Con
đường Phong Hóa
Khi
Nhất Linh thay đổi tờ Phong Hóa (từ số 14, 22-9-1932), ông muốn làm một tờ báo khôi
hài, châm biếm, văn chương. Chủ trương này hiện rõ ngay trong thời kỳ đầu,
khi Phong Hóa khai sinh ra hai nhân vật Lý Toét-Xã Xệ và tổ chức những cuộc thi
vẽ tranh hài hước, được độc giả hưởng ứng. Sang năm 1935, phần khôi hài,
châm biếm giảm đi, có lẽ vì Nguyễn Gia Trí bận học, ít tham gia. Đến năm
1936 khi Nguyễn Gia Trí trở lại, phần biếm họa lại khởi sắc và chuyển sang
hướng tranh đấu: Tranh Nguyễn Gia Trí phụ họa với luận thuyết Hoàng Đạo trên
Phong Hóa và nhất là Ngày Nay, chĩa vào các vấn đề lớn, như trả lời Toàn quyền
Brévié, đòi tự do báo chí và cải tổ đời sống bùn lầy nước đọng của dân quê,
trình bày lai lịch chế độ thực dân, tố cáo sự bóc lột cần lao… đó là chuyện về
sau.
Tự
Lực văn đoàn đã cộng tác chặt chẽ với các họa sĩ và kiến trúc sư xuất thân từ
trường Mỹ thuật Đông dương, thực hiện hành trình đưa nghệ thuật vào đời sống,
đưa kiến trúc vào việc xây nhà Ánh sáng cho dân nghèo. Trường Mỹ thuật Đông
Dương đã đóng vai trò không nhỏ trong công cuộc cải thiện và mỹ thuật hóa đời
sống con người ở Việt Nam.
Tự
Lực văn đoàn cũng là nhóm người đầu tiên nhiệt thành giới thiệu Thơ mới
và nâng đỡ những người làm Thơ mới một cách mạnh bạo và toàn diện.
Phong
Hóa cũng là nơi Khái Hưng tiên phong phát triển nghệ thuật truyện ngắn và hình
thành hệ thống tiểu thuyết hiện đại, cùng với Nhất Linh, sau này sẽ được gọi là
tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn.
Con
đường Phong Hóa là con đường khai phóng nghệ thuật và tư tưởng. Tự Lực văn đoàn
đi từ khởi điểm những ngày chúng ta chưa thoát khỏi ảnh hưởng Nho giáo, còn
chuộng văn chương biền ngẫu, để tiến sang thời kỳ hiện đại, không chỉ về văn
chương nghệ thuật, mà còn cả về cải tạo xã hội và tranh đấu chính trị nữa.
Sự
khảo sát Phong Hóa của chúng tôi bao gồm những chủ đề sau đây:
1-
Tìm hiểu đề cương tranh đấu của Phong Hóa, Ngày Nay qua những bài xã luận
1-
Vai trò của hội họa trào phúng qua hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ
2-
Đưa mỹ thuật vào đời sống: Trường Mỹ thuật Đông dương
3-
Giới thiệu và cổ động Thơ mới
4-
Khai phá truyện ngắn
5-
Hình thành nền tiểu thuyết Quốc ngữ hiện đại ở miền Bắc
6-
Trào phúng như một vũ khí tấn công những quan lớn bồi Tây
Nếu
trong hai năm 1933-1934, Tự Lực văn đoàn đã xây dựng được nền tảng vững vàng
cho tiểu thuyết, thì con đường tranh đấu chính trị chỉ mới sơ khai với tranh
Nguyễn Gia Trí và bài viết của Hoàng Đạo. Những bức biếm họa trong thời kỳ đầu
rất phong phú, nhưng chỉ có tính cách thăm dò, hài hước nhẹ nhàng, chưa chạm
đến những chủ đề gay go như đòi hỏi tự do dân chủ và đả kích chính quyền thực
dân, như ở giai đoạn sau trên Ngày Nay. Bởi vì lúc này thực dân vừa dẹp tan
cuộc cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; Đông
Dương ở dưới sự thống trị tàn ác của Toàn quyền Pasquier, Bắc kỳ chịu sự khống
chế của Thống sứ Robin.
Tứ
Ly (Hoàng Đạo) làm việc ở tòa án, phụ trách ba mục Từ nhỏ tới nhớn, Bàn
ngang, và Từ cao xuống thấp, bàn phiếm về những chuyện cá nhân, thời
thế hàng tuần và thỉnh thoảng viết bài xã luận. Việt Sinh (Thạch Lam) ngoài
phóng sự Hà Nội về đêm viết chung với Tràng Khanh, phụ trách những mục
thường thức, như một cây bút trẻ đang học nghề. Thế Lữ, tuy gửi văn thơ đăng
trên Phong Hóa từ số 27 (23-12-1932), nhưng mãi đến số 91 (30-3-1934), mới được
nhận vào làm việc toàn thời tại tòa báo.
