Buổi sáng hôm ấy trời có nhiều sương mù.
Lúc tôi tỉnh dậy hơi lạnh thấm qua nền nhà gỗ truyền qua gan bàn chân làm tôi có
cảm tưởng như trở thành một giọt sương. Các cửa sổ đều đóng kín, nhưng qua làn
kính trong suốt, những bông hoa mimosa
nở vàng lay động êm đềm. Căn nhà nằm trên một triền đồi cao, con dốc sáng lên với
những viên đá xanh nằm ngổn ngang và những đám cỏ non còn ướt thẫm. Phía dưới
xa kia là mặt hồ lớn, hơi khói bốc lên nghi ngút, quyện vào nhau. Kinh đứng bên
cạnh tôi, hai tay thủ vào túi áo bành-tô bằng dạ xám cũ, thả những làn khói thuốc
vào mặt kính. Anh nói nhỏ qua hàm răng cắn chặt cán chiếc tẩu thuốc : Ông có nhìn
thấy cây soan tây ở chân đồi không. Tôi nhìn theo tay trỏ xuống một thân cây mảnh
khảnh ở giữa những rặng thông, một cây soan tây với những bông hoa mờ nhạt. Kỳ
còn nằm ở trong phòng hỏi vọng ra : Có phải cây soan tây ngoài mình gọi là cây sầu đông. Không ai trả
lời vì Kinh còn mải mồi lại tẩu thuốc đã tắt. Tôi hà hơi lên mặt kính rồi lấy
tay xoa một vòng nhỏ, một hình ảnh nào đó trong một cuốn phim coi đã lâu. Kinh
rủ tôi ra xem mấy chậu lan. Ở ngoài trời, gió mát lạnh lùa vào người như thấm
nước trên từng phần nhỏ của da, Kinh lấy tay hất nước từ một chiếc mũ sắt tưới
cây. Những giọt nước bay lên cao lóng lánh. Hình ảnh một người bốn mươi tuổi,
miệng ngậm tẩu thuốc, những đám chân râu xanh chạy trên mép, cầm một chiếc mũ sắt
tưới những hàng lan nằm trên bể nước cũ hoặc treo lủng lẳng trên cây làm tôi ngậm
ngùi, một chút gì mất mát ở đâu đây. Không khí như không một vẩn bụi, sạch quá.
Một chậu lan mới nở sáng nay, những cánh hoa trắng và mỏng, long lanh như tuyết
đọng. Tôi kề mũi vào ngửi, chỉ thấy mùi mát lạnh của sương đêm và những cánh nhụy
nhỏ như đốm phấn vàng trên cánh bướm. Kinh đã ngừng tay, chiếc mũ sắt rung rinh
như một con thuyền. Lan Tuyết Ngọc đấy. Ngày xưa ông bác ông cũng nói về thứ
lan này. Một buổi sáng mù sương nào ở núi rừng Phi-Nôm, người bác già đã dẫn tôi,
một cậu bé chưa đầy mười lăm tuổi, vào khu rừng sau nhà tìm lan. Căn nhà bằng gỗ
nằm xa quốc lộ, phía sau mở một con đường vào rừng. Qua một con suối nhỏ róc rách
những tiếng reo vui - Người đi lâu chửa
thấy về. Nhớ người lòng suối Đa Mê cũng buồn – là tới rừng rậm. Mùa mưa, rừng
âm u và những con vắt lạnh như kim khí bám vào người khiến tôi không có một chút
thích thú nào. Ông đi một đôi ủng cao-su cao đến đầu gối, mỗi lần kiếm được một
loại lan lại giảng giải tôi nghe. Tội nghiệp tôi, trời lạnh và trí óc còn mơ đến
những bông hoa rực rỡ của cuộc đời, tôi nào có thấy những cánh hoa thanh khiết
