Hình 1: Chân dung
GS Hoàng Tiến Bảo 1920 – 2008. Hình chụp tại
nhà Thầy ở Alhambra ngày Chủ Nhật 30/01/2005 còn 9 ngày nữa là Tết Ất Dậu, nhân
dịp các học trò đến chúc Tết Thầy Cô, đa số là lớp YKSG 74-75. [ photo by Phạm
Xuân Cầu, tư liệu Phạm Anh Dũng, YKSG 74 ]
Dẫn nhập: Cuộc đời 88 năm
của GS Hoàng Tiến Bảo quá phong phú và đa dạng, phải cần tới một cuốn sách mới
có thể phác hoạ được một chân dung đầy đủ về Thầy. Đây chỉ là một bài viết ngắn
xen lẫn với cả những điều riêng tư, nhân dịp Tưởng niệm 101 Năm ngày Sinh của
Thầy. Với tất cả sự thận trọng, người viết mong rằng bài tưởng niệm này, có thể
chưa đầy đủ nhưng sẽ không có các chi tiết sai lạc. Cám ơn GS Trần Ngọc Ninh,
GS Đào Hữu Anh, cùng các Bạn đồng môn từ các khoá Y khoa Đại học Sài Gòn đã cung
cấp cho tư liệu, hình ảnh và cả những thông tin còn nhớ được qua các cuộc nói
chuyện trao đổi để có thể hoàn thành bài viết.
TIỂU SỬ
GS Hoàng Tiến Bảo sinh ngày 14/04/1920
tại Hà Nội. Quê nội làng Kim Lũ tỉnh Hà Đông, quê ngoại Làng Vẽ gần Hà Nội. Đi học từ năm 4
tuổi ở trường Trí Tri phố Hàng Đàn, lên trung học học trường Bờ Sông [École du Quai Clemenceau]. Có năng khiếu về
môn vẽ, và mơ ước trở thành giáo viên đi dạy học. Thuở thiếu thời, ông có một nếp
sống lành mạnh, chơi thể thao chạy bộ, tập ném tạ, ném đĩa, ra hồ Tây bơi lội một
mình. Ông đi hướng đạo vào tuổi tráng niên, tập quen chịu phong sương. Mẹ ông
buôn bán, sau này mới theo đạo Thiên Chúa, tất cả anh chị em ông cùng được chịu phép rửa tội theo mẹ ở nhà thờ Các
Thánh Tử Đạo ở Cửa Bắc. Trong tám anh chị em, ông là con trai cả, tuy là gia
đình tân tòng nhưng sau này có được hai linh mục, một dì phước dòng Thánh Phaolô,
và một sư huynh dòng La Salle.
[ Linh mục Hoàng Quốc Trương, là em ông, là một trong những người Việt đầu tiên du học ở Mỹ có Ph.D. về động-vật học (Zoology) và dạy môn này tại Đại Học Khoa
Học Sài Gòn trong nhiều
năm. Linh mục Trương thuộc dòng Đa-minh (Dominicains), tu viện tại đường Tú Xương, Sài Gòn ].
Năm 1937, ở tuổi 17 ông thiếu
một tuổi để thi vào trường Sư phạm / École de Pédagogie ngành học mà ông mơ ước.
Lúc đó Cha giám đốc trường Kẻ Giảng đang tìm người có bằng Diplôme dạy học, ông
nhận lời và dự định chỉ dạy ở Kẻ Giảng một năm, khi đủ 18 tuổi sẽ về Hà Nội thi
vào trường Sư phạm. Ông dạy môn Pháp văn. Chủ Nhật cuối tuần thì về Hà Nội.
Nhưng ông đã ở Kẻ Sở 3 năm,
thời gian 3 năm đó đã khiến ông trở thành một người Công Giáo thuần thành. Tuy
không chịu chức Thánh, nhưng với 3 năm nơi trường Kẻ Giảng, ông được thấm nhuần
các đức tính của một tu sĩ: nghèo khó, phục
vụ, vâng lời. Và hầu như đã trở thành thói quen suốt đời, sáu giờ sáng mỗi
ngày ông đi lễ nhà thờ, kể cả những năm ông du học ở Philadelphia, Hoa Kỳ. (1)
Ông lập gia đình năm 1946 tại
Hà Nội. Có khoảng thời gian ngắn làm nghề may và buôn bán nhưng không thành
công; sau khi thi tú tài xong, ông quyết định theo học Y Khoa. Khi GS Phạm Biểu
Tâm, GS Trần Ngọc Ninh đã là nội trú ở bệnh
viện Phủ Doãn thì ông mới là một ngoại trú. Ông vào học Y khoa sau hai chị Vũ
Thị Thoa và Nguyễn Thị Nhị một năm. [ BS Vũ Thị Thoa sau này là giáo sư Nhi
khoa BV Nhi Đồng, BS Nguyễn Thị Nhị giảng sư Sản phụ khoa BV Hùng Vương ].
Ông tốt nghiệp Y khoa năm 1952
với Thèse
Doctorat de Médecine: L’ Hémodiagnostic / Hemodiagnosis [ Hoàng Tiến Bảo,
M.D.E., Hanoi 1952 ]. Ông là bác sĩ giải phẫu tại bệnh viện Phủ Doãn cho tới 1954,
Ông cùng gia đình di cư vào Nam ngay sau Hiệp định Geneve chia đôi đất nước.
Vào Sài Gòn, ông mở phòng mạch
một thời gian ngắn ở khu bình dân Khánh Hội. Sau đó ông được GS Trần Ngọc Ninh
lúc đó mới đậu Agrégé từ Pháp về, mời làm phụ tá cho GS Ninh ở Bệnh viện Bình
Dân trên đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Từ một bác sĩ giải phẫu tổng quát, sau
này ông trở thành một bác sĩ chuyên khoa Chỉnh trực, làm việc cùng với các bạn
đồng sự từ bệnh viện Phủ Doãn di cư vào Nam. Ngoài ra, ông còn phụ trách một số
giờ dạy môn Cơ thể học / Anatomy cho sinh viên Y khoa năm thứ nhất cùng với
Giáo sư Nguyễn Hữu, trên đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn.
Năm 1960, ông được trường Y
khoa Sài Gòn cử đi du học Hoa Kỳ tại University of Pennsylvania, theo ngành
Orthopaedics một năm, xong chuyển qua ngành Bone Pathology tại Temple
University. Trong thời gian này, ông đã thi đậu bằng tương đương ECFMG (1962), hoàn
tất học vị Master of Science về Orthopaedic Pathology, American Board of
Pathology. Ông trở về Việt Nam năm 1966.
Từ năm 1966, ông là Giáo sư Đại
học Y Khoa Sài Gòn, làm trưởng khu Chỉnh Trực bệnh viện Bình Dân, [ sau khi GS
Trần Ngọc Ninh chuyển sang bệnh viện Nhi Đồng xây dựng Khoa Giải Phẫu Tiểu nhi
/ Chirurgie Infantile / Pediatric Surgery với các công trình nghiên cứu nổi tiếng
Đông Nam Á ]. Thầy Hoàng Tiến Bảo cũng đồng thời phát triển ngành học mới Bướu Xương
/ Bone Tumor tại Việt Nam, chữa trị cho
nhiều bệnh nhân bị chứng bệnh hiểm nghèo này.
Năm 1974, ông sang University
of Hong Kong học thêm về chuyên khoa Phẫu thuật Cột sống [ Spine Surgery ] với
Giáo sư A.R. Hodgson, người Anh. Sau đó ông trở về Việt Nam, cũng tại Bệnh viện
Bình Dân phát triển khoa này, làm việc cùng với Bác sĩ Hoover đại diện cho AMA
/ American Medical Association ở Việt Nam. Ông đã giúp nhiều bệnh nhân bị lao cột
sống [ Mal de Pott / Pott’s disease ] và chấn thương cột sống có khả năng trở lại
sinh hoạt bình thường. Lao cột sống là một bệnh thường gặp ở Việt Nam, khi mà dịch
bệnh lao phổi còn đang lan tràn ở quê nhà. Trong những năm đó, ông đào tạo nhiều
thế hệ môn sinh, sau này rất thành công trong mọi lãnh vực y khoa, kể cả ngành
chấn thương chỉnh hình và cột sống.
