Thôi cái chữ này rồi cũng hết,
Mà con người ấy sống còn dai.
Nguyễn
Can Mộng, Thức Đêm
Tuần cuối cùng năm Canh Tý – có lẽ là
vài hôm trước Trừ tịch – tôi nhận được cuộc gọi từ nhà văn Nguyễn Minh Nữu. Vốn
trước hôm ấy tôi không hề quen biết Nguyễn Minh Nữu, dù sau cuộc gọi đó tra lại
thì phát hiện ra hai người đã cùng có bài viết đăng trong Thư Quán Bản Thảo
số 89 tháng 6 năm 2020 chủ đề “Văn chương trong mùa đại dịch”. Anh Nữu kể đã biết
đến tôi qua Thư Quán Bản Thảo số 91 tháng 1 năm 2021 chủ đề “Đầu xuân lộc
mới – Giới thiệu một người viết trẻ hải ngoại Việt Thạch Nguyễn Thụy Đan”. Hai
người chuyện trò hồi lâu về cách luật và thể loại thơ cổ điển, về thơ miền Nam thời chiến, về cuộc sống và lai lịch nhau. Kịp lúc anh Nữu kể ông cụ thân sinh
nguyên là phó bảng Nguyễn Can Mộng 阮玕夢 (1880 – 1954), tôi
chợt thốt lên:
- “À, à,
Nguyễn Can Mộng. Em có biết tên cụ. Hình như có bài đăng trên Nam
Phong Tạp Chí. Có cả tác phẩm quốc âm lẫn Hán thì phải.”
Anh
Nữu bảo:
- “Đúng, đúng. Có cả Hán lẫn quốc ngữ.”
Trước khi cúp điện thoại, anh Nữu đã ân cần ngỏ hậu ý gửi tặng tôi cuốn Nông Sơn toàn tập 農山全集, là di thư của cụ Bảng Mộng do con
cháu soạn lại và xuất bản
ở hải nội. Kỳ thực, sau khi
cúp điện thoại, ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra tôi đã có chút nhầm lẫn – trước kia tôi có
đọc Nguyễn Can Mộng, nhưng không phải trong Nam
Phong tạp chí 南風雜誌. Chính ra là trong cuốn Văn Đàn Bảo
Giám 文壇寶鑑. Tôi bị lẫn lộn tên Nông Sơn 農山 (tên hiệu cụ Bảng Mộng), với tên Thạch Nông 石農. Vốn trong mục Hán văn của tờ Nam Phong có
vài số đăng thơ từ Thạch Nông thi tập 石農詩集,
trong đấy tôi nhớ duy nhất một câu, đến nay vẫn thường ngâm nga một mình:
Tao khách vô
tình đạm khứ lưu
騷 客 無 情 淡 去 留
Vụng
dịch sáu tám:
Lạnh lùng thay gã làng thơ,
Ở, đi đôi ngả hững hờ cả hai.
Nhận được Nông Sơn toàn tập, tôi
đọc liền một hơi Ngạn ngữ phong dao, Lịch sử Bắc Kỳ, và Nông
Sơn thi tập. Sự nghiệp học thuật và tinh túy văn chương của Nguyễn Can Mộng,
đúng ra tôi phải dành riêng một – hoặc nhiều – bài khác để phân tích cho xứng đáng với tài hoa của ngài. Ở đây nói tóm tắt vài ý. Thi ca của Nguyễn Can Mộng, tôi cho rằng xứng đáng để tặng
bốn chữ hàn hoa
vãn tiết 寒花晚節của thi đàn cổ điển. Đặc biệt, là thi
đàn cổ điển của đất Bắc Hà kéo dài từ thời Lê trung hưng cho đến thế hệ giao thời
của ngài. Đọc kỹ và ngoạn vị Nông Sơn thi tập, cũng giúp cho tôi có dăm
ba ý tưởng mới về tiềm năng và tính khả thi của thơ quốc âm trong bối cảnh
đương đại. Tôi thú vị ở chỗ, đọc Nguyễn Can Mộng càng thấy sự tinh mắt của Hoài
Thanh Hoài Chân khi chọn tôn vinh Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu làm tiên phong của
phong trào Thơ Mới – Nguyễn Can Mộng và Tản Đà cùng thế hệ với nhau, thi ca hai
người tuy cùng thuộc thể cách cổ điển, song chúng ta tìm thấy nơi thi cảnh Nguyễn
Can Mộng một thế giới thuần cổ điển, không phải người đích thân ra đền vào các,
duyệt lịch thăng trầm hoạn hải, khó có thể đạt tới cảnh giới ấy. Thơ Tản Đà thể
cách tuy cổ, nhưng phong cốt đã có một chuyển biến nào đó khiến cho ý cảnh đổi
hướng dần về Thơ Mới.
