- Lãng mạn chỉ là trò chơi trẻ con
Chàng ép mấy năm vào một tháng, chàng cuộn
mấy tháng vào một tuần, chàng siết cả tuần vào một ngày, một ngày chẳng giống bất
cứ một ngày nào trong đời. Chàng thức dậy từ lúc bốn giờ sáng, và chàng lao
ngay vào hàng trăm công việc lăn tăn li ti không hề có tên gọi, và chàng nghe mọi
người nói, và chàng nói cho mọi người nghe, và chàng làm mọi thứ được sắp đặt sẵn,
nghiêm túc, thành khẩn và hồn nhiên như người máy, và mãi đến khi người bạn nói
chuyện dai nhách say khướt ra khỏi nhà thì đã 11 giờ 25, chàng mới tìm thấy lại
mình, mềm nhão, kiệt sức, hạnh phúc. Nhìn quanh thì cả nhà đã im vắng, đã hoang
vu. Những lao xao ơi ới, những khua rộn cười cợt, những hối hả chen chúc tới
lui biến đâu mất như phép lạ, trút lại đàng sau một thế giới đồ vật tênh hênh,
nghiêng ngả, tả tơi, cái thì heo hút trên góc ghế, cái thì quấn quýt, chồng lấn
nhau trên bàn, cái thì thờ ơ nằm dưới ghế, cái thì lặng lẽ trốn tránh ở góc
nhà, cái thì chơ vơ trên nóc tủ. Một đồ vật biết đi, là chàng, thì thả cái mông
xuống chiếc ghế mềm, nhắm mắt, ngồi im, tận hưởng cảm giác bất động bình an sau
một ngày dài nhũng nhiễu, bất an. Bên ngoài, giữa cái khuya khoắt, sâu, lặng lẽ,
chợt có tiếng dế vụt phóng lên kiêu hãnh từ một vạt cỏ lãng quên nào đó theo tiếng
gió thoang thoảng vào, xuyên suốt khu vườn lắm cây, làm tan loãng cái thanh vắng
nhiễm đầy nghi hoặc của đêm.
Thế
là xong một ngày cho chàng, của chàng, thuộc về chàng, tập trung vào chàng. Một
ngày dốc sức lạ lẫm bận bịu mang về cho chàng một món quà không giống bất cứ
món quà nào: Nguyện. Nguyện, kẻ xa lạ ấy, là cái point final cuối bài tập làm văn nửa trang giấy “tả ông nội của em”
hồi lớp năm chàng nhớ như in, sau cả giờ đau khổ cắn bút tìm chữ. Mẹ chàng bảo, con gái thời ni quá loạn, mới có mười mấy tuổi đui là đã bồ bịch hẹn hò
trai gái ngoài đường ngoài sá, mi lấy vợ phải lấy đứa đàng hoàng chứ mấy cái
con bồ bịch mi năng đem về đây, có cho không tau cũng không thèm lấy. Nguyện,
học lớp mười hai chỉ biết đọc sách hồng, đọc tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vỹ và
xem phim tình cảm Ấn Độ, con chim nhỏ ngoại tộc hiền ngoan rất ưng ý của mẹ
chàng. Một đàn anh khôn lanh của chàng khen chàng, mi làm vậy là đúng sách, lấy
vợ là lấy một người vợ, chứ không phải là lấy một người tình làm vợ. Mãi khá
lâu về sau khi con cái và Nguyện và chàng kết dính nhau thành một khối bê tông
cốt sắt, chàng mới cảm nhận hết cái khác nhau của hai điều trông rất giống nhau
này. Mà lúc đó thì tốt xấu đúng sai đều đã hòa tan vào nhau như nước sôi dội
vào nước đá rồi.
