“Bầu
cử tự do, công bằng là máu thịt của nền dân chủ chúng ta. Cáo buộc bất công là điều hệ
trọng. Nhưng gọi một cuộc bầu cử là bất công không khiến cho nó thành bất công.
Cáo buộc đòi hỏi những
luận cứ rõ ràng kèm theo bằng chứng.
[Ấy thế mà]Chúng tôi lại chẳng có cái nào ở đây cả.”
Stephanos Bibas (Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm Hoa Kỳ)
Nước Mỹ thường hay có những sự kiện đánh dấu cho những thay đổi có tính
cách toàn cầu.
Vào ngày
11/9/2001, đầu thiên niên kỷ 2000: biến cố khủng bố New York là dấu mốc cắt
lịch sử thế giới thành hai: tiền-9/11 và hậu-9/11. Những tưởng là lịch sử đã an
bài và các sử gia chỉ việc theo đó mà …viết sử. Ấy thế mà, gần 20 năm sau, một
biến cố khác dữ dội gấp bội về tất cả các mặt, từ số người chết, tấm mức rộng
lớn, ảnh hưởng lâu dài…trên toàn nhân loại: Coronavirus. Đi vào các nước khác, đại
dịch vẫn chỉ là đại dịch. Ấy thế mà khi đến Mỹ, nó lập tức bị Mỹ-hóa và lập kỷ
lục thế giới về số người bị nhiễm và bị chết. Chưa hết. Đi kèm theo đại dịch đó
là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đầy tranh cãi. Cả hai kết hợp nhau biến thành
một “sự-kiện-đôi”, kéo dài suốt năm 2020 chuyển qua năm 2021, để lại di chứng
lâu dài trong lịch sử Hoa Kỳ và thế giới. Cũng là một kỷ lục!
Chữ của năm
2020: Pandemic
Khác với nhiều năm trước, “Chữ Của Năm” 2020 (Words Of The Year = WOTY
2020) không chỉ định nghĩa một năm, mà hơn thế, đánh dấu cả một thời kỳ. Một thời kỳ
tệ hại mang đặc tính toàn cầu: khủng hoảng y tế, suy sụp kinh tế, bất công
chủng tộc, thảm họa môi trường, chia rẽ chính trị và tin giả lên ngôi. Mỗi một
sự kiện đều có nguyên nhân riêng của nó, nhưng rõ ràng tất cả đều gánh chịu ảnh
hưởng của một biến cố vô tiền khoáng hậu do một con siêu vi nhỏ bé gây ra. Căn cứ trên số lượng vô cùng cao truy cập
trên mạng, hai nhà xuất bản tự điển tiếng Anh hàng đầu trên thế giới, Merriam-Webster[1] và Dictionary.com,[2]
đã
chọn cùng một chữ dành cho năm 2020: “Pandemic”, Đại Dịch. Từ ngữ này mô tả một
hiện thực đời sống bị nhiễu loạn đến cùng cực, tác động mạnh mẽ đến ngôn ngữ.
Merriam-Webster
cho biết số lượng tra cứu chữ Pandemic bắt đầu gia tăng
kể từ 20/1/20, ngày bệnh nhân đầu tiên được phát hiện bị nhiễm Coronavirus ở Mỹ
và lên cao nhất vào 3/2/20, ngày một bệnh nhân bị nhiễm siêu vi được xuất viện
lần đầu tiên ở Seattle, tiểu bang Washington. Vào ngày 11/3/20, khi con siêu vi
lấy
đi sinh mạng của gần 4300 người và Tổ Chức Y
Tế Thế Giới (WHO) chính thức đặt tên là Covid-19 thì con số tra cứu chữ Pandemic tăng gần 116 ngàn lần ở tự điển Merriam-Webster
và tăng hơn 13 ngàn 500 lần ở tự điển Dictionary.com, so với cùng thời điểm này vào năm 2019. Mức
tra cứu liên tục tăng suốt năm 2020, trung bình mỗi tháng 1000%, không chỉ ở những nhà
nghiên cứu, mà còn từ nhiều thành phần khác nhau. Theo Peter
Sokolowski, tổng biên tập của nhà xuất bản Merriam-Webster, thì “Pandemic” được
sử dụng không chỉ như một thuật ngữ mà đã trở nên một từ ngữ phổ thông.” Cũng
theo ông, có lẽ trong tương lai, nó sẽ được dùng như một danh từ riêng để chỉ
giai đoạn đặc biệt này trong lịch sử nhân loại.
Pandemic có gốc Hy lạp, xuất từ chữ pandemos: pan có nghĩa là “tất cả” (all) hay “mỗi/mọi” (every); và demos có nghĩa là “dân chúng” (people). Nó được dùng một cách rộng rãi tử giữa thế kỷ 17 (1600), với nghĩa là “phổ quát”, “phổ biến” (universal). Một chữ khác liên hệ là “epidemic”, dịch bệnh, dùng để chỉ một cơn dịch diễn ra trong một khu vực giới hạn với số lượng người bị nhiễm giới hạn. Như thế, “Pandemic” là một “epidemic” diễn ra trong một khu vực rộng lớn hơn và ảnh hưởng đến nhiều người hơn.
Merriam-Webster
định nghĩa: “Đại dịch là một sự kiện trong đó một dịch bệnh lây lan nhanh chóng
và gây ảnh hưởng đến một số lượng lớn người trong một khu vực rộng lớn hoặc
trên toàn thế giới.”[3] Không khác xa mấy, Dictionary.com[4] định nghĩa:
“Đại dịch là một cơn dịch lan tràn khắp một nước, một lục địa hay trên toàn thế
giới.”[5]
Riêng Collins
Dictionary, một công ty tự điển khác của Anh quốc, chọn chữ “Lockdown” (phong
tỏa). Phong tỏa là “một biện pháp y tế công cộng” (a public health measure),
qua đó, “mọi sinh hoạt công cộng bình thường bị đình chỉ” (normal public life
is suspended), mọi người bị hạn chế di chuyển và gặp gỡ người khác. Và tự điển
Cambridge thì chọn chữ “Quarantine” (cách ly để kiểm dịch). “Quarantine” là
“một khoảng thời gian quy định chung trong đó, người ta không được phép rời nơi mình ở hoặc đi lại tự do, để tránh cho họ
khỏi bị nhiễm bệnh hay truyền bệnh cho người khác.”[6] “Lockdown” và
“Quarantine” là hai biện pháp (trong nhiều biện pháp khác) được đề ra để đối
phó với đại dịch, rõ ràng cũng bao gồm trong Pandemic.
Đại dịch chuyển đổi ngôn ngữ
Đối với những
cơn dịch quan trọng trước đây, hậu quả lâu dài để lại trong ngôn ngữ chỉ là
những “cái tên” được sử dụng phổ biến trong quần chúng như bệnh HIV (Human
Immunodeficiency Virus), bệnh Aids (Acquired Immune Deficiency Syndrome), bệnh
cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu 1918-1920), bệnh SARS (2002-2004), bệnh Cúm Lợn
(Swine Flu- 2009). Pandemic hoàn toàn khác. Vào đầu năm 2020, đó là một “tử
ngữ” để chỉ một biến cố đã thuộc hẳn về
quá khứ, loài khủng long chẳng hạn. Thế mà, chỉ trong vòng
vài ba tháng, Pandemic đảo lộn mọi hình thái cuộc sống, lại uốn nắn
và tái tạo ngôn ngữ, dẫn tới một sự bùng nổ từ ngữ ở tiếng Anh cũng như ở các
ngôn ngữ khác. Các từ vựng mới này giúp chúng ta nắm bắt được những thay đổi đã
gắn chặt vào đời sống hàng ngày. Chúng giúp chất liệu để mô tả một “Bình
Thường Mới” (New Normal), theo John Kelly của Dictionary.com. “Bình Thường Mới”
là thuật ngữ chỉ tình trạng trong đó một nền kinh tế hay một xã hội ổn định trở
lại tiếp theo sau cuộc suy thoái toàn cầu 2008-2012,[7] nhưng với khuôn mặt
khác. Bình thường mà bất thường, một bất thường đã trở thành quen thuộc.
Đeo khẩu trang, chẳng hạn. Tránh gặp mặt nhau, chẳng hạn. Lỡ gặp thì chào nhau
bằng cùi chỏ, chẳng hạn. Vân vân và vân vân.