Những năm qua mỗi lần có người nhờ tôi giới
thiệu giáo trình để nhập môn Hán văn, thường tôi đề nghị giáo trình Hán Việt tân khóa bản 漢越新課本của Lê Thước
và Nguyễn Hiệt Chi. Kỳ thực, cứ ý tôi thì
giáo trình nào cũng được – cốt là ở phương pháp sư phạm của người thầy (nếu có thầy) và ý chí
cầu tiến của người học. Hán văn có một từ rất hay để nói ý chí này – tật học 疾學. Tật 疾, tức là cấp tốc, mãnh liệt. Cũng có nghĩa là ưu hoạn,
bệnh tật. Nói tật học tức là nỗ lực học tập, trong Lã thị Xuân Thu
呂氏春秋 có câu: “Thánh nhân sinh ra bởi tật học. Không tật
học mà có thể làm cao sĩ danh nhân, chưa từng có ai như vậy.” 聖人生於疾學。不疾學而能為魁士名人者,未之嘗有也。(Thánh nhân sinh ư tật học. Bất tật học nhi năng
vi khôi sĩ danh nhân giả, vị chi hữu dã.) Muốn học mà không dốc hết cả tâm
chí vào sự học đến nỗi ngày đêm trăn trở, suy tư không thôi về điều mình học,
thậm chí đến sinh bệnh, tôi cho là đang chơi, chứ chưa dám gọi là học.
Đã có chí tật học, tưởng học giáo trình nào cũng được
vậy. Tuy nhiên, nếu được hướng dẫn đúng đường từ đầu, học tập có phương pháp
thì vẫn hơn tự mò mẫm tìm lối vào rừng Nho. Tôi chính thức mở lớp Hán văn từ
mùa xuân năm Canh Tý 2020, đến nay đã ba lần dạy lớp cơ sở. Mỗi lần đều thay
giáo trình ít nhiều – chủ yếu vẫn lấy Hán Việt tân khóa bản của Lê Thước,
Nguyễn Hiệt Chi làm gốc, cắt bớt rất nhiều và bổ sung thêm nội dung tôi tự soạn
hoặc trích đoạn từ cổ nhân. Giáo trình và phương pháp dạy học của tôi, tự tôi
chưa thấy hài lòng. Đặc biệt, tôi tự cho là đã thất bại ít nhiều trong việc hướng
dẫn cho học viên cú đậu văn bản chưa ngắt câu sẵn. Cú đậu 句讀, có thể hiểu đơn giản là phảy và chấm câu. Trên lý
thuyết, Hán văn không ngắt câu sẵn, người đọc phải tự phảy (đậu) và chấm
(cú) câu theo cách hiểu của mình. Cùng một câu mà cú đậu khác, ý nghĩa
toàn câu cũng theo đấy mà khác đi. Sách vở và tài liệu ngày nay đều đã có cú đậu
sẵn, nếu là sách kinh điển thì thường cú đậu theo lối chú giải của một nhà uy
tín nào đó thời lịch triều. Tuy nhiên, để thật sự làm chủ một văn bản, độc giả
không thể nào phụ thuộc vào cú đậu của người khác – vô luận là kim nhân hay cổ
nhân. Không phải cứ cổ nhân là đúng, không phải cứ theo chú giải là chuẩn. Vậy
nên, khả năng tự cú đậu, tự cân nhắc các lối cú đậu tương đối hợp lý cho một
câu nào đó, là một kỹ năng không thể thiếu sót nơi người đọc. Song, để trau dồi
tư duy phê phán này, không phải việc thầy có thể truyền cho trò trong khoảng
đán tịch chi gian. Phải đọc thật nhiều, đọc thật kỹ, đọc lâu năm, sở ngộ ngày một
rộng ra mới có thể đọc lưu loát văn bản không cú đậu.
