. Từ số 62 (1-9-33) đã có bài thơ Sống của Phạm Huy Thông, tiếp đó là những bài: Vọng hương ca, Cùng mặt trời, Nguyễn Du, Rạng đông rồi, Ngày Xuân, Tiếng rừng, Tiếng hát buổi chiều, Tiếng họa mi ca, Chiều hôm qua, Nhớ không…[6] Thơ Phạm Huy Thông được đăng tất cả khoảng 11 bài, trên Phong Hóa trong hai năm 1933-1934. Và theo lời nhà thơ, ông đã được Nhất Linh nhiệt thành giới thiệu. Tuy nhiên, không hiểu sao Phạm Huy Thông lại được hưởng "ân huệ" ấy, bởi vì trong giai đoạn này, thơ Phạm Huy Thông, âm điệu trục trặc, lời lẽ vụng về, trừ bài Tiếng họa mi ca có những câu khá hơn cả:

Tưởng thời khắc thôi không chảy nữa.

Chống khủy tay vào cửa sổ tròn

Ta buồn lặng để tâm hồn

Phiêu phiêu bến mộng chập chờn cung trăng

Bỗng tự đâu ta không biết hẳn

Khoảng đêm trường yên vắng như tờ

Họa mi vui cất tiếng ca

Khi khoan, khi nhặt, khi xa, khi gần

Khi gần sát bên tai the thé

Như luôn luôn lụa xé rất mau

Khi xa, xa tít mây cao

Tưởng lời thổn thúc chùm sao mơ hồ. (Phong Hóa số 120)

Lời thơ báo hiệu con đường hùng ca của tác giả Tiếng địch sông Ô: Không gian mở rộng lên trời, một không gian vô tận, để người anh hùng vùng vẫy. Nhưng sự cao cường, ngạo nghễ, hùng tráng của Phạm Huy Thông, luôn luôn có gì gượng ép, hơi gồng, kiểu anh hùng rơm, không được tự nhiên, chân thật và cao đạo như thơ Vũ Hoàng Chương sau này.

Nguyễn Bính

Nguyễn Bính được đăng thơ lần đầu trên Phong Hóa số 116 (21-9-34) với bài Cô hái mơ, năm ông 15 tuổi. Bài thơ có bốn câu cuối như sau:

Cô hái mơ ơi!

Không trả lời nhau lấy một lời,

Cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng

Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi!

Những câu thơ già dặn của một cậu bé 15 tuổi. Không thể tưởng tượng trong tâm hồn người thiếu niên đã có những oán trách của một kẻ lữ hành trong tang thương dày kinh nghiệm:

Không trả lời nhau lấy một lời, cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng…

Cứ lặng rồi đi rồi… hai chữ rồi kế tiếp, gây tác động tan nát như thế, chỉ có… Nguyễn Du, mà lại ở một cậu bé 15 tuổi.

Phạm Duy phổ nhạc bài thơ này, trở thành bản nhạc đầu tiên của Phạm Duy.

Năm 18 tuổi, Nguyễn Bính nhận giải (khuyến khích) thơ Tự Lực văn đoàn 1937, với tập Tâm hồn tôi. Trong Tâm hồn tôi đã có những câu thơ già như thế kỷ:

Sư già quét lá sau chùa

Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông

Hoặc những câu tha thiết hơn vạn đời tình:

Hồn anh như hoa cỏ may

Một chiều gió cả bám đầy áo em

Sau này, Lê Đạt chịu ảnh hưởng Nguyễn Bính, làm những câu thơ tình đẫm máu tâm hồn. Sự khám phá Nguyễn Bính của Tự Lực văn đoàn là một công trạng.

Nguyễn Bính là một rừng thơ, tất cả những nhà thơ bẩm sinh đều như vậy, nhưng chỉ Nguyễn Bính, cậu trai 18 tuổi, với một chiếc lá, có khả năng làm dao động não trạng của cảm giác, chạm đến huyệt lạnh của cô đơn:

Thu đi trên những cành bàng

Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi

Hôm qua đã rụng một rồi

Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn

Hôm nay lá thấy tôi buồn

Lià cành theo gió lá luồn qua song

Hai tay ôm lá vào lòng

Than ôi! Chiếc lá cuối cùng là đây

Quạnh hiu như tấm thân này

Lại âm thầm sống những ngày gió mưa.

