Tự
Lực Văn Đoàn có những ai?
Cách
đây hơn hai mươi năm, nhà văn Đặng Trần Huân (1929-2003), một người rất quan
tâm đến Tự Lực văn đoàn, viết:
"Chỉ
mới thành lập năm 1933 mà tổ chức Tự Lực Văn Đoàn tưởng như đã xa xưa lắm vì
cho tới nay có lẽ vẫn chưa có ai trả lời được là văn đoàn này gồm có những ai?
Về sau có thêm bớt ai không? Những người liên quan tới TLVĐ có một số còn sống
nhưng mỗi người nói một cách, có khi mâu thuẫn nhau, chẳng biết đâu mà tin. Một
văn đoàn có tác phẩm để đời khá nhiều, ảnh hưởng sâu đậm tới văn hoá Việt Nam,
thế mà lai lịch của nó tới nay vẫn mù mờ như huyền thoại Phù Đổng Thiên Vương,
Chử Đồng Tử hay Mỵ Châu Trọng Thủy vậy. Độc giả giở sách báo cũ hay hồi ký ra
để tìm hiểu thì càng mung lung hơn và bắt đầu đi vào mê lộ"[1].
Đặng
Trần Huân viết rất đúng và tình trạng mù mờ này dường như vẫn còn kéo
dài đến ngày nay, có lẽ bởi vì người Việt ít khi chịu nghiên cứu đến nơi đến
chốn một vấn đề gì. Khi soạn sách lại hay dùng giai thoại đã đọc được
trên sách này sách kia, rồi viết lại như sự thực, đó là lối nhà văn Nhật Thịnh [2]
thường làm trong cuốn Chân dung Nhất Linh, kể cả nhà nghiên cứu Phạm Thế
Ngũ trong bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên cũng không tránh
khỏi. Còn Đặng Trần Huân, tuy ông than phiền như vậy, nhưng sau khi tài liệu Mấy
lời nói đầu của Nhất Linh được công bố năm 2002, ông có viết thêm một bài
khác, tựa đề Viết thêm về Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn [3],
ngỏ ý thỏa mãn với những điều Nhất Linh viết trong di cảo này, và xác
nhận (như hầu hết mọi người) rằng Tự Lực văn đoàn gồm bảy người: Nhất Linh,
Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thạch Lam, Thế Lữ và Xuân Diệu, mà không cần tìm
hiểu kỹ càng hơn.
Như
chúng tôi đã trình bày trong các chương trước, tất cả mọi vấn đề đều không đơn
giản như vậy. Muốn trả lời câu hỏi: Tự Lực văn đoàn đích thực có những ai?,
chúng ta cần phải khảo sát lại, bởi vì một tài liệu, dù chính Nhất Linh viết
ra, cũng cần được đọc và phân tích cặn kẽ.
Bài
Mấy lời nói đầu của Nhất Linh
Tài
liệu đáng chú ý nhất, liên quan tới việc Tự Lực văn đoàn có những ai, được
Nguyễn Tường Thiết, con trai út Nhất Linh công bố khoảng năm 2000, là bài Mấy
lời nói đầu cho cuốn Đời làm báo, bản chụp dưới đây:
Nếu
đọc kỹ Mấy lời nói đầu, viết cho cuốn sách Đời làm báo, ta sẽ
thấy văn bản này không trả lời câu hỏi: Tự Lực văn đoàn có
những ai? Ở đây, Nhất Linh chỉ kê khai tên những người đã cộng tác với
hai báo Phong Hóa và Ngày Nay, và trong số đó, người nào được ông xác nhận
là thành viên Tự Lực văn đoàn thì bên cạnh tên, ông chua thêm mấy chữ: có
chân trong Tự Lực Văn Đoàn, để ở trong ngoặc.
Mấy
lời nói đầu là bài tựa cuốn Đời làm báo Nhất
Linh dự định viết, hay đã viết nhưng bị thất lạc. Năm 2002, bài này được
in trong phần phụ lục cuốn Việt Nam một thế kỷ qua (Hồi ký cuốn một)[4]
của Nguyễn Tường Bách và năm 2006, in trong phần phụ lục cuốn Nhất Linh cha
tôi [5]
của Nguyễn Tường Thiết. Văn bản này được lưu trữ trên trang mạng sưu tập Phong
Hóa và Ngày Nay của Thư viện Người Việt và Thư viện Diendan.org,
trong bài Bút Hiệu của Tự Lực Văn Đoàn.
Nhà
văn Nguyễn Tường Thiết cho tôi biết: ông đã tìm thấy Mấy lời nói đầu
trong một xấp giấy rời, thuộc phần di cảo của cha, nhưng ông không thấy trang
nào khác về cuốn Đời làm báo. Như vậy có hai trường hợp: Hoặc Nhất Linh
mới viết tựa, chưa viết sách. Hoặc Nhất Linh đã viết sách mà bị thất lạc. Sự
thất lạc này đã từng xảy ra với bản thảo Xóm Cầu Mới, và phải mười năm
sau, Nguyễn Tường Thiết mới tìm lại được [6].
