Và
rồi, sáu năm sau, nàng gặp lại chàng. Chàng ngồi bên một trong những chiếc bàn
tre nhỏ nhắn kia, được trang trí với bình Nhật chưng hoa thủy tiên bằng giấy.
Trước mặt chàng là một khay trái cây cao nghệu, và chàng đang thận trọng, trong
cung cách đặc thù của chàng mà nàng nhận ra ngay, bóc vỏ một trái cam.
Ắt
hẳn chàng cảm thấy sự thảng thốt nơi nàng khi nhận diện, bởi chàng đã ngước
nhìn và chạm ánh mắt nàng. Không thể tưởng được! Chàng đã không nhận ra nàng!
Nàng mỉm cười; chàng nhíu mày. Nàng tiến về phía chàng. Chàng nhắm mắt trong
thoáng chốc, nhưng khi mở mắt gương mặt chàng bừng sáng tựa hồ chàng vừa mới
thắp một que diêm trong căn buồng tối. Chàng đặt quả cam xuống và đẩy chiếc ghế
lùi lại phía sau; nàng rút bàn tay nhỏ và ấm áp khỏi bao tay và chìa ra cho
chàng.
“Vera!”
chàng kêu lên. “Lạ thay. Thực tình, trong khoảnh khắc anh đã chẳng nhận ra em.
Em ngồi chơi? Em ăn trưa rồi phải không? Uống cà phê nhé?”
Nàng
ngần ngừ, nhưng tất nhiên nàng ưng thuận.
“Vâng,
cho em xin cà phê.” Đoạn nàng ngồi xuống đối diện chàng.
“Em
trông lạ lắm. Em thay đổi nhiều,” chàng nói, đăm đăm nhìn nàng với nét mặt rạng
ngời đó. “Em trông tươi đẹp ra. Anh chưa hề thấy em tươi đẹp như vầy.”
“Thật
vậy sao?” Nàng vén tấm rèm che mặt và cởi khuy khăn choàng cổ bằng lông thú.
“Em chẳng cảm thấy khỏe trong người. Em chịu hết nổi cái thời tiết này, anh
biết đấy.”
“Ừ,
không. Em ghét thời tiết lạnh…”
“Ghét
cay ghét đắng.” Nàng rùng mình. “Mà tệ hại nhất là khi người ta càng luống
tuổi…”
Chàng
ngắt lời nàng. “Khoan nào,” và gõ nhẹ lên bàn gọi người bồi. “Làm ơn cho cà phê
và kem.” Nói với nàng: “Em có chắc là không muốn dùng món gì chứ? Hay là dùng
tạm chút trái cây nhé. Trái cây ở đây ngon tuyệt.”
“Thôi,
không cần anh ạ.”
“Thế
thì ổn.” Và nhoẻn miệng cười tươi chàng cầm quả cam lên. “Em vừa mới nói
rằng—người ta càng luống tuổi thì—”
“Càng
cảm thấy lạnh thêm,” nàng bật cười giòn giã. Song nàng nghĩ sao mà mình nhớ rõ
mồn một về cái ngón tiểu xảo của chàng—cái trò ngắt lời nàng ngang xương—và sao
mà điều đó thường chọc nàng giận biết bao sáu năm về trước. Hồi đó nàng đã từng
cảm thấy như thể chàng, bất thình lình, khi nàng đang nói nửa chừng, đặt bàn
tay lên môi nàng, ngoảnh mặt đi, chăm chút một điều gì khác, rồi nhấc bàn tay,
rồi với cái miệng nhoẻn cười, lại dành sự chú ý cho nàng… Giờ thì tụi mình sẵn
sàng. Ổn rồi.
“Càng
lạnh thêm!” Chàng lập lại lời nàng, cười hòa theo. “Ấy đấy. Em vẫn nói những
điều như thế. Và có một điều nơi em chẳng mảy may thay đổi—giọng nói kỳ diệu
của em—cách nói kỳ diệu của em.” Bây giờ thì chàng rất trang trọng; chàng nhoài
người về phía nàng, và nàng ngửi thấy mùi hăng nồng của vỏ cam. “Em chỉ cần
thốt một tiếng là anh nhận ra ngay tức thì giữa bao nhiêu thanh âm khác. Anh không
biết cái gì—anh thường tự hỏi—khiến cho giọng nói của em thành kỷ niệm mê hoặc
đến thế… Em còn nhớ buổi chiều đầu tiên tụi mình ở hoa viên Kew Gardens không?