Các từ ngữ
mới được mở rộng từ dịch tễ học cho đến các lề thói xã hội hay các cách cư xử
trong sinh hoạt hàng ngày mà về sau, có lẽ cần phải có một “bản chú giải thuật
ngữ” (glossary) để giúp cho những ai chưa quen có thể tra cứu. Xin liệt kê một
số:
asymptomatic:
không triệu chứng
contact
tracing: theo dõi liên hệ, truy vết, dò tìm các tiếp
xúc
flatten
the curve: làm phẳng đường cong (trên đồ thị) = giảm bớt số ca
nhiễm bệnh hay tử vong
fomites (fomes): bề
mặt (của những vật dụng như áo quần, dụng cụ, nắm/chốt cửa…có thể giữ lại mầm
bệnh do người bị nhiễm bệnh sờ vào và truyền bệnh cho người đến sau nếu vô tình
sờ vào cùng chỗ đó).[8]
frontliner: người ở
tuyến đầu (các bác sĩ, y tá và nhân viên làm việc tại các bệnh viện và cơ sở y
tế)
furlough: tạm cho
nghỉ việc/phép tạm thời
herd
immunity, community immunity: miễn nhiễm cộng đồng
infodemic: dịch thông
tin
national lockdown: phong tỏa đất
nước;
school lockdown: cấm cổng trường học
long-hauler: bệnh nhân
covid 19 dài ngày.[9]
PPE (Personal Protective
Equipment): trang thiết bị bảo vệ cá nhân
quarantine: cách ly phòng
dịch
shelter-in-place: trú ẩn tại
chỗ
stay-at-home:
ở
yên trong nhà
social
distancing:
giãn cách xã hội, giữ khoảng cách an toàn
superspreader: bệnh nhân
siêu lây (người dễ truyền bệnh cho người khác)
superspreader/superspreading
event: một cuộc tụ họp đông người khiến bệnh lây lan nhanh chóng
twindemic: lưỡng dịch
(chỉ sự kiện người ta có thể trải qua hai cơn dịch, cúm mùa (flu) và đại dịch
(pandemic), cùng một lúc diễn ra vào mùa thu và mùa đông năm 2020).
sanitizer
(dung dịch sát khuẩn)
CDC (Centers
for Disease Control and Prevention): Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (tên riêng
chỉ cơ quan phòng chống dịch ở Mỹ hiện đã được nhiều nước sử dụng, cũng như
nhóm chữ tắt CEO để chỉ giám đốc một công ty)
Ngoài ra,
cung cách con người xoay sở để thích nghi với hiện thực mới cũng tạo ra những
chữ mới liên quan đến bệnh dịch, được những nhà biên soạn tự điển theo dấu để
đưa vào từ điển, gọi là coronacoinages (từ mới phát
sinh do siêu vi Corona). Mọi sự, từ những tin tức hàng đầu cho đến những quảng
cáo kinh doanh, từ cách ăn nói hàng ngày cho đến lối suy nghĩ, đều ít nhiều ghi
đậm dấu ấn của Pandemic bằng cách kết khung tất cả các biển cố theo một cái mốc
mới bằng cách sử dụng các giới từ: trước
đại dịch (before pandemic), trong đại
dịch (during pandemic), ở giữa đại
dịch (amid pandemic) hay kể từ đại dịch (since pandemic).
Pandemic còn
được sử dụng như một bổ nghĩa (modifier)
để diễn tả nhiều hình thức sinh hoạt đời thường: “dạy dỗ (kiểu) đại dịch”
(pandemic teaching), “thời trang đại dịch” (pandemic fashion), “nấu nướng đại
dịch” (pandemic baking/cooking), “trầm cảm đại dịch” (pandemic depression), hay
“bầu cử kiểu đại dịch” (pandemic election), vân vân và vân vân.
Sau đây là
một số từ ngữ mới mô tả các sinh hoạt xã hội vào thời đại dịch:
contactless:
phi tiếp xúc, tránh tiếp xúc
curbside
pickup: nhận hàng ở bãi đậu xe (curbside: lề đường)
maskless: không
mang khẩu trang.
no mask no
service: không đeo khẩu trang không phục vụ
no mask no
entry: không khẩu trang không được vào
face coverings:
dụng
cụ che mặt (hoặc là face mask = mặt nạ hay face shield = tấm nhựa che mặt)
anti-masker:
người chống đeo khẩu trang (thường là người ủng hộ tổng thống Trump)
drive-by:
tham dự một lễ hội đông người nào đó bằng cách ngồi trong xe đậu ở bãi đậu xe. Chẳng hạn: drive-by campaign
rallies (mít tinh vận động tranh cử); drive-by graduations (dự lễ tốt nghiệp),
drive-by weddings (dự đám cưới), drive-by birthdays (dự sinh nhật)
drive-in:
một dịch vụ công cộng được thiết lập để người tới giao dịch có thể đậu xe tại
đó, ngồi trong xe làm việc, tránh tiếp xúc (contactless). Chẳng hạn: drive-in
confession (ngồi xưng tội trên xe), drive-in coronavirus test (ngồi thử nghiệm
siêu vi trong xe)
virtual
meeting, conference, event: hội họp, hội nghị, sinh hoạt qua mạng
remote/virtual/online
learning class: lớp học từ xa/ảo/trực tuyến, lớp trên mạng
in-person
class: lớp học trong phòng, lớp học tại chỗ, lớp học trực tiếp
hybrid
class/learning (traditional class + remote classes/activities): lớp học hay
cách học kết hợp (kết hợp hai hình thức: một số ngày học trong lớp và một số
ngày học qua mạng)
fist bump: chạm nắm tay; elbow bump: chạm cùi chỏ (thay thế cho bắt tay
(handshake) hay vỗ vào lòng bàn tay (high-fives)
Ngoài ra, cũng
có một số chữ ghép:[10]
covidiot (covid
+ idiot): người coi thường lời khuyên của cơ quan y tế (không đeo khẩu trang
hay giãn cách xã hội)
covideo party
(covid + video): bữa tiệc/họp mặt trực tuyến thời covid
covexit (covid +
exit): chiến lược thoát ra khỏi chế độ phong tỏa vì covid
quaranteams
(quarantine + team): họp nhóm trực tuyến trong thời kỳ cách ly
Từ đại dịch đến “bầu cử gian lận”
Đại dịch
2020, ngoài việc giết người hàng loạt trên khắp địa cầu, còn gây ra những đổ vỡ
chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và
tâm lý sâu xa, làm xoay chuyển hẳn đường đi của lịch sử. Trong lúc một số các
nước Á Châu như Nhật Bản, Đài Loan hay Nam Hàn, kể cả Trung Quốc và Việt Nam,
đã làm khá tốt trong việc chận đứng sự lây lan của đại dịch, thì cho đến nay,
các nước dân chủ phương Tây lại để lộ nhiều mặt yếu kém, lúng ta lúng túng chưa
hay không tìm ra lối thoát.
Nặng nề nhất
là Mỹ. Đến Mỹ đúng vào năm bầu cử giữa những xung đột tả, hữu cực đoan, con
siêu vi nhỏ bé lập tức biến toàn nước Mỹ thành trung tâm điểm của những hoạt
cảnh kỳ lạ và kỳ quặc. Ngay từ đầu, cách đối phó hoàn toàn thiếu hiệu quả của
Hoa Kỳ đối với đại dịch khiến George Packer, trong một bài báo, đã chua chát tự
nhận là “Chúng ta đang sống trong một quốc gia thất bại.”[11]
Lồng trong cuộc chiến chống đại dịch thất bại ấy, là một cuộc chiến khác: tranh
cử tổng thống. Con siêu vi đột nhiên trở thành trung tâm điểm của cuộc tranh cử
đa dạng, đa sắc và đầy hệ lụy đưa đến một màn kịch hậu-bầu-cử không giống ai. Bên
thua tố cáo gay gắt bên thắng và liên tục kiện tụng để kết thúc bằng một màn
bạo loạn, suýt đưa đến sự sụp đổ của một cơ chế dân chủ lâu đời và bền vững
nhất thế giới.
Nếu cần chọn
thêm một chữ của năm 2020 cho riêng nước Mỹ, theo tôi, thì đó sẽ là “Rigged
Election,” Bầu Cử Gian Lận.
