Thursday, December 3, 2020

1857. THỤY KHUÊ Tự Lực Văn Đoàn - Văn Học Và Cách Mạng (5)


5- Nhất Linh và Phong Hóa

Phong Hóa số 14, ra ngày 22-9-1932, được coi là tờ báo đầu tiên của Tự Lực văn đoàn. Tuy nhiên sự thay đổi, như ta đã thấy trong chương Khái Hưng và Phong Hóa, bắt đầu từ trước.

Ngay từ số 11 (25-8- 32), Phong Hóa đã đổi dạng từ tạp chí sang nhật trình, theo kiểu Phong Hóa số 14 (22-9-32): Bỏ tranh bià, in 4 trang lớn, giá 8 xu. Trang nhất đăng bài quảng cáo sau đây:

"Một sự cải cách lớn của báo Phong Hóa

Phong Hóa tuần báo tạm ra 4 trang giá bán 0p.03 [3 xu][1] để đủ thời giờ dự định một cuộc hoán cải rất lớn lao.

Vài tuần nữa tờ báo Phong Hóa sẽ được vừa lòng độc giả về hết các phương diện văn chương, mỹ thuật, tư tưởng.

Xin độc giả vững tâm chờ đợi. Phong Hóa tuần báo sẽ không phụ tấm lòng yêu mến của độc giả."

Tiếp tục quảng cáo như thế trên số 12 (1-9-1932). Số 13 (8-9-1932), in thêm khẩu hiệu: Một cuộc hoán cải lớn lao trong báo Phong Hóa! Một sự lạ trong làng báo! Một cái mới!

Và có lời Kính cáo độc giả: Báo Phong Hóa tạm nghỉ một kỳ (15-9) để có đủ thời giờ sửa soạn số ngày 22 Septembre.

Ngày 22-9-1932, Phong Hóa số 14 ra đời.

Chấm dứt thời kỳ độc diễn của Khái Hưng. Nhất Linh xuất hiện với nhiều ngòi bút mới. Ê-kíp làm việc trong một tháng để hoàn thành số ra mắt.

Trang đầu Phong Hóa số 14

Những thành viên của Tự Lực văn đoàn đều có mặt trên số 14 này: Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Tú Mỡ, trừ Thế Lữ, đến sau.

Từ số 14 (22-9-1932) đến số 20 (4-11-1932), trong hai tháng, qua 8 số báo hàng tuần, Phong Hóa đã, từng bước, từng bước, dấn thân vào việc cải tiến xã hội, chối bỏ cái cũ, cái hủ lậu để bước vào thời đại mới, xây dựng nền văn chương quốc ngữ, hiện đại hóa tiểu thuyết ở miền Bắc, mà Hồn bướm mơ tiên là tác phẩm khởi đầu.


Sự đổi mới của Phong Hóa

Phong Hóa số 14, khổ nhật trình, 8 trang, giá 7 xu[2]. Trang nhất, trên đầu báo đề hai địa chỉ: Toà soạn: 25 Boulevard Henri d’Orléans [nay là Phùng Hưng] và Trị sự: 1 Boulevard Carnot; cùng với tên ba người: Fondateur Directeur politique: Nguyễn Xuân Mai. Directeur: Nguyễn Tường Tam. Administrateur gérant: Phạm Hữu Ninh. (Sáng lập và Giám đốc chính trị: Nguyễn Xuân Mai. Giám đốc: Nguyễn Tường Tam. Quản lý Trị sự: Phạm Hữu Ninh).

Nguyễn Tường Tam đổi mới tờ báo từ hình thức đến nội dung: phong phú, hấp dẫn, nhiều hý họa và minh họa. Ông đã thực hiện được ý định muốn có một tờ báo như tờ Le Rire (Tiếng Cười) của Pháp[3].

Nguyễn Tường Tam có hai em hậu thuẫn: Nguyễn Tường Long, làm tham tá lục sự ở trong Nam, ra Bắc, xuất hiện trên số 14, ký tên Tứ Ly và Tòng Lương [Tường Long nói lái], Thạch Lam, con thứ sáu trong gia đình Nguyễn Tường, góp mặt trên số đầu với một truyện rất ngắn, ký tên TL [Tường Lân viết tắt]. Tú Mỡ, quen Nhất Linh vì làm cùng sở tài chính từ cuối năm 1923, được mời phụ trách mục thơ trào phúng trên báo cùng với Bán Than (Khái Hưng).

Từ trước đến nay, người ta vẫn tưởng: Nhất Linh mua lại tờ Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh, và có sự gián đoạn lớn giữa tờ báo của ông Ninh và tờ Phong Hóa. Nhưng không phải vậy, Phong Hóa từ số 1 đến số 14 là sự liên tục về mặt quản trị và biên tập, như chúng tôi đã trình bày trong những chương trước: hai hạt nhân đầu của Tự Lực văn đoàn là Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí, làm Phong Hóa với sự trợ giúp phương tiện của hai ông Nguyễn Xuân Mai và Phạm Hữu Ninh. Khi nhận được tiền di tặng của Leung-Fat-Fa Nguyễn Văn Tiên, từ số 11, Phong Hóa mới thông báo cùng độc giả dự định đổi mới, qua hai số chuyển tiếp 12 và 13, Phong Hóa hoàn toàn đổi mới từ số 14.

