Thursday, October 29, 2020

1813. NGUYỄN VY KHANH Nhà văn Nhật Tiến thời ở hải ngoại

Nhà văn Nhật Tiến (1936-2020)

Nhật Tiến họ Bùi, sinh ngày 24 tháng 8 năm 1936 tại Hà Nội. Ông có người em cũng theo nghiệp văn là Nhật Tuấn không di cư vào Nam năm 1954 và phu nhân ông, bà Đỗ Phương Khanh cũng viết văn, làm báo và nhà xuất bản. Trước 1975, ông đã xuất bản 19 tác phẩm gồm 11 tiểu thuyết hoặc truyện dài.

Sau năm 1975, ông tiếp tục dạy Lý Hóa ở trường Hưng Đạo Sài Gòn cho tới năm 1979 thì vượt biển qua Thái Lan tỵ nạn rồi định cư tại California (Hoa Kỳ) từ năm 1980. Ở đây, ông viết văn và theo học ngành điện toán rồi làm chuyên viên sửa máy vi điện toán cho một hãng Nhật cho đến nghỉ hưu. Trong thập niên 1990, ông cộng tác với tạp chí Hợp LưuVăn Học. Năm 2001, ông cộng tác rồi sau làm Tổng Thư Ký cho tờ tuần báo Việt Tide ở Nam Cali, trong hơn 10 năm. Từ năm 2016, ông làm Tổng thư ký cho Giai Phẩm Việt Stream cũng ở Nam Cali. Nhà văn Nhật Tiến mất tại Irwine, Nam California ngày 14-9-2020 không lâu sau khi phu nhân Đỗ Phương Khanh qua đời, ngày 26-8-2020.

Tác phẩm đã in sau 1975: Tiếng Kèn (1981), Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan (viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, 1981; dịch giả James Banerian dịch ra Anh ngữ Pirates in the Gulf of Siam), Một Thời Đang Qua (1985), Mồ Hôi Của Đá (1988), Cánh Cửa (1990), Quê Nhà Quê Người (viết chung với Nhật Tuấn;  Tp HCM: NXB Văn Học, 1994), Thân Phận Dư Thừa (2002, dịch cuốn The Unwanted của Kiên Nguyễn), Hành Trình Chữ Nghĩa (3 tập; 2012; tập 2: Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi; tập 3: Một Thời Như Thế), Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác (2012), Mưa Xuân (2013), Từ Hội Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt-Nam (2016) – các tập sau đều do nhà Huyền Trân ở Garden Grove CA xuất bản.


Nguyễn Vy Khanh - Nhật Tiến

Hướng về dân tộc và tương lai

Thế giới tiểu thuyết của Nhật Tiến có hai đặc điểm chung: một thế giới của những con người bất hạnh và một không gian của nhân phẩm, con người! Tác giả của chúng là một con người giàu lòng nhân ái và ông muốn mọi người chia xẻ cái nhìn của ông! Sau 1975, Nhật Tiến ngưng viết cho đến khi vượt biển thành công và đến Hoa-Kỳ năm 1980. Khi ở trại tị nạn Songkhla, ông đã bắt đầu viết lại (nhiều truyện sau in trong tập Tiếng Kèn) và đã đem những ưu tư, suy nghĩ vào văn chương. Ngòi bút của ông trở nên phẫn-nộ dù lòng thương và tình người vẫn mạnh ở ông. Trước hết ông viết về số phận những thuyền nhân (boat people) mà ông vừa từng trãi qua, Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan, với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy. Sau đó là các tập Tiếng Kèn, Một Thời Đang Qua, Mồ Hôi Của Đá, Cánh Cửa (1990). Nhật Tiến phát biểu về vai trò người cầm bút ở thời điểm mới: "Tôi vẫn hằng quan niệm rằng thiên chức của người cầm bút là phản ảnh được môi trường xã hội mà họ đang sống, và đấu tranh cho những nguyện vọng tha thiết nhất của con người trong xã hội ấy được thể hiện. Môi trường xã hội hiện nay của người cầm bút là tình cảnh lưu vong mà họ đang sống, là anh em, bạn bè, đồng bào còn đang rên xiết ở quê nhà và những đồng bào tị nạn đang lây lất ở các trại tạm trú..." (1)

Sau những cố gắng tố cáo tội ác hải tặc và chế độ mà nạn nhân hải tặc đã phải bỏ đi, ông đã đi đến nhận thức tình trạng mới không thể ôm hoài suy nghĩ đã mòn. Ông đưa những ý tưởng đó vào các tác phẩm mới. Tập Tiếng Kèn (1982) là bức tranh sống động về cuộc đổi đời của miền Nam. Những đối xử dă man, không nhân tính với đồng loại. Tiếng Kèn của lão mù kiếm cơm, công an chìm của cộng sản cũng phải theo bắt và kết án là CIA. Khi được thả ra, lão sợ nên thổi bài "Như có bác Hồ..." liền bị dân trong xóm phản đói. Lão thổi bài "Việt Nam! Việt Nam nghe từ vào đời..." thì tiếng vỗ tay vang dậy, nhưng lão không nghe được gì nữa, "hồn gã bay bổng theo tiếng kèn (...). Gã đã đắm mình vào làn âm thanh bao phủ quanh gã, và thực sự đang nâng bổng tâm hồn của gã lên cao" (tr. 25). Những nạn nhân khác là bà lão già còn phải lội rừng đến trại cải tạo thăm con nhưng kiệt lực ngay cổng trại chưa kịp thấy con. Là vợ một đại úy quân y nay chồng đi cải tạo, đói phải đi trộm khoai, may gặp được lão Qưới người bị mất trộm khoai nhưng may người này từng chịu ơn ông chồng bác sĩ cứu tử trước 1975 đã cho 50 chục; nhưng với số tiền này, bà nấu một nồi cháo thịt để cùng với năm con chết để "bầy con tội nghiệp của cháu khỏi phải trầm luân trong cái xã hội đầy cơ cực này" (Nồi Cháo Thịt). Trận Đánh Cuối Cùng Của Một Kẻ Sĩ là trận đánh về mặt văn hóa của Ba Sinh, người bị công an đến nhà tịch thu hơn ba ngàn cuốn sách trân quý lưu trữ. Tình cờ anh gặp lại sách của anh được bày bán "chui" do đường giây công an kiếm ăn - tịch thu rồi đem đi bán thay vì nộp theo chính sách, anh thường ra đó và đầu độc bộ đội và cán bộ cộng sản với những cuốn sách "đồi truỵ" của miền Nam. Không hiểu anh Ba Sinh này trước đã từng làm Kẻ Nổi Dậy một cách nhu nhược?

