Tú Mỡ và Thế Lữ
Tú
Mỡ
Tú
Mỡ kể lại với Lê Thanh năm 1943: Ông tên thật là Hồ Trọng Hiếu, sinh ngày
14-3-1900 tại phố Hàng Hòm, Hà Nội. Năm tuổi học chữ nho với ông nội, học hết
Tam Tự Kinh, Dương Tiết, thì ông nội chết, cha cho học tư trường cụ giáo Quý,
rồi các trường Hàng Bông, Hàng Vôi, đến hết bậc tiểu học. Đậu bằng sơ học
Pháp-Việt năm 1914. Học trường Bưởi, cùng lớp với Hoàng Ngọc Phách. Tú Mỡ làm
thơ từ năm thứ ba, 16 tuổi, bắt đầu vịnh cái chuông xe điện, vịnh các viên giám
thị… để nhạo báng. Năm sau (1917) mê thơ Tản Đà, Tú Xương. Từ "thầy"
Tú Xương, lấy biệt hiệu Tú Mỡ.
Đỗ
bằng thành chung năm 1918, vào làm sở Phi-Năng (Finance, Tài chính). Sau hai
năm làm việc, thấy những điều "trái tai gai mắt", chuyển sang làm thơ
trào phúng. Bài thơ đầu tiên là "Bốn cái mong của thầy phán" gửi
đăng tạp chí Việt Nam Thanh Niên:
"Làm
nghề thầy ký với thầy thông
Sống
ở bên đời có bốn mong:
Mong
tháng chóng qua tiền chóng lĩnh,
Mong
giờ mau hết, việc mau xong,
Mề-đay
mong được dăm mười chiếc
Lương
bổng mong tăng sáu bẩy đồng.
Hãy
tạm thời nay mong thế thế.
Còn
bao mong nữa xếp bên lòng".
Về
thời kỳ Phong Hóa, Tú Mỡ kể lại với Lê Thanh:
"Trước
hết, chúng tôi chỉ có mấy người, đầu có anh Tam, anh Long (anh anh Tam, tức là
Hoàng Đạo) anh Lân em anh Tam, tức là Thạch Lam) và tôi.
Mấy
tháng sau mới có Khái Hưng và một năm sau, anh Thế Lữ.
Anh
Tam thuê một cái nhà ở dưới ấp Thái Hà để mấy anh em làm việc. Tôi đi làm thì
chớ, về là đến đấy bàn bạc về cái "tôn chỉ" của tờ báo và soạn bài vở
dự bị cho đủ in trong sáu tháng. Anh Tam vừa viết vừa vẽ… Anh đặt ra mục này
mục nọ, giao cho mỗi người. Anh có cái óc làm việc rất khoa học, anh đã giao
cho ai việc gì thì chỉ chuyên làm việc ấy.
Nhiều
lúc tôi ngỏ ý viết những bài thuộc về loại khác, anh khuyên chỉ nên chuyên về
một lối. Có lẽ là một điều rất hay cho chúng tôi.
Tôi
có thể nói anh Tam là người đã tạo ra Tú Mỡ vậy."[1]
Đoạn
văn trên đây có lẽ ông viết rất thực tình, chứng tỏ ông là người hiền lành có
sao nói vậy. Tuy nhiên cũng lại cho thấy Tú Mỡ không biết rõ anh em Nguyễn
Tường nên ông tưởng Nhất Linh là em Hoàng Đạo; và trí nhớ của ông không tốt,
những việc xảy ra trước đó có 11 năm (Phong Hoá số 14 ra ngày 22-9-32), mà ông
đã nhớ nhầm, những điều ông tưởng: mấy tháng sau mới có Khái Hưng, hay tôi
đi làm về là đến đấy bàn bạc về cái tôn chỉ tờ báo đều sai cả, vì theo lời
Trần Khánh Triệu thuật lại thì Tú Mỡ ở xa, trong tuần đi làm, cuối tuần mới ghé
qua toà soạn.
Nhất
Linh, quen với ông từ trước, cần người làm thơ trào phúng, nên đã mời ông vào
làm báo Phong Hoá, ngay từ số 14, là số báo đầu tiên do Tự Lực văn đoàn chủ
trương. Có lẽ Tú Mỡ lầm tờ Phong Hoá số 14, với tờ Tiếng Cười, trước đó Nhất
Linh đã định ra nhưng không thành vì thiếu tiền. Và Tú Mỡ cũng không biết Khái
Hưng đã "ở trong" Phong Hoá từ số 1.
Vì
vậy, chúng ta nên thận trọng khi dùng những lời tự thuật, ngay cả của những
người đã từng "ở trong văn đoàn".
Tác
phẩm thành công và nổi tiếng nhất của Tú Mỡ là Tự thuật "Thất ngôn thập
bát cú!" bài thơ đầu tiên của ông đăng trên Phong Hóa số 14
(22-9-1932) cùng với bài Phụ nữ với quần vợt của Bán Than (Khái Hưng),
trong mục Giòng nước ngược:
Tự
thuật
Ở
sở Phi-Năng có một thầy,
Người
cao rong rỏng lại gầy gầy.