(Cây bàng cuối thu, trong Tâm hồn tôi)

Bài thơ định mệnh, sẽ bám theo Nguyễn Bính suốt đời.

Xuân Diệu

Trong giai đoạn cuối năm 1935, đầu 1936, Phong Hóa khám phá ra Xuân Diệu, một tài năng mới, với ba bài thơ: Với bàn tay ấy…, Nụ cười xuân Vì sao[7] cả ba bài đều hay, bài đầu in cách bài sau 6 tháng.

Với bàn tay ấy… in trên Phong Hóa số 158 (18-10-35), lúc này Xuân Diệu đang học lớp Tú tài I ở trường Bưởi, có lẽ là bài thơ đầu tiên gửi đăng báo, diễn tả tình yêu đồng tính (về sau đề tặng Huy Cận) rất tế nhị và kín đáo, đã cho thấy phong cách thơ của ông: ảnh hưởng sâu đậm lối giao cảm (correspondance) với thiên nhiên của Baudelaire. Một cảnh đêm, nhưng nếu nhà thơ nhìn, nghe, thấu, lọt, trong thiên nhiên với nhãn quan và thính giác mẫn cảm, sẽ thấy một quang cảnh hoàn toàn mới lạ:

Một tối vòm trời chẳng bợn mây

Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy

Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ

Nghiêng xuống làn rêu, một tối đây.

Đó là bốn câu thơ tình vào loại hay nhất của Xuân Diệu, cũng là những dòng thơ đầu tiên phản ảnh mối tình vụng trộm tha thiết của Xuân Diệu với Huy Cận. Hình ảnh ái ân cực kỳ tế nhị, ẩn trong thân xác cỏ cây:

Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy

Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ

Nghiêng xuống làn rêu, một tối đây.

Về cách xếp đặt, Xuân Diệu đã làm theo lối các cụ gọi liên cú, tiếng Pháp là enjambement, tức là câu trên liền nghiã với câu dưới, sau này sẽ được phái Tân hình thức lấy lại, gọi là thơ vắt dòng, và đề cao như một lý thuyết mới.

Câu: Một tối vòm trời chẳng bợn mây, sau sẽ sửa thành: Một tối bầu trời đắm sắc mây, hay hơn. Người ta bảo nhờ Thế Lữ sửa chẳng bợn mây thành đắm sắc mây, khi đăng báo. Nhưng bản này tôi chép trên báo Phong Hóa, thấy chưa sửa.

Câu: Nghiêng xuống làn rêu, một tối đây, sau sửa thành: Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy, cũng hay hơn. Người ta lại bảo nhờ Thế Lữ sửa đây thành đầy. Tôi vẫn chép bản in trên báo Phong Hóa, vẫn chưa thấy sửa. Người ta ở đây là Hoàng Trung Thông[8]. Vậy Thế Lữ có sửa thơ Xuân Diệu thật không? Hay lại là một huyền thoại Hoàng Trung Thông thêm vào để xưng tụng Thế Lữ, lúc đó đang là quan to trong văn nghệ?

Sáu tháng sau, Phong Hóa in bài thơ thứ nhì của Xuân Diệu: Nụ cười xuân (Phong Hóa 182, 10-4-36), lúc này Xuân Diệu đã về Huế học lớp tú tài II ở trường Khải Định với Huy Cận, bài này đi sâu hơn vào tình yêu nhục thể và xác định một lần nữa giác quan tân kỳ mở vào thiên nhiên của Xuân Diệu:

"Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao,

Cây vàng rung nắng, lá xôn xao;

Gió thơm phơ phất bay vô ý

Đem đụng cành mai với nhánh đào" (Phong Hóa số182, 10-4-36)

Câu: Đem đụng cành mai với nhánh đào rất táo bạo, sau được/bị sửa thành: Đem đụng cành mai sát nhánh đào. Chữ sát đã vô hiệu hoá hai chữ đem đụng và làm mất ý nghiã xác thịt. Chữ sát đã ám sát câu thơ; không thấy người ta nói Thế Lữ sửa.

