Sunday, November 29, 2020

1853. SONG THAO Hà Túc Đạo, người của số mạng

Hà Túc Đạo - Song Thao
(San Francisco, California, 12.2006)

Tôi không nghĩ là tôi phải viết bài này sớm thế. Hôm nay là ngày thứ tư 25/11. Thứ bảy 21/11, Hoàng Ngọc Phan, tên thật của Hà Túc Đạo, gửi message: “Có vẻ tôi sắp dính covid rồi. Ho và sổ mũi mấy ngày nay. Lát nữa sẽ đi xét nghiệm. Hy vọng bị cảm lạnh thường thôi thì tốt quá”. Bữa sau, Chủ Nhật 22/11, gửi message tiếp: “Đang chờ xét nghiệm hôm thứ hai. Vẫn còn ho và nóng lạnh. Hôm nay nhiệt kế có lúc lên tới 103. Bác sĩ gia đình trấn an nếu chưa có ói mửa và tiêu chảy thì vẫn hy vọng chưa dính Covid. Đành phó mặc ông trời vậy”. Ông trời đã quay mặt đi!


Nhóm Thời Nay cũ chúng tôi còn bốn tên vẫn liên lạc với nhau. Mỗi tên ở một nơi. Đoàn Vinh ở Nam Cali, Nguyễn Hoàng Quân ở bên Anh, tôi ở Montreal bên Canada và Phan ở San Jose, Bắc Cali. Một tên khác lưu lạc tận bên Úc là Hoàng Hà, tên thật Hoàng Bính Tý, chàng bác sĩ thích cầm viết hơn cầm ống chích. Không biết do sự tình cờ nào mà chỉ vài ngày trước đây, Hoàng Hà cho biết là Hà Túc Đạo bỗng liên lạc với anh sau mấy chục năm bặt tin. Vậy là nhóm Thời Nay xưa còn năm tên còn qua lại với nhau. Nay, hụt thêm một tên.


Tờ bán nguyệt san được giới trẻ yêu thích ngày đó hình như chỉ gồm toàn những tên viết báo bằng tay trái. Ngoài Giám Đốc Nguyễn văn Thái và Thư Ký Tòa Soạn Khánh Giang, chỉ có Hà Túc Đạo viết báo bằng tay phải. Anh sống bằng nghề báo nhưng với các báo hàng ngày khác, với Thời Nay anh cũng vẫn chỉ dùng tay trái. Thời Nay chỉ là tờ báo phụ trong nghề báo của Hà Túc Đạo nhưng hình như lại là nơi anh lai vãng nhiều nhất. Không biết vì anh đã làm luận án ra trường Chính Trị Kinh Doanh, Ban Báo Chí, Đại Học Đà Lạt, dưới sự bảo trợ của ông Nguyễn văn Thái hay vì cái không khí trẻ trung của các cây viết còn rất trẻ hồi đó. Chính tại Thời Nay tôi biết và thân Phan.


Khi đó Phan và tôi đều còn độc thân vui tính, ăn nhậu mút chỉ. Phan tuổi trẻ tài cao, lập gia đình trước tôi một năm với một cô sinh viên Đại học Đà Lạt. Tôi lề mề hơn, khi cũng lập gia đình với một cô sinh viên Đại học Đà Lạt quen trong một chuyến lên Đà Lạt chơi với Phan, thì vợ Phan đã mang bụng bầu tới dự đám cưới tôi. Phan vốn nhanh nhẹn, chuyện chi cũng nhanh! Con trai đầu của Phan là Hoàng Lê Trang Cung, sau này là võ sĩ nổi tiếng Cung Lê, là con đỡ đầu của tôi.

Làm báo chẳng bao giờ rủng rỉnh tiền bạc, trừ các ông chủ báo. Trong một lần nhẵn túi, Phan chỉ còn 20 đồng, một người bán số tới mời mua, anh dốc hết ra mua. Con số định mệnh anh bám víu vào trong niềm tuyệt vọng đã bung nở. Anh trúng độc đắc! Tôi không nhớ số tiền trúng là bao nhiêu triệu nhưng khi anh xuất hiện ở nhà tôi sau khi lãnh tiền con người anh đổi khác. Vẫn giọng nói lửng lơ chậm rãi, anh loan báo breaking news. Tôi không tin. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy một triệu phú “kiến thiết quốc gia” lẽ nào bây giờ lại hiển hiện trước mắt. Anh vội rút cuốn chi phiếu từ trong túi ra hoa hoa trước mặt tôi. Chuỵện khó tin nhưng có thật! Tôi ngẩn người ngắm anh từ đầu tới chân và chỉ hoàn hồn khi anh rủ đi ăn khao. Bữa ăn khao gồm toàn những tên viết Thời Nay là một cuộc vui chúng tôi chưa bao giờ được hưởng. Sau đó anh mua chiếc xe Volswagen hai ngựa rất lễ phép. Mỗi khi ngừng lại đầu xe gật gật một thôi một đỗi.