Mặc
thường soàng xĩnh, ưa lành sạch,
Ăn
chỉ thều thào, thích tịnh chay.
Tom
chát quanh năm vài bốn bận,
Say
sưa mỗi tháng một đôi ngày.
Tính
vui trò truyện cười như phá,
Lòng
thẳng căm hờn nói toạc ngay.
Siên
sỏ vào tay hơi khá khá
Ở
ăn thì nết cũng hay hay!
Yêu
người chân thật, người hòa hiệp,
Ghét
kẻ chui luồn, kẻ quắt quay,
Võ
vẽ hay làm văn quốc ngữ,
Si
sô ít nói tiếng âu tây.
Bạn
mà bàn đến thi cùng cử
Thời
vội van luôn: Tớ lạy mày!
Tú
Mỡ
Thơ
Tú Mỡ không có cá tính đặc biệt, ông bắt chước được nhiều giọng, khi Tú Xương,
khi Xuân Hương, khi Tản Đà… Ông là nhà thơ bẩm sinh, đặt bút ra thơ. Đôi khi
làm nhiều quá, dễ dãi hóa nhàm. Nhưng một tờ báo trào phúng không thể thiếu thơ
trào phúng, đó chính là lý do Nhất Linh mời Tú Mỡ đầu tiên.
Ở
những số báo đặc biệt có chủ đề: chống cái cũ, chế giễu nghị viên, chống kiểm
duyệt, chống thực dân… thơ Tú Mỡ góp phần giải toả những căng thẳng trong sự
đối đầu, biến những lập luận khô khan thành tiếng cười thư giãn, hài hước hóa
những bạo lực, đàn áp.
Khi
Mẹ Mốc (Phạm Thị Cả Mốc tức nhà văn trinh thám Phạm Cao Củng) ở Nam Định,
"hâm mộ" tài năng, gửi rau muống (giả làm rau sắng) tặng nhà thơ, với
lời hò hẹn, đăng trên Phong Hóa số 20 (4-11-32):
Đọc
thơ bạn tơ vò chín khúc
Người
chưa quen bỗng chốc nên quen
Thẹn
mình má phấn răng đen
Quê
mùa đâu xứng mối duyên tình cờ.
khiến
cho "bà Tú Mỡ" nổi cơn ghen, câu chuyện trở nên thú vị.
Tóm
lại, Khái Hưng, Phạm Cao Củng, cũng có thể làm được thơ như vậy.
Nhưng
Tú Mỡ là nụ cười thường trực cần có, trên Phong Hóa Ngày Nay.
Thế
Lữ
Theo
tiểu sử Thế Lữ đọc cho Xuân Diệu ghi[2],
ông sinh ngày 6-10-1907, tại Thái Hà Ấp, Hà Nội, tên thật là Nguyễn Đình Lễ,
sau đổi là Thứ Lễ, vì là con thứ hai. Quê cha làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh
Bắc Ninh; quê mẹ Nam Định. Cha làm sếp ga Lạng Sơn, mẹ bán vải, lụa trên tàu
hoả. Hai người gặp và lấy nhau nhưng gia đình không nhận, bà nội bắt cha ông
phải lấy người khác làm vợ Cả. Thủa nhỏ, Thế Lữ sống với cha và bà Cả đến 9
tuổi ở Lạng Sơn, sau đó về với mẹ đẻ, buôn bán ở Hải Phòng. Mẹ cưới cô Nguyễn
Thị Khương cho ông khoảng 1927[3].
Ông học đến năm thứ ba ban thành chung thì bỏ (1929).
Ông
kể: "1929-30, tôi lên Hà Nội thi vào trường Mỹ thuật, không đỗ loại
chính thức, cho nên theo học với tư cách "bàng thính tự do". Tưởng
rằng vào trường Mỹ thuật thì tự do thoải mái, ai ngờ cũng phân biệt giáo sư
Tây, giáo sư ta, tôi vẽ giỏi, tuy nhiên, qua một ông giáo lối dạy hết sức gò
gập "vẽ trang trí thì chép nhiều mẫu cổ để cho nhiễm vào mình" và với
người giám hiệu Pháp khi đó khinh học sinh Mỹ thuật Việt Nam, chưa đầy một năm,
tôi thôi học vẽ." [4]
Câu
này ông thêm thắt nên sai rất nhiều. Khi lên Hà Nội, năm 1929, ông chỉ có thể
ghi tên vào học lớp dự bị thi vào trường Mỹ thuật. Bởi vì trường Mỹ
thuật Đông Dương có hai ban: Kiến trúc và Hội họa. Muốn thi vào ban Kiến trúc,
thí sinh phải có bằng Cao đẳng tiểu học (tức bằng Thành chung), còn thí sinh
thi vào ban Hội họa, không bắt buộc phải có văn bằng gì cả[5].
Hàng năm trường mở kỳ thi tuyển vào mùa hè ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Phnom-Pênh
và Vientiane. Khoá đầu 1925, không có lớp dự bị, các thí sinh thi trực
tiếp vào trường, kể từ năm 1926, trường mở lớp dự bị một năm cho học trò học
trước khi dự cuộc thi tuyển vào trường.