Em ngạc nhiên vì anh không biết tên của bất kỳ loại hoa nào. Anh thì vẫn mông
muội thế thôi, mặc dù em đã bảo cho anh biết. Nhưng mỗi khi trời đẹp và ấm áp,
và thấy những sắc mầu rực rỡ—thật lạ kỳ—anh lại nghe thấy tiếng em: ‘Hoa phong
lữ, hoa cúc, và hoa tiên thảo.’ Và anh cảm thấy nội mấy từ ngữ đó thôi cũng đủ
gợi nhớ ngôn ngữ thần thánh nào đã trôi vào quên lãng. Em còn nhớ buổi chiều đó
chứ?”
“Ồ,
vâng, em nhớ rõ.” Nàng hít một hơi thở dài và nhẹ, ngỡ chừng những đóa thủy
tiên bằng giấy chắn giữa hai người gần như quá ngạt ngào đến khó chịu. Tuy
nhiên, cái còn lắng đọng trong tâm trí nàng về buổi chiều nọ là một cảnh tượng
quái dị ở bàn trà. Có nhiều khách đang thưởng trà nơi ngôi chùa Tàu, và chàng
nổi khùng với lũ ong vò
vẽ—xua đuổi chúng, quơ nón rơm đập loạn xạ, hung hăng quạu cọ quá đáng. Những
người khách khúc khích cười và thích thú xiết bao. Và nàng đã phải cam chịu
xiết bao.
Nhưng
giờ đây, lúc chàng nói, kỷ niệm đó đã phai nhòa. Ký ức của chàng chân thực hơn.
Phải rồi, buổi chiều tuyệt vời, khắp nơi hoa phong lữ và hoa cúc và hoa tiên
thảo, và—nắng ấm. Tâm tưởng nàng còn vương vấn hai chữ sau cùng tựa hồ nàng
vừa mới cất tiếng ngân nga.
Trong
hơi ấm, giả thử như vậy, một kỷ niệm khác đang dàn trải. Nàng hình dung mình
đang ngồi trên thảm cỏ. Chàng nằm kề bên, và bất chợt, sau một hồi lâu lặng
thinh, chàng lăn người qua và gối đầu lên đùi nàng.
“Anh
ước gì,” chàng nói, trầm giọng bồi hồi, “anh ước gì mình đã uống thuốc độc và
sắp sửa chết—ở đây ngay tức thì!”
Vào
cùng lúc đó một cô bé mặc áo đầm trắng, tay cầm nhành hoa súng sũng nước nhễu
giọt, lấp ló nấp sau bụi cây, nhìn họ trân trối, và lại lẩn trốn. Nhưng chàng
nào có thấy. Nàng tựa lên chàng.
“Ô
hay, sao anh nói thế? Ai lại nói năng như thế được chứ.”
Nhưng
chàng rên nhè nhẹ, và cầm bàn tay nàng áp lên má chàng.
“Bởi
vì anh biết anh sắp yêu em nhiều lắm—quá đỗi. Và anh sẽ phải đau khổ vô cùng,
Vera, bởi vì em sẽ không đời nào, sẽ chẳng bao giờ yêu anh.”
Chàng
nay hiển nhiên trông bảnh bao hơn trước bội phần. Chàng đã đánh mất cái dáng vẻ
lừng khừng mông lung mơ màng. Bây giờ chàng mang phong thái của một người đã
tìm được chỗ đứng của mình trên cõi đời, và lấp đầy chỗ đó bởi sự chững chạc và
tự tin mà, nói không quá lời, rất ấn tượng. Chàng ắt hẳn đã làm ăn khấm khá.
Trang phục chàng đáng nể, và ngay khi ấy chàng móc từ túi áo một hộp thuốc lá
Nga.
“Hút
với anh một điếu nhé?”
“Vâng…”
Nàng lửng lơ. “Thuốc trông ngon nhỉ.”
“Ừ.
Thuốc lá anh đặt một chú ở phố St. James làm đấy. Anh ít hút thuốc. Anh không
giống em—nhưng hễ hút thì phải là thứ thuốc lá thơm ngon và mới tinh. Với anh,
hút thuốc không phải là thói quen; nó là xa xỉ phẩm—tựa như dầu thơm. Em vẫn
còn ưa chuộng dầu thơm đấy chứ? À, hồi anh ở Nga…”
Nàng
xen vào: “Anh đã từng ở Nga thật ư?”