và cao quí của núi rừng là đẹp. Ông chỉ tôi ngửi từng loại hoa, nhưng hương thơm
của lan nhẹ quá, nhẹ đến nỗi khứu giác non nớt của tôi chỉ thấy mùi đất ẩm và gỗ
mục. Tháng tám năm đó, ông làm những ngôi đèn ông sao bằng giấy bản mỏng và cả
ngày ngồi vẽ từng loại lan trên mặt đèn. Ngày rằm đèn được thắp sáng bằng những
ngọn nến nhỏ, những bông lan như nở hết những cánh hoa đẹp nhất, lung linh
trong trận mưa nhỏ hạt. Bây giờ ông đã chết. Tôi ngó bông lan mới nở, ngó những
lá lan dài và thon nhẹ, những chiếc rễ cây nhỏ bám vào đất ẩm của chiếc vỏ dừa
bổ đôi hay một thanh gỗ mục. Tôi đã già rồi chăng. Tôi đọc hai câu thơ nhớ được
về lan : Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng. Một thoáng mơ tiên thoảng xuống
trần. Kinh nói : Đó là lan Thanh Ngọc, đây cũng có một giò Thanh Ngọc. Lan
Thanh Ngọc thơm hơn Tuyết Ngọc nhiều. Rồi Kinh trỏ một giò lan nằm lẫn lộn với
các loài khác. Những cánh lá nhỏ, rêu xanh mọc lan trên các rễ cây. Những ngón
tay Kinh mơn man nhẹ trên các lá, ngó những đốt cây một cách thích thú. Nhiều
khi chỉ có những con sâu nhỏ mà làm hỏng một giò lan của mình. Tôi cười : Thì
giết nó đi, có gì khó đâu. Kinh trả lời như tôi vừa làm một điều xúc phạm : Sâu
cũng là một sinh vật, nó chắc không ý thức được việc nó làm. Rồi Kinh cười buồn.
Có tiếng Kỳ gọi vọng ra : Vào uống trà cho ấm người. Kinh nhấc chậu lan mới nở,
mang bằng cả hai tay. Tôi đốt một điếu thuốc thơm, trời lạnh và buổi sáng vắng
người.
Chiếc bàn bằng gỗ thấp nằm ở góc phòng trên một chiếc chiếu hoa. Mặt bàn phủ một lớp chăn dạ mầu xám nhạt. Một chiếc bình thủy mầu ca-rô đỏ, một cái ấm đất bằng nắm tay và những tách trà nhỏ như hạt mít. Kinh đặt chậu hoa ở giữa bàn. Chiêm cũng đã dậy và ngồi gần góc bàn. Chiêm hỏi : Các ông định ở chơi bao lâu. Kỳ đáp : Vui thì ở lâu buồn thì về. Kinh rót trà ra từng tách nhỏ : Phải uống thật chậm, trà Trung Quốc đấy. Lan Thanh Ngọc phải có hơi trà mới thơm. Chúng tôi cùng nâng tách trà lên, thổi nhẹ trên mặt nước trong như hổ phách. Hơi trà bốc lên quyện vào những cánh lan và hương thơm tỏa ra, tỏa ra. Căn nhà lát bằng gỗ cả bốn bức tường, sàn cũng lát bằng gỗ đánh vẹc-ni đen bóng. Phòng này Chiêm và Kinh ở. Nửa bên kia là văn phòng làm việc của Ty. Kỳ và tôi hôm qua đến đây đã nói đùa : Ông đúng là công chức gương mẫu, việc nha như việc nhà. Chiêm rời bàn làm việc, chân đi vớ dầy và dép da dẫn chúng tôi qua phòng riêng. Những chiếc ghế mây đã cũ, không còn nệm. Một cành đào còn nở hoa cắm trong chậu sứ. Bàn thờ Phật với hình Đức Quan Âm bồ tát. Một nén