Thế
Lữ nổi tiếng ngay với hai tác phẩm Mấy vần thơ và Vàng và máu và
ông trở thành nhà Thơ mới nổi bật nhất lúc bấy giờ. Sau đó, ngôi sao Thế Lữ bớt
sáng đi, vì tiểu thuyết trinh thám không đem lại gì thêm cho sự nghiệp văn học
của ông. Thế Lữ lại không thích chính trị, nên đứng ngoài vòng đấu tranh cách
mạng của Tự Lực văn đoàn. Năm 1938, khi Nhất Linh thành lập đảng Hưng Việt, Thế
Lữ cũng lập ban kịch Thế Lữ. Từ đó sự cộng tác của Thế Lữ với báo Ngày Nay giảm
dần. Còn Tú Mỡ, hàng ngày vẫn đi làm ở sở Phi Năng (Service des Finances – Sở
Tài Chính), mỗi tuần chỉ góp một vài bài thơ trào phúng và ông cũng không muốn
nhúng vào chính trị. Vì vậy, Thế Lữ và Tú Mỡ, dù có chân trong Tự Lực văn đoàn,
nhưng không cùng chí hướng với Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia
Trí.
Đề
cương tranh đấu của Tự Lực văn đoàn qua những bài xã luận
Tự
Lực văn đoàn có bản tuyên ngôn chính thức in trên Phong Hóa số 87 (2-3-1934),
nội dung nói lên sự cộng tác trong tình đồng chí để theo đuổi một tôn chỉ. Tôn
chỉ của Tự Lực văn đoàn gồm 9 điểm, có thể tóm tắt như sau:
1-
Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch
sách nước ngoài.
2-
Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội.
3-
Theo chủ nghĩa bình dân.
4-
Dùng lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho.
5-
Mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
6-
Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, không trưởng
giả, quý phái.
7-
Trọng tự do cá nhân.
8-
Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9-
Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Annam.[1]
Bản
tuyên ngôn này có giá trị thực tiễn, ứng dụng vào phương pháp làm việc, không
nói đến những gì ẩn trong chủ đích tư tưởng (cũng không thể nói được) và
chính cái chủ đích tư tưởng này tôi xin gọi là đề cương tranh đấu,
ẩn sau chữ nghĩa. Để cương này chỉ có thể khám phá bằng cách đọc kỹ những bài
xã luận in trên Phong Hóa.
Vậy,
trong thời kỳ 1933-1934, tranh hài hước chỉ có tính cách giải trí, chủ trương
chính trị và xã hội của tờ báo nằm trong các bài xã luận.
Thực
ra, Phong Hóa không có mục nào đặt tên là xã luận. Tên xã luận mà
chúng tôi gọi ở đây để chỉ bài viết ngắn, gọn, nhưng quan trọng, in trên trang
đầu, dưới tên tờ báo, diễn tả lập trường và vạch đường lối.
Mục
xã luận chỉ có bốn thành viên chính của Tự Lực văn đoàn phụ trách là Nhất Linh,
Nhị Linh (Khái Hưng), Tứ Ly (Hoàng Đạo) và Việt Sinh (Thạch Lam). Thế Lữ và Tú
Mỡ không viết xã luận.
Tuy
xã luận do bốn người viết nhưng không phân phối đều:
Việt
Sinh (Thạch Lam) chỉ viết có mấy bài đầu, như: Sầu thảm nhiều rồi; Lạc quan;
Một cái lầm to; Thiếu niên buồn; Vấn đề dân sinh-Các kỹ nghệ nhỏ…[2],
chưa có bài nào quan trọng, dường như Thạch Lam chỉ được các anh giao cho việc
này khi họ bận.
Xã
Luận của Tứ Ly
Từ
Phong Hóa số 16 (6-10-1932), đến số 96 (4-5-1934), Tứ Ly, ngoài mấy mục thường
thức: Từ nhỏ đến lớn, Từ cao đến thấp, Đàn ngang, còn viết khoảng
19 bài xã luận, ký những tên: Tùng Lương, Tứ Linh và Tứ Ly, với những đầu đề: Tinh
thần khủng hoảng; Phải theo mới; Giạy đời; Các ông nghị; Sợ mới; Sống
chết; Ta đi đâu? Việc học ngày nay; Mặt thực; Phong hóa có suy đồi hay
không? Yêu đời; Báo giới với xã hội Việt Nam (4 bài); Đi tìm hạnh phúc;
Dân quê và luật; Trí thức và dân quê; Hai ngày của một cử tri[3].
Xã
luận của Tứ Ly trong thời kỳ này là những chủ đề rời rạc, viết tùy hứng, chưa
quan trọng.
Bài
xã luận đầu tiên in trên Phong Hóa số 16 (6-10-1932), ký tên Tòng Lương (Tường
Long nói lái), nói lên sự khủng hoảng tinh thần của giới trẻ:
"Nho
học đã tàn, nhưng "các cụ Nho xưa, cứ theo lối cũ mà đi, thánh hiền giậy
thế nào thì cứ tiếp theo như thế, không bao giờ băn khoăn, bứt rứt".
"Đến
bây giờ, nước ta tự theo Âu học, lấy khoa học, luận lý thay vào lời giậy bảo
của thánh hiền, thiếu niên ai cũng như trải qua một thời kỳ tinh thần khủng
hoảng".
Thanh
niên bị khủng hoảng tinh thần vì có sự xung đột giữa cái mới và cái cũ làm cho
bao nhiêu gia đình tan nát:
"Họ
là một bọn lạc loài phơ phất, không biết lấy gì làm căn cứ, như chiếc lá nương
theo chiều gió mà bay. Họ đương tìm một lý tưởng mạnh mẽ để làm phương trâm cho
sự hành động, cái lý tưởng ấy, chưa mấy ai thấy".
Những
lời ngắn gọn trong bài xã luận đầu tiên này, dường như Hoàng Đạo viết cho chính
mình, người thanh niên 25 tuổi, mới bước vào đời làm báo, còn hoang mang trước
những con đường trước mặt, chưa biết chọn hướng nào.
