Đỗ
Tốn và Chúc thư văn học của Nhất Linh
Đỗ
Tốn và Đỗ Đình Đạo
Tên
tuổi Đỗ Tốn, gắn liền với Hoa vông vang, một tác phẩm mà những người
trưởng thành khoảng giữa thế kỷ XX, không mấy ai là không biết, không đọc.
Nhưng chúng ta lại có rất ít tài liệu về Đỗ Tốn. Nhờ Bạch Thái Quốc[1],
tôi có được một số thông tin về Đỗ Tốn và mối thâm giao giữa hai gia đình
Nguyễn Tường và Đỗ Đình. Bạch Thái Quốc thường kể với tôi về Đỗ Tốn, người cậu
ruột hào hoa, sống phiêu bồng như một lãng tử, thần tượng của mấy đứa cháu nhỏ.
Đỗ
Tốn, Đỗ Đình Đạo có mối liên hệ chặt chẽ với gia đình Nhất Linh.
Đỗ
Tốn (1921-1973) tên thật là Đỗ Đình Tốn, con ông Đỗ Đình Thông. Đỗ Đình Đạo,
con ông Đỗ Đình Tiến, em ruột ông Thông. Hai người là anh em con chú con bác.
Họa sĩ Tạ Tỵ tưởng họ là hai anh em ruột[2].
Gia
đình họ Đỗ nổi tiếng giàu sang, phú quý: Đỗ Đình Tốn và Đỗ Đình Đạo là cháu nội
quan Đô thống Đỗ Đình Thuật.
Bà
Đỗ Đình Thông, mẹ Đỗ Tốn và bà Nguyễn Tường Nhu, mẹ Nhất Linh, rất thân nhau.
Bà Thông đã giúp đỡ bà Nhu trong thời kỳ hoạn nạn, chồng mất ở tuổi 37 tuổi,
một mình xoay sở nuôi mẹ chồng và bảy người con.
Đỗ
Đình Đạo (17/7/1911-29/7/1954) cũng là một thần tượng của tuổi thanh niên thời
ấy, Nhất Linh đã dùng hình ảnh ông để vẽ chân dung Dũng trong Đoạn tuyệt
và Đôi bạn: đẹp trai, tài hoa, đàn giỏi, yêu nước, nguyên Tư Lệnh Đệ Tam
chiến khu Vĩnh Yên của Quốc Dân Đảng, làm cách mạng cùng với Nhất Linh ngay từ
những ngày đầu. Đồn điền của gia đình họ Đỗ ở Vĩnh Yên, không những đã là nền
cho nhiều tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, mà còn là chỗ hội họp và ẩn
náu, ban đầu của tổ chức cách mạng Đại Việt Dân Chính, sau trở thành Việt Nam
Quốc Dân Đảng.
Tạ
Tỵ viết: "Đỗ Tốn cho tôi biết trong những vụ hè họ thường hội họp và
hoạt động ở đồn điền của gia đình họ Đỗ, ngụy trang bằng những cuộc đi săn ở
Bắc Giang"[3].
Khi
Đại Việt Dân Chính bị Pháp khủng bố những năm 1940-1941, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia
Trí và Khái Hưng lần lượt bị bắt, giam ở Vụ Bản, Hoà Bình.
Đỗ
Tốn trốn được sang Tàu, ở chung với thủ lãnh Nguyễn Tường Tam và các đồng chí
trong ba năm (1942-1945) tại Quảng Châu.
Trong
thời gian này ông viết Hoa vông vang. Phải chăng vì Đỗ Tốn gặp người vợ
tương lai là Nguyễn Thị Như Băng (16/8/1925-19/6/2017)? Và Hoa vông vang
phản ảnh mối tình thơ mộng đó?
Như
Băng sinh tại Lạng Sơn, sang Trung Hoa từ năm 14 tuổi; sau học trường quân sự
về ngành vô tuyến điện; hoạt động trong Quốc Dân Đảng và là đồng chí của Đỗ
Tốn. Họ kết hôn năm 1945.
Năm
1945, Đỗ Tốn trở về nước.
Về
Hà Nội, ông hoạt động và viết báo với Khái Hưng, Hoàng Đạo và Nguyễn Tường
Bách.
Đỗ
Tốn viết truyện ngắn Ả Hầu, đăng trên báo Việt Nam số 64, số Tết
(30-1-46), kể lại chuyện ba năm, cùng các đồng chí và đảng trưởng sống trong
hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đói khát, trốn tránh, nhờ người phụ nữ tên Ả Hầu, là
"bà ở" tình nguyện không công, nhịn ăn, nuôi các "ông chủ"
trẻ làm cách mạng. Ả Hầu là một tác phẩm giá trị, đầy tính nhân bản lại
có nhiều thông tin. Chúng tôi sẽ trở lại với Ả Hầu, khi viết về thời
điểm Nhất Linh, Đỗ Tốn ở bên Tàu.
Tạ
Tỵ kể lại: "Tôi biết Đỗ Tốn từ ngày ở Hà Nội. Anh là con một điền chủ
có trang trại rất lớn ở miền trung du Bắc Việt. (…) Đỗ Tốn có gương mặt trí
thức với bộ râu quai nón lúc nào cũng mọc lởm chởm chạy vòng theo khuôn mặt
trông rất nghệ sĩ. Vóng dáng tầm thước mảnh mai, ăn nói dịu dàng mực thước,
luôn luôn kéo theo nụ cười, nửa thân mật, nửa kiêu bạc. Vốn con nhà giầu nên
anh tiêu xài rất sang. Khi nào gặp, anh lôi vào quán rượu Taverne Royale ở góc
phố Tràng Tiền uống bất kể giá đắt rẻ. Anh thường cưỡi chiếc xe mô tô, coi có
vẻ thể tháo gia, nhưng tình thực lúc đó, tuy mới trên dưới 30, anh đã
nghiện."[4]
Sau
1954, Tạ Tỵ gặp lại Đỗ Tốn ở Phòng Báo Chí Quân Đội (Quốc Gia Việt Nam) mới
thành lập. Đỗ Tốn từ Bảo Chính Đoàn (thuộc Đại Việt Quốc Dân Đảng) được chuyển
sang:
"Phòng
báo chí mới thâu nhận thêm một trung úy từ Bảo Chính Đoàn chuyển qua. Đó là nhà
văn Đỗ Tốn, tác giả Hoa vông vang (…) Trong những tháng đầu, Đỗ Tốn làm việc
bình thường như mọi sĩ quan khác, nhưng những khi rảnh rỗi, anh thường nói
chuyện thì thầm với Lê Đình Thạch [Trưởng Phòng Báo
Chí] về vấn đề đánh bạc làm sao cho khỏi thua. Đỗ Tốn, ngoài vấn đề nghiện
hút, (cả Phòng chưa ai biết, ngoài tôi, nhưng tôi không nói) còn mê đánh bạc,
cái mê này cũng không thua gì mê thuốc phiện"[5].