“Đúng
vậy. Anh ở đó một năm hơn. Em đã quên rằng tụi mình thường bàn chuyện chu du
nơi đó rồi à?”
“Không,
em không hề quên.”
Chàng
cười nửa miệng lạ lùng, và ngả lưng vào thành ghế. “Có ly kỳ không nhỉ. Anh đã
thật sự thực hiện các chuyến du hành mà tụi mình đã hoạch định. Phải rồi, anh
từng đến các nơi chốn mà tụi mình nhắc tới, và lưu lại những nơi chốn đó trong
một khoảng thời gian vừa đủ để—như em thường nói, ‘ngâm mình’ trong không khí
trong lành. Quả tình suốt ba năm vừa qua anh đã chu du đây đó. Tây Ban Nha, hải
đảo Corse, Tây Bá Lợi Á, Nga, Ai Cập. Chỉ có Trung Hoa thì chưa, và anh quyết
sẽ đến đấy, khi chiến tranh chấm dứt.”
Lúc
nói chuyện, chàng khe khẽ vỗ đầu điếu thuốc lên chiếc gạt tàn, nàng cảm thấy
con dã thú ngủ vùi đã quá lâu trong lồng ngực mình lay động, co giãn gân cốt,
ngáp, vểnh tai nghe ngóng, và chợt nhổm dậy, và mắt hau háu nhìn thèm thuồng
vào những cõi xa xăm. Nhưng nàng chỉ thoáng mỉm cười, nói suông: “Em ganh tị
với anh biết bao.”
Chàng
thừa nhận điều đó. “Tuyệt lắm,” chàng nói, “thật là tuyệt—nhất là ở Nga. Ở đó
có đủ hết thảy những gì mà chúng mình đã mường tượng, và còn hơn thế nữa. Anh
đã từng đi thuyền mấy ngày trên dòng sông Volga. Em còn nhớ bài ca hải hành mà
em hay đàn không nhỉ?”
“Vâng.”
Bài hát bắt đầu trổi lên trong tâm trí khi nàng nói.
“Em
có thường đàn bản nhạc ấy không?’
“Hết
rồi, em không có đàn.”
Chàng
ngạc nhiên về điều đó. “Sao thế, chiếc đàn dương cầm đẹp của em đâu rồi?”
Nàng
hơi cau mặt. “Bán rồi. Từ khuya.”
“Nhưng
em thích âm nhạc lắm cơ mà,” chàng thắc mắc.
“Bây
giờ em đâu còn rảnh rỗi cho chuyện đó nữa,” nàng nói.
Chàng
phớt lờ. “Đời sống trên sóng nước đó,” chàng nói tiếp, “thật là đặc biệt. Sau
vài ngày mình không thể nhận thức một đời sống nào khác nữa. Và không cần thiết
phải biết ngôn ngữ—đời sống hải hồ tạo sự gắn bó chứa chan với những người bạn
đồng hành. Mình ăn uống với họ, vui vầy với họ, và chiều tối thì ca hát không
ngừng.”
Nàng
rùng mình, nghe tiếng nhạc hải hành lại trổi lên lanh lảnh và thê lương, và
thấy con thuyền lướt trôi trên dòng sông tối âm u giữa hai bờ cây trầm mặc…
“Vâng, chắc em cũng thích thế,” nàng nói, mân mê chiếc bao tay.
“Đương
nhiên là em thích hầu hết những gì của đời sống Nga,” chàng nói say sưa. “Thật
bình dị, thật phóng khoáng, thật thoải mái không nghi ngại. Và rồi những người
dân quê thật tuyệt vời. Ấy đấy—họ là những mẫu người như thế. Thậm chí gã xa
phu cũng chính thức dự phần trong mọi tình huống. Anh nhớ một xẩm tối nọ nhóm
bạn anh, hai người bạn và người vợ của một trong hai người, đi chơi ngoài trời
bên bờ biển Hắc Hải. Bọn anh ăn tối, uống rượu sâm banh trên thảm cỏ. Trong bữa
ăn gã xa phu lân la. ‘Dưa leo chua, xin mời,’ gã nói. Gã muốn san sẻ với mọi
người. Với anh điều đó tự nhiên lắm, điều đó—em hiểu ý anh chứ?”
