Friday, April 9, 2021

1984. NGUYÊN MINH Dòng đời



Chỉ còn vài tháng nữa thôi. Tháng Sáu. Tôi tròn 80 tuổi. Cách xưng hô mọi người quanh tôi đã khác trước. Không còn mỗi lần gặp tôi, gật đầu thốt lên: Chào Anh. Rồi: Chào Chú. Rồi: Chào Bác. Bây giờ: Thưa Cụ. Tôi đâm ra buồn. Ngẩn ngơ.

May mà, tôi còn tập san Quán Văn, nơi đó chúng tôi không có ranh giới về tuổi tác. Người tám  mươi bên cạnh kẻ ba mươi xem như là anh em. Coi như người đi trước với người đi sau vào con đường văn chương. Với thời gian, giá trị tác phẩm của họ, không thể phân biệt tuổi tác. Có người còn trẻ mới sáng tác một vài bài thơ, một tản văn, một truyện ngắn có thể làm người đọc cảm nhận sâu sắc hơn.

Mỗi lần Quán Văn ra mắt sách tại một quán cà phê, anh em trong nhóm đều mừng tôi xuống đi một  tuổi.  Mới đó mà Quán Văn chuẩn bị đến tháng Mười năm nay 2021 tròn mười năm. 79 số báo Quán Văn trong mắt anh em tôi thành người không tuổi. Tôi vui mừng với ý nghĩ đó. Như vậy trong văn chương tuổi tác ngoài đời không còn ý nghĩa.

Với thời gian, thể xác của tôi có sự thay đổi như mọi người khác, thể lực bị giảm sút. Nhưng tâm hồn tôi như đứng nguyên một chỗ. Vẫn yêu đời. Vẫn yêu người. Vẫn bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa. Quan trọng hơn hết là trong tôi vẫn còn ấp ủ những ước mơ phải thực hiện tập san Quán Văn về nội dung cũng như hình thức càng lúc càng giá trị hơn. Như tôi đã hứa trước mặt mọi người trong những buổi ra mắt Quán Văn tôi sẽ thực hiện tập san này đến số tròn một trăm. Theo dự tính mỗi năm chúng tôi sẽ làm 10 số. Nhưng thực tế chỉ có năm 2019 Quán Văn ra đúng số báo như dự định. Những năm khác  vì tôi vắng mặt ở Sài Gòn để qua Mỹ thăm gia đình mấy anh chị em của tôi, nhất là người chị ngày xưa đã từng thương yêu tôi, lập cả một nhà in hiện đại, tạo điều kiện cho chúng tôi làm tòa soạn và in ấn cho tạp chí văn học và nhà xuất bản mang tên Ý Thức. Vài lần như thế. Vài tháng vắng mặt, Quán Văn đành đình bản vài số. Cũng như chúng tôi gồm có vợ chồng Trương Văn Dân, vợ chồng Cao Quảng Văn, Chu Trầm Nguyên Minh và tôi qua Pháp. Tại đây, ở nhà bác sĩ Nguyễn Chí Thiện, một buổi giao lưu với một số nhà văn  tiêu biểu như Chinh Ba, Kiệt Tấn, Đặng Tiến, Từ Vũ… Và giới thiệu về các số Quán Văn mà chúng tôi mang theo. Năm đó Quán Văn cũng tạm vắng một vài số. Quan trọng hơn hết, năm 2010, toàn thế giới tất cả mọi việc đều ngừng trệ, Quán Văn cũng thế. Chỉ ra được 4 số. Bây giờ, năm 2021, tháng 4 này Quán Văn cũng  trễ đi 2 số.

Trong mùa dịch Covid từ năm 2020, riêng tôi đã mất mát rất nhiều những bạn bè và người thân. Họ đã vĩnh biệt cuộc đời, ra đi vĩnh viễn. Nguyễn Dương Quang, Mang Viên Long, Võ Chân Cữu, Nguyễn Lương Vỵ. Họ đã từng sát cánh với Quán Văn. Chúng tôi đã làm chân dung văn học, giới thiệu nhà văn Mang Viên Long, nhà văn Võ Chân Cữu, nhà thơ Nguyễn Dương Quang. Riêng Nguyễn Lương Vỵ, tôi có hứa  khi ngồi uống cà phê với Du Tử Lê, Đặng Phú Phong tại Mỹ, Quán Văn sẽ làm chân dung văn học về anh.  Trong buổi ra mắt Quán Văn số 78, Võ Chân Cữu có nhắc lại dự định đó. Rất tiếc tôi chưa thực hiện được thì cả hai anh đều bỏ cuộc chơi về nơi vĩnh hằng.