Mấy
lời nói đầu chỉ là một bản nháp, chưa hoàn chỉnh;
Nhất Linh viết theo trí nhớ, nhiều chỗ gạch xoá, có chỗ (tháng, năm) bỏ trống
hoặc viết dở, chắc ông đợi khi nào có tài liệu đầy đủ trước mắt, sẽ điền vào
sau. Và chắc Nhất Linh cũng không thể ngờ có ngày chúng ta sẽ đem ra phân tích,
bởi đối với ông "nó" chỉ là bản nháp, chưa thể trình làng được. Ta
cần hiểu rõ bối cảnh như thế, trước khi dùng.
Tuy
không giúp ta biết rõ danh sách những người ở trong Tự Lực văn đoàn, nhưng Mấy
lời nói đầu vẫn rất quan trọng, bởi vì nó giúp ta khám phá ra một số thông
tin đến nay vẫn chưa được soi rạng. Chúng tôi đánh máy lại những dòng Nhất Linh
viết tay, chỉ bỏ những chữ ông đã xoá. Và đây là nguyên văn:
Mấy
lời nói đầu
Đây
là cuốn Ký ức về đời làm báo của tôi về hai tờ báo khôi hài, châm biếm, văn
chương: Tờ Phong Hóa (193… -193…) và tờ Ngày Nay (193 -194 ) và về những người
trong tòa soạn hai tờ báo đó:
Nguyễn
Tường Tam tức Nhất Linh, Đông Sơn, Tam Linh, Lãng Du, Bảo Sơn, Tân Việt. Giám đốc
và chủ bút báo PH từ số 14 cho đến khi báo bị đóng cửa và Ngày Nay từ số… cho đến…
(có chân trong Tự Lực văn đoàn)
Trần
Khánh Giư tức Khái Hưng, Nhị Linh, Hàn đãi… đậu. Giám đốc Ngày Nay từ số 80
(10-10-1937) (có chân trong Tự Lực văn đoàn)
Nguyễn
Tường Long tức Tứ Ly, Hoàng Đạo, Tường Vân, chủ bút báo Ngày Nay từ số… (có
chân trong Tự Lực văn đoàn)
Nguyễn
Đình Lễ tức Thế Lữ, Lê Ta (có chân trong Tự Lực văn đoàn)
Nguyễn
Tường Lân tức Thạch Lam, Việt Sinh, Thiện Sĩ, chủ bút báo Ngày Nay từ số 99
(27-2- 38) (có chân trong Tự Lực văn đoàn)
Hồ
Trọng Hiếu tức Tú Mỡ (có chân trong Tự Lực văn đoàn)
Nguyễn
Tường Cẩm, Giám đốc tờ Ngày Nay từ số 1 đến số …
Nguyễn
Tường Bách; Giám đốc tờ Ngày Nay trong khi Khái Hưng và Hoàng Đạo ở trại giam
và Nhất Linh ở hải ngoại từ số…
(Trong
số 8 người này, có hai người đã qua đời và 5 người biệt tăm tích, vậy còn lại
có một, tức mình Nhất Linh).
Tuy
là cuốn sách về báo và người viết báo, nhưng những người viết báo đó lại là
những người viết văn (tiểu thuyết, thơ…) nên trong cuốn Ký ức này, không thể
không nói đến phần viết văn của những người viết báo.
Tác
giả.
Dưới
đây là tên những người không ở trong tòa soạn nhưng thường có bài đăng ở hai tờ
báo:
Lê
Thạch Kỳ tức Chàng Thứ 13 (viết bài khôi hài về khoa học)
Đỗ
Đức Thu (tiểu thuyết)
Xuân
Diệu (có chân trong Tự Lực văn đoàn) (thơ mới)
Huy
Cận (thơ mới)
Trọng
Lang (phóng sự)
Bùi
Hiển (truyện ngắn)
Tô
Hoài (truyện ngắn)
Đinh
Hùng (tranh khôi hài)
Nguyễn
Công Hoan (truyện ngắn)
Vi
Huyền Đắc (kịch)
Phạm
Thị Cả Mốc (tên thật là Phạm Cao Củng) thơ khôi hài
Mụ
báo Sài Gòn (tên thật: không có)
Bút
Sơn ở Sài Gòn (người đã đẻ ra Xã Xệ) (tên thật chưa biết). Xin ông Bút Sơn (nếu
ông còn sống) hoặc các bạn ông cho biết tên thật.
Nguyễn
Khắc Hiếu (dịch Đường Thi)
Nhất
Sách (tranh khôi hài)
Các
hoạ sĩ đã từng vẽ giúp:
Nguyễn
Gia Trí
Tô
Ngọc Vân
Trần
Bình Lộc
Nguyễn
Cát Tường
Trần
Văn Cẩn
Lưu
Văn Sìn
Nhận
xét đầu tiên: Nhất Linh quên tên khá nhiều người đã cộng tác với Phong Hóa Ngày
Nay như: Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Liên, Phạm Huy Thông, Huyền Kiêu, Nguyễn Bính,
Thanh Tịnh, Tế Hanh, Phạm Văn Hạnh, Phạm Cao Củng, Nguyễn Xuân Khoát… cả Lưu
Trọng Lư cũng viết mấy bài. Nguyễn Xuân Khoát, ngoài nhạc bản, còn có loạt bài
nghiên cứu: Kho tàng âm nhạc Việt Nam. Nhưng Nhất Linh lại nhớ có Tô
Hoài, mà Tô Hoài không có bài nào trên Phong Hóa Ngày Nay cả (vì ông này mãi
tới năm 1940 mới bắt đầu viết cho Hà Nội Tân Văn, lúc đó Ngày Nay đã đóng cửa).
