Saturday, November 7, 2020

1827. SONG THAO Phạm Xuân Đài & "Đi, đọc và viết"



Tôi vẫn thường gọi anh là Phạm Phú Minh nhưng tên tác giả trên sách là Phạm Xuân Đài. Thì cũng chàng chứ ai. Tên đầu là tên thiệt cha sinh mẹ đẻ, tên sau là tên con gái dùng làm bút hiệu. Cuốn sách đầu tiên của Phạm Xuân Đài là cuốn “Hà Nội Trong Mắt Tôi” được xuất bản từ năm 1994, tới nay, 26 năm sau, mới có cuốn thứ hai “Đi, Đọc và Viết”. Điều này chứng tỏ ông bạn đồng tuế với tôi không thuộc loại con đàn cháu đống như tôi. Chuyện cũng đúng thôi. Phạm Phú Minh, hậu duệ của cụ Phạm Phú Thứ, tuy cùng tuổi với tôi nhưng khác tôi. Tôi chỉ làm những chuyện lặt vặt nhằm “mua vui cũng được một vài trống canh” trong khi ông bạn cao ráo, luôn nở nụ cười tươi như hoa, lại là người làm những chuyện để đời. Bạn tôi làm nhiều lắm, tôi chỉ nhớ tới hai sự kiện quan trọng: tổ chức cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn và số hóa bộ tạp chí Bách Khoa. Buổi hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn quy tụ nhiều nhà nghiên cứu nổi danh trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, là một đánh giá đầy đủ và thận trọng nhất về một giai đoạn khai phá thú vị nhất trong nền văn học của đất nước chúng ta. Bộ số hóa tạp chí Bách Khoa là một công trình dài hơi và tốn kém. Dù anh được nhiều bè bạn chung tay nhưng gánh nặng vẫn đè lên vai anh, cả tinh thần lẫn vật chất. Công trình làm ngạc nhiên ngay cả người khai sanh ra Bách Khoa, ông Huỳnh văn Lang, là sự hy sinh tận cùng của Phạm Phú Minh. Anh đã bán non bảo hiểm nhân thọ để có đủ chi phí trang trải.

Hai mươi sáu năm là khoảng cách của hai cuốn sách khiến tôi thấy tiếc. Anh Minh không phải là nhà văn như anh “tự thú” nhưng anh là một nhà báo có tài và có tâm. Nếu anh phóng bút nhiều hơn một chút thì chắc khoảng cách dài trên đã được thu ngắn lại nhiều. Nhưng chẳng thể đòi hỏi quá nhiều nơi một người, dù đó là người rất năng nổ. Anh Minh quen biết và được cảm tình của rất nhiều người trong văn giới và báo giới. Trước đây, khi anh điều khiển tờ “Thế Kỷ 21”, đã nhận được sự cộng tác của rất nhiều khuôn mặt nổi tiếng trên mọi lãnh vực: văn học, chính trị, kinh tế, biên khảo. Nay với trang mạng “Diễn Đàn Thế Kỷ”, số bài viết giá trị của nhiều tác giả quen biết được post lên mỗi ngày. Anh là cái đầu tầu trong vai trò quy tụ, dẫn dắt hơn là một toa tầu trong một đoàn tầu. Anh Minh là người luôn sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng.

Cuốn “Đi, Đọc và Viết” có nội dung rất gọn gàng: đi, đọc và viết! Anh là người thích đi, điều này tôi giống anh. Những người tuổi con cọp hình như không muốn quanh quẩn trong chiếc lồng chật hẹp. Điều này Thế Lữ đã nói rồi. Sau 13 năm giam mình trong cái gọi là “học tập cải tạo”, khi được bung ra, qua Mỹ vào năm 1992, anh hối hả cất bước. “Đến lúc định cư tại Mỹ từ cuối năm 1992, khi cuộc sống đã tạm ổn định , tôi lại cảm thấy tiếng gọi thầm kín của bốn phương bắt đầu thúc dục trong lòng, và chuyến đi đầu tiên của tôi ra khỏi nước Mỹ là đi Pháp và nhân đó thăm Bỉ, Đức, Hòa Lan, vào năm 1997. Rồi đến chuyến đi Nga năm 2000, và đi Tàu những năm 2004 và 2006. Đó là những chuyến đi tôi có ghi lại trong những du ký mà số trang chiếm khoảng nửa cuốn sách này. Các chuyến về sau, cho tới thời gian gần đây, như đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Panama, Argentine, Chile…có thể vì đã quá quen với cảnh lạ đường xa, sau mỗi chuyến đi tôi không còn hứng thú viết du ký nữa”.

