Số
80 Quan Thánh
Phần
I
Quan
Thánh hay Quán Thánh?
Trước
khi vào bài, chúng tôi muốn trả lời câu hỏi: Quán Thánh hay Quan Thánh?
Tây
Hồ, xưa là Lãng Bạc. Lý Thánh Tông (1023-1072) dựng hành cung ở đây, gọi
tên là Dâm Đàm, nhà Lê đổi thành Tây Hồ[1].
Trong
bài Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng (1750-1808), cựu thần nhà Lê,
sau theo Tây Sơn, làm khoảng năm 1800, vịnh cảnh Tây Hồ đồng thời ca tụng công
đức nhà Tây Sơn[2],
có hai câu, nói đến quán Trấn Vũ và bia [ở chùa] Trấn Quốc, sau đây:
"Đền
Mục-lang hương hỏa chẳng rời, tay lưới phép còn ghi công bắt hổ; quán
Trấn-vũ nắng mưa nào chuyển, lưỡi gươm thiêng còn để tích giam rùa.
(…)
Toà
kim-liên sóng nổi mùi hương, bia Trấn-quốc tưởng in vùng tĩnh phạm; hàng
cổ thụ gió rung bóng lộc, tràng Phụng-thiên nhận sẵn thú Nghi Vu.
Dấu
Bố-cái rêu in nền miếu, cảnh Bà-Đanh hoa khép cửa chùa".
Phạm
Thái (1777-1813) – con Thạch Trung Hầu Phạm Đạt, cựu thần nhà Lê, hai cha con
đều cầm quân chống lại nhà Tây Sơn, nhưng thất bại – sáng tác bài Chiến Tụng
Tây Hồ phú, nói lên cảnh điêu tàn của Hà thành thời Tây Sơn, đồng thời mắng
Nguyễn Huy Lượng là người phản bội, thờ hai chúa. Phạm Thái viết lời dẫn như
sau:
"Năm
canh thân [1800] mùa hạ, ta đến chơi với bạn ở Tràng An [Hà
Nội], nghe bạn ngâm bài "Tụng cảnh Tây-hồ". Hỏi ai làm bài ấy mà
hay thế? Bạn rằng: Chương lĩnh hầu Hữu-Hộ-Lượng [Nguyễn Huy Lượng] làm
ra. Ta rằng: Chao ôi! Hữu-Hộ-Lượng a! Xưa hắn làm tôi triều Lê, nay ra làm
ngụy, lại còn tụng Tây-hồ mà chẳng thẹn mặt, ghét đứa nịnh làm sao! Nhớ xưa có
bài thơ "chiến cổ" nay nhân bỉ kẻ làm bài tụng, ta cũng làm bài
"chiến tụng" để góp một chút trò cười với đời".
Chiến
Tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái, có hai câu liên hệ tới
đền Trấn-võ (tức Trấn-vũ) và đường Quán Thánh (sau gọi là Quan
Thánh, gần đây đổi lại thành Quán Thánh):
"Lưới
Mục-lang au nát mất cả giường, gian chẳng bắt nữa hoài công bắt hổ; gươm
Trấn-võ chỉ còn trơ những sống, giặc không giam mà có sức giam rùa.
(…)
Ông
Đá dãi dầu hình tượng miếu; Bà Đanh vắng ngắt tiếng chuông chùa.
Nhà
tranh đua đều khấn bụt cầu ma, đường Quán Thánh khéo lăng nhăng lít
nhít; chợ xao xác những buôn hùm bán quỷ, mái Trường-lương nghe lếu láo ỷ
o"[3]
Bài
phú của Nguyễn Huy Lượng ca tụng cảnh Hà thành nhờ ơn Tây Sơn càng thêm hoa mỹ.
Bài phú của Phạm Thái, ngược lại, tả Hà thành điên đảo tàn tạ dưới thời Tây
Sơn. Cả hai đều là áng văn chương trác tuyệt, nhưng lời Phạm Thái cay đắng, mỉa
mai, thâm trầm hơn lời Nguyễn Huy Lượng.
Ngày
nay, vì ý niệm độc tôn vua Quang Trung, trở thành độc tôn Tây Sơn, mặc dù Quang
Toản không có công nghiệp gì, người ta ca tụng bài phú của Nguyễn Huy Lượng và
chê bai bài phú của Phạm Thái.
Phạm
Thái, cũng là nhân vật chính của Khái Hưng trong Tiêu Sơn tráng sĩ.
Theo
lời phú của Nguyễn Huy Lượng thì đền Trấn Vũ (hay Trấn Võ) ngày trước là
quán Trấn Vũ. Theo lời phú của Phạm Thái, con đường chạy
ngang qua quán Trấn Vũ được gọi là đường Quán Thánh.
Và
Đại Nam Nhất Thống Chí, ghi rõ quán Trấn Vũ dựng thời nào, thờ ai:
"Quán
Chân Vũ: ở phường Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận, thờ Trấn Thiên Chân Vũ Đại Đế
dựng đời Lê Vĩnh Trị [Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị,
1678-1680], lại đúc tượng đồng cao 8 thước 2 tấc, chu vi 8 thước 7 tấc, nặng
6.600 cân, rất linh ứng. Nguyên tên là quán Trấn Vũ, bản triều năm Minh Mệnh
thứ 2 [1821], vua Bắc tuần, cho 50 lạng bạc, năm thứ 21 [1840]
đổi tên hiện nay."[4]
Chân
Vũ Đại Đế là vị thần trong huyền thoại Trung Quốc, trấn giữ sao Bắc Cực, còn
gọi là Bắc cực tinh quân. Với Việt Nam, Chân Vũ giúp An Dương Vương diệt tinh
(quái vật) ở Tây Hồ.
Sau
hòa ước Giáp Thân (1884), nước ta chịu sự bảo hộ của nước Pháp, Hà Nội là đất
nhượng điạ, nên họ thay đổi tên đương phố thành tên Pháp, bắt đầu từ cuối thế
kỷ XIX, và có lẽ trong thời kỳ này, họ đã đổi tên đường Quán Thánh thành Le
Grand Bouddha.
Báo
Phong Hóa số 123 (9-11-34) quảng cáo: Kể từ 1-11 tòa báo Phong Hóa dọn lại
số 80 đường Quan Thánh (80, Avenue du Grand Bouddha). Như vậy, hai tên
Pháp-Việt được dùng song song cho tới năm 1934 chăng? Những số báo Phong Hóa kế
tiếp vẫn còn đề tên Le Grand Bouddha, phải đến Phong Hóa số 127 (7-12-34), mới
chuyển hẳn sang tên Việt: 80 đường Quan Thánh.
Từ
đó về sau, trên Phong Hóa Ngày Nay, địa chỉ tờ báo luôn luôn đề: 80 Quan
Thánh. Và đối với người Hà Nội, tên đường Quan Thánh vẫn còn giữ đến năm
1954.
Vì
thế chúng tôi giữ nguyên cách viết này trên Phong Hoá Ngày Nay.