Hai truyện trong tập nói đến bộ mặt thực xã hội của kẻ thắng: Chiếc Áo Tây Vàng về một xã hội bạo lực, sự sống sót là quan trọng bất kể phương tiện, cả việc đào mả, như người thiếu nữ đào mả lấy đồ bán chợ trời kiếm tiền nuôi hai đứa em, đã khai trước tòa:"Xã hội của chúng ta là xã hội chủ nghĩa, chủ trương duy vật mà đả phá duy tâm. Chỉ những kẻ còn đầu óc duy tâm mới quan niệm rằng đào mả lên tức là xâm phạm đến linh hồn người chết. Tôi sống bằng lao động của chính tôi. Tôi không ăn bám một ai. Tôi chỉ lấy đi những đồ dùng chôn dưới mả là những thứ mà xã hội bỏ đi, đã phế thải. Hơn thế nữa, tôi lại dùng lợi tức ấy để nuôi các em tôi ăn học, tức là bằng lao động đó, tôi đã nuôi dưỡng những mầm non của đất nước. Vì thế, tôi là người hoàn toàn vô tội" (tr. 143). Truyện Chuyến Tàu Ngày Cuối Năm  diễn tả tâm trạng những người trẻ bắt đầu ý thức, phản ứng trước những đòi hỏi hy sinh cho nghĩa vụ hoặc lý tưởng láo khoét che đăy những mưu đồ bẩn xấu như đưa thanh niên sang làm "nghĩa vụ" bên lân bang Kampuchia. Hùng và một số bạn đã phải đào ngũ và chấp nhận cuộc sống lẩn tránh và hiểm nguy chết chóc, tù tội, nhân danh ước vọng tối thiểu làm người! Trong tập truyện đầu tay xuất bản ở ngoài nước này, một mặt Nhật Tiến cho thấy đời sống cơ cực của người miền Nam sau 1975, ông vạch mặt thủ phạm là chiến tranh, bạo lực, là lòng thú giưa người đối với người, trong sự ghen tương giàu nghèo Nam Bắc càng lộ rõ khi tiếp xúc, người trong Nam không tin tưởng nơi đồng bào từ miền Bắc, họ biết những người kia sống trong một chế độ bưng bít, không hề biết sự thật, lừa dối nhau để sống còn, lãnh đạo thì tuyên truyền, đe dọa, người cùng đinh thì lừa nhau miếng ăn, cái bát và cuối cùng những cảnh tượng "chiến thắng" thực ra chỉ là trò hề tội nghiệp!

Đến Một Thời Đang Qua (1985) gồm hai phần quê người sống hối hả máy móc với những va chạm văn hóa, những người mẹ già lạc lõng ngay trong gia đình mình, trong khi quê nhà giữa bao thảm kịch, sĩ quan bộ đội hủ hóa, tình cờ vẫn có người thủ trưởng công an biết nói cám ơn. Người Làm Ca Đêm, Một Ngày Của Nhiều Người tả nếp sống đến lạ kỳ ở quê người, đời sống thường không còn của riêng mình mà là của guồng máy, đi làm để trả bills, vội vàng vì kẹt xe. Làm việc an ninh mà máy móc đến điên người như Vũ trong Những Mẩu Dây Leo, rồi tranh chấp, rồi bị người làm chung tố với xếp anh bị tâm thần, trong khi thư nhà đến đều với những vấn đề phải giải quyết. Mùa Xuân Của Nàng và Bông Hồng Nào Cho Mẹ đề cập đến những va chạm hội nhập văn hóa, trong khi đó Những Mảnh Trăng Thu đưa người đọc trở lại với những trẻ nghèo khổ nhưng biết thương yếu nhau, một đề tài quen thuộc của Nhật Tiến.