Nhất Linh tổ chức lại tờ báo, phát triển những mục mà Khái Hưng đã tạo ra từ số 1, mời thêm người viết, mở rộng những mục cũ, tạo mục mới, xác định đường hướng của tờ báo, dùng hý họa và văn chương tấn công vào thành trì cổ hủ và lạc hậu của đạo Nho và sự thối nát của guồng máy thuộc địa. Sau khi Phong Hóa bị đóng cửa ở số 190, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí mở thêm mặt trận tranh đấu chính trị: đòi hỏi tự do dân chủ, trên báo Ngày Nay, kể từ số 16 (12-7-1936).

Nhất Linh cải tiến Phong Hóa

Nhất Linh cải tiến Phong Hóa bằng cách: Phát triển những mục cũ do Khái Hưng đặt ra và thêm vào những mục mới:

- Bài xã luận có từ số 1, luôn luôn ký trên Trần Khánh Giư. Đó là bài chính, dài, ở trang đầu, dùng nhiều thể loại khác nhau, chủ đề khác nhau, coi như văn bản "chỉ đạo" của chủ bút; từ số 11, bài xã luận này được thu gọn lại, in ở cột báo đầu cùng, bên trái.

Từ số 14 trở đi, trở thành bài viết ngắn, in nghiêng, mục đích cổ vũ hay giải thích chủ trương, chủ đề của số báo, do Nhị Linh (Khái Hưng), Nhất Linh, và Tứ Ly (Hoàng Đạo) phụ trách.

- Mục Thực hay hư, có từ số 2, chưa ký tên. Từ số 3 trở đi ký những tên khác nhau của Khái Hưng, như Nghịch Nhĩ Đào Đình Dù, Sào Phủ, Hứa Do, Tô Tô Phôn[4].

Đến số 14, Nhất Linh chia mục này thành ba mục: Từ nhỏ đến lớn (nói về việc), Từ cao đến thấp (nói về người) (sau sẽ chập làm một, lấy tên Người và Việc) và Bàn ngang (nói ngược). Ba mục này giao cho Tứ Ly (Hoàng Đạo) phụ trách.

- Mục Tin nước Nam và thế giới có từ số 1, không ký tên. Đến số 14 đổi thành Những việc chính cần biết trong tuần lễ này, số đầu do Thiện Căn viết, đây là bút hiệu của Hoàng Tích Chu. Sở dĩ Nhất Linh, Khái Hưng mời Hoàng Tích Chu bởi vì ông là một trong những nhà báo tân tiến đầu tiên của Việt Nam, đã đi Pháp hai lần, học nghề báo, trước Nhất Linh. Với chủ trương thay đổi văn chương quốc ngữ, Phong Hóa cần Hoàng Tích Chu. Chẳng may Hoàng Tích Chu mất sớm (25-1-1933) ở tuổi 36, nên ông chỉ viết cho Phong Hóa có hai vở kịch và một bài phóng sự, nhưng ông đã để lại dấu ấn sâu đậm. Chúng tôi sẽ trở lại với Hoàng Tích Chu trong một chương sau.

- Mục Hài văn có từ Phong Hóa số 1, do Khái Hưng viết, ký Quần Đệ Tử từ số 1 tới số 7; số 8 ký Bán Than; số 9 ký Bi Thời Khách. Từ số 10, đổi tên thành Nụ Cười, vẫn do Khái Hưng viết, ký tên Lão Ôn; số 11 và 12 ký tên Nhà Nho; số 13 ký tên Ba Phải. Đặc biệt trong số 6, có bài thơ phỏng Chinh Phụ Ngâm: Lời than của chị em dưới sóm [xóm] của Quần Đệ Tử, rất hay.

Từ số 14, mục Hài văn đổi thành Vui… Cười… do nhiều người viết, đôi khi cả độc giả cũng tham dự.

- Mục Khoa học có từ số 1.

- Mục Văn đàn có từ số 1 do Khái Hưng viết dưới những bút hiệu khác nhau, như: Phong Hóa, Đào Thiện Ngôn, Kỳ Hoa, Thảo Thượng Phong, Ngô Đình Chiên, Trần Lang và TKH (Trần Khái Hưng), chuyên dịch thơ, dịch văn và sáng tác.

Kể từ số 14, Văn đàn đổi thành Văn học, vẫn do Khái Hưng phụ trách dưới bút hiệu Văn Lực.

Ngoài ra, Nhất Linh đưa thêm vào hai mục mới:

- Giòng nước ngược, thơ trào phúng, do Tú Mỡ phụ trách, thỉnh thoảng có thơ của Bán Than (Khái Hưng).

- Mục Những hạt đậu dọn, do Nhát Giao [Dao] Cạo (Khái Hưng) nhặt sạn chữ nghiã trên các báo khác.

Phong Hóa số 14 có những bài sau đây:

Xã luận: Biết dân quê… của Nguyễn Đông Sơn (Nhất Linh), nội dung bênh vực dân quê. Mục Văn Học có bài tiểu luận bàn về thi ca, tựa đề Thơ của Văn Lực (Khái Hưng). Mục Khoa học có bài Giống tôm ở nhờ của Văn Ký. Mục Những việc chính cần biết trong tuần lễ này của Thiện Căn (Hoàng Tích Chu).