Nhất Linh cũng nhắc tên Đinh Hùng vẽ tranh khôi hài nhưng tôi tìm không thấy
tranh nào ký tên Đinh Hùng. Bùi Hiển có truyện ngắn Nằm vạ in trên Ngày
Nay số cuối cùng 224 (7-9-40) với lời giới thiệu của Thạch Lam, đây là một
trong những truyện ngắn hay nhất của ông. Nguyễn Công Hoan, chỉ có một truyện
ngắn duy nhất Chiều khách, in trên Phong Hóa số 25 (9-12-32). Rồi thôi.
Năm 1936, ông cho in tiểu thuyết Cô giáo Minh (Tân Dân, Hà Nội) cốt
truyện giống Đoạn tuyệt, nhưng kết luận mẹ chồng nàng dâu hòa hợp với
nhau. Phong Hóa "bình phẩm" là giống, Nguyễn Công Hoan tức giận chê Đoạn
tuyệt. Lời qua tiếng lại trên mấy số báo (Phong Hóa số 177, 180, 188). Có
lẽ Khái Hưng nói đúng hơn cả: chẳng cần tranh luận, khi hai cuốn sách giống
nhau, cuốn nào sống lâu hơn, là có giá trị hơn. Bây giờ Đoạn tuyệt đã
trở thành tác phẩm cổ điển, ít ai nhớ đến Cô giáo Minh.
Trở
lại bài Mấy lời nói đầu của Nhất Linh trên đây, chúng tôi thấy có
mấy điểm quan trọng:
1-
Nhất Linh không xác định các thành viên của Tự Lực văn đoàn là ai, ông
chỉ ghi trong ngoặc như chú thích "có chân trong Tự Lực văn đoàn".
2-
Qua câu: "đời làm báo của tôi về hai tờ báo khôi hài, châm biếm, văn
chương: Tờ Phong Hóa (193… -193…) và tờ Ngày Nay (193 -194 )" Nhất
Linh đã nhớ đúng tính chất của hai tờ Phong Hóa Ngày Nay: khôi hài, châm
biếm, văn chương.
Điểm
này cốt yếu cho việc nghiên cứu Tự Lực văn đoàn, vì từ trước đến nay, người ta
chỉ chú trọng đến khía cạnh văn chương và bỏ rơi khiá cạnh khôi hài
châm biếm.
3-
Nhờ câu: "Trong số 8 người [làm trong tòa soạn] này, có hai
người đã qua đời và 5 người biệt tăm tích, vậy còn lại có một, tức là mình Nhất
Linh", ta có thể đoán chắc rằng, Nhất Linh đã viết Mấy lời nói
đầu khi ông ở Hương Cảng, sau khi Hoàng Đạo mất. Vì lúc đó ông chưa
biết rõ số phận những người đã từng làm việc trong tòa soạn hai tờ báo này,
ai còn ai mất. Ông chỉ biết chắc hai em ruột ông: Thạch Lam và Hoàng Đạo đã qua
đời [7],
năm người còn lại, ông ghi là "biệt tăm tích", kể cả Nguyễn
Tường Bách, người em út đã sang Tàu và ở cùng với ông một thời gian (việc ông
"quên" Nguyễn Tường Bách, là có lý do khác, sẽ nói đến sau).
Mấy
lời nói đầu cũng không thể viết
sau khi Nhất Linh trở về nước cuối năm 1950 [8],
vì khi về đến Hà Nội, ông đã có thể biết về số phận Tú Mỡ và Thế Lữ, dù ông và
họ, lúc ấy mỗi người một chiến tuyến, chắc không liên lạc lại với nhau nữa.
Sau
cùng, ông cũng không thể viết những dòng này trong những ngày cuối đời ở Sài
Gòn, vì ở miền Nam, thập niên 1960, mọi người đều biết rõ số phận những thành
viên trong tòa soạn Phong Hóa-Ngày Nay, kể cả những người ở lại ngoài Bắc.
4-
Nhất Linh không nhớ Thạch Lam làm Chủ bút báo Ngày Nay từ số 1, và cũng không
nhớ ông làm Giám đốc báo Ngày Nay từ bao giờ. Nhưng ông lại nhớ rất rõ
hai việc:
-
Khái Hưng làm Giám đốc Ngày Nay từ số 80 (10-10-1937).
-
Nguyễn Tường Lân làm chủ bút báo Ngày Nay từ số 99 (27-2-1938).
Hai
điểm này rất quan trọng, bởi vì nó cho chúng ta hiểu rõ hơn hành trình cách
mạng của Nhất Linh.
