- cuối cùng rồi con cũng đã về
- vâng, con đã về dù có hơi chậm
- cũng chẳng sao, bao nhiêu là đổi
thay
- vâng, cũng là một đời người
Tôi
nhìn ra phiá sau ông, bầu trời hơi đục, có vẻ hiu hắt của mùa thu. Một dải núi
thấp nhấp nhô cắt những đường viền mờ ảo, tím nhạt. Tôi hơi rùng mình, một cơn
gió lạnh lùa qua. Ông đứng sững giữa khoảng không, trống và rộng, bàn tay phải
để trên cằm, một ngón tay, ngón tay trỏ, tựa trên đầu mũi cao và thẳng. Đôi mắt
sâu và đen nhìn bâng quơ ra phía trước, nhưng không chủ đích, tựa như ông nhìn
một hình ảnh nào rất xa xôi trong quá khứ, không có ở nơi này. Tôi cúi xuống
loay hoay gỡ những bông cỏ may bám vào gấu quần, đã lâu lắm, có thể hơn năm
mươi năm, tôi mới gặp lại những bông cỏ may trên cánh đồng - thời thơ ấu nghèo
nàn của những năm tản cư cùng anh chị và mẹ, như những nhân vật không có thật ở
một xóm Đìa xa xôi vùng Nhã Nam, Yên Thế -thời đó ông đã chết rồi. Lúc tôi ngửng
lên chợt thấy ông cao hơn tôi cả một cái đầu, dáng vẻ thanh tú và ung dung. Tôi
cảm thấy ngượng vì thân thể đẫy đà của mình, tự hỏi nếu ông còn sống đến tuổi
tôi, người ông có nặng nề như vậy không.
Khi
tôi đến thăm anh Đạo ở phố Đinh Liệt, anh không có nhà. Đó là một cửa hiệu nhỏ
bán quần aó trẻ con, trời đã vào cuối thu, đã thấy những cái áo len nho nhỏ rất
xinh xắn treo ở gần cửa ra vào, một cái áo len của Gió Lạnh Đầu Mùa. Chị Đạo mời
tôi một ly trà chờ cô con gái đi tìm bố về “ bố cháu chỉ đi quanh quẩn đâu đây
thôi “. Thật là một đời sống thanh bình. Một cửa hàng nhỏ, những mầu sắc ấm
cúng của mặt hàng, ngừơi vợ ngồi pha một ấm trà tiếp khách, cô con gái vui vẻ với
một nụ cười rất có duyên đi tìm bố về. Đó chỉ có thể là một cảnh vật trong một
phim ảnh thời tiền chiến ( tôi và một người bạn nhạc sĩ đã bao lần dự tính làm
phim Đôi Bạn của Nhất Linh). Nhất định đó không thể là cảnh thật, bất cứ ở nơi
nào, bất cứ ở đâu vào đàu thế kỷ 21. Từ một đời sống rất chộn rộn đầy lo âu bên
Mỹ, tôi bàng hoàng ngồi đây, thời gian như ngừng lại, và tôi thấy có thể Thạch
Lam đang tản bộ ở ngoài kia, ngắm nghía những tấm bảng kẻ tên các cửa hiệu của
Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường. Anh Đạo vào, chúng tôi chào nhau và không cần giới
thiệu chúng tôi có cảm tưởng như đã quen
biềt từ lâu.