Phần hý họa gồm có: Tranh Người An Nam mình kinh doanh của Đông Sơn. Tranh Mồm mép hàng giầy của Tô, với nhân vật hình dạng giống Lý Toét, nhưng chưa đề tên. Tranh Giậy khôn của Nal, [có khi ký Nul (Số Không) hay Tú Nuy (tạm dịch là Truổng Cời)]. Tranh Nhà giáo quen tay của Tứ Ly. Ba tranh Trong vườn bách thú, Một ngài nhãng trí, Hai ngài nhãng trí, và tranh minh họa truyện ngắn Kong-Ko Đai-Jin của Khái Hưng đều ký tên Mac. Truyện hài hước bằng tranh Ông Hàn đi săn… Ông Hàn kể truyện, không ký tên. Tranh Ông Nguyễn Khắc Hiếu với việc đời, của Tứ Ly giễu Tản Đà say rượu, đi kèm với bài thơ: Trời đầy Nguyễn Khắc Hiếu của Bán Than.

Phần sáng tác gồm có: Truyện ngắn Nùng Chi Lan của Tòng Lương (Tường Long nói lái). Mục Văn vui có truyện Lệ Hồng quyên sinh của T.L (Tường Lân). Truyện ngắn Kong-Ko Đai-Jin của Trần Khánh Giư (Khái Hưng). Truyện trinh thám: Giết chồng… báo thù chồng của Ngô Tâm Tư (Nhất Linh). Mục Giòng nước ngược với ba bài thơ Tự thuật, Kiệu bay, Thi lấy được của Tú Mỡ và bài Phụ nữ với quần vợt của Bán Than.

Phong Hóa 14 là số ra mắt, Tự Lực văn đoàn muốn "phô trương lực lượng" với số tranh hài hước kỷ lục, bài viết phong phú, chủ đích giới thiệu các ngòi bút mới và trình bày hai yếu tố hài hướcvăn chương như cốt lõi của tờ báo.

Phong Hóa số 15 (29-9-1932), có chủ đề đả phá sự sầu thảm với ba sự kiện đáng chú ý:

- Lần đầu tiên Trần Khánh Giư ký T. Khái Hưng. Nguyễn Tường Tam vẫn ký Ngô Tâm Tư.

- Lần đầu tiên có tên Việt Sinh, bút hiệu của Thạch Lam trên Phong Hóa.

- Lần đầu tiên có hình Lý Toét trên báo, ở đầu mục Vui Cười, ký DS (Đông Sơn).

Bài xã luận: Sầu thảm nhiều rồi của Việt Sinh, công kích lối văn lâm ly đẫm nước mắt đang thịnh hành thời đó, như Tuyết Hồng lệ sử, Tố Tâm, v.v. Tranh hài hước Một đám ma vui, trên trang nhất, của Đông Sơn, đưa tiễn những tác phẩm sầu thảm, hậu thuẫn cho bài của Việt Sinh. Tứ Ly trong mục Từ cao đến thấp chế giễu chuyện cô gái Bắc Ninh lên Hà Nội tự tử, Bán Than phụ họa với bài thơ Nước Hồ Gươm trong Giòng nước ngược châm biếm chuyện tự hủy mình. Khi một "chủ đề" được đưa ra, ở đây là "văn chương sầu thảm" và bị "đánh hội đồng" như thế thì "khổ chủ" khó ngóc đầu lên được, đó là chiến thuật của Nhất Linh trên Phong Hóa: một khi đề đã ra rồi, anh em mặc sức tấn công bằng tranh và lời.

Phần sáng tác có truyện ngắn Tiếng chó sủa của Ngô Tâm Tư, chuyện hai vợ chồng đào của, lối viết còn khá thô sơ. Truyện ngắn Đi Nam Kỳ của T.K.G. (Khái Hưng) do Tứ Ly minh họa, cũng chưa có gì mới. Nhưng truyện ngắn Cái thù ba mươi năm, của T. Khái Hưng, bút hiệu này lần đầu tiên ra mắt độc giả, đã xác định một phong cách truyện ngắn có cấu trúc chặt chẽ, ngôn ngữ điêu luyện.

Phong Hóa số 16 (6-10-1932): Bút hiệu Nhất Linh xuất hiện lần đầu, dưới bài tiểu luận Nam nữ bình quyền và bài thơ Điệu thơ cụt. Nhưng truyện ngắn vẫn ký Ngô Tâm Tư.

Trong số này có bài xã luận Tinh thần khủng hoảng của Tòng Lương (Tường Long) nói về vấn đề thanh niên bị khủng hoảng tinh thần vì muốn bỏ cái cũ mà chưa thu thập được cái mới.

Bài tiểu luận Nam nữ bình quyền của Nhất Linh, nhìn cái tựa, ta tưởng Nhất Linh bênh vực phụ nữ, hóa ra không. Theo ông, người chồng (hống hách), thật ra chỉ là Giám quốc bù nhìn. Chị em mới thực nắm chức Thủ tướng, ông viết: "bọn đàn ông có quyền bao nhiêu cũng vẫn chưa đủ đàn áp được cái thân liễu yếu, chỉ nhờ cái "yếu" ấy mà sức mạnh vô song". Có thể do kinh nghiệm gia đình chăng? Mẹ và vợ ông đều là những "thủ tướng". Nhưng không phải gia đình nào người đàn bà cũng làm thủ tướng! Bài này đi đôi với hý họa Nam nữ bình quyền, vẽ người đàn ông đánh phấn, không ký tên, chắc cũng của Nhất Linh.

Truyện ngắn Cái hoa chanh của Ngô Tâm Tư hay hơn truyện Tiếng chó sủa trong số 15.

