Gửi
Hòa, 1939...
Sương
chiều dâng lên đã kín khung song. Bình rượu đã vơi gần nửa mà hai chú cháu vẫn
chưa vào chuyện.
Trần
Công nhìn cháu, ngập ngừng rồi lại nâng chén. Tú Uyên cúi đầu yên lặng. Chàng
biết là ông chú lặn lội từ Sơn Nam lên Kẻ Chợ không phải là chỉ để uống một bữa
rượu với chàng. Gia dĩ, gió may đã thổi, luống cúc nảy chồi, trời trở sang thu,
kỳ thi sắp tới, chú chàng nhất đán không thể vì một câu chuyện giao tế thường
tình mà bỏ đám học trò đang sửa soạn vào kỳ khảo hạch.
Tiếng
một tiếng ngỗng vẳng trên không. Trần Công rùng mình. Ông với chiếc điếu, chậm
rãi nhồi thuốc rồi châm đóm. Khói thuốc lào miền Tiên Lãng tỏa ấm gian phòng.
Tú Uyên biết là ông chú sắp vào câu chuyện.
Ông
chú nói rằng:
"Mai
thì chú xuôi sớm. Còn trông cho họ kịp kỳ khảo hạch. Mà nhà cũng neo người. Anh
biết đấy..."
Trần
Công ngừng lại giây lát, đủ để Tú Uyên thấy thoáng hiện lên trên nền ký ức một
nếp nhà ba gian hai chái, những hàng cau thẳng tắp, một giàn thiên lý, những
pho sách dưới ánh trăng, một ấm trà thơm buổi sớm, rặng tre xào xạc, ngõ tối
đom đóm lập lòe, những bước đi thầm lặng của một người thím đã luống tuổi mà
vẫn chưa một lần sinh nở.
Tú
Uyên thấy lòng se lại. Chàng thấy cần phải làm một cái gì, có thể làm bất cứ
cái gì để an ủi một ông chú đã nuôi chàng từ tấm bé, từ khi cha mẹ chàng mắc
bạo bệnh quy tiên. Chàng với bình rượu rót đầy chén Trần Công. Trần Công đỡ lấy
chén rượu rồi nói tiếp:
"Ít
lâu nay chú thấy trong mình không được như xưa. Chú sợ những khi bất thần trái
tiết trở trời. Mà họ nhà ta chỉ còn có chú và... anh".
Tú
Uyên chợt hiểu rõ câu chuyện. Thì ra là chuyện lập gia đình. Chàng định lên
tiếng thì Trần Công đã giơ tay ngăn lại:
"Để
chú nói nốt... Bố cháu thì mất sớm. Mẹ cháu cũng vậy. Cái việc chung thân của
cháu giờ đây là chú phải lo. Lần này lên đây, chú đã có ý định".
Thế
rồi ông nói tiếp đến tên một người thiếu nữ. Ông khen ngợi gia thế và tài sắc
của nàng. Ông viện ra tất cả chữ nghĩa của thánh hiền để nêu cao cái nghĩa
thiêng liêng của việc tề gia. Ông gợi đến cái viễn ảnh cô quạnh và xót xa của
một dòng họ không người nối dõi.
Nhưng
đến khi trống vòm canh cửa Nam điểm vào canh một, một ngọn bạch lạp được thắp
lên thì ông không nói nữa. Vì từ nãy tuy vẫn đối diện mà Tú Uyên như không để ý
đến lời nói của chú, mắt nhìn qua song, tâm tư hút hẳn vào lòng một đêm đầu thu
trở lạnh, lộng âm thanh heo hút của gió và lá khô xào xạc rụng ngoài
vườn.
Gian
phòng trở nên tịch mịch khác thường, một già một trẻ, mỗi người một tâm sự. Ánh
nến chập chờn, gò má người thư sinh cao thêm lên, tròng mắt của chàng thăm
thẳm. Trên khuôn mặt đó, Trần Công cố tìm lại những nét ngây thơ của một Tú
Uyên vô tư lự, mười ba tuổi đã lầu thông kinh sử, miệng cười là hoa hồng hàm
tiếu, mắt long lanh như sao Hôm sao Mai. Trần Công lắc đầu: người đối điện
không còn là cháu ông nữa. Đó là một con người lạ mà tâm hồn chắc đang nung nấu
những suy tư thắc mắc nó vượt khỏi tầm thông cảm của một người chất phác như
ông.
Tú
Uyên bỗng nhìn thẳng vào chú. Giọng chàng thiết tha:
"Cháu
muốn thưa với chú một điều: Chú đừng giận thì cháu mới dám nói..."
Rồi
chàng ngập ngừng nói tiếp:
"Thưa
chú... có bao giờ... chú nghĩ đến sắc đẹp của một người đàn bà?"
Câu
hỏi đột ngột, lạ lùng quá sức tưởng tượng của Trần Công. Ông lặng người trong
giây lát. Rồi ông nhớ lại ngày trước, những buổi du nhai nhộn nhịp, đêm Thăng
Long tưng bừng hội Hoa đăng, một chàng tân khoa xênh xang áo gấm, một tà áo lụa
thiên thanh thấp thoáng sau một cánh cổng khép hờ. Duyên kỳ ngộ là duyên đẹp ba
sinh. Người thục nữ yểu điệu đã trở nên người vợ hiền.
Ông
định thần:
"Anh
hỏi thế là có ý gì, chú chưa hiểu..."
"Thưa
chú, cháu biết là câu hỏi đã quá đường đột. Nhưng mấy tháng nay, cháu nghĩ đã
nhiều. Cháu nghĩ đến những áng thơ hay, những nét vẽ tài tình và những người
đẹp trên đời, Vương Duy, Lý Bạch và Tây Thi, Bao Tự, Dương Quý
Phi..."
Lúc
bấy giờ Tú Uyên đã mất hẳn vẻ trầm tư. Tròng mắt long lanh như vừa bắt gặp một
vài dáng hình là lạ thấp thoáng ngoài song. Giọng nói trở nên thắm thiết, tâm
sự nung nấu từ lâu, giờ đây, gặp dịp, gặp người để mà lời lời kể lể, Trần Công
yên lặng ngồi nghe, Tú Uyên nói tiếp:
"Cháu
nghĩ đến khúc Thanh Bình điệu, Lý Bạch đối diện Dương Quý Phi..."
Bất
giác Trần Công khẽ đọc:
Vân
tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân
phong phất hạm lộ hoa nồng...
Lời
thơ như vọng về từ một nẻo xa xôi hun hút. Gian phòng rung rinh ánh nến bỗng
chốc bàng bạc không khí Thịnh Đường, người thơ chưa dứt một cơn say lại đã chập
chờn mê tỉnh trước cái sắc đẹp não nùng của người thiếu phụ.
Tú
Uyên sang sảng ngâm theo:
Nhược
phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội
hướng dao dài nguyệt hạ phùng.