Câu
chuyện bắt đầu từ gần một năm nay. Khi anh Việt, con bác Tam (Nhất Linh) đến ăn
giỗ Thạch Lam –chúng tôi dù hoàn cảnh thế nào vẫn tiêp tục giữ truyền thống giỗ
tết trong gia đình kể từ ngày mẹ chúng tôi mất đi. Anh Việt kể lại việc đi tìm mộ ông nội chúng tôi, một
cách rất tình cờ và may mắn ở Cẩm Giàng. Rồi mộ của Thái, con thứ của Nhất
Linh, đã tìm lại được dù mộ được di chuyển
từ một nghĩa trang ở Hà Nội đến Sơn Tây trong thời kỳ chiến tranh, mộ vẫn giữ
được tấm bia cũ tên khắc thô sơ bằng tay. Lân la câu chuyện, tôi hỏi thăm các
chi tiết và hy vọng sẽ có đầu mối để có thể tìm được ngôi mộ của cha tôi, trước
đó đã được bốc và chôn ở nghiã trang Hợp Thiện. Đó là một ngày u ám, những năm
đầu của nửa thế kỷ trước, tôi thấy mấy người phu đào mộ mò lên từ một hố nước
những khúc xương, có khúc còn dính thịt và được rửa sạch bằng rượu ta. Tôi vẫn
còn nhớ như in cảnh mẹ tôi khóc thảm thiết khi tìm được một mảnh vải chưa tan
đi cùng năm tháng và một vài lọn tóc được vớt lên. Tất cả được xếp lại ngay ngắn
trong một cái tiểu sành, hai đầu nhô lên những góc nhọn, nhưng tuyệt nhiên tôi
không còn nhớ được hình thù và nhũng chữ khắc trên tấm mộ bia.
Anh
Đạo đã viết một lá thư trong việc tìm ngôi mộ mới của cha tôi. Mộ đã được chuyển
lên nghĩa trang Yên Kỳ/Sơn Tây. Hình như tất cả các ngôi mộ ở Hà Nội đều được
chuyển lên Yên Kỳ trong thời kỳ chiến tranh. Chỉ có một vấn nạn là đã có hai
ngôi mộ cùng tên Nguyễn Tường Lân, một ngôi mộ được xác định vị trí trong sổ
sách của ban quản lý nghĩa trang Hà Nội ở Phùng Hưng, là nơi giữ sổ sách chính
các mộ được di chuyển từ Hà Nội đến nghĩa trang Yên Kỳ và một ngôi mộ cùng tên
trong sổ sách của ban quản lý tại Yên Kỳ lại xác định một vị trí khác, không ăn
khớp với nhau. Cả hai ngôi mộ đều là mộ vô danh, không có bia và đều được anh Đạo
chụp ảnh gửi cho tôi. Đó là lý do thúc đẩy tôi phải về Hà Nội gặp anh Đạo, và
hy vọng từ đó có thể tìm ra manh mối giải quyết vấn đề.
Tôi
và anh Đạo ngồi nói chuyện với nhau, chuyện gần chuyện xa, chuyện những tháng
ngày anh đã trải qua ở miền Bắc sau 1954 và những ngày sau khi chiến tranh chấm
dứt năm 1975. Chúng tôi tuy lần đầu gặp nhau mà như đã có nhiều kỷ niệm để chia
sẻ. Cha anh Đạo đã bị bắt và mất tích từ năm 1948, cùng với anh ruột của Nhất
Linh là Nguyễn Tường Cẩm ở Thường Tín/Hà Đông. Cha anh là thư ký riêng của Nhất
Linh trong những ngày hoạt động. Từ sau hết chiến tranh, anh Đạo đã bỏ rất nhiều
công sức để đi tìm xác của người cha mất tích. Anh đã xây sẵn một ngôi mộ cạnh
ngôi mộ của mẹ anh, ngôi mộ còn để hòm trống chờ mong tìm được hài cốt về. Anh
Đạo đã kể cho tôi nghe những khó khăn và các phương thức tìm kiếm, những câu
chuyện về ngoại cảm tưởng như không có thực, những ngày tháng đào nát cả một
khu ruộng hay vùng đất nghi ngờ là có chôn xương cốt của cha anh. Rồi anh thở
dài, cho rằng sự thất bại là vì trong gia đình có nhiều sự chống đối. Người em
trai của anh, một họa sĩ, đã phản đối việc đi tìm hài cốt của người cha mất
tích “ không lẽ anh mang về một cái xương bò để thờ tôi cũng phải lậy hay sao”.