Ngoài ra, trong tập truyện này, Nhật Tiến đi bước đầu trong việc tìm hiểu và viết về con người ở miền Bắc và những người ở miền Nam sau 1975 như những con người "ruột thịt". Văn ông hiền lành nhưng ông đã nói đến những khúc mắc của con người cùng là nạn  nhân của chiến tranh, ông luôn khẳng định sự thất bại của cộng sản muốn tiêu diệt nhân tính nơi con người. Ông tìm hiểu xã hội miền Bắc - của những kẻ tự cho là kẻ thắng kẻ tài giỏi, và đi đến tố cáo bộ mặt thật. Nhận chân để tìm ra những thái độ của con người miền Bắc dù là đang thuộc thành phần ưu đãi hơặc phía sưúc mạnh (cán bộ, bộ đội,..) đứng trước những thảm cảnh, thất bại của một chủ nghĩa vô nhân, của một guồng máy bạo tàn. Những Vết Chân Trâu trình bày bộ mặt thảm hại của xã hội miền Bắc, con người tàn hại nhau nhưng nhân danh những chính sách, chế độ bất nhân như tem phiếu, "còn tem phiếu thì còn được phân phối nhu yếu phẩm theo giá chính thức. Không còn tem phiếu thì kể như đã bị gạt ra khỏi mâm cơm chung của xã hội, dù chỉ là mâm cơm được bày biện những khoai cùng sắn" (tr. 115). Lão Thược cuối cùng mong ước được thay thế con trâu để kéo cày cho xã. Một Chuyến Đi cho thấy sự đày đọa con người bằng những biện pháp cai trị phi lý mà George Orwell từng nói đến trong 1984. Một Big Brother mất nhân tính, Quý xin giấy tờ để ra Bắc thăm mẹ bị đủ trở ngại để phải thốt lên: "Có lẽ ở trên đời này chỉ có Quý là kẻ duy nhất đã có thể cười được khi nhận được tin mẹ mình đang thật sự hấp hối!" (tr. 91), vì lúc đó mới có thể có giấy di chuyển. Chặng Đường Cuối phá vỡ huyền thoại con người và đạo đức cách mạng. Huyền thoại Tay Ngà mà nhân vật Lữ từng ôm ấp 30 năm về chị Thu trở nên vô hiệu khi nhìn thấy hai bàn tay chị thô nhám nhăn nhúm và khi nghe giải thích "Chế độ mới cần đề cao tinh thần lao động trong mọi tầng lớp quần chúng, kể cả những nghệ sĩ chơi đàn. Tôi không bị cấm đánh đàn nhưng tôi cũng bị bắt buộc phải cầm thêm cái cuốc. Cơn tàn phá đối với một bàn tay chỉ trong vòng một tháng là thấy rõ những ngón tay chai cứng lạị Nốt nhạc trở nên lạc lõng, xớn xác như lâm hồn lạc lõng, xớn xác của toàn thể con người..." (tr. 66). Thân phận người phụ nữ dĩ nhiên không ra gì trong một xã hội như vậy. Chân Dung Người Nữ Diễn Viên tên Hồng đã phải sống và trình diễn giả dối cho hợp chế độ, nên khi hết thời, về sống cày ruộng bên anh chồng thương phế binh mà lại cảm thấy thoải mái hơn!

Cái Túi Bùa gây suy nghĩ nơi người đọc, khi tác giả viết về Bà Cụ Tám ba đời tiễn chồng rồi con rồi cháu ra đi chiến đấu không ngày về. Đến đứa cháu, bà đeo bùa vào cổ cho cháu dù đó là chuyện cấm kỵ ở một chế độ làm nhụt lòng chiến sĩ ra đi lên đường vì tổ quốc. Nhưng đứa cháu đã chứng tỏ không như hai thế hệ cha ông, bắt đầu ý thức đâu là chân lý, không chấp nhận hãi sợ vô cớ, không chịu câm lặng hy sinh vì bất cứ lý do nghĩa vụ nào:"Kampuchia là cái xứ chó chết nào? Tại sao mình lại phải đi đánh nhau ở đó? (...). Tuổi trẻ của tao phải khác với tuổi trẻ của ông nội tao, của bố tao. Tao không muốn tiếp tục trở thành những quân cờ, những quân chốt thí muôn năm hết đời này qua đời khác..." (tr. 110). Qua Kampuchia xong, Hải tìm đường vượt biên sang Thái Lan! Vở kịch Công Lý Xã Hội Chủ Nghĩa - kịch bản hóa truyện Chiếc Áo Tây Vàng, đóng lại tập truyện: kịch tính ở đây không do kịch bản mà do cái hiện thực của đời sống: hầu như mọi người trong xã hội Cộng sản đều phải đóng kịch để sống còn, ai đóng giỏi trở nên mạnh hơn, có lý hơn!

Nhật Tiến là nhà văn gây phản ứng chính trị (thật ra là của vài nhóm người tị nạn) ở hải ngoại khi ông xuất bản truyện dài Mồ Hôi Của Đá (1988) và đăng báo truyện Gặp Gỡ Cuối Năm. Trong Mồ Hôi Của Đá, qua chuyện của những người ở trong nước như Nguyệt, Toàn, Hoàng, ông Năm Tỏa,..., tác-giả đề nghị đối thoại và tìm hiểu trong tinh thần nhân bản và dân tộc, để xây dựng lại quê hương. Ông nói đến con người, dân tộc, muốn không phân biệt nữa, vì tương lai, cho tương lai. Cuộc chiến mới ông muốn đề ra là cuộc chiến giữa nhân bản và phi nhân, giữa lẽ phải và sai quấy và giữa dân tộc và phi dân tộc. Sau những nhận thức những tồi tệ của xã hội, chế độ, Nhật Tiến đã đi đến những nhận thức cho một Việt-Nam tương lai. Mồ Hôi Của Đá dưới hình thức một truyện dài, do đó tác giả có đất để trình bày rõ những suy nghĩ và giải pháp mà hai tập truyện ngắn xuất bản trước đó đã chỉ mới thử những bước đầu. Lấy nhân bản làm nền tảng, dùng khai phóng làm tâm niệm, giải pháp ở đây có một kích thước lớn hơn thường tỉnh phân biệt Bắc Nam, trong-ngoài nước. Nhật Tiến trình bày ở lời mở đầu: "Trong một vận hội mới nhằm phục hồi và xây dựng lại quê hương đang điêu tàn, đen tối và đày rẫy nhục nhằn như hiện nay. (...). Tôi nghĩ rằng, văn hóa nói chung và Văn Học Nghệ Thuật nói riêng, có khả năng góp phần vào công cuộc tạo dựng những điều kiện qui tụ tốt đẽp trong công cuộc hình thành một sức mạnh tổng hợp, cả trong lẫn ngoài nước để hoàn thành sứ mạng giải phóng quê hương. Văn Học Nghệ Thuật, do đó sẽ có thêm một hướng đi mới, bên cạnh những hướng đi đã có, đã từng góp phần tích cực vào công cuộc tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc ở hải ngoại. Chấp nhận một chiều hướng sáng tạo như thế, trong khung cảnh còn đầy rẫy những ngộ nhận như hiện nay, là chấp nhận một sự thử thách..." (2). Chuyện xảy ra ở miền Nam sau 1975, người hai miền sống chung, những va chạm, một bên ức hiếp, lợi dụng, một bên chịu đựng hoặc tìm cách qua cầu. Nhưng có những người trẻ lý tưởng, như Nguyệt,... không muốn cực đoan, một chiều, muốn ra tay làm một cái gì trong hoàn cảnh mới, trở thành bí thư chi đoàn thanh niên, quá tin theo tài liệu thổi chuyện làm cách mạng, để rồi thực tế phải thất vọng ê chề. Cách mạng lâu ngày như Hoàng, một nhà văn từ Bắc vào tham quan, cuối cùng đã phải chua nhát nhìn nhận chế độ cộng sản chỉ thêm phong kiến, hủ bại và phân biệt giai cấp nặng nề hơn phong kiến bị họ lật đổ, và "tuyệt đại đa số quần chúng trong xã hội cộng sản chưa ai có quyền làm người cả" (tr. 140).