Bạch Thái Quốc cũng xác nhận như thế. Có lẽ đó là những lý do khiến sau này Đỗ
Tốn không viết thêm được gì nữa.
Khi
Nhất Linh tự vận ngày 7-7-63, Đỗ Tốn là một trong những đồng chí cuối cùng đến
viếng thi hài người lãnh đạo.
Đỗ
Tốn chết trong hoàn cảnh cực kỳ cô đơn, tăm tối, năm 1973, khi đang làm Phó
Quản Đốc đài Tiếng Nói Quân Đội với cấp bậc Thiếu Tá.
Đỗ
Đình Đạo, sau thời gian lưu vong ở Quảng Châu và Hương Cảng cùng với Nhất Linh,
ông trở về nước, trong nhóm Quốc Dân Đảng cộng tác với chính phủ Bảo Đại.
Sau
1954, ông ở lại miền Bắc, tiếp tục hoạt động, và bị đầu độc chết ngày
29-7-1954. Các báo thời đó, đổ cho Thụy An giết người tình. Người ta dùng thoại
này để đánh Thụy An, trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Cả Hoàng Văn Đào trong cuốn Việt
Nam Quốc Dân Đảng cũng kết tội bà. Nhưng cái chết này có lẽ liên quan tới
hoạt động chính trị của Đỗ Đình Đạo: ông là Tư lệnh Đệ Tam Chiến Khu Quốc Dân
Đảng, cầm quân đánh nhau với Việt Minh trong thời kỳ hai đảng nội chiến
1945-1946. Sau đó, ông trốn sang Tàu rồi trở về nước năm 1950, làm Giám Đốc
Quân Thứ Lưu Động của Quốc Dân Đảng. Theo Hoàng Văn Đào:
"Đỗ
Đình Đạo mưu củng cố lực lượng võ trang Đoàn Quân Thứ Lưu Động, và liên lạc kết
hợp với các bộ phận quân sự Điạ phương quân, với mục đích chiếm một chiến khu, rồi
mở một mặt trận lưu động, tổ chức một cuộc hành quân bằng đường bộ, kéo cờ
VNQDĐ tiến sâu vào khu vực CS qua Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa thẳng tới
Trung Việt"[6]
Hoàng
Văn Đào cho rằng: "Thụy An phản bội, tiếp tay với thực dân Pháp và CS
đầu độc Đỗ Đình Đạo"[7].
Nhưng đây cũng chỉ là những giả định, vô bằng cớ.
Dù
sao chăng nữa, vì hoạt động chính trị và quân sự của ông, cái chết của Đỗ Đình
Đạo gần như đã được định trước. Và có lẽ ta sẽ không bao giờ biết rõ sự thực
bởi vì những người liên hệ đến việc này đều đã qua đời[8].
Nhắc
lại Đỗ Đình Đạo, là để nhớ lại hình ảnh một người làm cách mạng, đối lập với
Việt Minh mà chân dung dường như đã được Nhất Linh tiểu thuyết hoá.
Khi
trốn sang Tàu, Nguyễn Tường Tam đổi tên là Nguyễn Tường Dũng[9].
Ông lấy lại tên Dũng, nhân vật trong các tiểu thuyết Thế rồi một buổi
chiều, Đoạn tuyệt và Đôi bạn ngày trước.
Nguyễn
Ngu Í hỏi: Dũng có thật không? Nhất Linh trả lời: "Tôi
"tạo" Dũng sau khi đọc một tin toà án: một nhà cách mạng bi xử đày
Côn Đảo"[10].
Trong
một dịp nói chuyện, tôi hỏi Nguyễn Tường Thiết: anh nghĩ nhân vật Dũng của Nhất
Linh là ai? Anh Thiết trả lời: Tôi cho Dũng là sự tổng hợp ba người: Nhất
Linh, Khái Hưng và Đỗ Đình Đạo. Nhận xét của Nguyễn Tường Thiết rất sâu
sắc, cho thấy sự ràng buộc sâu xa giữa ba nhà cách mạng: Nhất Linh, Khái Hưng
và Đỗ Đình Đạo. Hơn thế nữa, những nhân vật này đã pha trộn cuộc đời, cách mạng
và tiểu thuyết trong tác phẩm duy nhất là chính đời họ.
Đỗ
Tốn, thành viên thứ tám của Tự Lực Văn Đoàn?
Trong
bài trước, tôi đã nói về trường hợp tồn nghi của Xuân Diệu, bởi vì bản Thơ
thơ đầu tiên do Đời Nay in năm 1938, do Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) lưu
trữ, không có những chữ Trong Tự Lực văn đoàn. Ở đây ta bàn về trường
hợp Đỗ Tốn.
Năm
1942, Đỗ Tốn dường như đã được Nhất Linh tuyển chọn vào Tự Lực văn đoàn với tập
truyện ngắn Hoa vông vang, do chính Nhất Linh viết tựa, đoạn kết có câu:
"Xem
những truyện trong tập "Hoa vông vang" tôi không thể không đem Đỗ Tốn
ra so sánh với một nhà viết truyện ngắn khác: Thạch Lam. Tôi thấy hai nhà văn
này có nhiều chỗ giống nhau và tôi tin Đỗ Tốn sẽ là một Thạch Lam thứ hai trong
văn giới nước ta".
Nhất
Linh, Quảng Châu tháng 12 năm 1942".
Nhận
xét của Nhất Linh về văn chương Đỗ Tốn rất tinh tường. Vậy ta có thể kết luận
rằng năm 1942, tại Quảng Châu, Đỗ Tốn, 21 tuổi, đã viết tập truyện ngắn Hoa
vông vang, Nhất Linh đọc thấy hay, gợi nhớ đến bút pháp Thạch Lam, người em
mới mất (ngày 27-6-1942), nên ông đã kết nạp Đỗ Tốn vào Tự Lực văn đoàn.
Đỗ
Tốn cho biết: Hoa vông vang được Đời Nay xuất bản lần đầu năm 1945[11].