Phong Hóa 185 (1-5-36) đăng bài thơ thứ ba của Xuân Diệu, bài Vì sao (sau đề tặng Đoàn Phú Tứ) nói lên những thắc mắc sâu sa của người thanh niên trước tình yêu, Xuân Diệu đi xa hơn nữa vào sự tây hoá, có những câu nổi tiếng:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghiã gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu…

Bốn câu thơ này rất nổi tiếng, nhưng nhiều người có thể làm được, chẳng cần đến sự tinh tế và nhạy cảm của Xuân Diệu.

Tóm lại, chỉ với ba bài thơ, Xuân Diệu đã xác định chỗ đứng của mình trên thi đàn: hoàn toàn mới lạ về tư tưởng, về chữ, về cách làm mới ngôn từ và tiếp cận thiên nhiên. Nhưng thơ tình của Xuân Diệu hay bị nhạt, vì ông không dám động đến những ý nghĩ không thể nói ra được, những cảm xúc chân thực của một người đồng tính, mà phải diễn tả tâm hồn dị tính của mọi người, nên trở thành giả tạo, đôi khi ông viết những câu vô duyên như:

"Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu"

hay:

"Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi"

Huy Cận

Ngày Nay Xuân 1938, số 96, (30- 1-38), đăng bài Cảm xúc của Xuân Diệu, đã rất nổi tiếng với những câu: "Là thi sĩ nghiã là run vói gió, Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…". Và bài Chiều xưa của Huy Cận, đó là bài thơ đầu tiên, người ta chưa biết Huy Cận là ai.

Tiếp theo là hai bài: Chiều xuânHọa điệu, cũng chưa có gì đặc biệt, phải đến bài thứ tư: Đẹp xưa trên Ngày Nay số 120 (24-7-38), nếu kết hợp với bài đầu tiên Chiều xưa, ta thấy Huy Cận đã tìm ra con đường nghệ thuật của mình[9]:

Chiều xưa:

Buồn gieo theo gió veo hồ,

Đèo cao, quán chật, bến đò lau thưa

Đồn xa quằn quại bóng cờ

Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về

Ngàn năm sực tỉnh, lê thê

Trên thành son nhạt. – Chiều tê cúi đầu…

Bờ tre rung động trống chầu

Tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan

Đêm mơ lay ánh trăng tàn

Hồn xưa gửi tiếng thời gian, trống dồn. (Ngày Nay số 96)

Đẹp xưa:

Ngập ngừng mép núi quanh co,

Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang…

Vi vu gió hút nẻo vàng

Một trời thu rộng mấy hàng mây nao…

Dừng cương, nghỉ ngựa non cao

Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon…

Đi rồi khuất ngựạ sau non

Nhỏ thưa tràng đạc[10], tiếng còn tịch liêu

Trơ vơ buồn lọt quán chiều

Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người. (Ngày Nay số 120)

Trong Chiều xưaĐẹp xưa, đã có đầy đủ hai yếu tố chính trong thơ Huy Cận: ông chọn không gian thơ Đường, thời xưa, ghép với nỗi buồn, hiện đại, lúc đó gọi spleen, theo lối Edgar Poe, Baudelaire, làm phông và nền cho thơ.

Cùng trong hoàn cảnh yêu người đồng tính như Xuân Diệu, nhưng Huy Cận thoát ra bằng thơ không gian, vũ trụ, và đã tạo được nỗi buồn của con người cô đơn, không thể giao tiếp niềm riêng của mình, cũng không thể chia sẻ, với ai, trong cõi trần.

Như thế Huy Cận đã tạo được nỗi sầu mới, sầu không gian, với lời thơ bay bổng, cao vời:

Sầu thu lên vút song song,

Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu

Non xanh ngây cả buổi chiều

Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia. (Thu rừng)

Chế Lan Viên

Chế Lan Viên được chính Khái Hưng giới thiệu trên Ngày Nay số 75 (5-9-37) với bài: Một thi sĩ Chàm Chế Lan Viên, với những lời như sau:

"Một hôm tôi đọc trong báo Tràng An, một bài phê bình thơ Chế Lan Viên với những đoạn thơ của tác giả trích ở tập "Điêu tàn".