Trước thực trạng giải phóng thành gông cùm, thống nhất để cả nước cùng đi vào tuyệt vọng, theo tác giả sinh lộ mới là phải khởi từ "tư tưởng đi tìm một chỗ đứng mới, chẳng bên này mà cũng chẳng bên kia, một chỗ đứng chung cho toàn thể những kẻ bị áp bức dù dưới bất cứ một xuất xứ nào, một chỗ đứng trở về dân tộc, hai chữ dân tộc với đày đủ ý nghĩa trong sáng, nhân ái nhưng cũng anh dung bất khuất, vốn có từ ngàn xưa, thời kỳ chưa bị tha hóa bởi bất kỳ chủ nghĩa ngoại lai nào" (tr. 117). Toàn, người yêu của Nguyệt, không tán đồng việc nàng làm, nhưng lại tin Hoàng và những người thức tỉnh từ long miền Bắc như Hoàng, như Năm Tõa, cán bộ về hưu, sẽ như những mầm nẩy được trong tính thế mới. Nguyệt sẽ là người đi theo con đường mới vận dụng thay đổi đầu óc của mọi con người trong một cuộc đãu tranh mới" đó! Hoàng, Toàn,... thì vận động văn hóa khởi đi với một nhóm văn nghệ có tên là "Chân Đất" đồng hành với Nguyệt. Một cuộc cách mạng bắt đầu!

Lòng nhân ái thương xót những kẻ xấu số, bần cùng trong xã hội chưa đủ, Nhật Tiến còn lên tiếng kêu gọi nhìn lại và xóa bỏ những bất công, những tàn độc của con người đối với đòng loại, ông đi xa hơn kêu gọi xóa bỏ chủ nghĩa, biên giới để xây dựng một thế giới không hận thù, chia rẽ, dân tộc là chính. Sau 1975, tác phẩm của ông có tính cách chính trị theo nghĩa áp dụng cho cả dân tộc, chứ không dừng ở một thành phần dân tộc bị đàn áp, nghèo khổ và chịu sự bất công. Một giải phóng tâm hồn, không bên này bên kia, không phân biệt kẻ thắng người thua khi cả dân tộc sẽ bị thua thiệt trước tiến bộ của nhân loại, trước bước đi của thời gian và lịch sử! Những kẻ chống Cộng tới cùng (?) hoặc kèn cựa, tranh chấp “Văn Bút” thời đó, những Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Thiếu Nhẫn, Nguyễn Hữu Nhật,... đã tới tấp tấn công Nhật Tiến, theo “áp lực/áp lý” của họ, ông đã chuyển hướng theo Cộng. Thời gian chưa xa nhưng đã đủ lắng để thấy họ hiểu sai, ông có chuyển hướng là chuyển hướng về dân tộc không cần cái nhãn quốc-cộng rồi ra cũng chỉ là một thời, như di sản nặng nề năm-trăm-năm-phân-tranh! Theo Nhật Tiến thì đó là ngộ nhận hơn là bị chống đối (3). Ông đã in lại chứng cứ những phê bình về sự nghiệp và hành cử (Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Trinh, Thụy Khuê, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Vạn Hùng, Vị Giang, Bùi Ngọc Đường, Phan Nhật Nam, Đỗ Quyên,...) cùng chỉ trích, ngộ nhận (Nguyễn Hữu Nhật, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Thiếu Nhẫn, Hồ Công Tâm, Đỗ Thái Nhiên, Hoàng Hải Thủy,...) này trong ba tập Hành Trình Chữ Nghĩa (tập 2: Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi và tập 3: Một Thời Như Thế, 2012).

Trong tập Cánh Cửa (1990), ông đi xa hơn, để cho nhân-vật Trường, một người tù cải tạo, thuyết phục, "cải tạo" lại tên cộng sản công an có trách nhiệm cải tạo chàng. Trường đã mở mắt tên công an này để suy nghĩ và sống thực con người. Xã hội miền Bắc đã đánh mất nhân tính. Nhận chân để tìm ra những thái độ của con người miền Bắc dù là đang thuộc thành phần ưu đãi hoặc đứng phía có sức mạnh (lãnh đạo, cán bộ, bộ đội,...) trước những thảm cảnh, thất bại của một chủ nghĩa vô nhân, của một guồng máy bạo tàn. Trong truyện Gặp Gỡ Cuối Năm, người anh đại tá Việt-cộng đòi thăm em đang bị cải tạo nhưng người em không chịu tiếp. Chống Cộng ở đây không còn triệt để một sống một chết như trước, nhưng bằng ý thức mới của tình thế địa lý mới của dân tộc. Cộng trở thành đồng nghĩa với những lực lượng tàn độc, vô luân, vô văn hóa và bất nhân. Từ đó, ông đã thử đưa ra những quan điểm, đề nghị - ai trước thảm cảnh có thể làm ngơ nhất là người có tâm huyết!