Thiệt uổng! Nếu anh Minh còn hứng thú thì chúng ta đã được theo chân anh đi tới biết bao chân trời góc biển nữa. Nhưng theo chân anh bạn hiền hậu này đi du lịch thì chán chết. Anh là một du khách…giả! Đi du lịch là phải trầm trồ thưởng thức những khung cảnh khác lạ với nơi chúng ta sống. Du khách thường trải lòng ra, anh Minh lại cuộn lòng vô. Anh không du lịch với con mắt mà với trái tim. Trái tim anh lại…già, chỉ chứa giữ những chuyện ngày xửa ngày xưa. Tới Paris, nơi mà người Việt nào cũng một lần ao ước được tới coi kinh thành ánh sáng xem nó chói chang ra sao thì anh lại nhớ về Sài Gòn. “Buổi chiều mưa đó ở Paris, tôi che dù đi hơi lầm lũi thì thoáng thấy bên kia đường một cửa kính lớn trên có dòng chữ: Aux Ciseaux d’Art, cái này tôi đã thấy nhiều lần vào những năm xưa chỗ gần Tòa Đô Chính Sài Gòn đi về phía đường Tự Do, tôi tiếp tục đi mấy bước nữa thì quả nhiên gặp ngã tư, và tôi hoàn toàn có cảm giác đang đứng tại phố cũ hè xưa Lê Thánh Tôn với Tự Do, tôi sắp bước vào quán La Pagode để uống cà phê trong một buổi chiều mưa. Ảo ảnh, ảo giác hiện lên như trong một giấc chiêm bao”. Vừa đi tới, vừa thụt lui, ông du khách này vác theo cả một ba lô nặng trĩu những thứ mà một du khách bình thường không đeo theo.

Tại công trường Saint-Germain-des-Prés ở Paris có quán cà phê nổi tiếng Les Deux Magots. Đây là nơi lui tới của những khuôn mặt lớn trong văn giới như Verlaine, Rimbaud, Mallarmé, và thế hệ sau gồm: André Gide, Picasso, Jacques Prévert, Ernest Hemingway, Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir. Ai tới Paris cũng đặt bàn tọa vào nơi chốn ngời ngời không khí văn học này. Anh Minh không là ngoại lệ. “Ngồi trong quán đó tôi bất giác có một cử chỉ y hệt như khi vào quán chả cá Lã Vọng ở Hà Nội năm nào, là đưa mắt nhìn quanh. Tại quán Lã Vọng tôi nhìn và tự hỏi Thạch Lam và các bạn văn của thời ông đã từng ngồi ở chỗ nào…Tại đây, Les Deux Magots, phản ứng tự nhiên của tôi là cũng hình dung xem Sartre, Hemingway…đã ngồi chỗ nào, nhưng đồng thời tôi cũng ý thức rất rõ rằng tuy họ đã tới và đã ra đi vĩnh viễn nhưng hình bóng các vị vẫn sinh động nơi đây, vì cái tinh thần tự do của các vị vẫn được thừa kế, phát triển từng giây phút bởi các lớp người đến sau”. Tôi ngóng trông tác giả tả cái quán cà phê huyền thoại này ra sao nhưng anh đã dứt ngang và bàn tới mấy trang về các quán cà phê tại…Sài Gòn từ thời tây thuộc địa tới ngày nay!