Võ Văn Thành và Vũ Tam Tĩnh,
cùng YKSG 74 là hai môn sinh khoa cột sống, từng làm việc với Thầy gần 8 năm ở
bệnh viện Bình Dân, họ không có cơ hội đến các bến bờ tự do nên còn ở lại Việt Nam. Trong nghịch cảnh, hai anh
vẫn cố gắng xây dựng và phát triển Khoa Giải phẫu Cột Sống ngày thêm vững mạnh.
Thầy Bảo viết: “Thành và Tĩnh là những
người tiêu biểu cho khoá 1974 ở quê nhà.” Vẫn Thầy viết tiếp: “Thành và Tĩnh đều rõ tôi nghĩ về các anh thế
nào.” (2)
Vũ Tam Tĩnh thì đã mất vì bạo bệnh trước Thầy. Chỉ còn lại Võ Văn Thành, bấy lâu vẫn giữ mối liên lạc mật thiết và kính trọng với Thầy cho tới ngày Thầy mất.
Hình 2: Người học trò cũ lâu năm của Thầy nay mái tóc cũng đã
bạc phơ. Ngày chụp tấm hình này,Thầy Hoàng Tiến Bảo mất cũng đã 6 năm. Võ Văn Thành, nay đã là giáo sư Y khoa Sài Gòn, đang trao đổi với GS
David Segal đến từ Israel về kết quả của một bệnh nhân sau cas mổ cột sống. [
photo by Nguyễn Luân, nguồn báo Ảnh Việt Nam 23.04.2014 ]
THẦY GIẢNG DẠY NHỮNG ỨNG DỤNG THỰC TẾ
Không lý thuyết viển vông, Thầy Bảo
giảng dạy
những điều rất thực tế để sinh viên có thể
lãnh hội và áp dụng được ngay. Thầy dạy học với lòng
nhiệt thành và thân ái, giúp cho sinh viên
tìm thấy
đường đi trong rừng sách vở. Từ giảng đường Y khoa tới bệnh
viện, bằng cách này hay cách khác, Thầy Hoàng Tiến Bảo đã để lại những dấu ấn
trong suốt học trình Y khoa trên đám môn sinh được học Thầy. Trong một bài
tưởng niệm Thầy, cựu nội trú Phan Ngọc Hà YKSG 74 đã ghi lại kinh nghiệm học
trình Y khoa 5 năm được học với Thầy.
“Năm thứ nhất: bài học đầu tiên với
Thầy là 2 tuần lễ Cơ thể học / Anatomy về tứ chi. Năm thứ hai: Thầy mở đầu môn
Cơ Thể Bệnh lý / Anapath với bài Viêm cùng 4 triệu chứng sưng, đau, nóng, đỏ. Năm
thứ ba Thầy dạy về gẫy xương với từng vị trí xương gẫy và phương pháp điều trị
rất thực dụng. Năm thứ tư: Thầy dạy về bướu xương, môn học rất mới và xấp cours
của Thầy như một cẩm nang rất hữu ích. Năm thứ năm: Thầy đảm trách thêm một số
giờ về môn Médecine Opératoire, thay vì thuần lý thuyết, Thầy dạy những điều mà
học trò có thể ứng dụng ngay khi bước vào đời.”
Ngay cả những sinh viên, cho dù chỉ tới
thực tập với khu Chỉnh trực BV Bình Dân trong một thời gian ngắn cũng được Thầy
dạy dỗ và chăm sóc chu đáo. Mới đây, nhân 13 năm ngày giỗ Thầy Hoàng Tiến Bảo [
20.01.2008 – 20.01.2021 ], Phan Ngọc Luỹ YKSG 74, đã viết trên Facebook của
mình: “Tôi không thể nào quên được những lần
được phụ mổ lao cột sống với Thầy. Mặc dù cuộc mổ khá dài, Thầy vẫn vừa cần
mẫn, tận tụy mổ xẻ vừa từ tốn, ôn tồn giảng dạy cho các học trò chung quanh. Thầy hết lòng chăm
lo đời sống cho sinh viên. Các sinh viên năm thứ 5 thực tập tại khu Chỉnh trực được
Thầy xin Ban giám đốc Bệnh viện cho làm nội trú ủy nhiệm và được hưởng lương
tháng. Đây không chỉ là một số tiền khá lớn đối với các sinh viên nghèo mà còn
là niềm khuyến khích vô biên cho học trò. Thầy là người công bình. Trong khu Chỉnh trực, sự phân
công cho các sinh viên, từ trại bệnh, phòng mổ, phòng bột như nhau. Được cho
phép mổ từ trường hợp đơn giản đến phức tạp tùy theo thời gian thực tập. Mọi sinh
viên đều có cơ hội học tập như nhau. Thầy luôn khuyến khích mọi sinh viên học hành tiến bộ. Đây chỉ là vài kỷ niệm
nhỏ đối với Thầy, một vị giáo sư y khoa tài đức vẹn toàn.”
Với quan niệm giảng dạy “kiến thức và
thực dụng”, khác với đường lối cũ của Pháp chỉ nhắm đào tạo một thiểu số “tinh
hoa – elite”, với chế độ thi cử thật khắt khe, và mỗi năm mỗi khoá học với 200
– 300 sinh viên mà chỉ chọn khoảng 12 tới 15 nội trú thực thụ. Thấy được sự
cách biệt về trình độ và phẩm chất đào tạo giữa nhóm nội trú và một đa số ngoại
trú hành lang – externes des couloirs, Thầy Bảo đã mạnh dạn chủ trương là phải
mở rộng chương trình nội trú, gia tăng sĩ số sinh viên nội trú trúng tuyển để
mọi sinh viên ưu tú có khả năng có cơ hội đồng đều để trở thành những bác sĩ
giỏi. Một mô hình tiến rất gần tới chế độ nội trú - thường trú [ Internship and
Residency ] của giáo dục Y khoa của Mỹ. Cũng như khi dạy Cơ Thể Học, Thầy luôn
luôn nhấn mạnh tới phần ứng dụng, môn Cơ Thể Học Chức năng – Functional
Anatomy.
Kỳ thi nội trú khoá 74 [ theo Bạch Thế Thức ], đã có tới 66 nội trú thực thụ trúng tuyển và 4 nội trú tạm thời / provisoire, hơn rất xa con số nội trú của những năm trước đó. Tới khoá 75, số nội trú mới trúng tuyển còn tăng thêm nữa, lên tới con số 90. Quan điểm phải mở rộng chương trình nội trú của Thầy Hoàng Tiến Bảo – với sự hậu thuẫn của Hội đồng Khoa, với thời gian đã được chứng minh là rất đúng qua những con số đám môn sinh thành đạt, phục vụ người bệnh hữu hiệu, không chỉ ở trong nước mà cả rất thành công khi ra hải ngoại. Rất tiếc là “chương trình nội trú mở rộng” đầy triển vọng của Thầy Bảo sau 1975 đã bị chế độ mới xoá bỏ, họ đã hạ thấp một nền Y khoa Khoa học của miền Nam xuống trình độ một nền Y khoa nhân dân du nhập từ miền Bắc. Đó cũng là nhận định cay đắng của Giáo sư Trần Ngọc Ninh từ Đại học Y Khoa Sài Gòn, trong khoảng thời gian của buổi giao thời khi ông bị kẹt ở lại.
