Catherine O' Flaherty
sinh năm 1850 tại Saint - Louis, Missouri, bố gốc người Ái Nhĩ
Lan, mẹ gốc Pháp, lớn lên trong môi trường đa văn hoá, từ nhỏ đã nói tiếng Pháp
đồng thời với tiếng Anh. Theo học bậc tiểu học và trung học tại một trường công
giáo với các nữ tu. Ở nhà, được nuôi dạy bởi mẹ, bà, và bà cố. Sự giao tiếp thường
xuyên với những người phụ nữ ở chung quanh giúp cô bé sớm có nhận xét về vai
trò của phái nữ trong gia đình và xã hội, định hình cho những ý tưởng và quan
niệm cá nhân của nhà văn tương lai.
Kate Chopin ( Kate là Catherine, Chopin là họ chồng )
chịu nhiều đau thương mất mát ngay khi còn nhỏ. Cha chết vì tai nạn đường sắt
khi mới lên năm (1855), bà cố, người đã dạy cho cô tiếng Pháp và văn hoá Pháp,
qua đời năm 1863. Trong thời Nội chiến Hoa Kỳ ( 1861 - 1865 ), cô lại mất thêm
người anh ( tham gia đội quân của Liên minh miền Nam - Confederate - ).
Kate Chopin kết hôn năm 1870 với Oscar Chopin, một thương gia chuyên buôn
bán bông vải, và cũng là người gốc Pháp ).Từ năm 1871 đến 1879, Kate Chopin
sinh được 5 trai và 1 gái, và số phận rủi ro vẫn không buông tha, Kate lại chịu
tang chồng năm 1882, chỉ sau mười hai năm chung sống. Trở thành quả phụ năm 32
tuổi, Kate Chopin vừa nuôi con,
vừa tiếp tục công việc của chồng, và không tái giá.
Đây là chân dung Kate Chopin giai đoạn này, như ghi nhận
của nhà phê bình Barbara Ewell:
" Kate là một người khá nổi bật và quyến rũ. Không
cao lắm, có khuynh hướng mập ra, thực sự xinh đẹp, mái tóc nâu dày, dợn sóng, sớm
điểm bạc, đôi mắt nâu sáng trong. Bạn bè nhớ nhiều nhất là thói quen im lặng và
sự nhanh trí kiểu Ái Nhĩ Lan, thêm điểm nhấn là biệt tài bắt chước. Một bà chủ
nhà duyên dáng, dễ tính, thích cười, thích âm nhạc và khiêu vũ, đặc biệt là kiểu
nói chuyện thông minh, bà có thể diễn đạt quan điểm cá nhân với sự thẳng thắn
đáng ngạc nhiên."
Sau khi chồng chết không lâu, Kate Chopin trở về sống tại
St- Louis để con cái có điều kiện học hành tốt hơn. Năm 1885, đến lượt mẹ Kate
Chopin qua đời.
Một bác sĩ sản khoa, cũng là bạn thân của gia đình,
khuyến khích Kate viết văn, như là một liệu pháp chống buồn nản và cô đơn sau
khi chồng và mẹ lần lượt đi xa. Nghe
theo lời khuyên, Kate bắt đầu cầm bút và truyện ngắn đầu tiên của bà đã được
đăng trên tờ St Louis Post
Dispatch năm 1889, và một năm sau, bà hoàn thành cuốn
tiểu thuyết At Fault.
Hơn mười năm tiếp sau đó, Kate Chopin vừa duy trì hoạt
động xã hội, vừa không ngừng sáng tác, hoàn thành được trên dưới một trăm truyện
ngắn. Truyện ngắn của Kate Chopin được công bố trên những tạp chí nổi tiếng như
Vogue và Atlantic
Monthly. Hai
tuyển tập lần lượt ra mắt: Bayou
Folk, 23 truyện (1894), A Night in Acadie, 21 truyện (1897).
Giới phê bình có người cho là truyện chỉ có tính địa phương, chỉ phản ảnh những
sinh hoạt tại vùng Louisiana
và Missouri. Đến năm 1899, bà cho xuất bản cuốn The Awakening ( Tỉnh thức ), thu hút nhiều nhận định đánh giá trái ngược nhau. Một vài nhà phê bình
khen ngợi tính nghệ thuật của tác phẩm, nhưng cũng không ít người cho là "
nhàm chán ", " tầm thường", " không lành mạnh ", thậm chí " độc hại ". Tất cả chỉ vì Kate Chopin là
người phụ nữ " đi trước thời đại ", thông qua các nhân vật của mình,
bà đã bày tỏ quan niệm ( và phản ứng ) về gia đình, hôn nhân, ly dị, ngoại
tình, nữ quyền, chống lại lề thói cổ truyền ( tradition ) và quyền hành ( authority ). ( Mà đâu chỉ trong tác phẩm,
ngay trong sinh hoạt đời thường, Kate Chopin cũng tỏ ra " tiên phong
" đấy chứ: thời còn sống tại New Orleans hay khi về một thị trấn nhỏ ở St- Louis, bà
đã làm mọi người ngạc nhiên khi đi dạo một mình, hút thuốc, ăn mặc kiểu cách và
cỡi ngựa hai chân hai bên. )
Kate Chopin qua đời đột ngột năm 1904, xuất huyết não.