Trong vòng hai
tháng kể từ ngày bầu cử 3/11, những chữ và nhóm chữ đi liền với gian lận và
kiện cáo gian lận chiếm lĩnh thị trường truyền thông Mỹ, làm lu mờ phần nào chữ
nghĩa về cơn đại dịch. Xin liệt kê một số:
gian lận:
widespread voter fraud (gian lận cử tri tràn lan), fraudulent (lừa đảo), rigged
election (bầu cử gian lận), massive fraud (gian lận quy mô), massive
irregularities (bất hợp lệ quy mô), voter suppression (ngăn chặn cử tri),
election is stolen (cuộc bầu cử bị đánh cắp), stop the steal (chận đứng trò ăn
cắp), allegations
of massive fraud (cáo buộc gian lận quy mô)
- kiện cáo: election lawsuit (kiện cáo bầu
cử), legal challenge (thách đố pháp lý), legal team (tổ/đội ngũ pháp lý), legal fight (đấu
tranh pháp lý), baseless claim (yêu sách vô căn cứ), falsehoods (sai
lầm), nullify (vô hiệu hóa, hủy bỏ), pursue legal claims (theo đuổi yêu sách pháp lý), U.S. Court of Appeals for
the Third Circuit (Tòa Kháng Án Liên Bang), US Spreme Court (Tối Cao
Pháp Viện liên bang Hoa Kỳ), State Suprem Court (Tối Cao Pháp Viện tiểu bang), judge
(thẩm phán), federal judge hay justice (thẩm phán liên bang).
- cách bầu cử: mail-in voting (bầu bằng thư),
in-person voting (bầu trực tiếp), mail-in ballots (phiếu bầu bằng thư),
in-person ballots (phiếu bầu trực tiếp).
- những từ ngữ và nhóm từ ngữ liên hệ: elector
(đại cử tri), electoral college (đại cử tri đoàn), overturn the results (đảo
ngược kết quả), concede defeat (thừa nhận thất cử), reverse his loss (đảo ngược
thất bại), appeal (kháng cáo), hearing (điều trần), nullify the votes (vô hiệu
hóa phiếu bầu), dismiss, reject a lawsuit (bác bỏ một vụ kiện cáo), throw out
ballots (vứt bỏ phiếu bầu), certify (xác nhận), de-certify (hủy xác nhận),
re-certify (tái xác nhận), ascertainment of electors (xác nhận đại cử tri),
de-politicize (phi chính trị hóa), invalidate Biden’s win (vô hiệu hóa thắng lợi của
Biden), president-elect, vice-president-elect (tổng thống, phó tổng thống tân
cử), protest, challenge, object the electoral college results (phản
đối, thách thức, bác bỏ kết quả đại cử tri đoàn), objection to the election
results (phản đối kết quả bầu cử), accept, confirm, affirm the results (thừa
nhận, xác định kết quả), endorse objections (tán thành sự phản đối), reverse
objections (đảo ngược sự phản đối), vân vân và vân vân.
“Bầu cử
gian lận”, một sự kiện chính trị thường hay xảy ra ở các nước thế giới thứ ba,
là một “thuật ngữ” (cũng là luận cứ) mà cựu tổng thống Donald Trump sử dụng
nhằm áp đặt một cái nhìn tiêu cực về đất nước Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của những
chính quyền Dân Chủ hay Cộng Hòa trước đó, như là một tiền đề để chuẩn bị cho
khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) khi ra
tranh cử. Chả là, ngay từ trước khi nhảy vào chính trường, ông Donald Trump đã
khẳng định nước Mỹ là một nước thuộc thế giới thứ ba (third world country)[12]
so với Dubai hay Trung Quốc. Gian lận bầu cử có lẽ là luận cứ khá
“nhất quán” hiếm thấy ở con người không mấy khi xem trọng quan điểm “nhất dĩ quán
chi”. Với Trump, “gian lận” cũng như “fake news”: bất cứ tin tức gì gây bất lợi
cho ông hay bất cứ cái gì ông không thích.
Trump không
thích Obama da đen. Khi Obama mới đắc cử tổng thống nhiệm kỳ đầu, ông liền lên
tiếng phê phán bầu cử Mỹ là một trò “bôi bác” (travesty), chẳng có gì đáng gọi
là dân chủ cả. Đến khi Obama thắng cử lần thứ hai, Trump gọi đó là hậu quả của
một hình thức bầu cử “bất công lớn lao và ghê tởm” (great and
disgusting injustice). Ông kêu gọi những người không-bỏ-phiếu-cho-Obama phải
chống đến cùng kiểu bầu cử mà đã làm cho (một người như) Obama thắng cử.
Trump không ưa
Ted Cruz, (bị ông đặt tục danh là Lyin’ Ted= Ted nói láo), vì ông Thượng nghị sĩ
này là đối thủ của ông trong cuộc chạy đua giành chức ứng cử viên tổng thống
của đảng Cộng Hòa năm 2016. Khi bị thua Ted Cruz trong vòng bầu cử sơ bộ
(primary) ở tiểu bang Iowa, ông tố cáo cơ sở đảng Cộng Hòa địa phương cấu kết
với Ted Cruz để gian lận.
Trung ghét cay
ghét đắng Hillary Clinton (bị đặt tục danh là Crooked Hillary = Hillary lươn
lẹo). Năm 2016, vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, Trump lên
tiếng cảnh báo về bầu cử gian lận vì nó hoàn toàn bị ngành truyền thông ủng hộ
Hillary lừa bịp và bóp méo thông tin. Khi ông thắng cử và Hillary tuyên bố thua
cuộc, Trump vẫn tiếp tục tố cáo bầu cử gian lận, vì nhờ đó mà Hillary hơn ông
đến ba (3) triệu phiếu phổ thông.
Trump không
thích Joseph Biden (bị đặt tục danh là Sleepy Joe = Joe ngái ngủ). Trong suốt
cuộc vận động tái tranh cử năm 2020 chống lại Biden, ông sử dụng nhóm chữ “bầu
cử gian lận” hàng chục lần để lên án một cuộc bầu cử chưa diễn ra. Tại Oshkosh,
Wisconsin, ngày 17/8/2020, ông khẳng định, “Cách duy nhất mà tôi thất cử trong
cuộc bầu cử này là nếu nó gian lận.”[13]
Rủi thay, “cách
duy nhất” đó xảy ra: Biden thắng. Vậy thì, bầu cử tổng thống năm 2020 nhất định
là gian lận rồi. Giữ chặt tiền đề đó, trong suốt hơn hai tháng ròng sau ngày
bầu cử 3/11/2020, Trump và những người ủng hộ ông tiến hành một cuộc “thập tự
chinh” dai dẳng, quy mô, ồn ào, đầy kịch tính với một kế sách đồng bộ nhằm lật
ngược kết quả bầu cử. Có lẽ đây là lần đầu tiên, một nước “đại dân chủ” như Mỹ lại
xảy ra chuyện cáo buộc bầu cử gian lận quy mô. Và đây cũng là lần
đầu tiên trong lịch sử bầu cử thế giới, tổng thống và đảng cầm quyền tố cáo đảng đối lập gian lận bầu cử.
Thật đáng
gọi là lạ lùng và nghịch lý! Một nghịch lý mang tính cách rất (chi) là Trump!
Bầu bằng thư
Đảng Dân Chủ và Biden gian lận như thế
nào?
Theo phe ông Trump, gian lận bầu cử
2020 do nhiều nguyên nhân: nhà nước ngầm, đặc biệt là Trung Quốc, ủng hộ Biden;
máy bầu phiếu Dominion và Smartmatic[14] được thiết kế
một cách đặc biệt để đổi phiếu từ Trump qua Biden; hàng ngàn người chết bỏ
phiếu cho Biden; phiếu bầu cho Trump bị chở đi vứt bỏ bằng xe tải; quan sát
viên của đảng Cộng Hòa không được tiếp cận khu vực đếm phiếu, vân vân và vân
vân.
Tất cả những lý
do đó đều là thêm mắm dặm muối cho một quan điểm đã có từ trước của Trump: bầu
cử bằng thư (mail-in voting) là gian lận. Tại sao? Bầu bằng thư, theo Trump, “thực
sự phá hoại hệ thống [bầu cử] của chúng ta. Đó là một hệ thống hư hỏng. Nó làm
cho người ta hư hỏng ngay đối với những người mà bản tính họ không hư hỏng, vì
họ trở nên hư hỏng quá dễ dàng. Hình như họ có thể kiếm ra ngay bao nhiêu phiếu
mà họ cần. Họ đợi, và đợi và rồi họ tìm ra chúng.”[15] “Họ”
là ai? Là đảng Dân Chủ. Sao gọi là hư hỏng? Đa số phiếu bầu bằng thư đều dồn
cho đối thủ của ông.
Để chận đứng
hình thức bầu cử này, hay nói cho cụ thể, chận dứng lợi thế của Biden, vào
tháng 6/2020, tân tổng giám đốc bưu điện Louis DeJoy, một người nhiệt tình ủng
hộ Trump, tái cấu trúc hệ thống bưu điện bằng cách giảm giờ làm việc, cắt giờ
phụ trội và thực hiện nhiều thay đổi khác trong bộ máy bưu điện với mục đích giảm
bớt chi phí mà lý do thực sự là làm chậm việc giao phiếu bầu bằng thư. Bác bỏ
chuyện đảng Dân Chủ muốn cấp thêm ngân sách cho bưu điện, trong cuộc phỏng vấn
với Maria Bartiromo (đài Fox News), Trump không úp mở tố cáo đảng Dân Chủ muốn
cấp tiền cho bưu điện chỉ là để “bưu điện giao hàng triệu phiếu bầu bằng thư.
Nếu họ không có tiền, họ không thể thực hiện việc bầu bằng thư rộng rãi được.”[16] Nỗ lực
này, rốt cuộc, không mấy hiệu quả, chỉ vì một lý do đơn giản: bầu bằng thư, cũng
như bầu trực tiếp, là quyền lợi của người dân Hoa Kỳ được bảo vệ bằng luật pháp
của liên bang cũng như tiểu bang, được cụ thể hóa bằng những quy định hợp lý và
được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan đặc trách bầu cử.[17] Chẳng
thế mà, để bảo đảm mọi phiếu bầu bằng thư đều được đếm, một số tiểu bang gia
hạn thời gian nhận phiếu bầu do bưu điện chuyển, nhiều ngày sau ngày bầu cử
chính thức.
Vào nửa đêm về
sáng ngày bầu cử (3/11/20), trong khi các tiểu bang tranh chấp tiếp tục đếm
phiếu bằng thư với lợi thế dần dần nghiêng về Biden, tổng thống Trump họp báo
tại tòa Bạch Ốc tuyên bố, “Đây là một sự lừa đảo công chúng Mỹ. Đây là một ô
nhục cho xứ sở. Chúng ta đang sẵn sàng thắng cử. Nói thẳng ra, chúng ta đã
thắng. Chúng ta đòi hỏi chấm dứt mọi việc đếm phiếu. Chúng ta không muốn họ tìm
ra bất cứ phiếu bầu nào vào lúc 4 giờ sáng và ghi thêm chúng vào danh sách.”[18] Chấm
dứt việc đếm phiếu có nghĩa là loại bỏ tất cả những phiếu bầu bằng thư, vì lúc
đó, việc đếm phiếu bầu trực tiếp gần như đã xong.
Tiếp sức cho
nhận định này, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Lyndsey Graham nhấn mạnh, “Nếu chúng ta
không thay đổi cách bầu cử bằng thư, chúng ta sẽ không có khả năng bầu một
người Cộng Hòa làm tổng thống trong xứ sở này (…) Nếu những người Cộng Hòa
không thách đố và thay đổi hệ thống bầu cử Mỹ, sẽ không bao giờ có thêm một
tổng thống Cộng Hòa nào nữa.”[19]
“Bầu bằng
thư” (mail-in voting),[20] hay
bầu khiếm diện (absentee voting), là hình thức bầu cử tồn tại từ thời Nội Chiến
(1861-1865), dành cho những cử tri không thể đi bầu trực tiếp trong ngày bầu
cử. Đó là những người bị bệnh tật, những người đang sinh sống hay làm việc ở
nước ngoài (quân nhân, nhân viên các tòa đại sứ, sinh viên du học) hay những
người đi công tác xa. Bầu cử bằng thư là cách hiệu quả nhất để tăng thêm số
lượng cử tri đi bầu (turnout). Năm 2020, do đại dịch, các tiểu bang đều chấp
nhận mở rộng hình thức bầu bằng thư vì nếu không, số lượng cử tri đi bầu sẽ rất
thấp (low turnout), đìều mà không giới chức bầu cử nào mong muốn. Tuy vậy, tùy
tình hình địa phương, mỗi một tiểu bang có những quy định riêng và những giới
hạn riêng, xếp thành ba loại:[21]
- all mail-in voting (hoàn toàn bầu bằng
thư): 5 tiểu bang;
- no-excuse mail-in voting (ai muốn bầu
bằng thư thì bầu, không cần nêu lý do): thủ đô Washington và 28 tiểu bang,
trong đó có 6 tiểu bang tranh chấp hậu-bầu-cử là Pennsylvania, Arizona, Georgia, Michigan, Nevada và Wisconsin;
- excuse
required for absentee voting (muốn bầu bằng thư thì phải có lý do chính
đáng, chẳng hạn từ 65 tuổi trở lên hay bị bệnh tật): 17 tiểu bang.
Theo New York Times, ước tính có đến 80 triệu người Mỹ bầu cử bằng thư
trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, hơn gấp đôi con số năm 2016. Nói chung,
theo quy định, để có phiếu bầu bằng thư (mail-in ballots), cử tri phải nạp đơn
xin, gửi đến cơ quan phụ trách bầu cử địa phương của Hạt (County). Khi nhận
được đơn xin, nhân viên bầu cử sẽ so sánh chữ ký trên đơn với chữ ký có sẵn
trong hồ sơ lưu trữ, nếu đúng là cùng một người, họ sẽ gửi phiếu bầu về nhà. Cử
tri bầu[22]
và gửi trả lại phiếu bầu qua bưu điện hay đến bỏ tại các địa điểm bầu bằng thư
do Hạt thiết lập. Khi nhận được phiếu bầu, nhân viên bầu cử, một lần nữa, so
sánh chữ ký trên đơn xin và trên phong bì có chứa phiếu bầu, để bảo đảm rằng
phiếu bầu là hợp lệ; nếu có gì sai sót, họ sẽ tiếp xúc với cử tri để xác nhận
tính xác thực. Sau đó, khi mang ra kiểm phiếu vào ngày bầu cử, phong bì có chứa
phiếu bầu sẽ tách ra khỏi phong bì bên ngoài để bảo đảm quyền riêng tư của
người bầu.[23]
Tôi cư ngụ
tại tiểu bang Texas (tiểu bang Đỏ-Cộng Hòa). Texas chỉ cho phép cử tri cao niên
(từ 65 tuổi trở lên) và những cử tri tàn tật được bầu bằng thư. Khoảng giữa
tháng 9/2020, Cơ Quan Bầu Cử của Hạt (County) trực tiếp gửi đến địa chỉ nhà tôi
mẫu đơn đòi hỏi được bầu bằng thư, trên đơn, đã có sẵn những thông tin cá nhân.
Tôi chỉ có việc đọc kỹ và ký tên vào đơn, đề ngày rồi bỏ vào phong bì kèm theo,
dán tem, gửi trả lại cho Cơ Quan Bầu Cử. Khoảng hai tuần lễ sau, tôi nhận được
phiếu bầu kèm theo hai phong bì, một phong bì lớn có ghi tên và địa chỉ của tôi
và một phong bì nhỏ hơn để trống. Phiếu bầu (ballot) gồm 4 trang giấy với một
danh sách dài ghi tên họ của mấy chục ứng cử viên, từ ứng cử viên tổng thống,
phó tổng thống, thượng nghị sĩ liên bang, thượng nghị sĩ tiểu bang, dân biểu
liên bang, dân biểu tiểu bang cho đến ứng cử viên các chức vụ công quyền khác
như cảnh sát trưởng, trưởng khu thuế vụ, vân vân…Muốn chọn ứng cử viên nào thì
dùng bút bi tô đầy ô nằm bên cạnh tên ứng cử viên. Chọn xong, bỏ phiếu bầu vào
phong bì nhỏ, dán lại. Sau đó, bỏ phong bì nhỏ này vào một phong bì lớn hơn,
cũng dán lại; phong bì lớn này (có sẵn tên tôi và địa chỉ) tôi phải ký tên và
đề ngày để bảo đảm là chính tôi bầu. Không ký tên, phiếu bầu sẽ bất hợp lệ. Vì
Cơ Quan Bầu Cử sẽ kiểm tra chữ ký ở phong bì này với chữ ký ở đơn xin phiếu bầu
gửi đi trước đó.