nhang đang cháy, mùi thơm phảng phất. Chiêm nói : Nhà này trước là hotel thời Pháp, bây giờ mình dùng làm Ty sở. Mà ở đây cũng chẳng có gì để làm cả. Ông có bao nhiêu nhân viên?. Chiêm chỉ bâng quơ : Sáu người, mà lẽ ra một người làm cũng quá đủ rồi. Người sinh viên đã từng tranh đấu bao nhiêu năm, làm đổ bao nhiêu chế độ. Giờ đây Chiêm thủ mình trong chiếc áo đan bằng len dầy, mầu tro xám - mầu của Phật tử - một mình đi lại trong căn phòng gỗ của miền Cao nguyên. Chiêm mới được ba mươi tuổi. Tôi nhìn trên vách ở đầu giường có treo hình hòa thượng Thích Quảng Đức lúc viết bức thư trước khi tự thiêu và chân dung của Gandhi, lãnh tụ bất bạo động. Trời lạnh. Ở phía cuối giường có dán một tấm bìa lớn vẽ phóng lại một trang báo Văn Hóa Ngày Nay. Bức tranh có ánh trăng chiếu hiu hắt qua song cửa, soi lên mặt bàn có để một cái ly nhỏ. Bài thơ Tương Biệt Dạ của Huyền Kiêu. Kinh nói : Các ông có thấy tượng Phật đặc biệt của tôi chưa?. Tôi và Kỳ cùng đáp chưa và theo Kinh ra nhà ngoài. Pho tượng đã nát một bên mặt, hai con mắt bị phá vỡ và một mảnh gang của trái bom nào còn gài trên vai. Tôi rờ trên mặt pho tượng, những mấu đồng ram ráp dưới làn da. Giữa thời đại này Phật không có mắt mà lại hay. Chúng tôi trở lại bàn uống trà, cùng im lặng. Chiếc máy thu thanh nhỏ đã cũ rè rè phát ra một bản nhạc buồn. Kỳ vẩn vơ vuốt tay trên nòng súng Carbine phòng vệ dân sự, nòng súng đã rỉ ở ngoài. Kinh hít một hơi thuốc dài rồi nhả khói lên cao, hai tay vẫn thu vào trong áo bành-tô. Ngoài trời hình như có gió, tôi nghe thấy tiếng sào sạc cúa lá cây.
Mẹ tôi mất vào 6 giờ tối. Lúc đó tôi mới làm việc ở B.H. về, qua nhà đón vợ con lên thăm bà. Không có một linh tính nào báo trước việc đó cả. Có một chi tiết nhỏ, vợ tôi buổi sáng có mua một ít bánh cuốn Thanh Trì - thứ bánh mẹ tôi rất thích ăn khi còn sống - nơi bà gánh hàng rong bên hông chợ Bến Thành. Đáng lẽ ra tôi về nhà từ buổi trưa và mang lên cho mẹ tôi ăn. Nhưng một phần vì chiếc xe bị hết bình điện phải đi sửa lại, một phần vì hôm đó là ngày trực của tôi, tôi phải nhờ một người bạn thay thế. Buổi trưa trời nắng gắt đến độ mồ hôi bết cả áo quần, tôi mệt như người ở trong lò lửa. Vào khoảng 3 giờ tôi có hơi sốt ruột vì sự chậm trễ. Tôi xuống phòng mổ lấy một bịch máu loại O, bỏ vào bao ny-lông, mua ít đá cục chườm chung quanh. Tôi dặn dò vài nhân viên về sự vắng mặt và đi ra chỗ sửa xe. Bình điện chưa được mạnh lắm nhưng tôi cũng lấy và đi về Sài Gòn. Chiếc xe hơi quá cũ, tay lái bị lỏng, tuy nhiên tôi chạy hết tốc lực có thể được. Tôi có nghĩ nhiều đến mẹ tôi trên đường về nhưng không một chút nghi ngờ bà chết ngày hôm nay. Mẹ tôi bị bệnh đã lâu, ung thư dạ dầy. Cách đây hai năm bà đã bị mổ cắt đi hai phần ba. Người giải phẫu cho bà cũng là ông thầy đỡ đầu cho tôi trình luận án, đã kéo tôi vào phòng riêng và nói : Nếu ăn uống đàng hoàng thì có thể kéo dài hai năm. Tôi cũng nghĩ như thế và bây giờ sức khoẻ của mẹ tôi đã yếu lắm. Hai năm qua đi không một biến chứng nào, tôi nghĩ đôi khi khoa học cũng bị vượt qua bởi nhiều sự tình cờ. Tôi cũng đã đi làm việc được một năm và về thăm bà rất đều đặn. Tôi có gửi bà nuôi đứa con lớn nhất, mới hai tuổi, cũng là cháu trai nội độc nhất của bà. Bà ở cùng người con lớn, anh tôi. Anh độc thân và làm việc ở bộ Kinh Tế. Tôi còn một người chị theo chồng ở ngoài Huế, lâu lâu về thăm bà một lần. Mẹ tôi vui hay buồn trong thời gian này tôi cũng không quả quyết lắm. Tôi mồ côi cha từ nhỏ, khi sinh ra có ba ngày và tôi đã sống gần mẹ trong suốt ba mươi năm. Khi chiến tranh bùng nổ, một mình bà dắt díu ba chị em tôi về một làng hẻo lánh ở Bắc Giang và tôi sống cả tuổi thơ ở đó. Mẹ tôi đi mót lúa, đi gánh gạo suốt mười cây số để đến chợ, chị tôi phụ giúp bà. Tôi và người anh đi vào rừng kiếm củi, nhặt nấm rẻ hay trái cây. Năm sáu tuổi tôi được đi học ở trường làng cách hai cây số. Con đường đến trường phải qua một khu rừng lau. Vào mùa thu bông lau nở trắng xóa cả một vùng. Năm 49, bà đưa chúng tôi về Hải Phòng, đưa làm hai lần vì sợ nguy hiểm. Tôi và anh tôi về trước, bà gửi chúng tôi ở nhà một người cô ( chị ruột cha tôi ) rồi lại vội vã quay về đón chị tôi. Trên đường trở về Hải Phòng tôi có bị chết hụt mấy lần. Có lần đại bác nổ gần chúng tôi và khi phải tranh nhau qua đò, tôi bị xô đẩy bay xuống lòng sông cuồn cuộn. Họ vớt tôi lên và khi qua sông phải chạy thêm hai cây số với quần áo uớt đẫm. Sáng hôm sau đã nghe tin con đò bị trúng đạn và chìm ở giữa dòng. Tôi nhớ mãi chi tiết này là vì từ sau lần đó mẹ tôi không rời tôi nửa bước, và lòng mến thương của bà, sự âu yếm đặc biệt của bà đã khiến tôi được như ngày nay. Chúng tôi ở Hải Phòng hơn một năm rồi theo gia đình bà cô về Hà Nội. Mẹ tôi xin được việc làm ở Nha Bưu Điện, và với một số lương ít ỏi, bà nuôi anh em tôi ăn học đủ cho tới khi vào Nam. Tôi sẽ không có gì nhiều hơn để kể trong khoảng thời gian này. Mẹ tôi tiếp tục làm việc, có được một căn nhà nhỏ của sở. Khi anh em chúng tôi vào đại học, anh tôi đi dậy học thêm phụ giúp mẹ. Tôi trong suốt thời gian này cũng như khi còn nhỏ, không giúp được gì cho gia đình ngoài việc lêu lổng đi chơi, như các thanh