Trần
Công trầm ngâm giây lát rồi mới nói:
"Lời
thơ như chén ngọc chạm mâm vàng. Cái kỳ thú trong thơ là do nơi cảm hứng vô
biên trong lòng thi sĩ. Tại sao đọc thơ cổ nhân cháu lại nghĩ đến sắc đẹp của
một phu nhân?"
Tú
Uyên ngập ngừng:
"Cháu
thiết tưởng dù sao thì sắc đẹp của mỹ nhân cũng là cái cớ để cho cảm hứng bắt
nguồn. Huống hồ lời thơ óng chuốt, hơi thơ đầm ấm như ánh sáng mùa xuân, họ Lý
chắc không thể nào vô tình trước nhan sắc của Dương Quý Phi".
Trần
Công lặng lẽ châm đóm. Năm xưa sinh thời Tiên Đế, khi còn là một sĩ tử ngày ngày
ngồi nghe giảng văn ở Quốc Tử Giám, ông đâu có những thắc mắc như bọn thiếu
niên ngày nay? Ông thấy cần phải lập nghiêm, nên cất tiếng giữa khói thuốc tỏa
ra trắng xóa.
"Câu
chuyện văn thơ đã rõ như ánh trăng rằm. Anh không nên nghĩ quẩn mà quên việc học
hành. Chú tiếc rằng hội Tao Đàn của Tiên Đế không còn tồn tại, cho nên lũ các
anh ngày nay mới thiếu người dìu dắt".
Trần
Công không ngờ Tú Uyên đã cắt lời ông. Tú Uyên sắm nắm:
"Thưa
chú, cháu thiết tưởng cái việc lập hội Tao Đàn không phải là hoàn toàn đắc sách
cho việc văn chương".
Trần
Công trừng mắt:
"Anh
nói thế là có ý gì?"
"Thưa
chú, theo ý cháu, nếu có thứ văn chương quan hệ tới chính trị và luân lý thường
tình có thể dùng quy tắc để mà khuôn nắn thì cũng có thứ văn chương, lời như
cánh con bằng, từ như sóng ngoài khơi, hội Tao Đàn nào mà gò bó
nổi?"
Lúc
bấy giờ, Trần Công không còn giữ nổi được bình tĩnh. Giọng ông run lên:
"Vậy
thế ra tất cả những lời ngâm vịnh của Tiên Đế, anh đều cho là không đáng kể hay
sao? Anh mắc tội mạn thượng mà không biết đấy! Cũng may chỉ có anh với tôi, chứ
nếu lọt vào tai người ngoài thì tội anh là đáng chém".
Tú
Uyên cúi đầu. Chàng biết rằng phải dùng đến chữ "tôi" để nói chuyện
với cháu là ông chú đã quá giận. Chàng yên lặng giây lâu rồi mới kính cẩn lên
tiếng:
"Thưa
chú, cháu biết là đáng tội chết. Nhưng vì lòng thành muốn hiểu, nên mới dám
đường đột trực ngôn. Tiên Đế là một bực anh quân, là ân nhân của kẻ sĩ. Cái
công của ngài đối với giang sơn đất nước thật cao như trời, rộng như biển cả.
Nhưng... ngài là một bực thi nhân..."
"Ra
đến bây giờ anh mới nhận..."
"Cho
nên ép uổng văn chương, làm thơ khẩu khí cũng là một việc bất đắc dĩ của ngài.
Chỉ những lúc hồn thơ lai láng, từ thơ phiêu diêu, lại gặp duyên kỳ ngộ như Lý
Bạch thuở trước..."
Tú
Uyên bỗng ngừng lời. Chàng vừa nhớ ra một câu chuyện cũ. Mắt chàng tươi hẳn
lên:
"Chú
còn nhớ câu chuyện ngâm vịnh tại chiều Ngọc Liên năm xưa? Cháu cho đấy mới là
những vần thơ đắc ý của ngài..."
Trần
Công cười thầm trong bụng. Ông quên sao được câu chuyện cũ, câu chuyện gặp gỡ
giữa Tiên Đế và người tiên?
Ông
gật gù nhìn cháu, cơn giận tiêu tan với gió lạnh đầu thu vẫn đang xào xạc ngoài
vườn. Nhưng... những vần thơ đắc ý của Tiên Đế là những vần thơ nào?
Ông
nói:
"Tiên
Đế ngự chơi chùa Ngọc Liên, nghe thấy một ni cô ngâm một câu kệ:
Ở
đây mến cảnh mến thầy
Tuy
vui đạo Phật, chưa khuây lòng trần.
Ngài
có truyền ni cô lấy câu kệ đó làm đầu đề... nhưng anh vừa nói đến những vần thơ
của ngài, anh còn nhớ không?"
Tú
Uyên bèn cất tiếng, trầm trầm lời thơ ngân lên trong yên lặng của gian
phòng:
Gió
thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn
bướm mơ tiên lẩn sự đời.
Trần
Công ngẩn người, không chịu:
"Hai
câu đó là của ni cô..."
Tú
Uyên vẫn bình tĩnh:
"Thưa
chú, người đời thường hay hồ đồ mà truyền lầm chuyện cũ. Họ chỉ biết cái khẩu
khí của Tiên Đế qua những bài thơ xướng họa trong hội Tao Đàn. Còn cái tâm hồn
thi nhân phiêu diêu của ngài thì ít có người thông cảm. Ngài gặp người tiên và
hồn thơ nảy tứ. Cháu cho đó là những vần thơ đắc ý nhất của ngài.
Trần
Công không biết nói gì. Lời giải của cháu ông tuy đột ngột, lạ lùng mà không
hoàn toàn vô lý. Tiên Đế và người ni cô. Một thi nhân và một mỹ nhân. Vả lại
Tiên Đế cũng đã với người đẹp ngồi cùng xe để về cung...
Giọng
ông già đượm sầu hoài cổ:
"Đến
nửa đường thì người tiên chợt biến..."
Tú
Uyên tiếp lời:
"Nhưng
Vọng Tiên Các vẫn còn".
Thế
rồi... cả hai chú cháu ngồi yên không nói. Gian phòng tịch mịch, ánh nến leo
lét. Bóng đêm dày đặc ngoài song. Trong yên lặng quạnh hơi thu, tiếng trống xa
xa vẳng lại, khô cằn. Canh hai bắt đầu. Trần Công sực tỉnh giấc mơ quá khứ. Đến
lúc bấy giờ ông mới nhận thấy cái vẻ lạ lùng của câu chuyện Tú Uyên. Câu chuyện
lan man như không chủ đích, trong khi ấy thì cái việc hôn nhân vẫn chưa giải
quyết. Cái công lặn lội từ Sơn Nam lên đến đây chẳng là vô ích hay sao? Ông
đằng hắng rồi trở lại giọng cũ.
"Chuyện
văn chương có thể thâu đêm khôn dứt. Chú tiếc không thể nán lại ít ngày để mà
nói cho hết lời. Nhưng còn cái chuyện... chung thân của anh, chẳng hay anh có
gì không?"