Và truyện ngắn Sóng gió Đồ Sơn của T. Khái Hưng đã thấp thoáng không khí lãng mạn Tự Lực văn đoàn.

Cũng trên Phong Hóa số 16, lần đầu Nguyễn Tường Cẩm, anh Nhất Linh, viết bài Thomas Bata, nhà đóng giầy trứ danh mới từ trần.

Phong Hóa số 17 (13-10-1932) có tranh Đồng tử quân của Đông Sơn, vẽ một đội quân đồng tử (cùng chết) cầm ống thuốc phiện thay súng xông trận cảm tử. Có truyện ngắn Tiếng gọi cõi âm của Ngô Tâm Tư, do Cô Tô minh họa và truyện ngắn Cái thống đời Tống của T. Khái Hưng do Tứ Ly minh họa.

Đặc biệt là bài Để còn hỏi ông nghè Nguyễn Mạnh Tường của Văn Lực (Khái Hưng), tác giả hỏi ý kiến ông tiến sĩ văn chương về việc đổi mới văn chương quốc ngữ, có nên lấy chữ Hán hay chữ Pháp làm mẫu, theo lối Ronsard, thế Kỷ XVI, đã cải cách thi ca Pháp, và Corneille, Racine, Molière, thế Kỷ XVII, chấn chỉnh bi kịch và hài kịch, đều lấy văn Hy La làm mẫu không?

Phong Hóa số 18 (20-10-1932) có truyện Tình tuyệt vọng của Khái Hưng do Tứ Ly minh họa, và bài thơ Tình tuyệt vọng Khái Hưng dịch Arvers. Với bài thơ này, Khái Hưng đã nổi tiếng trên văn đàn, trong nhiều thập niên, vì tính cách lạng mạn "mới" không than khóc, phù hợp với tâm trạng thanh niên nam nữ lúc bấy giờ.

Đặc biệt có bài Trường Mỹ thuật Đông Pháp, không ký tên, nhưng chắc của Nhất Linh. Bài này cho biết nhiều nét về trường Mỹ Thuật Đông Dương trong những ngày đầu, mà chỉ Nhất Linh, đã từng học qua, mới có thể viết được. Đây là bài đầu tiên viết về trường Mỹ thuật trên Phong Hóa. Chúng tôi sẽ trở lại với trường Mỹ thuật Đông Dương, trong một chương khác.

Bài Bàn về quốc văn của Nguyễn Mạnh Tường trả lời bài Văn Lực đã đăng trong số 17, có nhiều ý kiến rất hay, chúng tôi cũng sẽ trở lại với Nguyễn Mạnh Tường trong một kỳ tới.

Trong số 18 này, lần đầu tiên có truyện ngắn Cái bánh ngọt của Trần Tiêu, em ruột Khái Hưng, và cũng là lần đầu tiên có tranh của Trần Quang Trân, ký Ngạc Mai.

Phong Hóa số 19 (27-10-32), có bài xã luận Tiếng cười của Nguyễn Tường Cẩm, anh ruột Nhất Linh, là bài viết thứ hai của ông, rồi ngừng. Có tranh Ấy họ đá… nhau, chế giễu cảnh đá banh của Tứ Ly. Ba Ếch xuất hiện lần đầu trong truyện Ba Ếch đi xe hoả. Có truyện ngắn Ada Kwaben của Khái Hưng, vở hài kịch D.P.T.M.N.T.U.T.A.H.T.T.H. hay là hội Ausecourfem của H.T.C. (Hoàng Tích Chu), cùng bài Nguyễn Mạnh Tường trả lời Văn Lực (Khái Hưng).

Phong Hóa số 20 (4-11-1932), tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên xuất hiện lần đầu trên Phong Hóa, mở một kỷ nguyên mới: Tự Lực văn đoàn đã hoàn tất giai đoạn hình thành để bước sang giai đoạn phát triển. Từ nay Phong Hóa trở thành tờ báo lớn nhất đất Bắc, có ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách văn chương và sự đổi mới xã hội ở trong nước.

Những họa sĩ vẽ tranh hài hước

Về tranh, từ Phong Hóa số 4 đến số 12, ngoài vài tranh không ký tên, số nào cũng có tranh ký tên H.bat. Rồi từ số 13 trở đi, xuất hiện nhiều tên khác. Phải chăng tất cả những tranh đó đều của Nguyễn Gia Trí?

Tuy nhiên, Phong Hóa có tranh bìa ký tên Đông Sơn chữ Hán từ số 2 và số 3, có một hý họa ký tên Đông Sơn chữ quốc ngữ, mà trên nguyên tắc, lúc đó Nhất Linh chưa "vào", vậy ai vẽ? Nguyễn Gia Trí hay Nhất Linh? Nếu là tên chung của hai người thì lúc nào trở thành tên riêng của Nhất Linh?

Phong Hóa số 14, trên trang nhất, có hý họa "Người An Nam mình kinh doanh" ký tên Đông Sơn, vẽ một chiếc xe hàng khốn khổ, chất lèn hành khách và hàng hóa đồ đạc lên tới mui xe. Tranh này được coi là của Nhất Linh.