Trong gia đình tôi cũng có một vài ý kiến không đồng nhất về việc đi tìm lại mộ
của cha tôi. Chúng tôi bàn đến những giải pháp khác biệt, như hãy để yên những
cái gì đã qua, như một giải pháp tĩnh lặng của nhà Phật – hay một cách rất khoa
học là thử nghiệm DNA, nếu có thể lấy được một mảnh xương hay sợi tóc. Phương
cách này bị người chị tôi nhắc nhở về chuyện “động mồ động mả “, là một việc rất
kiêng kỵ của nhiều người Việt Nam miền Bắc. Tôi có cãi lại “ mộ cậu cũng được
di chuyển từ Hà Nội đế Sơn Tây thì sao “, anh chị tôi đều đồng ý là di chuyển
vì chiến tranh và do người khác làm thì không sao. Tôi đưa ra phương án là nếu
không giải quyết được khi tôi ở Hà Nội thì xây cả hai mộ để hương khói, có khi
lại làm phúc cho một người, rồi sau đó sẽ tìm cách xác định cho chính xác. Sau
buổi nói chuyện hôm đó với anh Đạo, anh cho biết là phương thức thử nghiệm DNA
có thể gặp nhiều khó khăn. Anh có giới thiệu một vài người dùng ngoại cảm,
nhưng thời gian chờ đợi rất lâu, tôi không thể ở lại Hà Nội được. Chúng tôi hẹn
ngày mai “đi lại từ bước đầu” để xác định sự khác biệt trong sổ sách của Hà Nội
và Sơn Tây. Tôi vẫn có linh cảm là sẽ có một sự việc gì xẩy ra và công việc sẽ
trôi chảy. Tôi về khách sạn với một nỗi buồn rất nhẹ nhàng, ngày mai tôi sẽ gặp
cha tôi.
Anh
Đạo ngồi chờ tôi ở dưới cửa hàng, trong tay anh có một bao ny lông để sẵn vài
cái phong bì. Chúng tôi dự tính sẽ đến trụ sở nghĩa trang Hà Nội ở Phùng Hưng để
xét lại vị trí của ngôi mộ trong sổ ở đây. Anh nói với tôi:” lần trước tôi
không biết bên anh có quyết tâm hay không nên tôi chỉ hỏi sơ sài, nên không được
tận mắt nhìn cuốn sổ “. Rồi anh hỏi tôi có sẵn một số tiền để vào phong bì. Tôi
hiểu ngay đó là tiền trà nước rất phổ thông bây giờ. Anh cũng đề nghị mua sẵn một
số hoa quả, vàng hương để cúng khi lên nghĩa trang Yên Kỳ. Tôi giao anh một số
tiền nhờ anh cứ dùng tự do cho mọi việc trôi chẩy, Cô con gái rất có duyên và
mau mắn chạy đi lo việc mua vàng hương, cậu con rể liên lạc thuê xe cộ để lên
Yên Kỳ. Chị Đạo nói cũng sẽ đi theo. Chưa biết công việc xoay chuyển ra sao,
nhưng tôi rất cảm động về sự chân tình của một gia đình nền nếp cổ, của một thời
rất xa xưa. Anh Đạo đèo tôi trên xe máy đến trụ sở Phùng Hưng. Văn phòng ban quản
lý nằm bên cạnh và có lẽ là một phần của ngôi chùa cổ, chúng tôi đi qua hành
lang bên có xắp xếp rất nhiều cỗ đại quan, sơn son thếp vàng chói lọi. Tôi nghĩ đến những cỗ quan tài bằng
gỗ quý, hồng tâm nằm lặng lẽ ở một căn phòng các gia đình quyền thế, chờ đợi
