Mặc
dù đang ở tuổi ba mươi Bertha Young vẫn có những khoảnh khắc như bây giờ đây
nàng thích chạy tung tăng thay vì đi bộ, nhảy nhót bước cao bước thấp dọc theo
lề đường, chơi đánh vòng, thảy cái gì đó lên không trung rồi đón bắt lấy nó,
hay đứng yên và cười khanh khách — chỉ thế thôi, chẳng vì đâu.
Biết
làm sao được khi đang ở tuổi ba mươi, rẽ qua lối về nhà, bỗng nhiên bạn bị
choáng ngợp bởi một niềm hạnh phúc — hạnh phúc tuyệt vời! — như thể bạn mới vừa
nuốt một mảng nắng chiều muộn sáng rực và nó cháy bừng trong lồng ngực bạn, tỏa
chiếu những tia lấp lánh khắp người, khắp từng đầu ngón tay ngón chân?
Ồ,
có cách nào khác hơn để diễn tả cái cảm giác đó nếu không ở trong trạng thái
say khướt và mê cuồng? Thời đại văn minh sao mà mông muội! Tại sao được ban cho
một thân thể mà lại phải nhốt kín trong cái hộp như thể nó là một cây đàn hiếm
quý?
“Không,
ví như cây đàn cũng không hẳn,” nàng thầm nghĩ lúc nhảy từng bước lên bậc cấp
và thò tay vào túi xách tìm chìa khóa — thôi lại quên nữa rồi — và khua loảng
xoảng hộp thư. “Ý mình không phải vậy, bởi vì — À, cám ơn nhé, Mary” — nàng vào
nhà. “Vú em đã về chưa?”
“Thưa
cô, đã.”
“Và
trái cây đã giao rồi chứ?”
“Vâng,
bẩm cô. Mọi thứ xong xuôi đâu vào đấy cả rồi.”
“Mang
trái cây lên phòng ăn, nhớ nhé? Tôi sẽ chưng mâm quả trước khi lên lầu đấy.”
Phòng
ăn mờ tối và lạnh ngắt. Nhưng có hề gì, Bertha cởi tung áo choàng; nàng không
chịu nổi cái gò bó của nó nữa, và hơi lạnh chạm vào cánh tay nàng.
Nhưng
trong lồng ngực nàng vẫn còn bừng bừng ngời sáng — cái luồng tia lửa lấp lánh
chiếu từ đó. Hầu như chới với. Nàng không dám thở kẻo chúng lại bùng lên, nhưng
rồi nàng hít thở thật sâu, thật sâu. Nàng không dám nhìn vào tấm gương lạnh lẽo
— song nàng đã soi gương, và nó phản chiếu một người đàn bà, rạng rỡ, mỉm cười,
bờ môi run run, đôi mắt to tròn đen láy và đang lặng yên chờ đợi một điều gì…
một điều gì đó linh thiêng sắp xảy đến… nàng biết nó sẽ đến… không ngờ vực gì
nữa.
Mary
bưng vào khay trái cây kèm theo chậu thủy tinh và một chiếc đĩa mầu xanh dương
tuyệt đẹp, bóng loáng lạ mắt như thể mới nhúng vào sữa.
“Có
cần bật đèn không Cô?”
“Thôi,
chẳng cần. Tôi thấy đường mà.”
Nào
là quýt, táo nhuộm màu dâu đỏ. Vài trái lê vàng mịn như lụa, và nho trắng phủ
một lớp phấn bạc và chùm nho lớn màu tím. Nho tím nàng đã cốt chọn cho tiệp với
màu thảm mới trong phòng ăn. Thế đó, nghe có vẻ hoang đường và kỳ dị sao đâu,
nhưng đó chính là lý do khi nàng chọn mua. Lúc ở trong hàng trái cây nàng nhủ
thầm: “Mình cần phải có quả tím để nâng thảm lên ngang tầm với mặt bàn chứ.”
Quả là hợp tình hợp lý khi ấy.
Khi
sắp xếp xong hai tháp trái cây gồm những quả tròn trĩnh mầu sắc rực rỡ, nàng
đứng lùi ra xa để ngắm nhìn công trình của mình — một cảnh tượng quá lạ thường.
Bởi vì bàn ăn đậm màu hầu như hoà tan vào vũng ánh sáng mờ mờ và đĩa chưng thủy
tinh cùng với chậu mầu xanh dương như trôi bềnh bồng trong khoảng không. Cảnh
tượng này dĩ nhiên đối với tâm tư nàng bấy giờ thật quá tráng lệ… Nàng bật cười
khanh khách.
“Thôi
chết. Mình hóa điên mất rồi.” Và nàng chụp vội chiếc xắc tay cùng áo choàng và
chạy bay lên lầu vào phòng con.
