Friday, December 4, 2020

1859. Jonathan Safran Foer - Quận hạt thứ sáu



Ngày xửa ngày xưa, thành phố Nữu Ước đã từng có một Quận Sáu. Bạn sẽ không thấy sử sách nào nhắc nhở về nó, bởi vì chẳng có gì — ngoại trừ cái bằng chứng gián tiếp nơi Công Viên Thành Phố — để chứng minh ít ra nó đã từng ở đấy. Điều đó làm cho sự hiện hữu của nó rất dễ bị bác bỏ. Nhất là vào thời buổi này, khi thế sự khó lường, và chỉ nội cho qua truông với thì hiện tại cũng đủ làm người ta mệt nhoài. Nhưng dẫu cho hầu hết mọi người sẽ nói họ chẳng rỗi hơi để tin rằng Quận Sáu có thực, và không tin tưởng, họ vẫn cứ xài chữ “tin.”

 

Quận Sáu là một hải đảo, tách rời với Manhattan bởi một eo biển hẹp, nơi mà chỗ băng qua hẹp nhất ngẫu nhiên vừa vặn một bước nhảy xa kỷ lục, để duy nhất một người trên địa cầu có thể nhảy từ Manhattan qua Quận Sáu mà không bị ướt. Người ta mở tiệc ăn mừng vào dịp nhảy hàng năm. Bánh vòng bagel được xâu vào những sợi mì đặc biệt để chuyền từ đảo này tới đảo nọ, bánh rán samosa được lăn tròn tới những ổ bánh mì, rau salad được tung thảy như bông giấy confetti. Những đứa trẻ ở Nữu Ước bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh rồi thả trôi trên dòng nước giữa mấy quận hạt. Những con bọ từ từ ngộp thở, nhấp nháy liên hồi trong những giây phút cuối cùng của chúng. Nếu khéo canh, dòng sông lấp lánh đúng vào lúc người lực sĩ lao mình phóng qua.

 

Rồi khi thời điểm tới, người lực sĩ chạy băng ngang thành phố Manhattan. Cư dân Nữu Ước cổ vũ anh ta ở hai bên đường, từ cửa sổ nhà họ hay văn phòng, trên những cành cây. Và khi anh ta phóng mình lên cao, dân Nữu Ước reo hò từ các bờ của Manhattan và Quận Sáu, khen ngợi lực sĩ, và khen ngợi lẫn nhau. Trong cái khoảnh khắc lực sĩ còn lưng chừng giữa thinh không, mỗi cư dân cảm thấy như thể chính mình đang bay bổng.

 

Hoặc có lẽ chữ “lơ lửng” hợp tình hợp cảnh hơn. Bởi vì điều sảng khoái không phải là lực sĩ nhảy từ quận này sang quận kia thế nào, nhưng ở cung cách anh ta nán lại ở trên không lâu đến như thế.

 

Một năm nọ — nhiều năm về trước — đầu ngón chân cái của lực sĩ chạm mặt nước khua sóng lăn tăn. Thiên hạ nín thở, khi gợn sóng từ Quận Sáu lan về Manhattan, khiến những lọ thủy tinh đựng đom đóm chạm vào nhau kêu leng keng như tiếng phong linh.

 

“Chắc tại không may mắn lúc khởi đầu đấy!” một ông hội viên hội đồng thành phố Manhattan hô hoán từ phía bên kia bờ.

 

Lực sĩ gật đầu phủ nhận, dáng vẻ bối rối hơn là ngượng ngùng.

 

“Gió đã thổi tạt vào mặt bạn,” một ông hội viên hội đồng Quận Sáu, đưa tấm khăn lông cho lực sĩ lau chân.

 

Lực sĩ lắc đầu.

 

“Hổng chừng hồi trưa ảnh ăn no quá,” một khách hiếu kỳ nói với người kia.

 

“Hay có lẽ anh ta hết thời rồi chăng,” một người khác nói, người này dẫn con cái đi theo để xem trận nhảy.

 

“Tôi dám cá là anh ta không để hết tâm trí vào đó,” người khác nói. “Nhảy xa như vậy thì không thể không để hết tâm trí vào đó.”

 

“Không,” lực sĩ đáp lại tất cả những lời bàn tán. “Không phải vậy đâu. Tôi nhảy bình thường mà.”