Với cung cách làm việc và những quy định
chặt chẽ như thế, thì gian lận, lại gian lận một cách có hệ thống, là một điều
rất khó xảy ra. Nói thế không có nghĩa là không có sai sót hay gian lận kiểu
này hay kiểu khác. Nhưng nói chung, trong một xứ sở mà luật pháp chi phối mọi
mặt đời sống như Mỹ, thì tiến hành bất cứ một kế hoạch gian lận nào – dù ở mức
độ nhỏ -, phương chi đây lại là bầu cử, là điều không dễ gì, nếu không muốn nói
là không thể thực hiện được. Chính vì thế, ông Trump là tổng thống đương nhiệm, điều hành một bộ máy cầm quyền với đầy
đủ phương tiện tối tân trong tay, thì cáo buộc phe đối lập tiến hành một cuộc
bầu cử gian lận quy mô nhằm đánh bại ông, nghe chẳng ổn chút nào.
Không sao, đã thua thì có quyền kiện. Nhưng
kiểu kiện cáo của ông Trump có hơi khác thường. Này nhé:
Một là, đa số những cáo buộc gian lận đều
nhắm vào phiếu bầu bằng thư. Lý do: Phiếu bầu bằng thư đa phần là của người da
đen và da màu; và đa phần phiếu bầu này đều dồn cho Biden. Trump đã nhiều lần khắng định: “Nếu [chỉ] đếm những
phiếu bầu hợp lệ, tôi thắng cử một cách dễ dàng. Nếu đếm cả những phiếu bất hợp
lệ, họ có thể tìm cách đánh cắp [thắng lợi] của chúng ta.”[24]
Trong cái nhìn của Trump, “bất hợp lệ” đây là bầu bằng thư; nghĩa là, nếu loại bỏ
tất cả phiếu bầu bằng thư, ông sẽ thắng.
Hai là, cáo
buộc gian lận chỉ nhắm vào sáu (6) tiểu bang tranh chấp, nơi mà số phiếu cử tri
đoàn quyết định chuyện thắng bại. Trong sáu tiểu bang này, hai (2) tiểu bang Arizona
và Georgia hoàn toàn do đảng Cộng Hòa kiểm soát cả chính quyền lẫn quốc hội; ba
(3) tiểu bang Pennsylvania, Michigan và Wisconsin có thống đốc Dân Chủ nhưng
quốc hội do Cộng Hòa kiểm soát. Trong tình hình đó, ai đã đứng ra điều hành và
làm sao điều hành việc gian lận trong các tiểu bang này một cách chu đáo đến nỗi
khi việc đếm phiếu diễn ra rồi thì mới lên tiếng cáo buộc? Chẳng lẽ phía Cộng
Hòa tổ chức gian lận giùm cho ông Biden?
Ba là, cáo
buộc gian lận chỉ thu gọn trong việc bầu tổng thống, tuyệt nhiên không đề cập gì
đến việc bầu quốc hội. Phiếu bầu, như đã nói, dù bằng thư hay trực tiếp, là một
danh sách gồm tất cả các ứng cử viên: tổng thống, thượng nghị sĩ, dân biểu…Tách
riêng số phiếu bầu tổng thống ra khỏi danh sách chung đế cáo buộc gian lận, là
điều không hợp lẽ, không hợp lý. Hơn nữa tất cả việc bầu chọn thượng nghị sĩ, dân
biểu cũng như tổng thống Hoa Kỳ đều được tiến hành qua cùng những thủ tục bầu,
với cùng phương cách xác nhận chữ ký, và cùng những quyết định được áp dụng
rộng rãi của các viên chức hành pháp và tư pháp thì tại sao lại chỉ cáo buộc
gian lận chỉ ở sáu tiểu bang và chỉ ở cử tri đoàn bầu tổng thống?
Điều đó cho
thấy các vụ kiện cáo chỉ tập trung đến việc làm sao cho ông Trump đắc cử tổng
thống, chứ không thực sự quan tâm đến
chuyện gian lận bầu cử nói chung,
lại càng chẳng thèm quan tâm tới chuyện thắng, bại của các ứng cử viên Cộng Hòa
khác. Trong cuộc nói chuyện thu âm dài[25] giữa Trump và Thư Ký Tiểu Bang[26]
Brad Raffensperger, người thuộc đảng Cộng Hòa
phụ trách việc kiểm phiếu bang Georgia, Trump đưa ra một loạt con số phiếu bầu
bất hợp lệ khá chi li[27]
(chẳng biết ông lấy từ đâu!), để chỉ đưa đến một yêu cầu, “Tất cả những điều
tôi muốn là thế này. Tôi chỉ muốn ông tìm ra 11,780 phiếu, chỉ hơn một phiếu so
với [kết quả] hiện nay bởi vì tôi đã thắng tiểu bang [Georgia].”[28]
Vì sao lại chỉ 11.780? Theo ông, “chúng ta chỉ thua ở tiểu bang này có 11,779
phiếu.” (But we
only lost the state by that number, 11,000 votes, and 779). Raffensperger, người ủng hộ Trump nhiệt tình, chỉ trả lời ngắn gọn: “Thưa tổng thống, tổng
thống có người cung cấp thông tin cho tổng thống và chúng tôi có người cung cấp
thông tin cho chúng tôi. Vụ kiện đã mang ra trước tòa án và tòa án đã có quyết
định. Chúng tôi phải bảo vệ các số liệu của chúng tôi. Chúng tôi tin số liệu
của chúng tôi là chính xác.” (…) “Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã có một cuộc
bầu cử đúng đắn.”[29]
Tập trung vào việc riêng của mình như thế, nên hai lần về Georgia gọi là
vận động cho hai ứng cử viên thượng viện Cộng Hòa trong cuộc bầu cử bổ sung, Kelly Loeffler and David Perdue, Trump đã làm yếu hẳn triển vọng thắng cử của họ. Thái độ “ái ngã” đó phải
trả một cái giá khá đắt: cả hai đều thất cử. Hậu quả là đảng Cộng Hòa mất quyền
kiểm soát Thượng Viện, hứng chịu một thất bại đôi: thua cả Hành Pháp lẫn Lập
Pháp!
Định chế và
luật pháp
Ông Trump
thua. Nhưng thua ai?
Dạ thưa, thua
định chế và luật pháp Mỹ.
Thua phiếu. Trump
75 triệu, Biden 80 triệu.
Thua kiện. Trong
hơn 60 vụ kiện cáo, ông Trump trắng tay, xem như chẳng thắng một vụ nào.[30]
Tổ luật sư của Trump vận dụng tất cả ngón nghề và kẽ hở luật pháp để kiện, từ
tiểu bang này đến tiểu bang khác, từ tòa dưới đến tòa trên, từ Tối Cao Pháp
Viện tiểu bang lên Tối Cap Pháp Viện liên bang. Kiện liên tục đến nỗi báo chí
gọi là họ đã “lạm dụng tòa án” (abuse of courts), “lạm dụng hệ thống luật pháp”
(abuse of legal system). Nhiều vụ kiện rất “không giống ai”. Chẳng hạn, dân
biểu Cộng Hòa tiểu bang Texas, Louie Gohmert, cùng một số dân
biểu khác đã nạp đơn lên Tòa Án Quận Hạt (The US District Court), đòi hỏi cho phép
phó tổng thống Mike Pence, người sẽ chủ tọa buổi đếm phiếu cử tri đoàn ngày
6/1/21, có thẩm quyền lật ngược chiến thắng của Biden, một thẩm quyền không ghi
trong hiến pháp.[31]
Hay bộ trưởng Tư Pháp Texas, Ken Paxton, đưa đơn lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, kiện
các
tiểu bang Georgia,
Michigan, Pennsylvania và
Wisconsin đã tự ý thay đổi luật lệ bầu cử một cách bất hợp hiến vào phút chót,
tạo điều kiện cho những gian lận tràn lan, khiến ông Biden thắng cử. Đơn kiện
đòi hỏi tòa án phải để cho các quốc hội tiểu bang liên hệ chọn lựa các cử tri
đoàn thay vì dùng cử tri đoàn đã được tiểu bang xác nhận. Điều này có nghĩa là phải
vô hiệu hóa phiếu bầu của khoảng 20 triệu cử tri.[32]
Các thẩm phán, hầu hết do
các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm,
đã chọn đứng về phía hiến pháp và luật pháp chứ không đứng về phía cá nhân một
tổng thống, kể cả ba tân thẩm phán Tối Cao Pháp Viện liên bang (do Trump bổ
nhiệm), vốn là niềm hy vọng lớn lao của Trump trước bầu cử.[33]
Có phải họ đã phản bội Trump? Không! Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện (do
Cộng Hòa bổ nhiệm) “có quan điểm bảo thủ về mặt ý thức hệ nhưng không về mặt
chính sách đảng phái,"[34] theo Mark Tushnet, giáo sư luật học tại trường đại học Harvard. Tổng thống Mỹ không phải là một “quyền lực” (power) mà là một “chức vụ”,
một cái “job” được quy định rõ ràng về quyền hạn và nhiệm vụ. Tòa án Mỹ cũng
không phải là thứ tòa án Cộng Sản, nơi mà quan chức đảng có thể gọi điện thoại
đến bảo viên chánh án phải đưa ra bản án mà họ muốn. Ở Mỹ, “pháp” (luật) thì “bất
vị” đảng, “bất vị” Tổng Thống!