Trên báo Ngày Nay Kỷ nguyên mới, số 2, ra ngày 12/5/45, có in quảng cáo:
Đời Nay đã xuất bản: Hoa vông vang của Đỗ Tốn, Hoa niên của Tế
Hanh và Cô bé đuôi cá, Hoàng Đạo dịch. Nhà xuất bản Đời Nay lúc đó do
Khái Hưng và Hoàng Đạo trông nom.
Chúng
tôi tìm được bản Hoa vông vang do Đời Nay in năm 1945, trong Thư viện
Quốc gia Pháp (BNF) không có những chữ Trong Tự Lực văn đoàn, giống như cuốn Thơ
Thơ của Xuân Diệu:
Chúng
tôi cũng lại có hai bản Hoa vông vang dưới đây, mua tại Hoa Kỳ,
không đề năm, chụp lại bản Đời Nay và bản Phượng Giang, in ở Sài Gòn:
Trên
bìa bản Đời Nay, Sài Gòn, dưới tên Đỗ Tốn có ghi năm chữ: Trong Tự Lực văn
đoàn, nhưng trên bìa bản Phượng Giang, Sài Gòn, năm chữ này đã biến mất.
Vậy
ta phải hiểu như thế nào?
Nguyễn
Thạch Kiên, nhà văn, thành viên Quốc Dân Đảng viết về việc Nhất Linh tái bản Hoa
vông vang ở Sài Gòn như sau:
"Làm
báo, viết văn, tôi cần nhiều tài liệu. Một người anh em, biết tính tôi cẩn thận
và yêu sách báo, bèn giao cho tôi quản lý tất cả những số báo Chính Nghiã và
Việt Nam, cơ quan tranh đấu của VNQĐD do Khái Hưng chủ biên trong thời gian
1945-1946.
Một
thời gian sau, nghe tin tôi còn giữ được một số sách báo của Tự Lực văn đoàn;
nhà văn Đỗ Tốn đã đích thân tới tìm gặp và xin tôi tập truyện "Hoa vông
vang" của anh (Xin những hai cuốn) để giao cho ông Nhất Linh tái bản.
Vài
hôm sau, Đỗ Tốn lại tìm tôi để hỏi xin tờ báo Việt Nam số Xuân Bính Tuất [1946],
trong đó có đăng bài của anh, một truyện ngắn nhan đề "Ả Hầu".
Tôi
vui lòng tặng cho Đỗ Tốn tờ báo này và khuyên Đỗ Tốn nên dùng truyện ngắn Ả Hầu
để viết đầy đủ về cô gái Trung hoa ấy; tiếp nối những ngày cô còn kẹt lại, sống
tại Liễu Châu sau khi các anh em cách mạng Việt Nam về nước, năm 1945-1946.
Đỗ
Tốn cho là phải và đã viết thành truyện dài nhan đề "Người thiếu nữ kỳ
dị", được in thành sách vào cuối thập niên 60."[12]
Theo
những lời trên đây của Nguyễn Thạch Kiên thì chính Đỗ Tốn đã xin ông bản Hoa
vông vang do Đời Nay in năm 1945, để đưa cho Nhất Linh tái bản. Và trong
danh sách của Đời Nay, Sài Gòn (in trên bìa sách Viết và đọc tiểu thuyết
của Nhất Linh, năm 1961) cũng thấy có ghi cuốn Người thiếu nữ kỳ dị của
Đỗ Tốn.
Khi
về Hà Nội rồi vào Sài Gòn, năm 1951 Nhất Linh mở nhà xuất bản, giữ cả tên Đời
Nay lẫn Phượng Giang. Nên có lẽ khi in lại tập Hoa vông vang lần đầu,
dưới tên nhà xuất bản Đời Nay, Nhất Linh đã để những chữ Trong Tự Lực văn
đoàn, vì ông nhớ theo ký ức là ông đã đưa hay đã đề nghị đưa Đỗ Tốn vào Tự Lực
văn đoàn. Nhưng khi tái bản Hoa vông vang, dưới tên nhà xuất bản
Phượng Giang, Nhất Linh lại bỏ những nhữ Trong Tự Lực văn đoàn đi, chắc
với sự đồng ý của Đỗ Tốn. Tại sao? Tôi tạm đưa ra giả thuyết: Có thể vì Đỗ Tốn
không viết thêm tác phẩm nào có tầm cỡ, để xứng đáng ở trong Tự Lực văn đoàn
nữa, hay vì một lý do gì khác, cho nên năm chữ Trong Tự Lực văn đoàn đã
bị Nhất Linh và Đỗ Tốn đồng ý bỏ đi.
Tóm
lại, ta có thể hiểu rằng: năm 1942, Nhất Linh "hứa" kết nạp Đỗ Tốn
vào Tự Lực văn đoàn, nhưng Hoa vông vang do nhà Đời Nay in năm 1945,
không ghi Đỗ Tốn là thành viên của Tự Lực văn đoàn. Trường hợp Xuân Diệu cũng
vậy, Nhất Linh "hứa" cho Xuân Diệu vào Tự Lực văn đoàn, nhưng khi Đời
Nay in Thơ Thơ, cũng không thấy ghi Xuân Diệu có trong Tự Lực văn đoàn.
Tuy
nhiên, Nhất Linh đã không lầm: Xuân Diệu và Đỗ Tốn là nhà thơ, nhà văn có tài.
Đỗ
Tốn là trường hợp đặc biệt: người của một tác phẩm. Chân giá trị của Hoa
vông vang là nói ra những điều không thể nói. Người đọc tác phẩm
này, ở tuổi 20 hay 70, dù ở thời nào cũng đều thấy một chút mình trong đó. Đó
là tính cách cổ điển của một tác phẩm; vừa ra đời đã vượt thời gian để
trở thành cổ điển cho nhiều đời sau.
Ngày
nay, người ta yêu bạo hơn; về tình ái, người ta nói phắt hoặc làm lẹ những gì
"phải làm", văn chương về tình yêu cũng vậy, trắng trợn, đôi khi đến
độ lõa lồ. Nhưng tôi chắc vẫn có, vẫn còn những đóa vông vang đâu đó, là
những rung động ban đầu của con người khi mới lớn, không thể nào mất được khi
con người còn đó, nhưng không mấy ai viết, bởi vì rất khó đó thôi. Còn những
sấn sổ xông vào là giai đoạn thoái trào của tình yêu để thoả mãn dục vọng.