Khi
quyết định ra báo Ngày Nay, Nhất Linh để Nguyễn Tường Cẩm, anh ông, làm Giám
đốc, và Thạch Lam làm chủ bút, từ số 1 (30-1-35) đến số 5 (10-3-35), sau đó
Nguyễn Tường Cẩm rút ra, có thể vì không đủ kinh nghiệm làm báo. Từ số 6
(2-4-35), Nguyễn Tường Tam thay thế Nguyễn Tường Cẩm làm Giám đốc, Nguyễn Tường
Lân vẫn làm chủ bút, mượn thêm Nguyễn Văn Thức làm Quản lý, nhưng ông Thức sẽ
biển thủ, làm cho Phong Hóa Ngày Nay bị lụn bại tài chính (Xem chương 3: Khái
Hưng và Phong Hóa).
Tóm
lại, Ngày Nay từ số 1 đến số 15 (3-4-36) trong hơn một năm, gặp nhiều khó khăn
vì in nhiều hình ảnh nên bị lỗ, chỉ ra được 15 số báo.
Khi
Phong Hóa số 190 (5- 6-36) bị đóng cửa vĩnh viễn, toàn bộ ban biên tập Phong
Hóa dồn sang Ngày Nay số 16 (12-7-36) và Nhất Linh đã hoàn toàn thay đổi từ nội
dung đến hình thức tờ báo như ông đã làm với Phong Hóa số 14. Vậy Ngày Nay số
16 là một cái mốc rất quan trọng. Nhưng tại sao Nhất Linh lại không nhớ đến cái
mốc này?
Để
hiểu rõ lý do, chúng ta cần nhìn lại mấy sự kiện quan trọng được công bố trên
báo Ngày Nay năm 1937:
-
Tháng 7-1937: Hội Ánh Sáng được phép thành lập với sự đỡ đầu của Thống
Sứ Yves Châtel [9].
Ánh Sáng là tổ chức làm nhà rẻ tiền cho dân nghèo, do hai kiến trúc sư
Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp viết bài và vẽ kiểu. Chương trình nhà Ánh
Sáng được quảng bá hàng tuần trên báo Ngày Nay từ năm 1936.
-
Tối 16-8-37, Nguyễn Tường Tam diễn thuyết ở Nhà Hát Lớn Hà Nội về ý nghiã xã
hội của Hội Ánh Sáng.
Đến
đây, mới thấy hé lộ chủ đích chính trị của Nhất Linh: Việc gây quỹ nhà Ánh
Sáng có lẽ chỉ là giải pháp ngoài mặt giúp đỡ dân nghèo, bên trong là
phương tiện xây dựng đảng Hưng Việt, giúp ông có thể đi sâu vào quần chúng,
bằng những buổi hội họp, diễn thuyết tổ chức văn nghệ để quyên tiền, ở khắp
nơi, lại công khai nhận được sự bảo trợ của chính quyền bảo hộ. Tóm lại, Nhà
Ánh Sáng cũng là cơ hội để ông đi các tỉnh vận động mà không bị phòng nhì Pháp
chú ý.
Vì
thế, chương trình nhà Ánh Sáng chỉ được Tự Lực văn đoàn cổ động mạnh mẽ
trong 2 năm, rồi họ từ chức quản trị ngay từ năm 1939, nhường cho một
ban quản trị khác [10],
vì lúc đó họ đã chuyển hẳn sang hoạt động cách mạng rồi và chính quyền bảo hộ
cũng nhìn thấy, nên đã đình chỉ việc cấp giấy phép xây nhà rẻ tiền. Việc này
chúng tôi sẽ đào sâu hơn trong chương viết về Nhà Ánh Sáng.
Tóm
lại, mục đích của Nhất Linh trong thời điểm này là sẽ làm chính trị và lập
đảng, nên ông chỉ nhớ những mốc chính trị mà thôi:
-
Hai tuần sau khi Nhất Linh diễn thuyết ở nhà Hát Lớn, thì ngày 29-8-37, báo
Ngày Nay số 74 bắt đầu đăng loạt bài Vấn đề thuộc địa của Hoàng Đạo, và
in những biếm họa của Nguyễn Gia Trí, chỉ trích mạnh mẽ chính sách cai trị của
thực dân.
Cũng
trên số báo này, trường Thăng Long lại quảng cáo tên Nguyễn Tường Tam trong
danh sách giáo sư cử nhân cho niên khoá 37-38. Nhất Linh tuy làm báo, nhưng
không bỏ hẳn dạy học. Theo quảng cáo của trường Thăng Long đăng trên Phong Hóa
năm 1933, thì ông vẫn dạy, đến năm 1935 mới ngừng, rồi tiếp tục dạy lại năm
1937[11].
Vậy
Nguyễn Tường Tam chỉ ngừng dạy trong hai niên khoá 1935-1936 và 1936-37,
rồi ông trở lại dạy niên khoá 1937-38, vào đúng lúc ông phát triển phong trào nhà
Ánh Sáng.