mang đi một thân thể nhẹ như tơ của những người bình thản chờ đợi cái chết,
không như bây giờ… người ta cứ hốt hoảng cả lên! Văn phòng nhỏ chỉ đủ chỗ cho
hai cái bàn và hai kệ tủ, một tấm sơ đồ nghĩa trang Yên Kỳ với các khu đánh số
treo trên tường, có một hai người đến trước chúng tôi. Tôi và anh Đạo ngồi chờ
trên băng ghế hẹp kê sát tường. Khi đến lượt, anh Đạo chào người coi sóc giấy tờ,
ngồi xuống mép bàn và nhẹ nhàng để phong bì phía trước. Tôi đứng cạnh anh, nhìn
lơ đãng như một người đi theo, không có công việc gì. Người trưởng ban chỉ vào
khoảng 30-40 tuổi, gầy gò và có khuôn mặt thiếu cởi mở, tôi nghĩ có thể là vì
thói quen nghề nghiệp. Anh tên Đức. Khi anh Đạo trình bầy lại vấn đề, anh Đức
nói sõng: “thì tôi đã đưa số ngôi mộ lần trước rồi, anh còn lôi thôi gì đây”. Với
một sự bình tĩnh và nhẹ nhàng tôi hiếm thấy ở Mỹ, anh Đạo vẫn từ tốn: “vâng,
xin anh cứ cho chúng tôi coi lại sổ một lần nữa cho chắc, có cả con ông Nguyễn
Tường Lân ở đây”. Sau một hồi dùng dằng qua lại, anh Đức mở tủ hồ sơ tìm một cuốn
sách khổ lớn, bìa dầy, trông rất cũ như đã được mở ra đóng lại nhiều lần. Khi đến
trang có tên Nguyễn Tường Lân và số ghi địa chỉ ngôi mộ, tôi xin phép được chụp
ảnh. Sau vài giây đắn đo, anh Đức đồng ý cho tôi chụp trang sổ có ghi tên Nguyễn
Tường Lân, khu E 18, mộ 86. Tôi chợt thấy ở đầu tên có ghi số 586 bằng chữ rất
nhỏ. Tò mò hỏi thì được biết là số được viết lên các tiểu sành khi di chuyển để
không lẫn lộn. Anh Đức nói: “mặc dù là cao điểm của thời chiến tranh nhưng
chúng tôi cũng rất cẩn thận”. Tôi quên hỏi không biết đó là khoảng thời gian
nào, thời gian người dồn về Hà Nội quá đông, hay cần đất cho nhu cầu quân sự,
hay thời gian Mỹ ném bom…nhưng dù sao đó cũng là một việc làm tốt, nếu không thể
để yên mồ mả như xưa. Bài toán đố đã có đáp số, nhưng tôi và anh Đạo vẫn giữ vẻ
bình thản và cám ơn anh Đức. Tôi có xin chụp ảnh anh để làm kỷ niệm nhưng bị từ
chối, tôi chỉ xin phép chụp sơ đồ nghĩa trang Yên Kỳ để việc tìm mộ dễ dàng
hơn. Ra đến ngoài, anh Đạo mới than phiền: “tay này chơi sỏ mình, lần trước anh
ta coi sổ rồi viết số ngôi mộ đưa cho tôi, không cho tôi coi tận mắt. Vì không đưa tiền nên thiếu đi một
con số”.. Rồi anh vui vẻ nói với tôi:” thế là cả hai sổ đều ăn khớp, cụ linh
thiêng thật”. Chúng tôi rời trụ sở Phùng Hưng một cách rất hồ hỡi, đến nỗi mấy
bà bán hàng bên đường phải kêu lên: “hai
ông già muốn chết hả”, rồi hai ba giọng vang vang nhắc nhở: “đi ngược chiều rồi”.
Vừa lúc đó đèn xanh bật lên, một đợt xe máy chạy aò aò như đâm vào chúng tôi.