Tôi còn mất mát một người em mà tôi yêu quí. Người ấy, anh em trong Quán Văn đều biết đến. Cả trong giới họa sĩ trong nước và hải ngoại. Đó là nhà sưu tập tranh: Nguyễn Chí Sơn. Trong lần ra mắt Quán Văn, chủ đề Dòng sông trong trí nhớ đã tổ chức tại Galery Ngọc Trân của gia đình Sơn ở Phan Rang, trước mặt anh em trong nhóm Quán Văn và quan khách, Sơn đã cám ơn tôi, một người anh ruột thịt đã dẫn dắt anh vào con đường say mê nghệ thuật, và giới thiệu cho Sơn sưu tập tranh của các họa sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ trước như Đinh Cường, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Rừng…

Thật sự, từ thuở nhỏ tôi đã thấm vào tâm hồn non nớt của mình về những bức tranh của những họa sĩ thế giới như Renoir, Van Gog mà ba tôi cắt từ một tạp chí nước ngoài, lồng kính treo  trên vách tường ở phòng khách. Lớn lên, trong cơn lụt kinh hoàng năm Thìn đã làm hoen ố. Khi tôi mở nhà sách Tiếng Việt, thay thế vào đó được treo những bức tranh sơn dầu của vài họa sĩ tôi quen biết. Nguyễn Chí Sơn lúc ấy là cậu thiếu niên thay tôi chăm sóc nhà sách mỗi lần tôi vắng mặt phải vào Sài Gòn làm báo. Chính ba tôi đã làm tôi biết thưởng thức tranh hội họa. Chính tôi truyền đạt nỗi đam mê màu sắc nơi những bức tranh, nên có dịp sau này Nguyễn Chí Sơn kinh doanh nhà sách làm ăn giàu có, Sơn bỏ ra rất nhiều tiền lên tới bạc tỷ, sưu tập cả hàng trăm bức tranh giá trị. Tập san Quán Văn được in ra từ những chiếc máy in do Nguyễn Chí Sơn tài trợ cho người anh suốt đời mê văn chương và in ấn.

Một buổi sáng sớm tôi còn đang ngái ngủ, chuông điện thoại báo gọi. Tôi cứ tưởng mình còn trong giấc mơ. Giọng ai hốt hoảng: Chú Sơn chết rồi! Tôi bàng hoàng. Tôi như người rớt xuống vực sâu thăm thẳm. Lơ  lửng giữa không trung. Hoàn hồn tôi mới gọi báo tin cho vợ con tôi, kịp thuê xe về Phan Rang để phụ lo đám tang người em mà tôi hằng thương yêu. Đến giờ này, khi viết những dòng chữ này tôi cũng chưa nghĩ là Sơn đã chết, Sơn vẫn còn đang sống bên cạnh vợ con mình. Thôi vĩnh biệt.

Còn tôi, vẫn tiếp tục cuộc chơi dù với tuổi tác già nua, không biết lúc nào mình sẽ ra đi vĩnh viễn như họ. Hãy sống tận cùng với dòng đời. Có những lúc tôi cũng mệt mỏi vì những chuyện không đâu. Muốn ngừng làm tập san Quán Văn. Tránh đi những mất mát đáng ra không xảy đến với vài anh em trong nhóm. May mà, tình cờ mở điện thoại thấy trên facebook đăng lại những hình ảnh Chu Trầm Nguyên Minh cùng tôi, Hoàng Kim Oanh, Đoàn Văn Khánh và vợ chồng Trương Văn Dân. Cả những bàn tay đưa ra nắm chặt lấy nhau. Tôi giật mình nhớ lại khi ấy Chu Trầm Nguyên Minh đang nằm trên giường bệnh, anh nói với chúng tôi: Quán Văn phải trường tồn.

