Thursday, December 10, 2020

1868. NGUYỄN TƯỜNG GIANG Truyện ngắn THÀNH PHỐ

Thành phố lên đèn - dinhcuong
Oil on canvas, 30" x 40" - 5.2014

      Tôi ngồi một mình trong quán nước. Buổi chiều ngày cuối năm êm đềm, dịu dàng. Tôi ngồi thu mình trong góc, một người nào bỏ một đĩa nhạc rất buồn : The last rose of summer. Quán nước vắng người, một cặp tình nhân còn trẻ dựa đầu vào nhau, cô gái có mái tóc ngắn đến vai, đôi mắt trong sáng e thẹn tựa như muốn tan vỡ. Một người đàn ông ngồi trước ly bia ở bàn bên cạnh. Ly bia còn đầy, vàng óng ả. Ông ta để hai tay trên bàn, điếu thuốc cháy dở trên chiếc gạt tàn, những làn khói mỏng và ly bia chưa uống cạn. Người và vật như có vẻ chờ đợi một ai. Tôi ngó qua khung cửa rộng, những tấm kính kéo sát hai bên để lộ một khoảng trống ở giữa, từ xa người ta khó phân biệt được khoảng trống ở chỗ nào. Phía bên kia ngã tư, những thân cây trụi lá. Vườn hoa nằm nhô cao hơn mặt đường, nhũng bậc đi bằng xi măng xám nhạt, lẫn vào mầu gạch lát trên hè đường. Mái nhà chỗ để hòa nhạc công cộng nhô lên cao, vẽ một vệt thẳng trên nền trời. Nơi đây những ngày lễ, ban quân nhạc thường trình diễn những bản hòa tấu thời trang. Đám đông ngồi trên mặt cỏ, ồn ào và hỗn độn. Vườn hoa vắng lặng, cô đơn. Trên lối đi những chiếc lá đã trở mầu vàng úa. Chỉ có hai người đang đứng không trò truyện. Một con chó nhỏ, lùn, với bộ lông vàng mượt chạy quanh quẩn bên chân người đàn bà. Người đàn ông mái tóc đã bạc, chỉ còn thấy thấp thoáng mầu vàng hung như một vệt nắng tàn, miệng ngậm tẩu thuốc thô và lớn. Có lẽ họ sống xa quê hương đã lâu, và giờ đây không còn muốn trở về.

      Có biết bao nhiêu năm tháng đã đi qua, như hình ảnh mờ nhạt trên những tấm hình đã cũ. Chiều nay. Hai mươi năm như một giấc mơ. Con đường trước mặt tôi đã làm say mê cậu bé mới vừa qua bậc tiểu học, từ một tỉnh rất xa ở miền Bắc, ngày nào thả những bước chân bé bỏng và nghịch ngợm dọc theo hè đường, ngắm nghía hai mái cao vút của nhà thờ lớn, những bức tường nâu đỏ bằng gạch không trát xi măng, và xa kia, phía cuối con đường, mặt nước dâng lên lấp lánh như muốn tràn vào thành phố, thấm các phân tử nước vào bầu khí mát lạnh bởi lá cây. Quán nước này chắc đã có từ lâu, ngày nào cậu học sinh ở những năm cuối bậc trung học, bỡ ngỡ cùng vài người bạn nhỏ, còn ngồi suốt buổi chiều trong những chiếc ghế bành rộng mênh mông, cánh tay nhỏ bé không che nổi chỗ tựa bằng gỗ mun đen bóng, trong túi chỉ đủ tiền trả một ly trà nóng, món giải khát có lẽ rẻ tiền nhất nhưng ấm lòng biết bao. Thời gian không làm mòn được những tâm hồn lãng mạn, nhưng bàn ghế trong quán đã đổi dời nhiều. Theo với thời thế, những cột nhà tròn như thân cây đã bị cắt xén vuông vắn, và ai còn muốn tò mò nhìn vào những cột nhà mới sửa, thường chỉ thấy bóng mình buồn bã ngó nhau. Bàn ghế được nâng cao hơn, ý hẳn để chiều lòng một lớp người mới, ăn uống vội vã  và không bao giờ còn đủ thì giờ uống cạn một ly cà phê, dù pha rất nguội. Có một dạo người ta định đóng kín các khoảng trống bằng các tấm lưới đan mắt cáo, trông như những lồng sắt lớn trong vười nuôi thú. Cũng chẳng sao, vì lúc đó con người lúc nào cũng cảm thấy lo âu, sợ sệt như loài thú xa rừng. Nhưng cớ sao chiều nay ngồi đây, tôi lại cảm thấy gần gũi với cái không gian vắng lặng, lẻ loi này. Nơi đây, giờ như một người con gái về già, chỉ còn làm xúc động tấm lòng xót thương của những người tình cũ, những người tình một thời đã bị tàn nhẫn đuổi đi.