Sau
đó đến bài Phải theo mới, Phong Hóa số 20 (4-11-1932), Tứ Linh đã chọn
xong: phải theo mới, không chút do dự. Người Tàu và người Nhật đã sớm
hiểu như thế. Còn chúng ta? "Riêng ta, chỉ riêng ta, trong cuộc tiến
hóa đã rung động cả Á Châu, ta vẫn nghiễm nhiên rung đùi, ngồi ôm những cái
mộng xưa, đối với sự thay đổi ở nước ngoài, ta không biết đến mà cũng không cần
biết".
Cứ
thấy "một đôi guốc mới, một cái mũ lệch" là người ta
"nhao nhao lên phản đối". Người ta hô hào: "phải bảo tồn
quốc hồn quốc túy", người ta kết án cái văn minh mới đã làm đảo lộn
luân thường đạo lý, phong hóa suy đồi. Vì ta vẫn chưa hiểu phương Tây là gì
trong khi "hàng năm, trăm nghìn học sinh Nhật Bản và Trung Hoa du học
để đem về nước nhà những cái mới".
Tứ
Linh kết luận bài viết bằng khẩu hiệu:
"Phải
theo mới!
Nhưng
trước hết, ta cần phải suy xét nghẫm nghĩ để hiểu hết cái văn minh mới."
Những
lời tha thiết này, mở đầu cho 10 điều tâm niệm Hoàng Đạo sẽ viết trên
Ngày Nay thành cẩm nang kêu gọi thanh niên.
Trong
bài Sống chết trên Phong Hóa số 24 (2-12-1932), Hoàng Đạo viết khá mạnh,
tấn công vào thành trì cổ hủ: sự sùng bái cõi âm, bằng những tư tưởng
rất mới: Người Âu yêu sự sống, bao nhiêu nghị lực họ dồn vào cuộc sống, tìm
cách làm tăng chất lượng cuộc sống, còn chúng ta dù "sống đầy khổ sở,
ăn cơm hẩm, vận áo rách cũng cam lòng, miễn sao có tiền mua lấy cái quan tài
sơn son thiếp vàng để đến lúc nhắm mắt, có gỗ đẹp, có sơn tốt giữ bền được nắm
xương khô.
Mấy
gian nhà thờ phải lộng lẫy uy nghi, đến ngày giỗ phải cỗ bàn linh đình để cho
làng mạc đến ăn, bốn lạy đổi lấy bữa cỗ kể cũng không đắt: phải mua vàng hương
áo mũ đem đốt cho người chết hưởng lấy đống gio tàn".
Phũ
phàng mà quá đúng: cũng vì phải giữ mồ cha, mộ tổ, mà nhiều người không dám ra
khỏi lũy tre làng, thì làm sao có thể cạnh tranh sinh tồn để tiến lên được?
"Thiếu
niên phải tìm đường mà tiến … Ta nghĩ đến người chết, nhưng trước hết ta nên
nghĩ đến người sống!"
Một
lập luận mạnh mẽ, gây sốc, nhưng cần phải có sự mạnh mẽ Hoàng Đạo, mới có thể
thúc đẩy được thanh niên lên đường.
Xã
luận của Nhất Linh
Nhất
Linh là giám đốc Phong Hóa, nên ông mở đầu mục xã luận của tờ báo từ số 14 và
ký nhiều tên: Nguyễn Đông Sơn, Tam Linh, Nhất Linh, Tân Việt. Ông viết không
nhiều, những bài xã luận của ông chia làm hai mạch chính: tranh đấu để phát
triển đời sống dân quê, và kêu gọi thanh niên đứng lên hành động để thực hiện
lẽ sống của đời mình.
Từ
Phong Hóa số 14 (22-9-1932), đến số 97 (11-5-1934), Nhất Linh có khoảng 17 bài:
Biết dân quê…, Tài cán và việc làm; Buổi đời mới; Vấn đề phụ nữ; Dân
quê (thơ); Vô nhân đạo vô nghĩa lý; Một vấn đề di dân; Một
vấn đề dân sinh; Tinh thần và hình thức; Vấn đề dân sinh-Đường xá;
Dân quê muốn gì? (2 bài); Vấn đề dân sinh: Những cái nhà vàng; Một
buổi chiều; Con thuyền ngược nước; Ngược lên chiều gió; Nhà cửa… thôn
quê[4].
Bài
đầu tiên, Biết dân quê… trên Phong Hóa số 14 (22-9-1932), Nguyễn Đông
Sơn đặt vấn đề: Bọn học thức sống xa cách dân quê quá, nhiều người có học,
không kiếm được việc phải về làng, nhưng cũng không sống với dân, không tham dự
việc làng, không bàn bạc… Nói chung là nếu muốn, họ có thể áp dụng việc học của
mình, để làm những việc hữu ích cho dân quê, giúp họ có một cuộc sống tiến bộ
hơn, nhưng họ không làm.
Trong
bài Dân quê muốn gì? trên Phong Hóa số 48 (26-5-1933) và số 49
(2-6-1933), Nhất Linh trở lại vấn đề này, ông viết mạnh hơn:
"Bọn
học thức ngày nay cách biệt với dân quê nhiều lắm.
Một
bên cố mau bước tiến, không đoái hoài ai, một bên đứng yên như cũ, hai bên phải
xa nhau, không hiểu nhau, hững hờ với nhau. Thật là một cái nguy cho bọn học
thức, không có nơi đông mà dựa, nguy cho bọn dân quê không có nơi sáng mà theo.