Đỗ
Tốn mô tả giai đoạn yêu đầu của cái anh chàng ngày nào cũng đến trường
"đứng đợi nàng về để lẳng lặng đi theo sau". Khi đến nhà, nàng
quay lại đóng cổng rồi đưa mắt lên nhìn trộm, thì sung sướng "đến run
cả người", "đến chết mất". Hôm nào được đôi mắt đen
lánh của nàng nhìn lại thì hát nghêu ngao rầm cả nhà! Nàng đi lễ nhà thờ
thì sáng chủ nhật nào cũng dậy sớm đi lễ! Có khi đứng nói chuyện với bờ thang,
ông chú bắt gặp bảo: "Đứng cười một mình thế thì chó nó cũng biết".
Đỗ
Tốn là như thế, là viết những điều chưa ai viết, những điều ta đã trải qua, mà
không mấy ai viết được: "yên lặng xem những ngón tay chị cong cong
nhanh nhẹn đưa kim: tôi trông rõ trên những đốt cuối cùng có những sợi lông tơ
mọc lưa thưa trên da trắng muốt, từ thân thể chị tỏa ra một hương thơm nồng ấm
mùi da thịt. Tôi ngồi yên lặng không nói" (Điệu thu ca). Tôi ở
đây là cậu em họ của chị.
Chỉ
cần có hai hình ảnh "những ngón tay cong cong" và "những
sợi lông tơ mọc lưa thưa" là đủ. Viết về tình dục "cao
siêu" như thế chỉ có… Nhất Linh. Nhưng Cô Mùi trong Xóm Cầu Mới ra
đời sau Hoa vông vang, nên không thể nói Đỗ Tốn chịu ảnh hưởng Nhất
Linh.
Ảnh
hưởng cuốn truyện nhỏ bé của Đỗ Tốn kéo dài nhiều thập kỷ trong văn chương Việt
Nam: Hoa vông vang đã sống lại với Tố Chân, truyện ngắn của
Nguyễn Mộng Giác, rồi với mối tình Diễm-Ngữ trong truyện dài Mùa Biển Động của
Nguyễn Mộng Giác, bốn mươi năm sau.
Tất
cả những lúng túng, rụt rè, cử chỉ thừa thãi… còn đó, như chưa hề có dấu vết
thời gian che phủ đến tận hôm nay. Đóa vông vang của Đỗ Tốn cũng như Lá
diêu bông của Hoàng Cầm, hiện hữu nhờ âm vang của chữ, nhờ sự tế nhị tuyệt
vời trong cảm xúc. Ta không cần biết loài hoa, loài lá ấy như thế nào, nhưng
vẫn cứ yêu, bởi ta lụy tình chữ.
Không
chỉ với tình yêu, cả với hoa lá, mùi hương, mùi tiệm nhảy… và cả đến mùi con
người, trong Hoa vông vang, cũng thế: "Trong lúc tiễn đưa tôi ra
cổng, ông Kình đã lại luồn bàn tay vớ vẩn đưa trong nách và mắt lại chớp lia
lịa, miệng há hốc một cách khoan khoái" (Một kiếp sống).
Chính
sự tinh vi, sâu sắc của Đỗ Tốn đã khiến Nhất Linh đề nghị đưa Đỗ Tốn vào Tự Lực
văn đoàn, ngay từ tác phẩm đầu tay Hoa vông vang, như ông đã từng làm
với Thế Lữ, khi đọc Vàng và máu, mười năm trước.
Chúc
thư văn học của Nhất Linh: mở rộng Tự Lực văn đoàn
Văn
bản dưới đây Nhất Linh viết trong đêm giao thừa năm Quý Tỵ, 1953, trang trọng
in trong Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay, tập 8, Sài Gòn, số xuân 1959, trang
12 và được in lại trên báo Văn số 14 (7-7-1964), số Tưởng niệm Nhất Linh[13].
Bài
chúc thư này được Nhất Linh chép tay làm 5 bản: 2 bản do Đỗ Đức Thu và Nhất
Linh giữ, 3 bản gửi ba thành viên tương lai. Bản in trên Văn là bản số 3 của
Nguyễn Thị Vinh, chúng tôi xin in lại dưới đây:
Chúc
thư văn học, Văn số 14 (7-7-1964 )
Bài
này tựa đề là Giao Thừa năm Quý Tỵ 1953, được Nhất Linh coi là chúc
thư văn học trong đó ông nói rõ dự định mở rộng Tự Lực văn đoàn đến thế hệ
sau. Dưới đây là nguyên văn, được đánh máy lại theo bản viết tay:
Giao
thừa năm Quý Tỵ 1953
Trong
hương trầm của đêm 30 tết và mắt mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất
hoặc mất tích, lại nghĩ tới những nhân tài mới khả dĩ đem lại một nguồn sinh
lực rồi rào [dồi dào] hơn làm cho Tự Lực văn
đoàn thay đổi và mới trẻ mãi, tôi có mấy lời cảm súc này – và cũng là chúc thư
luôn thể – với một bài thơ để gửi các anh em cũ (bất cứ ở khu nào) và mấy nhân
viên tương lai của đoàn. Trong bẩy tám nhà văn mới chọn lưạ được trong hai năm
nay, tôi thấy có ba nhà văn chắc chắn là nhân viên Tự Lực văn đoàn và tôi tin
là anh Đỗ Đức Thu cùng mấy anh mất tích sau này trở về; cũng như tôi sẽ bỏ
phiếu bầu một khi ba nhà văn đó có đủ số sáng tác để sự quyết định có căn cứ.
Ba người đó là Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng và Duy Lam.
Những
lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm, tôi thấy rõ ràng công
việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực
văn đoàn và công việc sáng tác.
Nhưng
Tự Lực văn đoàn không thể để ngừng lại ở số người cũ và đứng yên; người qua,
nhưng đoàn phải đổi mới và tiến mãi. Ngoài sự cố gắng của anh em cũ còn lại,
tôi mong những nhà văn tương lai của đoàn, trước và sau khi gia nhập, cùng đem
hết tâm hồn và tài năng để làm rạng rỡ tên tuổi của đoàn mình, coi mình với văn
đoàn là một, giữ được tinh thần cố hữu, trước kia đã sáng tỏ giữa mấy anh em
quá cố: giúp đỡ nhau, cùng nhau suốt đời phụng sự văn nghệ và đoàn mình,
nghiệp văn thực đã chung một kiếp người, đoàn văn cùng chung tiếng để đời mãi
kiếp sau.
Đã
bẩy năm tôi mới lại có dịp làm thơ và thơ tôi vốn không hay ho gì nhưng lòng và
ý thành thực là đủ rồi:
Tự
Lực, vườn văn mới trội tên
Bỗng
dưng thời thế đảo huyên thiên
Thương
dăm lá cũ vèo rơi xuống
Mừng
mấy mầm tươi vụt nhú lên
Mạch
cũ, nhựa non rồn rập chẩy
Vườn
hoa xuân mới điểm tô thêm
NGƯỜI
QUA, SÁCH MỌT, ĐỜI THAY ĐỔI
TỰ
LỰC, DANH CHUNG, TIẾNG VẪN TRUYỀN!
