Saturday, December 26, 2020

1891. SONG THAO Các bà Phần Lan

Phong cảnh ở Phần Lan - Google image


Trong bài “Harris ở Montreal” tôi nhân cơ hội nước Mỹ lần đầu tiên có phụ nữ đạt tới chức Phó Tổng Thống “Chờ”, nên nhắc tới nhiều nước đã có các bà làm lớn. Tính ra tới khoảng 160 bà. Tôi hài tên một số bà quen biết tại một số nước trên thế giới. Phần Bắc Âu, tôi chỉ nhắc sơ sơ. Anh Nguyễn Bá Trạc, tác giả cuốn “Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải”, đọc và thấy…nhức đầu. Trước đây anh sống tại San Jose, nay theo vợ về an hưởng tuổi già ở Turku, Phần Lan. Anh nhắc tôi phụ nữ làm lớn tại Phần Lan có nhiều, và chuyện hay cũng nhiều. Anh viết cho tôi như sau: “Còn vấn đề phụ nữ, anh nên tìm đọc về bà Tổng Thống Phần Lan thời 2000-2012, tên là bà Tarja Halonen. Đây là một bà già xấu xí mà tốt bụng, mùa hè thường đến nghỉ ở Turku nơi chúng tôi ở, bà ấy thường đi cái xe đạp lạch cạch trên đường quê một thân một mình. Nhưng với diện mạo quê mùa mà bà già đã sớm nhìn thấy thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, cần phải mở rộng tầm nhìn để thúc đẩy và tận dụng các sáng kiến. Bà ấy nói: "Thế giới toàn cầu hoá có thể sẽ tạo ra những thách thức mới, tuy nhiên có thể những sáng kiến mới sẽ là giải pháp cho những thách thức này. Mục tiêu tương lai của chúng ta là kết hợp xã hội phúc lợi với tính cạnh tranh. Đây không phải là hai khía cạnh đối lập mà có tính song hành". Ngoài ra chắc chắn anh sẽ có những phút giây vui vẻ khi tìm đọc về bà Sanna Marin, thủ tướng trẻ trung 35 tuổi với một nội các toàn phụ nữ, chịu khó gú gồn anh sẽ thấy nhiều chuyện thú vị để đọc và viết. Bà này thường mặc áo hở ngực và thản nhiên vạch vú cho con bú. Mẹ bà này là phụ nữ đồng tính. Bà này được hai bà mẹ đồng tính nuôi cho đến khôn lớn trưởng thành.


Phải cám ơn anh Trạc đã mách cho tôi biết tới những nữ lưu Phần Lan, một đất nước nhỏ bé, diện tích chỉ có 338.144 cây số vuông với dân số vỏn vẹn có 5 triệu 300 ngàn người. Bé nhưng là thứ bé hạt tiêu. Đứng hạng 10 thế giới về số người tốt nghiệp đại học với tỷ lệ 37%. Nhân đây cũng tạt qua Canada của chúng tôi một chút vì đất nước này đứng đầu thế giới về trình độ trí thức với 50% dân số có bằng đại học. Sản lượng GDP của Canada, tính theo đầu người là 39.070 đô trong khi Phần Lan là 36.585 đô. Dân Phần Lan là dân đẻ bọc điều vì được hưởng những phúc lợi cao trong một xã hội dân chủ xã hội, lo cho dân chúng từ khi nhỏ tới lúc về già, không một thành phần dân chúng nào bị bỏ rơi bên lề xã hội.


Tôi chưa bao giờ tới Phần Lan, đọc sách báo chỉ biết vậy. Muốn rõ hơn về đất nước này, lại phải nhờ tới anh bạn đang sống tại chỗ. Theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc trong Báo Cáo Hạnh Phúc Thế Giới, mấy năm nay Phần Lan liên tiếp đứng nhất, sau đó là Na Uy, Đan mạch, Iceland và Thụy Sĩ. Một số các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Anh cũng chỉ lần lượt xếp hàng thứ 18 và 19…Từ một quốc gia nghèo khó lại bị chiến tranh tàn phá, dân tộc này đã mau chóng tạo nên được một đất nước tuy nhỏ bé mà thế giới kính nể. Cuộc sống phồn thịnh. Phúc lợi được chia sẻ đồng đều cho dân chúng qua hệ thống an sinh xã hội. Y tế, giáo dục miễn phí. Gia cư và thực phẩm được bảo đảm cho toàn dân. Một nền dân chủ liên tục không rạn nứt. Một chính quyền trong sáng nhất thế giới. Một đất nước mà quyền con người và sự bình đẳng giữa con người được tôn trọng. Chỉ trong một thời gian ngắn Phần Lan đã đạt được nhiều thành quả trong các lãnh vực từ văn hóa, thể thao, đến kiến trúc, âm nhạc, giáo dục... trở thành một đất nước có nhiều sáng kiến cách tân nhất. Về kỹ thuật là một trong ba nền kinh tế khỏe nhất. Về sức cạnh tranh là quốc gia xếp hàng thứ hai ở Âu Châu. Tính theo dân số, họ có tỉ lệ kỹ sư cao nhất thế giới. Hệ thống giáo dục của Phần Lan đang khai triển những ứng dụng tân tiến nhất của kỹ thuật digital. Thế giới cũng đang thừa hưởng nhiều phát minh và kỹ thuật mà người Phần Lan đem lại”.


