Monday, November 16, 2020

1835. THỤY KHUÊ Tự Lực Văn Đoàn - Văn Học Và Cách Mạng



2- Sự thành lập Tự Lực văn đoàn và Phong Hóa

Phần I

Bìa Phong Hóa số 54

Nhất Linh hầu như không trực tiếp đem đời sống thực vào tác phẩm, ngược lại Khái Hưng viết một số tiểu thuyết, truyện ngắn phản ánh những biến cố đã xẩy ra, nhờ đó, chúng ta có thể tìm lại được những mảnh đời trôi nổi của ông và các bạn, trong đó có giai đoạn đầu tiên thành lập Tự Lực văn đoàn.

Nhưng trước khi đi xa hơn, chúng ta tên biết qua những mốc chính:

- Phong Hóa số 1 ra ngày 16-6-1932)

- Phong Hóa số 14 (22-9-1932) hoàn toàn đổi mới. Số báo này được Nhất Linh và Hoàng Đạo công nhận là số báo đầu tiên của Tự Lực văn đoàn.

- Phong Hóa số 190 (5-6-1936) là số cuối cùng, sau đó bị rút giấy phép, đình bản hẳn.

- Ngày Nay số 1, ra ngày 30-1-1935.

- Ngày Nay số 16 (12-7-1936) ra đời một tháng sau khi Phong Hóa bị đóng cửa, Tự Lực văn đoàn đưa toàn bộ biên tập Phong Hóa sang Ngày Nay.

- Bốn năm sau, Ngày Nay ra số 224 (7-9-1940) là số báo cuối cùng.

Việc nghiên cứu Tự Lực văn đoàn bắt buộc phải khởi đi từ hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay. Nhưng trước hết phải trả lời những nghi vấn:

- Tự Lực văn đoàn thành lập từ bao giờ?

- Trước hay sau khi Phong Hóa số 14 xuất hiện?

- Tôn chỉ của văn đoàn là gì?

- Ai viết lại lịch sử tờ Phong Hóa?

Đó là những câu hỏi mà chúng tôi tìm cách trả lời trong phần I này.

Tự Lực văn đoàn có trước Phong Hóa số 14

Bốn chữ Tự Lực văn đoàn được in lần đầu trên báo Phong Hóa số 56 (ra ngày 21-7-1933), trong hai khung quảng cáo, ở trang 5: Tự Lực Văn Đoàn sắp ra Hồn bướm mơ tiên và Tự Lực Văn Đoàn sắp in Vàng và Máu.


Lần đầu tiên xuất hiện
4 chữ TỰ LỨC VĂN ĐOÀN trên Phong Hóa số 56


Trên báo Phong Hóa số 87 (ra ngày 2-3-1934), trang 2, có bài Tuyên ngôn Tự Lực Văn Đoàn, nội dung như sau:

Tự Lực Văn Đoàn

Tự Lực Văn Đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương.

Người trong Văn Đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực Văn Đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn Đoàn nhận và đặt dấu hiệu.

Những sách của người ngoài, hoặc đã xuất bản, hoặc còn là bản thảo, gửi đến để Văn Đoàn xét. Nếu hai phần ba người trong Văn Đoàn có mặt ở hội đồng xét là có giá trị và hợp với tôn chỉ thì sẽ nhận đặt dấu hiệu của Đoàn và sẽ tùy sức cổ động giúp. Tự Lực Văn Đoàn không phải là một hội buôn xuất bản sách.

Sau này nếu có thể được, Văn Đoàn sẽ đặt giải thưởng gọi là Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn để thưởng những tác phẩm có giá trị và hợp với tôn chỉ của Đoàn.

  Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn 

1- Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích để làm giầu thêm văn sản trong nước.

2- Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội chủ ý làm cho Người và cho Xã hội ngày một hay hơn lên.

3- Theo chủ nghiã bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghiã bình dân.

4- Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách Annam.

5- Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.

6- Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho nguòi khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái.

7- Trọng tự do cá nhân.

8- Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.

9- Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Annam.

10- Theo một điều trong chín điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

Tự Lực Văn Đoàn

Vậy ta có thể xem ngày 21-7-1933 (ngày bốn chữ Tự Lực văn đoàn được in lần đầu trên báo Phong Hóa số 56) hay ngày 2-3-1934 (ngày công bố bản tuyên ngôn Tự Lực Văn Đoàn trên Phong Hóa số 87) là ngày Tự Lực Văn Đoàn thành lập được không?

- Câu trả lời là Không.