Khi nhận được Nông Sơn toàn tập từ anh Nữu,
tôi đã lưu ý giáo trình Nam Học Hán Tự 南學漢字 của Nguyễn Can Mộng để xem phương pháp sư phạm của cụ. Trong phần Tiểu
Dẫn, Nguyễn Can Mộng viết:
Vì
sao làm ra sách này? Nước ta xưa nay bao nhiêu những tiếng thuộc về văn hóa hay
là tinh thần mà còn thiếu thốn không đủ dùng, thì đều thủ dụng bằng Hán tự cả.
Thông thường truyền khẩu, lần lữa quen tai, kẻ nói người nghe, thành ra sáo ngữ,
có nhiều người mắt chưa từng đọc qua mặt chữ Hán; mà miệng thì nói chữ Hán đến
hai phần ba trong câu chuyện, dần dần hoạt dụng, hồn nhiên là tiếng nước mình vậy.
Hán tự thực là cái nguồn cho Quốc ngữ. Nếu không có sách để hiểu thấu cái chân
lý tiếng nói thì không sao tránh khỏi lỗi sai lầm, mà Quốc văn cũng mất cái
tinh thần sinh hoạt…Song đang lúc giao thời này, còn thời giờ đâu mà nấu sử sôi
kinh, hàm như uyên bác như đời xưa được. Phải tìm một cách toát yếu, cống hiến
cho bạn thiếu niên, dụng công ít mà biết chóng hơn, như phàm lệ sau này; thực
là đơn giản, dễ học, rút lại cốt lợi dụng Hán tự, để phát huy quốc văn, đó là dụng
ý của trước giả.
Nội
dung của Nam Học Hán Tự chủ yếu dạy theo bộ thủ, mỗi bài tập tập trung
vào một hoặc hai bộ thủ, chọn chữ từ trong bộ thủ ấy rồi soạn thành những câu
văn ngắn gọn, dễ hiểu. Xin lấy ví dụ từ bài tập 15, “Thủy, Băng”:
水液下流,溫浮為汽,冷凍為冰。江河溝渠,水洩也。洋海湖池,水匯也。
Thủy
dịch hạ lưu, ôn phù vi khí, lãnh đống vi băng. Giang, hà, cầu, cừ – thủy tiết
dã. Dương, hải, hồ, trì – thủy hối dã.
Nước
lỏng chảy xuống, nóng bốc lên là hơi. Lạnh đông lại là băng giá. Sông con, sông
lớn, lạch, ngòi ấy là chỗ nước tiêu. Biển lớn, biển nhỏ, hồ ao ấy là chỗ nước
chứa.
Chữ
trong bài tập này đa phần thuộc bộ Thủy 水 (viết theo
kiểu “tam điểm
thủy” 氵). Đại để nội dung các bài tập trước sau trong Nam
Học Hán Tự đều tương tự bài này – ngắn gọn, không có ý sâu xa, cốt giúp người
học làm quen với mặt chữ, làm quen với bộ thủ. Ngẫm nghĩ một hồi, tôi quyết định
đưa Nam Học Hán Tự vào giáo trình Hán văn nhập môn của tôi, nhưng thay
vì dùng theo bản ý của Nguyễn Can Mộng, tôi thay đổi đi để làm bài tập cú đậu.
Khi giao cho học trò, tôi chỉ đưa cho họ đọc nguyên văn Hán tự, không cú đậu,
không phiên âm, không dịch nghĩa, mỗi tuần hai ba bài tùy theo lượng nội dung của
phần giáo trình còn lại.
Khi dạy cổ văn, tôi chủ trương không dạy
ngữ pháp, cũng không đề cập ngữ pháp. Lối tiếp cận cổ văn này, không phải không
có chỗ bất cập, mà suy cho cùng là cách cổ nhân đã học tập đọc và viết văn bao
nhiêu nghìn năm qua trước khi mượn ngữ pháp Tây phương để áp dụng vào tiếng Hán
và tiếng Việt. Mãi sau này, tôi đọc cổ văn với giáo sư Andrew Plaks, một trong
những nhà Hán học Tây phương lỗi lạc và lừng danh nhất ngày nay, giáo sư Plaks
cũng khuyên sinh viên nên bỏ tư duy ngữ pháp khi đọc cổ văn, đặc biệt là sinh
viên người Hoa cứ ỷ y mình đã rành tiếng Trung hiện đại nên đọc Hán văn cổ chắc
cũng tương tự. Theo lời giáo sư, căn bản là: “Hán văn không có ngữ pháp.”