Tôi đã viết ở trên, du khách Phạm Phú Minh không phải là một du khách nhiệt tình với cảnh quan xứ lạ mà anh chỉ mượn những nơi anh tới để cho anh tỏ bầy nỗi lòng với quê hương. Không biết các cụ xưa nói: tức cảnh sinh tình, có đúng với trường hợp này không. Tôi bỗng nhớ tới bài đọc trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư không biết lớp nào, Sơ Đẳng, Đồng Ấu hay Dự Bị: Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: Ông đi du sơn du thủy, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp.Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?". Người du lịch đáp lại rằng: "Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở lại chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.". Tôi ngờ rằng ông bạn tôi cũng còn nhớ bài đọc này.

Tôi có thể kể ra thêm, khi tới thủ đô Nga Mạc Tư Khoa, ăn món xà-lách Nga, anh bèn nhớ tới  lần ăn món này ở tiệm Chez Albert trên đường Đinh Tiên Hoàng từ thập niên 1960 lận! Vậy là đang từ Nga, anh lạc về Sài Gòn với các nhà hàng Thanh Bạch, Chí Tài. Đứng dưới mái hiên một tiệm đổi tiền trong một ngày mưa anh gợi nhớ tới một ngày mưa dầm ở Huế, mưa rào rạt ở Cần Thơ hay Châu Đốc và mưa trước cửa tiệm cà phê Tùng trên Đà Lạt.

Tôi chưa từng đi du lịch với anh bạn Phạm Phú Minh nhưng trộm nghĩ đi với anh chắc mệt lắm. Đang háo hức với cảnh lạ đường xa lại bị anh kéo áo lôi về chốn cũ. Thiệt nhọc nhằn! Nhưng như văn hào Tiên Điền đã viết: người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, tôi nghĩ tới tấm lòng đau đáu với quê hương của anh bạn tôi. Đó là một tấm lòng đáng trân trọng. Có mấy người còn giữ được tình quê hương thiết tha đến như vậy. Chộn rộn với cái mới, con người ít khi muốn quay lại sau lưng, nhất là cái sau lưng nay toàn những thứ bất ưng.

Cái tâm với những giá trị của đất nước đã khiến anh tận tình với văn học Việt Nam tại hải ngoại. Tôi đã bắt gặp nhiều cuốn sách mở ra với bài tựa của Phạm Xuân Đài. Anh không nhận mình là một nhà văn nhưng anh trân trọng hết mực với những con chữ của các tác giả hải ngoại. Số bài tựa anh viết chắc khá nhiều nên anh không thể in hết trong cuốn sách này. Trong phần “Đọc” được anh ghi là “Giới Thiệu Tác phẩm – Tác Giả”, anh đã viết về những tác phẩm của Bùi Diễm, Trần Mộng Tú, Nguyễn văn Thực, Trần Doãn Nho, Vũ Quốc Thúc, Trịnh Công Sơn và Song Thao. Anh đã đọc kỹ, lọc lựa được những điểm chính của mỗi tác phẩm và trình bày dưới nhãn quan của một người am hiểu tác phẩm và tác giả đó. Dù tác phẩm anh giới thiệu là một truyện dài, truyện dịch, thơ văn, nhạc hay là một biên khảo về chính trị, văn hóa hoặc là một hồi ký, anh cũng đã đọc rất kỹ và nắm bắt được cái hồn của mỗi tác phẩm.

Phần chót, Tạp Bút, là nơi anh thổ lộ tâm tình với bè bạn. Những Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Diểu, những tâm giao của anh từ thuở nhỏ tới thời thanh niên và nhất là thời kỳ cùng chung làm báo tại hải ngoại. Cả hai đều đã vĩnh viễn ra đi.