Tôi rùng mình và cảm động vì tôi thấy ở trong thơ hết cả cái đau đớn, cái thảm sầu, cái ghê sợ của một nòi giống sắp tuyệt diệt, và tự biết mình sắp tuyệt diệt: giống Chiêm Thành.

Tôi tưởng ngay tới vua Chế Bồng Nga, một vua Chàm oanh liệt thời xưa: Hẳn ông Chế Lan Viên thuộc dòng dõi vua ấy".

Khái Hưng cho biết thêm: Những bài thơ của Chế Lan Viên ông nhận được đã lâu nhưng không đăng, chỉ khi tác giả viết thư cho biết, là tập thơ sắp in chứ chưa in, ông bèn cho đăng liền một lúc bốn bài: Hai đêm sầu não, Cái sọ người, Mơ trăng và Xương vỡ, máu trào…

Và trong hai số kế tiếp, hai bài nữa: Xuân về, số 76 (12-9-37) và Trên đường về, số 77 (19-9-37). Rồi ngừng.

Bốn bài thơ được giới thiệu trên Ngày Nay số 75, bài nào cũng có đoạn rất rùng rợn:

Vẳng đâu đây rùng rợn dưới trăng mờ

Tiếng xương người mạnh va sườn quách gỗ

Rùng rợn như tiếng vỡ sọ dừa ta (Hai đêm sầu não)

Này chiếc sọ người kia mi hỡi!

Dưới làn xương mỏnh mảnh của đầu mi

Mi nhớ gì tưởng gì trong đêm tối?

Mi trông mong ao ước những điều chi? (Cái sọ người)

Ai đổi đầu lâu trong nấm mộ

Tiếng khua vang rạn khớp đầu ta?

Có ai rên rỉ nơi thôn lạnh

Như tiếng xương người rên rỉ khô? (Mơ trăng)

Ta sẽ cắn lưỡi ta cho rỏ huyết

Phun lên nền xương trắng rợn hơi ma

Để thức tỉnh bao giác quan tê liệt

Sẽ truyền cho sức điện của hồn ta (Xương vỡ, máu trào)

Chỉ rặt đầu lâu và xương người, vậy mà không biết sao có thể làm cho Khái Hưng "rùng mình và cảm động thấy hết cả cái đau đớn, cái thảm sầu, cái ghê sợ của một nòi giống sắp tuyệt diệt". Kỳ thật. Rồi Hoài Thanh cũng rập theo Khái Hưng, khen lấy khen để.

Cả sự đang đăng, tự dưng dừng, cũng kỳ.

Hoàng Diệp giải thích:

"Hồi đó nhóm Tự Lực văn đoàn rất cẩn thận đến nghiêm khắc trong việc chọn các bài thơ, truyện để đăng trên tuần san Ngày Nay. Quyền ưu tiên hình như thuộc về đoàn viên trong nhóm. Nhiều độc giả của Ngày Nay rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy Khái Hưng giới thiệu thơ Chế Lan Viên một cách rất đầy đủ. Về sau, chúng tôi mới biết lý do. Khái Hưng đã lầm tưởng Chế Lan Viên là một người dòng dõi Chàm thật, có bà con hoặc liên hệ với Chế Bồng Nga vì Lan Viên quê quán ở thành Bình Định[11], thuộc phần đất của người Chàm thời trước. Mãi đến khi Khái Hưng biết chắc chắn Chế Lan Viên là một thi sĩ Việt mang bút hiệu người Chàm, thì trên tuần san Ngày Nay, người ta không thấy xuất hiện một dòng chữ nào nói về thi ca của Chế Lan Viên nữa".[12]

Việc này đúng vì Khái Hưng và Thạch Lam đều tuyệt đối chú ý đến sự thành thật của nhà văn. Khái Hưng viết: "Thành thực, đó là đức tính không có không được của nhà văn" (Tựa Gió đầu mùa của Thạch Lam). Thạch Lam viết trong Theo giòng: "Sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật. Có thể, nhưng một nhà văn không thành thực, không bao giờ trở nên môt nhà văn giá trị (…) Một đôi khi người khác có thể nhầm được, nhưng chính ta, ta không bao giờ nhầm cả. Và không có gì đáng bỉ cho một nhà văn hơn là mình tự dối mình".