Hình 3: Hội đồng giám khảo và một phần trong số đông đảo 66 các
tân nội trú khoá 1974 Đại học Y khoa Sài Gòn, hàng trước từ trái: BS Dương Minh
Quảng (đại diện Bộ Y tế), GS Đặng Trần Hoàng, GS Đào Đức Hoành, GS Hoàng Tiến
Bảo (Chủ tịch Hội đồng Giám khảo), GS Huỳnh Thị Xuân, GS Trần Văn Bảng, Giảng
sư Hoàng Minh Mậu, Giảng sư Tăng Nhiếp.
[ hình chụp tại giảng đường BV
Bình Dân, tư liệu Bạch Thế Thức ]
1975 VÀ NHỮNG NGÀY DÀI NHẤT
Biến cố 1975 như một cơn bão xô đẩy cả đất nước và mọi người vào một cuộc bể dâu. Ngày 30.04.1975 đã được Thầy Hoàng Tiến Bảo ghi nhận là Ngày dài nhất trong cuộc đời Bác sĩ. Thầy đã can đảm gánh vác vai trò Giám đốc BV Bình Dân, chấp nhận mọi việc rủi ro có thể xảy đến với mình và vẫn bênh vực cho tất cả những nhân viên cũ, các bác sĩ đàn em và đám sinh viên.(5)
Tình cảnh ở miền Nam sau 1975 cũng không khác với tình cảnh đám bác sĩ cũ còn kẹt lại ở Hà Nội sau 1954, tuy
vẫn làm việc nhưng là trong tình trạng
“lưu dung” [ không phải lưu dụng / không có dấu nặng ] theo cái nghĩa xúc
phạm tồi tệ, đó là “dung thứ mà giữ lại”,
và họ vẫn bị đối xử như một thứ công dân hạng hai.
Thầy Bảo tuy vẫn
có được sự kính trọng và vị nể của chế độ mới vì đức độ tài năng, nhân cách đặc biệt của Thầy; và cũng vì họ đang cần Thầy nhưng bảo tin cậy Thầy thì
không. Như trường hợp Giáo sư Phạm Biểu Tâm, một tên tuổi trí thức lớn như vậy
mà vẫn 2 lần bị Công an thành phố vây khám nhà mà không tìm ra được gì, sau đó
là 2 lần xin lỗi của Thành uỷ Sài Gòn.(3) Có một nhận định bằng xương máu của một người
rất hiểu Cộng sản từ ngoài Bắc vào, đó là: “Người Cộng sản có thể lạnh
lùng giết anh và sau đó gửi tới vòng hoa phúng điếu.”
Hình 4: Giáo sư Hoàng Tiến Bảo và đám môn sinh tại Bệnh viện Bình Dân 1976, trên
đường Phan Thanh Giản Sài Gòn; hàng trước từ trái: Bùi Đắc Lộc YKSG 72, Võ Văn
Thành YKSG 74, Giáo sư Hoàng Tiến Bảo, Võ Thành Phụng YKSG 68, Nguyễn Văn Quang
YKSG 70, Quan Vân Hùng YKSG 76; hàng sau: Dương Hoàng Anh YKSG 76, Nguyễn Tri
Phương YKSG 76, Tăng Quốc Kiệt YKSG 76. [ tư liệu và ghi chú của Bùi Đắc Lộc ]
Người viết còn nhớ, vào mấy ngày
trước Tết Tân Dậu, khoảng đầu
năm 1981 mấy thầy trò còn kẹt ở lại có
buổi họp mặt tất niên, bao gồm các khóa, nhưng đông nhất là Y Khoa 68. Có được
hai Thầy là giáo sư Hoàng Tiến Bảo và giáo sư Phạm Biểu Tâm tới dự. Giữa lúc phong trào “Boat People / vượt biển tìm tự do” – cho dù với nhiều
tang thương chết chóc nhưng vẫn dâng cao, tâm trạng “ở đi” của mọi
người vô cùng ngổn ngang lúc đó nên “vui là vui gượng kẻo là”. Thầy Bảo thì vẫn thâm trầm ít nói, có dáng khắc khổ như một thầy tu. Thầy Tâm tuy không bao giờ uống rượu
nhưng vẫn mang rượu tới để chung vui. Thầy Tâm giơ cao chai rượu trước mặt các
học trò và nói đại ý: “Lần này thì các
anh thực sự yên tâm, đây không phải là rượu giả vì là chai rượu lễ của một Cha
mới biếu tôi.” Trước sau, Thầy Tâm vẫn có một lối nói chuyện gián tiếp với “ý tại ngôn ngoại” như vậy. Ai cũng hiểu
ý Thầy, muốn nói về một “thời kỳ giả dối”
du nhập từ miền Bắc mà cả miền Nam đang phải bàng hoàng trải qua.
Thầy Bảo tuy phải sống trong nghịch cảnh
với bao khó khăn chồng chất, nhưng Thầy vẫn hàng ngày đứng mổ, tận tuỵ phục vụ người bệnh, giảng dạy học trò cho đến ngày về hưu, đi định cư ở Hoa kỳ năm 1983.
Thầy đến Mỹ ở tuổi 63, dự định đoàn tụ
với các con và tiếp tục nghỉ hưu. Ban
đầu Thầy Cô thuê nhà ở San Francisco, sau đó dọn xuống Long Beach. Sau một thời
gian ở Long Beach, cuối cùng Thầy Cô cũng ổn định được cuộc sống, sinh hoạt
đoàn tụ cùng gia đình trong một căn nhà rất khiêm tốn ở thành phố Alhambra,
California.
Rồi đám học trò cũ kéo tới thăm Thầy và
còn đem cho Thầy một thùng sách và một đống cours ronéo, và cả thúc giục Thầy
học lại. Thầy đã có ECFMG có lẽ là sớm nhất, từ 1962 khi du học ở Mỹ, hồi đó là
đã đủ điều kiện để xin đi residency, nhưng nay lại bắt buộc phải thêm FLEX, một
kỳ thi kéo dài ròng rã 3 ngày. Thầy viết: “Trong
lúc rảnh rỗi, sẵn xấp cours và sách, giở ra coi, thấy hay hay nhưng Y khoa ở Mỹ
bây giờ thì đã khác quá xa với một phần tư thế kỷ trước. Hồi đó IgA, IgE, IgM
chưa sách nào nói đến, Watson và Crick chưa tìm ra cơ cấu của DNA, Behavior
sciences chưa có chữ nào…”
Thầy đã là giáo sư y khoa, từng du học Mỹ
6 năm, nhưng nay là một di dân, và để có thể lấy lại được bằng hành nghề y tại
Hoa Kỳ, Thầy vẫn phải học hành thi cử như mọi bác sĩ ngoại quốc khác.
MỘT NGÀY TRONG MỘT NĂM VOLUNTEER CỦA THẦY
Với khích lệ của
đám môn sinh, Thầy quyết định trở lại vui với đèn sách. Đây cũng là thời gian
gần một năm [ khoảng từ tháng 5/1987 đến tháng 4/1988 ], như một cơ duyên tôi được
gần gũi với Thầy. Qua giới thiệu của bạn đồng môn Phạm Quang Thuỳ
YKSG 69 cũng là học trò của Thầy, Thầy và tôi cùng được nhận vào làm Clinical
fellow / volunteer / WOC / không lương nơi Department of Medicine &
Hypertension, USC Medical School với 2 giáo sư Vincent DeQuattro và Robert
Barndt, trên tầng lầu 6 toà nhà chính của
Bệnh viện. Nơi đây, không phải chỉ có Việt Nam, mà còn có các bác sĩ thuộc
nhiều quốc tịch khác như Nam Hàn, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Syria và cả Nhật Bản.