Trong một thời gian dài, tác giả và tác phẩm bị lãng quên,
ngoại trừ một số rất ít truyện được giới thiệu trong các tuyển tập xuất bản mấy
năm sau khi tác giả qua đời.
Sự lãng quên ( bất công và đau đớn ) này kéo dài tới gần ... 70 năm, mãi
cho đến năm 1969, khi nhà phê bình người Na Uy, Per Seyersted viết cuốn chuyên luận
về tiểu sử của Kate Chopin với nhận định:
" ( Kate Chopin ) là nhà văn nữ đầu tiên trên đất
nước mình nhìn nhận đam mê như là một chủ đề chính thống của tiểu thuyết nghiêm
túc, công khai. Chống lại lề thói cổ truyền và quyền hành, với một sự táo bạo
mà ngày nay chúng ta khó khăn mới thấu hiểu, với sự thành thực cương quyết,
không có chút gì kích động, bà đảm đương việc nói lên sự thật không che đậy về
mặt khuất của đời sống người phụ nữ. Bà như là người tiên phong đề cập thẳng thắn
những vấn đề dục tính, ly dị, và sự thôi thúc của giới nữ mong muốn tồn tại thực
sự. Trong nhiều khía cạnh, bà là một nhà văn hiện đại, nổi bật về nhận thức những
phức tạp của sự thật và tính đa dạng của
tự do."
Phong trào nữ quyền ở Mỹ phát triển ngày càng mạnh từ
những năm 1960 tạo thuận lợi cho việc đánh giá về tài năng và cống hiến của
Kate Chopin. Tác phẩm của bà được tái bản và giới thiệu trở lại.
Truyện ngắn Cơn bão ( the Storm ) được viết năm 1898 nhưng
tác giả không thể công bố ngay vì bà biết không nơi nào chịu in một truyện đề cập
thẳng thắn và thẳng thừng về tình dục như truyện này. ( lần đầu tiên truyện xuất
hiện trong The Complete
Works of Kate Chopin, in năm 1969, tức là gần 70 năm sau khi ra đời! ).
Thông thạo tiếng Pháp, thấm nhuần văn hoá Pháp, lúc
sáng tác, Kate Chopin chịu nhiều ảnh hưởng của nhà văn Maupassant. Ở bậc thầy của
thể loại truyện ngắn này, Kate Chopin nhận ra văn chương không phải chỉ là hư cấu,
mà là chính cuộc sống, với những con người đang sống quanh ta. Nhà văn quan sát
và ghi lại, trực tiếp và đơn giản, những gì mình nhìn thấy. Cũng như nhà văn
Pháp, Kate Chopin thường viết lại, như kiểu ghi âm, những lời đối đáp của nhân
vật với câu chữ, ngữ điệu nguyên thô, để người đọc tưởng mình đang nghe trực tiếp.
Hãy thử đọc đoạn này, trích trong truyện Regret ( Nuối tiếc ) để thấy điều
đó:
" T ain' ispected sich as you would know airy
thing 'bout 'em, Mamzelle Aurlie. I see dat plainly yistiddy w'en I spy dat
li'le chile playin' wid yo' baskit o' keys. You don' know dat makes chillun grow
up hard-headed, to play wid keys? Des like it make 'em teeth hard to look in a
lookin'-glass. Them's the things you got to know in the raisin' an' manigement
o' chillun."
Một đặc trưng khác của Maupassant - mà Kate Chopin học
tập - là cách kết cấu truyện ngắn, câu chuyện diễn tiến theo tâm lý nhân vật,
tình tiết đan xen, và bỗng xoay sang một kết cuộc bất ngờ, tạo ngạc nhiên thú vị
cho người đọc. Thủ pháp này biểu lộ rõ với truyện The Story of an hour ( Câu chuyện một giờ ), một
trong những truyện ngắn hay nhất của Kate Chopin, được giới thiệu dưới đây.
Có tin chồng của Louise bị tai nạn chết. Biết nàng bị bệnh
tim nên người thân và bạn bè tìm cách báo tin khéo léo, tránh xúc động đột ngột.