 

Điều tiết lộ lan truyền trong đám đông tựa như làn sóng lăn tăn khi ngón chân chạm vào mặt nước, và khi ông thị trưởng thành phố Nữu Ước dõng dạc tuyên bố, mọi người thở dài đồng ý: “Quận Sáu đang trôi.”

 

Từ đó về sau, cứ mỗi năm vài ly, Quận Sáu trôi xa dần Nữu Ước. Một năm nọ, nguyên bàn chân người lực sĩ bị ướt đẫm, và những năm sau đó, cả cẳng chân, và nhiều nhiều năm sau — nhiều đến độ không còn ai nhớ cái thời vô tư mừng lễ hội ra sao nữa — lực sĩ đã phải dang rộng hai cánh tay để vói tới Quận Sáu, và rồi, buồn thay, anh ta đã không thể vói tới. Tám cây cầu nối liền giữa Nữu Ước và Quận Sáu bị kéo giãn dần ra và cuối cùng gẫy vụn, từng cây cầu rơi lả tả xuống nước. Những đường hầm bị kéo hẹp quá không còn đủ chỗ chứa cho bất kỳ thứ gì.

 

Những đường dây điện thoại và dây điện đứt ngang, buộc cư dân Quận Sáu phải trở lại với kỹ thuật lỗi thời, hầu hết giống như đồ chơi của trẻ con: họ hâm nóng thức ăn mua vội ở tiệm bằng kính lúp; họ xếp văn kiện quan trọng thành những máy bay bằng giấy và phóng từ cửa sổ văn phòng này sang cửa sổ văn phòng kia; những chiếc lọ đựng đom đóm trước đây chỉ để dùng trang hoàng trong dịp lễ hội, nay được trưng dụng trong mỗi căn phòng của mỗi nhà để thay thế bóng đèn nhân tạo.

 

Chính các nhà kỹ sư từng đối phó với Tháp Nghiêng Pisa nay được vời đến để lượng định tình hình.

 

“Nó muốn ra đi,” họ nói.

 

“Các ông bảo sao về điều đó?” ông thị trưởng Nữu Ước hỏi.

 

Họ trả lời, “Nói cũng bằng thừa mà thôi.”

 

Lẽ dĩ nhiên người ta cố gắng cứu vãn tình thế. Mặc dù chữ “cứu vãn” có lẽ không chính xác, khi mà quả thực nó muốn ra đi; có lẽ “câu lưu” thì đúng hơn. Họ buộc dây xích neo bờ các đảo, nhưng chẳng bao lâu những dây ràng đứt ngang. Họ đúc cọc bê tông quanh chu vi của Quận Sáu, nhưng cũng hoài công. Dây ràng không ổn, nam châm không ổn, ngay cả lời cầu nguyện cũng không được nhậm.

 

Những người bạn trẻ, điện thoại cho nhau bằng những lon thiếc và dây nhợ giăng mắc từ đảo này đến đảo kia, đã phải nối thêm dây nhợ, như thể nối cho những cánh diều bay lên cao mãi.

 

“Hầu như chẳng còn nghe được tiếng anh,” cô gái nói từ phòng ngủ ở Manhattan, khi cô nheo mắt nhìn qua ống nhòm của cha cô, ráng dõi tìm cánh cửa sổ nhà người bạn.

 

“Vậy thì anh sẽ phải hét to lên cho em nghe nhé,” bạn cô đáp từ phòng ngủ của cậu ở Quận Sáu, đang khi hướng viễn vọng kính — món quà sinh nhật năm ngoái — về phía nhà cô.

 

Sợi dây nối giữa hai người kéo dài ra một cách kinh ngạc, dài đến nỗi họ phải nối thêm nhiều sợi dây khác nữa: sợi dây yo-yo của cậu, sợi dây rút ruột búp bê biết nói của cô, sợi dây buộc cuốn nhật ký của cha cậu, sợi dây sáp xâu chuỗi ngọc trai của bà ngoại cô — sợi dây kết những hạt ngọc quanh cổ bà để chúng khỏi vương vãi trên sàn nhà, sợi chỉ may trên chiếc chăn bông thời thơ ấu của người cậu của cậu — sợi chỉ để phân biệt chiếc chăn bông với mớ giẻ rách. Kèm theo với mọi thứ họ đã chia sẻ với nhau là chiếc yo-yo, con búp bê, cuốn nhật ký, chuỗi hạt trai, và tấm chăn bông. Họ càng có nhiều chuyện để tâm sự chừng nào thì các sợi dây nhợ càng khan hiếm chừng nấy.