Thế
Lữ lên Hà Nội năm 1929, vậy ông chỉ mới theo lớp dự bị thi vào trường Mỹ
thuật. Lớp này do một hướng dẫn viên (moniteur) phụ trách, Nam Sơn hướng
dẫn lớp này từ năm 1927. Nhưng trong bài hồi ký tự thuật, ông lại nói ông học
lối bàng thính tự do tức là ông dịch chữ auditeur libre. Trường
Mỹ thuật Đông dương không có lối học này và không thấy sách nào ghi lại. Điều
đó dễ hiểu, vì mỗi kỳ thi tuyển ở khắp Đông dương, chỉ khoảng 10 người đỗ. Hầu
hết những cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đông dương, như Lê Phổ, Nguyễn Tường
Tam, Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân… đều ghi ơn giáo sư Tardieu (xem chương: Trường
Mỹ thuật Đông dương trong một kỳ tới). Và theo lời kể lại của họa sĩ Vũ Cao
Đàm, thì ba giáo sư chính, nhất là giáo sư Tardieu, hiệu trưởng, chăm học trò
như chăm con (phải học cật lực từ sáng đến chiều), còn thì giờ đâu lo cho học
trò bàng thính?
Nhưng
những điều Thế Lữ kể đã được nhiều người chép lại, nên sau này người ta cứ hiển
nhiên ghi người này người kia, như Phạm Duy, Văn Cao… học lối bàng thính tự
do là sai cả.
Tóm
lại, Thế Lữ chỉ mới học lớp dự bị thi tuyển vào trường Mỹ thuật, chưa
được một năm thì bỏ. Lớp này do moniteur hướng dẫn. Ông chưa đỗ vào
trường, nên chưa được học các giáo sư thực thụ như Victor Tardieu hay
Inguimberty… vậy mà ông kể: Tưởng rằng vào trường Mỹ thuật thì tự do thoải
mái, ai ngờ cũng phân biệt giáo sư Tây, giáo sư ta, tôi vẽ giỏi, tuy nhiên, qua
một ông giáo lối dạy hết sức gò gập "vẽ trang trí thì chép nhiều mẫu cổ để
cho nhiễm vào mình" và với người giám hiệu Pháp khi đó khinh học sinh Mỹ
thuật Việt Nam, chưa đầy một năm, tôi thôi học vẽ ".
Than
là mình học giỏi nhưng bị phân biệt giáo sư Tây, giáo sư ta, giám hiệu
khinh học sinh Việt Nam… Giám hiệu này là ai? Có phải Tardieu không?
Đây
là lối viết bịa đặt để kể tội Tây, bằng bất cứ cách nào. Thật đáng buồn và xấu
hổ, nhất là lại được nhiều người chép lại.
Vẫn
theo bài Hồi ký tự thuật, từ hồi còn học dự bị trường Mỹ thuật,
Thế Lữ đã viết ba truyện: Một chuyện báo thù ghê gớm, Tiếng hú hồn
của mụ ké và Tiếng nói thầm của người chết, đưa nhà Tân Dân in, ký
tên Nguyễn Thế Lữ (Thứ Lễ nói lái).
Ông
bỏ Hà Nội về Hải Phòng khoảng 1930, bắt đầu làm văn, thơ. Rồi ông bị lao, mẹ
cho ông ra Đồ Sơn hai năm để dưỡng bệnh. Trong thời gian này, nhân đi chơi Chùa
Hang, cảm hứng không khí hang dơi ở đây, về Hải Phòng, ông viết truyện Vàng
và máu, (khoảng 1932) gửi đăng Hà Thành Ngọ Báo.
Bút
hiệu Nhất Chi Mai
Thế
Lữ gửi bài cho Phong Hóa rất sớm, với bút hiệu Nhất Chi Mai, từ giữa năm 1932,
lúc còn ở Hải Phòng. Phong Hóa số 4 (7-7-32) đã đăng bài Quần trắng, áo lam.
Tiếp đó là Một buổi diễn kịch làm phúc (Phong Hóa số 5, 14-7-32) và
đoản thiên tiểu thuyết Bả phồn hoa (Phong Hóa số 6, 21-7-32).
Quần
trắng, áo lam viết về mốt áo dài lam quần trắng của
phụ nữ, đang thịnh hành thời ấy. Lời văn Nhất Chi Mai rất mới và bay bướm:
"các bà các cô tha thướt quần trắng áo lam. Trận gió mát thoảng qua
trắng lam bay lộn đã khéo khiến cho các bà, các cô tương tự như tiên nữ ở chốn
non bồng".
Một
buổi diễn kịch làm phúc tường thuật buổi diễn tuồng cải lương
"Tủi cho hoa", tối thứ bảy 9-7-1932 ở nhà hát Tây Hà Nội (nhà
Hát Lớn), lấy tiền giúp nạn lụt miền Trung. Bài này cho thấy sự đam mê của Thế
Lữ đối với kịch trường, ngay từ năm 1932, đã có những nhận xét sắc sảo của một
nhà đạo diễn.
Đoản
thiên tiểu thuyết Bả phồn hoa là một truyện ngắn hiện thực xã hội, viết
theo lối kể chuyện, giọng văn sắc sảo, chứng tỏ thời ấy Thế Lữ viết văn đã có
tay nghề. Sau đó, không thấy bút hiệu Nhất Chi Mai xuất hiện trên Phong Hoá nữa.