Và
hầu như lúc đó nàng đang ngồi trên thảm cỏ bên bờ biển huyền bí Hắc Hải, đen
tuyền như nhung, và sóng vỗ mạn bờ, lẳng lặng từng lượn sóng nhung êm. Nàng
nhìn thấy kiệu xe đỗ bên vệ đường, và nhóm người trên thảm cỏ, mặt và tay họ
trắng xóa dưới ánh trăng. Nàng thấy tà áo nhợt nhạt của người đàn bà trải xòe
và chiếc dù xếp của bà, nằm trên cỏ giống như chiếc kim móc khổng lồ kết bằng
ngọc trai. Người xa phu ngồi riêng rẽ, với thức ăn lót khăn đặt trên đùi. “Dưa
leo chua, xin mời,” gã nói, và mặc dù nàng không biết dưa leo chua là thứ gì,
nhìn qua lớp thủy tinh màu xanh lục của chiếc lọ nàng thấy lấp loáng một quả ớt
đỏ giống như chiếc mỏ chim két. Hai má nàng thóp vào; dưa chua lè…
“Vâng,
em hoàn toàn hiểu ý anh,” nàng nói.
Trong
khoảng lặng tiếp nối họ nhìn nhau. Trong quá khứ mỗi khi nhìn nhau như thế, họ
cảm thấy niềm cảm thông vô biên đến nỗi tâm hồn họ, như thể đã từng, ôm chầm
lấy nhau và nhảy ùm xuống biển, thỏa lòng chết đuối, y như những tình nhân
thống khổ. Nhưng giờ đây, điều ngạc nhiên chính chàng lại là người do dự. Chàng
là người nói:
“Em
là người biết lắng nghe tuyệt vời biết bao. Khi em nhìn anh với đôi mắt ngây
dại kia anh tưởng chừng có thể nói với em những điều mà mình không cách chi thổ
lộ với một người nào khác.”
Có
chút giễu cợt trong giọng nói của chàng hay đó là do nàng tưởng tượng? Nàng
không thể đoan chắc.
“Trước
khi gặp em,” chàng nói, “anh chưa bao giờ kể lể gì về mình với bất kỳ ai. Anh
nhớ rõ đêm hôm ấy, đêm mà anh mang tặng em cây thông Noël, kể cho em nghe tất
cả về thời niên thiếu của anh. Và kể chuyện mình đã buồn tủi đến nỗi bỏ trốn và
ẩn trú dưới gầm xe kéo trong sân suốt hai ngày trời mà không ai phát giác. Và
em đã lắng nghe, và mắt em rạng rỡ, và anh cảm thấy em đã khiến cả cây thông nhỏ
lắng nghe, y như trong truyện cổ tích.”
Nhưng
về buổi tối ấy nàng nhớ đến một hũ trứng cá muối nhỏ. Hũ trứng giá bảy hào sáu.
Chàng đã chẳng thể nào cầm lòng. Thử nghĩ xem—một cái hũ bé tí xíu thế mà phải
tốn mất bảy hào sáu. Suốt lúc nàng nhâm nhi trứng cá chàng ngắm nhìn nàng, vừa
thích thú vừa kinh ngạc.
“Thiệt
tình, đúng là nuốt tiền. Không thể nào nhét trọn bảy hào vào cái hũ cỡ đó. Xem
nào người ta đã ăn lời bao nhiêu… Và chàng bắt đầu tẩn mẩn tính toán… Thôi, giờ
thì vẫy chào tạm biệt món trứng cá. Cây thông ở trên bàn, và chú bé nằm bệt
dưới gầm xe, gối đầu lên con chó trong sân nhà.”
“Con
chó tên là Bosun,” nàng reo vui.
Nhưng
chàng chưa kịp vỡ lẽ. “Con chó nào? Chó của em à? Anh chả nhớ con chó nào cả.”
“Tên
nhóc quê mùa hồi anh còn nhỏ ấy mà.” Chàng cười khanh khách và đóng nắp hộp
đựng thuốc lá.
“Nó
ư? Em biết không anh đã quên bẵng nó. Dường như từ đời kiếp nào vậy. Không thể
tin nổi là mới có sáu năm trời thôi. Sau khi nhận ra em hôm nay—anh phải phóng
mình nhẩy vọt—lao qua suốt một đời để quay trở lại với thời điểm đó. Anh đúng
là thằng nhóc khi ấy.” Chàng gõ nhịp lên mặt bàn. “Anh thường nghĩ rằng anh hẳn
đã làm em phát ngấy biết bao. Và giờ thì anh hiểu rõ nguyên do em viết thư cho
anh—mặc dầu lúc đó lá thư ấy hầu như đã kết liễu đời anh. Anh tìm thấy nó hôm
nọ, và anh đã không thể không cười ngất khi đọc lại. Thật là tài tình—chân dung
của anh.” Chàng ngước lên. “Em không đi đâu đấy chứ?”