Phải
chăng Nhất Linh trở lại dạy Thăng Long chỉ để gặp gỡ thanh niên và thuyết phục
họ đi theo cách mạng? Phải chăng đây là một kế hoạch đã chuẩn bị từ rất lâu, từ
ngày 17-6-1930, khi Nguyễn Thái Học và các đồng chí lên đoạn đầu đài: Khái
Hưng, Nhất Linh đã trở thành những giáo sư đầu tiên của trường Thăng Long gieo
mầm ái quốc cho học sinh. Và sau này trường Thăng Long sẽ tiếp nối truyền thống
này, trở thành ổ cách mạng với những Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên
Giáp…
Trở
lại câu hỏi đã nêu ra ở trên: Tại sao Nhất Linh lại nhớ rõ hai việc:
-
Khái Hưng làm Giám đốc Ngày Nay từ số 80 (10-10-37).
-
Nguyễn Tường Lân làm chủ bút báo Ngày Nay từ số 99 (27-2- 38).
Bây
giờ ta có thể trả lời, bằng nhận xét sau đây:
-
Trên đầu báo Ngày Nay số 77 (19-9-37) còn thấy ghi Nguyễn Tường Tam là Giám
đốc; nhưng sang số 78 (26-9-37) ông trở thành người sáng lập, với
dòng chữ sau đây: Nguyễn Tường Tam, Sáng lập chủ nhân. Trần Khánh Giư, Giám
Đốc. Nguyễn Tường Lân, Quản lý.
-
Và tới Ngày Nay số 80 (10-10-37), Nhất Linh rút hẳn tên mình khỏi tờ
báo, chỉ đề: Giám đốc Trần Khánh Giư.
Đó
là một quyết định quan trọng, nên hơn mười năm sau, Nhất Linh còn nhớ rõ và ghi
lại trong bài Mấy lời nói đầu.
-
Rồi tới Ngày Nay số 99 (27-2-38), tức là hơn bốn tháng sau, lại rút
cả tên Trần Khánh Giư. Sau đó, chỉ đề ngân phiếu gửi về M. le Directeur
du Ngày Nay.
Hai
quyết định này rất quan trọng nên Nhất Linh nhớ rõ, vì đó là hai ngày:
Nhất Linh và Khái Hưng ngừng để tên công khai trên báo Ngày Nay. Nên ta có
thể xác định:
Kể
từ tháng 2-1938, Nhất Linh và Khái Hưng đã lập đảng Hưng Việt, sau đổi
tên thành Đại Việt Dân Chính. Vì thế hai người lần lượt rút tên là Giám đốc báo
Ngày Nay để tránh hậu họa cho tờ báo.
Việc
này, Nguyễn Tường Bách và Hoàng Văn Đào chỉ ghi đại lược: năm 1938, Nguyễn
Tường Tam lập đảng, nhưng không ai nói rõ ngày tháng. Còn Nguyễn Vỹ lại cho
rằng, từ 1936 Khái Hưng đã lập Việt Nam Dân Chính Đảng, rồi kéo Nhất Linh theo [12],
điều này cũng không biết đúng sai như thế nào, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này
trong chương: Việt Nam Quốc Dân Đảng (1939-1945). Ở đây ta chỉ có thể
xác định rằng:
Kể
từ tháng 2-1938, Nhất Linh và Khái Hưng đã bỏ tên trên đầu báo Ngày Nay,
để ra lập đảng và họ vẫn sát cánh nhau như lúc làm báo.
Bài
Tiểu sử Nhất Linh của Nguyễn Ngu Í
Tài
liệu đáng tin cậy hơn cả về Nhất Linh và Tự Lực văn đoàn là bài Nhất Linh
(1906-1963) của Nguyễn Ngu Í [13].
Chính trong bài này, Nhất Linh đã xác định tên những người trong Tự Lực văn
đoàn.
Bài
này chia làm hai phần:
1-
Phỏng vấn Nhất Linh, ở dưới ghi: Thủ đô nước Việt đầu mùa mưa 1954, Nguyễn
Ngu Í thực hiện cho mục "Gia đình văn nghệ" của báo Phương Đông, mấy
ngày trước khi ký hiệp định Genève. Đến năm 1961, một phần được Nguyễn Ngu Í
trích in trên báo Bách Khoa[14].
2-
Tiểu sử Nhất Linh, với lời chú thích: "Tiểu sử này, do chính Nhất
Linh đọc cho tôi viết và đã xem lại trước khi in, tôi xin giữ trọn vẹn và không
thêm đoạn đời từ thu 1954 đến thu 1963, để giữ chút kỉ niệm về anh. Khi tái bản
sẽ in bổ túc."[15]
Như vậy, phần tiểu sử này, do Nhất Linh đọc cho Nguyễn Ngu Í viết, bảy
năm sau khi trả lời bài Phỏng vấn.
Nhất
Linh tự vận ngày 7-7-1963. Nguyễn Ngu Í qua đời tháng 8 năm 1977 tại Sài Gòn,
sách của ông chưa kịp tái bản, nên ta không có phần tiểu sử Nhất Linh từ 1954
đến 1963, như ông đã hứa.
Bài
Nhất Linh (1906-1963), cho tới nay là tài liệu đầy đủ và ít sai lầm
nhất, nhờ sự làm việc cẩn trọng của Nguyễn Ngu Í, và vì Nhất Linh đã đọc lại
phần tiểu sử trước khi in. Trước hết chúng tôi lưu ý đến hai câu trong bài Tiểu
sử Nhất Linh này:
-
"Về nước năm 1930, cùng Hoàng Đạo, Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúng
"Tiếng cười", nhưng vì gặp cảnh không tiền nên "tráng sĩ đành
năm co". Quá hạn, bị rút giấy phép".