Ban đầu, nàng cũng đau đớn, vật vã khóc than, rồi rút về ngồi một mình trong
phòng riêng. Nơi đây, khi bình tâm nhìn khung cảnh bên ngoài, dường như nỗi đau
dần nguôi ngoai. Nàng quan sát những cảnh trí quen thuộc, mây bay, trời trong,
cây xanh, mưa nhẹ hạt, nàng lắng nghe những âm thanh quen thuộc, tiếng rao
hàng, tiếng nhạc, tiếng chim hót... Thế là một cảm giác lạ lùng, hân hoan, phấn
khởi xâm nhập tâm hồn nàng. Nàng buột miệng nói: Tự do, tự do... và thanh thản
nghĩ về tháng ngày dài phía trước. Nàng sẽ được tự do sống với sở thích và ước
muốn của riêng mình.
Đến đây " câu chuyện một giờ " tưởng chừng kết
thúc được rồi. Nhưng...
Ngay lúc này anh chồng bước vào: anh vẫn còn sống, vì
trễ tàu! Khi nhìn thấy chồng trở về, Louise lăn ra chết. Bác sĩ kết luận nàng
chết vì bệnh tim, vì quá vui mừng.
Câu chuyện kết thúc quá bất ngờ, để cho người đọc tiếp
tục suy nghĩ: có phải thực sự Louise quá vui mừng mà chết không. Và từ đó mà
bàn thêm những điều tác giả không nói, tình yêu giữa hai vợ chồng chẳng hạn...
Hiện nay, Kate Chopin được xem là một khuôn mặt lớn
trong nền văn học Mỹ. Tác phẩm của bà đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, kể cả
tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Mã Lai, tiếng Á Rập... và tiếng Việt.
Vốn biết bà Mallard bị đau tim, mọi người hết sức cẩn
thận và dè dặt lúc báo cho nàng tin chồng nàng đã chết. Chính em gái Josephine
đã ngập ngừng bằng những câu đứt quãng, lờ mờ tiết lộ tin. Người bạn của chồng
nàng, Richards, cũng ở đó, gần cô ta. Chính anh ta là người đã có mặt tại toà
soạn khi nhận tin tức về thảm hoạ đường sắt, với tên của Brentley Mallard đứng
đầu danh sách những người tử vong. Anh ta chỉ có đủ thời gian để tự mình xác
minh sự thật bằng một bức điện thứ hai, rồi vội vã ngăn trước bất kỳ người bạn
nào ít cẩn trọng, ít tế nhị hơn đến đưa tin buồn.
Nàng không nghe câu chuyện như cách nhiều phụ nữ khác
có thể nghe những tin kiểu như thế, bị tê liệt đến độ không hiểu ý nghĩa của
nó. Nàng bật khóc, bất giác gục xuống trong vòng tay của em gái. Khi những phút
đau buồn dịu đi, nàng bước một mình về phòng riêng. Nàng không muốn có ai đi
cùng. Nàng đứng đó, mặt hướng ra cửa sổ mở rộng, cạnh một chiếc ghế bành rộng
rãi, thoải mái. Nàng buông mình xuống ghế, chìm đắm trong sự kiệt quệ của thể
xác và dường như của cả tâm hồn.
Nàng có thể thấy trong khoảng không gian vuông vắn trước
nhà những ngọn cây lay động trong tiết xuân mới. Hơi mưa mát dịu trong không
khí. Trên con đường bên dưới một người bán rong đang rao hàng. Các giai điệu của
một bài hát xa xôi mơ hồ vọng đến tai nàng, rất nhiều chim sẻ đang hót vang dưới
mái hiên.
Nàng ngồi tựa đầu lên đệm ghế, hoàn toàn bất động, ngoại
trừ khi tiếng nức nở thoát ra từ cổ họng khiến nàng run lên, như một đứa trẻ đã
khóc đến khi thiếp đi mà vẫn nức nở cả trong giấc mơ.
Nàng còn trẻ, với khuôn mặt bình thản, xinh đẹp và những
đường nét toát lên vẻ cam chịu, thậm chí sự vững vàng của nghị lực. Nhưng giờ
đây, ánh mắt của nàng đờ đẫn, nhìn đăm đăm một điểm cố định nào đó trên mảnh trời
xanh. Đó không phải là cái nhìn phản ảnh cuộc sống, mà là một sự ngưng đọng về
suy nghĩ thông minh.
Có một cái gì đó đang đến với nàng, và nàng đang đợi nó
trong sợ hãi. Là điều gì?
Nàng không biết, nó quá tinh tế, khó mà gọi tên. Nhưng
nàng cảm nhận được nó đang trườn ra từ bầu trời, đến tận bên nàng qua âm thanh,
mùi hương, màu sắc ngập tràn không khí.