Bởi vì, Tự Lực văn đoàn có trước hai số báo này.

Phong Hóa số 154 (20-9-1935) xác nhận hai lần rằng: Tự Lực văn đoàn chủ trương báo Phong Hóa, như ta sẽ thấy dưới đây:

Phong Hóa số 154, 20.9.1935

1- Phong Hóa số 154, trang 2, trng bài viết tựa đề: 22-9-32 Kỷ niệm ngày báo ra 22-9-35, có câu:

"Có một điều ai cũng nhận thấy là vào thời kỳ báo Phong Hóa ra đời (kể từ số 14 trở đi, lúc Tự Lực văn đoàn bắt đầu chủ trương báo P.H.) [chúng tôi in đậm] trong làng báo có một khuynh hướng mới về mặt nhà nghề: tờ báo viết để quần chúng xem và tờ báo mong sống vì độc giả"[1].

Bài này ký tên Phong Hóa, chắc Nhất Linh viết chứ không phải Khái Hưng (bởi vì Khái Hưng đã làm báo Phong Hóa từ số 1, như ta sẽ thấy ở dưới), và câu: kể từ số 14 trở đi, lúc Tự Lực văn đoàn bắt đầu chủ trương báo P.H. nghiã rằng: Tự Lực văn đoàn chủ trương báo Phong Hóa từ số 14. Nói khác đi, Tự Lực văn đoàn đã có trước Phong Hóa số 14 và Tự Lực văn đoàn nhìn nhận Phong Hóa số 14 là số báo khởi đầu của văn đoàn.

2- Vẫn trên PH số 154, trang 2, dưới tấm hình chụp báo PH số 14, ghi câu: "Đây là ảnh chụp số báo 14 (số bắt đầu thời kỳ Tự Lực văn đoàn đứng chủ trương báo Phong Hóa [chúng tôi in đậm] ra đúng ngày tứ ly là ngày mọi việc đều không nên). Vì khổ to dễ nhầu nát, khó giữ nên đến số 20 thì thu lại bằng khổ bây giờ)".

Lời ghi dưới hình chụp số Phong Hoa 14,
in ở Phong Hóa số 154, trang 2

Câu này xác định một lần nữa việc Tự Lực văn đoàn chủ trương báo Phong Hóa.

Tóm lại, xin nhấn mạnh: Tự Lực văn đoàn có trước Phong Hóa số 14 và Tự Lực văn đoàn chủ trương Phong Hóa từ số 14.

3- Vẫn Phong Hóa số 154, trang 2, trong bài Bên đường dừng bước, Tứ Ly viết:

"Cách đây ba năm, một đêm thu giá lạnh, tôi và Nhất Linh từ biệt Khái Hưng ở báo quán, nện gót trên đường vắng mà về. Lúc đó, vào khoảng hai giờ sáng (…) chúng tôi thấy trong lòng nhẹ nhàng vui vẻ… Sáng hôm ấy, số đầu (tức là số 14) Phong Hóa ra đời (…) [chúng tôi in đậm].

Ba năm qua… Hôm nay tạm dừng chân đứng lại, chúng tôi nhìn con đường đã đi; chúng tôi ra báo ngày 22 tháng 9 năm 1932, là một ngày rất xấu: ngày tứ ly. Không phải là một sự vô tình, chính là định ý cưỡng lại cái thuyết số mệnh nó bắt dân ta nằm dí một nơi, đương lúc mọi người cùng tiến."[2]

Câu: "Chúng tôi ra báo ngày 22-9-1932, là một ngày rất xấu: ngày tứ ly, chứng tỏ cái tên Tứ Ly cũng phát xuất cùng với sự "ra đời" của báo Phong Hóa, kể từ số 14, và phải đến báo Ngày Nay, mới đổi thành Hoàng Đạo.

Nhà in báo Phong Hóa

Vẫn trên Phong Hóa số 154, trang 3, trong bài Nói chuyện cũ, Nhất Linh mô tả nhà in, in báo Phong Hóa như sau:

"Cái nhà in in báo Phong Hóa lúc đó cũng là "một sự lạ chưa từng thấy" trên hoàn cầu. Nó có cái tên nhũn nhặn là Imprimerie Moderne, dịch nôm là "nhà in tân thời". Cái nhà in tân thời đó nói cho đúng ra nó là cái bếp, hay cũng na ná như cái bếp. Những lúc chúng tôi xuống chữa bài, luôn luôn có hơi khói mầu lam đưa thoảng qua: nhà in trông mờ ảo như một bức tranh thủy mặc Tầu. Nhiều khi những mùi thịt bò xào, mùi chả trứng cũng theo gió bay vào thơm nức cả. Những mùi thơm quý hoá đó chỉ vào quãng mười, mười một giờ mới có. Lúc đói bụng vừa chữa bài, vừa ngửi những hơi thơm đó, có phần cũng dễ chịu.