Thế
Lữ xuất sắc trong những bài thơ mới đầu tiên
Thế
Lữ trở lại Phong Hóa từ số 27 (23-12-32) với truyện trinh thám Thây ma xuống
thang gác. Truyện này gửi đến toà soạn đúng lúc Nhất Linh đang muốn bỏ
trinh thám, nên được đăng ngay. Ba tuần sau, Phong Hóa số 30 (13-1-33) đăng
truyện Con châu chấu ma, hay hơn truyện trước.
Thế
Lữ "vào" Tự Lực văn đoàn như thế nào?
Trong
bài Phóng bút của Lê Ta[6],
ông kể lại: "Lần đầu tiên tôi gặp anh [Tú Mỡ] là ngày
toà soạn còn ở đường Henri d’Orléans, một cái nhà không có vẻ tòa báo một chút
nào hết". Ta lại biết rằng, địa chỉ này (nay là phố Phùng Hưng) chỉ
tồn tại từ Phong Hóa số 14 (22-9-32) đến Phong Hóa số 32 (3-2-33). Vậy Thế Lữ
đến tòa soạn để lĩnh tiền nhuận bút, vì ông vừa có hai bài được đăng trên Phong
Hóa số 27 và số 30, chứ không phải do Tú Mỡ giới thiệu, như nhiều nơi thuật
lại.
Sau
đó, Thế Lữ gửi đăng liên tiếp ba bài thơ. Bài đầu Con người vơ vẩn đăng
trên Phong Hoá Xuân, số 31 (24-1- 33) (đề tặng Trần Bình Lộc) có bốn câu thật
hay, sau này rất nổi tiếng:
Cơn
gió thổi… là bàng rơi lác đác
Rơi
theo loạt nước đọng trên cành.
Những
cây khô đã chết cả mầu xanh
Trong
cái phút lạnh lùng tê tái ấy
Phong
Hóa số 37 (10-3- 33) có Lựa tiếng đàn, bài thơ thứ hai của Thế Lữ,
làm tặng các bạn trường Mỹ thuật Hà Nội, có những câu:
Các
anh hãy để giọng buồn, thương, ta thán
Cho
bọn tôi là một lũ nhạc công
Trăm
ngàn năm rút mãi sợi tơ lòng
Cả
những khúc sầu vui việc thiên hạ
Phong
Hóa số 42 (14-4-33) đăng Người phóng đãng bài thơ thứ ba của Thế Lữ, có những
câu:
Gió
thổi, tối dần, đường vắng vẻ
Thi
hứng nồng nàn, tôi cứ tiến lên…
Cho
đến khi Hà Nội sáng chưng đèn
Mới
sực nhớ đêm nay không chỗ trọ.
Và
Phong Hóa số 44 (28-4-33) đăng Tiếng chuông chùa, bài thứ tư, lời thơ hay hơn
trước, nhịp điệu và âm nhạc mới lạ:
Sương
lam deo cái buồn mênh mông trên đồng vắng
Nắng
chiều xuân rung rinh trong cảnh trời yên lặng
Bỗng
thong thả rơi một tiếng chuông chùa
Ở
chân trời hay trong cõi hư vô
Bốn
bài thơ này xác nhận Thế Lữ là nhà thơ tài hoa nhất trong thời điểm mở đầu của
thơ mới. Những trích đoạn trên đây cho thấy Thế Lữ đã dùng những cảm xúc lạ,
những chữ mới, âm nhạc mới rất khác người, để làm những câu thơ như: Những
cây khô đã chết cả mầu xanh hay Sương lam deo cái buồn mênh mông trên
đồng vắng, trong lúc thơ còn quen với những câu rất ước lệ Trời thu xanh
ngắt một mầu của Tưong Phố.
Bài
thơ Con người vơ vẩn, tuy được đăng trên số xuân (số 31), số đặc biệt
lần đầu giới thiệu Thơ mới của Phong Hoá, với Phan Khôi, Lưu Trọng Lư,
Tân Việt (Nhất Linh) và Thanh Tâm, nhưng nó được xếp vào một chỗ rất khiêm
nhượng, tuy Thế Lữ có những câu thơ hay hơn những người được đề cao. Sau đó,
ông gửi thêm ba bài kế tiếp: Lựa tiếng đàn (Phong Hóa số 37), Người
phóng đãng (Phong Hóa số 42) và Tiếng chuông chùa (Phong Hóa số 44),
bấy giờ Nhất Linh mới nhận thấy tiềm năng thơ của Thế Lữ, nên ông viết bài Nguyễn
Thế Lữ, một nhân vật mới trong làng thơ mới, in trên Phong Hóa số 54
(7-7-33), giới thiệu rất nhiệt thành.