Khi làm Phong Hóa, ban đầu chắc Nhất Linh chỉ có chủ đích dùng tranh hài hước để giải trí và thu hút độc giả, chế giễu những cái cổ hủ của nhà nho, những cái lỗi thời trong phong tục (chủ trương này bị nhiều người hiểu lầm và đánh giá sai). Nhưng dần dần, tranh và văn hài sẽ chuyển sang chống chế độ quan trường thối nát. Trên Phong Hóa số 150 (24-5-1935) Tứ Ly trong mục "Những cuộc điều tra phỏng vấn không tiền khoáng hậu – Đi xem mũ cánh chuồn, đã phỏng vấn giả tưởng Tổng đốc Vi Văn Định, sau đó bị đóng cửa ba tháng. Từ đó, tranh biếm họa trên Phong Hóa thẳng thừng ra mặt chống thực dân mà Nguyễn Gia Trí là "thủ phạm" chính.

Nguyễn Cát Tường là người vào Phong Hóa rất sớm, đã vẽ trên Phong Hóa từ số 13 (8-9-1932), ký tên A.S. Lemur[5] có thể vì còn là học trò, không được quyền vẽ báo và ký tên như một họa sĩ chuyên nghiệp. Sự kiện này giải thích tại sao Nguyễn Gia Trí trong thời gian từ 1932 đến 1936, thường vẽ tranh không ký tên, hoặc ký tên lung tung, không giữ tên nào rõ ràng và lâu dài. Nguyễn Cát Tường chỉ trở lại Phong Hóa từ số 27 (23-12-1932).

Bắt đầu từ Phong Hóa số 18 (20-10-1932), có tranh của Trần Quang Trân ký Ngym.

Tiếp đến các họa sĩ Trần Bình Lộc, Nguyễn Tường Lân (hoạ sĩ, trùng tên với Thạch Lam), Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn, v.v.

Trên số 1, Khái Hưng chưa chủ trương đem tranh hài hước vào Phong Hóa. Phải đến khi Nhất Linh xuất hiện, hý họa mới thực sự trở thành phong cách thể hiện đời sống, phê bình xã hội và lôi cuốn độc giả. Từ số 14 đến số 20, Nhất Linh, Nguyễn Gia Trí, và Tứ Ly là ba họa sĩ chính đảm nhiệm các bức hý họa và minh họa trên Phong Hóa, tạo thành một "lực lượng" chống phá thành trì cổ hủ, phụ họa với ba ngòi bút châm biếm và hài hước: Tứ Ly, Tú Mỡ và Bán Than (Khái Hưng).

"Lực lượng" này đã được Thạch Lam thống kê trên Phong Hóa 154 (20-9-1935), số kỷ niệm ba năm Phong Hóa như sau: Từ số 14 đến số 154, Phong Hóa ra được 139 số báo, 2224 trang; với 1.390 tranh hoạt kê; 832 tranh minh họa; tổng cộng 2224 tranh.

Tại sao Phong Hóa lại có thể "sản xuất" ra một lượng tranh hùng hậu như thế? Là do thế này: Giám đốc Phong Hóa Nguyễn Tường Tam, học trường Mỹ Thuật Đông Dương khoá đầu (1925) cùng với: Nam Sơn, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Mai Thứ, Lê Văn Đệ… được hơn một năm thì bỏ; nhưng ông vẫn được coi là họa sĩ "toàn diện": Ông ở trong danh sách ban giám khảo chấm giải cho phòng triển lãm 1935, cùng với: giáo sư Tardieu, các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nguyễn Nam Sơn, Trần Quang Trân, Trần Văn Cẩn, Trần Bình Lộc, v.v. (Phong Hóa số 13, 22-2-1935). Thế Lữ, cũng học Mỹ Thuật, nhưng chắc chỉ theo lớp dự bị thi vào trường, rồi bỏ, nên không có tên trong danh sách sinh viên[6].

Hoàng Đạo không học trường Mỹ Thuật, nhưng vẽ rất hay. Thạch Lam không vẽ nhưng yêu hội họa, sau ông phụ trách mục mỹ thuật trên Phong Hóa Ngày Nay. Khái Hưng, Tú Mỡ đều biết vẽ cả. Cho nên ngoài hai "họa sĩ chính quy" Nguyễn Gia Trí và Nhất Linh, các thành viên khác của Tự Lực văn đoàn đều là "họa sĩ nghiệp dư", rồi họa sĩ ở ngoài cũng vẽ tranh gửi đăng hoặc dự thi hội họa Phong Hóa, chưa kể các họa sĩ khác được chính thức mời vào.

Nhất Linh vẽ ký tên Đông Sơn, Hoàng Đạo ký tên Tứ Ly và Nguyễn Gia Trí không ký tên, hoặc ký nhiều tên: Tô (tên chó Tây) , Cô Tô (cô chó Tây), LTô, Nal, Nul (Số Không), Hoth, Mac, Mạc, Daladin (của Aladin), Tú Nuy [Truổng cời] và nhiều tên khác nữa, trước khi lấy tên "chính thức" là Rigt nghiã là Gia Trí Cười (gt ri viết ngược) hay Lẽ phải (Right).

Bút hiệu Đông Sơn, có từ Phong Hóa số 2 bằng chữ Hán trên tranh bìa. Đến số 3, có tranh Đông Sơn ký chữ quốc ngữ, chắc do Nguyễn Gia Trí đặt ra vì lúc đó Nhất Linh chưa vào. Tôi tạm đoán: hai người cùng ký tên Đông Sơn trong một thời gian, sau đó tên này mới tách ra thành tên riêng của Nhất Linh.