Mùa rét đến thì cái nhà bếp đó biến thành bắc băng cực. Gió lùa vào các cửa sổ đã vỡ hết mặt kính làm cho chúng tôi không thể nào chữa bài được một cách cẩn thận. Chúng tôi không thể nào quên được cái đêm trước ngày số báo Tết năm 1934 xuất bản. Lúc đó vào quãng mười hai giờ đêm. Chúng tôi ở nhà báo sắp sửa về đi ngủ, thì có giấy nói gọi báo tin máy không thể in được nữa. Xuống nhà in mới biết vì trời rét quá mực đỏ in bià số Tết đóng cục lại.

Chúng tôi thấy giá cả chân tay, và trông cái máy in mà thương hại. Mỗi lần người cai cho máy chạy thử, là nó cứ rung rung như người rét run cầm cập. Sau cùng ông chủ nhà in bảo lấy ra một cái hỏa lò đầy than hồng đặt xuống gầm máy để sưởi cho nó. Quả nhiên máy lại chạy được. Chúng tôi lấy làm lạ rằng máy cũng biết ấm như người; trông cái buồng máy lúc đó y như hệt cái buồng đàn bà đẻ".

Đó là diện mạo nhà in Imprimerie Moderne, rất nghèo khổ lúc ban đầu, nhưng sau sẽ thay đổi, chúng tôi sẽ nói đến những biến chuyển của nhà in này trong một chương sau.

Tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn 

Bản Tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn có 9 điểm, chỉ hai điểm đầu là quan trọng nhất, tiếc rằng không mấy ai chú ý, đó là:

1- Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích để làm giầu thêm văn sản trong nước.

2- Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội chủ ý làm cho Người và cho Xã hội ngày một hay hơn lên.

Nói khác đi, Tự Lực văn đoàn chủ trương không dịch sách văn chương nước ngoài, chỉ dịch hay soạn những sách có tư tưởng, làm cho Người và Xã hội, ngày một hay hơn lên, tức là chỉ nên dịch sách triết học, lý luận và khoa học. Đó là điểm rất quan trọng mà Tự Lực văn đoàn đã nghĩ ra từ đầu và họ đã giữ đúng quy ước này: Trên Phong Hóa Ngày Nay chỉ có một vài bài thơ dịch và hầu như không dịch truyện ngoại quốc nào trừ Giòng suối xuân của Tourguenev. Quyết định này nằm trong chủ đích tự lực, không chỉ tự lực vật chất, tức là không nhận tiền trợ cấp của chính quyền thuộc địa mà còn phải tự lập cả tinh thần, tức là nhà văn phải lấy nguồn gốc văn hoá dân tộc làm căn bản để sáng tạo ra một nền văn chương quốc ngữ mới, không sao chép các tác giả ngoại quốc được dịch sang tiếng Việt.

Vì Tự Lực văn đoàn không dịch truyện Pháp sang tiếng Việt, nên người Việt muốn viết văn phải tự đào sâu và khám phá tiếng mẹ đẻ của mình.

Nhờ quan niệm này, Tự Lực văn đoàn trở thành đầu tàu kéo theo một thế hệ nhà văn lớn nối tiếp như Nguyên Hồng (Bỉ vỏ, 1937; Bẩy Hựu 1940) Vũ Trọng Phụng (Giông tố, 1937; Số đỏ 1938), Nguyễn Tuân (Vang bóng một thời, 1940)…

Về phiá hội họa, cũng nhờ giáo sư Victor Tardieu, giám đốc trường Mỹ thuật Đông Dương, dạy học trò phải dựa trên nền móng văn hoá dân tộc để sáng tác, mà ông đã đào tạo nên một thế hệ họa sĩ tài ba, như Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, thành danh tại Pháp; Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí… thành danh ở Việt Nam. Khác hẳn với chính sách của người Anh ở Ấn Độ, dạy học trò bỏ hẳn nghệ thuật Ấn Độ để học mỹ thuật Tây phương, nên đã không đào tạo được những danh họa người Ấn. Bây giờ, trên các sàn đấu giá "quốc tế" người ta tranh nhau mua tranh (giả hay thật) của các danh họa Việt Nam, bởi vì cả Á Châu, chỉ có trường Mỹ thuật Đông dương là "sản xuất" ra những họa sĩ có tình cách đặc thù.