Bà
vú ngồi cạnh chiếc bàn thấp đang cho Bé B ăn sau khi tắm. Bé mặc áo nỉ màu
trắng và áo len màu xanh da trời, và tóc màu thẫm mảnh như tơ chải thành một
nhúm ngộ nghĩnh trên chỏm đầu. Bé ngước nhìn và khi thấy mẹ là bắt đầu giẫy
nẩy.
“Chóng
ngoan, này cưng, ăn cho hết đi nhé,” bà vú dỗ, trề trề môi ra hiệu cho Bertha
biết ý là nàng đã vào thăm không đúng lúc.
“Bé
có ngoan không, Vú?”
“Bé
ngoan lắm suốt cả chiều nay,” Vú thì thầm. “Lúc nẫy ra chơi ngoài công viên tôi
ngồi xuống ẵm bé ra khỏi xe đẩy, có con chó bự tới dụi đầu vào đầu gối tôi và
bé nắm lấy tai con chó, giựt giựt. Ôi chao, phải chi cô nhìn thấy bé lúc ấy.”
Bertha
muốn hỏi xem khi để bé nắm tai con chó lạ nhỡ có nguy hiểm gì không. Nhưng nàng
không dám hỏi. Nàng đứng đó ngắm họ, hai cánh tay buông thõng, giống như một
đứa trẻ con nhà nghèo trước một đứa trẻ nhà giàu với con búp bê trên tay.
Đứa
bé ngẩng lên nhìn lần nữa, ngó sững, và rồi nhoẻn miệng cười dễ thương quá đến
nỗi Bertha phải kêu lên:
“Ồ,
Vú ơi, hãy để tôi đút cho cháu ăn nốt nhé, để Vú rảnh tay mà dọn dẹp phòng
tắm.”
“Cô
à, khi bé ăn mà đổi tay như thế không ổn đâu,” Vú nói, vẫn thầm thì. “Sẽ làm
rộn bé; thế nào cũng làm rộn bé.”
Sao
mà kỳ khôi. Tại sao có con mà lại giao nó — không phải cất giữ trong hộp như
cây đàn hiếm qúy — trong vòng tay một người đàn bà khác nhỉ?
“Ồ,
để tôi!” nàng nói.
Một
cách vùng vằng, Vú trao bé cho nàng.
“Đấy
đấy, đừng có làm bé rối cả lên sau bữa ăn nhé. Cô biết đó. Không thì lát nữa
đây tôi phải đến khổ với bé thôi!”
Thật
may phước! Vú rời khỏi phòng với mớ khăn tắm.
“Giờ
thì chỉ có mẹ con mình thôi, bé cưng của mẹ,” Bertha nói, khi đứa bé ngả người về
phía nàng.
Bé
ăn nhỏ nhẹ, chìa môi chờ đút và vẫy vẫy đôi bàn tay. Có khi nó ngậm chặt chiếc
muỗng không chịu nhả; và có khi Bertha vừa mới múc đầy muỗng, nó quơ tay làm
thức ăn văng tung toé.
Cho con ăn xong Bertha xoay về hướng lò sưởi. “Ngoan lắm — Bé ngoan lắm!” nàng vừa nói vừa hôn đứa con ấm áp của nàng. “Mẹ thương con, cục cưng của mẹ.”
Và
đương nhiên là thế, nàng yêu Bé B quá đỗi — cái cổ khi bé nghiêng người về phía
trước, mấy ngón chân thanh tú nhìn trong suốt qua ánh lửa lò sưởi — rồi là bao
nhiêu cảm giác vui sướng ngây ngất ùa về và một lần nữa nàng không biết diễn tả
thế nào — không biết phải làm gì với nó.
“Thưa
cô có điện thoại,” Vú nói, ngạo nghễ quay trở lại và giằng lấy Bé B của nàng.
Nàng
chạy bay xuống lầu. À thì ra là Harry.
“Ber
đó hả? Em à, anh về muộn đấy. Anh sẽ đi taxi về và sẽ gắng vội, hãy hoãn bữa ăn
lại mười phút nhé? Được không em?”
“Vâng,
được mà. Mình ơi!”
“Sao?”
Biết
nói gì đây? Nàng chẳng biết nói gì. Nàng chỉ muốn gần kề bên chồng trong giây
lát. Nàng không thể nào thốt lên một cách vu vơ: “Ngày hôm nay thần tiên quá!”
“Gì
thế em?” loáng thoáng một giọng nhát gừng.
“Vâng,
được ạ,” Bertha nói và gác ống điện thoại, thầm nghĩ còn mông muội nào hơn thời
đại văn minh.
Họ
mời khách đến dự cơm tối. Ông bà Norman Knights — cặp vợ chồng lịch duyệt — ông
chồng sắp sửa mở một hý viện, và bà vợ có khiếu trang hoàng nội thất, một thanh
niên, Eddie Warren, người vừa ra mắt một tuyển tập thơ và là người mà ai cũng
muốn mời mọc thù tạc, và Pearl Fulton — một khám phá mới của Bertha. Cô Pearl
làm nghề gì thì Bertha chưa biết. Họ mới gặp nhau ở trà thất và Bertha đã cảm
thấy say mê cô ta, bởi nàng vốn dĩ thường say mê những người đàn bà đẹp có chút
gì là lạ nơi họ.