“Bầu cử tự do, công bằng là
máu thịt của nền dân chủ chúng ta. Buộc tội
bất công là điều hệ trọng. Nhưng gọi một cuộc bầu cử là bất công không khiến
cho nó thành bất công. Buộc tội đòi
hỏi những luận cứ rõ ràng kèm theo bằng chứng. [Thế nhưng] Chúng tôi lại chẳng
có cái nào ở đây cả.” (…) “Cử tri, chứ không phải
luật sư, chọn lựa tổng thống. Phiếu bầu, chứ không phải hồ sơ kiện tụng (briefs), quyết định cuộc bầu cử.”[35] Đó là ý kiến dứt khoát của Thẩm
Phán Tòa Phúc
Thẩm Hoa Kỳ, Stephanos
Bibas, một người được Trump bổ nhiệm, khi cùng hai thẩm phán khác, bác bỏ vụ
kiện của đội ngũ Trump muốn loại bỏ hàng triệu phiếu bầu bằng thư ở tiểu bang
Pennsylvania.
Thua thuộc cấp. Vừa kiện, ông Trump vừa làm áp lực với thuộc cấp. Áp lực
Phó
Tổng Thống Mike Pence, buộc ông này phải làm một việc mà ông không có quyền
làm: thay đổi phiếu cử tri đoàn. Pence cương quyết khước từ. Áp lực Bộ
Trưởng Tư Pháp William Barr điều tra và đưa ra bằng chứng bầu cử gian lận. Barr
phát biểu: “Cho đến hôm nay, chúng tôi không tìm thấy có sự gian lận ở một quy
mô có thể đưa đến một kết quả khác trong cuộc bầu cử” và “Không có “cơ sở” nào
để tịch thu các máy đếm phiếu để điều tra những cáo buộc gian lận bầu cử vô căn
cứ.”[36]
Áp lực với các tiểu bang, nhất là hai tiểu bang Arizona
và Georgia, nơi đảng Cộng Hòa nắm cả hành pháp, lập pháp và cả tư pháp. Hai thống
đốc Brian Kemp (Georgia) và Doug
Ducey (Arizona), tuyên bố là họ “tuân theo luật pháp”, xác nhận Biden thắng cử, bất chấp
mọi nỗ lực của Trump nhằm thay đổi kết quả bầu cử.
Thua quốc hội. Sau
cuộc bạo loạn bất thành chiều ngày 6/1/2021, lưỡng viện quốc
hội Hoa Kỳ tái họp và làm việc liên tục cho đến 3 giờ 40 sáng hôm sau, chính
thức xác nhận ông Biden đắc cử tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ với số phiếu cử tri
đoàn 306-232 sau khi đã loại bỏ thách thức kết quả tại hai tiểu bang Arizona và
Pennsylvania.[37]
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối đa số Cộng Hòa Thượng Viện phát
biểu, “Tổng thống Trump tuyên bố cuộc bầu cử bị ăn cắp. (…) Tôi ủng hộ quyền
của tổng thống sử dụng hệ thống luật pháp. (…) Nhưng hết tòa án này đến tòa án
khác đã bác bỏ lời khẳng định này, kể cả tất cả những quan tòa xuất sắc nhất do
chính tổng thống cử ra. (…) Cử tri, tòa án tất cả đã lên tiếng. Nếu chúng ta
gạt bỏ tiếng nói của họ, điều đó sẽ làm thiệt hại cho nền Cộng Hòa của chúng ta
mãi mãi.”[38]
Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Cộng Hòa) phát biểu rằng, ông đã từng là người thất
cử nên hiểu rất rõ nỗi đau của người thua cuộc, tuy nhiên không thế bác bỏ sự
thật. “Sự thật là Tổng thổng tân cử Biden đã thằng. Tổng thống Trump đã thua.
Hàng chục phiên tòa, Bộ trưởng Tư Pháp của tổng thống và các viên chức bầu cử
tiểu bang cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã đi đến quyết định dứt khoát này.”[39]
Trump và những
người ủng hộ tố cáo đảng Dân Chủ đã “ăn cắp” cuộc bầu cử.[40] Thực ra, như
đã nêu trên, chính những người trong đảng Cộng Hòa hay thân-Cộng Hòa,
thân-Trump hay “chịu ơn” Trump, đã “ăn
cắp” giùm cuộc bầu cử cho Biden. Tòng phạm với họ là một danh sách dài những
nhân vật Cộng Hòa tai to mặt lớn khác: các cựu bộ trưởng Jeff Session, Jim Mattis, Mark Esper, Rex Tillerson, Alex Azar, các cựu cố vấn John Francis Kelly, John Bolton, Kellyanne Conway, các thống đốc hay cựu thống đốc Cộng
Hòa Mike DeWine, John Richard Kasich, Chris Christie …và đài Fox. Đó là chưa kể đến cựu tổng thống George
Bush, cựu ngoại trưởng Colin Powell, cựu giám đốc
truyền thông tòa Bạch Ốc Anthony Scaramucci, giám đốc an ninh mạng/CISA Christopher Cox Krebs (từ chức) … và “The Lincoln Project,”
một siêu ủy ban vận động chính trị “Đoạn Tuyệt Trump” (Never-Trump) của một nhóm chức sắc Cộng Hòa.
Có phải tất
cả họ đều chống Trump và bị Trung Quốc và Biden mua chuộc? Hoàn toàn không. Họ chỉ không đồng tình với những cáo buộc bầu
cử gian lận vô căn cứ chống lại kết quả bầu cử mà họ cho là đi ngược lại với các
định chế và luật pháp Mỹ.
Chưa hết, Trump
thua chiến lược và chiến thuật. Ông Trump sai lầm về chiến lược và chiến thuật, thậm chí đôi
khi chẳng hề có chiến thuật và chiến lược, trước cũng như sau khi bầu cử.
Trước bầu cử, ông hoàn toàn ỷ lại vào khối cử tri trung thành của ông, khoái trá với những buổi vận động tranh cử tràn ngập rừng mũ đỏ và tiếng reo hò không dứt của những người ủng hộ cuồng nhiệt, nhưng lại không đoàn kết được nội bộ đảng Cộng Hòa, bị chống đối cả bên trong lẫn bên ngoài, cả từ cấp trên lẫn cấp dưới.[41] Mặt khác, Trump hầu như không tranh thủ được sự ủng hộ của bất cứ những nhân vật có ảnh hưởng nào trong hàng ngũ đảng Dân Chủ, không những thế, còn tỏ ra khinh thị và xem thường khả năng của đối phương. Đặc biệt, Trump hầu như chẳng cần quan tâm đến khối cử tri da màu, nhất là cộng đồng da đen. Ngoài ra, ông không những không tranh thủ mà còn miệt thị giới truyền thông, hoàn toàn đẩy họ đứng về phía đảng Dân Chủ. Cũng là lẽ đời: Trump quyết liệt chống họ thì họ quyết liệt chống Trump thôi!
Sau bầu cử,
trong kế sách kiện cáo, Trump vừa nôn nóng, vội vã, vừa không tập hợp đủ bằng
chứng thuyết phục, lại chọn một đội ngũ luật sư quá kém cỏi. Với sự dẫn đầu của
cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, đội ngũ này hễ kiện là thua, kiện lớn thua lớn, kiện nhỏ thua nhỏ. Đau nhất là
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, nơi số người thân-Trump và chịu ơn-Trump chiếm tuyệt
đại đa số (6/9), lại không hề thụ lý hồ sơ kiện của Trump vì không đủ “tư cách
kiện tụng” (lack of standing), chứ nói gì đến xét xử.