Nhật Tiến đồng thời có cái nhìn phê phán miền Nam trong hơn 20 năm (1954-1975) cũng có những tiêu cực cần phải nói lên, nhận chân. Ông đã nhìn thấy "những kẻ đầu cơ, tích trữ, những đùa sống nhởn nhơ, phè phỡn trên cơn thiếu thuốc men, bệnh tật của dân nghèo khó, những đứa buôn súng đạn, bán đứng sinh mạng của chính anh em đồng ngũ của mình...". Xã hội miền Nam đã bị "những kẻ bất tài nhưng có quyền thế thao túng chính trị, thao túng thị trường, thao túng trên cả sinh mạng của binh sĩ" - nhân chân không riêng gì của ông mà còn là của nhiều người khác!

Cũng theo Nhật Tiến, thế hệ trẻ có những suy nghĩ và ước mơ chính đáng. Hoan trong Những Sự Thực Cần Được Nói Ra là những sự thực của Hoan, một bí thư đoàn thanh niên của một trường ở miền Nam sau 1975 và là con của một lãnh đạo CS, thú với người yêu của anh ta: "Bố anh là một thành phần cao cấp trong giới lãnh đạo ở miền Bắc. Ông ấy đã được nuôi dưỡng, tôi luyện trong bầu không khí của căm thù và bạo lực. Đối với ông, căm thù và bạo lực là hai phương tiện mà ông cho rằng duy nhất có thể giải quyết mọi vấn đề trong xã hội. Từ đó, ông không thấy giá trị nhân bản của một con người. Ông chỉ tay và ra lệnh trên sinh mạng của những con người, như thế ngoài ông ra, mọi người khác chỉ là những con sâu, cái kiến (...). Anh không chịu đứng chung trong một lò như người ta vẫn nói cha nào con nấy. Và có lần anh đã nói (chỉ tiếc rằng anh đã nói một cách vô cùng hỗn xược) rằng sau chiến tranh, càng sử dụng bạo lực, càng đưa đất nước đến chỗ điêu tàn. Ông ấy đã đuổi cổ anh ra khỏi nhà và công khai từ bỏ một đứa con có tư tưởng phản động...". Nhân vật Hoan nhìn thấy hy vọng:"Anh tin chắc rằng có rất đông người trẻ đang chia xẻ những điều ước mơ của mình, dù họ là những người ở ngoài nước hay trong nước, (...). Đã qua rồi cái thời gian họ tự chấp nhận thân phận của những nạn nhân trong một guồng máy (...) những nạn nhân ấy đã biết nhìn thẳng vào những đau thương đổ vỡ, thiệt thòi, không phải để than van, khóc lóc như trước nhưng là để nung nấu cho những hành động chín mùi... như em đã biết, trời đất bỗng dưng êm ả, yên tịnh một cách dị thường, đó là dấu hiệu của những cơn bão lớn..." (4). Cho một Việt Nam mới, có tự do và tình người!

Những Chuyện Bên Lề là những chuyện phi lý và bất nhân của người Việt tị nạn ở Hoa-Kỳ không nhận người đi từ miền Bắc là đồng bào, cùng là nạn nhân cộng sản. Tư, một giáo viên Sử ở Hà-Nội vượt biên tới Hương Cảng rồi được định cư ở Hoa-Kỳ, bị lạc loài, không cách gì đến gần đồng bào đi từ miền Nam, ông nghĩ "một đàng thì quả đồng hương có nhiều, nhưng họ thuộc về một cộng đồng khác, cộng đồng của những người bên kia, những người vì đã thua cuộc nên có quyền ngẩng cao đầu tự hào về dĩ vãng chính trị của mình, còn tôi thì đâu có một chỗ đứng để chen chân vào. Nói khác đi, dù tôi đã chối bỏ chủ nghĩa cộng sản để qua vùng đất mới thì cái dĩ vãng của tôi, cộng với nền nếp tôi suy nghĩ, thói quen của những từ tôi dùng, cũng đủ để cho tôi cảm thấy lạc lõng giữa đám đông và nhẹ nhàng lắm thì cũng bị coi như một kẻ đứng bên lề...". Cũng những tưởng kinh nghiệm giác ngộ của ông trước đó khi thống nhất vào Nam thăm gia đình họ hàng, "cái niềm hãnh diện của một kẻ tham gia hàng ngũ đi giải phóng nó tan xèo như một que diêm", sẽ giúp ông đến gần những nạn nhân như ông, nhưng hoài công!