      Hình như tất cả những gì sắp mất, vĩnh viễn trong đời, đều làm cho lòng người mềm đi, đầy thương tiếc. Thời gian sắp hết của một năm, những giờ ngắn ngủi cuối cùng ấy khiến tôi buồn bã không đâu. Tôi ngồi nơi đây, tựa như đã ngồi từ bao nhiêu năm trước, và tôi không thể không nghĩ tới, lát nữa đây khi trở về nhà, tôi sẽ không bao giờ thấy lại những hình ảnh như trong một giấc mơ. Những xe cộ chạy trên đường im lặng, mặt đường sạch và mịn như được lót một lớp nhung đen. Đường phố vắng người và những cành hoa mai như nở hết những bông đẹp nhất trên tay cô gái âu yếm ngồi sau xe chồng, áp má vào lưng người yêu dấu, tóc bay theo gió. Chiếc xe chạy nhanh quá khiến những cánh hoa vàng yếu đuối bị thổi đi, lạc lõng trong bầu trời dịu mát, tựa như những cánh bướm non chập chững bay. Tôi chợt hiểu tại sao tôi không thể rời xa thành phố này. Thành phố như một cái nôi đã ấp ủ tôi bao nhiêu năm, đã đón tôi như đón một cánh bướm non. Có con đường nào tôi không từng đi qua, những quán nước tiệm ăn nào tôi đã cùng bạn bè và người yêu ngồi suốt thời niên thiếu. Ngôi nhà của mẹ tôi trong một ngõ hẻm tồi tàn, những nỗi đớn đau của cuộc tình tan vỡ. Đêm nào tôi còn đi lang thang khắp các hè đường, khóc nức nở một mình, sát mặt vào vỏ cây cho đến khi rướm máu. Bây giờ mẹ tôi đã chết, nhưng tôi cảm thấy mỗi phân vuông không khí trong thành phố này mẹ tôi đã thở, và tôi đang thở mỗi ngày luồng không khí ấm áp đi qua buồng phổi yếu đuối của bà. Có quá nhiều người trong thành phố, nhưng thành phố sống trong tim mỗi người như một nỗi mến yêu thầm kín, chôn dấu tận đáy lòng.

      Người bạn hẹn đã không đến thật. Ly cà phê uống gần cạn, phơi những cặn li ti như bụi dưới đáy ly. Buổi chiều nay ai cũng có quyền lỡ hẹn, thật không ai có thể đoán trước sự quyến rũ ấm cúng của gia đình, những tiếng động vui tai do những bàn tay dịu dàng gây ra, những món ăn tinh khiết bầy biện như tranh vẽ trên mặt bàn. Mùi trầm hương như hương thơm một triều đại cũ, một thời thanh bình đã qua. Một người bạn bước vào quán, những bước chân ngượng ngập. Tôi bắt tay người bạn, anh gọi một ly cà phê và mời tôi một điếu thuốc thơm. Hình như năm nào chúng tôi cũng gặp nhau ngày cuối năm, không hẹn trước. Tôi cũng không biết tên anh, nhưng những người ngồi trong quán nước này, trong thành phố đều như những người bạn dưới một mái trường. Chúng tôi ngồi nói chuyện về người bạn vắng mặt, sợi giây liên lạc vô hình thân thiết. Buổi chiều cớ sao buồn. Anh ngồi kể những kỷ niệm mờ nhạt khi anh nhập ngũ cách đây hai mươi năm, khi tôi còn là cậu bé học năm cuối bậc tiểu học, mộng ước lớn lao nhất là thi đậu vào một trường trung học lâu đời và truyền thống ngoài Hà Nội. Giờ đây anh ngồi cùng tôi, với một chân bị thương, không mộng ước. Đời sống bây giờ vây khốn anh thảm thiết, như ngọn lửa thiêu đốt chút than tàn: Quê nhà xa lắc xa lơ đó. Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay*. Một sự lỡ hẹn, một chút tâm sự buồn, chúng tôi như hai người bạn cố tri ngồi ở miền đất lạ, và sự cùng nhớ mong đến một miền đất khác làm chúng tôi yêu mến nơi chốn thảm thương này.

*

      Lan yêu dấu, có lẽ anh viết về thành phố chỉ là viết cho em. Buổi chiều nay anh đã đi qua cửa nhà em bao nhiêu lần, nhưng sự đau khổ giữ anh ở ngoài. Chúng ta đã tự hứa phải xa nhau là gì. Anh ngồi ở đây, giữa thành phố nhưng không có em. Em bé bỏng nằm bất động trên giường với xương vai bị gẫy. Bữa anh đến thăm em sau tai nạn do em gây ra, bông hồng độc nhất cắm trong bình hoa anh mua cho em đã héo, rũ những cánh đen thẫm như một người đàn ông cúi gập đầu buồn bã. Chiếc lá hồng đầy răng cưa lìa cành lẫn với mặt bàn xanh nhợt nhạt. Em đã tìm sự vô tận để xa anh, anh còn gì để gặp lại em. Anh đứng ở một góc phố, cảm thấy tất cả sự thê thảm của đời sống, của tình yêu. Ai cũng có lần phải lầm lẫn, nhưng không ai tha thứ, không có ai tha thứ  lỗi lầm đôi khi do chính mình gây ra. Thành phố và xã hội này đã bắt anh phải xa em, dương con mắt ngó và kết tội đôi ta. Thành phố này vừa có thêm một vết tích trong trái tim anh khốn khổ, như mũi tên mọc đầy gai nhọn, nhưng anh không thể đi xa. Thành phố đầy sự giả dối và thù ghét, như một người vợ già, nhưng mãi mãi ta không thể bỏ đi.

*

      Người bạn đã ra về. Tiếng máy xe nổ như tiếng thở than. Anh còn ngồi lại một mình, một mình giữa thành phố. Bên kia đường, vườn hoa vắng ngắt, những ngọn đèn hiu hắt thảm thiết như những ngọn nến trên quan tài. Không còn ai ở ngoài đường, không còn ai trong quán nước. Thành phố trần trụi trông tựa một nấm mồ.

 NGUYỄN TƯỜNG GIANG

*thơ Nguyễn Bính

 Đã đăng trong Tập San Văn Chương  Tập Thạch Ngữ, tháng 10/1974.