Giờ
thì chăn gối nóng hổi đợi chờ, nhưng chàng cảm thấy chưa sẵn sàng. Đâu còn có
đó, việc gì mà vội. Chàng khép nhẹ cánh cửa nhà ngoài, tắt đèn, lần mò lọt ra
khỏi đám bàn ghể lổn nhổn ngoài sân được che chắn bởi những tấm màn vải hoa nhiều
màu mỏi mệt suốt ngày phục vụ khách đứng khách ngồi và vô số trẻ con tò mò xem
chuyện người lớn. Bước ra đường. chàng châm điếu thuốc, hít một hơi thật dài
theo thói quen, chàng chậm rãi bước quanh qua, quẹo về, theo những con đường mà
chàng và Phương vừa đi hai hôm trước. Loanh quanh hẻm loanh quanh đường loanh
quanh hồ loanh quanh chợ. Đêm thanh tân, dịu dàng và khúc mắc ôm lấy một bóng
chàng bị cắt xé giữa hai thế giới, giữa hai con người, giữa một chấm dứt và một
khởi đầu. Chàng nhập nhòe ngày tháng, đi như một nuối tiếc chưa hoàn tất. Như một
bấp bênh. Như ai níu kéo không rời. Như con cừu theo mùi rơm rạ dẫn lối về lối
mòn quen thuộc. Một giã biệt.
Chàng,
người đầu tiên trong lịch sử nhân loại, trì hoãn nỗi hăm hở đêm tân hôn.
*
Lúc
đó, chàng đang ngoan ngoãn lo đủ thứ việc nhà, nghe có người, dụi mắt thấy
Phương, một Phương vô cùng quen và rất lạ: áo dài, hoa tím cài trước ngực,
băng-đô nâu buộc quanh trán, nhành hoa nhỏ cầm tay, lịch lãm, nghiêm túc, người
lớn. Chàng tê cứng cả người, đông thành đá, cả phút sau mới thốt lên, bàng
hoàng:
-
Trời, em!
Giọng
Phương khô, rất tỉnh:
-
Vâng, đúng là em, thì sao?
Chàng
ấp úng:
-
Anh…anh…Mà em…em từ trong kia mới ra?
-
Vâng ạ.
-
Lúc nào?
-
Trưa nay.
-
Em ra có việc nhà…
-
Anh thì mới có việc nhà, còn em, em tự do. Mà
thôi, anh đừng hỏi, không có câu trả lời cho anh đâu. Em ra đây chỉ có một chuyện:
mượn anh một lần.
-
Mượn anh?
-
Vâng, em muốn mượn anh. Ta đi với nhau một đoạn
đường.
Chàng cười như mếu, nhìn ra ngoài, ngần ngại. Phương bảo:
-
Trời đã hoàng hôn, anh. Em hiểu bây giờ anh
không còn là của anh nữa. Nhưng anh đừng lo, em là người ngay lành, em thiện ý,
em không phá hoại, em không hề có ý định làm anh thay đổi một chương đã định sẵn
trong cuộc đời anh. Nhưng nếu anh thấy không thể được, thì thôi, em chúc anh một
lời và em về. Em không có nhiều thì giờ.
Phương
đưa chàng cành hoa, bảo là em hái đại một nhánh từ vườn nhà ông chú, mang đến mừng
anh. Chàng cầm, tò mò nhìn mấy bông hoa nho nhỏ đủ màu bám dọc theo cành, không
rõ là hoa gì, bối rối:
-
Được, được chứ. Anh…anh đi…với em.
Nhà
chàng ở khu nam thành nội, vườn tược cây lá um tùm, đầu tháng, trời không
trăng, con đường trước nhà chàng vừa tắt mặt trời đã đầy bóng tối, vắng tanh.