Đường
lên Yên Kỳ, Sơn Tây đã được tu bổ nên xe chạy rất thoải mái.Những cánh đồng , bờ
cây bụi cỏ hai bên đường và làng mạc xa xa đều gợi cho tôi một cảm giác man
mác, như tôi chưa bao giờ rời bỏ quê hương này. Tôi hỏi anh Đạo về những địa
danh bên đường nghe và đọc nhiều nhưng chưa bao giờ đi qua. Tôi đã về Hà Nội đôi ba lần, nhưng lần
nào đi ra ngoài miền quê tôi cũng thấy bồi hồi , xúc động. Khi gần đến Yên Kỳ,
những khu đồi đang được khai phá và san bằng để làm thêm nghĩa trang, trông như
những khu đất được khai phá để xây thêm khu gia cư mới ở Mỹ. Rồi những ngôi mộ
được xây cất ở hai bên đường, mái ngói xanh đỏ tựa như những mái nhà san sát ở
các tỉnh đông dân bên Tầu, nhìn từ trên cao xuống. Những sự việc sau đó đều tuần
tự diễn ra như dự tính của anh Đạo, chúng tôi gặp anh Song là người sẽ xây ngôi mộ cho cha tôi, chúng tôi vào uống nước
(như một thủ tục phải có) ở một quán nước nhỏ lộ thiên trước cổng nghĩa trang,
mời những anh phu đào mộ điếu thuốc lá thơm, một điếu hút, vài điếu bỏ túi. Những
anh phu đào mộ trông mặt rất cô hồn, con mắt nào cũng có tia máu đỏ, không biết
là vì rượu nhiều hay vì đêm ngày phải tiếp xúc với cõi bên kia. Anh Song đèo
tôi và anh Đạo vào văn phòng của ban quản lý nghĩa trang, trà nước, phong bì và
sổ sách. Người coi văn phòng mới vừa ngủ trưa, mặt lờ đờ còn hôi mùi rượu, căn
phòng chập choạng không đủ ánh sáng dù là giữa ban ngày, tập sổ đã cũ bằng giấy
học trò. Chúng tôi so tên và số mộ, đúng là ăn khớp với số mộ dưới Phùng Hưng,
ghi số hàng và số mộ đếm từ bên trái. Nghĩa trang nào cũng mang một vẻ quạnh
hiu, huống chi nghĩa trang Yên Kỳ rất lớn, nằm trên cả một ngọn đồi san phẳng.
Phần trước của nghĩa trang, đa số các mộ đã có gia đình nhận nên xây cất mộ phần
rất khang trang, với nhiều mô hình, không biết khi còn sống ra sao nhưng bây giờ
thì ngôi mộ nào cũng vững chắc, đồ sộ, mái ngói xanh đỏ, nạm bạc nạm vàng. Về
phiá cuối của nghĩa trang, nhìn xa xa là các giải núi thấp, mờ mờ như trong
sương, các ngôi mộ vô danh nhiều hơn là mộ có chủ, thấp lè tè, cỏ hoang mọc lấn
các lối đi. Khu đất có ngôi mộ của cha tôi nằm trong vùng hoang dã đó, chỉ có một
tấm bảng nhỏ kẻ chữ đỏ xác định vị trí. Tôi đi dạo quanh các ngôi mộ, từng hàng
xếp so le, có nhiều ngôi mộ đã gần như chìm xuống bằng mặt đất, chỉ còn chút bờ
xi măng nhú cạnh lên. Có một trục trặc nhỏ trong khi xác định vị trí của ngôi mộ,
vì số hàng và số mộ ở trong sổ không phù hợp với số mộ đếm từ ngôi mộ đầu ở khu
đó, tôi và anh Đạo lại phải trở đi trở lại văn phòng ban quản lý, xem xét từng
ghi chú và tên tuổi các ngôi mộ lân cận đã có xây bia và có tên, rồi đếm ngược
đếm xuôi để xác quyết đâu là ngôi mộ của cha tôi. Cuối cùng khi đã định được
ngôi mộ, anh Đạo mới nhỏ nhẹ chỉ cho tôi hàng chữ Nguyễn Tường Lân anh đã đánh
dấu bằng phấn mờ, thì ra anh đả lên đây nhiều lần và tìm dùm mộ cha tôi. Tôi
đưa tấm ảnh chụp ngôi mộ này anh gửi cho tôi-vì lúc đó vẫn chưa ăn khớp với sổ ở
Phùng Hưng. Anh chỉ cho tôi một tia sáng mặt trời chiếu vào ngôi mộ (có thể là
artifact khi chụp). Anh nói: “khi tôi nhìn ánh sáng chiếu vào ngôi mộ này, tôi
có linh cảm đó là mộ của cụ”. Tôi vốn là một bác sĩ, có nhiều tinh thần khoa học,
nhưng trên đời này có biết bao chuyện khoa học không hoặc chưa giải thích nổi.