Một đất nước ngời sáng như vậy lại do các vị nữ lưu nắm giữ những vị trí cao nhất trong tổ chức chính quyền. Không phải một người mà nhiều người. Chức vị cao nhất là Tổng Thống. Anh Trạc đã nhắc tới bà Tổng thống Tarja Halonen, “một bà già xấu xí mà tốt bụng”. Bà là nữ tonton đầu tiên của Phần Lan, tại vị hai nhiệm kỳ, từ năm 2000 tới 2012. Bà sanh năm 1943, khi ngồi trên chiếc ghế cao nhất nước, mới 57 tuổi. Bà này đã công du tới Việt Nam từ ngày 21 đến 23 tháng 2 năm 2008.


Leo lên ghế tonton năm 57 tuổi mà bị anh Trạc gọi là bà già có là một điều oan ức không, chắc không. Vì nội các hiện nay của Phần Lan gồm phần lớn là nhũng bậc nữ lưu trẻ đẹp, chắc dưới mắt anh Trạc là hấp dẫn hơn. Tính tôi chắc cũng giống tính anh bạn nên vội chạy qua miền thanh xuân này cho mát mẻ. Nhất là được anh cho biết bà Thủ Tướng Sanna Marin mới 34 tuổi, “thường mặc áo hở ngực như tài tử, ngồi họp trong quốc hội lại thản nhiên vạch vú cho con bú”.


Chuyện bà Thủ Tướng thích mặc áo hở ngực, tôi có chú ý khi báo chí làm ầm ỹ vào tháng 10 vừa qua. Nói vậy để bàn dân thiên hạ biết là tôi cũng rất nhạy bén. Chuyện nổ ra khi tờ báo thời trang Trendi cho đăng bức hình bà Sanna mặc một chiếc áo vest khoét cổ khá sâu mà bên trong không mặc chi cả. Tấm hình được chụp ngay trong dinh thủ tướng. Một chính trị gia mà lộ liễu như vậy là chuyện hiếm có. Độc giả mặc sức vào phê bình. Phe bênh phe chống cứ loạn xà ngầu. Nhưng phe bênh coi bộ to mồm hơn. Họ bày tỏ sự ngưỡng mộ với “vẻ đẹp, sức mạnh và sự độc lập” của bà Thủ Tướng chịu chơi. Giới phụ nữ trẻ đổ xô nhau chụp hình với chiếc áo vest thoáng mát rồi bỏ lên mạng xã hội để ủng hộ nữ Thủ Tướng. Họ tạo cả một phong trào dưới tiêu đề imwithsana (Tôi Đứng Về Phía Sana), đua nhau khoe hình nhá nhá chút xíu cho mọi người tơ tưởng.


Chúng ta không ngạc nhiên với lối sống phóng khoáng này của bà Thủ Tướng trẻ tuổi nhất thế giới nếu biết bà được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ đơn thân đồng tính. Sau khi chia tay với ông chồng, bà đã sống với một phụ nữ đồng tính khác. Gia đình bà Sanna thuộc tầng lớp lao động. Bà Sanna là người đầu tiên trong gia đình có bằng Đại học.


Bà Sanna biết yêu từ năm 18 tuổi. Bà gặp ông Markus Raikkonen tại một quán rượu vào năm 2004 và tiếng sét ái tình đã xẹt liền. Cả hai đều sanh năm 1985. Kể với tạp chí Vogue, ông Markus cho biết là khi chợt thấy cô bé Sanna, ông đã thấy cô khác biệt với những người con gái đồng trang lứa. “Nàng trông khá nghiêm túc so với bạn bè đồng tuổi và rất chú ý tới chính trị”. Ngay năm sau, họ chuyển về sống chung tại vùng Tempere. Cả hai đều là những sinh viên xuất sắc. Chàng tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh Tế, tham gia quản lý nhiều công ty công nghệ trước khi trở thành Giám Đốc Truyền Thông của Học Viện Marketing Tempere. Chàng cũng có tí tài lẻ là đá bóng rất nhuyễn, cầu thủ của đội bóng Tempere cho tới năm 2008. Nàng Sanna tốt nghiệp ban hành chánh Đại học Tempere năm 2007. Khi mới 20 tuổi, Sanna đã tham gia các hoạt động chính trị. Năm 2012, bà được bầu vào Hội Đồng Thành Phố Tempere và trở thành Chủ Tịch Hội Đồng từ năm 2013 đến 2017. Gia nhập đảng Dân Chủ Xã Hội, Sanna được tham gia nội các chính phủ Phần Lan với chức vụ Bộ Trưởng Giao Thông và Vận Tải vào tháng 6 năm 2019.