Bút hiệu Đông Sơn, ký dưới bức tranh hài hước Người Annam mình kinh doanh, in trên trang nhất số 14, vẽ một chiếc xe hàng, bánh xe vá chằng chịt, lèn hành khách, hàng hóa, đồ đạc, như cá hộp, có người lăn xuống đất, bị người khác nôn mửa lên mặt. Trong số hành khách ngồi chen chúc trên mui có hình (giống như) Lý Toét. Bên đường có cột cây số giống hệt mộ bia. Chuyến xe hàng ghi chạy đường Hà Nội – Chín Suối, có 25 chỗ ngồi nhất định.

Đây là bức tranh đầu tiên, tiêu biểu cho thể loại hài hước trên Phong Hóa: Mô tả cảnh lầm than của dân tộc mình dưới ách thực dân, và tự giễu cái nghèo, cái bon chen, ham sống, sống tủi nhục của kiếp người nô lệ.

Người Annam mình kinh doanh, 
Phong Hóa số 14

Vẫn trên Phong Hóa số 14, trang 3, có hai tranh: Mồm mép hàng giầy, ký Tô, vẽ người bán giầy có khuôn mặt và bộ dạng giống Lý Toét. Bên cạnh có bức tranh Giậy khôn ký Nul, vẽ cảnh một thằng nhỏ bị xe cán đứt đôi, một ông nhà quê, cầm dù giống Lý Toét đi qua, cúi xuống mắng: Lần sau có đi nên cẩn thận!

Số 15, có tranh Một đám ma vui… của Đông Sơn, đưa tiễn những thứ u buồn sầu não, đang làm chủ tình hình lúc bấy giờ. Dẫn đầu là hàng kèn trống và lá cờ hiệu: Sầu thảm nhiều rồi, đằng sau là những người đi đưa ma và một rừng phướn ghi tên những tác phẩm, những chủ trương, những con người sầu não, phải tống táng đi, như: Sợi tơ lòng, Nho phong, Giọt lệ phòng văn, Tân sầu Nguyễn Tiến Lãng, Một tụi chán đời, Duyên nợ phù sinh

Tóm lại, Nho Phong cũng bị cha đẻ Nhất Linh đem ra đưa đám, như những tác phẩm cổ lỗ sĩ khác.

Một đám ma mua vui của Đông Sơn,
Phong Hóa số 15  

Trên đầu mục Vui cười lần đầu tiên có chân dung Lý Toét, ký DS (Đông Sơn).

 

Bức hý họa Trên xe điện, không ký tên, mô tả cảnh người mình ngồi tàu điện: khạc nhổ, vén quần gãi sồn sột, nói oang oang, cãi lộn, nôn mửa… ở dưới ghi: Không nên như những người này.

Số 16, vẽ tiếp hai tranh Những chỗ ngồi trên xe điện, ký LTô, tranh bên trái: một người phụ nữ có tuổi bước vào toa tàu, không ai nhường chỗ. Bức tranh bên phải, cũng cảnh ấy, nhưng một thiếu nữ trẻ đẹp bước vào, các cậu tranh nhau xun xoe: Mời cô ngồi, mời cô ngồi đây! Bức tranh Cũng tắm bể ký Hoth, cực kỳ châm biếm. Một bức tranh khác, không ký tên, vẽ ông Lý đi qua hàng nước, cô hàng mời: Mời ông vào sơi nước chanh nước đá. Ông Lý (lễ phép): Tôi không dám mời cô sơi.

Tóm lại, tranh hài hước trên Phong Hóa, thời kỳ đầu, mang tính mua vui, tự trào và giáo dục. Phanh phui đời sống xã hội dưới chế độ thuộc địa, chế giễu sự quê mùa, dốt nát, khốn khổ của dân ta, chịu phận dân tộc bị trị, hoang mang và lạc lõng không theo kịp đời sống mới.

Tranh và thơ chế giễu Tản Đà

Ông Nguyễn Khắc Hiếu với việc đời

Trời đây Nguyễn Khắc Hiếu

Phong Hóa số 14, trang 4, có ba tranh hai hước, nhưng đáng chú ý là tranh của Tứ Ly: Ông Nguyễn Khắc Hiếu với việc đời, vẽ Tản Đà có râu, say rượu ngất ngư bên đống chai không. Lại có bài thơ Trời đầy Nguyễn Khắc Hiếu của Bán Than (Khái Hưng) phụ họa, như sau:

Trong phòng khách cụ Trời

Cậu nhỏ dâng văn bôi

Sẩy tay đánh rơi vỡ:

Nguyễn Khắc Hiếu ra đời!

Từ khi Hiếu xuất thế

Vẫn nhớ cảnh thiên tiên.

Bữa cơm thường phải rượu

Nhưng túi lại rỗng tiền.

Rượu ngon thức nhắm ngon,

Giọng văn lại càng giòn:

Khối tình con, tình lớn

Giấc mộng lớn, mộng con.

Thích chí nằm ngâm nga

Tiếng động vang Ngân hà.

Trời hỏi: "ai ngâm thế?"