Có
điều là mặc dù họ đã từng vài lần gặp nhau, từng đi chơi chung và chuyện trò
với nhau, Bertha vẫn chưa mảy may biết gì về cô ấy. Với một chừng mực nào đó
thì thảng hoặc cô Pearl có vẻ đôn hậu, nhưng chỉ ngần ấy thôi, cô không vượt
qua khỏi chừng mực đó.
Có
gì ẩn khuất đằng sau thành trì ấy? Harry bảo “Không.” Chàng đan cử cái vẻ ngô
nghê của cô ta, và “lạnh lùng như hết thảy mấy kiều nữ tóc vàng, và có lẽ cái
bộ não hơi thiếu dinh dưỡng.” Đương nhiên là Bertha không đồng ý với chàng, hay
dầu sao nàng cũng chưa vội.
“Không
đâu anh, dáng điệu cô ấy ngồi, đầu hơi ngả một bên và miệng mỉm cười, tiềm ẩn
một điều gì, Harry, và em quyết tìm cho được xem nó là cái gì.”
“Dễ
chừng ấy là cái bụng dạ tốt lành,” Harry trả lời.
Chàng
ý nhị nhằm gây sự kinh ngạc khi trả lời nàng đại loại như thế… “can hàn đấy,
cưng ơi,” hoặc “bụng đầy hơi,” hay “thận hư,”… Chẳng hiếu sao Bertha lại thấy
thích thú, và hầu như rất đỗi ngưỡng mộ cái phong cách ấy nơi chàng.
Nàng
vào thư phòng và nhóm lò sưởi; đoạn, nhặt lấy mấy cái gối bông, từng chiếc một,
mà Mary đã bày biện tươm tất, nàng thảy chúng trở lại vào lòng ghế và tràng kỷ.
Chỉ có thế mà căn phòng tự dưng thấy linh động hẳn lên. Khi sắp sửa thảy chiếc
gối cuối cùng nàng ngạc nhiên khi thấy mình ôm ghì lấy nó vào lòng một cách âu
yếm. Nhưng nào nàng có dập tắt ngọn lửa trong lồng ngực được đâu. Chao ôi,
ngược lại là đằng khác!
Khung
cửa sổ thư phòng mở ra ban công nhìn xuống khu vườn. Ở cuối góc vườn, bên cạnh
bờ tường, cây lê cao mảnh khảnh đơm bông rực rỡ; nó đứng lừng lững, cơ hồ đang
trầm tư trên nền trời ngọc bích. Bertha không thể không cảm thấy, cho dù cách
xa một khoảng, là nó không có lấy một nụ hoa hay một cánh hoa phai nhạt màu.
Phía dưới, trong khu vườn, những luống uất kim hương trĩu hoa vàng đỏ, dường như
đang tựa vào bóng tối. Một con mèo xám, bụng kéo lê, đang bò băng qua thảm cỏ,
và một con mèo đen — cái bóng của nó — lẽo đẽo theo sau. Cảnh tượng quá mãnh
liệt và đột ngột khiến Bertha rùng mình cách lạ thường.
“Cái
lũ mèo sao mà ghê rợn!” Nàng lầu bầu, và quay trở vào bắt đầu đi tới đi lui…
Trong
căn phòng ấm áp mùi hoa vạn thọ tỏa nồng làm sao. Có nồng quá không nhỉ? Ồ,
không. Rồi như để trấn an, nàng gieo mình xuống lòng tràng kỷ và đưa hai bàn
tay lên áp nhẹ vào mắt.
“Tôi
đang hạnh phúc — hạnh phúc biết bao!” Nàng thì thầm.
Và
dường như trên mí mắt nàng dư ảnh cây lê yêu kiều với những bông hoa nở rộ như
là biểu tượng của chính cuộc đời nàng.
Thực
sự, vâng, thực sự là nàng có tất cả mọi thứ trên đời. Nàng đương tuổi xuân.
Harry và nàng vẫn lửa hương nồng thắm như ngày đầu, vợ chồng sống bên nhau
thuận thảo và rất tâm đầu ý hợp. Nàng có một mụn con xinh xắn. Họ chẳng phải
bận tâm về tiền bạc. Họ có nhà cửa vườn tược thật đắc ý. Và đám bạn hữu — những
người tân tiến, vui nhộn, nào là văn sĩ, họa sĩ, thi sĩ hay những người lịch
lãm — đúng là loại bạn bè mà họ thích giao du. Và nào là sách, nào là âm nhạc,
và nàng tình cờ tìm được người thợ may tuyệt vời, và họ đi nghỉ hè ở ngoại
quốc, và người đầu bếp mới mướn của họ biết làm món trứng chiên tuyệt hảo…
“Mình
có khùng không cơ chứ!” Nàng nhổm dậy; nhưng nàng cảm thấy thật choáng váng,
thật mê man. Chắc là tại mùa xuân.