Chàng bước theo Phương, lòng ngổn ngang, bừa hộn. Hai người đi, chậm rãi, bóng
chàng lẫn vào bóng Phương, tù mù, nhập nhòe. Phương nói, em muốn đi lại những
con đường cũ. Anh nhớ không, hồi lần đầu đến thăm anh, anh đã dẫn em đi quanh mấy
con đường kiệt im vắng như những con đường làng. Nhà nào cũng đào, cũng nhãn,
cũng cây vả, cây ổi, cây thanh trà, cây cau, cây khế, cứ tưởng là làng quê. Em
còn nhớ vườn cam sum suê ở góc thành và con đường đầy bóng tre mà anh gọi là
con đường hẹn hò. Em cũng rất nhớ mấy bụi cây mâm xôi sau góc vườn nhà anh. Hồi
đó, lần đầu tiên em thấy mấy trái mâm xôi đỏ chín, thích quá, em chồm đại người
vào níu xuống hái thì té vào bụi, bị gai chích chảy máu tay và anh hốt hoảng bồng
em ra, cái áo dài bị lủng một lỗ, may mà quần không bị gì, khi về, em giấu mẹ,
nói là bị té xe đạp…
Giọng Phương trong, nhẹ, đều, nghe như cô
em gái chàng kể chuyện trời nắng trời mưa thời thơ trẻ. Qua khỏi một ngã tư,
Phương chỉ lối đi phía trước, nói quẹo qua lối này, anh. Em vẫn không quên con
đường nhỏ này, nó dẫn về cái hồ, đúng không, mà hồ gì nhỉ, à, em nhớ ra rồi, hồ
Xã Tắc. Đường tối quá, kệ, tối thì càng tốt cho anh, cứ đi anh, mình hai người
lận, sợ gì. Hồi nhỏ em sợ ma lắm, mới chạng vạng là đã núp kín trong nhà. Nghe
trong xóm có ai chết là suốt cả tháng, ban ngày mà ra khỏi nhà còn sợ. Thế mà
sau khi vụ Mậu Thân xong, em chẳng còn biết sợ là gì nữa. Xác người quá nhiều,
ma chắc cũng lắm, khắp thành phố ở đâu chẳng có ma, phải không anh. Trịnh Công
Sơn nói đúng thiệt, xác người nằm trôi
sông xác người dưới hiên chùa xác người ở hố ở hầm ở cả trên những vồng khoai.
Nhà em may là không có xác nào, nhưng rải rác mấy con đường chung quanh, đường
nào cũng có xác. Con đường mình đang đi này nghe nói cũng hàng trăm xác người
chồng chất, phải dùng xe tải xúc đi chôn, phải không anh. Nghe mà khiếp! Em
nghĩ là ma đã ở lẫn với người rồi, không ai sợ ai nữa.
Phương kéo chàng quẹo vào đường hẻm khác, nhỏ hẹp, tráng
nhựa sơ sài. Cây lá, lau lách hai bên đường mùa thu mát trời, lên dày, khiến
cho con đường nhỏ càng thêm âm u. Anh nói con đường này hồi xưa trai gái hay dẫn
về đây hẹn hò, đúng không. Anh kể cho em nghe hồi còn nhỏ, anh đợi khuya rủ bạn
trong xóm ra nấp đàng sau bụi tre góc vườn, rình nghe trai gái nói chuyện, đợi
đến lúc gay cấn thì rung cây dọa làm họ hết hồn, bỏ đi. Thiệt là ác hết biết!