Nay
ta cứ hỏi bất cứ một người học thức nào về những điều dân muốn, muốn một cách
thiết tha và thiết thực thì họ không trả lời được, hay trả lời một cách lờ mờ,
vì họ không thể biết rõ được".
Bởi
vì, hiểu dân quê thì chỉ có bọn kỳ hào trong làng, vì họ xuất thân từ đây,
nhưng bọn này hiểu dân để mà lợi dụng, ăn trên ngồi trốc. Bọn thứ nhì là những
nghị viên dân biểu "thay mặt dân", hạng này có thể chia ba:
làm nghị viên vì thích được gọi là quan nghị, thứ đến hạng chỉ biết bênh vực
quyền lợi cho mình và hạng dân biểu đích thực, bênh vực quyền lợi dân thì ít
lắm. Nói tóm lại, nếu bọn học thức muốn cải thiện đời sống của dân quê thì phải
gần gụi dân, và dạy cho họ cái quan niệm sống tân tiến của mình, rồi mới bắt
đầu cải cách. Nghĩa là giảng giải cho họ phải bỏ cái đời sống mê muội huyền bí
của họ đi, lấy cái đời hợp lý, thay vào.
Vẫn
biết cơm no áo ấm là cần, nhưng đối với họ là cái cần phụ; cái bổn phận mà họ
cho là to tát là đối với thần thánh, đối với làng mạc, đối với họ hàng
mà dân chúng Âu Mỹ không có. Đáng lẽ có tiền để sửa sang nhà cửa cho sáng sủa
sạch sẽ, cho con học nghề để nuôi sống gia đình, thì lại đem tiền đi mua chức
nhiêu chức xã (chuộng hư danh), làm cỗ bàn để đăng cai (vì ông Thần làng); làm
cỗ giỗ, cỗ đám ma (vì lệ làng). Làm xong mấy thứ đó thì sạt nghiệp. (Truyện Con
trâu của Trần Tiêu nhắm vào những khía cạnh này của đời sống dân quê: thay
vì có tiền mua con trâu để làm ruộng, lại mua nhiêu để "mở mày mở mặt
với họ hàng làng nước" rồi cả đời khốn khổ, không ngóc đầu lên được).
Bài
Vô nhân đạo vô nghĩa lý in trên Phong Hóa số 41 (7-4-1933), Nhất Linh
đánh vào hủ tục: cấm cưới khi nhà có tang (đại tang: ba năm). Một người con gái
25 tuổi, sắp lấy chồng, đùng cái, bà ngoại chết, tiếp đến ông ngoại, rồi ông
nội, bà nội, tới cha, mẹ… thì chỉ có ở giá suốt đời. Một tục lệ vô nhân đạo.
Rồi lại có tục cưới chạy tang: người chết còn nằm sờ sờ ra đó, mà nhà lo… cưới
chạy tang, thật vô nghĩa lý.
Còn
lại là ba bài rất hay: Con thuyền ngược nước, đậm tính văn chương, in
trên Phong Hóa số 78 (22-12-1933), Nhất Linh kể lại quang cảnh một gia đình chiến
đấu với sóng nước trong cơn dông bão: người đàn ông đứng trên bờ, lấy hết sức
bình sinh kéo dây, đưa thuyền vào bến trong khi "trên thuyền một người
đàn bà và một đứa con gái nằm rạp xuống uốn mình chống cong con sào (…) Rồi
trong khoang, một bà cụ bò ra rất nhanh lại đằng cuối thuyền cầm lấy tay lái
(…) Chiếc thuyền con bị hai sức ngược nhau, sức nước và sức người, chồm lên như
cố vượt chỗ nước xoáy. Giáng gò gẫm của mấy người đàn bà mảnh giẻ uốn cong lưng
nằm rạp xuống mui, tiếng gió vù vù và tiếng vạt áo gió thổi lạch bạch, tiếng
nước réo, tiếng người hô nhau diễn ra cái cảnh tượng hoạt động của một cuộc
chiến đấu ráo riết, gay go. (…) Cuộc vật lộn ấy nhắc lại cho chúng tôi một lần
nữa rằng: phải mạnh mẽ mà sống, sống để hành động. Cài đời của tôi, của
bạn tôi, của hết thẩy các bạn thanh niên trí thức phải là cái đời linh
hoạt". Bài xã luận này cho thấy phong cách Nhất Linh: một nhà văn làm
cách mạng.
Bài
Ngược lên chiều gió, Phong Hóa số 92 (6-4-1934), cũng
trong đường hướng ấy, Nhất Linh kêu gọi thanh niên bỏ tư tưởng chán đời, yếm
thế. Phải vùng dậy hành động:
"Hai
người đi ngược lên chiều gió thổi, dằn từng bước, cúi đầu ngẫm nghĩ.
Dưới
sông, nước nguồn chảy mạnh; cuồn cuộn vào bờ, bọt nổi trắng xoá như biểu hiệu
cho ngọn sóng tư tưởng rào rạt trong lòng.