Đúng
là tại mùa xuân. Giờ thì nàng mệt nhừ chẳng buồn lê bước lên lầu để thay áo.
Chiếc
áo đầm màu trắng, chuỗi cẩm thạch, giầy và vớ màu xanh lục. Nào phải ngẫu nhiên
— nàng đã nhẩm chọn bộ trang phục này vài tiếng đồng hồ trước khi đứng bên cửa
sổ thư phòng.
Xiêm
áo nàng sột soạt bước vào phòng, và nàng hôn bà Norman Knights, đang lúc bà cởi
chiếc áo khoác màu cam kỳ lạ có thêu hình mấy con khỉ đen viền quanh gấu và tà
áo.
“…
Trời hỡi trời! Giới trung lưu thật rõ chán — chẳng có lấy một chút óc khôi hài!
Cô à, tôi tới đây được là may mắn lắm đấy — nếu không có ông Norman thần phù
của tôi đây. Bởi vì mấy con khỉ cưng của tôi làm cho cả đoàn tầu hỏa phát khùng
đến nỗi nó thách thức một gã đàn ông cứ quấy nhiễu tôi bằng mắt. Không cười —
không thấy buồn cười — rằng tôi đáng yêu. Không, chỉ nhìn trân trối — và làm
tôi chán ngấy.”
“Nhưng
tuyệt nhất là,” Norman nói, tay ấn cái gọng kính đồi mồi to bản vào mắt, “mình
không ngại tôi kể chuyện này đó chứ, hả Face?” (Ở nhà và trước mặt bạn bè họ
gọi nhau là Face và Mug) “Tuyệt nhất là khi no nê rồi bả quay sang bà bên cạnh
hỏi: ‘Bà có thấy khỉ bao giờ chưa?'”
“Thế
đấy!” Bà cười hòa theo. “Thế có tuyệt không cơ chứ?”
Buồn
cười hơn nữa là khi đã trút bỏ áo choàng bà trông giống như một con khỉ thông
minh biết kết vỏ chuối thành cái áo đầm bằng vải lụa mầu vàng kia. Và đôi
khuyên tai ngọc hổ phách của bà trông giống như mấy hạt đậu lủng lẳng.
“Đây
là tiên bị sa xuống trần!” Mug nói khi đứng dừng lại trước cái xe nôi của Bé B.
“Khi xe nôi lăn vào sảnh đường…” và ông buông lửng câu.
Chuông
reo. Đó là Eddie Warren, với dáng dấp nho nhã xanh xao như thường lệ, bộ điệu
thống khổ.
“Đây
có đúng nhà không nhỉ?” cậu hỏi, giọng khẩn khoản.
“Ồ,
tôi mong là thế — tôi ước là thế,” Bertha reo lên.
“Tôi
vừa mới bị một phen khốn đốn với gã tài xế tắc xi; cái thằng mắc dịch. Tôi
không cách nào bảo hắn dừng xe. Tôi càng gõ càng gọi chừng nào thì hắn ta càng
phóng nhanh chừng nấy. Và dưới ánh trăng cái bóng dị hợm với cái đầu dẹp lép
chúi xuống bánh lái nhỏ xíu xiu…”
Cậu
rùng mình, tháo tấm khăn quàng lụa bạch to bản. Bertha để ý thấy đôi vớ của cậu
cũng tiệp màu trắng — rất điệu đàng.
“Cơ
khổ!” nàng thốt lên.
“Vâng,
thật vậy,” Eddie nói, bước theo nàng vào thư phòng. “Tôi thấy tôi đang lao vào
cõi Vĩnh Cửu trên chuyến xe vô tận.”
Anh
ta quen biết vợ chồng Norman Knights. Kỳ thực, anh ta sắp sửa viết một kịch bản
cho họ khi chương trình dựng kịch trường của họ được hoàn tất.
“Kìa,
Warren, vở kịch viết tới đâu rồi?” ông Norman Knights nói, gỡ gọng kính ra cho
con mắt được trồi lên trước khi nó lại bị đè xuống.
Và
bà Norman Knights: “Ồ, cậu Warren, vớ trông vui mắt nhỉ?”
“Bà
thích làm tôi vui lắm,” cậu nói, mắt đăm đăm nhìn xuống chân. “Chúng dường như
trắng ngời thêm từ lúc trăng lên.” Và cậu ta hướng khuôn mặt trẻ trung thuôn
thuôn sầu muộn về phía Bertha. “Trăng ở ngoài kia, chị biết chứ.”
Nàng
chực òa khóc: “Chắc chắn là thế — thường khi!”
Cậu
ta khôi ngô nhất trong đám. Nhưng Face cũng vậy, khom người trước lò sưởi dưới
lớp áo da vỏ chuối, và Mug cũng thế, phì phèo hút thuốc và vừa búng tàn thuốc
vừa nói: “Sao mà chú rể nấn ná lâu thế?”