Em ở vùng phố, nhà cửa thì nhiều, cây cối ít. Nhà em chỉ có hoa mà không có cây
ăn trái, có đường mà không có hẻm, không hề tưởng tượng được cái cảnh hẹn hò
trai gái lạ lùng như thế. Anh có nhớ có lần anh xuống thăm em, trời mưa lụt
không về nhà được, anh phải ỏ lại, ngủ trên ghế xa lông, sáng ra, biết chuyện mấy
đứa em của em đứa nào đứa nấy chọc ghẹo em rồi cùng cười gần chết…
Phương
kéo chàng đi quanh hồ, một hồ sen lớn, mùa thu, sen tàn, nước lặng, lấp lánh
ánh sao. Có lần anh dẫn em ra cái hồ này, em còn nhớ phía bên kia phải không,
nơi đó có một cái bờ đá. Em còn nhớ mấy tảng đá lớn, phẳng phiu, thích ơi là
thích. Anh nói hồi nhỏ anh thường hay ra câu cá ở đó. Em nói với anh em ước gì
anh và em cứ ngồi trên đó cả ngày, thả chân xuống nước, vừa khỏa nước vừa xem
cá bơi vừa nói chuyện thì vui biết mấy. Qua khỏi hồ, Phương kéo chàng về khu chợ
nhỏ gần hoàng thành, tiếp tục độc thoại và chàng thì vẫn vô ngôn. Hai nhân vật
“anh” và “em” trong chuyện của nàng lúc nào cũng vui, cũng nhộn, cũng hồn
nhiên, cũng chứa chan. Chàng lắng nghe, tưởng chừng như Phương treo ngược chàng
trên chiếc thòng lọng ngọt ngào của ngày tháng cũ. Chàng đã mong manh, lại càng
mong manh. Chàng cảm động, chàng chống chỏi và luôn luôn cảnh giác mình, có lúc
muốn ngộp thở. Thỉnh thoảng, Phương dừng lại ngay giữa đường, níu hai vai
chàng, nhìn thẳng vào chàng, anh có còn nhớ hết những chuyện em kể không? Chàng
gật đầu. Phương bảo em không tin, nhưng không sao, có những chuyện ta nên tập
quên đi cho khỏi bận lòng. Mà thôi, xin lỗi anh, em đã dặn lòng là đừng nói gì
hết. Nhưng gặp anh, không nói, thì nói với ai. Mà anh đã mỏi chân chưa. Chàng mừng,
nhưng miễn cưỡng lắc đầu. Phương nói, chưa mỏi thì cứ đi, mà ăn nhằm gì, phải
không anh. Hồi anh lên thăm em ở Đà Lạt, anh em mình đi suốt thành phố, lên đồi,
xuống dốc, đi mãi đi hoài mà sao không thấy mỏi chân, đi mãi mà vẫn còn chưa đủ.
Đường sá ở đây đường nào cũng ngắn, lại bằng phẳng, cứ đi hoài cả…đêm e chắc em
cũng không thấy chán…
Chàng theo Phương, tưởng đêm sẽ dài vô tận. Nhưng rồi giọng
Phương đột nhiên nghe như chùng hẳn xuống:
-
Thôi,
ta về, anh. Hình như mình đi quá xa. Dám đã đi quanh hết cả vùng này rồi. Muợn
được một chút anh như thế này cũng là quá đủ cho em. Thôi, em trả anh về nhà với…mẹ
anh.
Chàng
mừng rỡ, cố nén chặt một hơi thở phào, lơ đãng gật đầu. Trên đường về, Phương
im lặng. Hai cái bóng đi mỗi người một cõi. Đến trước ngõ, Phương nói:
- Anh
có gì nói với em không?
Chàng nhìn thật sâu vào Phương, cầm hai bàn tay Phương,
bóp chặt:
-
Cám ơn em.
Phương đẩy nhẹ chàng ra, giọng mềm đi, rười rượi:
-
Em cũng cám ơn anh đã cho em mượn. Thôi, em về…Chỉ
còn hai ngày nữa…anh là một người khác!
Chàng ngơ ngác. Phương tiếp:
-
Em biết mà, giờ thì anh không còn nhận ra anh
nữa đâu. Em chúc anh làm một người khác
hoàn hảo và …hạnh phúc. Riêng em, em
không muốn làm người khác. Em muốn em cứ mãi là em.
Phương
quay bước, đi lấy xe, đề máy. Chàng cầm tay lái, giữ chặt, hỏi:
-
Em còn ở bao lâu?
-
Đêm nay. Sáng mai…em đi.
-
Trời!
Phương rú xe. Chàng lại cầm tay lái. Phương đẩy nhẹ tay chàng, mím môi,
dứt khoát:
- Không
ích gì, anh. Em đi...