Thay vì dạy ngữ pháp, ngay từ đầu, tôi chủ trương giúp học trò làm quen với các “khuôn”, các kết cấu đặt câu thường gặp trong cổ văn. Chẳng hạn khi người xưa muốn định nghĩa một khái niệm nào đó, thường họ sẽ đặt trong câu giả 者 dã 也 – như câu trên trong Nam Học Hán Tự: “Dương, hải, hồ, trì [là chỗ] nước chứa vậy”; hoặc giả khi đặt một câu hỏi tu từ (rhetorical question) có khi sẽ dùng chữ kỳ 其 để dẫn vào câu hỏi, v.v. Tuy nhiên, dạy theo lối này, nội dung giáo trình phải viết đúng theo văn phong cổ điển. Khi dùng Hán Việt tân khóa bản và những giáo trình tương tự, tôi thường bất mãn ở chỗ văn phong tạp nhiễm văn bạch thoại, thậm chí không những là văn bạch thoại mà là bạch thoại viết ra theo tư duy của người Việt, chứ cũng không phải là cách đặt câu tự nhiên theo văn bạch thoại Trung Quốc tiền bán thế kỷ 20. Đúng không hẳn là đúng, sai chưa hẳn là sai. Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở học trò – tận tín Thư bất như vô Thư 盡信書不如無書 – chớ có câu nệ từng chữ trong giáo trình, không phải cứ thấy trong sách các cụ là đúng, hoặc cho dù không sai, cũng chưa chắc đã là lối đặt câu, lối diễn đạt ý tưởng hay nhất. Chính đây là thêm một chỗ ưu điểm của Nam Học Hán Tự – nội dung vừa đơn giản dễ học, vừa viết theo văn phong thuần cổ điển; nội dung một số bài tuy vẫn phản ánh xã hội và tư tưởng tiền bán thế kỷ 20 – tức là có sử dụng một số tân danh từ chẳng hạn như từ xã hội 社會 – song văn phong không lìa khỏi lối viết chi hồ giả dã 之乎者也. Ở những bài sau, khi giải thích về hư từ thường gặp trong cổ văn, Nguyễn Can Mộng lại chú giải thêm hư từ tương đương trong văn bạch thoại – điều này cực tiện lợi để giúp cho những người không có điều kiện hoặc không có nhu cầu học nói tiếng Trung hiện đại mà vẫn phải tiếp cận và đọc văn bạch thoại, chẳng hạn để đọc tiểu thuyết kinh điển thời Minh Thanh.
Vốn trước đây hai ba năm, tôi đã bắt tay vào việc tự
soạn giáo trình Hán văn theo chủ trương sư phạm của riêng tôi. Soạn được dăm ba
bài tập, tôi gửi cho một người bạn thân đọc, góp ý. Bạn tôi bây giờ đã xuất thế
tu hành làm thầy cả trong dòng kín dòng Carthusian, bản thảo cũng trôi về đâu
đó, lâu nay tôi không còn để tâm đến. Một năm qua tích tụ kinh nghiệm dạy Hán
văn, tôi lại thấy không cần thiết để cố chấp vào một giáo trình duy nhất – cứ
mượn từ nơi này, nơi nọ, khi nào học trò đã vững căn bản thì chuyển sang đọc trực
tiếp từ cổ nhân, ấy là ý câu đắc ngư vong thuyên 得魚忘筌, “được cá quên nơm” vậy. Dù vậy, tìm được thêm một
bậc lương sư ích hữu 良師益友
nơi Nam Học Hán Tự, chắc chắn những người đến học chữ với tôi từ nay về
sau sẽ còn gặp gỡ dài dài Nguyễn Can Mộng, một bậc tài tử thuần Nho của buổi
giao thời Đông Tây kim cổ, đã ít nhiêu trôi dần vào quên lãng.
NGUYỄN THỤY ĐAN
24.3.2021