Muôn tâu, ấy Tản Đà

Trời nổi trận lôi đình

Rằng: "cái thằng tiên ranh

Ta đầy xuống hạ giới

Để hắn chịu nhục hình

Ai ngờ hắn vẫn nhàn

Ngày tháng ngâm thơ tràn

Các ngươi ai có cách

Bắt hắn phải gian nan"

Chư tiên đồng thanh nói:

"Tội nặng nhất trần phàm

Là bắt anh Khắc-Hiếu

Làm chủ báo An-Nam"

Bán Than

Sự chế giễu Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu trên Phong Hóa có vẻ như được Tản Đà khuyến khích. Tứ Ly kể lại câu chuyện sau[7]:

Trên Phong Hóa số 14, Tứ Ly vẽ bức tranh Ông Nguyễn Khắc Hiếu với việc đời giễu Nguyễn Khắc Hiếu say rượu, có râu. Mấy hôm sau Tản Đà đến toà soạn chơi, mày râu nhẵn nhụi, Tứ Ly chột dạ, bèn đăng lời Cải chính trên Phong Hóa số 15: "Trong số báo trước (số 14) Phong Hóa có đăng hình ông Nguyễn Khắc Hiếu, lỡ nét bút thành vẽ nhà thi sĩ có râu. Vậy cái lỗi, vẽ rắn thêm chân ấy, bản báo xin cam chịu với ông Lý Bạch thời nay. Lại xin các cô "tình nhân không quen biết" của ông Hiếu cứ vui lòng mà viết thư trả lời về Hàng Bông cho ổng: ổng chẳng có râu đâu, các cô đừng sợ sệt". Nhưng, vẫn theo lời Tứ Ly kể tiếp: Một buổi tiếp chuyện ông Hiếu, thấy ông nói rằng: Một tờ báo hay cải chính là tờ báo hư!" làm chàng càng chột dạ, sợ ổng lại để râu, mình lại phải cải chính, cứ thế mãi, thì còn gì "giá trị" tờ Phong Hóa!

Phong Hóa số 16, Trong mục Giòng nước ngược, đề tài Cảm thu, lại có bài Điệu thơ cụt ký Nhất Linh và bài Cảm thu ký Bán Than. Chúng ta nên để ý đến bài Điệu thơ cụt, vì đây là lần đầu tiên bút hiệu Nhất Linh xuất hiện trên mặt báo và bài này còn được ghi là Thơ mới (khác với bài Cảm thu của Bán Than là thơ cũ, làm theo thể thất ngôn bát cú) có âm điệu gần như thơ tự do. Chúng ta cũng nên biết lúc đó Thơ mới vừa ra đời, được giới thiệu lần đầu ở ngoài Bắc, trên báo Phong Hóa Xuân đầu tiên, số 31 (24-1-1933). Vậy bài Điệu thơ cụt của Nhất Linh là một bài Thơ mới, mới nhất, bài đầu tiên hết của Tự Lực văn đoàn:

Lũ khỉ trong bách thú

Nhớ rừng xưa kêu rú

Nhà văn cảm thu về

Dặn [Rặn] dăm bài tuyệt cú

Cán bút đương ngậm ngùi

Tưởng tuyết rơi tơi bời!

Ai ngờ trời nắng gắt,

Chẩy mồ hôi!

Lại toan tả đàn nhạn,

Trong sương bay tán loạn

Sẩy nghe tiếng còi tầu,

Nguồn thơ cạn!

Nhạn tuyết không có rồi,

May còn lá ngô rơi,

Ai ngờ ngoài đường cái,

Cây xanh tươi!

Muốn cảm thu một chút,

Hay đâu hứng đã cụt

Nghĩ mãi không ra văn,

Đành dừng bút!

Nhất Linh

Bán Than cũng phụ họa Nhất Linh, với bài Cảm thu, dưới đây:

Ô kià đã quá nửa thu rồi

Cảm tác nay xin có mấy lời

Một rặng cây xanh hun gió nóng

Hai bàn tay trắng đổ mồ hôi

Nào đâu mặt tuyết ngô đồng rụng

Chỉ thấy bên đường đám cỏ tươi

Trai gái quanh hồ cười khúc khích

Sầu riêng thi sĩ lệ đầy vơi.

Bán Than

Cả hai bài đều nhại tuyệt tác Cảm thu của Tản Đà mà chúng ta đều thuộc lòng: Từ vào thu đến nay, gió thu hiu hắt, sương thu lạnh, trăng thu bạch, khói thu xây thành, lá thu rơi rụng đầu ghềnh, sông thu đưa nhánh bao ngành biệt ly, nhạn về én lại bay đi, đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm, lá sen tàn tạ trong đầm, nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa

Nhưng ta thấy: Khái Hưng vẫn ký Bán Than, bút hiệu dùng trong mục Giòng nước ngược với Tú Mỡ, bởi vì Khái Hưng, tuy kém Tản Đà 7 tuổi, nhưng là bạn của Tản Đà từ nhiều năm trước, không cần giữ lễ.

Nhất Linh, kém Tản Đà 17 tuổi, cho nên tuy chế nhạo Tản Đà, nhưng vẫn kính nể bậc đàn anh, ông đã ký cái tên đẹp nhất: Nhất Linh, lần đầu trình làng dưới bài thơ mới đầu tiên của ông, một cách gián tiếp tôn vinh Tản Đà: Sự tế nhị và nhã độ của Nhất Linh nằm ở chỗ đó.

Tứ Ly cũng vậy, tuy chế giễu Tản Đà, nhưng vẫn sợ ổng (chơi khăm). Tứ Ly coi Tản Đà là Lý Bạch thời nay: còn có danh hiệu nào cao quý hơn!

Cho nên dù bị chế giễu bao nhiêu, Tản Đà không bao giờ giận Tự Lực văn đoàn.