Sự
khó khăn khi tìm tài liệu về Khái Hưng
Thư
Trung trong bài Khái Hưng, thân thế và tác phẩm, soạn cho báo Văn số 22
(15-11-64) tưởng niệm Khái Hưng, đã viết: "Tìm hiểu thân thế Khái Hưng
là một việc khó. Khó vì tài liệu rất hiếm, sơ sài hoặc khó tin. Khó vì những
người sống gần gũi với Khái Hưng hiện nay không có được mấy người, trong số lại
có những người, vì lý do này hay nguyên cớ khác, không muốn viết về người đã
khuất"[5].
Nhà
văn Nguyễn Thạch Kiên (1926-2008) đến Hoa Kỳ cuối năm 1992, theo diện HO, mất
ngày 13-12-2008 ở California, là đồng chí và đàn em Khái Hưng, cũng là người
sưu tầm và giữ được nhiều tài liệu về Khái Hưng, đã giúp Trần Đình Phong, thực
hiện báo Văn số 22, tưởng niệm Khái Hưng. Nguyễn Thạch Kiên cho biết: "Ngay
từ năm 1945-1946, và sau ngày toàn quốc khói lửa, tôi vẫn còn được "quản
lý "một số tài liệu quý, có cả những bài Khái Hưng viết. Tôi còn được biết
thêm là ngay từ hồi đó, Khái Hưng đã dịch xong toàn bộ cuốn "Liêu trai chí
dị" của Bồ Tùng Linh và đã cho một thân hữu mượn. Người bạn đó là ai, hiện
[1966] còn giữ nguyên bộ "Liêu trai chí dị" của Khái Hưng như
lúc văn sĩ cho mượn nữa hay không, tôi xin miễn kể. Câu chuyện đã trở thành
riêng tây và đã đi vào quá khứ "im lặng như một nấm mồ" rồi[6]."
Sang
Hoa Kỳ 1992. Năm 1997-1998, Nguyễn Thạch Kiên in bộ sách Khái Hưng, Kỷ vật
đầu tay và cuối cùng, 2 cuốn, Nxb Phượng Hoàng, California[7].
Bộ
sách này tập hợp tiểu thuyết đầu tiên Hồn bướm mơ tiên cùng với những truyện
ngắn và kịch bản cuối cùng của Khái Hưng đã in trên hai tờ Việt Nam và
Chính Nghiã trong hai năm 1945 và 1946, giúp ta biết rõ hoàn cảnh chính trị và
nhất là tư tưởng của Khái Hưng trong hai năm cuối đời.
Ngoài
ra, Nguyễn Thạch Kiên còn cổ động các đồng chí trong Quốc Dân Đảng, ai còn giữ
được kỷ niệm gì về Khái Hưng thì viết ra, vì vậy, bộ sách này hữu ích cho những
ai muốn nghiên cứu về con người Khái Hưng, tìm hiểu toàn diện nhà văn, nhà trí
thức, nhà cách mạng.
Khi
sang California nói chuyện về Tự Lực văn đoàn, năm 2002, chúng tôi được ông
trao tặng bộ sách quý này, đến nay đã mười chín năm. Vì hoàn cảnh thiếu thốn tư
liệu ở hải ngoại, chúng tôi đã không thể làm gì được, trước khi sưu tập Phong
Hóa Ngày Nay được đưa lên thư viện điện tử năm 2012, bốn năm sau khi Nguyễn
Thạch Kiên qua đời.
Viết
chương sách này chúng tôi không khỏi ngậm ngùi tri ân ông, nhờ sự sưu tầm của
ông mà chúng ta có thêm một số tài liệu mới, so với năm 1964, khi báo Văn số 22
ra đời, đặt mốc đầu tiên cho việc nghiên cứu Khái Hưng.
Một
câu của Nguyễn Thạch Kiên làm tôi chú ý khi mở đầu tập sách:
"Địa
điểm 80 phố Quan Thánh, Hà Nội là một ngôi biệt thự lịch sử không những của nền
văn học Việt Nam cận đại (1930-1946) mà còn là trụ sở của các lực lượng cách
mạng "vì quốc gia dân tộc Việt Nam" suốt từ đầu thập niên 30 đến cuối
năm 1946 nữa[8]."
Câu
này bắt buộc người nghiên cứu không chỉ bằng lòng với sự đọc tác phẩm Tự Lực
văn đoàn, mà còn phải tìm hiểu cơ sở hoạt động của họ, thì mới có thể
hiểu rõ tư tưởng của họ. Và 80 Quan Thánh là cơ sở chính.
Trước
khi tìm về 80 Quan Thánh, chúng ta nên trở lại cơ sở đầu tiên của Tự Lực
văn đoàn.
Đâu
là những cơ sở đầu tiên của Tự Lực văn đoàn? Đó là vấn đề chưa thể biết tường
tận. Ở thời điểm này, tôi chỉ xin đưa ra một số giả thuyết.
Điạ
chỉ số 1 Avenue Carnot
Số
1 Boulevard Carnot là địa chỉ chính thức đầu tiên của tòa soạn Phong Hóa trong
hơn hai năm từ tháng 6-32 đến tháng 10-34[9].
Số
1 Boulevard Carnot còn là địa chỉ các nhà xuất bản:
Annam
xuất bản cục, nhà xuất bản đầu tiên của Tự Lực văn
đoàn, ra đời năm 1933, được quảng cáo trên Phong Hóa số 45 (5-5-33)[10].
Một
năm rưỡi sau, nhà xuất bản Đời Nay sẽ thay thế cho Annam xuất
bản cục, được quảng cáo trên Phong Hóa số 114 (7-9-34)[11].
Vậy
số 1 Boulevard Carnot là địa chỉ chính thức của Phong Hóa, của Annam
xuất bản cục và nhà xuất bản Đời Nay, trong hơn hai năm, từ 16-6-32 đến
19-10-34.
Địa
chỉ số 1 Boulevard Carnot sẽ bị bỏ hẳn, khi tòa soạn và trị sự dời về số 80
Avenue du Grand Bouddha (Quan Thánh), kể từ Phong Hóa số 124 (16-11-34).
Số
1 Boulevard Carnot, thực ra, chỉ là địa chỉ gửi thư và ngân phiếu; bởi vì trên
Phong Hóa, kể từ số 1, đều ghi: ngân phiếu và thư tín gửi M. Phạm Hữu Ninh,
quản lý Phong Hóa Tuần báo, số 1 đường Carnot, Hà Nội.
Tóm
lại, số 1 đường Carnot, không phải là nơi làm việc của ban biên tập, vì
không thấy ai nói đến nơi này như một tòa soạn thực thụ, mà có thể chỉ là nhà
ông Phạm Hữu Ninh.
Vậy
ban biên tập làm việc ở đâu?
Điạ
chỉ đường Quần Ngựa
Trong
tiểu thuyết Những ngày vui, Khái Hưng cho biết hạt nhân đầu của nhóm Tự
Động (Tự Lực) gồm có ba người: Nguyễn Văn Duy (Nguyễn Gia Trí), Trần Đình Điển
(có thể là nhân vật hư cấu, vì không tìm thấy dấu vết trên báo Phong Hóa) và Đỗ
Như Phương (Khái Hưng).