Nhất
Linh
2
giờ sáng, mồng 1 tết năm Quý Tỵ – 14-2-53"
Từ
Hồng Kông trở về Hà Nội, cuối năm 1950[14],
Nhất Linh tuyên bố không thuộc đảng phái nào, không hoạt động chính trị. Tháng
4/1951, ông vào Nam, mở nhà xuất bản Đời Nay và Phượng Giang, tái bản những
sách Tự Lực văn đoàn, và in sách của một số người viết trẻ. Năm 1953 ông lên Ðà
Lạt ở ẩn, sống với hoa lan ven suối Ða Mê.
Lá
chúc thư viết đêm giao thừa Quý Tỵ (14-2-53) như để kết toán đoạn
đường cũ và dựng con đường mới: ông hy vọng sẽ lập lại một Tự Lực văn đoàn với
những người viết trẻ.
Năm
năm sau, 1958, ông rời Ðà Lạt về Sài Gòn, chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay,
số 1 ra ngày 17-6-58, đến số 11, ra ngày 21-4-59, thì đình bản.
Trong
bài viết mở đầu ở số 1, tựa đề Văn Hóa Ngày Nay với văn hoá Việt Nam,
Nhất Linh khai bút bằng câu:
"Văn
Nghệ Việt Nam hơn mười năm nay vẫn ở trong một tình trạng ngưng đọng, chưa tìm
được lối đi", như một cách trả lời báo Sáng Tạo (ra đời
tháng 10-1956) đã chủ trương… chôn sống Tự Lực văn đoàn (y hệt như Phong
Hóa đối với Nam Phong ngày trước). Và đó cũng là lý do giải thích tại sao Nhất
Linh không coi văn nghệ hôm nay (của nhóm Sáng Tạo) là một thành quả và
ông muốn xây dựng một nền văn nghệ muôn thủa với Văn Hóa Ngày Nay.
Nhưng
tại sao Nhất Linh lại công bố Lá chúc thư trên Văn Hóa Ngày Nay số xuân
1959?
Khiến
khi đọc lá chúc thư này, ta thấy có mấy điều không ổn, sau đây:
Ngày
14-2-1953 khi Nhất Linh viết lá chúc thư, thì cả ba người Nguyễn
Thị Vinh, Duy Lam, Tường Hùng mà ông chắc chắn xứng đáng là nhân viên Tự
Lực văn đoàn đều chưa có tác phẩm trình làng:
-
Nguyễn Thị Vinh, bắt đầu viết từ khi còn ở Hương Cảng (1948) nhờ Nhất Linh nâng
đỡ. Về Sài Gòn, được Phượng Giang in tập truyện ngắn Hai chị em từ năm
1953.
-
Tường Hùng có tập Gió mát, Phượng Giang in năm 1954.
-
Duy Lam chỉ được công chúng biết đến trên Văn Hóa Ngày Nay, tức là từ tháng
6-1958.
Vậy
nếu Nhất Linh đọc văn của hai người cháu, trong chỗ riêng tư, thấy họ xứng
đáng là nhân viên Tự Lực văn đoàn, thì đó chỉ là việc trong gia đình; đối với
công chúng, họ chưa thể gọi là nhà văn.
Một
mặt khác, ta lại biết, năm 1953, Nhất Linh rất cô đơn, ông muốn làm báo mà
không có ai, bạn cũ chỉ còn Nguyễn Gia Trí, nhưng Nguyễn Gia Trí là họa sĩ, vì
thế, trong lá chúc thư này, ông đã nhắc đến Đỗ Đức Thu, như một người
"trong" Tự Lực văn đoàn: tôi tin anh Đỗ Đức Thu cũng như mấy anh [trong
văn đoàn] mất tích sau này trở về; cũng như tôi sẽ bỏ phiếu bầu khi ba
nhà văn đó có đủ một số sáng tác [chúng tôi nhấn mạnh] để sự
quyết định có căn cứ".
Đỗ
Đức Thu do Tự Lực văn đoàn khám phá. Trên Ngày Nay số 16 (12-7-36) đã trích
đăng truyện Ba của Đỗ Đức Thu, đoạt giải khuyến khích Tự Lực văn đoàn
năm 1935. Ba tháng sau, Ngày Nay đăng truyện ngắn Nước, ba ông… (Ngày
Nay số 30, 18-10-36) một truyện kinh dị đặc sắc. Từ đó Đỗ Đức Thu hiện diện đều
đặn trên báo Ngày Nay, nhưng Đỗ Đức Thu không phải là thành viên của Tự Lực
văn đoàn, vì không thấy nơi nào nói đến điều đó cả, và ông cũng không có
sách in, dưới tên Đỗ Đức Thu, ghi năm chữ "Trong Tự Lực văn đoàn".
Cho
nên khi viết lá chúc thư này, vắng bóng tất cả các thành viên khác, Nhất
Linh chỉ còn có Đỗ Đức Thu bên cạnh, nên ông đã coi Đỗ Đức Thu như một thành
viên thực thụ, và mong họ Đỗ sẽ đồng ý "bỏ phiếu" cho ba "nhà
văn" Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng và Duy Lam, để có một văn
đoàn; tuy nhiên, ông cũng đã cẩn thận đặt điều kiện: "tôi tin
anh Đỗ Đức Thu cũng như mấy anh mất tích sau này trở về; cũng như tôi sẽ bỏ
phiếu bầu khi ba nhà văn đó có đủ một số sáng tác để sự quyết định có căn cứ".
Tức là ba người này chỉ được "bỏ phiếu công nhận" khi đã có
"những tác phẩm xứng đáng". Nhưng việc này chưa từng xảy ra,
nên những năm sau không thấy Nhất Linh phát biểu gì thêm về họ nữa.
Nếu
bản chúc thư viết năm 1953, chỉ giữ trong gia đình, thì không có chuyện
gì. Nhưng năm 1959, Nhất Linh công bố trên báo Xuân Văn Hóa Ngày Nay, khiến dư
luận có cớ để đàm tiếu.