Hàn Mặc Tử

Ngày Nay số 24 (6-9-36) đăng bài thơ Bẽn lẽn của Hàn Mặc Tử in nhầm tên là Hàn-Mạc-Nữ. Một bài thơ duy nhất. Rồi thôi.

Hàn Mặc Tử là trung tâm của bất hạnh, như ta đã biết.

Nhưng tại sao Ngày Nay có trách nhiệm vào bi kịch này?

Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan, thường dựa vào sự đánh giá của Tự Lực văn đoàn, để định vị các nhà văn, nhà thơ. Hàn Mặc Tử ngày ấy, là một vì sao khuất. Hàn không được Tự Lực văn đoàn in thơ (một bài Bẽn lẽn, in nhầm thành tên con gái Hàn-Mạc-Nữ) không ai chú ý.

Hàn không được giải thơ Tự Lực văn đoàn. Tập Gái quê, in năm 1936 là một khai phá với những bài thơ mới lạ về ý cũng như về lời như: Nụ cười, Tình quê, Bẽn lẽn, Uống trăng… nhưng vẫn bị Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh đánh giá rất thấp. Tập thơ sau, Đau Thương có thân phận như tên gọi của nó, sẽ bị người ta đánh mất.

Nay ta có thể chắc chắn rằng: vì Hàn Mặc Tử không được Tự Lực văn đoàn giới thiệu, nên bị hai nhà phê bình lớn coi thường, Vũ Ngọc Phan viết:

"Cũng như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ luôn luôn ca ngợi ái tình, nhưng cái quan niệm về tình yêu của của Hàn Mạc Tử không được thanh cao như của Thế Lữ. Cái tình yêu của Hàn Mặc Tử tuy diễn ra trong tập Gái quê còn ngập ngừng… nhưng đã bắt đầu nghiêng về xác thịt:

…Ống quần vo xắn lên đầu gối,

Da thịt trời ơi! trắng rợn mình…. (…)

Đến bài Hát giã gạo (Gái Quê, trang 31) của ông thì lời suồng sã quá, thứ tình yêu ở đây đặc vật chất, làm cho người ta phải lợm giọng"[13]

Chẳng biết trong bài Hát giã gạo, Hàn Mặc Tử viết gì mà bị họ Vũ chê là "lợm giọng", đến nỗi trong các bản in sau, bài này bị xoá sổ.

Còn Hoài Thanh xếp Hàn Mặc Tử đứng áp chót trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam. Thế Lữ đứng đầu, dĩ nhiên. Hoài Thanh phê Gái quê như sau:

"Gái quê- Nhiều bài có thể là của ai cũng được" Tức là xoàng. "Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị" Tức vẫn xoàng. "Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào trong khung cảnh những vườn tre, những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi"[14] Tức là đồi trụy.

Tóm lại cả hai nhà phê bình lớn đều dị ứng với thơ Hàn Mặc Tử.

Sau tập Gái quê, Hàn muốn in Đau thương, tác phẩm chính của Hàn. Hoàng Diệp, một trong những người bạn thân của Tử, thuộc nhóm Trường Thơ Loạn ở Quy Nhơn, kể lại:

"Thi phẩm Gái quê xuất bản năm 1936.

Suốt ba năm kế tiếp 1937, 1938 và 1939, ngoài sự sáng tác Hàn Mặc Tử phải mất nhiều thì giờ trong việc kiếm tìm lại tất cả những bài thơ chàng làm, để chuẩn bị việc ấn hành. Chàng viết thơ đến các ấn quán, các nhà xuất bản trong nước, mặc cả và nêu lên những điều kiện in sách (…)

Chế Lan Viên và tôi xuất bản các tập Điêu Tàn và Xác Thu[15] trong những điều kiện kinh tế thật ngặt nghèo. Do đó, chúng ta cũng có thể biết được tình trạng gia cảnh của Hàn Mặc Tử lúc bấy giờ ra sao.