Đến năm truyện ngắn xuất bản chung với Nhật Tuấn, người em ở trong nước, tập truyện Quê Người Quê Nhà, Nhật Tiến tỏ ra mềm mại hơn và giọng văn u hoài, tiếc nuối hơn là tranh đấu. Ở đây là những cảnh đời của nhiều thành phần người Việt vì hoàn cảnh phải thiên cư ra ngoài nước. Những Viên Sỏi Trên đường là vợ chồng Thu-Phú đi từ 1975, Phú vẫn đấu tranh để phục hồi cái đã mất nhưng Thu muốn được sử-dụng tự do ở xứ người để đòi hỏi được tự do giúp người khuyết tật ở trong nước; một bên muốn làm cái gì bớt mặc cảm, một bên không muốn sống hết kiếp lưu vong tủi nhục! Cái Thuở Ban Đầu tức thuở gia đình ông Bửu qua California theo chương trình H.O. đã phải va chạm những giá trị của hai thế giới. Cô giáo và hai học sinh người Việt trong ngôi trường lớn rộng nhưng lạnh lẽo tình người, trong một môi trường mà con người chỉ biết chạy theo tiền bạc bỏ rơi giáo dục con cái. Ngày Nàng Trở Lại sau khi hai nếp suy nghĩ đã phải va chạm, gây nên những khoảng cách chua xót giữa người ở ngoài nước cày cực khổ và người trong nước ỷ lại chỉ mơ đến phung phí tiền: "Quê hương không bao giờ hất hủi ai nhưng đời sống là như thế đó. Mỗi con người dù ở trong hay ở ngoài cũng đều góp phần theo một cung cách nào đó để trở nên nhìn nhau xa lạ nhưng âm thầm không ai muốn nói ra (...) Người ta đã sống với quê hương trong trí nhớ với tất cả những cảm giác được tô vẽ lên chứ không phải là quê hương bằng xương bằng thịt với những vật thể sờ sờ có thể va chạm tới được. Đó là nguyên do đổ vỡ, khi người ta lên đường trở lại chốn cũ để tìm lại những xúc cảm chất chứa đày ắp trong tâm hồn của mỗi người trong những ngày sống xa xứ..." (tr. 111, 114-115). Hương Vị Ngày Xưa cho thấy đời sống "tự lập" bi đát của bậc cha mẹ già bên lề cuộc sống của các con đã thành gia thất.

Một thời gian dài từ năm 1990, Nhật Tiến không in thêm tác phẩm sáng tác nào mới nữa vì từ năm này, ông đã bị giới truyền thông “cực đoan” ở hải ngoại lên án ông chủ trương ‘giao lưu văn hóa’ và ‘thiên Cộng’, từ việc ông cộng tác xuất bản tập Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương (CA: NXB Lê Trần, 9-1990; 27 tác giả ngoài nước viết về 79 tác giả trong nước) đến các tác phẩm của ông. Con người chiến sĩ ở ông đã trung thực đối phó và nay với thời gian và sau những lắng đọng, quan điểm vị nhân sinh của ông hình như cũng là ước muốn của hơn một người có lòng với tiền dồ đất nước và văn học. Ông tin chủ nghĩa cộng sản không thể thành công tận diệt được tình người đã là căn bản còn sót lại nơi mỗi con người dù bị tuyên truyền, nhồi sọ đến mấy, như tên cộng sản cán bộ cải tạo trong Cánh Cửa, như Năm Tỏa, Hoàng trong Mồ Hôi Của Đá, v.v. Chính những căn Thiện còn sót lại đó chứng tỏ con người lúc nào cũng là con người, và khi có dịp sẽ trồi lên bề mặt, sẽ từ đó khởi lên những đòi hỏi chính đáng cho con người dù nhỏ nhoi, căn bản. Nói chung, tác phẩm của Nhật Tiến xuất bản ở hải ngoại vẫn một nhân đạo, nhưng quyết liệt hơn, chứng tỏ ông can đảm và tin ở sứ mệnh nhà văn của mình.

Năm 2012, Nhật Tiến xuất bản tập hồi ký Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác và một loạt tuyển tập bài viết về ông từ những năm 1990. Năm 2013. ông cho tái bản “tiểu thuyết hồi ký” Thuở Mơ Làm Văn Sĩ cùng tuyển tập truyện và kịch Mưa Xuân. Đặc biệt là cuốn Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác ông ghi lại thời dạy học dưới chế độ Cộng sản từ 1975 đến ngày ông vượt biển năm 1979. Trong Lời Nói Đầu, ông cho biết lý do viết: “trước khi được gọi là nhà văn thì tôi đã là một nhà giáo. Trong suốt cuộc đời dạy học, tôi đã trải qua nhiều ngôi trường, ở tại nhiều địa phương và giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò. Rồi khi ngành giáo dục mà tôi theo đuổi, do vận nước mà bị nổi trôi theo thời cuộc thì tôi cũng vẫn còn đeo đẳng để rồi lại cũng nổi trôi theo. Đó là thời kỳ đất nước lâm vào cảnh tan hoang sau khi người CS thành công trong việc lấn chiếm miền Nam và có cơ hội ùa vào Sài Gòn như những kẻ chiến thắng. Khi thời thế thay đổi, nhất lại là sự thay đổi từ ý thức hệ này qua ý thức hệ khác thì hầu như mọi vốn liếng tinh thần của nhà giáo, tưởng sẽ tồn tại lâu dài với những chuẩn mực vốn đã trở thành truyền thống lâu đời, thì nay đã hoàn toàn bị đảo lộn, bị tróc gốc, đến độ như tôi đã có cảm giác rằng mình đang kiêm nhiệm cùng một lúc cả hai vai trò: vừa là thầy giảng dạy, vừa là tên học trò cứ bị nhà trường uốn nắn thường xuyên từ tác phong, cử chỉ cho đến lời ăn tiếng nói. (…) trải gần 4 năm trầy trợt dưới một mái nhà trường XHCN, tôi phát giác ra rằng ở đấy người ta không cho phép các thầy cô được làm trọn vẹn trách nhiệm của một nhà giáo đúng nghĩa. Bởi vì, một nhà giáo đúng nghĩa thì không dối trá với học trò ngay trên bục giảng hay ngay trong bài giảng của mình. Nhà giáo cũng không thể tiếp tay với nhà trường để xô đẩy học sinh vào những vùng trời mê muội: lôi kéo, dụ dỗ, nhồi nhét vào đầu óc non nớt của chúng những thứ không nhằm phục vụ cho tương lai của chúng cũng như của đất nước mà chỉ cho những ý đồ đen tối của một guồng máy cai trị phi nhân bản.