Vẫn
trên báo Văn Hóa Ngày Nay số 1 (17-6-58) Nhất Linh còn làm hai việc khó hiểu
nữa:
1-
Ông đăng truyện ngắn Cúng Cơm của Đỗ Đức Thu, với lời giới thiệu: "Sau
hơn mười lăm năm, nhà văn lão thành Đỗ Đức Thu trong Tự Lực văn đoàn mới lại có
truyện đăng trên báo…" Và dưới tên tác giả, ông đề thêm hàng chữ: (Trong
Tự Lực Văn Đoàn).
2-
Ông viết lời giới thiệu truyện Gia đình tôi của Duy Lam, với những lời
khen thái quá khiến ta nghi ngờ sự đánh giá tác phẩm của Nhất Linh:
"…Duy
Lam, một nhà văn mới bước chân vào làng văn lần đầu tiên cách đây sáu năm bằng
truyện "Chồng con tôi" (có đăng ở kỳ này) tuy Duy Lam chỉ có một
truyện đăng báo nhưng đã sáng tác được rất nhiều truyện và viết đủ mọi giọng;
giọng Dostoievski như trong "Chồng con tôi" và giọng Dickens,
Mansfield, Tolstoi, như trong các truyện khác. Tất cả những truyện này sẽ đăng
dần trong Văn Hóa Ngày Nay".
Nhờ
câu văn này mà ta biết, tại sao Nhất Linh "chọn" Duy Lam ngay từ năm
1953, hoá ra ông dựa vào truyện Chồng con tôi đăng trên Báo Mới, và sáu
năm sau ông cho đăng lại truyện này trên Văn Hóa Ngày Nay, số 1, với lời giới
thiệu nồng nhiệt trên đây.
Ở
đầu truyện Chồng con tôi, ông còn có lời giới thiệu nồng hậu nữa: "Đây
là một truyện ngắn có giọng Dostoievski (…) đọc truyện này ta không thể không
nghĩ đến Sợi tóc của Thạch Lam".
Tôi
đã đọc kỹ Chồng con tôi và thấy không có gì là giọng Dostoievski
cả. Còn giọng Dickens, Mansfield, Tolstoi, của Duy Lam
trong các truyện khác thì tôi chưa được thấy.
Chồng
con tôi rất giả tạo, không thể nào so sánh với Sợi tóc của
Thạch Lam được. Duy Lam dựng một truyện rất khó tin: một người mẹ có một
đứa con ghét bố, người bố ấy lại ghét mẹ mình và ngược đãi vợ, và người vợ cũng
ghét chồng (không phải vì thế mà thành Dostoievski). Rồi người
chồng chết. Một hôm, đứa bé ốm nặng, người mẹ chạy đến phòng mạch mời bác sĩ,
mặc sự nài nỉ, van xin, bác sĩ bỏ đi, người nữ khán hộ tàn ác nói: nó có sắp
chết cũng phải mang nó đến đây. (Bác sĩ không đi khám tại nhà). Thất vọng
ra về, trên đường, người mẹ được một người đàn bà thương hại, tìm hộ bác sĩ
khác, bởi vì bà này nửa tháng trước có đứa con bị chết, nguyên do
vì bà vội vàng đến nhà người bạn mua bát họ, để con chơi một mình ở nhà,
không đóng cửa sổ, thằng bé nghịch ngợm nhảy qua cửa sổ rơi xuống sân chết!
Không
chỉ có cốt truyện vá víu, chi tiết rời rạc từng mảnh, mà tâm lý các nhân vật
đều giả tạo, không có gì ăn khớp với nhau, Duy Lam không biết gì về tâm lý của
người mẹ, nên đưa ra những chi tiết kỳ khôi, viết những câu kỳ lạ: "Khi
con tôi bắt đầu ốm, tôi đã biết là nó sẽ chết".
Tóm
lại ông đã bày ra bao nhiêu cảnh trớ trêu, nhưng không tạo được cảm giác thương
tâm nào cho người đọc ngoài sự bực mình vì thấy hoàn toàn vô lý.
Chẳng
nên trách Nhất Linh khen cháu thái quá, vì lúc đó ông cần khuyến khích họ để có
một ê-kíp giỏi làm Văn Hóa Ngày Nay; nhưng chung quanh ông chỉ có Đỗ Đức Thu và
Bình Nguyên Lộc là hai nhà văn có kinh nghiệm, còn những người trẻ như Linh
Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng, Duy Lam, mới viết được mấy truyện ngắn nhẹ
nhàng, họ không thể thay thế Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, cho nên Nhất Linh
chỉ cầm cự được 11 số, rồi Văn Hóa Ngày Nay phải đình bản.
Sự
hiểu lầm bản chúc thư văn học của Nhất Linh
Vì
bản chúc thư này, và có lẽ vì cả những điều Nhất Linh giới thiệu Duy Lam nồng
nhiệt quá trên Văn Hóa Ngày Nay, mà Đặng Trần Huân (và nhiều người khác) có lý
do phê phán. Đặng Trần Huân viết trong bài Huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn[15]
như sau: "Trong số người mà Nhất Linh đề nghị thâu nhận vào TLVĐ
chỉ có Nguyễn Thị Vinh là người ngoài còn Duy Lam và Tường Hùng là hai người
cháu gọi Nhất Linh là bác ruột. Nếu chỉ kể sáu hội viên nguyên thuỷ thì một nửa
thành phần đã là ba anh em ruột Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam".
Người
ta thường hay có ý so sánh như vậy. Nhưng so sánh như vậy là sai, bởi vì Nhất
Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, là ba nhà văn tài ba có tác phẩm
minh chứng. Còn Duy Lam và Tường Hùng lại khác. Đặng Trần
Huân phê phán như vậy là hơi cố chấp, bởi vì ông thừa biết rằng: Nhất Linh đã
"cho" ba người này vào Tự Lực văn đoàn đâu? Ông chỉ mới giao hẹn:
"sẽ bỏ phiếu bầu khi ba nhà văn đó có đủ một số sáng tác để sự quyết
định có căn cứ", và lại chỉ bỏ phiếu "khi mấy
anh mất tích sau này trở về" thế thì còn lâu!
Hoàng
Đạo và Thạch Lam, hai em Nhất Linh – không phải Nhất Linh "cho vào" –
mà họ đã ở trong nhóm những người làm báo Phong Hóa số 14, và sau đó họ xác
định tài năng bằng tác phẩm văn học.
Đặng
Trần Huân còn trách Tự Lực văn đoàn công bố tôn chỉ và đường lối, trên Phong
Hóa số 87 (2-3-33) "nhưng lại không công bố thành phần gồm có những ai,
bí mật như một đảng cách mạng"[16]
Trong
bản tuyên ngôn của Tự Lực văn đoàn có câu: "Người trong văn đoàn có
quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực văn đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều
được văn đoàn nhận và đặt dấu hiệu"[17].