Và cuối cùng, Trump thua
Trump. Nhưng một trong những yếu tố then chốt khiến Trump thất bại là
chính…Trump. Ông là một nhân vật “phá cách”: trong ngôn ngữ, trong hành vi,
trong chính sách. Những nước cờ phá cách ngoạn mục đã giúp một Trump-ứng-cử-viên
đánh bại các chính trị gia sừng sỏ năm 2016, nhưng không giúp gì nhiều, thậm
chí còn làm hại một Trump-tổng-thống trong các chính sách trị nước, nhất là
trong việc đối phó với cơn đại dịch bất ngờ xảy ra vào năm 2020. Ngược lại, nó
tạo ra vô số kẽ hở cho đối phương khai thác. Nhất là khi cùng đường, Trump lại
chọn một bước đi hạ sách: xách động quần
chúng gây áp lực với quốc hội nhằm thay đổi kết quả bầu cử. Rốt cuộc, gậy ông
đập lưng ông. Nước cờ “tháu cáy” bị “tháu cáy ngược”, tạo nên một chuỗi phản
ứng dây chuyền hoàn toàn bất lợi cho ông. Cuối cùng, chính ông bị các định chế và luật pháp Hoa
Kỳ và tình hình thực tế, chứ không phải ai khác, khuất phục.
Chỉ trong có
mấy tiếng đồng hồ vào buổi chiều ngày 6/1/2021 và rạng sáng ngày 7/1/2021,
chúng ta chứng kiến hai Donald Trump hoàn toàn khác nhau: một Trump bướng bỉnh, hùng hổ, tự tin, đứng
trên bục hô hào những người ủng hộ cuồng nhiệt của ông tiến về quốc hội; và một
Trump ôn tồn, dè dặt, thận trọng, đồng ý chuyển quyền một cách trật tự cho đối
thủ sau khi quốc hội đã chính thức xác nhận Biden đắc cử.
Ra đi, ông
vẫn cho rằng ông không hề thua, chỉ là “thua giả”. Vâng, cứ cho là thua giả đi.
Nhưng dân chủ là một trò chơi, nói theo Ngô Nhân Dụng,[42]
và là một trò chơi quy ước. Nếu không chứng minh đủ những sai phạm của đối
phương theo một quy ước định sẵn, thì “thua thật” hay “thua giả” cũng là THUA. Thay
vì chấp nhận thua một cách thẳng thắn, làm một người thất bại hiên ngang như cố tổng thống George H. Bush (Bush-Cha), cựu
phó tổng thống Al Gore, cựu thống đốc Mitt Romney hay cố thượng nghị sĩ John McCain,
thì ông Donald Trump, nói như người Mỹ, trở thành một “sore loser”, người thua cuộc cay cú.
Một nhà thơ ở
trong nước nhìn thấy rất rõ các thế lực “nằm vùng” tìm đủ cách hại Trump (!):
Những con thủy quái đầm lầy ngàn mắt
ngàn tay
Chúng thường trú ngay trong đảng
Cộng Hòa, chúng đăng ký hộ khẩu ở đồng minh Do Thái
Chúng nắm toàn bộ hệ thống truyền
thông, dựng đứng luôn một thằng bù nhìn quỳ lạy
Chúng liên minh được cả châu Âu và
lừa bịp được cả da màu.[43]
“Chúng” ghê gớm
thật, gài người khắp nơi mà ông Trump chẳng hề hay biết! Không những không tát
cạn được đầm lầy đã đành, ông còn làm cho nó lầy lội thêm. Nhưng có một điều
nhà thơ không nhìn thấy: chính Donald Trump, chứ không phải ai khác, tiếp tay
đắc lực với bọn nằm vùng, “ăn cắp” cuộc bầu cử và đưa cho Biden. Trong lịch sử,
chưa có ai đánh cắp thắng lợi của mình giao cho đối thủ một cách công khai. Như
Trump.
Cũng là phá
cách đấy mà!
Kết
Ngày 6/1/2021, tôi ngồi im trên ghế salon
suốt 6,7 tiếng đồng hồ, đầu óc căng thẳng theo dõi diễn tiến từng phút, từng giây tình hình bạo loạn ở Điện Capitol, thủ đô Washington, rưng rưng buồn bã, tưởng như nền dân chủ Mỹ
đến hồi kết thúc. Đêm hôm đó, tôi thức đến 3 giờ 40 phút sáng ngày 7/1/2021
để
chứng kiến cảnh làm việc không biết mệt mỏi của hơn 500 vị dân cử Quốc Hội Hoa Kỳ để thông qua phiếu bầu đại cử tri, chính thức xác nhận vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, rưng rưng cảm động.
Sáng sớm
ngày 20/1/2021, nhìn chiếc trực thăng cất cánh chở cựu tổng thống Donald Trump
rời khỏi tòa Bạch Ốc, tôi thở dài nhẹ nhõm, pha chút ngậm ngùi. Trong buổi lễ cảm động ở phi trường Joint Base Andrews từ biệt ông
Trump, nhiều người tham dự đã rơi nước mắt, kể cả cô con gái cưng Ivanka Trump.
Theo ghi nhận của Hogan
Gidley, cựu thư ký báo chí tòa Bạch Ốc, thì người đứng bên cạnh ông có cảm
giác đang dự “một đám tang” và một người khác nói, “đất nước chết rồi,” khi ông trả lời phỏng vấn với phóng viên Alex Wagner,
trong chương trình truyền hình “The
Circus: Inside the Greatest Political Show on Earth.”[44]
Trump đã ra
đi, nhưng “chủ nghĩa” Trump vẫn còn đó. Những gì ông để lại sau bốn năm cầm
quyền, dù tiêu cực hay tích cực, sẽ để lại những dấu ấn sâu đậm trong chính
trường Hoa Kỳ và thế giới. Gạt qua những xúc cảm nhất thời của chuyện bênh
chuyện chống, chuyện được chuyện thua, điều làm tôi thích thú nhất là rốt cuộc,
sau nhữnh tranh cãi, kiện cáo lôi thôi, Hoa Kỳ đã có một cuộc chuyển quyền êm
thắm. Như đã từng.
Cứ thế, Hoa
Kỳ tiếp tục con đường của nó. Dân Chủ.
THT
Tháng 2/2021
[1] Merriam-Webster:
https://www.merriam-webster.com/words-at-play/word-of-the-year/coronavirus
[2] Dictionary.com
https://www.dictionary.com/e/word-of-the-year/
[3] An occurrence in which a disease
spreads very quickly and affects a large number of people over a wide area or
throughout the world.
[4] Dictionary.com:https://www.dictionary.com/e/word-of-the-year/
[5] A disease prevalent throughout an
entire country, continent, or the whole world.
[6] “A general period of time in which people are
not allowed to leave their homes or travel freely, so that they do
not catch or spread a disease.”
[7] A “new normal” is a state to which an economy,
society, etc. settles following a crisis, when this differs from the situation
that prevailed prior to the start of the crisis. The term has been used in
relation to the financial crisis
of 2007-2008, the
aftermath of the 2008–2012 global recession, and the COVID-19 pandemic.
[8] Fomites = surfaces, as clothing or door handles, that can become contaminated with pathogens when touched by the carrier of an infection, and can then transmit the pathogens to those who next touch the surfaces
[9] A long-hauler is a person who suffers from symptoms of COVID-19 for longer than two weeks, and generally for several months. The experience of such persistent symptoms of COVID-19 are sometimes referred to as long COVID.
[10] “covidiot” (someone ignoring public health advice), “covideo party”(online parties via Zoom or Skype), and “covexit” (the strategy for exiting lockdown), while coronavirus has acquired new descriptors – including “the ‘rona” and “Miley Cyrus” (Cockney rhyming slang). Other terms deal with the material changes in our everyday lives, from “Blursday” (an unspecified day because of lockdown’s disorientating effect on time), to “zoombombing” (hijacking a Zoom videocall). “WFH” (working from home) and “quaranteams” (online teams created during lockdown) are helping people deal with changing work circumstances.