Vài tháng sau đó, Chu Trầm Nguyên Minh trút hơi thở cuối cùng, bỏ anh em chúng tôi, ra đi vĩnh viễn. Trước linh  cữu của anh, tôi đã nguyện cầu: Chu  Trầm Nguyên Minh ơi, hãy phù hộ cho chúng tôi tiếp tục làm Quán Văn ít nhất là đến số 100. Trước mặt mọi người tôi thốt lên: Tôi cùng anh em Quán Văn xin hứa sẽ thực hiện như ước nguyện của anh.

Hình như trong lúc tôi buồn chán, Chu Trầm Nguyên Minh nhắc nhở lại tôi còn nợ một lời hứa. Anh như đòi tôi phải trả. Đó là nguồn lực để tôi tiếp tục làm tập  san Quán Văn. Một động cơ khác thúc đẩy tôi, phát xuất từ một người còn sống ở một đất nước bên kia nửa địa cầu, đã gởi về tặng tôi tạp chí Thư Quán Bản Thảo mới xuất bản. Trong một hoàn cảnh bị cách ly bởi dịch Covid, hơn  nữa đã mấy năm trường Trần Hoài Thư sống một mình trong ngôi nhà biệt lập mà hàng xóm toàn người không phải dân Việt Nam, hằng ngày hai buổi phải vào  viện dưỡng lão thăm viếng người bạn đời đã bị đột quỵ đang nằm một chỗ trên giường bệnh. Đã vậy, Trần Hoài Thư vừa bị đột quỵ nhẹ, một cánh tay gần như ngừng hoạt động, đôi chân yếu, anh phải ngồi xe lăn. Tấm hình đăng sau bìa tập thơ Cảm Tạ Văn Chương của anh: Cả hai vợ chồng đều ngồi trên chiếc xe lăn, hai mái đầu tóc bạc phơ, hai thân hình ốm o gầy đét, miệng lại mang khẩu trang, đối diện với nhau một khoảng cách theo qui định hai mét. Tôi không cầm được nước mắt. Bạn bè, nhất là trong giới văn học đều lên trang mạng cầu chúc cho anh mau bình phục. Cơ may nào đến anh, cũng như một động lực nào anh cương trì thoát cơn hoạn nạn. Nhớ đến những ngày tôi qua Mỹ lần đầu tiên, tôi ở nhà anh cả tuần lễ. Cả hai chúng tôi khoe nhau về hai tập san văn học, Quán Văn và Thư Quán Bản Thảo tuy ở hai đất nước khác nhau nhưng có chung một con đường là phát huy một nền văn học Việt Nam đầy tính nhân văn, và đưa tư liệu về văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 như một bảo tồn văn học cho một đất nước đã toàn vẹn lãnh thổ. Thế mà chỉ vài tháng sau, anh vẫn ra tiếp tục  làm Thư Quán Bản Thảo. Hằng ngày anh tập gõ chữ lên bàn  phím. Tập đứng cho vững để điều khiển mấy cái máy in, cùng gồng mình lấy sức xuống cần máy xén sách bằng tay. Còn cái đầu, bộ óc phải suy nghĩ để phát ra thành những con chữ trên trang giấy. Văn chương đã làm anh bừng dậy. Huống hồ chi tôi, bên cạnh còn có nhiều anh em cùng nhau xây dựng nên tập san Quán Văn. Thì làm sao tôi có thể để Quán Văn ngừng cuộc chơi văn chương.

Thật sự, văn chương đã làm tâm hồn tôi vươn tới cái đẹp. Quán Văn trong chín năm qua đã qui tụ được nhiều cây bút  trong nước và hải ngoại, có chung một con đường là vực dậy một nền văn học tôn vinh Chân-Thiện-Mỹ. Bên cạnh tờ báo chúng tôi còn có một gia đình Quán Văn. Ở đó, qua những ngày đi giao lưu ở các tỉnh thành trong nước chúng tôi đã tạo thành những gắn bó tình cảm thân thương. Và quí hơn hết là những buổi tập dượt văn nghệ, hát hò ở nhà Nguyên Cẩn. Tôi ngồi ở một góc phòng nhìn mấy anh chị em mà tuổi tác đã lên ông bà nội ngoại nhưng họ quên mất, trở về thời gian xa xưa bằng cách cất tiếng hát những bản nhạc của một thời vàng son. Trong tôi, bỗng hiện về những kỷ niệm thời thơ ấu mà tôi tưởng chừng đã chìm mất ở tận cùng ý thức. Những khuôn mặt trẻ thơ từng cô bé ngày ấy trong đoàn ca kịch tự phát mà tôi đã viết thành truyện dài thiếu niên mang tên Đám Tang Đa Đa, Giờ thì họ xiêu bạt nơi đâu. Thuở ấy tôi ước mơ, lớn lên tôi sẽ qui tụ những khuôn mặt ấy thành một đoàn ca nhạc lưu diễn khắp nơi trên đất nước như đoàn Xuân Thu.