Bạn
tôi vừa ngỏ cho tôi hay những sự bối rối trong tâm hồn, những sự đau đớn về
tinh thần. Lòng nghi hoặc về nghĩa lý đời người (…)
-
Anh không nên băn khoăn tìm về nghĩa lý của đời anh, anh không nên tự hỏi:
ta sống đây có nghĩa lý gì không? Vì không bao giờ anh tìm thấy, anh không trả
lời được, mà không ai trả lời được câu hỏi ấy. Anh chỉ biết có một việc: là đã
sinh ra ở đời thì phải sống, dẫu có nghĩa hay không có nghĩa gì. Mục đích của
đời người ấy chính là đời người, theo như Goethe (…)
-
Sống để mà hành động. Cái đời của anh với tôi phải là cái đời linh hoạt".
Nhà
văn Nhất Linh đã khơi cho thanh niên con đường sống, sống có ý nghĩa, có mục
đích.
Mạnh
mẽ nhất là bài xã luận thơ, tựa đề: Dân quê in trên Phong Hóa số
39 (24-3-1933) ký Tân Việt, làm theo lối thơ mới:
Cảnh
thì cảnh bùn lầy và nước đọng.
Dân
thì nghèo vất vả làm quanh năm
Hết
nắng thiêu lại gió rét căm căm.
Vẫn
nhem nhuốc vẫn thân trần như rộng
Ngày
ngày trên ruộng chân tay lấm
Đêm
đêm về gian nhà tối tăm;
Giường
nan bẩn thỉu chiếu hôi hăm.
Bố
cu, mẹ đĩ rúc vào nằm.
Đứa
trẻ trần truồng lăn ra đất.
Đứa
thì gầy còm, đứa bệnh tật.
Cố
sống cầm hơi chờ khi nhớn.
Làm
thân trâu cho trọn đời khốn nạn
Bọn
đàn anh thời chúi đầu cắm cổ.
Tranh
nhau thủ lợn với phao câu
Theo
lễ nghi quèn, nghĩ những truyện đâu đâu
Riêng
mình thú, không biết rằng dân khổ.
Tân
Việt
Bài
thơ này trỏ thẳng vào cảnh bùn lầy nước đọng, vào đời sống tối tăm của
dân quê, sẽ được Hoàng Đạo mở rộng trên Ngày Nay trở thành loạt bài Bùn lầy
nước đọng, làm chế độ thực dân giật mình, và khi sách in ra, bị tịch thu ngay.
Dân
quê
cũng đã khiến Nhất Linh đã bị đe dọa, sau này ông kể lại:
"Bài
thơ cuối cùng của tôi trong đời làm báo là bài Dân quê. Bài ấy đã làm cho tờ
Phong Hóa (đăng bài thơ ấy) suýt bị đóng cửa, tôi bị mời ra ty kiểm duyệt và
báo bán tăng thêm được hai nghìn số. Từ đấy tôi không làm thơ nữa"[5].
Xã
luận của Khái Hưng
Khái
Hưng có bút hiệu thứ nhì, rất hay dùng là Nhị Linh, ký dưới những văn bản mà
Khái Hưng xem là nhẹ, như tự truyện Mực tầu giấy bản, hoặc các truyện
ngắn, kịch ngắn, truyện vui và xã luận. Nhiều người không biết, tưởng Nhị Linh
là Nhất Linh, như Phạm Thế Ngũ. Vì thế, một phần tác phẩm của Khái Hưng được kê
vào "sổ" Nhất Linh. Xã luận là một trường hợp.
Đọc
xã luận, mới thấy Khái Hưng là người vạch ra một đường lối đấu tranh có hệ
thống. Từ Phong Hóa số 51 (16-6-1933) đến số 120 (19-10-1934), ông viết khoảng
41 bài xã luận có tính cách đại luận, một kỷ lục, vì Hoàng Đạo chỉ viết 19 bài
và Nhất Linh 17 bài, bởi vì Khái Hưng còn viết nhiều thể loại trên các hạt khác
nữa. Chúng tôi tạm thống kê sau đây:
Tinh
thần và vật chất; Vần đề dân sinh: Man trá và
hà lạm; Sự sống của dân quê (5 bài); Các trình độ học thức; Quay
về vườn ruộng; Một bản chương trình dự định; Lễ đối với người chết; Hư danh; Tự
trọng; Ngó qua chủ nghĩa đại gia đình; Một tấm gương đời; Yêu đời; Tập tục; Một
bản chương trình (7 bài); Quyền công dân; Thư gửi
các ông nghị; Các ông nghị nhà quê; Khổng Giáo; Viết sách xuất bản sách; Trẻ
già; Âu hóa dân quê – Quan niệm mới (2 bài); Tủ sách gia đình (2
bài); Các ông nhà giầu; Đốt mã là sự giả dối; Trai gái bằng quyền; Văn bác
học và văn bình dân; Sách khảo cứu, tủ sách gia đình; Thuyết trung dung của ông
Nguyễn Công Tiễu[6].
Bài
Tinh thần và vật chất trên Phong Hóa số 51 (16-6-1933), là bài khai bút,
Khái Hưng kể lại câu chuyện từ đầu:
"Nhất
Linh và tôi đến chơi một người bạn ở một làng giáp Hà Nội.
Tới
chỗ giẽ vào làng, chúng tôi xuống xe, đi bộ theo một con đường nhỏ hẹp, gồ ghề
quanh co, lầy lội. Hai bên bờ thì cỏ mọc lẫn với những cây cúc dại hoa trắng um
tùm rậm rạp. Thỉnh thoảng chúng tôi lại phải nhảy qua một cái rãnh xẻ, hoặc một
đống ô uế lù lù ngay giữa đường.