-
"Đã có vốn ít nhiều, lại có thêm đồng chí, nên dầu làm báo lúc bấy giờ có
khổ như cái gì, cũng quyết không lui. Sẵn có tờ "Phong Hóa" ra tới số
13, lối văn cổ không được hoan nghênh, và người bỏ tiền ra muốn giao lại, anh [Nhất
Linh] bèn lãnh lấy, có Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Khái Hưng, Nguyễn Gia
Trí phụ lực (1932). Sau đó vài tháng, thêm Thế Lữ." [16]
Điểm
đáng chú ý nhất ở đây là lời Nhất Linh: Tự Lực văn đoàn có bảy người Nhất
Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Thế Lữ.
Một
mặt khác, như chúng tôi đã trình bày trong chương Sự thành lập Phong Hóa và
Tự Lực văn đoàn: Nhờ những điều Khái Hưng kể lại trong tiểu thuyết Những
ngày vui, ta được biết: Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí là hai sáng lập viên
đầu tiên, làm báo Phong Hóa từ số 1.
Bài
Tiểu sử Nhất Linh, còn ghi thêm một số thông tin khác:
-
Từ khi về nước năm 1930, Nhất Linh đã có ý định cùng hai em Hoàng Đạo và Thạch
Lam, làm báo trào phúng.
-
Nhất Linh xin được phép ra tờ báo "Tiếng cười", nhưng vì không có
tiền nên đành "nằm co", đến lúc quá hạn, bị rút giấy phép.
Câu
"Đã có vốn ít nhiều, lại có thêm đồng chí" dẫn đến nghi vấn: vốn
ở đâu ra?
Câu
hỏi này lại được Khái Hưng trả lời trong tiểu thuyết Những ngày vui: Nhờ
số tiền 10.000 đồng của Nguyễn Văn Tiên Léang fat Houa trước khi qua đời, di
tặng.
Nguyễn
Ngu Í ghi tiếp: "Anh [Nhất Linh] bèn lãnh lấy [tờ báo] có
Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí phụ lực (1932). Sau đó
vài tháng thêm Thế Lữ."
Câu
này, một lần nữa lại nêu rõ đích danh những thành viên xây dựng báo
Phong Hóa từ số 14 (22-9-32) sau thêm Thế Lữ, thành viên thứ bảy.
Và
Khái Hưng trong Những ngày vui coi Nguyễn Gia Trí là bạn đồng hành từ
những ngày đầu, trước cả Nhất Linh.
Cả
bà Nguyễn Thị Thế cũng nhớ: "Trong thời kỳ này (1933) anh Tam lập nhóm
Tự Lực văn đoàn cùng Khái Hưng, Hồ Trọng Hiếu, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam và
Nguyễn Gia Trí sau có thêm Nguyễn Cát Tường tức họa sĩ Le Mur" [17].
Bà Thế cũng không nhớ sai, vì Nguyễn Cát Tường vẽ cho Phong Hóa một bức biếm
họa trên số 13, rồi trở lại vẽ Phong Hóa từ số 27 (cùng với Thế Lữ). Nhưng Cát
Tường chỉ là một trong những họa sĩ cộng tác với Phong Hóa, không phải là họa
sĩ chính và là người sáng lập như Nguyễn Gia Trí cùng với Khái Hưng.
Sau
này, người ta hay tự tiện bỏ tên Nguyễn Gia Trí ra ngoài, có lẽ vì nghĩ
ông là họa sĩ. Điều này hết sức sai lầm, vì Phong Hóa Ngày Nay nếu không có
Nguyễn Gia Trí, cũng không hoàn toàn là Phong Hóa Ngày Nay.
Tóm
lại, sau khi kết hợp tài liệu của Nhất Linh và Khái Hưng, chúng ta có thể quả
quyết rằng:
-
Tự Lực văn đoàn có bảy người: Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí, Hoàng
Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ và Thế Lữ.
-
Tự Lực văn đoàn thành lập trong khoảng thời gian từ Phong Hóa số 11 (25-8-32) đến
Phong Hóa số 13 (8-9-32), tức là những ngày cuối tháng tám đầu tháng chín
năm 1932.
-
Bốn chữ Tự Lực văn đoàn được in lần đầu trên báo Phong Hóa số 56
(21-7-33).
-
Bản tuyên ngôn Tự Lực văn đoàn được in trên báo Phong Hóa số 87
(2-3-1934).
Nhưng
vẫn còn một câu hỏi chưa được giải đáp:
Nhất
Linh, trong bản Tiểu sử không nhắc đến Xuân Diệu, tại sao?