Tuy đã gần tuổi “cổ lai
hy” nhưng nếp sống của Thầy trẻ trung hơn tuổi tác. Như từ bao năm, đều đặn mỗi
sáng từ 6 giờ, Thầy đã rời nhà [ thành phố Alhambra ] với backpack nhẹ trên lưng,
đi bộ ra trạm xe bước lên chuyến bus tới dự thánh lễ buổi sáng ở nhà thờ, sau
đó mới lên một chuyến bus khác để tới bệnh viện USC trên đường Zonal, Los
Angeles.
Mục đích Thầy trò tới đây là
để làm quen thêm với môi
trường bệnh viện Mỹ, cho dù
trước 1975 thầy Bảo cũng đã du học về Orthopaedics ở Mỹ và tôi thì cũng có một
thời gian tu nghiệp về Physical Medicine &
Rehabilitation ở Letterman General Hospital, San
Francisco. Và cũng không kém quan trọng là sau một năm, Thầy trò sẽ có được mấy letters
of recommendation của các giáo sư Mỹ. Cũng dễ hiểu, người Mỹ chỉ tin những gì có gốc xuất
phát từ môi trường của họ.
Hệ thống
y khoa Mỹ lạnh lùng và tàn nhẫn với bất cứ một bác sĩ ngoại quốc nào tới Mỹ
theo diện di dân muốn hành nghề trở lại, cách đối xử khác xa với thành phần du
học nếu sau đó trở về nước. Nhưng cũng có một nhận định khác cho rằng đó là sự
tuyển chọn rất công bằng chỉ có ở nước Mỹ. Không là ngoại lệ, cả hai thầy trò
phải đi lại từ bước đầu. Nhưng rồi sau này,
có thời gian làm việc tại các bệnh viện New York, tôi đã chứng kiến hoàn cảnh vị
giáo sư ObGyn đáng kính người Ba Lan phải đi làm EKG technician, và một bác sĩ
giải phẫu người Nga thì làm công việc của một respiratory therapist. Họ là thế
hệ thứ nhất tới Mỹ với tuổi tác không thể đi học lại từ đầu những môn
khoa học cơ bản (basic sciences) quá mới mẻ nên đành chấp nhận hy sinh
lót đường cho thế hệ thứ hai vươn lên.
Tại USC Medical Center, đám
bác sĩ ngoại quốc chúng tôi tuy chưa có bằng hành nghề, nhưng cũng được tiếp
xúc với bệnh nhân, để chọn lọc và ghi tên họ tham gia vào các công trình nghiên
cứu y khoa, theo protocol, thực hiện các cuộc phỏng vấn, lập hồ sơ với folder
cho từng người; ngoài ra 2 ngày mỗi tuần
chúng tôi được tham dự / quan sát các buổi khám bệnh của 2 vị giáo sư Mỹ này. Thầy
Hoàng Tiến Bảo, tuy bao năm đã từng làm giáo sư Y khoa ở Việt Nam nhưng Thầy rất
khiêm cung, và khi biết được background của Thầy, ai cũng tỏ vẻ kính trọng.
Mỗi ngày, sau khi làm xong phần
vụ được giao phó, hai Thầy trò lại cùng nhau xuống thư viện Norris Medical
Library nơi có cả một rừng sách, phía sau Bệnh viện để dùi mài kinh sử; chủ yếu
là nghe tape và xem video các bài giảng y khoa, giống như mấy trung tâm luyện
thi Kaplan nhưng phải trả tiền khá đắt. Thầy Bảo vừa xem-nghe vừa ghi chép tóm tắt mỗi bài giảng trên một cuốn vở, do có
khiếu vẽ từ nhỏ chữ viết của Thầy thì tuyệt đẹp. Buổi trưa giờ lunchbreak, hai
Thầy trò ra ngồi nơi ghế đá dưới bóng mát những tàn cây xanh bên ngoài thư viện,
với bữa ăn trưa đơn giản thường là một ổ bánh mì sandwich và chai nước suối, có
hôm được tráng miệng với trái cây: quả chuối hay vài trái nho hay một trái táo,
mà cô Bảo đã chu đáo gói sẵn trong bao Ziploc bỏ vào backpack cho Thầy mang
theo.
Trong thời gian
này, tôi được chứng kiến là Thầy lo cho bản thân thì ít, mà lo cho các môn sinh
thì nhiều. Nhất là với các bác sĩ ra trường sau 1975, gặp khó khăn về hồ sơ
giấy tờ để được học hành thi cử trở lại. Có lần đã sắp tới ngày thi FLEX của
Thầy, nhưng Thầy không quá quan tâm, vẫn dẫn một phái đoàn lên gặp Medical
Board trên Sacramento, tranh đấu cho đám sinh viên ra trường
sau 1975 được công nhận là tương đương và được quyền thi cử để trở lại y nghiệp. Một lần khác,
Thầy xin nghỉ hẳn một ngày ở USC, và tôi được biết Thầy đã đi bus lên Pomona,
để gặp và khuyên một môn sinh đừng bỏ học, và được biết sau này anh ấy cũng đã
trở lại hành nghề y khoa.
Và rồi Thầy đã rất vui khi biết tôi đã
qua phần thi cử FMGEMS, có được mấy cuộc phỏng vấn / interviews để vào NRMP (National
Resident Matching Program) và cũng chính thầy Bảo
là người đầu tiên chia vui với tin tưởng là học trò của Thầy sẽ qua được chặng
đường thử thách 3 năm trước mặt. Sau đó tôi rời California đi New York với
hy vọng hoàn tất chương trình nội trú & thường trú nơi hệ thống Bệnh viện
Đại học SUNY Downstate at Brooklyn, New York. Trên đoạn đường chiến binh 3 năm
ấy, đã ở cái tuổi 47, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được hoặc một tấm bưu thiếp hay
một trang thư ngắn với nét chữ thân yêu rất đẹp của Thầy cùng với lời khuyến
khích mà cho đến những năm sau này tôi vẫn còn mãi nhớ ơn.
Hình 5: USC Medical Center, 2025 Zonal Ave, Los Angeles, CA 90033, Department of Medicine,
Clinical Hypertension Service, Raulston Bldg. # 100, nơi hai Thầy trò đã trải
qua gần một năm làm Clinical fellow WOC / không lương.
TỔ CHỨC NHÓM HỌC THI CHO ĐÁM MÔN SINH
Đến năm 1991, xong chương trình 3 năm thường
trú về Nội khoa, tôi trở lại California, làm việc cho một Bệnh viện VA ở Long
Beach. Đến thăm Thầy, rất vui khi thấy Thầy khỏe mạnh và vẫn rất minh mẫn ở
tuổi 71. Bao quanh Thầy nay là một đám học trò cũ tới Mỹ ở một thời điểm phải
nói là muộn màng. Và cũng để tạo không khí vui học, Thầy đã tổ
chức các buổi học nhóm cho đám môn sinh này. Các buổi học
nhóm rất linh động, lúc thì ở nhà Thầy, rồi luân
phiên tới nhà các học trò.
Nơi trụ lâu nhất là nhà anh chị Nguyễn
Đức Thụ trên đường Crystal Lane – còn được gọi đùa là Crystal Lane Medical
College, vì đây là lò đào tạo thành công cho một số học trò của Thầy trở lại
nghiệp cũ như Nguyễn Phan Khuê, Trương Văn Như, Huỳnh Quang Lang, Nguyễn Đức
Thụ… Nguyễn Phan Khuê là người mỗi sáng từ nhà West Covina đến Alhambra đón
Thầy xuống Tustin học chung nhóm từ 9
giờ sáng tới 8 giờ tối, rồi từ đó chở Thầy về Alhambra, cứ như vậy trong suốt 6
tháng.