Đi
bên những xóm dân cư đông đúc, chúng tôi nhìn qua kẽ lũy tre già: san sát nhà
tranh ẩm thấp, bẩn thỉu. Nào người, nào gà, nào lợn, lúc nhúc trong một khu
chật hẹp.
Tới
đình làng, chúng tôi dừng chân ngồi nghỉ mát ở dưới bóng rợp của mấy cây muỗm
cỗi. Bên phải chúng tôi là chùa làng, bên trái chúng tôi là văn chỉ [nền
tế Thánh]. Ba lớp nhà gạch tráng lệ nguy nga dựng trên một khu đất khoáng
diễn, cao ráo. Nào cửa tam quan, nào đường lát gạch, nào tường hoa, nào nhà
nghỉ mát. Đẹp lắm! Sạch sẽ lắm!
Nhất
Linh mỉm cười bảo tôi:
-
Ước gì người làng này, hay nói rộng ra người nước ta họ biết tự trọng thân họ
như họ trọng việc thờ phụng! Bao giờ cho những con đường lầy bùn bẩn thỉu trong
làng được họ chăm chút tới như họ chăm chút quét dọn cái sân đình kia.
Tôi
trả lời bạn:
-
Bao giờ à? Có lẽ còn lâu lắm. Khi nào họ không ngộ nhận hai chữ tinh thần và
vật chất, mà cái đó thì rất khó, tuy ta tưởng là rất dễ, thì họa may sự mong
mỏi của anh mới có thể có kết quả".
Vì
"ngộ nhận hai chữ tinh thần và vật chất", cho nên dân ta mới
sống cuộc đời "đảo ngược" như thế, mặc dù đã có câu tục ngữ "có
thực mới vực được đạo" nhưng lại không dùng mà coi như lời bỡn cợt ở
cửa miệng đàn bà! Nếu dân làng thiên về vật chất một chút, thì họ sẽ
dùng số tiền bỏ ra làm đình, làm chùa, làm cỗ bàn, để xây giếng nước, dựng
trường học, sửa đường sá mà đi.
"Làng
này có tiếng là một làng văn vật, mấy mươi đời tôn trọng Khổng Giáo, và đã đào
tạo nên những danh nhân, thượng tướng, đi nữa, một người ngoại quốc mới thoạt
đến đặt gót trên con đường bùn bẩn, ngắm cách sinh hoạt cẩu thả khốn nạn của
bọn dân đinh, họ cũng đem lòng khinh bỉ và cho dân tộc này là một dân tộc mọi
rợ.
Thì
sao bọn đàn anh, bọn học thức trong làng, không đem cái tài tôn trọng lễ nghi,
đem cái khỏe bảo tồn đạo đức ra mà hãy dạy dân biết ít nhiều điều cần thiết về
sự sống đã!"
Khái
Hưng không chỉ nói đến bọn Tây học vô tình, mà còn chỉ trích cả những
"danh nhân, thượng tướng" nữa, họ đã làm gì để nâng cao đời sống
người dân?
Bài
này đi đôi với bài Dân quê muốn gì? của Nhất Linh, tỏ sự nhất trí của
hai nhà văn về vấn đề cải thiện đời sống dân nghèo, tạo ra một câu hỏi lớn về
việc phải thay đổi đời sống dân quê, từ cỗi rễ tư tưởng đến sự thực hành.
Khái
Hưng đã trả lời: phải thay đổi như thế nào trong những bài xã luận kế tiếp.
Riêng
về vấn đề cuộc sống dân quê, từ Phong Hóa số 52 (23-6-1933) đến số 57
(28-7-1933) ông viết tất cả 7 bài, nêu lên những bất cập trong guồng máy cai
trị dân quê và đề nghị cải tổ.
Rồi
trong loạt bài Một bản chương trình, từ Phong Hóa số 80 (5-1-1934) đến
số 87 (2-3-1934), ông viết thêm 7 bài nữa, đề nghị chương trình kiến tạo nông
thôn:
-
Ao chuôm trong làng phải sửa thành một hệ thống ao hồ vệ sinh, có thể nuôi tôm,
cá.
-
Thiết lập một thứ tiểu kỹ nghệ, để dân có việc làm, ngoài vụ gặt, bớt rong chơi
cờ bạc.
-
Phá lũy tre xanh để dân làng tiếp xúc với bên ngoài, đi xa, học cái mới.
-
Trâu bò không được giữ ở nhà, bẩn thỉu mất vệ sinh, mỗi làng cần có một trại
nuôi trâu bò chung.
-
Dân quê nên ăn mặc giống người thành thị cho gọn ghẽ, đàn ông áo dài trắng, đàn
bà mặc như các cô gái Lim, rất duyên dáng mà cũng không tốn kém hơn.
-
Không đi đất, trông bệ rạc, trời rét cóng chân, nên tập đi dép, guốc, sạch sẽ
hơn, đầu đội nón.
-
Không dùng nước ao tù làm đủ mọi việc: ăn, uống, tắm, giặt, giết súc vật, cầu
tiêu, như vậy "mọi rợ" lắm…
-
Phải đào giếng khơi để lấy nước ăn, uống.
-
Mỗi làng phải có nhà giết trâu giết bò, phải có nơi riêng để rác…
-
Bỏ lối làm nhà đình, nhà vỏ riêm (diêm) hay bánh khảo,
Phong Hóa sẽ vẽ nhà kiểu mẫu. Đắp đường sá. Dường như ông đã làm thử chương
trình này ở làng ông (xem truyện Những ngày vui). Đề nghị này sẽ được
thể hiện trong chương trình làm nhà Ánh sáng cho dân quê.