niên trẻ và ham chơi khác. Tôi lập gia đình sớm, mẹ tôi vẫn còn giúp đỡ vợ chồng tôi. Cho đến khi bà chết. Lúc tôi sửa soạn lên thăm bà thì anh tôi tới. Anh không kịp tắt máy xe, bảo tôi : Mợ chết rồi. Tôi không hỏi gì cả. Mẹ tôi chết rồi. Tôi nhớ lại lúc đó tôi không có cảm giác gì lạ. Tôi không tin bà chết. Lần cuối tôi ngồi bên giường, bà cười và nói với tôi : Con cố mua phần đất cho mợ càng gần bà nội càng tốt. Tôi còn nói đùa với bà : Còn phần đất trong hội mợ dành cho con nghe, bỏ đi uổng quá. Mẹ tôi có chân trong một hội tương tế nào đó, nhưng lúc chót bà đổi ý và muốn được chôn gần họ hàng trong một nghĩa trang đã có khá nhiều bia mộ mang những tên đệm giống nhau. Tôi cúi xuống sàn xe, hơi nước đá từ bao ny-lông đựng máu làm tê lòng bàn tay. Tôi mân mê bịch máu, thầm mong có thể anh tôi đã nghĩ nhầm. Vợ tôi tay còn cầm gói bánh cuốn, run run và muốn oà khóc. Tôi lái xe đi bình tĩnh. Tôi chỉ tin cái chết khi chính tôi xác nhận điều đó. Mẹ tôi nằm yên lặng trên giường, bình thản, mắt đã khép. Tôi nắm lấy cổ tay bà, cố nghĩ rằng mạch máu còn đập ở đâu đây. Nhưng tôi chỉ thấy mạch máu tôi đập trên đầu ngón tay. Tôi đặt tai lên ngực bà, ngực còn nóng nhưng tôi mơ hồ nghe thấy tiếng lá cây sào sạc bên ngoài cửa sổ. Bà đã chết thật rồi. Tôi ngó chai nước biển còn lay động trên đầu giường, tôi bóp nhẹ mu bàn chân hơi phù lên của bà. Tôi đứng dậy và đi ra ngoài. Tôi còn nhìn thấy bà. Anh tôi ngồi yên lặng ngoài phòng khách. Tôi hỏi : Mợ chết lúc nào?. Buổi trưa khi tao đi làm mợ còn dặn mua nho cho mợ, nhưng khi tao về thì mợ đã chết. Tôi nói : Mợ chết không đau đớn là tốt lắm, bệnh này hay gây cho bệnh nhân khổ sở nhiều. Rồi tôi đi ra vườn. Bấy giờ đã cận Tết, cành đào chị tôi gửi từ Huế vào đang trổ những bông hoa mầu hồng xinh xắn, cây mai ở góc vườn đã nở hoa vàng. Tôi không thấy mình muốn khóc, tôi thấy lòng thanh thản. Buổi tối chỉ có sao lấp lánh trên nền trời và những cơn gió mát. Hình như tôi vừa chết chứ không phải mẹ tôi.
Uống trà xong, tôi và Kỳ rủ nhau xuống phố.
Nắng đã lên nhưng mỏng manh quá, chỉ đủ làm hoe vàng một vài ngọn cây. Trời còn
lạnh và gió đã thổi bay những lớp sương đọng trên mặt hồ. Con đường ánh lên một
mầu xám sáng, chia ra nhiều nhánh như một giòng sông. Khách sạn lớn nhất và đẹp
nhất của thành phố nằm giữa hai đường vòng, cô đơn như một tòa lâu đài cổ. Thành
phố còn giữ vẻ im lặng của những ngày Tết, người lác đác qua lại, những mầu áo đỏ,
vàng còn mang vẻ rực rỡ trên những tấm lụa mới. Tôi hỏi Kỳ : Kinh sao hắn không
đi?. Kỳ cười : Hắn không có giấy phép.