[11] George Packer, We Are Living in a Failed State
[12] Republican presidential
front-runner Donald Trump has said the US has
now become a "third world country" as compared to infrastructures in
Dubai and China, and promised that things would change once he is elected the
American president. "We have become a third world country, folks!
" Trump, 69, told his supporters at an election rally at Sal Lake City in
Utah, which goes to presidential primary elections on Tuesday.
https://timesofindia.indiatimes.com/world/us/us-has-become-third-world-country-donald-trump/articleshow/51469307.cms
[13] "The only way we're going to lose this election is if the election is rigged!"
[14] Hai công ty làm máy bầu phiếu Dominion Voting Systems và Smartmatic đã nộp đơn kiện hai luật sư của tổng thống Trump, ông Rudy Giuliani và bà Sidney Powell, về tội vu khống (tháng 1/2021)
[15] "I've been talking about mail-in voting for a long
time. It's -- it's really destroyed our system. It's a corrupt system. And it
makes people corrupt even if they aren't by nature, but they become corrupt;
it's too easy. They want to find out how many votes they need, and then they
seem to be able to find them. They wait and wait and then they find them,"
https://www.connectradio.fm/2020/11/11/trump-has-history-of-calling-elections-rigged-if-he-doesnt-like-the-results/
[16] “They need that money in order to have the post office
work so it can take all these millions and millions of ballots,” Trump said in an interview with Fox News’s Maria Bartiromo. “If
they don’t get [funding], that means they can’t have universal mail-in voting.”
https://www.theguardian.com/us-news/2020/aug/17/louis-dejoy-usps-postmaster-general-election
[17] Các quy định về bầu bằng
thư ở từng tiểu bang có thể tìm thấy rất dễ dàng ở các trang mạng tiểu bang.
Chẳng hạn ở bang Georgia:
[18] “This is a fraud on the American public. This is an embarrassment to our country. We were getting ready to win this election — frankly, we did win this election,” the president declared. “We want all voting to stop. We don’t want them to find any ballots at 4 o’clock in the morning and add them to the list.”
[19] I need to come up with an oversight of
mail-in balloting. If we don't do something about voting by mail, we are going
to lose the ability to elect a Republican in this country." (…) "If Republicans don't
challenge and change the US election system, there will never be another
Republican president elected again."
https://www.businessinsider.com/us-republican-president-mail-in-voting-lindsey-graham-warns-2020-11
[20] Tôi xin dài dòng một chút
về chuyện “bầu bằng thư” để giúp một số độc giả ở ngoài nước Mỹ hiểu rõ hơn về
bầu cử Mỹ.
[21] Xem: Here's where your state stands on mail-in voting
[22] Theo quy định của nhiều tiểu bang, nếu cử tri không tự mình bầu được có thể nhờ người trong nhà hay bạn bè giúp đỡ; nhưng người giúp phải ghi tên họ, địa chỉ và ký tên trên phong bì ngoài cùng với chữ ký của cử tri.
[23] Xin ghi lại quy định về bầu
bằng thư của tiểu bang Georgia, nơi tổng thống Trump tố cáo gian lận và đòi đếm
đi đếm tại nhiều lần: Georgians can request absentee ballots either through
an online portal that Raffensperger established in September or by submitting
an application. For online requests, they provide their driver’s license number
and date of birth to verify their identity. If they use an application, they
must sign it for verification. When an application is received, county election
workers compare the signature on the application to the voter’s signature on
file, and if it is consistent, a ballot is mailed, Raffensperger has said.
Before submitting an absentee ballot, a voter must sign an oath on an outer
envelope. When county election officials receive an absentee ballot, they must
compare the signature to the absentee ballot application if one exists and to
the signature on file. The signatures must be consistent but don’t have to
match exactly, Raffensperger has said. If the signature doesn’t match, the
voter is notified and can take other steps to verify identity. If the signature
does match, the ballot is separated from the envelope to protect the right to
ballot secrecy guaranteed by Georgia law.
[24] "If you count the legal votes," Trump said in November, "I easily win. If you count the illegal votes, they can try to steal the election from us."
[25] Xem: https://www.cnn.com/2021/01/03/politics/trump-brad-raffensperger-phone-call-transcript/index.html
[26] Đúng ra, có thể xem Secretary of State ở đây như là Quốc Vụ Khanh Tiểu Bang hay Bộ Trưởng Hành Chánh Tiểu Bang, không dính líu gì đến ngoại giao.
[27] Chẳng hạn: We had, I believe it's about 4,502 voters who voted but who weren't on the voter registration list, so it's 4,502 who voted but they weren't on the voter registration roll which they had to be. You had 18,325 vacant address voters. The address was vacant and they're not allowed to be counted. That's 18,325. Smaller number — you had 904 who only voted where they had just a P.O. — a post office box number — and they had a post office box number and that's not allowed.
[28] All I want to do is this. I just want to find 11,780
votes, which is one more than we have because we won the state.
[29] Raffensperger: Mr. President, you have people that
submit information and we have our people that submit information. And then it
comes before the court and the court then has to make a determination. We have
to stand by our numbers. We believe our numbers are right.
[30] Đúng ra thì có thắng một vụ, nhưng chỉ là chuyện lặt vặt, không có ảnh hưởng gì đáng kể.
[31] A judge dismissed a lawsuit from Rep. Louie Gohmert,
R-Texas, that was aimed at Vice President Mike Pence, seeking to put the
authority to overturn President-elect Joe Biden's election win in the vice
president's hands.
U.S. District Court Judge Jeremy Kernodle, who is a Trump appointee, said Gohmert and a group of other Republicans on the lawsuit "lack standing." “Accordingly, as explained below, the Court lacks subject matter jurisdiction (thiếu quyền hạn xét xử sự việc liên hệ) over this case and must dismiss the action,” the judge stated.
[32] Xem: 77 days: Trump’s Campaign to Subvert the Election
[33] Trump tuyên bố khi bổ nhiệm
thẩm phán Amy Coney Barrett: “I think this will end up in the Supreme Court”
[34] They're conservative in an ideological sense, not in a partisan policy sense.
Xem: https://www.usnews.com/news/elections/articles/2020-12-11/trump-counted-on-the-courts-to-deliver-him-a-win-he-lost
[35] The Economic Times (27/11/2020)
“Voters, not lawyers, choose the President. Ballots, not briefs,
decide elections,” Judge Stephanos Bibas — an appointee of President Donald
Trump — wrote for the three-judge 3rd Circuit Court of Appeals panel composed
entirely of GOP appointees. "Free, fair elections are the
lifeblood of our democracy. Charges of unfairness are serious. But calling an
election unfair does not make it so," wrote Stephanos Bibas on behalf of a
three-judge panel."Charges require specific allegations and then proof. We
have neither here," wrote Bibas, who was nominated by Trump.
[36] William Barr: “To date, we have not seen fraud on a scale that could have effected a different outcome in the election.” And “there is "no basis" for seizing voting machines to investigate unsubstantiated allegations of election fraud.”
[37]Thượng viện bác bỏ thách thức với tỷ lệ rất cao: với 93-6 cho Arizona và 92-7 cho Pennsylvania; Hạ viện với tỷ số thấp hơn, 303-121 cho Arizona và 282-138 cho Pennsylvania.
[38] Xem: https://www.rev.com/blog/transcripts/mitch-mcconnell-senate-speech-on-election-confirmation-transcript-january-6
[39] Xem: https://www.romney.senate.gov/romney-condemns-insurrection-us-capitol
[40] Khẩu hiệu chính trong các cuộc biểu tình ủng hộ Trump sau bầu cử là “Stop the Steal” (Chận Đứng Trò Ăn Cắp)
[41] Chẳng hạn “the Lincoln Project” the most prominent “Never Trump” Republican super PAC: Dự án Lincoln, siêu ủy ban vận động chính trị “đoạn tuyệt với Trump” của một nhóm Cộng hoà.
[42] Ngô Nhân Dụng, Cuộc
chơi dân chủ,
https://www.diendantheky.net/2021/01/ngo-nhan-dung-cuoc-choi-dan-chu.html
[43] Bùi Chí Vinh, Trump,
Người Dọn Đường (thơ).
https://nguoiviettudoutah.org/78195/
[44] “There were a lot of people crying, of course,” said Gidley. “I felt one person next to me commented, they felt like it was a funeral. In a way they were at a funeral. A person said, ‘In many ways, the country died.” Xem: https://www.newsweek.com/trumps-funeral-farewell-event-staff-weeping-hogan-gidley-1564515