Việc
Khái Hưng đề nghị phá lũy tre xanh từ năm 1933, cực kỳ tân tiến, và đến bây
giờ, hơn 80 năm sau, mới thực hiện được.
Khái
Hưng có thuật biến bút, viết lối nào cũng được, ví dụ trong cùng một số báo (số
80), ông vừa trầm mình trong không khí tĩnh lặng thơ mộng, đầy âm thanh và cảm
xúc của truyện ngắn Tiếng dương cầm, lại vừa xông xáo trong trận bài xã
hội, với Một bản chương trình, tấn công bọn nghị viên trí thức khinh bỉ
dân quê. Khái Hưng cũng không quên "mặt trận" văn hóa giáo dục và
luôn luôn giữ thế trung dung khi phân tích, phê bình.
Lối
viết xã luận của Khái Hưng, khó ai bì kịp bởi sự uyên bác và cách thay đổi đề
tài: Qua những bài xã luận, ông bàn về rất nhiều vấn đề khác nhau: Không những
ông chỉ ra những tệ nạn và bất cập trong đời sống dân quê, mà còn đề nghị sự
cải tổ trực tiếp bằng cách viết thư cho các ông nghị, đòi hỏi phải dạy cho học
sinh lớp sơ đẳng biết quyền công dân. Tố cáo việc nhà xuất bản ép nhà văn nghèo
phải bán đứt bản quyền với giá rẻ. Tố cáo tệ nạn đốt vàng mã. Vạch ra sự cần
thiết phải lập một tủ sách gia đình, v.v.
Để
đả kích việc đốt vàng mã, ông viết bài Đốt mã là một sự giả dối trên
Phong Hóa số 114 (7-9-1934), trở lại nguồn gốc của thói tục này, ông giải thích
tại sao dân ta đốt vàng mã: là để thay thế một tập tục dã man học của Tàu: bắt
người sống (cung tần, mỹ nữ, vợ…) chết theo chủ. Rồi ông mới trở về với thời
nay, cảnh cáo những kẻ "tân tiến", "có học":
"Họ
lừa dối người chết để ăn mày sự âm phù không đâu.
Họ
lừa dối người sống để khoe khoang tấm lòng hiếu nghĩa không có.
Họ
lừa dối họ, vì họ không tin mà vẫn vờ là có tin.
Họ
lừa dối và làm hại xã hội, vì đồng tiền bỏ ra mua mã có thể dùng đế cứu giúp
được biết bao kẻ đói khó"[7].
Những
lời cảnh cáo của Khái Hưng, 86 năm qua, vẫn còn cần thiết với ngày nay! Bởi tục
đốt vàng mã vẫn còn nguyên, tại thế.
Trong
bài xã luận Quyền công dân, Khái Hưng khuyên một ông nghị tân tiến:
"Dạy
con em biết ít điều cần thiết về quyền công dân. Mục ấy (droits civiques) ở các
lớp sơ đẳng các trường bên Âu Mỹ không đâu họ quên lãng (…) Ở các trường sơ
đẳng ở nước ta, tuy cũng có dạy con em những bổn phận đối với vua, với quan
đấy, song mục quyền công dân vẫn thấy lẫn với mục luân lý. Không, thưa ông, không
thể lẫn lộn như thế được (…) Ta phải dạy cho con em hiểu rằng ta đã là một
người công dân trong một nước thì ta phải có đủ quyền tự do của một người dân,
quý hồ ta không phạm tới tự do của người khác là được rồi. (…) Tự do ấy, là tự
do đi thênh thang trên con đường cái mà ta đã đóng thuế để đắp nên, là tự do
uống nước giếng khơi mát mẻ mà ta đã đóng thuế để khơi ra, là tự do bỏ phiếu
bầu người ta muốn bầu, không ai dùng oai quyền mà cấm đoán nổi… Tự do ấy, là tự
do nói và viết những điều ta nghĩ, quý hồ những điều ấy không phạm tới pháp
luật"[8].
Giảng
cho người dân vừa qua thời phong kiến, hiểu thế nào là tự do, bằng một
bài xã luận ngắn gọn, dễ hiểu, chính xác như thế, Khái Hưng, trong những ngày
đầu của cuộc cách mạng xã hội, đã viết những điều khai tâm cho người dân bị trị
về dân chủ.
Trong
loạt bài xã luận này, Khái Hưng là người lãnh đạo đã viết rõ đề cương tranh
đấu, đặt ra rất nhiều chủ đề, mỗi chủ đề được đào sâu bằng một số bài viết.
Sự
cải tiến đời sống dân nghèo sẽ được cổ động trực tiếp qua những bài báo, hoặc
nói thẳng với nghị viên (đại biểu của dân), hoặc do chính Tự Lực văn đoàn thực
hiện trong chương trình nhà Ánh sáng.
Những
cải cách xã hội sẽ được khai triển trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn: như chế
độ đại gia đình, chế độ đa thê, sự tham nhũng và đồi trụy trong quan trường,
những tập tục cổ hủ, vấn đề thừa tự, vấn đề nam nữ bình quyền, sự lỗi thời của
Khổng giáo…
Những
chủ đề chính trị sẽ được Hoàng Đạo, lý thuyết gia của Tự Lực văn đoàn phát
triển qua ngả nghị luận.