Hàn Mặc Tử hoàn toàn thất vọng trong công việc in thơ chàng. Cuối cùng Thế Lữ xuất hiện và hứa giúp chàng hoàn thành việc ấy. Thế Lữ là một thi sĩ có danh vọng bậc nhất, thuộc nhóm Tự Lực văn đoàn ở Hà Nội (…) Hơn nữa, thơ Hàn Mặc Tử (bài Bẽn lẽn) đã được chọn đăng trên báo Ngày Nay (…) Sau nhiều ngày theo dõi, thúc giục, Hàn Mặc Tử nhận được tin đầy tang tóc kết thúc công việc in thơ chàng. Thế Lữ vừa cho chàng biết rằng trên một chuyến tàu xuôi về Hải Phòng, tập thơ của chàng đã bị bỏ quên và không tìm lại được nữa".[16]

Việc bỏ quên bản thảo của người nhờ mình in thơ, phải hiểu như thế nào? Lúc đó chưa có photocopie. Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi.

Hàn Mặc Tử mất tại Tuy Hòa ngày 11-11-1940. 28 tuổi.

Trong một thư gửi cho Bích Khê, lúc ấy đang bị lao nặng, Tử viết:

"Bích Khê ơi! Bao giờ thì chết. Tôi cũng đang chết đây nhưng vẫn thản nhiên lắm. Tôi mong anh sống đã, sống để đọc tập thơ Đau thương của tôi trước khi chết". Thư viết 1938. Nhưng 1940 thì Tử không còn."[17]

Vậy năm 1938, Tử vẫn còn hy vọng Thế Lữ sẽ in Đau thương cho ông.

Nhiều bài thơ Tử tặng cho người bán quán trong bệnh viện cùi Qui Hòa, hay cho Tử uống trà ăn kẹo. Khi Trần Thanh Mại đi tìm tài liệu, mới hay, sau khi Tử chết, người ấy đem thơ ra gói kẹo, một số tờ khác phải nhặt ra từ thùng xia.

Trần Thanh Mại, dùng tư liệu của Trần Thanh Địch (em ông) và Trần Tái Phùng (cháu ông) cả hai đều là bạn thân của Hàn, viết cuốn sách đầu tiên về Hàn Mặc Tử. Quách Tấn, người đã giúp đỡ tiền bạc để Hàn chữa bệnh, sau khi Hàn mất, được gia đình giao phó việc in thơ.

Sách Trần Thanh Mại ra đời tháng 2 năm 1942. Quách Tấn kiện. Vụ kiện xảy ra ở Huế, do Nguyễn Tiến Lãng, Phủ doãn Thừa Thiên, xử. Nguyễn Tiến Lãng dàn xếp khéo léo, mọi việc êm đẹp.

Nhưng Quách Tấn đã không làm được việc in thơ Hàn Mặc Tử. Khi chiến tranh xảy ra, ông đánh mất hết toàn bộ bút tích bản thảo của Hàn. Nhờ tác phẩm của Trần Thanh Mại, mà những phần hay nhất trong thơ Hàn được phổ biến từ 1942.

Năm 1942, có Tập Thơ Hàn Mạc Tử do Quách Tấn và Chế Lan Viên sưu tập, Đông Phương xuất bản tại Sài Gòn. 1959 Tân Việt tái bản, nhưng vẫn còn thiếu nhiều.

Năm 1987, nhờ chế độ đổi mới, Chế Lan Viên sưu tập lại và viết bài tựa cho Tuyển tập Hàn Mạc Tử, (nxb Văn học Hà Nội). Tuyển tập này đầy đủ hơn những tập thơ trước, gồm một số thơ Đường luật, và trích các tập thơ Gái quê, Đau thương, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Chơi giữ mùa trăng. Nên có thể nói Chế Lan Viên là người đã có công lớn trong việc sưu tầm và giới thiệu thơ Hàn Mặc Tử, nhất là ông đã ghi lại được hai câu tuyệt bút của Hàn, làm từ khi chưa bị bệnh, không tìm thấy ở đâu:

Mở cửa nhìn trăng trăng tái mặt

Khép phòng đốt nến, nến rơi châu

Hàn Mặc Tử là một trong những người đầu tiên bước vào thơ mới, nhưng ta không thể gọi thơ Hàn là thơ mới, mà thơ Hàn là thơ, đơn giản là thơ, chỉ là thơ.