Vẫn
theo Những ngày vui, khi Phương (Khái Hưng) lên Hà Nội, thì Duy (Nguyễn
Gia Trí) đã thuê sẵn cho Phương một căn nhà có 5 phòng, thuê 40 đồng một
tháng. Căn nhà này có thể là hư cấu, và cũng có thể nó tượng trưng căn nhà
số 1 Boulevard Carnot.
Tuy
nhiên, phải có một nơi đầu tiên Khái Hưng ở, khi bỏ Ninh Giang lên Hà Nội, cuối
năm 1930 (trong truyện ngắn Tây xông nhà, in trên báo Việt Nam, số Tết
Bính Tuất, 1946, Khái Hưng cho biết ông lên Hà Nội cuối năm 1930). Căn nhà này có
thể là căn nhà ở đường Quần Ngựa, Khái Hưng ở trước khi dọn đến 80 Quan
Thánh, như lời Trần Khánh Triệu viết: "Còn nhớ trong cuốn sách hồng
Bông cúc huyền, viết hồi ba tôi ở Quần Ngựa Hà Nội"[12].
Như vậy trước khi dọn đến 80 Quan Thánh, Khái Hưng đã từng ở đường Quần Ngựa
(nay là phố Đốc Ngữ (?)).
Đường
Quần Ngựa cũng là nơi, khi Nguyễn Gia Trí được tha từ Vụ Bản trở về năm 1943 đã
mở xưởng vẽ. Trần Khánh Triệu viết: "Chú Trí vẫn mải mê với tranh sơn
mài trên đường Quần Ngựa"[13].
Nhưng
như trên vừa nói: Khái Hưng năm 1930 đã ở đường Quần Ngựa, và Nguyễn Gia Trí
năm 1943, cũng ở đường Quần Ngựa, có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.
Địa
chỉ gia đình Nhất Linh rất rõ ràng: Cả nhà ở số 9 phố Hàng Bè, nơi bà Nhất Linh
có tiệm bán cau (thừa hưởng cửa hàng buôn tạp hoá của mẹ) đến cuối năm 1946.
Sau khi tản cư trốn sự truy lùng của Việt Minh; năm 1947, gia đình hồi cư về Hà
Nội, ở số 15, Hàng Bè[14].
Tú
Mỡ đưa ra địa chỉ ở Ấp Thái Hà, ông viết: "Anh Tam nộp đơn xin Chính
phủ cho phép ra tở bào "Tiếng cười" và chuẩn bị bài vở cho số báo ra
mắt. Anh thuê một căn nhà nhỏ trong Ấp Thái Hà, lấy nơi tĩnh mịch để làm
việc"[15].
Lời
Tú Mỡ, như chúng tôi đã nói, có nhiều chỗ sai, riêng câu: "Anh thuê một
căn nhà nhỏ trong Ấp Thái Hà, lấy nơi tĩnh mịch để làm việc", không
biết thế nào. Bởi vì, Nhất Linh có thói quen thích ở riêng, ông hay thuê nhà
hoặc phòng, để làm việc cho yên tĩnh, sau này ở trong Nam cũng vậy. Nhưng căn
nhà ở Thái Hà Ấp, nếu có thuê, chắc Nhất Linh chỉ dùng trong thời gian đầu, lúc
dự định ra báo Tiếng Cười. Còn khi tòa soạn dọn về Quan Thánh, Trần Khánh Triệu
cho biết: Nhất Linh và Hoàng Đạo viết trong phòng khách của tòa báo ở
đường Quan Thánh[16].
Địa
chỉ số 25, Boulevard Henri d’Orléans (nay là Phùng Hưng)
Trên
đầu Phong Hóa số 14 (22-9-32) ghi rõ: Toà soạn: 25 Boulevard
Henri d’Orléans, Trị sự: 1 Boulevard Carnot.
Địa
chỉ 25 Boulevard Henri d’Orléans (nay là Phùng Hưng) ở ngay đầu ngã tư
Phùng Hưng-Đường Thành bây giờ. Vậy 25 Boulevard Henri d’Orléans và căn
nhà ở phố Đường Thành mà Khái Hưng hay nhắc đến, chắc là một. Và chính là nơi
làm việc của ban biên tập Phong Hóa từ số 14, cũng có thể ngay từ số 1. Vì
có những dấu hiệu sau đây:
-
Trong Những ngày vui, Khái Hưng viết: "Trong khi ấy thì ở phố
Đường Thành hẻo lánh, các nhân viên tòa soạn báo Tự Động làm việc để xuất bản
số đầu kịp vào ngày đã định" (trang 105).
-
Trong truyện ngắn Tôi không ngờ ký tên Bán Than, in trên PH số 7
(28-7-32), Khái Hưng lại viết: "Hồi ấy tôi thuê một cái buồng nhỏ ở phố
Henri d’Orléans".
-
Thế Lữ cũng ghi: "Lần đầu tiên tôi gặp anh [Tú Mỡ] là ngày tòa
soạn còn ở đường Henri d’Orléans, một cái nhà không có vẻ tòa báo một chút nào
hết"[17].
-
Phố Đường Thành còn được Khái Hưng nhắc đến nhiều lần, trong truyện dài Xiềng
Xích sau này, là nơi ông có những người bạn tốt đã cưu mang ông, khi ông
trốn mật thám Pháp, năm 1941.
Nhưng
địa chỉ 25 Henri d’Orléans chỉ được in trên mặt báo trong 5 tháng.
Đến
Phong Hóa số 32 (3-2-33), tòa soạn lại trở về địa chỉ số 1 đường Carnot,
và giữ địa chỉ này trong gần hai năm nữa, đến Phong Hóa số 123 (9-11-34).
Kể
từ số 124 (16-11-34), mới ghi: Tòa soạn 80 Avenue Grand Bouddha (đường Quan
Thánh).
Và
đó cũng là địa chỉ cuối cùng của Khái Hưng ở Hà Nội.
80
Quan Thánh, qua các giai đoạn đấu tranh
Chúng
tôi tạm sơ lược tình hình chính trị rất rắc rối lúc bấy giờ để bạn đọc dễ hiểu
hơn:
Nguyễn
Tường Tam lập đảng Hưng Việt năm 1938 sau đổi thành Đại Việt Dân Chính. Mật
thám Pháp bắt được bản chương trình hành động của đảng này do Nguyễn
Tường Tam soạn, họ bắt đầu truy lùng từ năm 1940. Mùa thu 1940, Nhất Linh chia
tay với Khái Hưng một đêm bên hồ Tây, trên căn gác nhà Thạch Lam, dưới nhà có
Huyền Kiêu, Đinh Hùng. Huyền Kiêu làm bài thơ Tương biệt dạ, tặng hai
anh. Khái Hưng vẽ bức tranh Trăng xưa minh họa cho thơ[18].
Từ đó Nhất Linh sống lẩn trốn, rồi chạy thoát sang Trung Hoa.
Hoàng
Đạo và Nguyễn Gia Trí, bị bắt ngày 16/9/41.