Chàng nghĩ rằng Phương sẽ quay nhìn lui. Không. Bóng Phương trên chiếc
honda nhòa dần trong đêm hòa lẫn với âm thanh tiếng nổ tăng tốc dồn dập, vội vã
và kiêu hãnh. Chàng nhìn theo, thấy bóng mình chập chùng trong bóng Phương, xa
dần, xa dần và biến mất sau một ngã rẽ, như thể là một cái gì đó, mỏng mảnh, nhẹ
tênh, bay biến vào hư không. Trời sao thăm thẳm, không mưa. Mà ướt.
*
Con
chim mỏi cánh, sà xuống. Còn biết bay đi đâu nữa!
Chàng
vào phòng, đứng lặng nghe trái tim mình ồn ào khua động, nhìn hai ngọn đèn ngủ,
cái xanh cái hồng phả một thứ ánh sáng mềm, huyền hoặc xuyên chéo qua nhau rơi
vãi trên chăn chiếu mền gối mời gọi hoang đàng. Căn phòng quen thuộc bừa bộn ngổn
ngang được mẹ chàng dày công sửa soạn thành một tổ ấm tinh khôi khiến chàng đâm
ra bỡ ngỡ. Nguyện nằm im, quay mặt vào tường, hai chân khép gọn vào tấm chăn cuộn
tròn, màu nàng trộn lẫn với màu chăn chiếu ngon lành, ngoan ngoãn. Một ngày bận
bịu với nghi lễ tiệc tùng ăn nhậu biến chàng thành một con người mới: chồng.
Chàng bây giờ là con ve lột vỏ, thoát xác, cách tân. Một cảm giác lạ lùng tràn
vào người, đẩy chàng tới. Chàng chồm lên ôm gọn nàng trong vòng tay, hấp tấp,
cuồng nhiệt. Nguyện co rúm lại, phòng vệ. Chàng say sưa, chàng hưng phấn, chàng
la lên trong lòng, anh là chồng em, là chồng em, em biết không. Chàng có vợ! Âm thanh hai chữ có vợ nghe sao ngọt ngào tha thiết lạ
lùng! Có vợ, nghĩa là sở hữu một người
vợ. Chàng ôm Nguyện lên, đẩy nàng xa ra, đưa hai tay ôm chặt khuôn mặt, nhìn thật
sâu vào nàng, la thầm anh sở hữu em, từ nay. Nguyện nhìn chàng, hai mắt mở to,
tròn, sững sờ. Trong vòng tay chàng, nàng run rẩy, cam chịu. Chàng kiên nhẫn,
sành sõi. Nguyệt thút thít, mắt nhòe, tóc rối. Chàng vỗ về, ép mặt vào má Nguyện,
ướt, nao nức.
Và
chàng nhớ Phương. Chàng ôm Phương, Phương ôm chàng, hồi hộp, xúc động, sợ hãi
và phấn khích. Chàng loay hoay, vụng về. Phương loay hoay, bối rối. Chàng vồ vập,
Phương bẽn lẽn. Qua cơn đắm đuối, đánh mất trong nhau, chàng lâng lâng cảm giác
lạ lùng của một cuộc phiêu du vào vùng đất lạ. Chàng nằm yên, thân thể tênh
hênh chợt như thừa ra, khiến chàng không biết phải làm gì, nhìn mãi cái quạt
máy trên trần nhà xoay vù vù, cố xua tan đi nỗi lo lắng vu vơ. Phương tránh
nhìn chàng, choàng vội tấm chăn mỏng, lặng lẽ đến bên cửa sổ, đứng bất động
nhìn ra ngoài, không biết để đếm những sợi mây bay hay suy gẫm về một nỗi bất
an không hình dáng. Rất lâu sau, khi nàng rời cửa sổ, quay lại, chàng thấy trên
khóe mắt nàng ươn ướt, giọt hạnh phúc tan trong giọt lo toan. Chàng úp lòng bàn
tay lên đôi mắt Phương, chùi nhẹ, ướt. Phương mở mắt, gượng cười. Chàng cười
theo. Rời khách sạn, hai người đi bên nhau lặng lẽ qua từng góc phố, không nói
gì với nhau mà như nói rất nhiều. Ghé tiệm chụp ảnh, chàng mượn cặp kính trắng
đeo vào cho ra vẻ, và Phương thì cài một bông hoa trên tóc, cũng cho ra vẻ.