Tú
Uyên tỉnh hẳn cơn mơ. Chàng bàng hoàng:
"Thưa
chú... Cháu thiết nghĩ việc hôn nhân tuy hệ trọng nhưng cháu còn dở việc học
hành..."
"Anh
nói lạ. Vẫn biết đại đăng khoa rồi mới tiểu đăng khoa là thuận lẽ. Nhưng anh
lại ở vào nghịch cảnh. Chú khuyên anh nên nghe lời cho chú yên tâm".
"Thưa
chú..."
"Chú
sẽ bảo thím nhờ người bắn tiếng với nhà gái".
Tú
Uyên biết là tình thế đã đến chỗ quyết liệt. Chàng thu can đảm nói thẳng một
hơi:
"Thưa
chú, nếu chú ép, thì nhất định cháu sẽ phải mang tội bất hiếu. Vì hiện giờ,
cháu không còn bụng dạ nào để tính việc chung thân".
Giọng
chàng tha thiết, tầm mắt xa thẳm hướng về một buổi đã qua. Tiếng mõ cầm canh
rời rạc. Gió heo hút ngoài song.
Tâm
sự bắt đầu kể lể.
Lúc
bấy giờ vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ XV, bốn phương lẳng lặng, thiên hạ thái
bình, con gái đến tuổi cặp kê thường thức thâu đêm dệt cửi trong mành, con trai
đọc sách Khổng Khưu từ thuở đầu còn để chỏm, ông già chống gậy trầm ngâm bên
khóm cúc, bà lão lần tràng hạt mơ về cõi Niết Bàn. Trong nhà ngoài ngõ, trên
đồi thoai thoải, dưới ruộng đồng chiêm, từ sương buổi sáng long lanh ngọn cỏ
tới sao ban đêm mở hội trên trời, người người lấy sống làm vui, tiếng âu ca hòa
nhịp cùng lời chim, tiếng gió.
Một
chiều cuối xuân, từ Quốc Tử Giám thủng thẳng về nhà, gió nhẹ phơ phất vạt áo
the huyền, chân bước mà không thấy vướng, tâm thần phơi phới cùng nghĩa sách
lời kinh, bỗng Tú Uyên thấy khang khác trong người. Như một đợt heo may lạnh se
da thịt. Như ngất ngây cùng khói thuốc một sớm đầu thu. Mảnh mai, nhè nhẹ –
cánh bướm non vờn dịu cánh hồng – một cảm giác chớm nở trong lòng người thư
sinh.
Chàng
dừng lại, định thần nghe ngóng, nghiêng nghiêng mái tóc quấn rối vài vòng khăn
nhiễu Tam Giang. Cảm giác nở dần như hoa nhài hàm tiếu gặp lúc trăng lên. Cảm
giác dâng lên như sóng đại dương khi mặt trời lặn. Cũng không hẳn là khó chịu.
Cũng không phải là nao nao cái tuổi dậy thì.
Bèn
ngửng lên trời. Và chợt hiểu: trên trời rực màu áo vóc đại hồng, lững lờ có một
đám mây trắng nõn đang chuyển hình, xê dịch từ Đông qua Tây. Nền trời cùng đám
mây, tất cả cái cảnh tượng chuyển động huy hoàng đó, Tú Uyên thấy vừa quen
thuộc mà rất lạ lùng. Bởi tuy chưa từng được thấy mà hình như trong tận cùng
tâm thức của chàng, đã từ lâu, vẫn ẩn hiện một ước mong thầm kín được mắt nhìn
tận mắt những cảnh chuyển vần huy hoàng tương tự. Hình như mối rung động màu
sắc kết hợp này đã bắt nguồn tự lâu lắm, tự xa lắm, tự một kiếp nào thăm
thẳm... Có lẽ, trong một cơn mơ, hay chập chờn, giữa những giấc ngủ chập
chờn...
Tú
Uyên nghĩ như vậy. Chàng lại còn thấy phải làm một cái gì. Bèn khẽ nói, đủ cho
một mình nghe thấy:
"Bạch
vân..."
Và
ngừng lời: tiếng nói vừa cất lên, người thư sinh đã cảm thấy ngay nỗi bất lực
của ngôn ngữ. Lời nào, tiếng nào mà có thể nói lên, gợi lại cái màu tơ nõn bồng
bềnh mây trắng, cái ráng đỏ rực đặc quánh ánh tà huy này? Từng trang sách cũ
lần giở trên nền ký ức, những vần, những điệu, châu ngọc lời lời, gấm thêu lớp
lớp, nhưng tất cả chữ nghĩa thảy đều nhạt mầu trước sự giao hòa rực rỡ mà vô
cùng giản dị của màu và sắc đang tưng bừng trước mắt Tú Uyên.
Tú
Uyên linh cảm cần phải tìm ra những lời, những chữ tân kỳ, những chữ, những lời
chưa từng một ai dùng tới, may ra...
"Tại
sao không vẽ?"
Tú
Uyên giật mình ngoảnh lại. Người vừa cất tiếng là một ông già.
Đến
nay kể lại câu chuyện cùng ông chú, cố gắng nhớ lại, Tú Uyên vẫn thấy khó khăn
khi muốn bằng lời mô tả hình dáng của ông già chiều đó. Chỉ biết đó là một ông
già như mọi ông già và không giống một ông già nào Tú Uyên đã gặp. Chỉ biết
ngay lúc đó, Tú Uyên không nói lên được một lời nào.
Chàng
ngoan ngoãn theo gót ông già bước vào một quán rượu dựng dưới gốc cây cổ thụ
ven đường.
Rượu
mang lên, ông già điềm nhiên uống cạn ba bát lớn mà không lên tiếng. Qua khe
liếp, chiều tím sẫm rồi theo tiếng trống điểm vào canh một, tím chuyển sang
lam, từ từ ngả màu đen quánh. Đêm xuống. Gió nổi lên từng đợt. Người chủ quán
lấy thêm rượu rồi lặng lẽ rút vào nhà trong. Im im lành lạnh, không khí gợi lời
tâm sự, ông già đặt bát xuống mâm, nhìn Tú Uyên, hỏi:
"Chán
học rồi ư?"
Câu
hỏi đột ngột đi thẳng vào tâm can người thư sinh. Tú Uyên ngỡ ngàng chưa biết
nói sao thì ông già đã cất tiếng cười. Gian quán bỗng thôi trống trải. Ánh đèn
dầu trở nên ấm cúng. Gió lùa kẽ liếp đượm nồng hơi sống mùa xuân. Tú Uyên tự
nhiên cũng thấy tâm hồn cởi mở, tưởng như vừa cạn vài bình rượu tốt đối diện
với bạn cố tri.
Bèn
xích lại gần, giọng thân mà kính:
"Lão
trượng nói như soi thấu cõi lòng tiểu sinh. Tiểu sinh tự hỏi, không biết vì
sao..."
Ông
già lại như đùa cợt:
"Thử
nghĩ xem".
Tú
Uyên vội tiếp:
"Vì
đám mây trắng buổi chiều chăng?"