Tiền vào tay anh dễ thì ra cũng dễ. Anh sống rất đam mê. Chuyện chi cũng vậy. Nhất là chuyện cờ bịch. Thập bát ban võ nghệ, anh dính hết. Bẵng đi một thời gian, không biết tiền bỏ anh ra đi bằng cách nào mà anh lại rách. Nhưng lúc này, tên tuổi anh đã đóng đinh trên các mặt báo hàng ngày. Tờ anh cộng tác chính thức là tờ Đại Dân Tộc, một tờ được coi như đối lập với chính quyền mạnh mẽ nhất. Anh chuyên viết về kinh tế và được các báo trọng dụng. Cuộc sống của anh lại huy hoàng. Phan là một người quảng giao. Bạn bè anh tứ phía. Từ những ông bự trong chính quyền hồi đó tới những tên ký giả rách nát. Nơi nào anh cũng la cà được, chỗ nào anh cũng nhấc bàn tọa ngồi vào tất. Phan động đậy lung tung như vậy nên tôi không biết hết được cuộc sống muôn mặt của anh. Ngày đó tôi cũng bận nhiều công việc riêng nên không biết chi tới những sinh hoạt khác của Phan mà chỉ biết anh ở Thời Nay. Không biết duyên cớ làm sao mà Phan hợp với tôi. Tới khi hai đứa đều lập gia đình thì tình thân thêm gắn bó. Vậy nên tôi chỉ kể ra đây chuyện riêng của chúng tôi, một lần rồi thôi. Mà cũng làm chi có lần khác!


Những ngày tháng 4 đau buồn của đất nước, vợ con anh đã di tản trước, anh ở lại để, theo anh nói,  chứng kiến và tường trình những ngày tháng chộn rộn này, sau đó sẽ đi vào giờ chót. Tờ số anh chọn kỳ này hỏng bét. Anh kẹt lại. Như mọi người, anh trơ thân cụ chịu đựng những ngày thiếu thốn dưới chế độ mới. Rồi cũng như mọi người, anh tìm đường vượt biên. Cuộc ra đi có tổ chức đàng hoàng tại Vũng Tàu bị vỡ trận. Anh chạy bạt mạng tháo thân. Về lại Sài Gòn, anh vô nhà tôi, những vết cắt trên người còn rỉ máu. Anh xuống tận cùng của sự thất vọng. Cuộc đời anh như những đường biểu diễn parobol nối tiếp nhau. Xuống tới đáy lại ngoi lên lại. Gia đình anh từ bên Pháp tiếp tế cho anh. Cuộc sống đỡ vất vả. Cho tới khi anh được gia đình bảo lãnh qua Pháp.


Trước ngày đi, anh tới nhà tôi, ngắm khắp căn nhà trống vắng đồ đạc. Xe cộ, bàn ghế đã theo nhau đi. Nhìn thấy chiếc máy may còn lại, anh bảo tôi bán đi, đưa tiền cho anh qua Pháp gửi thuốc tây về. Một vốn bốn lời. Rồi chính anh đưa người tới rinh máy may đi. Ít gói thuốc tây nặng mỗi gói một ký, đúng theo quy định của nhà cầm quyền, được anh gửi về. Tôi được một số tiền kha khá đủ để cầm cự ít tháng. Gửi thư qua cám ơn bạn, tôi được anh cho biết sẽ tiếp tục gửi thuốc tây về cho tôi bằng tiền của anh. Trích ra một số để sống, còn lại giữ cho anh. Khi đó, việc gửi tiền về Việt Nam chưa được chính thức chấp nhận. Người ở ngoại quốc muốn chi viện cho thân nhân còn kẹt lại ở Việt Nam chỉ còn cách gửi chui. Anh liên lạc với những người bên Pháp cần gửi tiền về Việt Nam cho thân nhân và nhờ tôi mang tiền tới nhà cho họ. Công việc trơn tru, anh tiến thêm một bước, gửi liên tiếp thuốc tây về cho tôi, biến thành một dịch vụ thường xuyên cả hai cùng có lợi. Dân Chính Trị Kinh Doanh có khác! Tôi trở thành một tên đầu nậu thuốc tây bất đắc dĩ. Từ một tên khờ khạo trong việc kiếm tiền, tôi khôn lanh ra nhiều. Ngày đó, chưa có internet, chuyện thông tin về cho tôi chỉ bằng điện tín. Điện tín qua lại, nhân viên Bưu Điện ngửi thấy công chuyện làm ăn của chúng tôi. Họ gửi những điện tín giả cho tôi tới giao tiền cho những địa chỉ quen biết của họ. Nhưng tuy khờ khạo trong chuyện làm ăn, tôi cũng đã dự đoán chuyện này trước. Tôi gửi thư cho anh lập ra những tín hiệu chỉ có anh và tôi biết trong các điện tín. Mỗi điện tín, tôi có tới năm điểm để nhận biết là giả hay thiệt.