 

Cậu trai yêu cầu cô gái nói “Em yêu anh” vào chiếc ống lon của cô, không kèm thêm lời giải thích nào.

 

Và cô gái không hỏi tại sao, hoặc nói, “Kỳ quá” hay “Tụi mình nhỏ nhít biết gì yêu đương” hay ngay cả cho rằng cô nói “Em yêu anh” chỉ bởi vì cậu trai yêu cầu. Lời nói của cô truyền đi qua yo-yo, búp bê, cuốn nhật ký, tấm chăn bông, dây phơi đồ, quà sinh nhật, hạc cầm, bịch trà, ngọn đèn, cái vợt, cái gấu váy mà lẽ ra một ngày nào đó cậu sẽ tuột nó ra khỏi người cô. Cậu trai úp một cái nắp lên trên ống lon của cậu, tháo gỡ nó ra khỏi sợi dây, và cất tình yêu cô gái dành cho mình trên chiếc kệ bên trong tủ. Lẽ dĩ nhiên, cậu không thể nào mở nắp ống lon, bởi nếu làm thế cậu sẽ đánh mất những gì lưu giữ bên trong. Biết nó ở đó thôi cũng đủ rồi.

 

Một số người, như gia đình cậu trai, không rời khỏi Quận Sáu. Một số người bảo: “Tại sao chúng ta phải dọn đi cơ chứ? Quận hạt chúng ta đang yên vị; chính thế giới còn lại đang di chuyển. Hãy để họ rời khỏi Manhattan.” Làm sao chứng minh người như họ là sai nhỉ? Và ai lại muốn nhiễu sự?

 

Hầu hết đối với những cư dân ở Quận Sáu, dầu sao, chẳng còn hoài nghi mà không chấp nhận cái điều đương nhiên, giống như sự ngoan cố tiềm ẩn, hay là nguyên tắc, hay là sự can trường. Họ chỉ không muốn dời đi đâu cả. Họ thích sống như thế và không muốn thay đổi. Và như thế họ trôi xa dần, từng ly một.

 

Hết thảy đưa chúng ta trở lại với Công Viên Thành Phố.

 

Công Viên Thành Phố trước đây không phải như bây giờ. Trước đây nó nằm ngay trung tâm của Quận Sáu; nó là nguồn vui, là linh hồn của quận hạt. Nhưng một khi đã rõ mười mươi Quận Sáu đang trôi xa dần, rằng chẳng thể nào cứu vãn hay cầm giữ nó được, người ta quyết định, theo trưng cầu dân ý của thành phố Nữu Ước, phải cứu vớt công viên. (Phiếu bầu khuyết danh. Ngay cả người ngoan cố nhất cũng tán thành.) Những chiếc móc khổng lồ được khoan sâu vào lòng đất, và cư dân Nữu Ước hì hục kéo, tựa như kéo lê chiếc thảm trên sàn, công viên từ Quận Sáu vào Nữu Ước.

 

Trẻ nhỏ được phép nằm trên công viên lúc nó bị kéo lê. Điều này xem như một sự nhượng bộ, mặc dù chẳng ai biết vì sao sự nhượng bộ là cần thiết, hay tại sao lại phải khoan nhượng với bầy trẻ. Đêm hôm đó lễ hội pháo bông lớn nhất trong lịch sử chiếu sáng bầu trời Nữu Ước, và Dàn Nhạc Viện thả giàn trình diễn.

 

Những đứa trẻ con Nữu Ước nằm ngửa, kề sát bên nhau chật kín công viên như thể nó đã được sắp đặt cho chúng ngay vào khoảnh khắc ấy. Pháo bông rơi rắc, tan hòa trên không trước khi chạm mặt đất, và đám trẻ con được kéo dần, từng ly từng khắc một, vào lãnh địa Manhattan và tuổi thành niên. Khi công viên yên nghỉ ở vị trí hiện thời, mỗi đứa trẻ con đã say ngủ, và công viên là những nét chạm khảm trong giấc mộng của chúng. Một số reo hò, một số mỉm cười trong vô thức, một số hoàn toàn tĩnh lặng.

 

Quả thực có một Quận Sáu không nhỉ?