“Ổng
kia rồi.”
Cánh
cửa chính mở tung rồi đóng sầm lại. Harry hô rổn rảng: “Xin tổng chào mọi
người. Tôi xuống liền tức thì.” Và họ nghe tiếng chàng chạy ào lên thang lầu.
Bertha không khỏi mỉm cười; nàng biết chàng thích làm những công việc gấp gáp.
Thêm năm phút có đáng gì đâu nhỉ? Nhưng chàng cứ giả vờ với chính mình rằng nó
tối ư quan trọng. Và rồi chàng cứ phong thái trịnh trọng bước vào thư phòng,
thật ung dung tự tại.
Harry
yêu đời. Ồ, nàng thích điều đó nơi chàng biết bao. Và sự đam mê phấn đấu của
chàng — bởi chàng tìm thấy trong mỗi thứ mà chàng phải đương đầu sự thử thách
sức lực và lòng dũng cảm của chàng — điều đó, nàng cũng hiểu. Cho dù nó khiến
chàng đôi khi, dưới mắt mọi người, khi họ không biết nhiều về chàng, hơi lập dị
có lẽ… Bởi có những lúc chàng lao vào vòng chiến giả tưởng… Nàng nói nói cười
cười hầu như quên bẵng cho đến khi chàng vào phòng (y như nàng tưởng tượng) là
Pearl Fulton chưa đến.
“Không
chừng cô Fulton đã quên khuấy?”
“Anh
cũng nghi vậy,” Harry nói. “Cô ấy có gọi điện thoại không em?”
“A!
Taxi tới rồi kia.” Và Bertha mỉm cười, nụ cười ra dáng chủ nhân khi những vị nữ
khách mới khám phá của nàng hãy còn mới lạ và bí ẩn. “Cô ấy cứ ở suốt trong xe
taxi.”
“Vậy
thì cô ấy sẽ chóng phì,” Harry trầm tĩnh nói, tay rung chuông gọi bữa. “Đàn bà
tóc vàng thì khiếp lắm.”
“Harry
— Đừng anh!” Bertha nhắc chừng, bụng cười thầm về chàng.
Khoảnh
khắc kế tiếp, trong lúc chờ đợi, họ chuyện vãn cười đùa, không để ý tứ và hơi
có chút phóng túng. Và rồi cô Fulton, với trang phục tuyền một mầu ngân nhũ,
bandeau mầu ngân nhũ buộc mái tóc vàng nhạt, mỉm cười đi vào, đầu nghiêng
nghiêng một bên.
“Tôi
có muộn không?”
“Không
đâu, không muộn chút nào,” Bertha nói. “Mời cô.” Nàng quàng tay cô và họ bước
vào phòng ăn.
Cái
gì ở trong sự đụng chạm cánh tay đó đã quạt bùng lên — ngọn lửa đam mê bắt đầu
bừng cháy mà Bertha chẳng biết làm gì với nó đây?
Cô
Fulton không nhìn nàng; vả chăng, họa hoằn cô mới nhìn thẳng ai. Mi mắt trĩu mơ
màng và nụ cười nửa miệng khi ẩn khi hiện trên môi như thể cô hiện hữu chỉ để
lắng nghe hơn là nhìn ngắm. Nhưng Bertha biết, thốt nhiên, cơ hồ — qua ánh mắt
âu yếm và quyến luyến họ đã bảo nhau: “Chị cũng thế đấy ư?” — rằng Pearl
Fulton, đang quậy quậy súp mầu đỏ trong đĩa xám, cũng đang đồng cảm với nàng.
Và
những người khác thì sao? Face và Mug, Eddie và Harry, muỗng của họ nâng lên
đặt xuống — khăn ăn chậm lên môi, bánh mì bẻ vụn, ly nĩa khua lơ đãng và chuyện
trò.
“Tôi
gặp cô ấy ở buổi triển lãm Alpha — một người nhỏ nhắn dị kỳ nhất. Không những
tóc cô ta cắt ngắn, mà dường như chân tay, cần cổ và cả cái mũi nữa cũng bị xén
cụt ngủn luôn.
“Có
phải cô ấy rất thân thiết với Michael Oat?”
“Người
viết cuốn Tình Yêu trong Hàm Răng Giả?”
“Ổng
muốn soạn một vở kịch cho tôi. Vở kịch một màn cho một người diễn. Quyết định
quyên sinh. Nêu đủ mọi lý do tại sao nên và không nên. Và vừa khi nhân vật vừa
quyết định xong thì hạ màn. Cốt truyện không đến nỗi tệ lắm.”
“Vậy
ổng đặt tên cho nó là gì — ‘Bệnh Bao Tử’ ư?”
“Tôi
nghĩ tôi đã đọc cũng cái ý đó đâu trong một bài phê bình tiếng Pháp, tuyệt
nhiên chưa biết đến ở Anh quốc.”