Ông
già vuốt râu im lặng. Giây lâu mới trả lời:
"Mây
trắng chiều nay chỉ là mối duyên liên lạc. Còn thì cấu tứ giữa phường Bích Câu,
hồn thơ lai láng đã từ lâu làm nghiêng ngả cành cây ngọn cỏ, nỗi lòng dễ giấu
được ai? Già biết công tử từ lâu. Nhưng cũng phải đợi đến mây nổi chiều nay mới
có dịp ra mắt".
Câu
trả lời úp mở, thâm ý ra sao, lúc bấy giờ Tú Uyên cũng chưa lường hết. Đành
cũng theo đà câu chuyện mà hỏi tiếp:
"Nhưng
sao lão trượng lại biết tiểu sinh chán học?"
Ông
già cạn thêm một bát rượu đầy rồi mới thủng thẳng trả lời:
"Ngày
nay thiên hạ đã bình. Việc xử thế trở nên dễ dãi, cái học vì vậy mà sinh ra
trọng từ chương. Người có nội tâm u ẩn, như công tử đâu lại chịu uốn mình theo
cử nghiệp? Gia dĩ cấu từ mà chửa thành văn, nhìn mây chuyển mình mà xôn xao
trong dạ, nỗi lòng u uất đã hiện rõ nơi đầu mày cuối mắt, tưởng không cần là
Trần Đoàn tái thế, cũng có thể ức đoán đôi phần".
Lúc
bấy giờ đêm đã sẫm màu mà Tú Uyên tưởng như đâu đây có ánh muôn sao lấp lánh.
Niềm tâm sự bấy lâu u kết, đến giờ đã giải nguồn cơn. Tú Uyên tha thiết bùi
ngùi:
"Tiểu
sinh là người xấu số, sinh nhằm lúc trị binh, có cố gắng đọc sách tu thân thì
bất quá cũng đến giẫm lại lối mòn của người đi trước, cho nên thường thâu đêm
nghĩ ngợi, quyết tâm tự tạo cho mình một nếp sống khác người. Thế mà mòn mỏi
bấy lâu vẫn chưa tìm ra được lối".
Ông
già ngắt lời:
"Sao
không dùng bút mà khơi nguồn tâm sự?"
Tú
Uyên tiếp ngay:
"Tất
cũng không ngoài cách đó. Nhưng mấy cấu từ đã lâu mà ý chẳng thành văn... Cũng
như chiều nay, mây trắng nổi lên cuồn cuộn, nền trời như áo tân khoa, vậy mà
đến khi tìm lời mô tả thì lại cảm thấy óc rỗng trống không..."
Ông
già cười ngất mà rằng:
"Thế
cho nên mới phải vẽ. Cảm hứng đột khởi tân kỳ như quen như lạ, lời tất cũng
phải tân kỳ, đột ngột. Nhưng ngôn ngữ thường xuất tự lý mà ý đẹp của đám bạch
vân lại trọng vì tình, việc tìm lời hợp ý không thể dễ dàng nhanh chóng. Chi
bằng dùng ngay màu sắc để ghi màu sắc, lấy đường cong, nét thẳng của ngọn bút
tơ mà hình dung dáng dấp có hơn là phải gián tiếp mượn lời để mà ngụ
ý?"
Tú
Uyên như con bệnh gặp thầy, xăm xăm đứng dậy vái dài mà xin thụ giáo. Ông già
nâng bình rượu rót đầy hai bát rồi thủng thẳng:
"Hãy
cạn đã".
Tú
Uyên tuy không quen nhưng cũng nhắm mắt cạn non nửa bát. Trong giây lát, rượu
ngấm vào cơ thể, hơi men bốc lên thẳng đầu, Tú Uyên bỗng thấy toàn thân nhẹ
nhõm, tâm thần phơi phới như đám mây trắng chơi vơi trên nền trời rực đỏ ban
chiều. Bèn giương mắt nhìn quanh thì như lạ như quen, mờ mờ áo ảo, cảnh vật nhờ
nhờ như một bức tranh thủy mặc. Định thần, cố cưỡng lại men thì thấy ông già
đang cúi đầu trước một tờ giấy lớn giải rộng, tay lăm lăm cây bút đại tự. Mắt
Tú Uyên dán chặt vào đầu cây bút. Bàn tay ông già ngần ngừ giây lát rồi gân tay
bỗng nổi, mấy đầu ngón tay thuôn dáng lá lan bám chặt lấy cán bút, đầu bút chúc
xuống mặt giấy. Toàn thân ông già giữ lặng như pho tượng đá, duy từ đôi mắt
quắc lên, như có một sức vô hình phả xuống bàn tay: bút múa trên tờ giấy. Từng
nét, từng đường, phút chốc đám mây trắng ban chiều đã cuồn cuộn nổi lên trên
mặt giấy phơn phớt chu sa.
Tú
Uyên nhìn không chớp mắt, thần trí lâng lâng cùng với cảm giác ban chiều cũng
vừa nở lại trong lòng. Cũng như ban chiều, cảm giác vừa kịp nở, đã loang ra, đã
vượt khỏi cơ thể của chàng. Từ ông già tới chàng, từ chàng vươn tới ông già,
qua dấu vết một bóng mây vần vụ, niềm thông cảm rung rung nhịp cầu ba động của
màu và sắc điều hòa, của dáng và hình cân đối. Tú Uyên sửa soạn chuồi mình vào
cái khí lâng lâng nhịp nhàng tiết tấu đó thì ông già đã đặt bút xuống phản,
nhìn Tú Uyên mà rằng:
"Công
tử đã thấy chưa?"
Tú
Uyên bùi ngùi:
"Lão
trượng bút pháp như thần, tiểu sinh đức bạc, biết đến bao giờ mới theo kịp
gót?"
Ông
già gật gù:
"Công
tử là người cốt cách. Nếu quyết tâm, chắc cũng không lâu. Nhưng không biết có
đủ gan mà theo đuổi không?"
Tú
Uyên sốt sắng:
"Xin
nói cho nghe".
Ông
già bèn xốc lại cổ áo mà rằng:
"Nuôi
trong nội tâm ý thành muốn đạt là nhân. Gặp ngoại cảnh là duyên đã bén. Bức
tranh này là cái quả kết thành. Nhưng từ nhân tới quả, từ cái tuyệt đối trong
lòng phả thành cái tuyệt đối trong thơ, trong họa, sẽ phải qua rất nhiều đoạn
đường hy sinh, nuôi dưỡng. Lão nói như vậy không biết đã hết ý
chưa?"
Tú
Uyên không biết nói sao, đành cứ phải cúi đầu vâng dạ.
Ông
già lại tiếp:
"Công
tử đã nuôi ý đẹp trong lòng, lão xin giúp thêm chút duyên liên lạc. Vả ý đẹp mơ
hồ, gia dĩ công tử còn đang tuổi trẻ, vậy thử thách vẫn là điều cần thiết.
Huống hồ mây trắng nổi trên nền trời đỏ lửa tuy đẹp nhưng đối với lứa tuổi
thiếu niên có lẽ cái đẹp đó không thiết thực bằng vưu vật này..."