Với uy tín sẵn có, Thầy dễ
dàng mời
các bác sĩ đã thành đạt trong dòng chính/
mainstream, đang
hành nghề và cả giảng dạy, đa
số qua Mỹ sớm từ 1975 và một số cũng là học trò của Thầy. Họ đến từ các chuyên
khoa khác nhau, chia sẻ những kinh nghiệm lâm sàng và thi cử: như GS Vũ
Quý Đài (Khoa trưởng cuối cùng của trường Y khoa Sài Gòn ) tới giảng về
Microbiology & Immunology, Phùng Mạnh Lành về Biochemistry, Bạch Thế Thức
về Surgery, Quỳnh Kiều về Pediatry, Phạm Văn Hạnh và Phùng Gia Thanh về Radiology, Trà Mi về Dermatology…
Hình 6: 1991, Thầy
Hoàng Tiến Bảo và các học trò, trong buổi học nhóm tại nhà anh Nguyễn Văn Hai, từ trái hàng ngồi: Trần Thiện… hàng đứng: Trần
Trung Nhựt, Nguyễn Cầm,Thầy Hoàng Tiến Bảo, Trần Minh
Cảnh, Lâm Kỳ Hiệp, Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Xuân Vinh. / Trong hình này có 3 Bạn chưa nhận diện được. [tư liệu và ghi chú của
Nguyễn Cầm ]
Không chỉ trong học tập, Thầy Bảo gần gũi với đám học trò trong mọi sinh hoạt. Thầy đại diện nhà trai làm chủ hôn cho học trò Nguyễn Phan Khuê YKSG 74, Thầy tham dự nhiều đám cưới của học trò cũ như của Nguyễn Chí Vỹ, Lã Hoàng Trung… Thầy đã vào bệnh viện Huntington Memorial Hospital thăm học trò Nguyễn Văn Chí , khi đang ở tình trạng thập tử nhất sinh, không ai nghĩ rằng Chí có thể sống sót và tin rằng đó là lần cuối cùng Thầy đến thăm trò. Vậy mà giờ đây Nguyễn Văn Chí vẫn còn sống khoẻ mạnh, và Thầy đã ra người thiên cổ ! Chí vẫn còn nhớ và rất cảm động khi nhắc đến Thầy.
Hình 7: Thầy
Hoàng Tiến Bảo đại diện nhà trai làm chủ hôn cho đám cưới (1987) của học trò
Nguyễn Phan Khuê YKSG 74. Khuê vượt biển 1983, ra đi chỉ có một thân một mình.
Thầy rất mát tay, sau đó Khuê đã có một gia đình với vợ và hai con rất hạnh
phúc. [ tư liệu và ghi chú Nguyễn Phan
Khuê ]
Không có khoảng cách tuổi tác, hoà mình cùng đám học trò: học chung, ăn chung rất vui nhộn nhưng đám môn sinh thì vẫn giữ sự kính trọng với cương vị của một người Thầy trong mọi hoàn cảnh với ý nghĩa tốt đẹp nhất. Sau này có dịp nhìn lại, Thầy tâm sự thành thật: “Không có các bạn, đặc biệt là các bạn khoá 74, tôi khó lòng có dịp hành nghề trở lại vào tuổi 71. Trông lại, những ngày cùng nhau phấn đấu là những ngày vui.”
HÀNH NGHỀ TRÊN ĐẤT MỸ
Thầy cũng lấy được license
hành nghề trên đất Mỹ, như một tấm gương sáng, dù phải trải qua một chặng đường thi cử khá gập
ghềnh. Do được thấm nhuần từ tuổi trẻ các đức tính: nghèo khó, phục vụ, nên sự trở lại ngành nghề của Thầy không phải
vì động lực tiền bạc, mà là một nhu cầu trí tuệ, một tái khẳng định tấm Căn cước
/ Identity Chí hướng Y khoa của Thầy.
Bước đầu, Thầy được BS Hà Gia
Cường lúc ấy đang làm ở Fairview Medical Center, Costa Mesa, CA cho biết nơi
đây đang cần một surgeon nhưng chỉ làm minor surgery. Qua giới thiệu của Cường,
Thầy được mời interview đạt 94 /100 điểm, cuối cùng chỉ còn Thầy và một người nữa
được vào chung kết; đến interview thứ hai thì người được chọn là anh bác sĩ Mỹ
chắc chắn là trẻ trung hơn Thầy. Những ai đã chen chân vào hệ thống Y khoa Hoa Kỳ
đều dễ dàng hiểu tại sao, cho dù EEO (Equal Employment Opportunity) khẳng định
rằng không có phân biệt về sắc tộc và tuổi tác.
Bước tiếp theo là lúc đi tìm
nơi mở phòng mạch, nhưng tiền overhead
thì đắt kinh khủng. Cuối cùng Bạch Thế Thức chỉ cho Thầy một nơi ở Alhambra gần
nhà, tiền thuê chỉ có $600 một tháng, lại trông sang phòng mạch của Thuý San, vợ
Thức. Thầy viết: “Thuý San chuyên về Nhi
khoa / Pediatrics, khi có người lớn muốn khám bệnh thì chị gửi qua tôi, thành
ra tôi không có mối lo của người mới mở phòng mạch.”
Khi mà nền Y khoa Mỹ cuối thế
kỷ 20, đã càng ngày càng trở nên quá thực dụng: bác sĩ thì được gọi là người
cung cấp dịch vụ (provider), và bệnh nhân là khách hàng (customer), thì ai cũng
hiểu rằng thứ “văn hoá dịch vụ” ấy hoàn toàn không thích hợp với tâm tư và lý
tưởng y khoa của Thầy. Mặc dầu Thầy đã đi du học Mỹ 6 năm [ 1960 – 1966 ] nhưng
là sinh hoạt trong môi trường đại học (academic). Nay bước ra làm phòng mạch, việc
điều hành không khác một thương vụ, đây quả là một “culture shock” đối với Thầy. Và rồi còn thêm những vụ kiện cáo, cho
dù có lý do chính đáng hay không, khiến người y sĩ phải hành nghề trong tư thế
tự vệ (defensive medicine), dẫn tới
yêu cầu phải làm những thử nghiệm (tests), các thủ thuật (procedures) rất tốn
kém đôi khi không thật cần thiết, với mục đích chỉ để giảm thiểu các đe doạ kiện
tụng sau này.
Tôi còn nhớ hồi hai Thầy trò
đi làm volunteer ở USC, trong một buổi Morning report, khi một fellow gốc Trung
Đông trình bày hồ sơ một bệnh nhân quá sơ sài, GS DeQuattro đã nhắc nhở đám
fellow volunteer chúng tôi rằng: “Khi đặt
bút viết trên một hồ sơ bệnh nhân, nên nhớ rằng, có thể một ngày nào đó anh chị
phải đọc hồ sơ đó trước toà, sẽ không có ai bảo vệ các anh chị lúc đó ngoài những
dòng chữ viết trên giấy.” Vào thập
niên 80s, lúc đó hồ sơ bệnh nhân còn phải viết tay, chưa tới giai đoạn làm bệnh
án điện tử (electronic medical record) như hiện nay.