Như vậy là rõ ràng lắm, không hề có chuyện bí mật như một đảng cách mạng
như lời chỉ trích của Đặng Trần Huân.
Sự
lựa chọn "nhân viên" của Tự Lực văn đoàn năm 1932, cũng không hề
thiên vị anh em, như người ta chê trách: Nguyễn Tường Cẩm, người anh, được Nhất
Linh giao chức chủ nhiệm Ngày Nay mấy số đầu, và Nguyễn Tường Bách,
người em út rất có văn tài, đều bắt đầu viết trên Phong Hóa, nhưng không ai
được vào Tự Lực văn đoàn cả. Trần Tiêu, em Khái Hưng, viết cho Phong Hóa từ số
18, cũng là một cây bút giá trị, nhưng cũng không được anh đưa vào Tự Lực văn
đoàn. Những chỗ ghi Trần Tiêu trong Tự Lực văn đoàn đều sai cả.
Ra
hải ngoại, trên bìa cuốn Na Uy và tôi, (Nxb Anh Em, 1994), bà Nguyễn Thị
Vinh tự tiện đề thêm bốn chữ Tự Lực văn đoàn dưới tên tác giả. Và theo
Đặng Trần Huân, bà còn tuyên bố[18]
rằng bà làm như vậy vì bà thấy chủ trương của Tự Lực văn đoàn hay. Quái
lạ, nếu ai thấy "chủ trương của Tự Lực văn đoàn hay" cũng
làm như bà thì còn ra thể thống gì nữa?
Riêng
Duy Lam, tôi mua được hai cuốn sách của ông in ở Mỹ, Gia đình tôi và Em
phải sống, do Văn Hóa Ngày Nay xuất bản năm 1996, dưới tên Duy Lam đều có
ghi: Trong Tự Lực văn đoàn. Đây là một sự lạm dụng, Duy Lam làm việc này
sau khi Nhất Linh mất ba mươi ba năm, thật đáng tiếc. Bởi vì nếu Nhất
Linh "cho" ông vào văn đoàn, thì khi hai cuốn sách đầu tiên của ông
là Chồng con tôi và Gia đình tôi, in năm 1960 và 1962, Nhất Linh
còn sống, đã phải có những chữ Trong Tự Lực văn đoàn.
Duy
Lam bắt đầu nổi tiếng khi Văn Hóa Ngày Nay đăng Gia đình tôi, từng kỳ
trên báo, truyện vui, có duyên, về gia đình ông; nữ sinh Trưng Vương, Gia Long
thời ấy rất thích. Nhưng Gia đình tôi (in năm 1962) chưa đủ chất lượng
để Nhất Linh có thể "kết nạp". Chồng con tôi (in 1960), như đã
nói ở trên, khá tầm thường. Sau đó ông viết truyện Cái lưới (1964) vẫn
về gia đình ông, nhưng hoàn toàn đối lập với Gia đình tôi, mô tả một gia
đình bất hạnh vì người cha cộc cằn, độc đoán. Tất cả những tác phẩm này chưa
thật đặc sắc. Trong gia đình bà Nguyễn Thị Thế, chỉ có bà và Thế Uyên là hai
nhà có thể vào Tự Lực văn đoàn.
Thất
tinh trong Tự Lực Văn Đoàn
Khi
nói đến Tự Lực văn đoàn, người ta hay dùng chữ: Thất Tinh (bảy vì sao)
để chỉ: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ và Xuân Diệu.
Đếm vậy là cho đúng con số bảy, nhưng không đúng sự thực.
Chữ
Thất tinh, nếu có, đã chỉ xuất hiện trong thời kỳ đầu của Tự Lực văn
đoàn, lúc các sao đang sáng, vì đến cuối năm 1938, khi Xuân Diệu
được kết nạp (hay không), các sao kia đã lặn dần vì công việc cách mạng
rồi, chỉ còn Thạch Lam ở lại thường trực tòa soạn. Tóm lại, trong bảy vì
"tinh tú" không thể có Xuân Diệu.
Phạm
Thế Ngũ, trong bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên
(1961-1965), là người viết câu này:
"Trong
tập Những Ngày Vui viết về sau, Khái Hưng có cho biết họ có ý định khi đó lập
một thứ Pléiade" với "bẩy vì sao". Đó là:
Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam (cũng ký các biệt hiệu khác Nhị Linh, Bảo Sơn,
Đông Sơn) Khái Hưng tức Trần Khánh Dư, Tú Mỡ tức Hồ Trọng Hiếu, Thế Lữ tức
Nguyễn Thứ Lễ (cũng ký tên Lê Ta), Hoàng Đạo tức Nguyễn Tường Long (lúc đầu bút
hiệu là Tứ Ly) Thạch Lam tức Nguyễn Tường Lân (lúc đầu cũng ký tên Việt Sinh)
và Nguyễn Gia Trí, nhà hội họa chuyên môn"[19].
Đoạn
văn này có hai điểm sai, tôi đều đã nói rồi, nhưng ở đây cần nhắc lại.
Điểm
thứ nhất: ông tưởng Nhị Linh là bút hiệu của Nhất Linh.
Điểm
thứ hai, ông viết: "Trong tập Những ngày vui viết về sau, Khái Hưng có
cho biết họ có ý định khi đó lập một thứ Pléiade" với "bẩy vì
sao"".
Tuy
ông liệt kê đúng tên bảy vì sao này, nhưng tôi đã đọc kỹ tác phẩm Những ngày
vui, rà bản đăng trên báo Ngày Nay năm 1936 và cả bản Phượng Giang, do Nhất
Linh in lại năm 1958 ở Sài Gòn, cũng không thấy chỗ nào nói đến Pléiade. Điều
này chứng tỏ Phạm Thế Ngũ chưa đọc Những ngày vui.
Nhưng
chuyện Thất tinh đã được "truyền tụng". Không hiểu từ Phạm Thế
Ngũ hay từ đâu, khiến Nhật Thịnh, trong Chân dung Nhất Linh đã tiểu
thuyết hóa thành câu chuyện sau đây:
"Đầu
năm 1932, Nhất Linh cùng Khái Hưng và Thế Lữ đi viếng động Tam Thanh ở Lạng
Sơn. Ba người bàn tính nên đặt tên hiệu cho đoàn. Nhất Linh:
-
Mình phải chọn cho nhóm một cái tên gần như nhóm Pléiade, Parnasse ở Pháp.
Chẳng lẽ là mình cứ gọi là nhóm "Phong Hóa" mãi sao?