Đã mùng bẩy Tết rồi nhỉ. Một vài cây đào ven đường còn giữ lại bông hoa hồng nhạt,
một con chim bay từ mái nhà cũ đến một cành thông. Tôi cố chờ đợi thêm một con
chim khác. Nhưng không có gì cả. Tôi nhìn sang Kỳ, Kỳ đốt một điếu thuốc mới, bẻ
lại cổ áo. Chiếc áo len đã cũ mầu xám nhạt, quần cũng đã phai mầu và đôi giầy
mua sẵn sờn lông đã ngả mầu đất bùn. Trông Kỳ cô đơn quá. Nhưng tôi yêu vẻ cô đơn
và trầm tĩnh. Kỳ hơn tôi khoảng mười tuổi, tôi vẫn tự hỏi làm sao chúng tôi lại rất thân với nhau và hiểu nhau như đã nô đùa chung từ khi còn
nhỏ. Chúng tôi quen nhau khoảng bốn năm, khi hai người cùng hoạt động trong một
nhóm chính trị. Nhưng khi đã bắt đầu thân nhau, ngồi uống cà-phê ở một tiệm cà-phê
khuất nẻo, hay nhâm nhi chút rượu mạnh nơi hàng quán bên sông, chúng tôi khám
phá ra là cả hai đều không ưa chính trị. Chúng tôi kể cho nhau nghe những thú
vui thời tuổi trẻ, sự hoài niệm dĩ vãng và vẻ đẹp của mọi sự vật trên đời. Chúng
tôi nói về những ngôi nhà cổ trong vườn trồng đầy hoa hải đường mà thật tình tôi
cũng không nhớ rõ mầu sắc. Đôi khi chúng tôi bàn về thú uống rượu của cổ nhân,
kể cho nhau nghe quá khứ mịt mù khi còn nhỏ ở Huế và Hà Nội, hai thành phố mà
chúng tôi yêu mến. Chúng tôi lẫn lộn không hiểu Kỳ còn quá trẻ hay tôi già trước
tuổi. Tôi và Kỳ đến ăn sáng tại một quán nổi tiếng về bún bò Huế, cắn những miếng
ớt cay đến chẩy nước mắt và trở lại phòng ăn của khách sạn ngồi uống cà-phê. Kỳ
hỏi tôi lơ đãng: Bà cụ ông bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?. Tôi đáp : Hình như là 65.
Thực tình tôi cũng không nhớ rõ tuổi của bà. Tôi tiếp : Chóng quá, đã chín ngày
rồi. Kỳ gọi một ly cà-phê đen và tôi một ly cà-phê sữa. Buổi sáng, căn phòng rộng
mênh mông, lạnh lẽo. Bàn bên cạnh hai người ngoại quốc đang đánh một thứ cờ nào
đó, một người đàn bà tóc vàng yên lặng hút thuốc. Những ghế khác còn trống, bầy
ra các tấm nệm mầu hoàng yến và xanh rêu. Tôi lấy chiếc pipe nhồi thuốc và mồi lửa. Kỳ nói : Mùi thuốc Cherry ngon quá, ngồi gần ngửi còn thú hơn
hút. Tôi bập bập trên cán pipe giữ
cho lửa khỏi tắt. Người ngoại quốc bàn bên cạnh ho vài tiếng nhẹ. Người đối diện
nói với người đàn bà hai ba câu bằng tiếng Pháp. Tôi có cảm tưởng như đã sống
trong cảnh này ít nhất một lần và tự dưng tôi buồn bã. Mẹ tôi đã chết thật rồi.
Tôi biết chắc điều đó vì vĩnh viễn tôi không thể nhìn thấy bà một lần nữa. Người
quản gia của chị tôi đã vào phòng liệm bà và lần cuối cùng, trước khi đưa bà vào
áo quan, tôi chỉ thấy một gói vải mầu đỏ rợ. Rồi sau đó là tiếng khóc, tiếng
người nói và có thể là tiếng cãi nhau xôn xao. Rồi mùi hương và mùi nến chẩy,
tiếng tụng kinh gõ mõ đều đều như từ cõi nào vọng lại. Tôi quỳ hàng giờ trước quan
tài, tôi lễ trả hàng ngàn lần và ôm mặt khóc sau xe tang. Buổi sáng mùng hai Tết,
đoàn xe tang chạy buồn bã giữa những quần áo mới bên đường, và trước khi trở lại
nhà tôi vẫn tự hỏi không biết đầu bà nằm về hướng nào dưới lòng đất. Tôi nhấp một
ngụm cà-phê còn hơi ấm, tò mò ngắm chiếc tách bằng sứ có vẽ một bông hoa hồng.