Trong bài viết Những Ngày
Vui, Thầy Bảo đã giãi bày tâm sự: “Làm
phòng mạch ở Mỹ không giản dị như khi
tôi mở ở Hà Nội và Sài Gòn. Ở Mỹ nếu khám bệnh 5 phút, thì giấy tờ phải từ 15,
20 phút. Hồ sơ bệnh nhân phải làm sao khi có kiện cáo, mình không bị sơ hở. Rồi
giấy tờ làm sao họ không bị deny trả tiền.” Rồi Thầy viết tiếp: “Tôi nhận thấy mình đã tới tuổi, sức chịu
stress giảm đi nhiều nên làm phòng mạch được khoảng một năm rồi tôi thôi.” (2)
Hình 8: 1990, GS Hoàng Tiến Bảo tới thăm GS
Phạm Biểu Tâm, Tustin. Từ trái, GS Phạm Biểu Tâm, GS Hoàng Tiến Bảo tại nhà
Thầy Phạm Biểu Tâm, Tustin Orange County. [ Trích album gia đình GS Phạm Biểu Tâm ]
Hình 9: 1992, Tới thăm Giáo Sư Phạm Biểu Tâm, thành phố Tustin, Orange County, ngồi: Thầy Cô Phạm Biểu Tâm, đứng từ trái: Văn Kỳ Chương, Trần Trung Nhựt, Đặng Văn Việt, Cô Hoàng Tiến Bảo, [ ? ], Thầy Hoàng Tiến Bảo, Nguyễn Minh Quốc YK 74, BS Trần Quý Nhu, Lâm Kỳ Hiệp, [ ? ] , Nguyễn Cầm. [Trích album gia đình GS Phạm Biểu Tâm, ghi chú hình Nguyễn Cầm]
KHI THẦY THUỐC LÀ CON BỆNH
Đến tuổi 75, Thầy có vấn đề về sức khoẻ, sức chịu đựng về thể lực giảm, thấy mệt khi
gắng sức, nghĩ rằng do tuổi tác. Đôi lần ra vào bệnh viện, làm đủ các tests: X-rays,
Echocardiogram, Holter monitoring đều không thấy gì. Cuối cùng, qua giới thiệu
của Trần Thế Kiệt YKSG 74, Thầy đến gặp bác sĩ Zhao tại French Hospital, gần khu
Chinatown, Los Angeles. Là một bác sĩ tim mạch / non invasive cardiologist, lai
3 dòng máu Việt Lào Hoa, biết nói tiếng Việt, bác sĩ Zhao đề nghị Thầy làm Coronary
angiogram / Soi tim chụp mạch vành. Nhưng Thầy không muốn.
Trong một bức thư gửi đám môn
sinh, Thầy viết: “Từ tháng Giêng tới tháng Sáu 1995, tôi vẫn lừng khừng vì
không bao giờ có chest pain, nhưng
sau đó Thầy có vấn đề trong sinh hoạt
hàng ngày, rất mệt khi lên xuống cầu thang trong nhà, phải dừng lại khi đi vội
ra trạm xe bus.”
Đến lúc đó Thầy mới chịu vào Garfield Medical Center, Monterey Park để
làm angiogram. Kết quả: có 4 động mạch tim bị nghẽn từ 70 % tới 90 %, và bác sĩ
Zhao khuyên Thầy nên làm bypass. Vẫn với tâm trạng phủ nhận (denial) và cả hoài
nghi, Thầy viết: “90%, 80% … các ông lấy
tiêu chuẩn nào mà evaluate rõ ràng như vậy? Vả lại ở nước Mỹ này không thiếu gì
bác sĩ đè con người ta ra mổ vì incentive là tiền, không có incentive đó, nhiều
ông không mổ. Cho nên tôi vẫn lừng khừng.” Điều này Thầy nghĩ không đúng, thực
ra, bác sĩ Zhao, chỉ làm công việc chẩn đoán chứ không phải là người mổ cho Thầy.
Cho dù Thầy biết rất rõ angiogram là “tiêu chuẩn vàng – gold standard” để chẩn
đoán nghẽn mạch tim. Nhưng bản thân Thầy, khi là con bệnh thì vẫn cứ hoài nghi.
Người viết
còn nhớ, trong một cuốn sách nhan đề “Khi những thầy thuốc là con bệnh – When doctors are
patients” ghi lại một cách trung thực
những kinh nghiệm bản thân phải nếm trải khi chính các bác sĩ là con bệnh,
chính họ phải đối phó với một số căn bệnh trầm kha. Max Pinner và Benjamin F.
Miller cũng là bác sĩ đã cùng đi tới kết luận rằng: “Người-bệnh-thầy-thuốc không chỉ phải đương đầu với căn bệnh, mà là phải
đối phó với một suy sụp toàn thể.” (4)
Và tôi hiểu
rằng, dẫu là bác sĩ, nhưng trước một thử
thách có thể là “giữa sống và chết”, chính người-bệnh-thầy-thuốc cũng phải trải qua những biến đổi sâu xa về mọi phương diện,
cả những thay đổi về sự phán đoán do những xúc động về tình cảm và tâm lý. Và tôi đã nhận thấy được sự thay đổi ấy ngay nơi các Thầy của mình như trước đây là Thầy Phạm Biểu Tâm, và nay là Thầy
Hoàng Tiến Bảo.
Bạch Thế Thức
thu xếp cho Thầy được gặp bác sĩ Minh Lu Huang, là một trong 8 bác sĩ giải phẫu
cardiothoracic giỏi nhất trong vùng. Trong 10 năm ông Huang đã mổ hơn 2.000 cas
bypass từ khi tốt nghiệp. Theo Thức, do có nhiều dịp phụ mổ, thấy bác sĩ Huang
đã giải quyết những cas bypass khó khăn một cách bình tĩnh và khéo léo. Bác sĩ
Huang quyết định sẽ đưa Thầy vào Huntington Memorial Hospital – là một bệnh viện
lớn trang bị hiện đại nhất trong vùng để mổ. Thầy không phải nhập viện sớm, do
mọi chuyện Pre-op Thức đều lo cho Thầy. Thầy còn một mối lo khác, khi mổ cần
truyền máu nếu lấy từ blood bank, thì cái risk AIDS và Hepatitis tuy ít nhưng vẫn
có. Rất may, Bạch Thế Thức thuộc nhóm máu O – universal donor, Thức đã tình
nguyện hiến máu trước cho Thầy khi cần.
Phạm Văn Hạnh
YKSG 74, sau này trở thành giáo sư UCI về Neuro-radiology trong một chia sẻ
riêng với người viết: “Thức và Thuý San
trong bấy lâu đã chăm sóc Thầy Cô như những đứa con lo cho cha mẹ.”
Thầy Bảo rất
thành thật tâm sự: “Khi mổ cho người khác
thì hăng hái mà đến lượt mình lên bàn mổ thì lại rất rụt rè.” Và cuối cùng
không phải ai khác hơn, chính Bạch Thế
Thức, Trần Thế Kiệt và sau này là Nguyễn Xuân Ngãi, cả ba đều là học trò của Thầy,
đã giúp Thầy quyết định, chấp nhận làm bypass với tâm trạng không còn do dự gì
nữa, nhưng vẫn với chút lo âu, Thầy viết: “Lành
nhiều, dữ ít, theo thống kê, song mortality / tử vong vẫn có.”
Đó là những
dòng chữ trên trang đầu của 8 trang thư viết tay của Thầy từ lúc 6 giờ rưỡi
sáng ngày 22/09/1995 chỉ vài giờ trước khi lên bàn mổ. Tám trang thư ấy, nửa
như một tâm thư, nửa như một di chúc gửi các Anh Chị Em đồng nghiệp Y Khoa Đại
Học Sài Gòn, đặc biệt với khoá 1967 – 1974 ở quê hương và năm châu. Thầy viết
tiếp:
“Tôi sẽ
thấy sáng mai rạng rỡ như sáng nay hay không bao giờ thấy nữa, hoàn toàn tuỳ
thuộc vào Đấng cai quản đời tôi. Đấng ấy đã ban cho tôi một cuộc đời hào hứng,
một nghề nghiệp mà tôi yêu suốt đời và giờ đây với lòng hãnh diện tôi có không
biết bao nhiêu bạn đồng nghiệp mà tôi được tiếp xúc ở Y khoa Đại học Sài Gòn,
và nay tại khắp năm châu bốn bể mà tôi không có phương tiện gửi lời chúc Good
Morning đến tất cả nên viết lá thư này.”
Ngoài phần xúc cảm riêng tư của Thầy – như một người bệnh
trước khi bước lên dốc tử sinh, nhưng cuối cùng vẫn là mối ưu tư về thời cuộc về
đất nước, cùng với một lời nhắn tới các bạn đồng nghiệp trẻ là “Quê
hương Việt Nam đang chờ”.