Khái
Hưng bị bắt ngày 31/10/1941[19]
ở 80 Quan Thánh. Cả ba bị giam ở Vụ Bản tới 1943. Thạch Lam qua đời năm 1942.
Năm 1943, được tha về nhưng vẫn bị quản thúc, Khái Hưng tiếp tục điều hành nhà
in và nhà xuất bản tại 80 Quan Thánh.
Biệt
thự 80 Quan Thánh là nhà của Khái Hưng thuê từ cuối năm 1934 để ở và làm trụ sở
Phong Hóa Ngày Nay, nhà xuất bản Đời Nay và nhà in Ngày Nay. Kể từ tháng
4-1945, 80 Quan Thánh trở thành trụ sở của báo Việt Nam, báo Chính Nghĩa và của
Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Cuộc
phân liệt giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng xẩy ra năm 1946, tới nay đã
75 năm, chúng ta đã có đủ khoảng cách thời gian để khảo sát vấn đề một cách
khách quan, không hận thù, bè phái.
Nói
một cách đầy đủ hơn, số 80 Quan Thánh từng là tòa soạn của 5 tờ báo: tuần báo Phong
Hóa từ số 124 (16-11-34), tới số 190 (5-6-36), tuần báo Ngày Nay từ
số 1 (30-1-35) số 224 (7-9-40), tuần báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới từ số 1
(5-5-45) đến số 16 (18-8-45), nhật báo Việt Nam, từ số 1 (15-11-45) đến
tháng 11-1946, và tuần báo Chính Nghĩa từ số 1 (20-5-46) đến số 28
(16-12- 46). Đồng thời còn là địa chỉ của nhà xuất bản Đời Nay, nhà in Ngày
Nay, nhà in Việt Nam, sau cùng là nhà in và nhà xuất bản Quan Thánh.
Khái
Hưng là người trách nhiệm Phong Hóa từ số 1 và cũng là người cuối cùng trách
nhiệm tờ Chính Nghĩa, sau khi các bạn đồng hành đã xa biệt. Trên tờ Chính
Nghĩa, hầu như chỉ một mình Khái Hưng viết, cũng như Phong Hóa lúc đầu. Chính
Nghiã là giai đoạn văn học tranh đấu cuối cùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
80
Quan Thánh, báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới
Ngày
9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, trả lại chính quyền cho Việt Nam, vua Bảo Đại
lập chính phủ Trần Trọng Kim.
Ngày
20-3-45, báo Bình Minh, cơ quan của Đại Việt Tân Thanh Niên ra đời, do
Nguyễn Giang (con Nguyễn Văn Vĩnh) làm chủ nhiệm, Khái Hưng, chủ bút, đăng
những thông tin của báo Domei (Nhật)[20].
Ngày
5-5-1945, báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, số 1 ra đời ở 80 Quan Thánh, với
Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí, Hoàng Đạo; Nguyễn Tường Bách làm giám đốc và Nguyễn
Trọng Trạc, thuộc đảng Xã Hội [chủ trương ôn hòa] coi việc trị sự.
Ngày
Nay Kỷ Nguyên Mới cực lực ủng hộ chính phủ Trần Trọng
Kim, chào đón nền độc lập mới, kể tội thực dân, không chống Việt Minh.
Tờ báo có thêm cộng tác viên mới không ở trong Tự Lực văn đoàn như Vũ Đình
Liên, Vũ Ngọc Phan và Tú Mỡ cũng trở lại.
Cuối
tháng 7-1945, Hoàng Đạo bị bệnh thương hàn phải nằm bệnh viện, nên chỉ còn Khái
Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách phụ trách tờ báo.
Trong
những ngày tháng tiếp theo, nhiều sự kiện lịch sử quan trọng dồn dập xẩy ra:
Ngày
15-8-1945, Nhật đầu hàng.
Ngày
16-8-1945, Nội các Trần Trọng Kim từ chức.
Ngày
18-8-1945, Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới ra số 16, rồi tự đình bản sau ngày
Việt Minh lên nắm chính quyền.
Ngày
19-8-1945, Việt Minh lên nắm chính quyền.
Ngày
25-8-1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị.
Ngày
2-9-1945, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời.
Nguyễn
Tường Bách viết:
"15-8-1945.
Với trang sử mới đã lật, thời kỳ làm báo, làm văn từ 20 năm nay [thực
ra là 13 năm] đã coi như kết thúc, với sự đình bản tự nguyện trước thời thế
của tờ Ngày Nay vào hôm sau"[21].
80
Quan Thánh, nhật báo Việt Nam
Nguyễn
Tường Bách viết:
"Bị
dồn vào thế thụ động, các đảng phái quốc gia phải tạm rút lui vào bí mật trừ
tại một số địa phương. Tuy vậy, để duy trì tiếng nói của mình trước dân chúng,
chúng tôi xuất bản một tờ báo hàng ngày, Việt Nam thời báo. Vẫn do tôi và Khái
Hưng chủ trách, trong lúc anh Hoàng Đạo đương phải điều trị bệnh thương hàn"[22].
Ngày
15-11-1945, nhật báo Việt Nam ra đời, do Khái Hưng và Nguyễn Tường Bách
phụ trách bài vở, Nguyễn Trọng Trạc làm Giám đốc. Việt Nam số 1 có vẻ ôn hòa.
Kể từ số 3 (17-11-45) bắt đầu đả kích Việt Minh. Nguyễn Tường Bách giải thích:
"Chúng
tôi liền thực hành ngay một hành động rất cách mạng là tiếp thu ngay tờ báo
Việt Nam mà không cho Nguyễn Trọng Trạc [ở trong đảng Xã Hội, ôn hòa hơn]
biết, đổi làm cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đó là tờ báo công
khai đầu tiên của phe quốc gia (…) Chủ trương chính của tờ báo cũng là độc lập
tự do, chống đế quốc, nhưng lại phê bình chính sách của chính phủ. Tất nhiên
trên mặt báo có nhiều bài đấu khẩu với những tờ Cờ Giải phóng và Độc Lập hồi
ấy, không kém phần kịch liệt."[23]
Hồng
Giang, một thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng viết: "Nhà văn cách
mạng Khái Hưng cùng gia đình ở ngay tại tòa báo làm việc không kể ngày đêm. Có
những ngày ông gần như một mình bao dàn cả tờ báo 4 trang, không lấy quảng cáo,
một đêm chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ (…) Hầu hết các bài xã luận trên báo Việt Nam
đều do Khái Hưng viết nhưng không ký tên."[24]
Nguyễn
Tường Tam về nước tháng 11-1945, cùng với các lãnh đạo đảng phái quốc gia lưu
vong bên Tầu như Nguyễn Hải Thần, theo quân đội Tưởng Giới Thạch (quân Đồng
minh) về Việt Nam giải giới quân Nhật đã đầu hàng.
Báo
Việt Nam chính thức công bố việc Nguyễn Tường Tam về nước trên số 53
(16-1-1946).
Hồ
Chí Minh chủ trương liên hiệp các đảng phái.