Thực
ra, Nhất Linh chỉ muốn khuyến khích một tài năng mới; nhưng ông bị báo chí đổ
xô chỉ trích là thiên vị "người nhà" (Thế Lữ có bài in trên Phong
Hóa), bởi vì lúc đó, những bài thơ hay nhất của Thế Lữ chưa in trên Phong Hóa,
như bài Hổ nhớ rừng được Nhất Linh trích dẫn và nhắc đến nhiều lần trong
bài viết, cũng chưa thấy xuất hiện. Phải đến Phong Hóa số 69 (20-10-33) mới có Tiếng
trúc tuyệt vời, rồi số 85, báo Xuân (11-2-34), mới có: Tiếng sáo Thiên
thai, Cây đàn muôn điệu, và Phong Hóa số 95 (27-4-34), mới có Hổ nhớ
rừng. Cho nên, Nhất Linh bị công kích cũng là phải.
Annam
Xuất Bản Cục in Vàng và Máu
Nếu
thơ Thế Lữ xuất sắc ngay từ đầu, thì truyện ngắn không được như thế. Ông có bốn
truyện được đăng trên Phong Hóa: Thây ma xuống thang gác (Phong Hóa số
27), Con châu chấu ma (Phong Hóa số 30), Cô Bụt (Phong Hóa, số
44), và Giòng máu đứt quãng (Phong Hóa số 53).
Trong
bốn truyện này, chỉ có hai là khá: Con châu chấu ma và Giòng máu đứt
quãng. Tuy vậy, Phong Hóa số 56 (21-7-1933) đã vội quảng cáo: sắp in
Vàng và máu của Thế Lữ và Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng do Annam
xuất bản cục xuất bản.
Điều
này rất lạ, vì hai lẽ: trên Phong Hoá, người ta chưa nghe nói đến Vàng và
máu bao giờ, cả tên Thế Lữ cũng còn rất mới, trong khi Khái Hưng đã là một
tên tuổi lớn (lúc đó, Phong Hóa đã đăng xong Hồn bướm mơ tiên, sắp hoàn
tất Nửa chừng xuân, cả hai truyện đều được độc giả hết sức hoan nghênh).
Tất
cả xảy ra rất nhanh, tưởng như Thế Lữ sắp trở thành một "cột trụ" của
Tự Lực văn đoàn, với sự đãi ngộ thượng đẳng. Nhưng rồi mọi sự có vẻ như khựng
lại. Phải gần một năm sau, Vàng và máu mới được in ra. Tại sao?
Xét
kỹ lại những biến chuyển này, ta có thể hiểu như sau:
Tự
Lực văn đoàn – hạt nhân đầu tiên có từ Phong Hóa số 1 (xem chương: Sự thành
lập Phong Hóa và Tự Lực văn đoàn) – được thành hình trước Phong Hóa
số 14, với Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Tú Mỡ.
Nhưng "văn đoàn" này mới chỉ ở trong vòng thân mật của ban biên tập,
mới chỉ là văn đoàn nói miệng, chưa thể trình làng, vì chưa có tác
phẩm.
Phải
đợi đến khi Phong Hóa đăng xong hai tiểu thuyết nền móng Hồn bướm mơ tiên, từ
số 20 (4-11-32) đến số 29 (6-1-33) và Nửa chừng xuân, từ số 36 (1-3-33)
đến số 63 (8-9-33), thì họ mới tính đến chuyện in sách để có tác phẩm.
Vì
thế Annam Xuất Bản Cục ra đời, quảng cáo trên Phong Hóa số 45 (5-5-33), địa
chỉ: số 1 Avenue Carnot, cũng là địa chỉ tòa soạn Phong Hóa. Annam Xuất Bản Cục
là tiền thân của nhà xuất bản Đời Nay.
Khi
Tự Lực văn đoàn đã có nhà xuất bản, đã in tác phẩm rồi, thì mới có thể ra
mắt độc giả. Vì vậy, trên Phong Hóa số 56 (21-7-33), lần đầu xuất hiện hai
khung quảng cáo, ở trang 5: Tự Lực Văn Đoàn sắp ra Hồn bướm mơ tiên và
Tự Lực Văn Đoàn sắp in Vàng và máu.
Hồn
bướm mơ tiên là phải rồi, nhưng tại sao Vàng và
máu? Truyện này chưa từng xuất hiện trên Phong Hóa?
Sự
thật có thể chỉ đơn giản như thế này: Thế Lữ đem đến toà soạn truyện Vàng và
máu. Hoặc Khái Hưng hay Nhất Linh khám phá ra Vàng và máu, trên Ngọ
Báo, nhưng không được chú ý. Hai ông đọc thích quá, định cho in ngay cùng với Hồn
bướm mơ tiên.
Nhưng
Vàng và máu không đủ dày, phải có thêm vài truyện ngắn nữa mới thành
sách được. Kẹt một điều: sự cách biệt giá trị quá xa giữa Vàng và máu và
hai truyện Thế Lữ mới viết: Thây ma xuống thang gác và Con chấu chấu
ma, khó có thể nghĩ là cùng một tác giả. Vì vậy, ta có thể đoán là đã có sự
trao đổi (chắc là khá gay go) giữa Khái Hưng và Nhất Linh về việc nên đưa Thế
Lữ vào văn đoàn chưa? Hay phải dừng lại, đợi Thế Lữ có những tác phẩm khá hơn?
May mắn là Thế Lữ đã sáng tác những bài thơ có giá trị để xác định mình.