Trường
hợp Xuân Diệu
Phong
Hóa đi tiên phong trong việc giới thiệu Thơ mới, ngay từ số 16
(16-10-32), Nguyễn Tường Tam đã làm bài thơ mới đầu tiên Điệu thơ cụt,
ký tên Nhất Linh. Rồi trên báo Xuân Phong Hóa (số 31, 24-1-33), Thơ mới
chính thức được "lăng-xê" với chín bài: Phan Khôi với Tình già;
Lưu Trọng Lư, với bốn bài: Trên bãi biển, Giấc mộng tình, Lại
nhớ Vân, Vì sương thu đổ; Tân Việt (Nhất Linh), hai bài: Gượng
vui, Cái vui ở đời; và Ngày xuân vắng khách của Thanh Tâm. Thế Lữ
tham dự với bài thơ đầu tiên Con người vơ vẩn.
Phạm
Huy Thông bắt đầu có thơ in trên Phong Hóa từ số 62 (1-9-33). Vũ Đình Liên, từ
số 98 (18-5-34). Nguyễn Bính, từ Phong Hóa số 116 (21-9-34) và năm 1937, ông
được giải thưởng khuyến khích thơ của Tự Lực văn đoàn, với tập Tâm hồn tôi.
Như vậy sự công nhận của Tự Lực văn đoàn đã nâng đỡ nhà thơ trong bước đầu rất
nhiều.
Xuân
Diệu có bài Những bàn tay ấy đăng trên Phong Hóa số 158 (18-5-35), với
những câu thơ tuyệt đẹp:
Một
tối vòm trời chẳng bợn mây,
Cây
tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy,
Hoa
nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ
Nghiêng
xuống làn rêu: một tối đây [18]
Những
lời huyền bí bốc lên trăng
Những
ý bao la toả xuống trần
Nhưng
tiếng ái tình hoa bảo gió,
Gió
đào thỏ thẻ bảo hoa xuân.
Bóng
chiều đi vụt. Bỗng, đêm nay,
Tôi
lại đa mang hận tháng ngày.
Dưới
ánh trăng cười tôi kiếm mãi
Dấu
bàn tay ấy ở trên tay.
Sau
Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu là người thứ nhì đưa sự Giao cảm giữa con người và
thiên nhiên vào thơ, mà Baudelaire gọi là Correspondances. Xuân Diệu
được chấp nhận ngay như một tài năng trẻ, nhạy cảm, có ngôn ngữ thơ mới lạ.
Xuân
Diệu lúc đó đang học tú tài I ở Hà Nội, có hai bài thơ được đăng tiếp theo là Nụ
cười xuân (Phong Hóa số 182, 10-4- 36) và Vì sao (Phong Hóa số 185,
1-5-36), được Thế Lữ nâng đỡ.
Bài
Vì sao có bốn câu, sau này sẽ rất nổi tiếng:
Làm
sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có
nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó
chiếm hồn ta bắng nắng nhạt,
Bằng
mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu…
Trọn
năm 1937, Xuân Diệu trở về Huế học thi Tú Tài II, chỉ gửi đăng có hai bài:
truyện ngắn Mèo hoang (Ngày Nay số 81, 17-10-37) và bài thơ Phải nói
(Ngày Nay số 84, 7-11-37). Thời gian này Xuân Diệu kết thân với Huy Cận.
Năm
1938, Xuân Diệu ra Hà Nội ở chung với Huy Cận. Xuân-Huy góp bài cho Phong Hóa
nhiều nhất, nhưng Xuân Diệu được ưu đãi hơn. Mỗi tuần Xuân Diệu gửi cho Phong
Hóa một bài văn xuôi, thỉnh thoảng mới có thơ. Văn xuôi của Xuân Diệu khá nhạt
nhẽo nhưng vẫn được Thạch Lam, lúc đó làm chủ bút, đăng.
Tập
Thơ Thơ của Xuân Diệu được quảng cáo: sẽ in, trên Ngày Nay số 96
(30-1-38), nhưng phải đến cuối năm 1938, Tự Lực văn đoàn mới in xong. Sang năm
1939, Xuân Diệu góp bài ít hẳn đi. Và năm 1940, đỗ tham tá nhà đoan ở Mỹ Tho,
nên gần ông như ngừng hẳn, không gửi bài nữa.
Sự
đóng góp của Xuân Diệu cho tờ Ngày Nay không hơn những đóng góp của các nhà
thơ, nhà văn có tài khác như: Nguyễn Bính, Huy Cận, Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Đỗ
Đức Thu… Xuân Diệu được chọn vào Tự Lực văn đoàn vì thơ ông bạo và lạ hơn, là
phải. Tuy nhiên, về thơ, Huy Cận, Nguyễn Bính sâu sắc hơn. Về văn, Nguyên Hồng
với Bỉ vỏ và Những ngày thơ ấu đã là một tài năng lớn, chưa kể
Trọng Lang về phóng sự, Vi Huyền Đắc về kịch.
Vậy
sự quyết định đưa ai vào Tự Lực văn đoàn thời ấy ra sao? Không rõ. Có lẽ vì lúc
ấy, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, bận lo chính trị, không còn thì giờ để ý
đến văn chương như trước nữa.
Chúng
ta tin vào mấy chữ của Nhất Linh trong bài Mấy lời nói đầu: "Xuân
Diệu (có chân trong Tự Lực Văn Đoàn)", và Hoài Thanh trong Thi
nhân Việt Nam cũng ghi về Xuân Diệu: có chân trong Tự Lực văn đoàn [19].