Tôi vẫn tin ở đời này, người ta chỉ cần một tấm lòng, và tấm lòng của tôi ngày
hôm nay là gặp lại được cha tôi:” Thạch Lam, cha tôi trong trí tưởng”. Chúng
tôi dọn cỏ, cúng hoa quả, thắp hương. Tôi dùng một hòn đá nhỏ khắc vào mặt trước
bờ xi măng: Thạch Lam Nguyễn Tường Lân -1910-1942, và đó cũng là mẫu cho tấm
bia xây mộ, giản dị và nhẹ nhàng. Tôi cứ đi quanh quẩn mãi, thắp hương cho các
mộ phần chung quanh, như ngày nào mẹ tôi dẫn chúng tôi đi tảo mộ ngày Thanh
Minh, một ngày đã rất xa. Buổi tối, khi về gần Hà Nội, những đụn rơm được đốt
trên cánh đồng toả khói nặng nề, không khí có vẻ đông đặc và ẩm, ánh sáng của lửa
hiu hắt chập chờn, tôi nghĩ đến phong hỏa đài của thời chiến quốc, đến những
mái nhà rơm rạ bị đốt cháy thời tiêu thổ kháng chiến, đến ánh lửa lập lòe như
ma chơi trên nghĩa địa khi tôi chạy trốn Tây càn quét, tất cả đã xa rồi một thời
chiến tranh tàn khốc. Tôi chợt rùng mình, bây giờ đã hết chiến tranh .Người tài
xế đổi sóng phát thanh trên xe , người tôi mê đi, chương trình bắt vào phần cuối của bài bình văn: truyện ngắn Hai Đứa Trẻ của
Thạch Lam. Tôi thấy lại cái âm u, buồn tẻ của một phố huyện nhỏ và tiếng còi tầu
cùng những ánh sáng của toa tầu, tôi thấy lại cô tôi và cha tôi ngồi vẩn vơ bên
cạnh ngọn đèn hoa kỳ , tôi thấy lại cả một thời thơ ấu của tôi, không có cha
tôi.
Khi
còn nhỏ tôi thường có những giấc mơ. Tôi vẫn có trong trí tưởng một buổi sáng
nào đó, khi cha tôi đã quần áo chỉnh tề, với trên tường chiếc mũ phớt nhạt mầu,
cầm một cuốn sách đang đọc dở, hay một tờ báo đầu ngày để đi đến tòa báo, tôi
chạy theo ông. Có thể đó là một ngày ông cảm thấy vui vẻ, hay cảm thấy không phải
với thời gian ít ỏi dành cho các con, ông cho tôi đi theo. Tôi nắm tay ông đi
men theo con đường nhỏ lên bờ đê Yên Phụ. Tôi mặc một cái áo trắng cộc tay bỏ
trong quần sọc, đi một đôi săng đan cao su, nắm chặt tay ông như sợ ông sẽ biến
đi, cha tôi cười và bế tôi trên tay. Tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi tôi sẽ
làm gì trong tòa báo nhỏ bé, chạy loanh quanh dưới các gầm bàn đã cũ, hay loay
hoay nhặt nhạnh những trang giấy in mẫu để sửa. Mẹ tôi thường kể rằng cha tôi
hay ngồi đánh cờ tướng với bạn bè ở tòa soạn khi rảnh rỗi, ông đánh cờ khá cao,
như anh Đằng tôi bây giờ cũng nổi tiếng là một người đánh cờ rất sắc nước. Hoặc
ông với cây đàn tranh để lên bàn, lơ đãng và thanh thản gẩy lên những thanh âm
theo cảm hứng, một bản cò lả hay nam ai. Thi sĩ Huy Cận, khi tôi gặp ông năm 95
để tìm kiếm một số kỷ niệm về cha tôi, đã kể với tôi rằng, có lần ông đến tòa
báo tìm cha tôi, khi nghe tiếng đàn tranh vọng ra, đã đứng nép vào bên cửa để
nghe, chỉ dám gõ cửa khi tiếng đàn đã dứt. Ông nói với tôi:”cha anh đánh đàn rất
hay”,rồi ông vội vã lật vài trang sách khoe tôi về những kỷ niệm ông viết về
cha tôi:”Tôi đã từng quen Thạch Lam, con người mảnh khảnh tưởng như chỉ một làn
gió có thể đẩy đi, một thân hình tưởng như chỉ làm bằng cảm giác, cái khối cảm
giác ấy đã hóa thân vào văn anh”.