Đỗ Ngọc Yến là một người năng nổ, thích bày trò và là bạn học lớp Đệ Tam C, trường Trương Vĩnh Ký với tác giả. Tôi chỉ quen Yến sau này nên không biết Yến thời học sinh ra sao. Phạm Phú minh khai ra tất cả. Yến không phải là một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ. Nhiều sáng kiến, nhiều tài năng, biết cách tổ chức và rủ rê người khác tham gia, Yến ưa cựa quậy. Anh đã tổ chức cuộc biểu tình đòi bỏ kỳ thi vào lớp Đệ Tam trường công, bị đưa ra tòa nhưng tòa bị áp lực của công luận không dám xử. Không xử được trước tòa, người ta đã chơi lén Yến bằng cách đuổi học vào năm anh đang học lớp Đệ Nhị. Yến là người sanh ra để làm những việc người khác không dám hoặc không thể làm. Một trong những việc đó còn dây dưa tới bây giờ là thành lập tờ báo Người Việt, tờ báo hàng ngày đầu tiên của người Việt tại Quận Cam.

Viết về Lê Đình Điểu là một bài viết theo chân bạn của tác giả. Điểu là bạn hoạt động thời thanh niên của anh Minh và cũng là bạn học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn của tôi. Anh mất sớm ở tuổi 60, tròn một hoa giáp. Điểu là một người, khác với Đỗ Ngọc Yến, rất mẫu mực trong cuộc sống. Anh ăn uống kiêng khem cẩn thận, tập thể dục đều đặn, vậy mà dính ung thư. Bất mãn vì cái oái oăm của cuộc sống, bà cụ thân sinh của Điểu đã bảo lũ bạn của anh đại khái là cứ mặc sức ăn uống hút sách cho sướng, chẳng cần kiêng khem chi, Điểu mà ung thư thì ai cũng có thể dính. Trước khi lìa đời, Điểu có ước muốn được mang đám tro tàn về nằm nơi quê nhà ở làng Thanh Lãm, tỉnh Hà Đông. Bài viết “Tiễn Bạn Về Quê” của Phạm Xuân Đài viết vào ngày gia đình và bạn bè tiễn bình tro cốt của Điểu về quê, một năm sau ngày anh mất tại Cali. “Khi tôi đang viết những dòng này thì Điểu (đúng hơn, nắm tro của thân xác Điểu) đang trên đường về quê. Đang bay đâu đó trong bầu khí quyển của quả đất này để thực hiện một chuyến đi ngược lại với hành trình của đời Điểu trước đây. Chuyến đi được trù liệu từ hơn một năm trước, ngay từ khi Điểu còn sống. Chắc bạn tôi cũng đang háo hức mong gặp lại quê hương. Đầu tiên là Sài Gòn, nơi có biết bao kỷ niệm từ thời những năm đầu trung học lúc mới di cư từ ngoài Bắc vào, rồi lớn lên, vào Đại học, hoạt động sôi nổi trong môi trường sinh viên và văn nghệ, rồi ra trường làm thầy giáo, lập gia đình, rồi báo chí, dân vận, đi tù, cho đến ngày lên đường ra nước ngoài năm 1983…Suýt soát ba mươi năm. Tuy không phải là nơi quê cha đất tổ, Sài Gòn đã làm nên phần đời quan trọng nhất của Điểu. Xa Sài Gòn cũng đã mười bảy năm rồi, dừng lại thăm thú nơi này nơi kia trong mấy ngày cho thỏa lòng mong nhớ. Rồi lại lên đường ra đất Bắc, ngược lại con đường đã đi năm 1954. Về Hà Nội, về Hà Đông, và chặng chót là làng Thanh Lãm, nơi cội nguồn, nơi sẽ ở lại vĩnh viễn không cần phải đi đâu nữa. Hãy yên nghỉ. Nắm tro của thân xác đã nhập vào mảnh đất quê. Đó là thể phách. Còn phần tinh anh? Cũng nhập vào với khí thiêng sông núi, nơi quần tụ bao nhiêu tinh anh khác của tổ tiên”.

Đầu thập niên 1960, khi tôi đang dạy học tại trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, Điểu có xuống chơi với tôi ít ngày. Buổi tối, chúng tôi, những tên Bắc kỳ di cư, ra bãi biển chơi. Điểu ôm đàn hát toàn những bản nhạc nhớ về miền Bắc. Với chuyến trở về, dù hình hài thu hẹp trong chiếc hũ sành, hy vọng Điểu đã thỏa nỗi lòng với nơi chôn nhau cắt rốn.