Bây giờ lồng ngực của nàng đập mạnh. Nàng bắt đầu nhận
ra nó , cái đang tới gần chiếm lĩnh tâm trí nàng và nàng đang cố gắng chống chọi
bằng ý chí, bằng đôi tay yếu ớt trắng nhợt.
Khi nàng không kiềm chế được nữa, một tiếng thì thầm bất
chợt thoát ra đôi môi hé mở. Nàng thốt
ra nhiều lần trong hơi thở: “ Tự do, tự do, tự do! “. Ánh mắt trống rỗng và cái
nhìn sợ hãi từ đôi mắt nàng ra theo âm thanh đó. Tia nhìn vẫn sắc sảo, sáng rực.
Tim nàng đập nhanh khiến cơ thể ấm dần lên và dễ chịu hơn.
Nàng vẫn không ngừng lại để tự hỏi phải chăng một niềm
vui quá lớn đã khiến nàng choáng ngợp. Một cảm nhận rõ nét và phấn khích khiến
nàng không thể xem cảm giác này là bé nhỏ. Nàng biết rằng nàng sẽ khóc lần nữa
khi nàng nhìn thấy đôi tay dịu dàng, thân thiết đang nắm lại khi lìa trần,
khuôn mặt từng nhìn nàng chan chứa tình yêu, giờ bất động, xám lạnh, chết chóc.
Nhưng nàng đã nhìn xa hơn, vượt qua cái khoảnh khắc đau đớn đó, thấy hiện ra một
khoảng thời gian dài sắp tới sẽ hoàn toàn thuộc về nàng. Và nàng dang tay đón
chào khoảng thời gian đó.
Sẽ không sống cho ai khác trong những năm tới, mà chỉ sống
cho chính mình. Sẽ không có quyền lực nào khuất phục được nàng trong sự ngoan cố
mù quáng mà với sự chiếm giữ đó đàn ông và phụ nữ ngỡ là họ có quyền áp đặt ý
chí riêng của một cá nhân cho một cá nhân khác. Một ý định tốt hoặc xấu khiến
hành động này dường như không khác gì một tội ác như nàng đã nhìn thấy trong thời
khắc bừng tĩnh đó.
Liệu lâu nay nàng có yêu chồng? Có đôi lúc. Thường thì
không phải là tình yêu. Nhưng điều đó nào có hề chi? Tình yêu bí ẩn chưa được
giải mã, có gì quan trọng khi nàng chợt nhận ra động lực mạnh nhất của nàng
chính là sự tự khẳng định!
Nàng tiếp tục thì thầm: “ Tự do! Thể xác và tâm hồn được
tự do!”
Josephine đang quỳ gối trước cánh cửa đóng kín với đôi
môi áp vào lỗ khoá, xin được vào phòng. “ Louise, mở cửa đi, em van chị mở cửa
ra. Chị sẽ tự làm mình bệnh mất thôi! Chị
đang làm gì vậy? Vì Chúa, xin mở cửa ra! “
“ Em đi đi, chị không làm mình bệnh đâu mà sợ. “ Không,
nàng đã uống một loại thuốc tiên kỳ diệu của cuộc sống từ cánh cửa mở rộng.
Trí tưởng tượng của nàng đang bềnh bồng với những ngày
tháng sắp tới. Mùa xuân, mùa hè, tất cả mọi ngày đều sẽ thuộc về nàng. Nàng thốt
nhanh một lời cầu nguyện mong cho cuộc sống kéo dài. Chỉ mới hôm qua nàng đã sợ
hãi nghĩ là cuộc sống có thể lâu dài.
Cuối cùng nàng cũng đứng dậy mở cửa trước sự van nài của
em gái. Có một vẻ đắc thắng trong ánh mắt của nàng, nàng bước đi tự nhiên như một
nữ thần Chiến thắng. Nàng ôm em siết chặt và họ cùng nhau bước xuống cầu thang.
Richards đang đợi họ ở phía dưới.
Có ai đó đang dùng chìa khoá mở cửa. Chính là Brentley
Mallard, người vừa bước vào, thân hình còn nhuốm bụi đường, ung dung xách chiếc
va li du lịch và chiếc dù. Lúc xảy ra tai nạn anh ở cách xa nơi đó và cũng chẳng
hề biết là có tai nạn. Anh đứng ngẩn người ngạc nhiên trước tiếng khóc xé lòng
của Josephine, và Richards vội bước nhanh để che anh ta khỏi tầm nhìn của vợ.
Khi các bác sĩ đến, họ nói rằng nàng đã chết vì cơn đau
tim - chết vì quá vui.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
từ nguyên bản tiếng Anh
( 12/2020)
( https://americanliterature.com/author/kate-chopin/short-story/the-story-of-an-hour)