Văn học miền Nam, thời kỳ phát triển 1954-75, mặc dù có nhiều sách dịch, nhưng những nhà văn tên tuổi như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng… cũng không hề mô phỏng văn chương Pháp, họ tự tạo con đường riêng bằng cách khai phá tiếng Việt và văn chương Việt. Thanh Tâm Tuyền học Nguyễn Du. Dương Nghiễm Mậu, nhà văn "mới nhất" về cấu trúc truyện cũng như tư tưởng, đã coi Khái Hưng là thầy.

Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới cũng vậy: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài… là những người tự tìm tòi, tự khám phá, làm giàu tiếng Việt, họ không sao chép văn chương ngoại quốc, nhờ đó, tác phẩm của họ mới có giá trị lâu dài.

Hiện nay, tình hình thay đổi hẳn, người viết văn Việt Nam đứng trước một rừng tiểu thuyết ngoại quốc dịch sang tiếng Việt, họ bối rối, hoang mang, hoặc tự hào là mới, cứ thế phỏng theo, từ cách viết, cách dàn xếp câu chuyện đến văn phong (đôi khi ngờ nghệch vì dịch ẩu). Cả đến cái gọi là tân kỳ cũng thế: không hiểu chúng ta có thể học được gì ở sự tân kỳ của một Houellebecq, nhà văn "lớn" của Pháp hiện nay, ngoài sự kiêu kỳ, thô bạo và sex? Sự hướng ngoại thái quá và sự khinh thường văn chương Việt Nam, vì không biết hoặc không thèm đọc các tác giả Việt, là trở ngại không nhỏ cho việc phát triển văn chương.

Qua tình trạng này, ta lại thấy Tự Lực văn đoàn đã nhìn rõ vấn đề từ thập niên 1930.

Báo Tiếng Cười

Trước khi làm Phong Hóa, Nhất Linh chủ trương báo Tiếng Cười.

Vẫn trong bài Nói truyện cũ, trên Phong Hóa số 154, Nhất Linh, kể lại rằng:

"Đầu tiên muốn trống [chống] lại cái vẻ đạo mạo, già khụ của các tờ tuấn báo quốc ngữ, chúng tôi định cho ra một số báo lấy tên là "Tiếng Cười". Tờ "Tiếng Cười" đó đã được giấy phép xuất bản của chính phủ, nhưng không thể ra đời được, vì một lẽ giản dị là không kịp thu xếp xong trước ngày hết hạn giấy phép. "Tiếng Cười" vì thế đổi thành Tiếng khóc."

"Lúc chúng tôi sắp nhận làm báo Phong Hóa thì các tuần báo không có vẻ thịnh vượng, ít tờ xuất bản được tới hai nghìn số. Chúng tôi lúc đó mong ba nghìn và đã tự cho là "tham lam vô độ".

Sau này trong bài tiểu sử Nhất Linh, do Nguyễn Ngu Í soạn ở Sài Gòn, năm 1966, có câu: "xin ra tờ báo trào phúng "Tiếng Cười", nhưng vì gặp cảnh không tiền nên "tráng sĩ đành năm co". Quá hạn, bị rút giấy phép"[3]

Vậy báo Tiếng Cười không ra được vì không có tiền, chứ không phải vì chính quyền thuộc địa không cho phép như lời Tú Mỡ viết trong hồi ký Trong bếp núc của Tự Lực văn đoàn[4] được nhiều người chép lại.

Nhưng nếu không có tiền làm báo Tiếng Cười, thì lấy tiền đâu ra để làm báo Phong Hóa? Tại sao "tự nhiên" lại có tiền? Đó là vấn đề cần tìm hiểu, chúng tôi sẽ trả lời trong kỳ tới.

Một điều lạ là trong số báo Phong Hóa 154 này, chỉ có Hoàng Đạo và Nhất Linh lên tiếng, còn Khái Hưng? Khái Hưng làm thinh. Tại sao?

Vì thắc mắc muốn tìm hiểu lý do, nên chúng tôi đã đọc kỹ những số Phong Hóa đầu tiên, từ số 1 đến số 13 (mà từ trước đến nay thường được coi là tờ báo của ông Phạm Hữu Ninh, vì ít người đọc, sắp chết, nên bán lại cho Nguyễn Tường Tam).