Ngày 11-10-1931, trên Thực Nghiệp Dân Báo có in ba bài thơ Đường luật, tựa đề: Chùa hoang, Gái ở chùa Thức khuya, ký tên P.T (Quy Nhơn), đã báo hiệu một phong cách thơ hoàn toàn mới, với hai yếu tố chính: nhục cảmthân xác, gần như cấm kỵ thời ấy.

Chùa không sư tụng cảnh buồn teo

Xác Phật còn đây, chuỗi phật đâu? (Chùa hoang)

Hai câu thơ này gây sốc: Chùa hoang, chùa không sư, gợi sự hoang vu, hoang đàng, tội lỗi. Bài thơ tả cảnh chùa như một lầu xanh vắng khách. Xác Phật gợi án mạng, một sự phạm thượng ghê gớm. (Tuyển tập sửa thành Cốt Phật, người sửa thật chẳng hiểu gì!)

Bài Thức khuya (tuyển tập đổi tên thành Đêm không ngủ, chả biết ai sửa mà dở thế, chắc Quách Tấn, vì thơ Quách Tấn cổ mà không hay), có hai câu bất hủ:

Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn

Hai câu tiêu biểu cho cách dùng chữ trong thơ Hàn (tuyển tập sửa rờ rẫm thành sờ sẫm, vẫn sửa dở hơn: rờ rẫm có độ gồ ghề, sexy hơn sờ sẫm).

Hàn tả cảnh: trăng leo song vào rờ rẫm gối. Gió lọt vào cửa cọ mài chăn. Đủ bộ: gió, trăng, chăn, gối, rờ rẫm, cọ mài. Chỉ với tám chữ, Hàn đã để lộ trái cấm trong thơ qua hai câu tuyệt bút xác định quan niệm nhục thể chưa từng có trong thơ Việt.

Bài Bẽn lẽn, in trên Ngày Nay số 24 (6-9-36), càng lộ rõ hơn:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

Hoa lá ngây tình không muốn động

Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!

Trong khóm vi lau rào rạt mãi

Tiếng lòng ai nói? sao im đi?

Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe…

Vô tình để gió hôn lên má

Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm…

Em sợ lang quân em biết được

Nghi ngờ tới cái tiết trinh em (Bẽn lẽn).

Sự cám dỗ xác thịt, lần đầu tiên được lột trần, nằm khoả thân trong thơ. Thơ của một người hình như vẫn còn trinh nguyên đến chết, vì người ấy viết: Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ?

Và người ấy cũng là nhà thơ lớn nhất vượt lên trên tất cả các bạn đồng hành, vì không ai xử dụng tiếng Việt như Hàn, không ai đi đến tận cùng mọi ngả đau-thương-chữ, cho đến giây phút cuối như Hàn:

Máu đã khô rồi thơ cũng khô

Tình ta chết yểu tự bao giờ

Từ nay trong gió – trong mây gió

Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ (Trút linh hồn).

Thơ Hàn Mặc Tử không thể vài dòng mà nói hết được.

Bài này mục đích nêu lên cái công của Tự Lực văn đoàn trong việc giới thiệu và phổ biến thơ mới. Nhưng đồng thời cũng muốn nói rằng Tự Lực văn đoàn sẽ phải gánh chịu cái "tội" của mình. Ở đây là tội vô tình đối với một tài năng lớn của thi ca, dù chỉ do một thành viên vi phạm.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Con người vơ vẩn Tặng Trần Bình Lộc, Phong Hóa số 31, 24-1-33; Lựa tiếng đàn, số 37, 10-3-33; Người phóng đãng, số 42, 14-4-33; Tiếng chuông chùa, số 44, 28-4-33; Trước cảnh cao rộng, số 54, 7-7-33; Hồ xuân và thiếu nữ, số 55, 14-7-33; Hoài Xuân, số 57, 28-7-33; Miả mai, số 59, 11-8-33; Tiếng trúc tuyệt vời, số 69, 20-10-33; Mộng ảnh, số 70, 27-10-33; Tình bâng khuâng, số 73, 17-11-33; Nhan sắc, số 76, 8-12-33; Tiếng gọi bên sông, số 77, 15-12-33; Bông hoa rừng, số 79, 29-12-33; Mấy vần thơ ngây, số 81, 12-1-34; Hổ nhớ rừng, số 95, 27-4-34; Bóng mây buồn I, II, III, số 100, 1-6-34, 101, 102; Một giấc mơ dữ dội, số 103, 22-6-34. Bên sông đưa khách, số 112, 24-8-34.