Mọi vật yên lặng quá. Tôi nghĩ giá có một chút rum ở trong cà-phê thì ngon biết mấy. Nắng đã lên cao, chiếu một vệt
dài ngang qua mặt bàn, ngang qua ly cà-phê của Kỳ. Một cặp trai gái chụp hình
cho nhau trước cửa khách sạn, bên ngoài cửa kính. Người con gái đưa tay vuốt tóc,
những sợi tóc mềm và dài bám hờ hững trên vai. Cô gái còn nhỏ, mặc áo dài mầu tím
và khoác áo len mầu sữa đục. Họ nói và cười với nhau, nhưng tiếng động không
vang vào được phía trong. Nhìn ra ngoài thấy môi họ mấp máy hay há ra như một
phim câm. Cô gái chỉ những bông hoa cúc mới nở phía trái khách sạn, rồi cô đến
đứng bên cạnh và một tay mân mê những cúc áo len. Kỳ nói nhẹ : Trông những người
yêu nhau hạnh phúc quá. Tôi cười : Sao ông không kiếm lấy một cô cho đời đáng yêu.
Nhưng tôi thầm nghĩ cái hình ảnh đẹp đẽ như trong phim ảnh kia chỉ có thể có
khi đứng ở ngoài mà nhìn vào, qua một tấm kính. Nó thật trái ngược với cảnh buồn
khổ, chỉ có người trong cuộc mới thấm thía nỗi đau đớn dầy vò mình. Cặp trai gái
đã bỏ đi, tay nắm tay chạy trên những bực thang dẫn xuống hồ. Bên kia hồ, đồi cỏ
xanh nhuộm nắng và tôi nghe tiếng thông reo như một điệu nhạc buồn.
Ba người ngoại quốc đã đứng dậy. Một người
khoác áo lạnh cho người đàn bà. Chiếc áo mầu vàng ấm. Họ vừa đi vừa nói, âm
thanh vi vu trong gió. Kỳ trả tiền, tôi cởi bớt những cúc áo len cho đỡ nóng. Nắng
tràn ngập các bàn ghế kê sát bên cửa kính. Chúng tôi rời khách sạn, đi ngược về
phía cuối thành phố. Một chiếc xe Lambro
rồ máy chạy ngang rồi khuất nẻo ở một đường dốc. Tôi nói : Đến nhà bà cô tôi ăn
cơm trưa luôn. Nhà ở lưng chừng thung lũng, trong một con đường nhỏ. Chúng tôi đi
ngang nhà thờ con gà vắng vẻ, hội Văn hóa Mỹ còn đóng cửa. Những villa nở đầy hoa mimosa. Rẽ vào một con đường nhỏ rất xấu, lăn lóc những viên đá
xanh làm đường. Một con chó lớn lông vàng úa ngó chúng tôi nhưng không sủa, tôi
vuốt đầu nó. Bà cô tôi ở trong nhà đi ra, chiếc áo lạnh bằng nhung đen giống hệt
chiếc áo của mẹ tôi. Bà nói : Tội nghiệp mẹ cháu chết đi chẳng được hưởng gì cả.
Tôi đáp : Vâng. Người ta sống để mong hưởng một cái gì. Chắc không phải thế. Đó
chỉ là một cách nói để che đậy vẻ cao quí của đời sống. Người ta sống và khổ sở
để không hưởng một cái gì. Như những bông lan nở hoa và tàn rụi. Tôi nghĩ thế, ít
ra cho mẹ tôi và bà cô buồn rầu đứng kia. Chúng tôi vào nhà, bà cô xuống bếp làm
cơm. Tôi và Kỳ ngồi nói chuyện với mấy cô em họ. Kỳ khen những cành đào thật đẹp.