Hoạt động bận rộn của hai người khiến họ chưa nghĩ tới chuyện tổ chức đám cưới tuy cả hai dự định sẽ phải làm việc này. Sanna tâm sự: “Tôi là con gái duy nhất của mẹ và tất cả những gì tôi có thể làm cho mẹ vui là tổ chức đám cưới. Bạn bè của chúng tôi cũng mong có dịp chung vui cùng chúng tôi trong một buổi tiệc cưới”. Chưa kịp cưới thì Sanna đã mang bầu và sanh con gái đầu lòng Emma Amalia vào tháng giêng năm 2018. Ngày 1/8/2019, họ tổ chức hôn lễ. Đám cưới chỉ có 40 người thân gồm gia đình và bạn bè tham dự vì bị hạn chế số người trong đại dịch. Cưới xong bà nhận chức Thủ Tướng. Ta gọi là đại đăng khoa lẫn tiểu đăng khoa! Bà Sanna đã từng nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ về tuổi tác hay giới tính mà chỉ nghĩ về điều đã đưa tôi tới với sự nghiệp chính trị và những điều mà từ đó chúng tôi giành được sự tin tưởng của cử tri”.


Trên thế giới hiện có ba thủ tướng trẻ, bà Sanna trẻ nhất. Hai người kia là Thủ Tướng Ukraine, ông Oleksiy Honcharuk, 35 tuổi và Thủ Tướng Tân Tây Lan, bà Jacinda Arden, 39 tuổi. Vừa trẻ, vừa đẹp, vừa tươi lại biết ăn diện, bà là cái đinh của Hội Nghị Thượng Đỉnh Âu châu họp tại Brussels, Bỉ, vào ngày 12/12, chỉ hai ngày sau khi bà nhậm chức.  Nguyên thủ các quốc gia xúm lại chúc mừng và làm quen với bà. Người mặn mà nhất với bà thủ tướng trẻ nhất thế giới là tonton Pháp Macron. Chuyện ông Macron xoắn xuýt với bà thủ tướng trẻ cũng phải thôi. Ông ít có dịp tiếp xúc với những người trẻ.


Nổi đình nổi đám như vậy nhưng bà Sanna không phải là nữ thủ tướng đầu tiên của Phần Lan. Trước đó đã có bà Anneli Jaatteenmaki, cầm quyền năm 2003, và bà Mari Kiviniemi, trụ được hai năm từ 2010 đến 2011. Hai bà này via hơn nhiều khi nhậm chức. Bà Anneli năm 65 tuổi và bà Mari năm 52 tuổi. Với số tuổi chỉ 34 khi nắm quyền bính trong tay, bà Sanna làm hơn hai bà tiền nhiệm vì có một dàn nữ bộ trưởng trẻ trung vui tính như bà. Dân Phần Lan gọi nhóm này là “Spice Girls”. Nói ra sợ làm mất lòng mấy ông ở Phần Lan chứ chính phủ của bà Sanna âm thịnh dương suy rõ rệt. Có tới 12 bà bộ trưởng trong khi các ông chỉ có 7 mống!


Chính trường Phần Lan rất đa dạng với 8 chính đảng hiện đang hoạt động. Vậy nên khi nhậm chức thủ tướng bà Sanna phải liên kết với 5 đảng khác để thành lập chính phủ. Năm chủ tịch của các đảng này đều là phụ nữ. Chủ Tịch đảng Trung Tâm là bà Katri Kulmuni, 32 tuổi, giữ chức Bộ Trưởng Tài Chánh. Lãnh đạo đảng Xanh, bà Maria Ohisalo, 34 tuổi, Bộ Trưởng bộ Nội Vụ. Bà Li Andersson, 32 tuổi, Chủ Tịch Liên Minh Cánh Tả, giữ bộ Giáo Dục. Bà Anna-Maja Henriksson, 55 tuổi, Chủ Tịch đảng Nhân Dân Thụy Điển, giữ chức Bộ Trưởng bộ Tư Pháp. Đảng Nhân Dân Thụy Điển? Tôi khựng lại. Sao lại có Thụy Điển ở Phần Lan? Tên bằng tiếng Thụy Điển của đảng này là Svenska folkpartiet i Finland (SFP). Đây là đảng đại diện cho quyền lợi của dân tộc thiểu số nói tiếng Thụy Điển tại Phần Lan. Tên đảng bằng tiếng Phần Lan là Suomen ruotsalainen kansanpuolue (RKP). 