Nói
đoạn, ông già phất mạnh tay áo xuống bức tranh. Đám mây bỗng từ Đông vần vụ
sang Tây rồi từ từ biến mất. Nền tranh dịu lửa, máu hồng chu sa dần dần trở nên
mát dợi. Nền tranh gợi đến chất rêu bám miệng giếng khơi giữa trưa một ngày đại
thử.
Ông
già cất bút. Bút chạy loang loáng trên nên tranh. Trước mắt Tú Uyên dưới ánh
đèn dầu, lần lần hiện lên, huyền huyền ảo ảo, vô cùng linh động, những đường
cong ấm dịu thân hình uyển chuyển một người thiếu nữ. Chàng trai tuổi chưa đến
hai mươi – Tú Uyên – bỗng thấy sung sướng đến rợn người. Bởi giờ đây, không
phải chỉ là sự điều hòa của màu và sắc, sự nhịp nhàng của nét và hình. Giờ đây
cả màu và sắc, cả nét và hình đã trở nên màu-sắc-nét-hình của da của thịt. Chất
ma túy toát ra từ người thiếu nữ trong tranh quyến rũ không phải chỉ nguyên có
phần thị giác, mà toàn thể giác quan, toàn diện con người của chàng tuổi
trẻ.
Tú
Uyên khẽ kêu lên:
"Chà...đẹp!"
Rồi
im bặt. Ông già chỉ bức tranh, tủm tỉm:
"Đã
được ngắm một vưu vật như thế này chưa?"
Tú
Uyên ngập ngừng:
"Ở
đời, làm gì có được một trang tuyệt thế giai nhân như vậy?"
Ông
cụ gật đầu:
"Thế
nhân còm cõi trong khoảng bốn mùa luân chuyển ví sao được với cái đẹp trong
tranh? Nhưng giả thử gặp thì nghĩ sao?"
Tú
Uyên thầm đặt lại câu hỏi với lòng mình.
Tự
lúc trưởng thành, chàng chưa hề để ý đến đám phụ nhân. Thỉnh thoảng cũng có thoáng
gặp một vài tà áo phất phơ óng ả, cong cong vành nón quai thao. Đôi khi, thoảng
qua hàng giậu nhỏ, hoặc lả lơi giữa một đêm Hoa đăng dập dìu nam thanh nữ tú,
cũng có thoáng nghe vài lời ngỏ ý của những cô gái trong phường cầm lòng chẳng
đậu... trước cái giọng sang sảng bình văn, cái dáng dấp quỳnh giao của anh
chàng thư sinh mặt trắng. Nhưng, tự lúc trưởng thành, lòng vẫn lặng thinh, Tú
Uyên đã từ thuở nhỏ chỉ biết vùi đầu vào trang sách cổ...
"Lần
này... nghĩ sao?"
Tú
Uyên còn đang lúng túng thì ông già lại hỏi:
"Nếu
gặp, liệu có thể cầm lòng, vượt khỏi tình thường da thịt của thế nhân được
không?"
Câu
hỏi làm rối thêm tâm tư, Tú Uyên không dám nghĩ thêm. Chàng rằng:
"Nếu
có phải thử thách mới cầm nổi bút tạo nên vẻ đẹp thì tiểu sinh cũng xin được
một phen thử thách".
Ông
già gật đầu:
"Nếu
vậy được".
Vừa
nói vừa cầm bút và trên đầu người thiếu nữ trong tranh, tô đậm một nét vòng
tròn. Đoạn vứt bút, cạn nửa bát rượu rồi nói tiếp:
"Lão
thêm một nét trăng rằm. Cái đẹp trong tranh sẽ cùng ánh trăng mà biến hóa. Công
tử hãy treo bức tranh này trước án sách. Ý thành của người ngắm tranh rồi sẽ có
phen thể hiện".
Nói
đoạn đứng dậy thu dọn bút nghiên. Tú Uyên luống cuống ngăn lại:
"Xin
lão trượng dạy thêm vài lời vàng ngọc, tiểu sinh thật tình vẫn chưa thấu
ý".
Lúc
bấy giờ ông già đã đứng bên liếp cửa, râu tóc bạc phơ, hình dáng mờ mờ áng mây
buổi sáng, nét núi ban hôm. Tiếng nói tự nơi xa xôi vọng lại:
"Hãy
cứ làm đúng lời ta dặn. Tất sẽ hiểu dần".
Tú
Uyên cố nài xin cho tái ngộ thì lại vẳng nghe:
"Lúc
cần gặp thì cứ mang tranh này đợi ta tại phía cầu Đông sông Tô Lịch. Ta sẽ
đến".
Những
lời cuối cùng thoảng như một cơn gió nhẹ. Cánh liếp mở toang. Bóng ông già lãng
đãng mờ dần vào lòng một đêm dày đặc, không trăng mà vắng cả sao.
Gian
phòng yên lặng khác thường khi Tú Uyên kể dứt câu chuyện.
Trần
Công đợi một lát rồi nhìn cháu. Ông thấy cần phải lên tiếng mà chưa biết nói
gì. Câu chuyện tuy lạ lùng nhưng giọng người kể chuyện lại chân thành, tâm sự
người sống trong chuyện u uất hiện lên đuôi mắt, Trần Công khẽ đặt tay lên vai
cháu, giọng ông trìu mến lạ thường:
"Thế
rồi sao nữa, cháu? Chú vẫn nghe đây".
Tú
Uyên thở dài:
"Bức
tranh vẫn treo bên phòng học. Đêm đêm lặng ngắm vẻ đẹp trong tranh, tự xuân qua
hạ đến nay đã vào thu mà vẫn chửa thấy gì..."
Trần
Công bèn đứng dậy:
"Cháu
dẫn chú sang xem".
Lúc
bây giờ đã quá canh ba, trăng hạ tuần nghiêng nghiêng đầu khóm trúc góc vườn,
nét trăng thanh và gọn, ánh trăng thấp thoáng qua giàn cây leo soi chếch xuống
dọc hàng hiên dẫn xuống phòng học. Chó sủa bâng quơ tiếng một. Gà thôn xa vọng
lại tiếng gáy lẻ loi. Gió may xào xạc kẽ lá, Trần Công rùng mình, ngửa mặt nhìn
trăng.
Ông
lẩm bẩm một mình:
"Trăng
hạ tuần. Vào thu rồi..."
Tú
Uyên vén tấm mành trúc. Hai chú cháu lặng lẽ bước vào một gian phòng nhỏ, đồ
đạc sơ sài, ngổn ngang sách vở, mờ mờ có bức tranh treo tận cuối phòng.
Trần
Công tiến lại bức tranh, vừa đi vừa nói:
"Nào..."
Nhưng
bỗng im bặt, tay run run nắm chặt lấy vai Tú Uyên. Trong yên lặng khác thường,
hai người đứng sững, tròng mắt hút hẳn vào lòng bức tranh.