Chuyện buôn bán chui chấm dứt khi anh qua ở bên Mỹ. Tôi mù tịt những chuyện anh làm bên Mỹ vào thời kỳ này. Chỉ thỉnh thoảng nhận được một thùng quà anh gửi về cho các cháu mà nhân số đã lên tới bốn. Có lẽ vì những chiếc thùng thơm phức mùi Mỹ này mà các cháu đều biết “chú Phan”. Năm năm sau ngày Phan ra đi, gia đình tôi cũng qua Canada. Vừa được tin, anh gửi cho tôi một số tiền đặt cọc cho những bài viết của tôi về Sài Gòn, nơi tôi vừa rời xa. Lúc đó anh đang làm tờ Dân Tộc bên San Jose. Chỉ một thời gian, tờ Dân Tộc gặp khó khăn. Anh cố vớt vát cho tờ báo sống. Anh hỏi tôi có thể gửi cho anh một số tiền để tờ báo tiếp tục không. Tôi vét hết tiền gửi qua cho anh. Số tiền nhỏ bé của tôi chắc thuộc loại vô duyên nên tờ báo vẫn không chịu nổi. Anh hết cửa làm báo bên Mỹ nên kiếm cách quay về Việt Nam làm ăn. Đúng lúc đó, vận đỏ lại tới với anh. Anh trúng số! Khoảng vài chục ngàn đô chi đó. Mang số tiền ít ỏi về, anh gây dựng bằng cách mở trường dậy Anh văn và vi tính. Hai thứ này lúc đó đang được mùa. Anh phất lên. Từ một trường ở Sài Gòn, anh mở rộng tới khoảng 30 trường trên toàn quốc, từ Hà Nội tới Cần Thơ. Khi tôi về Việt Nam vì việc gia đình vào đầu năm 2001, anh đã thành đại gia. Chuyện đầu tiên anh làm là mời tôi tới văn phòng của anh, mở két sắt rút ra một cọc tiền Việt Nam, trả lại tôi số tiền tôi gửi cho anh trước đây. Xe hơi nhà lầu mấy cái, anh đại gia mang cái bụng bự đưa tôi đi khắp chốn xa hoa của thành phố Sài Gòn. Mừng cho anh nhưng tôi thương cho cuộc sống của anh, rất thoải mái tiền bạc nhưng cũng nặng nề cuộc sống. Anh đã ba lần lập gia đình. Anh cười cho biết số anh như vậy dù muốn hay không. Anh rất tin tử vi tướng số. Hồi học ở Đà Lạt, frère Kế, một người của nhà Chúa nhưng cũng là một nhà tử vi tướng số nói đâu trúng đó, đã phán đời anh phải ba lần qua đò. Số chi mà…cực. Quả là cực thiệt, khi nhắm mắt từ giã cõi đời, anh lại cu ky một mình nơi căn phòng thuê.


Chuyện đang là đại gia nhà cửa xênh xang mà kết thúc cuộc sống trong căn phòng thuê là chuyện lên voi xuống chó thường tình của Phan. Đời anh cứ lềnh bềnh như vậy. Lên cao cho cố rồi xuống  tới mạt hạng! Số anh như vậy. Chuyện ngã ngựa của anh xảy ra một cách bất ngờ. Anh không kịp trở tay, phải bỏ của chạy lấy người. Chỉ xách được chiếc cặp Samsonite đựng passport và giấy tờ cần thiết, anh trốn qua biên giới, vào Kampuchia và lấy máy bay trở về Mỹ với hai bàn tay trắng. Nói “trắng tay” không phải là một cách nói mà trắng thực sự. Anh không còn chi. Không nhà cửa, không tiền bạc. Anh ghi tên học lại đại học ở tuổi gần thất tuần. Thỉnh thoảng anh than van học với lũ sinh viên tuổi con tuổi cháu nản quá. Trí óc cùn đi, học trước quên sau, thiệt cực. Tôi bảo nghỉ quách cho rồi, già còn học làm chi. Anh thú thật, đi học mới được thêm vài trăm tiền học bổng mỗi tháng. Anh cần số tiền bèo bọt đó!