Chàng đứng sau, tay choàng qua thắt lưng Phương, chụp hai kiểu ảnh lấy liền, ảnh
nào trông cũng gắn bó. Giọng Phương nói thoảng như hơi thở, trông như ảnh cưới
anh nhỉ. Trên đường phố thưa người tràn trề nắng trưa, chàng hát nhỏ, rất vô
tình theo em xuống phố trưa nay đang còn
chất ngất cơn say theo em bước xuống cơn đau bên ngoài nắng đã lên mau cho nhau
hết những mê say cho nhau hết cả chua cay cho nhau chắt hết thơ ngây…Phương
bịt miệng chàng lại, nói đừng hát nữa, đừng hát nữa cho em nhờ, em xót ruột lắm,
muốn xỉu đây. Chàng ân hận, ngừng hát, nhưng lời ca vẫn âm ỉ đuổi theo, đi qua những phố thênh thang, đi qua với
trái tim khan, đi qua phố bước lang thang, đi qua với trái tim khan…theo em xuống
phố trưa mai…[1]
Chàng
ngủ khì một giấc, thức dậy, thấy Nguyện nằm yên, hai mắt thao láo nhìn lên trần
nhà, tỉnh táo. Em chưa ngủ sao. Nguyện lắc đầu. Chàng kéo Nguyện xuống, ngủ đi
em, ngủ cho khỏe đi em. Nguyện nghe lời chàng, ngoan ngoãn rúc đầu vào ngực
chàng, tin cậy. Và chàng lại kiên nhẫn, sành sõi. Và Nguyện lại thút thít…Bỗng
chàng nhớ sực đến tấm ảnh. Trước ngày cưới, mẹ chàng bảo, lấy vợ là phải rũ sạch mọi tàn tích quá khứ, không kỷ niệm kỷ niếc gì cả,
mình không phá nó thì có ngày nó sẽ phá mình. Mẹ chàng còn bảo, lãng mạn là trò chơi trẻ con, lớn rồi, đồ
chơi phải vứt đi, để nhiều chật nhà chật cửa. Nghe lời mẹ, chàng miễn cưỡng
xé tan tành Phương, xé tan tành chàng. Phương cười, Phương mơ màng, Phương phất
phơ, lãng đãng học trò, Phương hồng hào tương lai, Phương bên hàng chìa tàu e ấp,
Phương trên bãi biển nõn nường hiện đại, Phương đứng bên hồ Thủy Tạ cổ điển,
Phương tóc bay bay trước nhà thờ Con Gà như tranh Đinh Cường, Phương lao xao phố
xá Sài Gòn uống ly chanh đường Phạm Duy. Một xấp lãng mạn với đủ thứ Phương và
đủ thứ chàng lần lượt tan nát. Nhưng đến tấm
ảnh đó, chàng khựng lại. Chàng nấn
ná, lật qua lật về, ngắm tới ngắm lui, cuối cùng, tìm cuốn sách bìa cứng dày,
cũ kỹ, toàn tiếng nước ngoài mà cha chàng để lại, cẩn thận kẹp sâu vào giữa, đẩy
nó vào trong góc tủ. Chàng ném những mảnh giấy ảnh vụn vằn vào bếp lửa, ngồi
nhìn quá khứ chầm chậm cháy, quằn quại và ray rứt.
Chàng
đẩy nhẹ Nguyện ra nói anh ra ngoài phòng có chút việc. Nguyện níu lại, nhưng
chàng gỡ nhẹ tay nàng, ngồi dậy nói anh vào với em ngay. Chàng đi ra, bật đèn,
tìm lại cuốn sách, kiên nhẫn giở từng trang. Lạ chưa, không có tấm ảnh. Bối rối,
chàng lấy từng cuốn sách còn lại trong tủ, cuốn nào cũng giở từng trang. Tuyệt
không có gì. Chán nản, chàng lục khắp nơi, trong hộc tủ, trên bàn thờ, dưới gầm.