Nguyễn
Tường Tam tham dự chính phủ Liên Hiệp ngày 2-3-1946, cầm đầu phái đoàn Việt Nam
dự hội nghị Đà Lạt (18-4-1946 đến 11-5-1946). Hội nghị Đà Lạt thất bại, ông trở
lại Vân Nam tháng 6-1946.
Đầu
tháng 5-1946, quân đội Trung Hoa bắt đầu rút lui. Từ tháng 6-1946, tình hình
giữa Việt Minh và các đảng phái quốc gia căng thẳng. Sau khi quân Tưởng Giới
Thạch rút hết, nội chiến đã xảy ra.
Ngày
20-5-1946, Khái Hưng cho ra tuần báo Chính Nghĩa (song song với nhật báo
Việt Nam). Chính Nghĩa ra được 28 số, nội dung pha trộn chính luận và văn
chương, có những bài viết về các chủ nghiã chính trị, đả kích chủ nghiã cộng
sản, có những bài viết về lịch sử Việt Nam Quốc Dân Đảng, về những anh hùng
trong VNQDĐ, về vụ Pháp nem bom Cổ Am… cùng với truyện ngắn và kịch, đó là
những sáng tác cuối cùng của Khái Hưng.
Việt
Minh bao vây tòa báo Việt Nam, Phan Khôi bị bắt ở 80 Quan Thánh
Theo
Nguyễn Công Hoan, tháng 6-1946, trong một buổi mít-tinh ở Quảng Nam, Phan Khôi
lên diễn đàn đả kích hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Ông được bầu làm chủ chiệm chi
bộ Quốc Dân Đảng ở Quảng Ngãi. Theo Hoàng Văn Chí, Phan Khôi cực lực phản đối
việc cán bộ địa phương định phá nhà thờ Hoàng Diệu, và định bắt ông. Phan Khôi
viết thư cho Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó đang làm Bộ trưởng Nội vụ trong chính
phủ, đòi can thiệp. Hồ Chí Minh giải quyết khéo léo, viết thư mời Phan Khôi ra
Hà Nội và giao cho Phan Bôi (em họ Phan Khôi, lúc đó đang làm Thứ trưởng Nội
vụ) quản lý. Nhưng Phan Khôi không chịu ở nhà Phan Bôi mà đến ở nhà Khái Hưng,
80 Quan Thánh.
Đêm
12-7-1946, công an bao vây 80 Quan Thánh, Phan Khôi bị bắt và bị đưa lên Việt
Bắc[25].
Việc
công an bao vây tòa soạn báo Việt Nam, Trần Khánh Triệu chỉ viết vắn tắt, có lẽ
vì tối hôm đó ông ở nhà mẹ đẻ:
"Hội
nghị Đà Lạt tan vỡ, "Cậu Hàng Bè" [Nhất Linh] từ chức bộ
trưởng rồi sang Tàu lần nữa. Các trụ sở Việt Quốc lần lượt bị tảo thanh. Công
an xung phong đột nhập tòa báo lục soát, bắt bớ. Các đảng viên cao cấp như bác
Hể, bác Đoá, Trí, Dị… bị đem đi biệt tích. Tờ Việt Nam đình bản… Toà báo ngoài
Papa, chỉ còn lèo tèo vài đồng chí lai vãng: anh Bảng, Kính, anh Cống, bác
Thắng…"[26]
Nhưng
nhà văn Huy Quang Vũ Đức Vinh[27],
trong bài "Từ vụ tấn công báo Việt Nam 1946, Nhớ về nhà văn Khái Hưng[28]
đã mô tả chi tiết sự việc này. Lúc ấy Vũ Đức Vinh và Trần Đại Việt (sau này
trở thành nhà thơ Thanh Nam), mới 15 tuổi, đang học lớp Quốc Gia Thanh Niên
Đoàn của Quốc Dân Đảng do cụ Hể [Phạm Văn Hể, Giám đốc trường Cán bộ Quốc Dân
Đảng] dạy ở 80 Quan Thánh. Huy Quang Vũ Đức Vinh kể lại chuyện từ đầu đến cuối.
Trong bài viết của ông, không có chuyện "hai bên nổ súng bắn nhau"
như những chỗ khác thuật lại, kể cả Hoàng Văn Đào. Những lời của Huy Quang Vũ
Đức Vinh có lẽ thành thật, đúng đắn hơn cả. Bài viết dài, tôi chỉ xin trích dẫn
vài đoạn:
"Chiều
hôm đó, sau lớp học thường lệ của cụ Hệ [Hể]. Việt [Thanh
Nam] và tôi rủ nhau xuống nhà chữ [nhà in] xem mọi người làm việc.
Chúng tôi thích thú theo dõi mấy người thợ xếp chữ lành nghề thoăn thoắt nhặt
từng chữ đúc chì trong hộp chữ đưa lên chiếc khuôn gỗ hình chữ nhật cầm trên
tay (…) Khi chúng tôi tính ra về thì trời đã xẩm tối. Ngay lúc đó chợt có nhiều
tiếng chân người dầm dập từ phiá cổng lớn bên đường Hàng Bún chạy vào, rồi cả
từ phía cổng nhỏ đường Quan Thánh nữa. Tiếp theo là tiếng chân chạy lên phía
cầu thang, và liền sau đó thì tôi thấy các công an xung phong tiến vào nhà chữ,
người nào cũng cầm súng trên tay chiã về phía trước. Có tiếng ra lệnh cho người
trong nhà chữ đứng yên tại chỗ và giơ tay lên khỏi đầu. Việt và tôi đứng gần
bên nhau. Chúng tôi làm theo lệnh đó như mọi người khác. Khoảng một tiểu đội
công an xung phong xâm nhập nhà chữ. Họ bố trí đứng chặn ở cửa chính và các cửa
sổ. Các nhân viên trong nhà chữ lúc đó khoảng hơn mười người đều ngơ ngác chưa
hiểu chuyện gì xẩy ra. Một lúc sau thì toán công an khác áp giải những người
của tòa báo từ trên gác xuống, trong số đó có mấy nhân viên tòa soạn và cả vợ
chồng ông Khái Hưng. Tất cả đều phải giơ tay cao và đi trước mũi súng của công
an. Trong số những người từ trên gác đi xuống tôi còn thấy một người khách lạ,
mặc âu phục trắng, đeo cà-vạt đen. Người này khoảng gần 60 tuổi, vóc dáng cao
gầy vẻ mặt quắc thước và để râu dài chấm ngực. Vị khách lạ đi vào rồi dừng lại
bên dàn hộp chữ cao ở phiá bên trái, còn ông bà Khái Hưng đứng sang phía bên
phải gần chỗ đặt bàn dao cắt giấy. Tổng số người bị dồn vào nhà chữ lên khoảng
gần 20 người. Tất cả đều im lặng. (…) Chợt vị khách lạ lên tiếng nói với nhóm
công an là cụ giơ tay đã lâu thấy mỏi và muốn biết cụ có thể bỏ tay xuống được
không? Không ai trả lời, nhưng một nhân viên công an đứng gần cụ bỏ ra ngoài,
rồi mấy phút sau viên chỉ huy toán công an bước vào. Hắn là một thanh nhiên
tuổi trạc 30, thân hình rắn chắc khoẻ mạnh, nét mặt sáng sủa thuộc thành phần
có học. Hắn nói với vị khách lạ:
-
Thưa thày Phan Khôi. Con là học trò của thày. Xin thày bỏ tay xuống. Nhưng sao
thày lại ở trong tòa báo này.