Cho
nên đến số Xuân (11-2-34), Phong Hóa 85, mới thấy in quảng cáo: Tự Lực văn đoàn
đã xuất bản: Hồn bướm mơ tiên (tái bản), Vàng và máu, Anh
phải sống và Nửa chừng xuân.
Và
sau khi đã xuất bản bốn tác phẩm giá trị, Tự Lực văn đoàn mới có lý do để chính
thức ra mắt với bản tuyên ngôn Tự Lực văn đoàn, in trên Phong Hóa số 87
(2-3-34), dưới đây.
Tất
cả đều xảy ra theo một trình tự đã sắp sẵn: Phải có tác phẩm thì mới có văn
đoàn!
Riêng
Thế Lữ còn phải qua thử thách một thời gian nữa mới được nhận vào làm việc ở Phong
Hóa từ số 91 (30-3-34). Ông kể lại "sự chờ đợi" này trong loạt bài Lê
Ta làm báo[7],
bằng giọng nửa đùa nửa thật: trong gần hai năm ông phải học làm báo mà
không thể xin được vào "tờ báo lớn nhất" thời bấy giờ, như thế nào.
Có thể vì thế mà Thế Lữ trở thành cay đắng, như lời Nguyễn Vỹ nói với Nhất Linh
sau đây:
"Tôi
nghe nhiều anh em nói Thế Lữ nó vẫn than phiền rằng anh [Nhất
Linh] coi nó như "parent pauvre" (người bà con nghèo) anh và Khái
Hưng hất hủi nó phải không?
-
Láo! Thế Lữ nó hưởng đầy đủ mọi thứ quyền lợi cũng như tôi và Khái Hưng. Nhưng
tính nết của Thế Lữ không thích hợp lắm với tôi. Khái Hưng thường cãi nhau với
hắn. Ngoài ra, chẳng có gì Thế Lữ hay Tú Mỡ phàn nàn bọn này cả. Sau Thế Lữ
tách ra làm ban kịch với Đoàn Phú Tứ, Tự Lực văn đoàn vẫn ủng hộ về tinh thần.
Nhưng không phải của Tự Lực văn đoàn vì Khái Hưng không đồng ý kiến.
-
Còn anh?
-
Tôi cũng không thích ban kịch của Thế Lữ.
-
Tại sao Thế Lữ nó đả kích tôi trong Phong Hoá?
-
Thế Lữ đâu có ưa anh. Anh nên nhớ rằng trong Phong Hoá, Khái Hưng và tôi không
đả kích anh bao giờ nhé. Trừ những mẩu chuyện khôi hài và những tranh vẽ đùa
thôi.
-
Ai cũng biết" [8].
Thế
Lữ đã mô tả rất kỹ con người Thạch Lam (Bách Linh) người bạn thân đã cho ông ở
chung, đã chia sẻ cơm áo, đã "vận động" cho ông vào Phong Hóa. Thế Lữ
vẽ một chân dung khá đặc sắc về Thạch Lam, đầy đủ tính tình, sống động, và còn
cho thấy không khí tòa báo hồi đó: xin được vào "yết kiến" ông Giám
đốc Nhất Linh không phải chuyện đùa! Thế Lữ còn viết bài phóng sự thứ hai Phóng
bút của Lêta in trên Phong Hóa số 154 (22-9-35) số kỷ niệm ba năm Phong
Hóa, tả cảnh bên trong tòa báo, dĩ nhiên là có tô điểm thêm chân dung mỗi nhân
vật, tính tình, kể lại những cuộc cãi vã và dàn hoà giữa Khái Hưng Nhất Linh và
đời sống hàng ngày trong tòa báo. Đó là những tư liệu quý về đời sống bên trong
Tự Lực văn đoàn.
Vàng
và máu
Vàng
và máu, truyện hay nhất của Thế Lữ, viết trong lúc xuất thần, lời
văn độc đáo sau này không thấy xuất hiện lại. Mở đầu như sau:
"Kể
từ châu Kao Lâm ở phiá đông và miền bản Slay ở phiá tây mà đến, từ mạn bản Pắc
đi xuống, và từ bản Hạ trở lên, cách non mười dặm chung quanh chỉ có quả núi
Văn Dú là cao lớn nhất".
Sự
xác định vị trí bằng tọa độ, chỉ dùng trong hàng hải, cho lính đi hành quân,
phi cơ chiến đấu, tình báo… chưa từng thấy trong văn chương. Tọa độ Văn Dú
làm ta giật mình. Toàn thể tác phẩm đều dùng lối văn như thế: Không có ma.
Không có đầu lâu. Không cả bóng tối… Đó chính là nghệ thuật. Vàng và máu
là tác phẩm kinh dị độc đáo nhất của Thế Lữ và của văn học Việt Nam. Một kiệt
tác. Sự kinh dị tỏa ra từ cách viết tiếng Việt, không khí nằm trong mỗi chữ,
chứ không phải do những câu văn có những chữ oan khiên, khủng khiếp,
kiểu: "mỗi cảnh vật đều có một sự tích oan khiên hay khủng khiếp… tôi
nghe tiếng ngọn suối ban đêm như than khóc" hay là lấy đầu lâu, sọ
người ra dọa, như trong truyện Bên đường Thiên Lôi, hoặc các truyện ngắn
khác của Thế Lữ.