Cũng không có gì. Chàng quay vào phòng. Nguyện vẫn chưa ngủ. Chàng ôm Nguyện,
ôm Phương, thao thức chập chùng hư ảo.
Đêm
tân hôn, chàng ngoại tình.
*
Và
thế là chàng bắt đầu một công việc mới mẻ: làm chồng.
Chàng
hứng thú đón nhận những nâng niu và chăm sóc miễn phí từ một người con gái xa lạ
với ít nhiều bỡ ngỡ lúc đầu cho đến lúc chàng nhận ra cái giá mà chàng phải trả:
chàng hao mòn chàng dần dần. Con ngựa chưa
già của chúa Trịnh bắt đầu nhận ra rằng nó chỉ còn con đường trước mặt để
đi, con đường thẳng, dài hun hút, hết xoay ngang, chẳng còn rẽ dọc, cũng không
được quyền dừng, lại không còn lối trở lui. Con đường ấy mải miết kéo chàng đi
hết tuần này qua tuần khác, hết năm này đến năm khác, hết thập niên này qua thập
niên khác, hết triều đại này qua triều đại khác. Và hết hệ lụy này đến hệ lụy
khác,
Thời
đại kéo chàng, chàng chạy theo, lúc thì lon ton, rề rà, chậm lụt, lúc thì vội
vã, hấp tấp. Thời đại của chàng là một thời đại ngắn ngủi và vô cùng kỳ lạ. Chỉ
trong vòng vài ba thập niên, nó là hình ảnh vạn hoa loạn sắc của một Tam Quốc
Chí với vô vàn mưu mô lọc lừa, nay thịnh mai suy, kẻ lên voi người xuống chó
chóng vánh như diễn tuồng. Đó là một thời đại thật nhiều anh hùng và đầy dẫy phản
trắc. Anh hùng và phản trắc chen chúc nhau, lắm khi thay ngôi đổi chủ cho nhau,
trộn trạo lẫn nhau. Đó cũng là thời đại mà ngưỡng mộ đi kèm với sỉ vả, tôn kính
đi kèm với nhục mạ. Người ta đua nhau chia rẽ, đua nhau chửi rủa, đua nhau tâng
bốc và…đua nhau chuyển phe. Năm này, bạn ở một phe, nhưng năm sau, bạn sẵn sàng
nằm ở phe đối nghịch rồi năm sau nữa, bạn hối hận đầu thú phe cũ và năm sau nữa,
bạn lên án phe cũ te tua. Cái thú là lúc nào bạn cũng thấy là mình chọn đúng
chính nghĩa. Chính nghĩa như đèn kéo quân, nó chạy vòng vòng hết bên này lại
qua bên kia, có khi chính nghĩa này là mặt trái của chính nghĩa kia. Người ta sống
nhị trùng, tam trùng, tứ trùng…nhân cách, mang trong người vừa địch vừa ta, địch
lẫn trong ta ta lẫn trong địch, ngày ta đêm địch, ngày địch đêm ta, tuởng là
phe ta hóa ra là phe địch. Chính chàng, chàng cũng không biết chàng là địch hay
là ta. Thuở ấu thơ, chàng đã từng theo mẹ chen chúc đi chào đón Đức Quốc Trưởng,
chẳng thấy mà cũng chẳng nghe gì ngoài tiếng động của đám đông đứng chật trước
lầu Ngọ Môn, rồi vài năm sau, thằng nhỏ lớp nhất tiểu học cầm biểu ngữ “xanh bỏ
giỏ đỏ bỏ bì” đi vòng quanh phố cổ động người dân nhục mạ Quốc Trưởng, ủng hộ cụ
Ngô, rồi vài năm sau đó, anh học sinh bị giam trong tù vì tham gia bãi khóa chống
chế độ độc tài. Cụ Ngô xuống rồi, lại kéo nhau đi biểu tình chống những người lật
đổ cụ Ngô. Rôi đi biểu tình chống chiến tranh, chống độc tài, chống độc diễn.