Khái
Hưng tán thành:
-
Hay là mình đặt quách cho nhóm cái tên "Thất Tinh". Nhóm
"Pléiade" có bẩy người, thì bọn mình cũng thế, có thua gì đâu.
Đó
là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Nguyễn Gia Trí
(…)
Thế
Lữ sau khi nghe Khái Hưng đề nghị nên đặt tên nhóm là "Thất Tinh", có
lẽ vì ông quên vai trò đóng góp của Nguyễn Gia Trí, đã vội bẻ lại:
-
Bẩy đâu, sáu chứ! Này nhé: Nhất Linh, Tú Mỡ, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng,
Thế Lữ, vị chi là sáu tất cả.
Nhất
Linh chêm:
Các
cậu quên Nguyễn Gia Trí rồi à? Thiếu hắn ta thì bọn mình "bất trí"
hết"[20].
Như
vậy, nếu hai chữ Thất tinh được truyền lại, thì chỉ do hai nguồn:
-
Chính các thành viên Tự Lực văn đoàn, trong lúc chuyện gẫu, đã tự tôn mình là
Pléiade.
-
Công chúng, vì khâm phục tài năng của nhóm Tự Lực văn đoàn, nên đã tôn họ là Thất
tinh.
Trong
cả hai trường hợp, chữ Thất tinh đều chỉ bảy người: Nhất Linh, Khái Hưng,
Nguyễn Gia Trí, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ và Thế Lữ. Vì đó là bảy người đã có
công trong việc xây dựng hai tờ Phong Hóa Ngày Nay, thực hiện sự đổi mới văn
học, xác định con đường tranh đấu xã hội, tạo dựng uy tín cho Tự Lực văn đoàn.
Ngoài ra, bốn thành viên chính: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng và Nguyễn Gia
Trí, đã tham gia Quốc Dân Đảng, tổ chức cách mạng chống Pháp. Vậy chữ Thất
Tinh, nếu có, chỉ để vinh danh bảy người: Nhất Linh, Khái Hưng,
Nguyễn Gia Trí, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ và Thế Lữ.
(Còn
tiếp)
Thụy
Khuê
thuykhue.free.fr
[1]
Bạch Thái Quốc, nguyên trưởng ban Việt ngữ đài RFI, cháu nội nhà kinh doanh
Bạch Thái Bưởi. Mẹ Bạch Thái Quốc là bà Bạch Thái Chín, nhũ danh Đỗ Kim Khuê,
em gái Đỗ Tốn. Bà qua đời ngày 21-5-2020, ở California, hưởng thọ 99 tuổi.
[2]
Tạ Tỵ trong bài "Vài cảm nghĩ về cuốn hồi ký gia đình Nguyễn Tường của
nữ sĩ Nguyễn Thị Thế" viết: Đỗ Tốn và Đỗ Đình Đạo là anh em ruột, thực
ra là anh em con chú con bác ruột, bài Tựa cuốn Hồi ký của Nguyễn Thị Thế, Văn
Hóa Ngày Nay tái bản lần thứ ba, 1996, trang 24.
[3]
Tạ Tỵ, Vài cảm nghĩ về cuốn hồi ký gia đình Nguyễn Tường của nữ sĩ Nguyễn
Thị Thế", Tựa cuốn Hồi ký của Nguyễn Thị Thế, Văn Hóa Ngày Nay tái bản
lần thứ ba, 1996, trang 24.
[4]
Tạ Tỵ, Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi, Hồi ký, Thằng Mõ,
1990, Hoa Kỳ, trang 198.
[5]
Tạ Tỵ, Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi, Hồi ký, Thằng Mõ,
1990, Hoa Kỳ, trang 198.
[6]
Hoàng Văn Đào, Lịch sử đấu tranh cận đại 1927-1954, Việt Nam Quốc Dân
Đảng, Tân Việt tái bản kỳ 4, 2006, California, trang 421.
[7]
Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 421.
[8]
Về việc Thụy An và Đỗ Đình Đạo, xin xem: Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm và
vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Tiếng Quê Hương 2012, t.175-180, hoặc trên mạng: thuykhue.free.fr
) và Trần Gia Phụng, Vụ án mạng chính trị gia Đỗ Đình Đạo và nghi án 60
năm, trên mạng Danchimviet.info, đăng ngày 20/7/2014.
[9]
Hoàng Văn Đào, Lịch sử đấu tranh cận đại 1927-1954, Việt Nam Quốc Dân Đảng,
Tân Việt, California, tái bản kỳ 4, 2006, t. 184.
[10]
Nguyễn Ngu Í, Sống và viết với… t. 13.
[11]
Đỗ Tốn, Vài lời nói thêm, Hoa vông vang, Đời Nay, Sài Gòn, t. 181.
[12]
Nguyễn Thạch Kiên, Đốt lò hương ấy, bài tựa sách Khái Hưng Kỷ vật đầu
tay và cuối cùng, tập 1, Hồn bướm mơ tiên, Phượng Hoàng, California, 1997,
trang 25-26.
[13]
In lại trên báo Văn số 14 (7-7-1964) số Tưởng niệm Nhất Linh, cả bản chép tay
và đánh máy. In lại trong Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường – Nhất Linh, Hoàng
Đạo Thạch Lam của Nguyễn Thị Thế, Nxb Văn Hóa Ngày Nay tái bản lần thứ ba,
năm 1996, tại Santa Ana, California, trang 259; và trong Kỷ yếu triển
lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực văn đoàn, Người Việt,
California 2014, trang 76-77.
[14]
Nguyễn Tường Thiết, trong Nhất Linh cha tôi, Văn Mới, California, 2006,
t. 13, ghi Nhất Linh về Hà Nội cuối năm 1950. Tiểu sử của Nguyễn Ngu Í ghi ông
về năm 1951.
[15]
Đặng Trần Huân, Huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn, in trong cuốn Khái Hưng,
Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, Quyển 1, Hồn bướm mơ tiên, t. 282.
[16]
Đặng Trần Huân, bđd, trang 274.
[17]
Trích bài Tự Lực Văn Đoàn, Phong Hóa số 87, 2-3-1934.
[18]
Trên Phụ Nữ Diễn Đàn số 132, tháng 2-1995.
[19]
Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, Anh
Phương Ấn quán, Sài Gòn, Đại Nam, California, in lại trang 433-434.
[20]
Nhật Thịnh, Chân dung Nhất Linh, Đại Nam in lại ở Mỹ, không đề năm,
trang 127, 129, 130.
Nguồn: Văn Việt