Trong tình cảnh co kéo như vậy, anh bảo tôi để cho anh hai cuốn Phiếm 25 tôi vừa in xong. Biết tôi hiểu tình trạng rách nát của anh, anh rào trước: “Ông không nên ngạc nhiên, tôi vừa trúng số 50 đô!”. Tôi cho biết sẽ gửi sách nhưng tiền thì ông nên giữ chơi số tiếp, đang hên không nên dứt. Phan mừng rỡ. Chi chứ chuyện đỏ đen là chàng không bao giờ hết hứng thú. Khoảng hơn chục năm trước, anh qua Montreal chơi với tôi. Địa chỉ anh muốn tôi đưa đến đầu tiên là casino. Anh ngồi vào bàn bạc với cung cách tự tin của một người đông địa. Anh đưa tôi một số jeton bảo muốn chơi chi thì chơi. Tôi không lấy. Tôi vốn không hứng thú chuyện tiền qua tiền lại giữa những khuôn mặt căng thẳng như muốn nuốt chửng nhau. Tôi đứng coi anh đánh. Chồng jeton của anh lúc đầy lúc vơi trước bộ mặt ngời lên vẻ thỏa mãn. Khi ra về, anh thắng vài trăm đô. Anh ba hoa: “Moa đánh là thắng!”.


Lần này chỉ năm chục bạc đu với đỏ đen cũng đã làm anh sung sướng. Anh bảo để moa chơi, thắng chia đôi. Tôi giỡn là chỉ nhận tiền chia nếu trúng bạc triệu, dưới bạc triệu không thèm tính! Anh cần mẫn mua vé dè dặt, mỗi ngày một hai vé. Trúng được vài đồng anh mừng húm. Tôi cổ võ anh chơi tiếp. Anh scan vé gửi cho tôi mỗi ngày. Tôi đâu có ghé mắt tới làm chi. Bạn vui là được. Chưa bao giờ thấy anh hứng thú với số tiền nhỏ nhoi như vậy. Ngày 23/10: “Đợt nhất out rồi. Chờ tối nay sang đợt hai. Vẫn còn “hy vọng đã vươn lên”. Tối 23/10: “Ngày mai xổ hai vé này”. Ngày 28/10: “Cả hai đợt vừa rồi trúng được có 4$. Lỗ to. Tôi đổi kế hoạch mua vé theo ngày sinh của tôi và các con. Vậy ông vui lòng cho tôi biết ngày sanh của vợ chồng ông và các cháu. Tôi sẽ mua hai vé 2$ cho mội kỳ xổ, như vậy mình sẽ còn 6 kỳ xổ nữa. Hy vọng lần thay đổi này phe ta sẽ…trúng mánh to nhé”. Cũng ngày 28/10: “Kỳ này cả Power và Mega đều trúng hơn 100 triệu cho lô độc đắc. Chia đôi số này chắc là vui lắm!”. Ngày 30/10: “Lần này mua mỗi loại một vé 2$ thôi nhưng bao 5 kỳ xổ liên tiếp. Tổng cộng 25$”. Đọc những cái mail dồn dập như niềm vui đang dâng trào của Phan, tôi muốn rớt nước mắt. Bàn tay đã nắm bạc triệu nay vui với bạc đồng!


Chỉ vài ngày sau, anh gửi cho tôi mấy cái message về bệnh. Rồi lặng thinh. Mãi mãi. Trúng hay không trúng, tôi ngẩn ngơ không hiểu. Chỉ biết là anh máu mê tới giây phút chót, giây phút bất thần mà tôi nghĩ anh không bao giờ ngờ tới.


Trong cuộc điện thoại với anh Nguyễn Xuân Phác, người bạn chí cốt với anh từ bao nhiêu năm qua, để hỏi về những gì xảy ra cho Phan vào giờ phút cuối. Sau khi cho tôi biết những giờ phút cuối của người mà nhà báo Hoàng Hà của Thời Nay ngày cũ gọi là “một đời ngang dọc”, anh Phác than là tình hình Covid của quận Santa Clara, nơi cư ngụ của anh và Phan, rất nặng. Anh nói với tôi con số hàng ngàn. Tôi không nhớ chính xác. Ngừng một lúc, anh buông thõng: “Không biết trong con số này có ông bạn của chúng ta không!”.


Rút cục, mỗi người chúng ta chỉ là một con số. Rất nhỏ!


SONG THAO

11/2020