Không,
họ chưa hề tỏ lộ. Họ là những người khách mà nàng quý chuộng và thích được
chiêu đãi họ với những món trân châu mỹ tửu ở nhà nàng. Thật vậy, nàng mong
được nói với họ rằng họ đáng yêu biết bao, và nhóm bạn của nàng thanh lịch biết
bao, những người bạn đồng điệu khiến nàng liên tưởng đến một vở kịch của
Tchekof!
Harry
ăn ngon miệng. Ít nhiều chàng thường — sao nhỉ, không hẳn là bản tính, cũng
chẳng phải là bộ điệu của chàng — đề cập đến các món ăn và hết lời ca ngợi cái
“đam mê không ngượng ngùng mầu sáng ngời của con tôm hùm” và cái “mầu xanh rêu
của đá bào làm bằng hạt pistachio — xanh và lạnh như mí mắt của các vũ công Ai
Cập.”
Khi
chàng ngước nhìn nàng và nói: “Bertha à, món soufflé này ngon dễ nể!” nàng suýt
khóc hồn nhiên thoả thuê.
Trời
ơi, sao đêm nay nàng cảm thấy cuộc đời dịu dàng quá đỗi? Mọi thứ đều tuyệt
diệu. Tất cả mọi diễn biến như rót tràn đầy một lần nữa ly rượu sóng sánh hạnh
phúc của nàng.
Và,
trong tiềm thức nàng, hình ảnh cây lê vẫn hiện diện. Nó bây giờ hẳn đã nhuộm
màu bạc, dưới ánh trăng của anh chàng Eddie tội nghiệp, ngời ánh ngân nhũ như
cô Fulton — cô đang ngồi đó mân mê trái quýt trong mấy ngón tay mỏng mảnh và
nhợt nhạt tựa hồ có luồng ánh sáng tỏa chiếu từ đấy.
Cái
mà nàng chưa thể thấu hiểu — cái điều kỳ diệu — là làm sao mà nàng ước đoán
được tâm tư cô Fulton chính xác và chớp nhoáng đến như vậy. Bởi vì nàng không
chút ngờ vực rằng mình đúng, nhưng rồi nàng phải tiếp tục thế nào đây? Chịu
thôi.
“Chắc
điều này hiếm có khi nào xảy ra giữa đàn bà với nhau. Với đàn ông thì chắc
chẳng bao giờ,” Bertha thầm nghĩ, “Nhưng khi mình pha cà-phê trong thư phòng có
lẽ cô ấy sẽ ra ám hiệu cho mình.”
Điều
đó có ý nghĩa gì nàng không biết, và chuyện gì xảy ra sau đó nàng chẳng thể
ngờ.
Đương
lúc nghĩ ngợi như thế nàng thấy mình nói nói cười cười. Nàng phải nói vì nàng
thèm được cười.
“Nếu
không được cười chắc là mình chết mất thôi.”
Nhưng
khi nàng bắt gặp Face theo thói quen đang loay hoay độn cái gì đó trước ngực —
làm như bà ấy đang lén giấu một mớ hạt đậu ở đấy — Bertha phải bấm mấy đầu móng
tay vào bàn tay — để đừng cười nhiều quá.
Cuối
cùng thì cũng xong. “Mời mọi người vào xem cái máy pha cà-phê mới của tôi,”
Bertha nói.
“Cứ
mỗi hai tuần tụi tôi chỉ sắm máy mới một lần,” Harry nói. Lần này Face quàng
tay nàng; cô Fulton nghiêng nghiêng đầu nối gót theo vào.
Trong
thư phòng ánh lửa trong lò sưởi tàn dần thành một khối châu sa chập chờn như
“tổ chim phượng hoàng non,” Face nói.
“Hãy
khoan, đừng bật đèn vội. Thật là dễ chịu quá.” Và nàng lại ngồi thu mình trước
lò sưởi. Nàng luôn cảm thấy lạnh… “nếu không có chiếc áo dạ mầu đỏ này, dĩ
nhiên,” Bertha nghĩ thầm.
Ngay
khi ấy cô Fulton ra ám hiệu.
“Chị
có một khu vườn chứ nhỉ?” một giọng nói ngái ngủ trầm trầm cất lên.
Có
cái gì thật huyền diệu nơi cô ấy khiến tất cả những gì Bertha có thể làm được
chỉ là sự tuân phục. Nàng đi băng qua gian phòng, kéo giạt tấm mành, và mở tung
cánh cửa sổ.
“Đấy!”
nàng thở ra.
Và
hai người đàn bà đứng kề bên nhau ngắm nhìn cây hoa rực rỡ và mảnh khảnh. Mặc
dầu nó tĩnh lặng nhưng cơ hồ, tựa như ngọn lửa nến, đang rướn mình chỉa thẳng,
run rẩy trong khoảng không sáng ngời, mỗi lúc mỗi vươn cao thêm đương lúc họ
ngây ngất nhìn — như sắp chạm vào vành trăng bạc.