Có
những sự việc giống nhau một cách rất tình cờ. Khi tôi bằng tuổi ngày ông mất,
tôi cũng đã có ba con, ông: một gái hai trai, tôi: một trai hai gái. Nhưng sự
giống nhau đã ngừng ở đây. Khoảng ba bốn
năm
trước đó, vì một sự thôi thúc mạnh mẽ không giải thích được, tôi quyết tâm bỏ
nghề bác sĩ và lao đầu vào nghiệp văn chương. Sau khi đã xông xáo vào các hoạt
động chính trị với tất cả lòng nhiệt thành của tuổi hai mươi, tôi và một số bạn
bè cùng Thế Uyên hoạt động hăng say với cơ sở là nhóm văn hóa Thái Độ, đa số là
làm báo chui, bất hợp pháp và vận động chính trị trong giới các sĩ quan trẻ ,
hy vọng sẽ đem lại một xã hội chủ nghĩa không cộng sản. Dĩ nhiên đó chỉ là một ảo
tưởng, và một ảo tưởng rồi cũng sẽ tan vỡ. Tôi cũng còn nhớ một lần, đã rất
lâu, tôi đến thăm bác Tam (Nhất Linh) ở chợ An Đông, hỏi thăm bác với tinh thần
bác cháu trong gia đình, khi tôi sắp ra về, ông có nói với tôi:”bác rất thương
cậu cháu, nếu cháu có định làm gì thì nhớ đừng bao giờ dính vào chính trị”. Đến
bây giờ tôi vẫn không hiểu bác Tam tôi, ngày xưa, có một lần nào nói với cha
tôi câu đó, hay bằng một hình thức tế nhị hơn, đã không lôi kéo cha tôi vào các
hoạt động đảng phái – tình thương cho một đứa em yếu đuối hay sợ bà nội tôi buồn
, để lại đứa em được bà mẹ thương yêu đặc biệt hơn trong gia đình. Năm tôi 32
tuổi, tôi và một số bạn bè đã chủ trương một tập san thuần túy văn chương: Tập San Văn Chương, chủ yếu chỉ
có phê bình và sáng tác. Tôi lập nhà xuất bản Thạch Ngữ với tôn chỉ: sách đẹp,
đúng chính tả và có giá trị thời gian. Nhưng chiến sự đã đưa tôi đến một ngã
khác, đã lôi tôi ra khỏi “giấc mộng văn chương”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hỏi
phải chăng tấm lòng yêu văn chương của tôi không phải là thực tâm, mà sự thúc đẩy
và dằn vặt chỉ vì tôi sinh ra trong một gia đình văn chương. Nếu sự thật là như
thế, sao đến bây giờ tôi vẫn thấy cuộc đời tôi thiếu thốn một cái gì rất mơ hồ,
một cái gì đáng lẽ tôi phải làm nhưng tôi đã không làm…Tôi vẫn mơ có một buổi
chiều nào tôi cùng cha tôi thơ thẩn trên một con đường ở Hà Nội, một con đường
từ đê Yên Phụ đến Cổ Ngư, hay một ngã rẽ vào vườn hoa hàng Đậu, chúng tôi cùng
32 tuổi, cùng nói với nhau các chuyện đời thường, chuyện vợ con, cuộc sống và bạn
bè, và chuyện văn chương. Tôi sẽ có dịp hỏi cha tôi có phải khi ông viết truyện