Trong số các bà bộ trưởng trên, chỉ có bà Anna-Maja thuộc lớp nhiều tuổi, còn ba bà kia đều dưới tuổi 35. Tôi nhớ hồi ông tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ lập nội các chiến tranh, ông đã phán: trên 35 tuổi là hết xài. Vậy mấy bà này còn xài được!


Cựu thủ tướng Phần Lan, ông Alexander Stubb, đã phải xuýt xoa: “Đảng của tôi không có ghế trong chính phủ kỳ này nhưng tôi rất vui khi các lãnh đạo của 5 đảng trong chính phủ đều là phụ nữ. Điều này chứng tỏ Phần Lan là một đất nước hiện đại và tiến bộ. Phần lớn các thành viên trong nội các của tôi trước đây cũng đã là phụ nữ. Một ngày nào đó, giới tính sẽ không còn là vấn đề trong chính phủ nữa. Chỉ có sự tiên phong là đáng kể!”.


Phần Lan ngày nay là cái nôi ấm áp cho các bà hoạt động chính trị. Trong 200 ghế nghị sĩ của quốc hội đương nhiệm, các bà đã dành được 93 ghế, chiếm tỷ lệ 47%. Đây là một kỷ lục. Trước đây, vào năm 2011, số ghế của các bà là 85 ghế. Thời đó cũng đã được coi là kỷ lục. Theo như xếp hạng của tổ chức Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới thì không chỉ Phần Lan mà toàn thể các nước Bắc Âu khác như Iceland, Na Uy, Thụy Điển đều nằm trong số các nước dẫn đầu thế giới về thực hiện bình đẳng giới tính.


Chuyện các bà tại Phần Lan ngồi ngổn ngang trong các cơ chế công quyền không còn là chuyện đáng nói. Các bà đã dần dần chen bàn tọa vào chiếm chỗ của các ông. Chuyện nóng hổi bây giờ là chuyện các bà các cô nắm các chức vụ công quyền ngày càng trẻ. Điển hình không ai khác hơn là chính bà Thủ Tướng Sanna. Bà tham gia chính trị từ năm 20 tuổi. Chỉ hai năm sau, bà đã tranh cử chức đại biểu hội đồng thành phố Tempere nhưng trượt vỏ chuối. Không nản chí, bà tiếp tục hoạt động và đã chen được vào một ghế hội đồng và, ngon hơn nữa, trở thành Chủ tịch Hội Đồng thành phố Tempere vào năm 27 tuổi. Năm 2014, mới 29 tuổi, Sanna được bầu làm Phó Chủ Tịch thứ hai của đảng SDP và bước chân vào quốc hội một năm sau đó. Đường công danh của bà lên vùn vụt khi được bổ làm Bộ Trưởng Giao Thông và Vận Tải vào ttháng 7/2019, rồi Thủ Tướng vào tháng 12 năm 2019.


Chồng của Sanna, ông Raikkonen cũng đã ngạc nhiên khi sự nghiệp chính trị của vợ lên nhanh như diều gặp gió. Anh nói với báo Ilta-Sanomat: “Cả nhà đều mừng cho Sanna và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cô ấy”. Nhưng “cô ấy” không kiêu căng, vẫn nể trọng ông chồng. Cô viết trên mạng Instagram: “Tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn khi chia sẻ cuộc sống với người đàn ông tôi yêu. Chúng tôi đã đi bên nhau, cùng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn cũng như hỗ trợ lẫn nhau lúc khó khăn trước giông bão của cuộc đời. Chúng tôi đã sống bên nhau cả tuổi trẻ, cùng nhau trưởng thành và trở thành cha mẹ của cô con gái bé nhỏ. Em đã tìm được anh và cảm ơn anh đã luôn ở bên cạnh em”.


Ông chồng bà thủ tướng trẻ nhất thế giới đã luôn ở bên cạnh bà vợ danh tiếng nổi như cồn trên khắp hành tinh, còn các ông khác ở Phần Lan đã làm chi khi đất nước rơi dần vào tay các bà? Tôi chẳng quen ông nào ở Phần Lan ngoài ông Nguyễn Bá Trạc nên nắm áo ông này để hỏi đôi lời. Ông ngôn: “Ba năm nay Phần Lan được đánh giá là đất nước mà người dân được hạnh phúc nhất thế giới. Họ chỉ không nói tới những mùa đông dài lê thê, rét buốt cóng xương. Cho nên những lão già Việt Nam sống tại đây chỉ vào Facebook viết vài chữ cho vui rồi nhảy vô giường trùm chăn ngủ khò chớ không thể nào viết lách được cái chi”.


SONG YHAO

12/2020

WWW.songthao.com