Rồi Thầy cũng
trở lại với chút riêng tư, với mấy dòng tái bút cuối thư: “Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi, Mục sư Phạm Hồng Lạc, con người của
Thiên Chúa, Chị Liên Ôn, giữa đường gặp Chúa, xin nhớ đến tôi nhiều trong khi
hàng ngày cầu nguyện.”
Khoảng 9 giờ
sáng ngày 22/09/1995, đích thân Bạch Thế Thức lái xe đến đón Thầy vào
Huntington Memorial Hospital để mổ 4 động mạch tim bị nghẽn, một Quadruple bypass theo lịch mổ là 1 giờ
trưa. Thức là phụ mổ chính cho BS Huang. Và sau này Thức cho biết khi mổ mới phát
hiện ra là có thêm một động mạch thứ 5 bị nghẽn, như vậy đây là Quintuple bypass. Cuộc mổ kéo dài 4 tiếng
đồng hồ, không cần truyền máu ngoài 10 units tiểu cầu (platelets) và thành công
tốt đẹp. Ngày thứ tư Thầy được xuất viện về nhà. Thầy hồi phục rất nhanh, không
có một biến chứng hậu phẫu nào.
Hình 10 A: Một tuần sau mổ, ngày 28/09/1995, Phạm Xuân Cầu YKSG 74 từ Irvine chở Võ Văn Thành YKSG 74 mới từ Sài Gòn qua, đến thăm Thầy Cô ở Alhambra, bên trái Thầy là Võ Văn Thành và Phạm Xuân Cầu. Thầy Cô đã đãi 2 trò bữa ăn rất thịnh soạn tại một tiệm ăn Tàu ở Monterey Park và không cho phép 2 học trò được trả tiền. [ tư liệu và ghi chú của Phạm Xuân Cầu ]
Hình 10 B: Một tháng sau mổ, hình chụp tại nhà Thầy, từ trái: vợ chồng Bạch Thế Thức - Thuý San, Thầy Cô Hoàng Tiến Bảo, vợ chồng Nguyễn Đức Thụ - Cẩm Anh. Như một truyền thống hàng năm, vào những ngày Tết, đông đảo học trò tụ hội về nhà Thầy, để cùng chúc Tết Thầy Cô. Truyền thống ấy vẫn được giữ cả những năm sau ngày Thầy mất, chỉ có năm 2020 – 2021 là không có vì trận đại dịch Covid Vũ Hán. [ tư liệu Bạch Thế Thức ]
Thầy Hoàng Tiến
Bảo đã sống thêm được 13 năm, trở lại với một cuộc đời hào hứng. Nền y khoa tiến
bộ “Không
những chỉ kéo dài tuổi thọ mà còn tăng thêm phẩm chất của cuộc sống / Adding years to life – and life to years.”
Đó cũng là Motto của nền Y Khoa Phục Hồi, được coi như Bước Thứ Ba của Y
Khoa.
Ngay sau khi cuộc
mổ tim bình phục, Thầy sinh hoạt năng động
trở lại, rất gắn
bó với đám học trò cũ, và gần gũi
nhất vẫn là khoá YKSG 74.
Thầy Hoàng Tiến Bảo mất ngày 21/01/2008 tại Alhambra, California. Lễ an táng của Thầy đã được tổ chức tại Resurrection Catholic Cemetery, Rosemead ngày 26 tháng 01 năm 2008 với tham dự đông đủ của các môn sinh tại nam California và cả nhiều người từ xa về. Chúng tôi và rất
nhiều học trò khác không bao giờ quên ơn và nhớ mãi tấm gương sáng với tấm lòng
quảng đại đầy nhân hậu của Thầy. Rất nhiều điếu văn ca ngợi công đức của Thầy, sau đây là trích dẫn đôi dòng từ bài điếu văn của môn
sinh Đặng Văn Chất, YKSG 72 đọc trước mộ chí của Thầy:
“Thầy đã có một cuộc đời đầy ý nghĩa, một cuộc đời mà chúng ta mong muốn được sống, cuộc đời của một Đại Lương Y luôn luôn tận tụy với
bệnh nhân, cuộc đời
của một Đại Giáo Sư luôn luôn tận tụy với học trò, và cuộc đời của một người chồng, một người cha gương mẫu. Hơn thế nữa,
chúng ta mừng vì Thầy Bảo đã làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ Quốc Việt Nam thương yêu của chúng ta. Tổ Quốc Việt Nam của tất cả người Việt ở nước nhà cũng như ở xứ ngoài…”
Hình 11: từ trái, chân dung Thầy
Hoàng Tiến Bảo 2007, khoảng một năm trước ngày Thầy mất. [ photo by Bùi Đắc Lộc
]. Phải: bia mộ Thầy Hoàng Tiến Bảo (1920 – 2008) tại nghĩa trang Resurrection Catholic Cemetery, 966 Potrero
Grande Dr, Rosemead, California 91770. [ photo by Phạm Xuân Cầu ]
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ VỚI GS
HOÀNG TIẾN BẢO
Một nhược điểm
khá phổ quát khi viết về một danh nhân là người viết thường đưa vào phần liên hệ
tới mình. Biết rất rõ như vậy, nhưng không tránh được vì nghĩ rằng điều ấy cũng
góp phần giúp bạn đọc nhìn rõ hơn “chân dung” của nhân vật. Và danh nhân ấy là
GS Hoàng Tiến Bảo.
Khoảng cuối 1989, tôi đang vất vả với những ngày tháng “cải tạo tự nguyện” – nói
theo ngôn từ của Vũ Văn Dzi, cũng là bạn đồng môn YKSG 68. New York lúc ấy, thời
tiết rất khắc nghiệt. Hè thì rất nóng ẩm. Đông thì cực lạnh với tuyết giá. Giữa
lúc đó tôi nhận được một phong thư lớn của Thầy gửi từ vùng nắng ấm California.
Đó là 4 trang giấy in Bài diễn văn của GS
Hoàng Tiến Bảo trong buổi lễ khai mạc Hội nghị Quốc tế Y sĩ Việt Nam Thế giới Tự
Do kỳ II [ từ ngày 5 đến ngày 06/08/1989 ] tại
Anaheim Convention Center, California.(6) Nơi trang đầu là mấy
dòng thủ bút với nét chữ thân yêu của Thầy: “Thân
tặng bác sĩ Ngô Thế Vinh, một trong những đồng nghiệp tiêu biểu nhất cho bác sĩ
Việt Nam thế giới tự do.”
Như từ bao giờ,
Thầy vẫn rộng lượng, không kiệm lời khen với đám môn sinh. Với tất cả sự khiêm
cung, tôi hiểu rằng đây như một khích lệ và cũng là lời nhắn nhủ của Thầy là
hãy sống sao cho xứng đáng, để rồi ra, ngoài sự nghiệp bản thân còn phải nghĩ tới
một tương lai chung vai cùng hơn 3 triệu người Việt trên khắp 5 châu, mà Thầy
coi như một vận hội lớn, một tiềm năng vô giá để xây dựng lại một quê hương Việt
Nam Văn Hiến.
Sau đây chỉ
là bản tiếng Việt cô đọng nói lên “tầm nhìn / vision” của Thầy, một di dân
lúc ấy ở tuổi 69 nhưng vẫn đau đáu hướng về Quê Hương Đất Nước còn lầm than dưới
chế độ cộng sản.