Phạm Phú Minh tiễn bạn về Bắc nhưng anh không ở Bắc. Anh là con dân đất Quảng. Tân khổ của anh trong những ngày đất nước loạn ly cũng khá bộn. Coi bộ vất vả hơn Điểu và tôi. Anh đã tản cư mất ba năm, khi về phải khai rút hai tuổi để có thể theo học. Đang là con cọp, anh biến thành con rồng. Đội lốt rồng nên anh cũng bay cao. Trong khó khăn vất vả, anh cũng đã tốt nghiệp Triết và Sư Phạm tại Đại Học Đà Lạt.

Là con dân đất Quảng, anh quyến luyến với món đặc biệt Quảng. Trong bài “Mì Quảng”, anh cho biết đây là một món ăn quê mùa. Mì Quảng không làm bằng bột mì như món mì của người Hoa mà làm bằng bột gạo. Vậy mì của quê hương anh không họ hàng chi với mì của người Hoa. Miền Trung có nhiều tỉnh bắt dầu bằng chữ “Quảng” nhưng nói tới mì Quảng thì không ai có thể gán cho một tỉnh “Quảng” nào khác ngoài Quảng Nam. Món dân dã nhưng rất truyền thống này là niềm tự hào của người dân Quảng Nam. Chẳng biết do cơ duyên nào mà tôi lại có nhiều bạn văn xứ Quảng: Luân Hoán, Lưu Nguyễn, Thành Tôn, Phạm Phú Minh, Trần Yên Hòa. Mà đã là dân Quảng Nam thì hình như ai cũng biết nấu mì Quảng. “Dù chính nó có gốc gác rất dân dã, mì Quảng đã được nhiều gia đình làm rất ngon, mì ngon chính là mì gia đình chứ không phải bán ở quán. Dĩ nhiên đây là những gia đình khá giả, sành ăn và có truyền thống nấu nướng, chính tại những nơi này mì Quảng đã được nâng cao về phẩm chất để có thể so sánh với bất cứ món gì cùng loại với nó tại các miền khác trong nước”.

Mỗi lần qua Cali, tôi vẫn được thưởng thức tô mì Quảng nơi nhà anh Thành Tôn. Chị Thành Tôn là tay nấu mì Quảng thuộc hạng thượng thừa. Dịp tết năm 2019, cũng không ngoại lệ, con dân xứ Quảng đã tụ tập tại nhà anh Thành Tôn với món mì Quảng. Khi ra về, buổi trưa nắng chang chang, nóng như thiêu như đốt, tôi đi nhờ xe anh Minh. Tới xe mới tá hỏa khi thấy một chiếc bánh xe xẹp lép. Thành Tôn, Trần Yên Hòa và tôi muốn thay bánh xe, hỏi chủ nhân chiếc xe coi bánh sơ-cua để ở chỗ nào, anh Minh ngây người không biết.

Phạm Phú Minh là người rất hồn nhiên trong cuộc sống. Thấy anh đi đông đi tây vậy, tưởng anh là tay sành sỏi, nhưng thật ra việc tìm tua du lịch, mua vé và sắp đặt các chuyến đi đều do một tay chị Minh cả. Anh chỉ việc xách va li ra đi. Tôi không nghĩ là trong va li của anh không thiếu cái này cái nọ. Anh Minh là như vậy. Anh coi nhẹ cuộc sống nhưng rất nặng tình với bạn, trân trọng với vốn quý của đất nước. Chuyện này thì anh không lơ là, trái lại hết mực ân cần, không màng tới công sức, không một tính toán riêng tư.

“Đi, Đọc và Viết” là tấm lòng của anh, tấm lòng luôn có đó nhưng giờ anh mới thổ lộ. Tôi trân trọng tấm lòng đó. 

SONG THAO

11/2020