Thế
Lữ là nhà kể chuyện có tài. Ông có tài đặt tên truyện, lạ lùng, rùng rợn, lôi
cuốn: Con châu chấu ma, Cái xác đuổi người, Lưỡi tầm sét, Bên
đường Thiên Lôi… Nhưng Thế Lữ chỉ là người kể chuyện: Thây ma xuống
thang gác là chuyện đám học trò dọa ma nhau, tuy có không khí rùng rợn do
anh chủ nhà cố tình kể chuyện ma để hù các bạn.
Cái
xác đuổi người (Phong Hóa số 66, 29-9-33) cũng là chuyện
sinh viên nội trú dựng xác chết lên để dọa bạn.
Con
châu chấu ma (Phong Hóa số 30, 13-1-33), hay hơn,
tạo được không khí bí mật của trinh thám: chính thằng nhỏ phát giác xác
chết, khám phá ra sự thật. Tuy kết luận hơi gượng ép, khó tin: nạn nhân ném câu
liêm để đuổi con trâu, vô tình ném ngược, bị luỡi liêm cắt cổ!
Giòng
máu đứt quãng (Phong Hóa số 53, 30-6-33) viết
về một án mạng bí mật, không thể tìm ra thủ phạm, phải dùng cách điều tra
kiểu Sherlock Holmes, để giải thích một cách "khoa học": thủ phạm là
con mèo nhảy vọt qua, làm xác chết bật dậy thành quỷ nhập tràng!
Lưỡi
tầm sét (Phong Hóa số 91, 30-3-34) và số 92, 7-7-34), kể chuyện một
người con gái bị sét đánh lột hết quần áo (mà không chết!).
Lối
viết của Thế Lữ rất khéo, rất lôi cuốn, ông biết cách kéo dài sự chờ đợi trong
căng thẳng, nhưng thường làm ta thất vọng vì sự giải thích vô lý, không có gì
là khoa học cả. Nhờ uy tín của Tự Lực văn đoàn, ông trở thành cây bút trinh
thám có sách bán chạy nhất thời đó.
Những
nhà trinh thám có tác phẩm trụ được lâu dài, như Agatha Christie hay Georges
Simenon, còn là nhà văn xã hội nữa. Câu truyện án mạng của họ, không những dựa
trên tình tiết ly kỳ, mà Agatha Christie còn mô tả xã hội trưởng giả, quý tộc
Anh, Georges Simenon điều tra môi trường bình dân tăm tối của xã hội Pháp và
Bỉ.
Tác
phẩm hay nhất của Thế Lữ là Vàng và máu, trở thành một giá trị vĩnh cửu
nhờ lối viết bí mật, khác thường và Thế Lữ còn là nhà thơ sáng giá nhất trong
buổi bình minh của thơ mới.
Kể
từ khi vào làm việc cho Phong Hóa từ số 91, Thế Lữ chọn bút hiệu Lê Ta, ký dưới
các bài điểm sách, điểm báo và phóng sự. Bút hiệu này, có lẽ cảm hứng từ
bức tranh Ba ông táo: Táo Ta, Táo Tây, Táo Tầu, (không ký tên, có
lẽ của Nguyễn Gia Trí) in trên bìa Phong Hóa số 84 (2-2-34). Sau này chữ Lê-Ta
được Thế Lữ giải thích là do chữ Lễ nghiã là Lê thêm dấu ngã, mà ngã
là ta, cho nên có Lê Ta, có vẻ gượng ép. Chuyện ông ngẫu hứng từ bức
tranh Ba ông Táo có vẻ tự nhiên hơn.
Tên
Lê Tây ông chỉ ký hai lần, dưới bài Chợ phiên Kiến An phóng sự của Lê Ta
và Lê Tây (Ngày Nay số 145, 14-1-39) và Tin Hải Phòng (Bức thư tốc hành của
Lê Tây gửi cho Lê Ta) (Ngày Nay số 169, 8-7-39).
Trên
Phong Hóa số 72 (10-11-33) có bài thơ Đoàn lực sĩ của Nhất Chi Mai. Đó
là lần đầu tiên Thế Lữ dùng lại bút hiệu Nhất Chi Mai. Bút hiệu này còn xuất
hiện trên Phong Hóa hai lần nữa: trong bài Từ viện dân biểu cho đến ô tô
hàng, Phong Hóa số 122 (2-11-34) và phóng sự Đi thăm mấy
ngôi mả sống ở Thái Bình, Phong Hóa số 124 (16-11-34).
Khi
Nhất Linh quyết định ra báo Ngày Nay, giao cho Thạch Lam làm chủ bút,
Thế Lữ được cử làm việc với Thạch Lam ngay từ Ngày Nay số 1 (30-1-35).