dài Ngày Mới chỉ là một lời tạ lỗi với người mẹ, một người mẹ có lẽ rất buồn và
không bằng lòng về đứa con bà yêu quý nhất đã tự ý lấy một người vợ lớn tuổi
hơn mình, lại rất nghèo và không có danh phận – các đứa con khác đều nghe lời
bà, có danh phận và có vợ thuộc gia đình khá giả. Cha tôi có lẽ có một tâm hồn
rất yếu đuối, rất thương người và hy sinh cả cuộc đời để chăm chút đến những số
phận nhỏ bé nhưng đáng quý, một tâm tình nhân bản và hiền dịu biết bao. Tôi có
thể kể cho ông những khó khăn ông để lại cho vợ con vào thời kỳ bắt đầu của
súng ống và hận thù, của những cái nghèo đói thật sự mà ông đã phơi bầy trên
nhiều trang sách. Tôi có thể nói với ông rằng ông đã không lầm khi chọn mẹ tôi
làm vợ và che chở cho bà khi ông còn sống, và chúng tôi cũng rất biết ơn cái
gia sản tinh thần ông để lại , trước bao nhiêu khó khăn dập vùi của cuộc sống,
chúng tôi vẫn có những ngày như hôm nay. Tôi có thể kể bao nhiêu chuyện xẩy ra
từ ngày ông mất đi…nhưng có hề chi, vì tôi biết rằng, ông sẽ nhẹ nhàng nói với
tôi: không có chuyện gì là sai hay phải, là xấu hay tốt, khi người ta cư xử với
nhau bằng một tấm lòng.
Gió
đã bắt đầu lạnh và buổi chiều đã về. Ông nhìn tôi một cách dịu dàng rồi hỏi:
“con có vẻ có nhiều điều bận tâm”. Tôi nhìn ông, nhìn vào đôi mắt sâu và buồn.
Tôi có biết bao nhiêu điều để nói, những chuyện riêng tư của gia đình, của anh
chị tôi. Tôi muốn kể với ông về các cháu, chắt và cả chit nữa cúa ông, Nhưng
ông còn trẻ quá, không biết ông có hiểu . Đứa con đầu lòng của tôi bây giờ cũng
đã sống hơn ông năm năm, vẫn còn lông bông chưa vợ con. Thời thế đã khác rồi,
nhưng tôi vẫn cảm thấy ông sống trọn vẹn hơn chúng tôi. Tôi vẫn mơ tưởng đến
cái thời ông sống, vẫn hoài hủy đi tìm kiếm ông, bởi vì, tôi chưa bao giờ có
ông. Còn ông, ông có nhớ chăng đến đứa trẻ ông chỉ để mắt nhìn thoáng qua, rồi
gạt tay cho mẹ tôi mang đi chỗ khác, trước khi ông làm một chuyến đi xa, rất
xa. Tôi nói với ông: ”không, con không có điều gì bận tâm cả”. Ông giơ tay định
vỗ vai tôi, rồi chợt ngừng lại:”chiều rồi, chắc con phải về Hà Nội kẻo tối”. Đến
bây giờ tôi chợt nhớ ra là tôi lại sắp mất ông, tôi bật khóc và ôm chặt lấy
ông.
Hai tay tôi ôm vào khoảng
không.
NGUYỄN TƯỜNG GIANG
05/10/2004
Đăng
trong Thế Kỷ 21, số 182 - Tưởng Niệm Thạch Lam – 6/2004