Nói một cách cụ thể, nếu coi tâm hồn của những trẻ thơ như là một tờ giấy trắng, thì cũng đã có một số người trong đám nhà giáo chúng tôi sau 30 tháng 4-1975, cũng đã từng bôi đen lên những tờ giấy đó bằng thái độ ươn hèn, câm nín, a dua, bợ đỡ của mình. Riêng trường hợp của tôi, cái giai đoạn hãi hùng phải kinh qua nhiều nỗi chuân chuyên ấy tuy chỉ kéo dài khoảng bốn năm, nhưng thật sự đã để lại trong tôi quá nhiều ấn tượng...”.

Ông cảm thấy thực sự cần thiết phải viết lại chuyện giáo dục thời Cộng sản vì: “Bởi nó là cội nguồn của những sự tróc gốc đạo đức sẽ diễn ra trong xã hội Việt-Nam trong nhiều năm sau đó. Khi nền tảng của chính sách giáo dục dựa trên những điều giả trá, những mưu toan ngoài giáo dục lại được điều hành bởi những đầu óc thiển cận, hẹp hòi, đầy tự kiêu, tự mãn thì thành quả của giáo dục nó sẽ ra sao, ai cũng có thể thấy trước. Thấy mà chẳng ai dám nói ra, có khi còn góp phần phụ họa làm cho bộ mặt giáo dục ấy ngày càng thêm thảm hại mà chứng cớ cụ thể là sự tuột dốc về đạo đức xã hội ngày nay đã hiện ra rõ rành rành. Bởi vì nó đã trổ hoa, kết trái, và tiết ra nhiều độc tố hơn là hương thơm sau nhiều chục năm được vun trồng.

Bởi chính nó, tức cái thành quả giáo dục ấy, đã tạo nên tình trạng đạo lý suy đồi ở cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội ngày nay. Nó cũng đã thể hiện chính xác câu nói của Lénine về " quan hệ giữa người với người là chó sói". Các trang tin tức quốc nội bây giờ đã đăng lên không thiếu gì những câu chuyện khó tin mà có thật với nhan nhản những con người không còn mang tính người. Mấy chữ "mác-kê-nô" tức "mặc kệ nó" nghe tưởng vô thưởng vô phạt nhưng đã hàm chứa một triết lý sống cực kỳ tồi tệ và bi đát của một xã hội vô cảm mà hàng ngàn năm qua ta chưa bao giờ thấy hiện diện trên đất nước.

Và cũng bởi chính nó mà những điều kiện an toàn của xã hội đã bị đảo lộn, như luật pháp không còn nghiêm minh, tiền bạc mua được công lý, chức quyền có thể đổi trắng thay đen, tiếng kêu của dân oan từ nhiều năm qua vẫn còn vang lên từ khắp mọi miền đất nước..v..v…

Nói tóm lại, cái thành quả giáo dục trong hơn nửa thế kỷ qua dưới mái nhà trường XHCN cộng với sự tiếp tay của rất nhiều thế hệ những ngòi bút vô lương tâm, chỉ biết tô son điểm phấn cho những sai lầm to tát của chế độ nên đã đem lại cho đất nước triền miên những mùa hoa trái ung thối, nhiễm độc, kể từ khi có những vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm…và cho đến tận ngày nay vẫn còn xẩy ra những chuyện lạ lùng như bầy tỏ lòng yêu nước thì bị cấm đoán, triệt hạ, những người yêu nước thì lại bị bắt giữ, cầm tù.

Thành quả giáo dục đen tối như thế, chất chứa những nguyên nhân còn gây tác họa lâu dài như thế, vậy tại sao không ghi gói lại để các thế hệ sau tìm đến như tìm những vết xe đổ cần tránh xa, để không lập lại?” (tr. 9-13).

*

Cả sự nghiệp viết văn, Nhật Tiến luôn tin tưởng nơi con người, dù đó là đứa trẻ mồ côi, trẻ đánh giày, người đạp xích lô, hay một nữ tu, một trí thức, nhà văn hoặc một cán bộ, sĩ quan. Nhân vật của ông dù tuổi đời, hoàn cảnh, địa vị xã hội khác nhau nhưng tất cả đều có một niềm tin hoặc lạc quan nơi tình người và những giá trị nhân bản. Tâm hồn nhân ái của Nhật Tiến hướng thượng, tin ở đấng toàn năng sáng tạo vũ trụ hoặc có liên hệ nhân quả với con người ở trần thế. Niềm tin này mãnh liệt, bền vững. Với một cái nhìn tinh đời, hiểu biết nhưng không tàn độc.

Trong các tác phẩm đã xuất bản của Nhật Tiến, người đọc tìm thấy những vấn đề lớn nhỏ của xã hội Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, nhưng sẽ không tìm thấy dấu vết của những trào lưu thời thượng như hiện sinh, Tiểu thuyết mới, cả những phân-tâm mà Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Duy Lam đã thử nghiệm. Nhật Tiến khởi nghiệp với những trẻ mồ côi, và một truyện ngắn mới đến với người đọc hải ngoại là một truyện về những đứa trẻ nghèo vá bánh xe đạp,  - truyện Một Vạt Nắng Xuân Trên Hè Phố, đăng trên giai phẩm Việt Tide (Xuân Nhâm Ngọ 2002), sau in trong tuyển tập 8 truyện ngắn và 2 kịch bản Mưa Xuân (2013). Ông cũng đã phiên-dịch tiểu thuyết Thân Phận Dư Thừa của Nguyễn Kiên (5), một lần nữa xác nhận tấm lòng của Nhật Tiến đối với những đưa trẻ bất hạnh, trong cái bất hạnh chung! Dĩ nhiên ông còn tiếp tục viết như vẫn thường xác nhận trong một số phỏng vấn (6)! Kinh nghiệm sống và viết của ông theo thời gian đa dạng, tế nhị hơn, nhưng cũng cương quyết hơn khi cần! Những bước tư tưởng của Nhật Tiến chứng tỏ thêm một điều rằng nghệ thuật phải đi một nhịp với thời đại, và nếu được vậy nghệ thuật mới có thể sống lâu!