Khi Tản Đà túng thiếu, Khái Hưng Nhất Linh đã mời ông cộng tác, dịch thơ Đường và khi Tản Đà mất ngày 7-6-1939, Ngày Nay số 165 (10-6-1939) thông tin: Tản Đà tạ thế. Mở sổ quyên giúp gia đình thi sĩ. Ngày Nay số 166 (17-6-1939) số báo tiễn biệt Tản Đà, Khái Hưng viết bài Cái duyên của Tản Đà, một trong những bài tiễn đưa hay nhất, của một người bạn gần 20 năm quen biết, gần gũi, hiểu và yêu thi sĩ, với những lời lẽ hết sức chân thành cảm động.

Rất nhiều người không hiểu ý nghiã cái cười trên Phong Hóa Ngày Nay, nên có những lời buộc tội phiến diện, đôi khi khiếm nhã, như trường hợp Thanh Lãng, chúng tôi sẽ nói tới sau.

Phan Khôi là người đầu tiên viết bài bênh vực tiếng cười, trên Phong Hoá, trong mục Văn học, trong bài Cái địa vị khôi hài trên văn đàn, ông viết:

"Người mình hình như chưa hiểu đến cái hay của sự khôi hài là dường nào, cũng chưa hiểu đến cái ích lợi của văn khôi hài và người có tài khôi hài ra sao. (…) Nhưng phải biết rằng ai có tài thông minh tuyệt thế thì mới nói được câu chuyện diễu có duyên hay là làm được bài văn bông lơn có duyên, chớ phải dễ dầu gì đâu mà khinh thị.(…) Văn khôi hài nó thường làm cho cảm động người ta một cách rất mạnh mà người ta không biết. Giả như ông mỗ có cái tật xấu gì đó, có kẻ làm bài hài văn, ám chỉ mà công kích cái tật xấu ấy của ông, trong lúc ông mỗ đọc đến, ông phải tức cười nôn ruột mà không giận được, rồi có lẽ lần lần tự nhiên ông mỗ bỏ cái tật xấu ấy đi bao giờ mà ông không hay. Đó mới thật là một bài hài văn hay đó, và cái công dụng của nó là như thế." (Phong Hoá số 26, 16-12-1932)

Phan Khôi đã nói rõ công dụng của tiếng cười và giá trị "giáo dục" của tiếng cười.

Ta nên phân biệt tính cách trào phúng trên Phong Hóa làm hai loại, với hai đối tượng khác nhau: trào phúng phỉ báng sự nô lệ Pháp, chế giễu các quan trường bồi Tây, tố cáo sự đán áp của chính quyền thực dân: đó là trào phúng cách mạng.

Còn sự chọc cười những cố tật của các nhà văn nhà báo "cổ" như cụ Hoàng Tăng Bí, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố… hay chế giễu sự gàn, bướng trong "lý luận Phan Khôi" của Tứ Ly, là lối khôi hài Phan Khôi vừa kể ở trên, không thể coi là phạm thượng. Đó là trào phúng sửa sai.

Chúng ta cũng đừng quên: Khái Hưng là bạn thân của Phan Khôi, gặp nhau ở nhiều điểm, nhất là ở chủ trương chống nho giáo, đổi mới ngôn ngữ và giải phóng phụ nữ. Khái Hưng là người đã giới thiệu Phan Khôi và thơ mới sớm nhất trên Phong Hóa. Đến những ngày thật căng thẳng trong tháng 7 năm 1946, Phan Khôi ra Hà Nội, không ở nhà con, mà bị Việt Minh bắt tại 80 Quan Thánh, nhà Khái Hưng.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] 0p03 là 0 piastre 03, hay 0 đồng 03, tức 3 xu.

[2] In ở nhà in Lê Cường do Nguyễn Tường Tam quản lý. Tên nhà in Lê Cường chỉ xuất hiện một lần duy nhất, từ số 15, lại trở về với tên nhà in Moderne.

[3] Le Rire (Tiếng Cười) (1894-1971) là báo trào phúng ra hàng tuần, biếm họa những nhân vật trong chính trường, những giai nhân tài tử nổi tiếng và in tác phẩm của các nhà văn trẻ.

[4] Mục Thực hay hư ký tên Nghịch Nhĩ Đào Đình Dù từ số 3 đến số 6; số 7 ký Sào Phủ; số 8 và số 9 ký Hứa Do; số 10 ký Nghịch Nhĩ; số 11, ký Hứa Do; số 12 ký Tô Tô Phôn, số 13, ký Nghịch Nhĩ; những bút hiệu này đều có giọng văn, lối viết và tư tưởng của Khái Hưng.

[5] AS Le Mur (Artist Student Le Mur) là dịch tên Tường sang tiếng Pháp và đề thêm AS là sinh viên mỹ thuật.

[6] Thời đó muốn thi vào trường Mỹ Thuật Đông Dương, thường phải học một năm dự bị, và phải qua kỳ thi tuyển. Theo Đặng Hữu Thụ, trường Mỹ thuật Đông Dương có hai ban: Kiến trúc và Hội họa. Muốn thi vào ban Kiến trúc, thí sinh phải có bằng Cao đẳng tiểu học Pháp Việt (tức là bằng Thành chung hay bằng Trung học), còn thí sinh thi vào ban Hội họa, không bắt buộc phải có văn bằng gì. (Đặng Hữu Thụ, Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954, Quyển Thượng, tác giả tự xuất bản, Melun, Pháp, 1999, trang 146 và 151).

[7] Trong mục Từ cao đến thấp, trên báo PH số 18 (20-10-1932).

Nguồn: Văn Việt