Hình 12: Bài diễn
văn của GS Hoàng Tiến Bảo trong
buổi lễ khai mạc Đại Hội Kỳ II Hội Y Sĩ Việt Nam Tự Do
ngày 5 đến ngày 06/08/1989 tại
Anaheim Convention Center, California. [tư liệu Ngô Thế Vinh ]
SỰ THÁCH ĐỐ CỦA
GIỚI Y SĨ VIỆT NAM TỰ DO
Tôi hân hạnh được Ban tổ chức Đại Hội Kỳ II Hội Y Sĩ Việt Nam Tự Do chỉ định nói trước quý Bạn trong dịp khai mạc Hội nghị
này. Tôi không đủ từ ngữ để diễn tả mối xúc động khi thấy được trong hội trường
này nhiều đồng nghiệp và bằng hữu, trong số đó có rất nhiều người tôi chưa được
gặp lại trong khoảng 5, 10, 15 năm và có thể lâu hơn thế nữa.
Cho dù trong không khí lễ hội của hôm
nay, tất cả Y sĩ Việt Nam chúng ta ít nhất đã một lần trong đời là dân tỵ nạn,
với cả nỗi buồn vô hạn khi nghĩ tới bạn bè và đồng nghiệp của chúng ta đã bất hạnh
ra đi vĩnh viễn, họ đã hy sinh mạng sống trong khi phục vụ ngành Quân Y Quân lực
Việt Nam Cộng Hoà, hay họ đã chết mỏi mòn trong các “trại tù cải tạo” trên khắp
Việt Nam sau 1975 chỉ vì họ đã từng chiến đấu cho tự do của xứ sở.
Mỗi bác sĩ Việt Nam trong Thế giới Tự do,
đều có một câu chuyện để kể là: khi nào, bằng cách nào và tại sao chúng ta phải
rời bỏ quê hương thân yêu. Và động lực cơ bản của mỗi người trong chúng ta là
đi tìm tự do thoát khỏi sự áp bức. Cho mục đích tối hậu đó, một số trong chúng
ta đã phải trả giá rất đắt bằng mạng sống của chính họ.
Đối với tất cả chúng ta, tái lập cuộc sống
mới trên một đất nước cưu mang chúng ta không phải là điều đơn giản. Hơn thế nữa,
đó là một tiến trình dài và đau đớn.
Trong khi một số đã vượt qua được nhiều
thử thách, phấn đấu thành công để trở lại y nghiệp, một số khác thì vẫn đang
còn xa tiến tới mục tiêu đó.
Trên những chặng đường ấy, đã có một số ân
nhân hỗ trợ chúng ta bằng những giúp đỡ vô giá, một số vị ấy đang có mặt ở đây
hôm nay, và cả với nhiều vị khác không có mặt, chúng tôi bày tỏ sự biết ơn.
Các đồng nghiệp thân mến, tôi hãnh diện
được cùng quý vị có mặt ở đây hôm nay, như những bác sĩ Việt Nam trên Thế giới
Tự Do:
-
Có những vị, đang cố gắng vượt qua những khó khăn vô lường
để có thể khoác trở lại trên mình chiếc áo blouse trắng
-
Có những vị, đang là y sĩ hết lòng phục vụ những người bệnh
trên khắp thế giới.
-
Có những vị, đang phục vụ với cương vị điều hành các
trung tâm y khoa hay Y tế Công cộng trên thế giới
-
Có những vị, đang phụ trách giảng dạy trong các trường Y
khoa danh tiếng ở Âu châu, Úc châu và Bắc Mỹ
-
Có những vị, trong nước Mỹ đã không từ nan phục vụ những
bệnh nhân trong các nhà tù cho dù với mức thù lao thật khiêm tốn
Ngay nơi địa phương này, các đồng nghiệp
Việt Nam đã hành nghề nơi các quận hạt như Los Angeles, Orange County cung cấp
những chăm sóc y khoa có phẩm chất tới các cộng đồng tỵ nạn người Việt trong
vùng. Nhiều bệnh nhân người Việt gặp phải trở ngại hàng rào ngôn ngữ, cùng với những chấn động tâm lý do đột ngột phải
thay đổi môi trường sống, họ mong muốn được tới với các bác sĩ Việt Nam.
Như quý vị đã biết, Việt Nam là một nước
nhỏ sát với biên giới Trung Quốc, là một quốc gia khổng lồ của Á châu với dân số
đông nhất thế giới.
Tổ tiên chúng ta đã từng bị Tàu đô hộ
trong suốt mười thế kỷ. Trong khi Trung Quốc đã đồng hoá được Mãn châu, Tây Tạng,
một nửa nước Mông Cổ nhưng họ chưa bao giờ thành công sáp nhập được Việt Nam.
Do tổ tiên chúng ta đã có viễn kiến: bành
trướng để sống còn.
Ngày nay, chúng ta những người Việt ở hải
ngoại đang tiếp tục theo truyền thống ấy với một cách khác. Định mệnh của chúng
ta là lưu vong để sống còn – Exile for Survival.
Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ tự do
trên vùng đất mới bên ngoài ranh giới quê nhà.
Tôn Dật Tiên, năm 1911 lật đổ được triều
Mãn Thanh, ông gốc là người Hoa ở hải ngoại.
Trong cuộc chiến tranh 6-ngày giữa Do
Thái và Ai Cập, Do Thái mặc dầu thắng lợi nhưng họ đã bị tổn thất tới 3 / 4
không lực của họ do bị các hoả tiễn SAM 2 của Liên Xô bắn hạ. Chỉ một thời gian
ngắn sau đó, số máy bay ấy được thay thế bởi chính những người Do Thái sống lưu
vong ở Âu châu và Bắc Mỹ.
Những người Ba Lan lưu vong cũng đã đóng
một vai trò quan trọng trong cuộc tranh đấu của Công đoàn Đoàn Kết đưa tới những
thành tựu hôm nay.
Người Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là giới
y sĩ, Chúng ta sẽ làm những điều giống như Lech Walesa (Chủ tịch Công đoàn Đoàn
Kết Ba Lan), Walesa đã nói với đồng bào của ông tại cảng Gdansk cách đây 8 năm
rằng: “Cuộc tranh đấu sẽ lâu dài và khó
khăn, nhưng chúng ta sẽ chiến thắng, sẽ biến quê hương chúng ta thành một xứ sở
của mơ ước.”
…
Với chúng ta,
đó là Giấc Mơ Tự Do cho tất cả Người Việt Nam Nơi Quê Nhà.
Hoàng Tiến Bảo
Ngày 5
tháng 8 năm 1989
Anaheim,
California
Đến ngày đó, khi Giấc Mơ Tự Do của Thầy
thành hiện thực, mộ phần của Thầy sẽ được đám môn sinh đưa về an táng ở một nơi
thực sự là Quê Nhà.
NGÔ THẾ VINH
USC 1987 – Long Beach 21/01/2021
[ Tưởng niệm 13 năm ngày
Giỗ Thầy ]
THAM KHẢO:
1/ Nhật Ký Đời Tôi, Hoàng Tiến
Bảo
[ tư liệu Phạm Xuân Cầu ]
2/ Một Đêm Vui, Những Ngày
Vui, Hoàng Tiến Bảo. Hai mươi năm Hội ngộ (1974 –1994).
Tuyển tập Y khoa 67-74 [ tư liệu
Bạch Thế Thức ]
3/ Tìm Lại Thời Gian Đã Mất,
Tưởng Nhớ Một Vị Danh Sư, GS Y Khoa Phạm Biểu Tâm.
Ngô Thế Vinh, Chân Dung VHNT
& VH, Việt Ecology Press 2017
4/ When Doctors Are Patients. Pinner M., Miller
B.F.
W.W, Norton and Co. New York
1951
5/ Ngày Dài Nhất trong đời bác
sĩ. Hoàng Hôn – Hoàng Tiến Bảo.
Diễn Đàn Sinh Viên Quân Y Hiện
Dịch https://www.svqy.org/2020/5-2020/ngay/ngay.html
6/ Đại Hội Kỳ II Hội Y Sĩ Việt Nam Tự
Do. Tập San Y Sĩ số 102 – Tháng 5-1989
[ tư liệu Thân Trọng An ]