Nhật Tiến lúc trẻ năng nổ, hăng hái, hội viên rồi phó chủ tịch Văn Bút, phê bình sách, viết tổng kết văn nghệ, tình cảnh nhà văn, v.v. Ông tin nhà văn có sứ mạng đối với tập thể, tin ở vai trò nhân chứng. Lúc nào ông cũng tin tưởng liên hệ vững chắc giữa người viết với người đọc. Sáng tác là để được đọc, viết là đến với tha nhân. Trong một phỏng vấn của Mai Thảo trên tạp chí Văn hải ngoại (7), Nhật Tiến tự nhận mình là một nhà giáo hơn là một nhà văn. Thời ông, Võ Hồng cũng là một  nhà giáo viết văn, sáng tác từ vị thế và kinh nghiệm của một nhà giáo, trong khi Nhật Tiến cũng hành nghề nhà giáo nhưng trong văn chương ông tự khoác thêm cho mình sứ mạng nhà giáo, như kẻ sĩ ngày xưa. Nghĩa là không làm chính trị theo nghĩa đảng phái, chế độ hay chủ nghĩa. Chính ông có lần thú nhận thời viết Thềm Hoang (1958-1961), ông đã có cái nhìn hạn hẹp khi nghĩ rằng "công việc cải tạo xã hội không thuộc vào trách nhiệm của người cầm bút, nó thuộc về lãnh vực của những chính trị gia hay những nhà lãnh đạo đương quyền..." (8). Các tác phẩm của ông trong suốt hơn 40 năm đã chứng minh điều đó, rằng Nhật Tiến có một sứ điệp, có một ước vọng chân thành! Những thị phi, chụp mũ đã và sẽ rơi vào quên lãng của dư luận, nhưng tác phẩm và ý tưởng, chân tình của ông sẽ còn sống lâu hơn! Nhật Tiến thuộc lớp nhà văn làm văn hóa với quan niệm văn hóa như là một phương tiện chứng minh sự hiện hữu cao quý của con người trong lịch sử. Trong một phát biểu ra mắt tập truyện Một Thời Đang Qua tại Washington DC, ngày 11-10-1985, Nhật Tiến cho biết "văn hóa không thể vùi dập con người mình dưới những lằn roi của sự cực đoan, một chiều, mà trái lại nâng cao giá trị của con người, vạch rõ thực trạng đớn đau, tủi nhục, để trang bị cho con người một nhận thức mới, ở đó con người nhìn ra thân phận bị trị của mình, biết phẩn nộ trước sự phi lý về nông nỗi con người đã bị khai thác triền miên trong bao nhiêu năm ròng bởi một thiểu số đày tham vọng và quyền lực mà không biết đứng dậy làm một cuộc cách mạng mới giải phóng chính mình" (9). Chính tập truyện Một Thời Đang Qua và bài phát biểu này khai mở khuynh hướng gọi là "hòa hợp hòa giải dân tộc", sau đó hơn sáu năm, tạp chí Hợp Lưu ra mắt (1-10-1991) và Nhật Tiến tham gia ban chủ biên!

Thế giới truyện/tiểu thuyết của Nhật Tiến là cánh cửa mở rộng chân trời để con người sống với hy vọng, sống xứng đáng với đồng loại và lịch sử!

 

Chú-thích

1- Trích theo Nguyễn Hưng Quốc. "20 năm văn học Việt Nam ở hải ngoại" In 20 Năm Văn Học Hải Ngoại 1975-1995 (Glendale CA: Đại Nam, 1995), tr. 18.

2- Lời Tác Giả. Mồ Hôi Của Đá (Arlington VA: Cành Nam, 1988), tr. 11-12.

3- Hợp Lưu CA, 17, 6-7/1994, tr. 208.

4- Nhật Tiến. Cánh Cửa (Tustin CA: Thời Văn, 1990), tr. 45.

5- Thân-Phận Dư Thừa do Việt Tide (Westminster CA) xuất bản 2001. Nguyên tác The Unwanted của Kiên Nguyễn. Trong bài phát biểu của Nhật Tiến nhân buổi ra mắt sách tại Quận Cam ngày 9 tháng 2-2002, ông cho rằng tác giả Nguyễn Kiên - được dịch ra 19 thứ tiếng khác nhau, "đã nói với hàng triệu độc giả trên khắp thế giới lý do tại sao hàng triệu người Việt-Nam đã bỏ nước ra đi sau khi quân đội cộng-sản tiến chiếm miền Nam. (...) (Nguyễn Kiên) đã làm một công việc đầy ý nghĩa với tất cả tấm lòng nhân ái, đầy ắp cảm thông đối với nỗi niềm thống khổ của biết bao nhiêu con người đã sinh ra trong hoàn cảnh trớ trêu, trở thành những thân phận dư thừa, bị ruồng bỏ" (Việt Tide, 31, 15-2-2002, tr. 44). 

6- "Phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến". Văn Học CA, 100, 8-1994, tr. 66; Nguyễn Vạn Hùng. Việt Nam Qua Lăng Kính 24 Nhân Vật Thời Đại (Los Angeles CA: Thời Luận, 1996), tr. 35-42.

7- Văn CA,  6, 12-1982.

8- Nhật Tiến. "Chuyện trò, tản mạn với bạn đọc về công việc sáng tác cuốn Thềm Hoang". Văn Học CA, 170, 6-2000, tr. 7.

9- Nhật Tiến. "Một suy nghĩ của người cầm bút lưu vong". Quê Mẹ (Paris), 68, 11-1985.

 

[Nhà Văn Việt-Nam Hải-Ngoại. San Jose CA: Nhân Ảnh, 2020, tr. 544-558]