Lúc đó, ông ký lại tên Nhất Chi Mai với lời đề ở dưới: Phóng viên của Ngày
Nay. Thời gian này, ông viết một số phóng sự, có hai bài hay là Buôn
người (Ngày Nay từ số 2 (10-2-35) đến số 8 (16-4-35) viết về đường dây mẹ
mìn bắt cóc người buôn sang Tàu ở Móng Cáy, và Ngày Nay điều tra Ăn cướp,
viết chung với Trọng Lang, từ Ngày Nay số 7 (5-4-35) đến số 13 (21-5-35).
Đó
là những đóng góp giá trị của Thế Lữ nhưng không mấy ai biết đến.
Cái
dở của Tự Lực văn đoàn
Cái
dở của Tự Lực văn đoàn là tính bè phái, mà ba cây bút trẻ Tứ Ly (Hoàng Đạo),
Việt Sinh (Thạch Lam) và Lê Ta (Thế Lữ) là tiêu biểu. Hai ông anh, Khái Hưng,
Nhất Linh, thường đứng ngoài, trừ những vụ phải trả lời trực tiếp những bài
đánh Phong Hoá "có tầm cỡ".
Bắt
đầu từ ba mục Từ nhỏ đến lớn, Từ cao đến thấp, Bàn ngang, do Tứ Ly phụ
trách, đôi khi công kích cá nhân, rồi tới những bức tranh châm biếm, những lời
chế giễu đùa cợt.
Từ
Phong Hóa số 35 (24-2-33), có thêm mục mới Bức tranh vân cẩu do Việt
Sinh [Thạch Lam] phụ trách, thỉnh thoảng gây sự, bút chiến với các báo khác.
Mới đầu là đùa vui, sau sang đùa nhả, quá trớn. Dĩ nhiên là bị trả đũa, lại
càng nóng máu, anh em bênh nhau, cãi cối cãi chầy, không ra thể thống gì cả. Có
lần Hoàng Đạo đã đe đánh phe "đối nghịch". Thực là:
Có
tài mà cậy chi tài
Chữ
tài liền với chữ tai một vần.
Nhưng
tệ nhất là từ khi có các mục: Cuộc điểm sách, Cuộc điểm báo, do
Lê Ta phụ trách chung với Việt Sinh.
Cách
phê bình của Lê Ta rất đặc biệt: Trên Phong Hóa số 91 (30-3-34) trong bài Cuộc
điểm sách, lần đầu tiên khai bút, Lê Ta, đánh cuốn văn xuôi Trên
núi voi của Lưu Trọng Lư tơi bời: "Gấp sách lại, tôi còn thấy rơm
rớm nước mắt: đó là vì tôi đã quá cười" và ông kết luận:"Kể
không hiểu thì cả truyện lẫn văn của ông Lư không ai hiểu đứt đi rồi. Nhưng còn
như yêu văn ông, thì thú thực, tôi không thể nào yêu được".
Lại
cũng như thế, đối với Tchya, trong bài điểm sách trên Ngày Nay số 79 (8-10-37),
ký Người Điểm Sách, nhưng đọc thì biết là của Thế Lữ, đầu bài ông phê ngay: “Thần
hổ "truyện dài rùng rợn" của Tchya, các bạn đã có người đọc rồi chứ.
Thật không có câu chuyên nào ngớ ngẩn bằng". Chẳng có nhà phê bình
đứng đắn nào lại nhằm những cuốn sách mà mình cho là "tồi tệ" nhất,
đem ra điểm sách để "giới thiệu" với độc giả. Thế Lữ làm như vậy với
những nhà thơ cùng thời như Lưu Trọng Lư, Nguyễn Vỹ, Phạm Huy Thông… với những
người ông ghét, và cả với những người mới làm thơ chưa có tiếng tăm gì, ông
cũng tìm những cuốn thơ dở của họ đưa ra chỉ trích. Như thế sao gọi là phê
bình?
Tự
Lực văn đoàn mang tiếng xấu chẳng khen ai cả, phần lớn vì những bài "điểm
sách"của Lê Ta.
Nhà
văn, ngoài tài năng, còn phải có "đạo đức nghề nghiệp" nữa.
(Còn
tiếp)
Thụy
Khuê
thuykhue.free.fr
[1]
Lê Thanh, Cuộc Phỏng vấn các nhà văn, Nxb Đổi Mới, Hà Nội, 1943, trang
134-144.
[2]
Trong bài Hồi ký tự thuật của Thế Lữ do Xuân Diệu ghi, in trong cuốn Thế
Lữ, cuộc đời trong nghệ thuật, Hoài Việt sưu tầm và biên soạn, nxb Hội Nhà
Văn, 1991, từ trang 1 đến trang 20.
[3]
Có nơi ghi năm 1924, ông 17 tuổi. Con đầu lòng là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi,
sinh năm 1928.
[4]
Hồi ký tự thuật của Thế Lữ do Xuân Diệu ghi (sđd, trang 13).
[5]
Theo Đặng Hữu Thụ, Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954, Quyển
Thượng, tác giả tự xuất bản, Melun, Pháp, 1999, đoạn viết về Trường Mỹ thuật
Đông dương, trang 146 và 151.
[6]
In trên Phong Hóa số 154 (20-2-35).
[7]
In trên Phong Hóa từ số 103 (29-6-1934) đến Phong Hóa số 113 (31-8-1934).
[8]
Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969,
trang 161.
Nguồn: Văn Việt