Tôi
ngạc nhiên một cách thích thú khi biết vị khách lạ là cụ Phan Khôi, tác giả bài
thơ "Tình già" mà tôi mới được đọc cách đó ít lâu. Cụ Phan Khôi từ từ
buông tay xuống rồi đáp:
-
Tôi mới ở Trung Bộ ra Hà Nội và hôm nay đến thăm ông Khái Hưng, bạn của tôi.
Chẳng may tôi bị đau bụng diarrhée, nên ông bạn tôi mời ở lại. Ở đây có nhà xí
tốt.
Câu
đáp khiến người nghe có thể cười, nhưng lúc đó trước mũi súng chẳng ai cười,
ngoại trừ ông Khái Hưng. Ông mỉm cười nhẹ nhàng, gật đầu xác nhận lời nói của
cụ Phan Khôi, rồi yêu cầu viên chỉ huy công an cho mọi người bỏ tay xuống với
lý do không ai có vũ khí. Nhưng viên chỉ huy này chỉ đồng ý để thêm bà Khái
Hưng được buông tay mà thôi. Ông Khái Hưng nhìn sang bà vợ ra hiệu chấp nhận
điều đó và bà Khái Hưng bỏ tay xuống. Bà giữ một nét mặt bình thản, đĩnh đạc
nhìn thẳng phía trước. Bà vấn tóc trần và mặc chiếc áo dài mầu mỡ gà như thường
ngày tôi vẫn gặp. Hình như chỗ ở luôn luôn có nhiều người qua lại nên lúc nào
bà cũng mặc áo dài. Bà vóc người mảnh mai, vẻ thanh tú khuê các, chắc cũng xấp
xỉ tuổi 50 nhưng khuôn mặt còn phảng phất những nét đài trang của một thời xuân
sắc (…)
Tất
cả nhân viên tòa báo Việt Nam bị bắt giữ ngày hôm đó được đưa lên hai chiếc xe
loại vận tải kín bưng chờ sẵn ở phiá cổng sau tòa báo (…) Xe chạy từ tòa báo về
ty công an trên đường Trần Hưng Đạo (tức phố Gambetta cũ). Tại đây xe chạy qua
hai chiếc cổng sắt lớn vào khu nhà giam rộng lớn phía sau. Một số nhân viên
công an đã chờ sẵn và đưa giải chúng tôi từng người vào nhà giam. Riêng bà Khái
Hưng được tách ra đưa về một khu khác mà sau này tôi được biết là khu dành cho
phụ nữ. Tôi nhìn theo cụ Phan Khôi và ông Khái Hưng, thấy hai người được đưa
vào hai phòng giam khác nhau".
Ngày
hôm sau, tất cả phải trả lời thẩm vấn, rồi trở về phòng giam thêm một đêm nữa
trừ cụ Phan Khôi và những người làm trong nhà chữ, đã được về. Khoảng 2, 3 giờ
chiều hôm sau thì tất cả được lên xe chở về tòa soạn:
"Ông
Khái Hưng đẩy cánh cổng mở rộng và tất cả chúng tôi đi thẳng vào nhà chữ. Một
cảnh tượng đồ đạc bề bộn ngổn ngang phơi bầy trước mắt chúng tôi. Các hộp chữ
bị kéo đổ tung toé. Giấy báo bị rỡ tung. Các ngăn kéo đều bị rút ra khỏi bàn.
Nhiều chiếc ghế bị đạp đổ hoặc xô nghiêng. Có những bộ phận máy in bị gỡ xuống
sàn nhà (…)
Lên
đến trên gác, chúng tôi chia làm ba nhóm. Bà Khái Hưng đi thẳng vào căn phòng [của
ông bà] phía cuối. Ông Khái Hưng cùng mấy vị thuộc tòa soạn đi vào căn giữa,
không phải để quan sát cảnh hoang tàn bề bộn mà để họp. Việt và tôi đi vào căn
phòng phía ngoài [nơi làm lớp học]. Căn phòng này ít đồ đạc nên ít bị
lục lọi… Việt và tôi rủ nhau định ra về thì bà Khái Hưng từ phiá cửa phòng cuối
vẫy chúng tôi qua. Bà nói giọng nhỏ nhẹ, từ tốn và xưng hô với chúng tôi theo
liên hệ tuổi tác, bác và cháu. Đặc biệt bà nhờ chúng tôi cố tìm một chiếc bút
máy mầu đen. Chúng tôi tìm khá lâu mà không thấy nên có ý bỏ cuộc. Không phải
chỉ có giấy tờ, mà còn nhiều cuốn sách, rồi quần áo, chăn gối và đủ mọi thứ đồ
đạc lặt vặt khác ngổn ngang trong phòng. Bà Khái Hưng tiếp tục tìm kiếm và nói
cho chúng tôi biết sở dĩ bà muốn tìm kiếm chiếc bút vì đó là tặng vật ngày cưới
của ông bà. Khi biết điều này, không bảo nhau Việt và tôi lại cặm cụi tìm kiếm.
Một lúc sau ông Khái Hưng từ phòng bên bước qua cũng tham gia cuộc tìm kiếm.
Nhưng
liền đó, Việt đã tìm thấy chiếc bút nằm nép sau một chồng sách. Việt vừa giơ
chiếc bút lên là bà Khái Hưng nhận ngay ra… bảo vật. Mừng rỡ hiện rõ trên nét
mặt, bà nhận chiếc bút trên tay Việt với lời cám ơn vồn vã. Rồi cầm chiếc bút
trong lòng bàn tay một cách nâng niu trìu mến bà đưa qua cho ông Khái Hưng. Hai
vợ chồng nhìn nhau rõ vẻ âu yếm, và tôi thấy ông Khái Hưng đã nắm bàn tay trong
đó có chiếc bút"[29].
Ở
đoạn sau, tác giả ghi thêm những nhận xét về Khái Hưng, vẫn giọng nhẹ nhàng, tế
nhị:
"Tôi
nhớ nhất cái dáng dấp mảnh khảnh nhưng nhanh nhẹn và nét mặt linh hoạt của ông
Khái Hưng mỗi khi ông lên xuống cầu thang, đi từ tòa soạn xuống nhà chữ trong
căn nhà hai tầng này. Tôi cũng nhớ tiếng cười khanh khách đầy hào sảng của ông.