Tôi chọn một băng cassette và bấm nút.
Tiếng ca mềm và ấm trong căn phòng nhỏ. Chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Trong bữa cơm
ai cũng nhắc đến mẹ tôi. Còn tôi, những món ăn quen thuộc làm tôi nhớ bà hơn cả
những lời hỏi thăm. Từ đây, tôi sẽ chẳng bao giờ được ăn những món ăn bà nấu mà
tôi đã ăn trong ba mươi năm qua. Bà cô pha một bình trà nhỏ ướp sen. Tôi ngồi uống
trà, lơ đãng trả lời những câu hỏi và nhìn qua cửa kính xuống thung lũng. Bên
kia thung lũng là một nghĩa địa lớn, những tấm bia mầu trắng sáng lên dưới nắng.
Trước mộ mẹ tôi cũng có một tấm bia làm vội vàng bằng xi-măng quét vôi trắng và
người khắc chữ đã khắc lầm cả ngày mẹ tôi chết. Tôi quỳ xuống trước mộ, dùng
dao sửa lại cho đúng rồi dùng bao hương mầu đỏ chà lên chỗ mới sửa cho cùng mầu.
Tôi chợt hỏi không biết hai chậu cúc vàng để bên mộ đã tàn chưa. Mẹ tôi vẫn
mong có dịp lên đây thăm bà cô và ở lại chơi một thời gian – trên này có phong
vị Tết như ngoài Bắc – nhưng tôi hiểu rằng, dù là một mơ ước nhỏ mẹ tôi cũng không
bao giờ thực hiện được. Tôi đi thơ thẩn ra vườn, ngó những bông hoa xác pháo đỏ
rực trên mái nhà, những bông cúc tươi mát vàng rực rỡ, những bông hoa mầu hồng mầu
đỏ mà tôi không biết tên, tôi há lớn miệng và hít đầy không khí vào phổi, mẹ tôi đang đứng ở gần đây, ngắt vài bông cúc lớn cắm lên bàn thờ Phật.
Kỳ ra rủ tôi lên chợ. Chúng tôi leo qua những con dốc đầy hoa quỳ, la cà khắp các
quán cà-phê chung quanh chợ cho đến tối. Khi chúng tôi trở lại nhà Chiêm và
Kinh, hai người đang ăn cơm. Chiêm ngửng lên nhìn tôi : Bà cụ ông mới mất hả?.
Hồi chiều lên phố mới biết. Kinh nói : Ăn cơm chưa, ngồi ăn chút cơm cho vui. Tôi
và Kỳ ngồi xuống bàn ăn, bữa cơm chỉ có một đĩa đậu và mấy cọng rau.
Buổi tối tôi theo Kinh ra xếp lại những chậu lan trên bể nước. Kinh xếp nhũng giò lan sắp nở vào một góc. Lan phải có sương mới thanh khiết. Trời tối xẫm và gió lạnh thổi qua đồi, thấm những giọt sương vào da. Kinh thọc hai tay vào áo bành-tô, lửa đỏ lập lòe trên đầu tẩu thuốc. Mùi khói thuốc như tan vào gió. Tôi thấy lạnh ở cổ và ho. Chúng tôi ngồi uống trà đến nửa đêm. Chiêm nhường cho tôi và Kỳ giường có nệm và chăn bông. Hơi lạnh như ùa qua các kẽ hở, tràn ngập trong phòng. Tôi nằm co ro cố rúc sâu vào lòng mẹ, chiếc chăn bông mỏng không đủ ấm nhưng hơi ấm trong người của mẹ tôi có thể nóng như than trong hỏa lò. Tôi ứa nước mắt, khóc và gọi trong đêm khuya lạnh lẽo đấy bóng tối : Mẹ ơi. Mẹ tôi đã chết rồi.
NGUYỄN TƯỜNG GIANG
1972.