Chống chán, chàng tham dự chiến tranh, chiến tranh trở thành sự nghiệp của
chàng và hết chiến tranh thì chàng mới khám phá ra trong số những kẻ thù mà
chàng ghét cay ghét đắng phía bên kia có chú chàng, anh chàng và anh chị em họ
chàng; chàng bơ lơ bửng lửng trở thành nạn nhân…của hòa bình.
Chàng
miên man sống như con cá con chim, như con tắc kè thay màu da để tồn tại. Chàng
mất hút, mất tăm trong dòng cuồng lưu đời sống. Chàng lên án những kẻ hèn hạ,
nhưng chàng đã từng nhiều phen hèn hạ. Chàng bêu riếu, ghê tởm những kẻ phản bội,
nhưng chàng đã nhiều lần phản bội; phản bội bạn bè, phản bội người thân, phản bội
vợ và phản bội cả chính chàng. Hèn gì, từng kỷ niệm rụng rơi như lá cỏ; từng
hăm hở xẹp xuống như bong bóng xì hơi; từng ước mơ tơi tả, nát ngướu như Huế những
ngày Mậu Thân và ngay cả từng vật vã đớn đau cũng tàn theo sương gió, đôi khi
chẳng để lại dấu tích gì. Cả cuộc đời chàng y như thể trò chơi trẻ con, chơi
chán món này, vứt, chơi món khác, ham hố, rồi chán, lại vứt, tìm món khác, hào
hứng, và chán, lại vứt…Chàng đánh mất chàng theo những món đồ chơi cũ kỹ bỏ lại
dọc đường nhân sinh. Ngoái đầu nhìn trở lại, chàng không thể hình dung nổi
chàng là ai.
Có
điều, chàng không hề nguôi chuyện làm chồng.
*
Nguyện
gọi chàng:
-
Em biếu anh một kỷ niệm.
Nói
xong, Nguyện đưa cho chàng một tấm ảnh, hỏi:
-
Anh có còn nhớ tấm hình này không?
Chàng
thành thật:
-
Không! Em kiếm ở đâu ra vậy?
-
Em không kiếm. Nó kiếm em.
Nguyện
không nói gì, bỏ đi. Chàng nhìn, xoay qua xoay lại, điều chỉnh mắt kính, nhướng
mắt lên, xuống cố nhìn cho rõ. Tấm ảnh đen trắng quá cũ, mờ, nhòe, lốm đốm.
Chàng nhận ra khuôn mặt người thanh niên mặc quần tây có sọc hơi nhòe nửa bên
trái, chỉ còn nhìn thấy lờ mờ, chàng nhận ra cô gái với chiếc áo dài trắng, còn
nguyên khuôn mặt bầu bĩnh, trẻ trung, đượm chút đăm chiêu, chỉ có hơi ố vàng
phía dưới. Căng óc để nhớ, cuối cùng, chàng nhận ra nó, tấm ảnh cũ. Kỷ niệm xưa hiện về tù mù, nhạt nhòa và nhạt nhẽo.
Thì đúng là chàng đây! Mà trông giống ai đâu, chẳng giống gì chàng. Nhưng chàng
nhận ra Phương. Phương vẫn như xưa, Phương rin, Phương không phiên bản, Phương
hạnh phúc. Còn chàng, chàng đã là bản sao của quá nhiều phiên bản khác nhau của
đời chàng. Sao đi sao lại riết, thất bổn.
Chàng mân mê tấm ảnh, không biết phải làm gì.
Trần Doãn Nho
(10/2020)
[1] Nhạc Lê Uyên Phương, Vũng lầy của chúng ta.