Đang
xe máy trên đường đi mua mía giống, bỗng thấy một nhóm học trò bé tí đứng lổn
nhổn vệ đường, vẫy tay lia lịa xin quá giang xe. Chúng 8 đứa gồm 4 gái 4
trai. Áo trắng, quần xanh. Áo ra áo, quần ra quần, trẻ nhỏ ra trẻ nhỏ. Ba lô
mang lưng như tốp lính con.
Tôi
dừng xe, quát:
“Làm
sao chở hết?”
Thằng
bé đen nhẻm như củ súng, nhưng mắt và nụ cười sáng hơn sao, nói dõng dạc:
“Nhờ
ông chở con gái, con trai không cần”.
Trước
câu nói chắc nịch, gọn gàng ấy, tôi tắt máy xe:
“Nào!
Bốn mụ kia leo lên xe”.
Bốn
bé gái, có lẽ chỉ lớp 1 lớp 2, tranh nhau trèo lên xe.
Tôi lệnh:
“Hai
ngồi trước bụng, hai ngồi sau lưng, ba lô bỏ giỏ xe”.
Lưng
tôi thuộc dạng lưng rùa, phải rán thẳng đuỗng để chúng ngồi vừa chỗ. Thật không
thoải mái chút nào!
“Trường
xa không?”
Bọn
bé trai đồng loạt:
“Sáu
cây số”.
Tôi
nổ máy, giậm số, vọt ga...
“Hát
bài gì ông nghe nào?”
“Em
yêu anh mà chẳng biết làm sao...Em yêu anh mà chẳng biết làm sao...”
“Thôi.
Câm ngay”.
Chúng
nín khe và cười như nắc nẻ.
Tôi
nhớ ra, tháng trước một anh bạn bảo rằng, tuyến đường An Sô – Ba Ràng, học trò
cấp 1 quá giang xe nhiều lắm, bởi làng chúng quá xa trường học. Chúng phải dậy
sớm để đi học, gặp xe gì cũng quá giang. Tôi lại quát:
“Không
ngã qua ngã lại. Hai mụ phía sau bạt chân ra, coi chừng thọc chân vào bánh”.
Chúng
lại cười như nắc nẻ. Có lẽ, chúng thích chí khi nghe tôi gọi chúng bằng “mụ”.
Chúng lại hát toáng:
“Em
yêu anh mà chẳng biết làm sao...Em...”
“Câm
ngay. Tao thả xuống bây giờ”.
Chúng
lại nín khe.
“Các
cháu ăn sáng chưa?”
“Ăn
cơm nóng cá kho”.
“Ăn
cơm nguội tép rang”.
“Ăn
bánh tráng nướng cuốn dưa leo”.
“Ăn
bắp nấu, ăn tiếp đậu phụng luộc”.
Giọng
tôi trượt trong tiếng cười:
“Vậy
các mụ no nóc rồi”.
Chúng
lại hát toáng lên, giọng trong vắt, nhỏ nhắn, nhanh nhẹn như con chim sâu
chuyền trong khóm lựu rực hoa đỏ:
“Em
yêu anh mà chẳng biết làm sao...”
“Câm
ngay! Con mụ nào hát đấy?”
“Mụ
Thắm”.
“Mụ
Thắm câm ngay. Các cháu học lớp mấy?”
“Lớp
2”.
Có
tiếng bé gái phía sau:
“Lớp
2 nhai hòn “ái”.
“Câm
ngay. Nhà các cháu có gì?”
“Có
bò”.
“Có
heo”
“Có
chó”
“Có
gà”
“Cô
các cháu tên gì?”
“Tên
Sương”.
“Đẹp
không?”
“Nấm
- bờ - on”.
Tôi
tăng ga xe chạy nhanh. Tóc hai đứa phía trước tấp vào mặt, tôi nghe khét lẹt
mùi nắng cháy. Đột nhiên, tôi cảm giác dường như bọn chúng là con cháu đích
thực của mình, không phải là người ngoài đường nữa. Và, công việc tôi đang làm
chính là một nhiệm vụ.
Tôi
lại tăng tốc với nụ cười trên môi. Nụ cười trên môi tôi, nó cười cái tay tôi
vừa tăng ga xe đấy, vì tầng sâu của việc này chính là để quay xe trở lại chở
một chuyến nữa, chở 4 ông mãnh đang lếch thếch đi bộ cho kịp giờ học. Cơ thể
tôi, chúng đã tự hành động rồi.
Bỗng,
trước mặt tôi xuất hiện một đàn bò băng qua đường. Cả 4 bé gái nằng nặc đòi
xuống xe. Tôi quát, sau khi thắng xe lại:
“Cứ
ngồi yên đấy”.
Chúng
cũng hét toáng lên:
“Ông
lùi xe lại. Chúng sắp chọi nhau đấy”.
Quả
đúng thế. Hai gã bò đực to đùng ở giữa đàn đang gầm ghè bắt đầu chọi nhau. Tôi
vội lùi xe lại. Lúc này đàn bò chạy tán loạn. Hai con đực đã húc nhau ác liệt.
Móng chân bấm trược, cày tróc mặt đường nhựa. Một con thua, rống lên, xông
thẳng vào bìa rừng. Lúc này, tôi mới trở đầu xe được và chạy tiếp.
“Ngừng
lại. Ngừng lại. Tới trường rồi”.
Phía
bên phải tôi, một ngôi trường gạch, lợp fibrociment trông khang trang. Tôi dừng
xe, thả chúng xuống. Tôi quát:
“Bỏ
cặp lại à?”
Nghe
thế, chúng chạy túa lại, lấy cặp nơi giỏ xe và chạy biến vào trường.
Tôi
quay xe lại, phóng nhanh. Tôi đi chở tiếp 4 ông mãnh nữa. Chạy một chặp, tôi
thấy chúng đang lếch thếch với chiếc ba lô trên lưng, mồ hôi nhễ nhại. Tôi vòng
xe lại:
“Bốn
ông mãnh trèo lên gấp”.
“Cảm
ơn ông”.
“Cảm
ơn chú”.
“Cảm
ơn bác”.
“Cảm
ơn thím”.
Tôi
quát:
“Thím
nào?”
Chúng
cười như nắc nẻ. Rõ ràng bọn này đã quen với việc quá giang xe, không biết sợ
là gì. Tôi lệnh:
“Hai
cụ ngồi trước. Hai cụ ngồi sau. Ba lô bỏ vào giỏ xe”.
Chúng
trèo lên xe gọn gàng. Đúng là con trai có khác Cái lưng rùa tôi lại phải một
phen thẳng đuỗng nữa. Thật không thoải mái chút nào.
Tôi
vừa giậm số vừa quát:
“Ngồi
yên nào”.
Cái
đầu hai cụ ngồi phía trước, khét nắng quá chừng. Liếc nhìn đồng hồ kim xăng vẫn
còn nhiều. Tôi khoan khoái hát nho nhỏ một bài nhạc tào lao. Một bài tào lao có
điệu Fox nhanh, hàm ý ông nội, ông ngoại chở cháu đi học, kiếm ít chữ để sau
này hộ thân. Và, cái cảm giác ban nãy lại ập tới. Cái cảm giác dường như bọn
chúng là con cháu đích thực của mình, nên công việc này chính là nhiệm vụ phải
làm. Ừ, phải làm...để bọn chúng không còn là người ngoài đường nữa. Tuyệt thật,
chúng đã ngồi trong trường học…
NGÔ PHAN LƯU
(1943-2021)
Nhà văn Ngô Phan Lưu qua đời vào ngày 8 tháng 2 năm 2021 tại Tuy Hòa, Phú Yên.