Sau này tôi đã có dịp đọc thêm và đọc lại những tác phẩm của ông, và tôi càng
nhận thấy văn phong của ông phản ảnh thật rõ rệt con người của ông, con người
với một tâm hồn vui tươi dí dỏm, hóm hỉnh nhưng khúc triết và sâu sắc. Tôi thấy
hình ảnh con người đó hiện lên qua nhiều đoạn văn, nhiều mẩu đối thoại, nhiều
tình tiết trong các tác phẩm của ông. Tôi còn nhớ cả cái phong cách tự tin điềm
đạm của ông, khi bị công an Việt Minh bắt đứng giơ tay trong nhà chữ và lời yêu
cầu của ông cho mọi người được buông tay xuống. Tôi thấy ở đó cái bản lĩnh của
người lãnh đạo… Tôi cũng không quên được hình ảnh bà Khái Hưng (…). Tôi thích
cái hình ảnh bà Khái Hưng tìm kiếm chiếc bút máy kỷ vật ngày cưới trong khung
cảnh căn phòng đầy chứng tích của đổ vỡ hoàng tàn, tưởng như đó là báu vật mà không
còn gì khác có thể thay thế (…) Tôi tin chắc trong hành trang của ông bà mang
theo trên đường tản cư, thế nào cũng có chiếc bút kỷ vật ngày cưới. Hẳn bà đã
giữ kỷ vật đó mãi, trong suốt phần đời còn lại"[30].
Sau
vụ lục soát và bắt bớ này, theo Hoàng Văn Đào tờ Việt Nam vẫn ra lại như
thường, còn Nguyễn Tường Bách và Trần Khánh Triệu cho rằng báo Việt Nam ngừng
hẳn. Chúng tôi chỉ có vài số báo Việt Nam (bản điện tử), nên không thể kiểm
chứng được. Duy có điều chắc chắn là báo Chính Nghĩa vẫn tiếp tục quảng cáo: Nên
đọc báo Việt Nam, cơ quan của Việt Nam Quốc Dân Đảng tới số 27 (9-12-1946)
mới ngừng. Và tới số 28 (16-12-1946) là số cuối cùng, Chính Nghiã, bắt đầu
quảng cáo cho báo Thời Phong. Báo Thời Phong là con
đường mới của Khái Hưng cùng với Phan Khôi, Hồ Hữu Tường, Tô Ngọc Vân, chủ
trương bỏ hẳn chính trị để trở lại với văn nghệ thuần túy, kể từ đầu năm 1947,
nhưng chưa kịp thi hành.
Quốc
Dân Đảng thua trận
Đầu
tháng 7-1946, cuộc chiến bắt đầu giữa Việt Minh và Quốc Dân Đảng ở mặt trận
Vĩnh Yên, Việt Trì[31].
Chính phủ Liên hiệp cử đoàn đại biểu hỗn hợp hai bên (Nguyễn Tường Long đại
diện Quốc Dân Đảng và Tướng Hoàng Văn Thái đại diện Việt Minh) lên giảng hòa.
Việc không thành. Quốc Dân Đảng thua trận. Nguyễn Tường Bách -theo Vũ Hồng
Khanh chỉ huy quân Quốc Dân Đảng rút lên Yên Bái- kể lại:
"Mấy
ngày sau, bỗng có điện từ Hà Nội lên cho biết lực lượng Chính phủ đã bắt đầu
khủng bố các vị trí QDĐ ở Hà Nội, Vĩnh Yên. Yên Bái lại bị tấn công riết. Tình
thế nguy hiểm mà tất cả các nhóm Việt Cách đã rút đi hết. Rồi có tin anh Tam đã
đáp máy bay đi Côn Minh. Bảo Đại cũng đã làm như thế. Thời cục đã xoay đến chỗ
phá liệt gay go. Xem ra lực lượng căn cứ mong manh quá khó mà giữ nổi.
Để
gia cường việc ngoại giao với Trung Hoa và đồng minh, chúng tôi đồng ý phái anh
Long lên ngay Côn Minh, hợp tác với anh Tam để hành động. Với một số anh em hộ
vệ anh Long sang Hà Khẩu, đi đường bộ lên Mông Tự vì quãng đường sắt Hà
Khẩu-Mông Tự đã bị phá huỷ chưa sửa chữa được, rồi đáp xe hoả đi Côn Minh"[32].
Tình
hình càng ngày càng khẩn cấp. Quốc Dân Đảng ở bước đường cùng.
Cuối
tháng 7-1946, Nguyễn Tường Bách cùng bẩy bạn đồng hành được lệnh vượt cầu sắt
Lào Cai-Hà Khẩu, sang Vân Nam tìm cách cầu viện.
Khái
Hưng, một mình, ở lại. Trần Khánh Triệu viết:
"Hè
năm 46, Việt Minh mở chiến dịch càn quét các trụ sở Việt Quốc, thì tờ Việt Nam
phải hạ bảng, các đảng viên cao cấp lánh sang Trung Hoa, riêng ba tôi [Khái
Hưng] thuộc thành phần những người ở lại bí mật phụ trách bộ tuyên huấn của
đảng với bí danh Trần Lâm"[33].
Khái
Hưng ở lại trong tình thế hết sức nguy hiểm, nhưng ông vẫn tiếp tục làm báo
Chính Nghĩa. Tờ báo còn hiện diện đến ngày 16-12-1946, là dấu ấn sau cùng của
Khái Hưng, đặc biệt vở kịch Khúc Tiêu Ái Oán, tác phẩm cuối cùng, kết
thúc trong số báo chót, như một khúc nhạc tiễn đưa.
Địa
chỉ 80 Quan Thánh còn tồn tại tới ngày 19-12-1946, ngày Khái Hưng cùng và gia
đình rời Hà Nội tản cư về làng Dịch Diệp, huyện Trực Ninh, quê vợ.
Mấy
ngày sau ông bị Việt Minh bắt. Tết Đinh Tỵ (1947) ông được trở về thăm gia đình
và sau đó bị đưa đi mất tích"[34].
(Còn
tiếp)
Thụy
Khuê
thuykhue.free.fr
[1]
Đại Nam Nhất Thống Chí, tập III, nxb Thuận Hoá, Huế, 1992, trang 190.
[2]
Có chỗ chép bài phú này làm năm 1801 để dâng vua Cảnh Thịnh khi ông chạy ra
Bắc, là lầm, bởi Cảnh Thịnh đến tháng 2 năm 1802 mới chạy ra Bắc, mà bài Chiến
Tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái, "họa" lại bản này làm năm Canh
Thân (1800), như lời Phạm Thái ghi.
[3]
Chép theo bản Đào Minh Phấn sao lục in trên Nam Phong số 113, Janvier 1927,
trang 50-56.
[4]
Đại Nam Nhất Thống Chí, tập III, nxb Thuận Hoá, Huế, 1992, trang 219.
[5]
Thư Trung, Khái Hưng, thân thế và tác phẩm, Văn số 22 (15-11-1964), Sài
Gòn, trang 3.
[6]
Nguyễn Thạch Kiên, Lời nói đầu, tập truyện Bóng giai nhân của
Khái Hưng in năm 1966 tại Sài Gòn, in lại trong tập Khái Hưng, Kỷ Vật
đầu tay và cuối cùng, cuốn hai, Phượng Hoàng, Cali, 1998, trang 552-553.