Lòng
bức tranh vắng vẻ, quạnh hiu. Người thiếu nữ trong tranh không còn nữa. Nét
trăng tròn trong tranh cũng đã biến dạng để trở thành một nét lưỡi liềm.
Ngoài
trời... vắt vẻo ngang sông, trăng hạ tuần nhếch mếp, vàng khè.
Mờ
sáng hôm sau, Trần Công dời phường Bích Câu một mình ra bến tìm thuyền về Sơn
Nam.
Tú
Uyên không kịp tiễn chú: chàng đã ra đi, ngay từ lúc gà chưa gáy sớm, sương còn
nặng trĩu ngọn cỏ mọc ven tường Quốc Tử Giám. Chàng nhắm phía cầu Đông sông Tô
Lịch mà rảo bước, con đường vắng vẻ, lác đác vài ba đám gánh gồng đến chợ, sao
Mai khi mờ khi tỏ, ánh đèn hàng quán tuy le lói mà kẽ liếp vẫn kín như bưng.
Gió buổi sớm đầu thu thấm lạnh qua vạt áo mỏng, sương nội cỏ thấm ướt gót chân,
nhưng, chim bỗng ríu rít chuyền cành, ánh nắng hoe vàng, vàng hoe cả dòng sông
Tô gợn sóng, vào giờ Mão thì Tú Uyên đã ôm bức tranh mà bước lên cầu.
Tới
giữa cầu, bâng khuâng nhìn quanh bốn phía rồi tựa thành cầu mà đợi.
Một
lát sau nghe tiếng gọi dưới sông. Nheo mắt cố nhìn thì mờ mờ trong đám sương lam,
có chiếc thuyền nhỏ đang rẽ sóng mà vào bờ. Thuyền vừa cập bến, có người bỏ mái
chèo thủng thỉnh bước lên. Đến lúc bấy giờ Tú Uyên mới nhận ra ông già buổi
trước.
Bèn
mừng mừng tủi tủi, chấp tay vái dài mà nói chẳng nên lời. Ông già ngửa mặt cười
vang, râu tóc bạc màu khói nước, phơ phất trong gió sớm gợn mặt sông Tô.
Dứt
tiếng cười, ông già mới lên tiếng:
"Lão
đến hơi chậm, công tử thứ lỗi cho nhé!"
Tú
Uyên kính cẩn:
"Được
gặp là may, đâu dám kêu nài rằng nhanh hay chậm? Giả thử phải đợi đến mãn kiếp,
tiểu sinh cũng ôm cầu mà đợi".
Ông
già gật gù:
"Chí
tình thay..."
Rồi
lại tiếp:
"Làm
gì mà người đẹp chẳng phải động tâm!"
Tú
Uyên tỏ vẻ ngạc nhiên, ông già bèn chỉ bức tranh mà rằng:
"Quên
chuyện hôm qua rồi sao?"
Tú
Uyên giật mình:
"Thế
ra lão trượng đã biết chuyện..."
Thì
gạt đi:
"Ta
nên đi ngay. Thì giờ là vàng ngọc. Trăng rằm còn khuyết, ta e có người đang đỏ
mắt mong tin".
Nói
đoạn, thoăn thoắt xuống bến, rồi bước lên thuyền. Tú Uyên cũng vội theo gót.
Một lát sau, con thuyền bỏ cầu Đông, men theo dòng sông mà trôi nhẹ về
Nam.
Tú
Uyên đợi mãi vẫn không thấy ông già nói tiếp, bèn đánh bạo lên tiếng
trước:
"Dám
thưa lão trượng, tiểu sinh nghe thấy nói có người chờ đợi, tiểu sinh vẫn chưa
hiểu là ai?"
Ông
già lại cười vang mặt sông mà không trả lời.
Thuyền
đi đến lúc mặt trời mọc ngang một con sào thì Tú Uyên không dằn được lòng, đành
lại gạn hỏi. Đến lúc đó, ông già mới lên tiếng:
"Đêm
đêm đối diện, từ lúc tàn xuân cho tới đêm qua... vậy mà công tử không biết là
ai ư?"
Rồi
lại cười mà chỉ bức tranh:
"Người
đẹp trong tranh chứ còn ai nữa..."
Lời
nói quá đột ngột, Tú Uyên chưa kịp thấu ý, thuyền đã dừng lại. Ông già gác mái
chèo, chậm rãi nói tiếp:
"Từ
đây tới chùa Ngọc Hổ cũng không xa, công tử, công tử hãy lên bộ mà tới thẳng
chùa. Rồi sẽ được toại ý".
Tú
Uyên vẫn như người mơ ngủ:
"Tiểu
sinh sẽ gặp người cũ trong tranh ư?"
Ông
già mỉm cười mà rằng:
"Đang
đợi công tử đấy..."
Tú
Uyên cảm thấy hân hoan đến nghẹn thở, nhưng vẫn chưa dám tin:
"Lão
trượng nói thật hay định đùa tiểu sinh?"
Ông
già bèn nghiêm giọng:
"Tất
không phải chuyện đùa. Tuy nhiên, công tử cũng cần gượng nhẹ. Người ta tuy có
lòng với công tử nhưng vẫn còn ngại cái vòng kiềm tỏa của một ánh trăng. Công
tử đứng ngỏ lời trước. Tới chùa tìm một cành cây rồi treo bức tranh lên mà ngồi
đợi. Thấy gì cũng đừng tỏ vẻ ngạc nhiên. Cứ như thế mà làm. Chắc chắn sẽ thành
công".
Tú
Uyên chăm chú lắng nghe, ông già ngừng trong giây lát rồi lại nói:
"Người
đẹp chẳng qua chỉ là phương tiện. Thể hiện vẻ đẹp trên tranh mới là cái đích
của công tử. Đừng nên đắm đuối vào phương tiện mà lãng quên cái đích của mình.
Lão khuyên công tử từ nay phải sửa mình cho vững, vì thử thách còn nhiều...
Giữa một người đẹp đào tơ mơn mởn và một nét họa trong tranh, giữa cái nhất
thời tương đối và cái tuyệt đối bất chấp thời gian, sự chọn lựa sẽ vô cùng đau
xót. Thôi... lão nói quá nhiều. Xin mời công tử".
Tú
Uyên sụp xuống lạy. Ông già vỗ vào vai mà từ biệt, Tú Uyên ôm bức tranh lên bờ.
Lúc quay lại, thuyền đã dời bến. Chợt nhớ ra, bèn gọi với mà xin tái ngộ. Giọng
ông già vẳng lại trên sông:
"Hễ
thành công thì còn duyên hội ngộ. Bằng không thì có gặp nữa cũng là vô ích.
Thôi!"
Trong
giây lát chỉ còn nghe thấy tiếng mái chèo khua nước. Con thuyền đi dần vào
sương buổi sớm còn vương lại, trắng xóa mặt sông.
Giập
bã trầu thì Tú Uyên tới chùa.