[2] Theo bản Phong Hóa, sau này in thành sách sẽ sửa lại là: Trong giây phút lạnh lùng tê tái ấy. Hay hơn.

[3] Đứa trẻ ăn mày (Phong Hóa số 50, 9-6-33), Cô hàng bán lá xim (Phong Hóa số 98, 18-5-34), Chiêu Quân (số 105, 6-7-34), Lòng thương (số 108, 26-7-34) Thân tàn ma dại (số 111, 18-8-34), Ngày khai trường (số 114, 7-9-34) và Tiếng hát ru (số 115, 14-9-34).

[4] Quần lá tọa là quần thắt bằng dây ngoài để cạp xòe xuống.

[5] Hôm nay ngày khai trường / Ngoài phố vui như hội / Rộn rã trên vệ đường / Tiếng guốc giày inh ỏi … (Phong Hóa số 114, 7-9-34).

[6] Sống (Phong Hóa số 62, 1-9-33), Vọng hương ca (số 63, 8-9-33), Cùng mặt trời (số 65, 22-9-33) Nguyễn DuRạng đông rồi (số 66, 29-9-33), Ngày xuân (số 96, 4-5-34), Tiếng rừng (số 106, 13-7-34), Tiếng hát buổi chiều (số 107, 20-7-34) Tiếng họa mi ca (số 120, 19-10-34), Chiều hôm qua (số 121, 26-10-34) Nhớ không (số 124, 16-11-34).

[7] Với bàn tay ấy (Phong Hóa số 158, 18-10-35), Nụ cười xuân (Phong Hóa số 182, 10-4-36) và Vì sao (Phong Hóa số 185, 1-5-36).

[8] Hoàng Trung Thông, trong Lời giới thiệu Tuyển tập Xuân Diệu I; thơ, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1986, trang 17.

[9] Những bài thơ đầu của Huy Cận trên Ngày Nay: Chiều xưa, Ngày Nay số 96, (30- 1-38), Chiều xuân, số 102 (20-3-38), Họa điệu, số 107 (24-4-38), Đẹp xưa, số 120 (24-7-38), Trông lên, số 121 (31-7-38), Tắm giòng người, số 122 (7-8-38) Nhớ hờ, số 123 (14-8-38), Lời dịu số 124 (21-8-38); Đi giữa đường thơm, số 127 (11-9-38), Hối hận số 36 (12-11-38).

[10] Đạc: lục lạc nơi cổ ngựa, chú thích của tác giả.

[11] Thành Bình Định là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Định lúc bấy giờ ở cách Quy Nhơn 18 cây số, về phiá Bắc.

[12] Hoàng Diệp, Vụ kiện trích thơ Hàn Mặc Tử trong cuốn Hàn Mặc Tử của Hoàng Diệp, nhà sách Khai Trí xuất bàn, Sài Gòn, không đề năm, in lại trong Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay, Vương Trí Nhàn biên soạn, Nxb Hội Nhà Văn, 1996, trang 485-499

[13] Nhà Văn hiện đại, trang 762-763.

[14] Thi nhân Việt Nam, trang 205-206.

[15] Xác thu của Hoàng Diệp do Hàn Mặc Tử viết tựa.

[16] Hoàng Diệp, Vụ kiện trích thơ Hàn Mặc Tử trong cuốn Hàn Mặc Tử của Hoàng Diệp, nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, không đề năm, in lại trong Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay, Vương Trí Nhàn biên soạn, Nxb Hội Nhà Văn, 1996, trang 485-499.

[17] Theo Lời giới thiệu của Chế Lan Viên, tuyển tập Hàn Mặc Tử, nxb Văn Học, Hà Nội, 1987, trang 15.

Nguồn: Văn Việt