Họ
đã đứng đó bao lâu rồi? Cả hai, như thế đó, chìm đắm trong vũng ánh sáng kỳ ảo,
hiểu thấu lòng nhau, là tạo vật của một thế giới nào khác, và tự hỏi họ đang
làm gì trong thế giới này với cả một kho tàng hạnh phúc đang âm ỉ cháy trong
lồng ngực và đang lả tả từng bông hoa ngân nhũ rơi từ tóc từ bàn tay của họ?
Vô
tận — hay trong thoáng chốc? Và cô Fulton thầm thì: “Vâng. Như thế đấy.” Hay
phải chăng Bertha đang mơ?
Rồi
ánh đèn bật sáng và Face đã pha xong cà-phê và Harry bảo: “Bà Knight quý hoá
ơi, xin đừng hỏi han gì về cháu bé của tôi. Tôi có trông thấy nó bao giờ đâu.
Chừng nào nó cặp bồ hẵng hay,” và Mug gỡ cái tròng kính ra khỏi mắt một lát rồi
lại gắn vào và Eddie uống cạn tách cà-phê và đặt tách xuống với vẻ mặt ảo não
như thể chàng ta đang say và vừa nhác thấy con nhền nhện.
“Cái
mà tôi muốn làm là cống hiến một kịch trường cho đám thanh niên. Tôi tin rằng
thủ đô có đầy dẫy những vở kịch thượng thặng chưa ra lò. Tôi muốn nói với họ
rằng: ‘Sân khấu đây rồi. Xin cứ thi thố.”‘
“Anh
biết không, tôi sắp sửa trang hoàng một căn phòng cho Jacob Nathans. Ồ, tôi
khoái họa kiểu mẫu cá chiên, lưng ghế hình chảo và những tấm màn thêu đầy hình
khoanh bánh khoai mỏng mỹ miều.”
“Cái
rắc rối với mấy nhà soạn kịch trẻ của chúng ta là họ còn mơ mộng quá. Bạn không
thể ra khơi mà ngại bị say sóng hay thiếu cái chậu thau. Ừ nhỉ, tại sao họ
không can đảm như mấy cái chậu thau đó?”
“Một
bài thơ dổm về một cô gái bị thất tiết bởi một gã hành khất không có lỗ mũi
trong khu rừng nhỏ…”
Cô
Fulton ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế thấp nhất và sâu nhất và Harry đưa thuốc
lá lần lượt mời mọi người.
Dựa
vào điệu bộ mà chàng đứng trước mặt cô lắc lắc chiếc hộp bằng bạc và nói cộc
lốc: “Ai Cập? Thổ Nhĩ Kỳ? Virginia? Lộn xà ngầu,” Bertha hiểu ra rằng không
những cô đã làm cho chàng chán; chàng đã thật sự không ưa cô. Và nàng quyết đoán
qua cách cô Fulton nói: “Không, cảm ơn, tôi không hút thuốc lá,” rằng cô cũng
cảm thấy điều đó và bị tổn thương.
“Ồ,
Harry, đừng ghét bỏ cô ấy chứ. Anh hoàn toàn hiểu lầm về cô ấy. Cô ấy thật
tuyệt vời. Và, hơn nữa, sao anh có thể hiểu khác về một người mà em rất mực quý
mến. Đêm nay trong khuê phòng em sẽ ráng kể cho anh nghe những gì đang xảy ra —
những gì mà cô ấy và em đã san sẻ cho nhau.”
Với
những lời tự nhủ đó có cái gì kỳ lạ và gần như kinh dị lao vào tâm trí Bertha.
Và cái gì đó mù lòa mỉm cười thì thào với nàng: “Lát nữa đây khách sẽ ra về.
Căn nhà sẽ yên ắng. Đèn sẽ tắt. Và riêng bạn với chàng trong phòng tối — gối
chăn ấm nồng…”
Nàng
đứng bật dậy khỏi lòng ghế và chạy bay đến bên chiếc đàn dương cầm.
“Tiếc
thay đàn chẳng ai chơi!” nàng kêu thảng thốt. “Tiếc thay đàn chẳng ai chơi.”
Đây
là lần đầu tiên trong đời Bertha Young cảm thấy khao khát chồng nàng. Ôi, nàng
vẫn yêu chàng — tất nhiên nàng vẫn hằng say mê chàng, đủ mọi cách khác, nhưng
không giống như bây giờ. Và tương tự, tất nhiên, nàng hiểu rằng chàng khác
mình. Họ thường tâm sự với nhau. Thoạt đầu khi nghiệm ra mình lãnh cảm nàng đã
lo âu sầu muộn, nhưng dần dà điều đó không còn đáng để tâm nữa. Họ đối xử với
nhau rất chân tình — như đôi bạn tri kỷ. Đấy là cái tuyệt luân của đời mới.