Chùa
vốn là nơi thắng cảnh Thăng Long nhưng hôm đó không nhằm ngày lễ nên cảnh chùa
vắng vẻ, cổng tam quan mờ mờ ba chữ Ngọc Hồ Tự. Qua cổng tới mấy bực đá xanh,
rồi Tú Uyên bước xuống một khoảng sân rộng rãi lát gạch Bát Tràng.
Nhìn
quanh không thấy ai, chàng lẳng lặng đi lại một gốc phong già, chọn một cành
thấp mà treo rộng bức tranh. Treo xong, tìm chỗ khuất, ngồi đợi.
Không
bao lâu, vẳng nghe có tiếng người nói chuyện đàng xa. Cố gắng tai thì rõ là
tiếng đàn bà mà sân chùa quạnh hiu, lộng gió, tuyệt nhiên không một bóng người.
Tiếng nói chuyện mỗi lúc một gần. Tú Uyên cảm thấy rợn người nhưng nhớ tới lời
ông già nên cố ngồi yên mà đợi. Một lát sau, đã nghe rõ nhỏ to từng lời đối
thoại giữa một giọng trầm trầm đứng tuổi và một trong veo của một cô gái đang
tơ.
Giọng
người đứng tuổi thoảng buồn:
"Không
biết mai kia Giáng Kiều có còn nhớ tới chị không?"
Giọng
cô gái - Giáng Kiều - khẽ cất lên trong và nhẹ, tưởng như đâu đây có giọt mưa
Ngâu thánh thót xuống mặt hồ thu.
"Cứ
nghĩ tới lúc chia tay mà em đã thấy nao nao trong dạ".
Người
đứng tuổi cất tiếng cười:
"Thế
sao mặt lại cứ tươi như hoa nở thế kia? Không biết anh chàng tu đã mấy kiếp
mà..."
Giáng
Kiều e lệ cắt lời:
"Nói
khẽ chứ chị, ngộ nhỡ có ai nghe thấy..."
Người
đứng tuổi vẫn chưa chịu tha:
"Ở
đây vắng vẻ, chỉ có chị em mình. Gia dĩ mối tình si của anh chàng đã làm khuyết
cả nét trăng rằm, còn giấu nổi ai?"
Dứt
lời, cả hai im lặng. Tú Uyên nghe nhẹ có tiếng hài thêu lướt trong ngọn gió. Tú
Uyên nghe như hai người lững thững lại gần. Rồi giọng người đứng tuổi lại cất
lên:
"Đã
từ lâu, chị thôi vướng mắc, thế mà cũng đang lây cái vui của em
đấy".
Giọng
Giáng Kiều thỏ thẻ thoảng tới Tú Uyên. Chàng có cảm tưởng người thiếu nữ vô
hình đang thì thầm tâm sự bên tai, hơi thở phả vào tận mặt:
"Vui
hay buồn, thật tình cũng không hiểu rõ. Chỉ thấy nao nao trong dạ... Chị Giáng
Tiên này, không biết mai sau phó mặc tấm thân ràng buộc với một nét trăng, rồi
sẽ ra sao?"
Giây
lâu, mới có tiếng trả lời, giọng người đứng tuổi là Giáng Tiên, như gợn một
niềm ái ngại:
"Nghĩ
làm gì, em? Em không có quyền chọn lựa?"
Giáng
Kiều lại thủ thỉ:
"Thế
còn chị?"
Im
lìm. Gió nổi lên, tịch mịch. Giây lâu, lại vẫn giọng Giáng Kiều:
"Sao
chị lại im không nói, chị giận em sao?"
Thoảng
nghe có tiếng thở dài. Rồi giọng Giáng Tiên cất lên, nghe như từ một quá khứ xa
xôi vọng lại.
Giáng
Tiên khẽ ngâm:
Hồn
bướm mơ tiên lẩn sự đời...
Câu
thơ ngâm dứt, hồn thơ lai láng, dư ba làm dựng tóc gáy Tú Uyên. Chàng vừa kịp
ngăn một tiếng kêu thốt tự đáy lòng thì Giáng Tiên đã tiếp:
"Chuyện
của chị đã xưa rồi. Cũng vì chuyện đó, cũng vì một chuyện tương tự như chuyện
của em, cũng vì một phút cảm thông với một tâm hồn thi nhân, cũng vì một vài
vần thơ mà chị đã được siêu thoát. Chuyện của chị xưa rồi. Nhắc lại cũng là vô
ích. Rồi ra em sẽ như chị. Chị khuyên em nên vững tâm chịu đựng. Nhỡ tay chàng,
em sẽ hoàn toàn thoát khỏi nơi vòng kiềm tỏa thời gian".
Tú
Uyên có cảm tưởng hai người dừng lại nhìn nhau. Giây lâu, mới lại nghe thấy
Giáng Tiên cất tiếng:
"Mà
thôi, chị về. Để em đợi chàng. Chắc cũng sắp lại đấy".
Giáng
Kiều năn nỉ:
"Không
gặp nhau nữa ư?"
Không
có tiếng trả lời. Gió lộng thổi trên sân chùa bát ngát. Tú Uyên nín thở. Một
lát sau, giọng Giáng Kiều nghẹn ngào khẽ thoảng bên tai:
"Bức
tranh... Tân lang đã đến".
Tú
Uyên bước vội đến gốc cây phong. Nhìn quanh vắng vẻ. Sân chùa in bóng cây phong
gầy guộc, màu gạch Bát tràng tái ngắt dưới ánh nắng thu.
Quay
lại bức tranh thì nét trăng hạ tuần đã trở lại hình tròn.
Trong
tranh, nguyên vẹn in hình người cũ. Giáng Kiều.
"Giáng
Kiều..."
Tú
Uyên khẽ thốt lên như vậy, lần này không biết đã mấy mươi lần, từ lúc dời chùa
bước về nhà, run tay treo bức tranh lên chỗ cũ.
"Giáng
Kiều..."
Mà
lắng nghe, chỉ có tiếng gió đầu mùa lộng thổi ngoài song. Trong tranh, dưới ánh
trăng tròn, Giáng Kiều, người đẹp, vẫn giữ nguyên dáng cũ: Giáng Kiều vẫn chỉ
là những nét và hình.
Lúc
bấy giờ đêm đã vào khuya, tiếng đồng hồ thánh thót, gian phòng lạnh toát hơi
may. Tú Uyên với tay lấy bình rượu, rót đầy một chén, rồi lặng lẽ nhìn Giáng
Kiều mà nâng chén. Men loang tê lưỡi, bốc cháy niềm chờ đợi: Giáng Kiều vẫn
nguyên vị đứng yên.
Bèn
vùng dậy xăm xăm đến trước bức tranh. Rồi nhân men bốc lên đầu, chàng thẳng tay
đẩy mạnh cánh song.
Gió
lùa vào phòng học, ánh nến chập chờn, trăng ngoài trời xuất hiện lên vắt vẻo
ngang song. Trăng trong tranh bỗng khuyết dần: hai nét trăng lại giống hệt
nhau.