 

Chẳng có bằng chứng phủ quyết nào cả.

 

Không có gì có thể thuyết phục một người không muốn được thuyết phục.

 

Nhưng có vô số manh mối giúp cho những người muốn tin có thể bám víu vào niềm tin của họ: trong hồ sơ sỏi đá của Công Viên Thành Phố, trong lượng chất kiềm bất thường của hồ nước, trong những hầm hố nơi sở thú (trùng hợp với những lỗ hổng để lại của những chiếc móc câu khổng lồ đã kéo lê công viên từ quận này sang quận khác.)

 

Trên một thân cây — chỉ cách 24 sải chân về hướng đông từ cổng đi vào đến vòng quay ngựa gỗ merry-go-round — có khắc hai tên họ. Danh tánh không hề in trên bất kỳ quyển niên giám điện thoại hoặc lưu trữ trong bản thống kê dân số nào. Những tên họ vắng mặt trong tất cả các hồ sơ bệnh viện, sở thuế và văn phòng bầu cử. Tuyệt nhiên không có bằng chứng nào về sự hiện hữu của những danh tánh này, ngoại trừ sự tuyên xưng của chúng trên thân cây.

 

Đây là sự thực hiển nhiên: không dưới 5 phần trăm những tên họ khắc trên thân cây trong Công Viên Thành Phố đều không có lý lịch nguồn gốc.

 

Khi tất cả những giấy tờ của Quận Sáu đã trôi theo Quận Sáu, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể chứng minh rằng những tên họ đó thuộc về cư dân Quận Sáu, và chúng đã được khắc khi Công Viên Thành Phố còn ở đó, thay vì ở Manhattan. Bởi thế một số người tin những tên họ đó là giả tưởng và, nghi hoặc xa xôi hơn, rằng nghĩa cử yêu đương là hão huyền. Những người khác tin vào những chuyện khác.

 

Nhưng khó khăn cho bất kỳ ai, kể cả những người đa nghi nhất trong đám người hay phê bình chỉ trích, khi ở Công Viên Thành Phố dù chỉ dăm ba phút, mà không cảm thấy mình đang trải nghiệm một thì nào đó cộng hưởng với thì hiện tại. Cơ hồ đó là nỗi hoài niệm về những gì quá vãng, hoặc là niềm hy vọng vào những gì sẽ đến trong tương lai. Hay phải chăng đó là tàn tích của những giấc mơ trong đêm di tản công viên, khi tất cả những đứa trẻ con ở Nữu Ước đang đồng loạt vận dụng cõi vô thức của chúng. Dường như chúng ta thương tiếc những gì chúng đã mất, và ước mơ những gì chúng khao khát.

 

Có một lỗ thủng tầy đình ngay giữa Quận Sáu nơi mà Công Viên Thành Phố từng tọa lạc. Khi hải đảo trôi qua địa cầu, tuồng như một chiếc khung ảnh, để lộ những gì nằm bên dưới.

 

Quận Hạt Thứ Sáu giờ đây nằm ở Nam Cực. Những lề đường vùi lấp trong băng giá, cửa kiếng màu của thư viện nay đang chĩu nặng tuyết. Những vòi nước phun đóng băng trong những công viên băng giá, nơi những đứa bé đóng băng ngồi trên ghế xích đu đang ở trên đỉnh cao — những sợi dây thừng giữ chúng lơ lửng trên cao. Tiếng tíu tít của những cậu bé Do Thái băng giá đang đóng băng, cũng như những sợi tóc băng giá của những mái tóc giả băng giá của những người mẹ đang đóng băng. Những con ngựa màu nâu sẫm phi nước kiệu đang đóng băng, những người bán hàng chợ phiên kèo nài giá cả đang đóng băng, những thiếu phụ đóng băng giữa tuổi thanh xuân. Những búa gõ của những vị thẩm phán đóng băng lưng chừng giữa phán quyết có tội và vô tội. Trên mặt đất là những mẫu thủy tinh của những hơi thở đầu tiên của những hài nhi mới chào đời, và của những hơi thở cuối cùng của kẻ hấp hối sắp lìa đời. Trên chiếc kệ băng giá, trong một tủ áo đóng kín băng giá, có chiếc lon chứa đựng một âm thanh.

 

 

Jonathan Safran Foer | Yên Nhiên chuyển ngữ