Tôi dễ xúc động, trào ra nước mắt, uất nghẹn dâng lên mỗi lần nghe những bản nhạc buồn. Như những mũi kim châm vào tim mình. Dù bất kỳ ở nơi đâu. Như hôm nay, tại điền trang Bình An trong chuyến đi an dưỡng do Nguyễn Trọng Hiệp, người bạn đọc Quán Văn, trẻ tuổi, tổ chức. Khách mời gồm có Nguyên Minh, vợ chồng Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh, vợ chồng Đoàn Văn Khánh – Kim, Quách Mạnh Kha, Hoài Huyền Thanh, Quang Đặng và Hoàng Kim Oanh. Coi như một chuyến du xuân. Từ chiếc Akai phát ra những bản nhạc xưa, tiếng hát của những danh ca một thời vàng son, tiếng đàn dương cầm, vĩ  cầm réo rắt, tất cả âm thanh đó đã đưa tôi về một không gian khác, một thời gian thuở xa xưa. Tôi đắm chìm trong đó. Giọng hát cao vút, chậm rãi từng lời: Nhớ tới đêm đầy ánh sáng. Hương trong gió tràn miên man. Bỗng dưng tôi thốt lên: Giáo đường  im bóng. Nước mắt tôi tuôn tràn. Trong màn lệ rơi như có bóng ai hiện về. Người nữ tu, trước đó là một cô gái ngây thơ 15 tuổi đã mở đầu tình cảm cho thằng trai mới lớn.

Điền trang Bình An cách xa Sài Gòn khoảng 50 cây số, tọa lạc trong khu rừng cao su, bên cạnh một dòng suối. Trong cái không khí trong lành, yên tĩnh của nông thôn đã làm tôi trút bỏ hết những phiền muộn từ một ai đó vừa làm tổn thương tôi.

Quanh lò lửa hồng, phía dưới con suối cạn nước chảy róc rách, ánh trăng non lưỡi liềm gắn trên bầu trời tối om. Gió từ khu rừng trước mặt thổi qua, mát rười rượi. Chúng tôi bàn đến những dự tính cho Quán Văn trong những ngày sắp tới tránh những khuyết điểm đã xảy ra. Để khỏi dẫm chân lên nhau. Sửa lỗi bản in chỉ một mình Đoàn Văn Khánh như từ số 001 ban đầu cho tới nhiều số kế tiếp. Bìa lấy từ tranh của nhà sưu tập Nguyễn Chí Sơn.

Quán Văn từ số 1 đến số 12, phần trình bày đều do Nguyễn Hòa VCV phụ trách cho đến khi anh bị đột quỵ. Sau đó là Nguyễn Sông Ba. Bây giờ Nguyên Minh kiêm luôn. Sau này không biết là ai đây.

Nội dung Quán Văn cũng phải nâng lên về sáng tác, nghiên cứu văn học, bổ sung thêm phần âm nhạc, hội họa, đưa vào nhiều tư liệu văn học, để làm giàu văn chương Việt Nam.

Như thế tôi rất cần người phụ tá thường trực giúp đỡ mọi mặt với tôi.

Phải không.

Đoàn Văn Khánh

Phải không.

Hoàng Kim Oanh.

Cùng sự tiếp tay tích cực của:

Các anh chị em đã từng sát cánh cộng tác với tập san Quán Văn từ xưa đến nay, cũng như các Bạn viết mới. Và sự ủng hộ nồng nhiệt của bạn đọc khắp nơi.


NGUYÊN MINH

23/2/2021