Vậy
Xuân Diệu là thành viên thứ tám của Tự Lực văn đoàn, kể từ ngày
31-12-38, ngày phát hành tập Thơ Thơ [20].
Ta lại biết, mỗi thành viên, khi in sách, đều được hân hạnh đề thêm mấy
chữ: Trong Tự Lực văn đoàn, dưới tên tác giả.
Vậy
mà, theo Đặng Trần Huân, thì cuốn Thơ Thơ không có năm chữ này, ông
viết: "Năm 1938, khi nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực văn đoàn in
"Thơ Thơ" và đoản văn "Phấn Thông Vàng" cũng chưa thấy dòng
chữ Trong TLVĐ, ghi dưới tên tác giả Xuân Diệu" [21].
Thế
mới kỳ lạ. Vì bìa cuốn Thơ Thơ không đăng quảng cáo trên báo Ngày
Nay, nên ta khó kiểm chứng. Tuy nhiên Đặng Trần Huân viết như thế, thì ta có
thể tin rằng ông đã có hoặc đã nhìn thấy cái bià này.
Riêng
cuốn Phấn Thông Vàng, Đời Nay không in, có lẽ vì dở.
Nhưng
Xuân Diệu chưa phải người chót được vào Tự Lực văn đoàn, Đỗ Tốn là thành viên
thứ chín.
(Còn
tiếp)
Thụy Khuê
thuykhue.free.fr
[1]
Đặng Trần Huân, Huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn, in trong cuốn Khái Hưng,
Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, phần 1, do Nguyễn Thạch Kiên sưu tập, giới
thiệu và xuất bản, Phượng Hoàng, California, 1997, t. 273-274.
[2]
Nhà văn Nhật Thịnh đã qua đời ngày 5-6-2020 tại Sacramento, California, Hoa Kỳ.
[3]
Bài này đăng trên báo Đại Chúng số 105, ra ngày 1-9-2002.
[4]
Việt Nam một thế kỷ qua, Nxb Thạch Ngữ, Hoa Kỳ, 1998, tái bản
năm 2002, in trong phần phụ lục.
[5]
Nhất Linh cha tôi, Nxb Văn Mới, California, Hoa Kỳ, 2006.
[6]
Sự thất lạc được Nguyễn Tường Thiết kể lại trong bài Lời nhà xuất bản in
ở cuối tiểu thuyết Xóm Cầu Mới, tập 2, (Phượng Giang, Sài Gòn 1973).
Trong câu chuyện riêng với chúng tôi, ông kể rõ nguyên nhân sự thất lạc, liên
hệ tới một nhà văn nữ nổi tiếng (đã qua đời). Vậy nếu có dịp, mong ông viết ra,
vì câu chuyện đã thuộc về văn học sử.
[7]
Thạch Lam mất năm 1942 vì bệnh lao ở Hà Nội, và Hoàng Đạo mất năm 1948, trên
chuyến xe lửa từ Hồng Kông đến Quảng Châu.
[8]
Theo Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh cha tôi, Văn Mới, California, 2006,
t. 13.
[9]
Ngày Nay số 66 (4-7-37).
[10]
Theo bài Đính chính in trên báo Ngày Nay kỷ nguyên mới số 2
(12-5-45).
[11]
Trên Phong Hóa số 62 (1-9-33), trường Thăng Long quảng cáo: Nguyễn Tường Tam Directeur
des cours (Giám học). Trên Phong Hóa số 110 (10-10-34), danh sách giáo sư
niên khoá 34-35 vẫn có tên Nguyễn Tường Tam đứng đầu. Đến Phong Hóa số 154 (20-9-35),
trong danh sách toàn thể các giáo sư trường Thăng Long, mới không còn tên
Nguyễn Tường Tam nữa.
[12]
Nguyễn Vỹ, Tuấn chàng trai nưóc Việt, quyển II, tác giả xuất bản, 1970,
t. 250.
[13]
In trong cuốn Sống Và Viết với… của Nguyễn Ngu Í, do Ngèi Xanh xuất bản
năm 1966, tại Sài Gòn, Xuân Thu chụp và in lại tại Hoa Kỳ, không đề năm.
[14]
Bách Khoa số 109 (15-7-1961), trang 84.
[15]
Nguyễn Ngu Í, Sống Và Viết với… t. 23, chú thích 1.
[16]
Nguyễn Ngu Í, Sống Và Viết với… t. 21.
[17]
Nguyễn Thị Thế, Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, Văn Hóa Ngày Nay, Santa
Ana, 1996, trang 117.
[18]
Bản Phong Hoá 158 ghi: một tối đây, sau này sửa thành một tối
đầy, hay hơn.
[19]
Thi nhân Việt Nam, Đông Nam Á chụp lại, từ bản Nguyễn Đức Phiên, 1943,
Hà Nội, t. 115.
[20]
Dựa theo quảng cáo in trên Ngày Nay số 143 (31-12-38).
[21] Đặng Trần Huân, Huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn, in trong cuốn Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, Quyển 1, Hồn bướm mơ tiên, t. 280).
Ngồn: Văn Việt