Việc đọc này dẫn đến kết quả bất ngờ:

Khái Hưng bao biện hầu hết các trang báo Phong Hóa, từ số 1 đến số 13, với những bút hiệu khác nhau. Việc này rất khó hiểu. Nếu ta tin những điều được truyền tụng, đại ý: Nhất Linh mua lại tờ báo của ông Phạm Hữu Ninh đang gặp khó khăn sắp đóng cửa, mà báo Phong Hóa lại do Khái Hưng viết từ số 1. Tại sao người ta lại bảo đó là tờ báo của ông Phạm Hữu Ninh, và không nhắc nhở gì đến Khái Hưng? Rồi Khái Hưng cũng không giải thích gì thêm về sự ra đời của Tự Lực văn đoàn trong số báo Phong Hóa đặc biệt 154 đã nói ở trên.

Phải đọc hay đọc lại báo Ngày Nay số 16 ra ngày 12-7-1936, ta mới thấy xuất hiện truyện dài Những ngày vui trong đó Khái Hưng đã tiểu thuyết hóa việc thành lập Tự Lực văn đoàn và báo Phong Hóa qua lối viết hóm hỉnh của ông, với những chi tiết hiếm quý, chưa từng thấy.

Ngày Nay số 16 (12-7-1936) là một số báo quan trọng, tương tự như Phong Hóa số 14 trước đây. Bởi vì, sau số 190 (5-6-1936), Phong Hóa bị đình bản hẳn, Tự Lực văn đoàn dồn toàn lực vào Ngày Nay số 16, như một sự phản hồi.

Kịch Chết trên Ngày Nay số 16

Ngày Nay số 16, trang đầu in vở kịch chính trị ngắn tựa đề Chết của Khái Hưng do Nguyễn Gia Trí minh họa, như một bài xã luận, xác định lập trường sau khi Phong Hóa chết. Khái Hưng viết rất kín đáo nên ty kiểm duyệt không hiểu để… kiểm duyệt.

Tác phẩm mô tả cái chết của Lực (tượng trưng cho tờ Phong Hóa). Trước khi chết Lực dốc sức tàn, trăng trối với các bạn:

"Công việc chúng ta cùng nhau theo đuổi… trong bốn năm ròng… anh em đều hiểu rõ… hiểu rõ như tôi… Nay đã có cơ sở vững bền… và nó sẽ vững bền vì chúng ta muốn thế (…) Điều quan trọng mà tôi… mà anh em nhiều lần nhắc đến… hẳn anh em còn nhớ. Là công cuộc chúng ta theo đuổi… vẫn tiến hành như thường… dù xẩy ra việc gì mặc lòng… dù một người trong bọn ta chết đi… người chết đi là ai cũng vậy (…) Chỉ cái chết của ý tưởng… là đáng sợ…là đáng phàn nàn… Còn cái chết của người!"

Thông điệp thật rõ ràng và quyết liệt: trong bốn năm ròng [từ PH số 1 (16-6-1932) đến PH số 190 (5-6-1936)] chúng ta đã tranh đấu, đã có cơ sở vững vàng, nay tờ báo chết, mọi việc phải tiếp tục tiến hành như thường.

Kịch Chết chồng chất hai ý nghiã: tờ báo chết hay chính một người trong chúng ta có chết đi, thì người khác vẫn phải tiếp tục. Và Phong Hóa liền được thay thế bằng Ngày Nay. Kịch Chết mang lời di chúc có tính cách triết học của bậc đàn anh: "Chỉ cái chết của ý tưởng là đáng sợ… còn cái chết của con người!" (có nghiã lý gì).

Cùng với những dòng chữ quyết liệt này, Khái Hưng đã ghi lại lịch sử sự thành lập báo Phong Hóa trong tiểu thuyết Những ngày vui, mà chúng tôi sẽ trình bày trong kỳ tới.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Trích bài: 22/9/32 Kỷ niệm ngày báo ra 22/9/35, tiểu đoạn Hai thời kỳ, in trên Phong Hóa số 154 (20-9-35), trang 2.

[2] Tứ Ly, Bên đường dừng bước, Phong Hóa số 154, ra ngày 20-9-1935, trang 2-3.

[3] Trích Sống Và Viết với… của Nguyễn Ngu Í, do Ngèi Xanh (chữ của Nguyễn Ngu Í) xuất bản năm 1966, tại Sài Gòn, Xuân Thu chụp và in lại tại Hoa Kỳ, không đề năm.

[4] Bài hồi ký này in trong Tạp chí Văn học số 5-6/1988 và số 1/1989); in lại trong Tự Lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000, trang 125-158.

Nguồn: Văn Việt