Tất
cả tạo thành một làn sóng cách mạng văn chương và xã hội có tầm vóc chưa từng
thấy.
(Còn
nữa)
Thụy
Khuê
thuykhue.free/fr
[1]
Xem toàn bản Tuyên
ngôn
và Tôn chỉ, in trong chương 2: Sự thành lập Tự Lực văn đoàn.
[2]
Sầu thảm nhiều rồi (Phong Hóa số 15, 29-9-1932), Lạc quan (số 32,
3-2-1933), Một cái lầm to (số 34, 17-2-1933), Thiếu niên buồn (số
36, 1-3-1933), Vấn đề dân sinh – Các kỹ nghệ nhỏ (số 47, 19-5-1933)…
[3]
Tinh thần khủng hoảng, Phong Hóa số 16 (6-10-1932), ký tên
Tùng Lương; sau đó ký Từ Linh: Phải theo mới, số 20 (4-11-1932); Giạy
đời, số 21 (11-11-1932); Các ông nghị, số 22 (18-11-1932); Sợ
mới, số 23 (25-11-1932); Sống chết, số 24 (2-12-1932); Ta đi đâu?
số 26, 16-12-1932); Việc học ngày nay, số 27 (23-12-1932); Mặt thực,
số 28 (30-12-1932); Phong Hóa có suy đồi hay không, số 30 (13-1-1933); Yêu
đời, số 35 (24-2-1933); 4 bài Báo giới với xã hội An Nam từ số 37
(10-3-1933) đến số 40 (31-3-1933). Những bài ký tên Tứ Ly: Đi tìm hạnh phúc,
số 79 (29-12-1933), Dân quê và luật, số 91 (30-3-1933); Trí thức và
dân quê, số 93 (13-4-1934) và Hai ngày của một cử tri, số 96
(4-5-1934).
[4]
Biết dân quê… của Nguyễn Đông Sơn (số 14, 22-9-1932), Tài cán và việc
làm của Tam Linh (số 17, 13-10-1932); Buổi đời mới của Nhất Linh (số
18, 20-10-1932): Vấn đề phụ nữ của Tân Việt (số 29, 6-1-1933). Dân
quê (thơ, số 39, 24-3-1933) ký Tân Việt. Sau đó ông ký Nhất Linh: Vô
nhân đạo vô nghiã lý (số 41, 7-4-1933); 2 bài Một vấn đề di dân, số
43 (21-4-1933) và số 44 (28-4-1933); Tinh thần và hình thức (số 45,
55-5-1933); Vấn để dân sinh-Đường xá (số 46, 12-5-1933), 2 bài Dân
quê muốn gì?, (số 48, 26-5-1933 và số 49, 2-6-33), Vấn đề dân sinh:
Những cái nhà vàng (số 50, 9-6-1933); Một buổi chiều (số 70,
27-10-1933); Con thuyền ngược nước (số 78, 22-12-1933); Ngược lên
chiều gió (số 92, 6-4-1934); Nhà cửa…thôn quê (số 97, 11-5-1934).
[5]
Đời thi sĩ, vài trang Hồi ký của Nhất Linh, in trong Văn học nghệ
thuật, tháng 7-1985, Hoa Kỳ, trang 311.
[6]
Tinh thần và vật chất, số 51 (16-6-1933); Vần đề dân sinh: Man
trá và hà lạm, số 52 (23-6-1933), 5 bài Sự sống của dân quê: số 53
(30-6-1933), số 54 (7-7-1933), số 55 (14-7-1933) số 56 (21-7-1933) và 57
(28-7-1933); Các trình độ học thức, số 58 (4-8-1933) Quay về vườn
ruộng, số 59 (11-8-1933); Một bản chương trình [giáo dục] dự
định, số 60 (18-8-1933); Lễ đối với người chết, số 61(25-8-1933), Hư
danh, số 62 (1-9-1933), Tự trọng, số 68, 13-10-1933; Ngó qua chủ
nghiã đại gia đình, số 69 (20-10-1933), Một tấm gương đời, số 72
(10-11-1933), Yêu đời, số 73 (17-11-1933). Tập tục, số 74
(24-11-1933); Một bản chương trình, 7 bài, số 80 (5-1-1934), số 81
(12-1-1934), số 82, 83, 84, 86 và 87; Quyền công dân, số 90
(23-3-1934); Thư gửi các ông nghị, số 94 (20-4-1934); Các ông nghị nhà
quê, số 95 (27-4-1934); Khổng Giáo, số 100 (1-6-1934); Viết sách xuất bản
sách, số 101 (8-6-1934); Trẻ già, số 106 (13-7-1934); Âu hóa dân
quê-Quan niệm mới, số 107 (20-7-1934); Quan niệm mới, số 108
(26-7-1934); Tủ sách gia đình, số 110 (10-8-1934) và số 111 (17-8-1934);
Các ông nhà giầu, số 112 (24-8-1934); Đốt mã là sự giả dối, số
114 (7-9-1934); Trai gái bằng quyền, số 116 (21-9-1934) ; Văn bác học
và văn bình dân, số 118 (5-10-1934); Sách khảo cứu, tủ sách gia đình,
số 119 (12-10-1934); Thuyết "Trung Dung" của ông nghị Nguyễn Công
Tiễu, số 120 (19-10-1934).
[7]
Nhị Linh, Đốt mã là một sự giả dối, Phong Hóa số 114, 7-9-1934.
[8] Nhị Linh, Quyền công dân, Phong Hóa số 90, 23-3-1934.