[7]
Cuốn 1: Hồn bướm mơ tiên, có hai phần: phần 1, truyện Hồn Bướm mơ
tiên và phần 2, tập hợp bài của nhiều tác giả viết về Khái Hưng. Cuốn 2: Bóng
giai nhân, cũng có hai phần: phần 1, là tập truyện ngắn Bóng giai nhân, (đã
được Nguyễn Thạch Kiên in lần đầu, giữa năm 1966 tại Sài Gòn dưới tên Lời
nguyền) gồm các truyện ngắn: Bóng giai nhân, Lời nguyền, Hổ, Tây xông
nhà, Quan công sứ, Nhung, Khói hương, Người anh hùng, Tiếng người xa;
và ba vở kịch: Câu chuyện văn chương, Dưới ánh trăng, Khúc tiêu ái
oán. Phần 2, gồm bài của nhiều tác giả viết về Khái Hưng. Trong tập Bóng
giai nhân do Nguyễn Thạch Kiên in còn thiếu vở kịch Đoàn kết, sau
được Viên Linh in trên Khởi Hành số 225-226 (tháng 10 và 11, năm 2015).
[8]
Nguyễn Thạch Kiên, Đốt lò hương ấy… in trong Khái Hưng, Kỷ Vật
đầu tay và cuối cùng, tập một, Phượng Hoàng, Cali, 1997, trang 10.
[9]
Số 1 Boulevard Carnot là địa chỉ tòa soạn và trị sự, được ghi trên báo Phong
Hóa từ số 1 (16-6-1932) đến số 13 (8-9-1932). Kể từ số 14 (22-9-1932) đến số 31
(24-1-1933), số Xuân, dưới tên tờ báo, ghi hai địa chỉ: Toà soạn: 25
Boulevard Henri d’Orléans (nay là Phùng Hưng) và Trị sự: 1 Boulevard Carnot
(nay là Phan Đình Phùng). Từ số 32 (3-2-1933) đến số 120 (19-10-1934), trở lại
địa chỉ duy nhất: Toà soạn: số 1 Boulevard Carnot.
[10]
Nguyên văn quảng cáo: "Kể từ ngày 15-4-1933 quyền xuất bản Phong Hóa
thuộc về Société annamite d’Edition et de Publicité (Annam xuất bản cục)".
Địa chỉ số 1 Avenue Carnot.
[11]
Nguyên văn quảng cáo: "Ngày 15-9-1934 bắt đầu bán Đẹp của Nguyễn Cát
Tường, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Trần Quang Trân". Đẹp có lẽ là một
cuốn sách tranh và cũng là ấn bản đầu tiên của Đời Nay. Đến PH số 118
(5-10-1934) mới ghi địa chỉ nhà xuất bản này ở số 1 Boulevard Carnot.
[12]
Ba tôi của Trần Khánh Triệu, Văn số 22 (15-11-1964), số tưởng niệm Khái
Hưng.
[13]Papa
tòa báo của Trần Khánh Triệu, Thế Kỷ 21, số tưởng niệm Khái Hưng
(tháng 12-1997), in lại trong Nhất Linh người nghệ sĩ-người chiến sĩ,
Nxb Thế Kỷ, California, 2004.
[14]
Theo lời nhà văn Nguyễn Tường Thiết nói với tôi qua điện thoại.
[15]
Trong bếp núc Tự Lực văn đoàn, hồi ký của Tú Mỡ, tạp chí Văn Học số 5,
6-1988 và số 1-1989, in lại trong Nhất Linh cây bút cột trụ của Tự Lực Văn
Đoàn do Mai Hương tuyển chọn, nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000. Và trích
in trong Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ,
California, 2004, trang 109-119.
[16]
Papa tòa báo, Trần Khánh Triệu, Thế Kỷ 21, số tưởng niệm Khái Hưng
(tháng 12-1997), in lại trong Nhất Linh người nghệ sĩ-người chiến sĩ,
Nxb Thế Kỷ, California 2004, trang 164.
[17]
Phóng bút của Lê Ta (Thế Lữ), in trên Phong Hóa số 154 (20-2-1935).
[18]
Thơ và tranh được in trong giai phẩm Đời Nay Xuân 1941, in lại trong Văn Hóa
Ngày Nay, tập 5, trang 85, và trong Văn số 22 (15-11-1964) tưởng
niệm Khái Hưng cùng với bài viết của Đinh Hùng kể lại kỷ niệm này.
[19]
Theo François Guillemot, Đại Việt, indépendance et révolution au Việt Nam
(Đại Việt, độc lập và cách mạng Việt Nam), Les Indes Savantes, Paris, 2012,
trang 87.
[20]
Tài liệu của Aki Tanaka gửi cho tôi ngày 3-9-2020.
[21]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn một, Thạch Ngữ,
California, 1998, tái bản lần thứ nhất, 2002, trang 163.
[22]
Nguyễn Tường Bách, Tưởng nhớ Khái Hưng (in trong Khái Hưng,
Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, do Nguyễn Thạch Kiên (1926-2008) thực hiện,
Quyển 1, Nxb Phượng Hoàng, California, 1997, trang 166.
[23]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Nhóm nghiên cứu sử địa,
Montréal, 1981, trang 78.
[24]
Hồng Giang, Nhớ về văn hào Khái Hưng, in trong Khái Hưng, Kỷ
vật đầu tay và cuối cùng, do Nguyễn Thạch Kiên (1926-2008) thực hiện, Quyển
1, Nxb Phượng Hoàng, California, 1997, trang 469, 470.
[25]
Theo Nguyễn Công Hoan, Hành động và tư tưởng phản động của Phan Khôi cho đến
thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Văn Nghệ số đặc biệt thứ 2 chống Nhân Văn
Giai Phẩm, số 12 (5-1958).
[26]
Trần Khánh Triệu, Papa nhà báo, in trong Nhất Linh người nghệ
sĩ-người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California, 2004, trang 170.
[27]
Huy Quang Vũ Đức Vinh là người cùng với Nguyễn Văn Giang, chủ trương tờ Đất Mới
từ tháng 7-1975, một trong những tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Mỹ. Tháng 4-1976,
có thêm Thanh Nam và Túy Hồng cộng tác.
[28]
Từ vụ tấn công báo Việt Nam 1946, Nhớ về nhà văn Khái Hưng của Huy Quang Vũ Đức
Vinh, in trong Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng,
tập 1, do Nguyễn Thạch Kiên sưu tầm và biên soạn, Nxb Phượng Hoàng, California,
1998, trang 315-341.
[29]
Huy
Quang Vũ Đức Vinh, Từ vụ tấn công báo Việt Nam 1946, Nhớ về nhà văn Khái
Hưng, in trong Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, tập 1,
do Nguyễn Thạch Kiên sưu tầm và biên soạn, nxb Phượng Hoàng, Cali, 1998, trang
325-336.
[30]
Huy Quang Vũ Đức Vinh, sđd, trang 338-341.
[31]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Nhóm nghiên cứu sử địa,
Montréal, 1981, trang 93-94.
[32]
Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Nhóm nghiên cứu sử địa,
Montréal, 1981, trang 94-99.
[33]
Trần Khánh Triệu, Ba tôi, Văn số 22, trang 18.
[34] Theo Trần Khánh Triệu, Papa nhà báo, in trong Nhất Linh người nghệ sĩ-người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California, 2004, trang 170.
Ngồn: Văn Việt