Nhưng
giờ đây — đam mê rạo rực khắp châu thân! Phải chăng đây là cái cảm giác tuyệt
đỉnh của hạnh phúc? Ấy thế mà rồi — “Cô à,” bà Norman Knight nói, “khốn nỗi,
tụi tôi ở Hampstead, bị bó buộc bởi giờ giấc và xe lửa. Tối nay vui quá thể.”
“Để
tôi tiễn chân ông bà,” Bertha đáp. “Tôi thích tiếp đãi ông bà. Nhưng không thể
lỡ chuyến tàu cuối cùng. Tiếc quá nhỉ?”
“Hãy
uống một ly whisky rồi hẵng về?” Harry gọi.
“Thôi,
cám ơn ông bạn vàng.”
Khi
bắt tay chào Bertha siết nhẹ bàn tay khách.
“Tạm
biệt nhé,” nàng kêu lên từ đỉnh bậc cấp, tưởng chừng như chính mình phải rời xa
họ mãi mãi.
Nàng
trở vào thư phòng khi những vị khách kia đang sửa soạn ra về.
“…
Thì anh cứ đi chung một đoạn đường với tôi.”
“Xin
đa tạ cô, thế thì đỡ cho tôi khỏi phải chịu trận một lần nữa, sau chuyến xe
kinh hoàng ban nãy.”
“Có
thể đón xe taxi ở bến xe cuối ngõ. Đi bộ mươi bước là tới.”
“Vậy
thì tốt lắm. Để tôi mặc áo khoác vào đã.”
Cô
Fulton tiến ra mé cửa và Bertha nối gót theo sau vừa lúc Harry hầu như lấn bước
vượt lên trước.
“Để
anh.”
Bertha
biết rằng chàng đang đền bù hành vi khiếm nhã của mình — nàng dừng lại nhường
bước. Trong cung cách nào đó chàng như đứa trẻ — quá bốc đồng — quá giản dị.
Chỉ
còn Eddie và nàng bên lò sưởi.
“Chẳng
hay chị đã đọc bài thơ mới ra lò của Bilks nhan đề Thực Đơn Cố Định chưa,”
Eddie nói nhỏ nhẹ. “Thực là một tuyệt tác. Trong tuyển tập cuối. Chị có tập thơ
đó không? Tôi rất muốn giới thiệu bài thơ đó đến chị. Bài thơ bắt đầu bằng một
câu quá ư tuyệt vời: ‘Vì Sao Mãi Mãi Phải Là Canh Cà Chua?'”
“Vâng,”
Bertha nói. Và nàng bước khẽ đến bên chiếc bàn đối diện với thư phòng và Eddie
lướt nhẹ theo sau. Nàng cầm cuốn sách nhỏ và đưa cho cậu; họ tuyệt nhiên không
gây một tiếng động nào.
Trong
khi cậu lật tìm bài thơ nàng ngoảnh đầu nhìn về phia thư phòng. Và nàng thấy…
Harry với chiếc áo khoác của cô Fulton vắt trên tay và cô Fulton quay lưng về
phía chàng và đầu cô nghiêng nghiêng. Chàng quẳng chiếc áo, đặt hai tay lên vai
cô và xoay người cô về phía chàng một cách thô bạo. Môi chàng mấp máy: “Ái
khanh của anh,” và cô Fulton khẽ đặt mấy ngón tay ngời ánh trăng lên hai má
chàng và mỉm nụ cười ngái ngủ của nàng. Cánh mũi run run, miệng cười nhăn nhở
khi chàng thì thào: “Mai nhé,” và qua rèm mi cô Fulton nói: “Vâng.”
“Đây
rồi,” Eddie nói. “‘Vì Sao Mãi Mãi Phải Là Canh Cà Chua?’ Quả là chí lý, chị có
cảm thấy vậy không? Canh cà chua vĩnh cửu muôn đời.”
“Nếu
cô muốn,” giọng Harry dõng dạc vọng từ tiền sảnh, “Tôi có thể gọi xe đến rước
cô tận cửa.”
“Ồ,
thôi. Không dám làm phiền anh,” cô Fulton nói, và cô tiến lại gần Bertha đưa
mấy ngón tay mảnh mai cho nàng cầm lấy.
“Chào
chị. Cám ơn chị rất nhiều.”
“Chào
cô,” Bertha nói.
Cô
Fulton cầm tay nàng thêm một lát nữa.
“Cây
lê yêu kiều của chị!” cô thầm thì.
Và
rồi cô đi khuất, với Eddie nối gót theo sau, như con mèo đen theo sau con mèo
xám.
“Mình
đóng cửa tiệm là vừa,” Harry nói, thật ung dung tự tại.
“Cây
lê yêu kiều của chị — cây lê — cây lê!”
Bertha
chạy bay đến bên khung cửa sổ.
“Ôi,
biết làm sao bây giờ?” nàng thảng thốt.
Nhưng
cây lê vẫn yêu kiều như thường lệ, vẫn rực rỡ hoa và vẫn tĩnh lặng.