Nàng
đã cài khuy khăn choàng cổ và buông lơi tấm rèm che mặt.
“Vâng,
e chừng em phải đi thôi,” nàng nói, và gượng cười. Giờ thì nàng biết chàng đã
nhạo báng nàng.
“Ơ
kìa, em, đừng” chàng khẩn khoản, “Khoan hẵng đi,” và chàng chụp lấy một trong
hai chiếc găng tay trên bàn và khư khư nắm lấy nó như thể điều đó níu giữ nàng
lại. “Dạo sau này chẳng mấy khi gặp ai để trò chuyện, anh đến thành kẻ thô lậu
mất thôi,” chàng nói. “Anh có nói điều gì làm phiền lòng em không?”
“Đâu
có,” nàng dối quanh. Song khi ngắm nhìn chàng dịu dàng luồn chiếc găng tay của
nàng vào những ngón tay, cơn giận trong lòng nàng kỳ thực đã lắng dịu, và hơn
nữa, giờ đây chàng hiển hiện tựa như chàng của sáu năm về trước…
“Điều
anh mong muốn hồi đó,” chàng nói nhỏ nhẹ, “là như một tấm thảm—hóa thân làm một
tấm thảm để em bước đi trên đó, để chân em khỏi bị lấm bùn và đau khi vấp phải
sỏi nhọn, những thứ mà em nhờm tởm. Không có gì vị tha hơn thế—không có gì tự
kỷ hơn thế. Anh khao khát, cuối cùng, hoá thân làm chiếc thảm thần và đưa em
đi chu du khắp mọi nơi mà em ao ước viếng thăm.”
Khi
chàng nói nàng ngửa cổ như thể đang uống một thứ gì; con dã thú trong lồng ngực
nàng bắt đầu cựa quậy…
“Anh
cảm thấy em đơn côi hơn mọi người trên đời,” chàng nói tiếp, “mà rồi, áng
chừng, em là người duy nhất trên đời đang sống, thực sự sống. Sinh bất phùng
thời,” chàng thầm thì, vuốt ve chiếc bao tay, “âu cũng đành.”
Trời
ơi! Lỡ lầm nào nàng đã phạm! Sao nàng lại dám hoang phí hạnh phúc như thế này.
Đây là người đàn ông duy nhất hằng hiểu rõ lòng nàng bấy lâu. Đã quá muộn rồi
chăng? Có thể nào đã quá muộn? Nàng là chiếc găng tay mà chàng đang mang trên
những ngón tay…
“Và
em vốn dĩ không có bạn và không hề kết bạn với ai. Anh thấu hiểu điều đó, bởi
vì anh cũng vậy thôi. Bây giờ vẫn y như thế phải không em?”
“Vâng,”
nàng nói qua hơi thở. “Vẫn y như thế. Em vẫn một mình.”
“Anh
cũng vậy,” chàng cười nhẹ, “cũng như em.” Đột nhiên với cử chỉ chớp nhoáng
chàng trao trả nàng chiếc găng tay và kéo lê chiếc ghế trên sàn. “Tuy nhiên cái
điều dường như bí ẩn đối với anh hồi đó thì nay hiển lộ. Và đối với em luôn,
đương nhiên… Chúng ta đơn thuần đã là những kẻ vị kỷ, quá hướng nội, quá chú
mục vào bản thân đến nỗi không còn dành một góc nào trong tim cho bất kỳ một ai
khác. Em biết chứ,” chàng kêu lên, hồn nhiên và nồng nhiệt, và lại khả ố như
một diện mạo khác của bản thể cũ, “anh đã khởi sự tìm hiểu về Ý Thức Hệ lúc ở
Nga, và anh ngộ ra rằng chúng mình chẳng lập dị chút nào. Tuyệt nhiên đó chỉ là
một khuôn thức phổ biến của…”
Nàng
đã đi khuất. Chàng ngồi ở đấy, sững sờ, lặng người không thốt nên lời… Rồi
chàng gọi người hầu bàn tính tiền.
“Phần
kem còn y nguyên,” chàng nói. “Làm ơn đừng tính tiền tôi khoản đó.”
Anne
Nguyễn chuyển ngữ từ nguyên tác Bliss (1918)
Tác giả: Katherine Mansfield (1888 — 1923)