Thế
rồi gian phòng sực mùi hương lạ, tà áo người trong tranh phấp phới, sắc màu
giao động, Giáng Kiều khép nép cúi đầu thi lễ. Tú Uyên chưa kịp ngạc nhiên, thì
gót sen thoăn thoắt, Giáng Kiều đã đứng bên chàng. Lúc bấy giờ, mắt đen thăm
thẳm, hơi thở rộn ràng, da ấm mịn cỏ non phơi nắng, môi mọng thơm quả quý chín
mùi, tóc mềm cuồn cuộn xuống vai, Giáng Kiều là đợt sóng ngoài khơi, là mây
trắng trên trời; Tú Uyên phút chốc tưởng như bồng bềnh bay bổng rồi lại cảm
thấy tự chuồi xuống vực.
Chàng
gượng giơ tay khép kín cánh song. Ánh nến đã tắt tự bao giờ. Gió ngoài trời vẫn
thổi, Tú Uyên mong gió thổi không ngừng.
Đầu
canh năm, gà gá ran bờ giậu, hàng xóm rủ nhau thức dậy thổi cơm, Tú Uyên cũng
từ từ tỉnh giấc. Sực nhớ chuyện đêm qua, dụi mắt mà nhìn thì vẫn thấy Giáng
Kiều nằm cạnh còn đang thiếp ngủ. Bèn đẩy mạnh cánh song rồi chống tay nghển
đầu mà no mắt ngắm. Ánh sáng bàng bạc một bình minh đầu mùa trở lạnh chảy dài
theo một vóc người thanh tú. Nhìn kỹ thì đường cong mềm mại, nét nhỏ nhịp
nhàng, nhan sắc so với lúc còn ở trong tranh lại có phần hơn.
Gió
thoảng vào phòng, Giáng Kiều rướn người nhích lại Tú Uyên. Da thịt ấm nồng, hơi
thở thơm mùi phong lan nở dưới trăng rừng, Tú Uyên lại thấy choáng váng, tưởng
như đang ngụp lặn dưới muôn nghìn đợt sóng lên xuống thất thường. Chàng cố
gượng vùng dậy. Tiếng động làm Giáng Kiều tỉnh giấc, mắt đen láy mở to ngơ
ngác. Rồi nhoẻn miệng cười. Tú Uyên ngập ngừng:
"Nàng...
là ai?"
Thì
cũng ngập ngừng:
"Lại
còn phải hỏi ư?"
Bàn
tay Tú Uyên mơn theo cái dáng bềnh bồng của mớ tóc mây, bàn tay dừng lại nơi
thoai thoải giữa vai và cổ rồi nằm gọn trong mười ngón búp măng run rẩy của
Giáng Kiều. Tiếng động bên ngoài mờ dần. Trong tịch mịch của gian phòng, không
khí nghe như vần vụ từng luồng rạo rực...
Một
lát sau, Tú Uyên mới nói:
"Biết
nàng là người đẹp trong tranh. Lại nhân nghe trộm câu chuyện ở sân chùa mà biết
thêm được tên. Nhưng ở đâu mà lại, tại sao lại từ trong tranh mà bước vào đời,
Giáng Kiều..."
Mười
ngón búp măng siết chặt, hơi ấm người thiếu nữ ấm ran bàn tay Tú Uyên. Nàng
đáp:
"Nhưng
sao lại băn khoăn tìm hiểu nguyên do? Đôi ta gần nhau thế này chưa đủ
sao?"
Tú
Uyên bèn đem chuyện cũ ông già vẽ tranh mà kể lại. Nghe xong, Giáng Kiều bỗng
dưng nức nở, hàng mi ướt đẫm, tròng mắt ngấn lệ long lanh.
Gạn
hỏi thì ngập ngừng không muốn nói. Giây lâu mới lên tiếng:
"Thiếp
nhờ tay người tạo nên thể xác. Lại nhờ ý thành của chàng gây nên sinh khí mà
trở thành người. Thân thiếp vì vậy mà hoàn toàn tùy thuộc nơi chàng. Không biết
có tin được lòng ai không?"
Tú
Uyên tự nhiên cũng thấy thổn thức trong lòng. Bèn nâng đầu Giáng Kiều đặt vào
lòng rồi mắt nhìn tận mắt:
"Sinh
này nguyện đem cả chuỗi ngày xanh còn lại mà nguyện yêu nàng. Như thế đã đủ tin
chưa?"
Giáng
Kiều chớp chớp hàng mi thỏ thẻ:
"Đời
thiếp chỉ biết có chàng, không tin chàng còn biết tin ai? Nhưng... còn ông
già?"
Trên
nền ký ức Tú Uyên, bỗng nổi lên một dáng mây chiều. Chàng nhớ tới lời hứa của
chàng khi gặp ông già: chàng sẽ vượt mọi thử thách để cầm nổi bút mà tạo nên vẻ
đẹp. Chàng nhớ lại lời khuyên của ông già khi đời bến sông Tô:
"Người
đẹp chẳng qua chỉ là phương tiện. Thể hiện vẻ đẹp trên tranh mới là cái đích
cuối cùng. Không nên đắm đuối vào phương tiện mà quên mất đích..."
Chàng
nhìn Giáng Kiều: Giáng Kiều ngước mắt nhìn chàng. Giáng Kiều chỉ là phương
tiện. Biết nói gì đây?
Tú
Uyên cố nén một tiếng thở dài. Chàng linh cảm những ngày sắp tới sẽ là những
ngày thắc mắc. Nhưng hiện giờ chàng không muốn nghĩ. Hạnh phúc đang tràn trề,
hạnh phúc là hương nồng da thịt, ăm ắp sinh lực của cuộc đời lộng gió heo may.
Hạnh phúc giờ đây trọn vẹn, bởi mong manh, mong manh như giọt lệ lẻ loi đang
còn vương lại nơi đuôi mắt Giáng Kiều.
Chàng
cúi xuống thì thầm:
"Giáng
Kiều... đôi ta..."
Và
bắt gặp ánh mắt của mình thăm thẳm tận cùng tròng mắt Giáng Kiều. Đột nhiên,
chàng thấy chớm lại trong lòng, từ những ngày thơ ấu âm thầm sống cạnh Trần
Công, cái cảm giác xa xưa, rờn rợn, cô đơn mà vô cùng quyến rũ, khi một mình
nhìn sâu xuống lòng một vực giếng khơi, khi lòng vực giếng dâng lên vòi vọi
hình ảnh cô đơn của chàng.
Cảm
giác đó lan ra như một chất men. Vòng tay Giáng Kiều nặng trĩu nơi cổ, Tú Uyên
thôi nghĩ, quên hẳn những lời đối thoại vừa qua, từ từ nhắm mắt mà đắm mình vào
lòng cảm giác.
Lúc
bấy giờ mặt trời đã lên cao. Ánh nắng đầu thu nhè nhẹ qua song, dát vàng lên
bức tranh vẫn trải rộng trên tường.
Nền
tranh hoang rộng...
Trăng
trong tranh đã lặn từ lâu.
Thế
rồi, nhịp theo tuần trăng ngoài trời, nét trăng trong tranh khi mờ, khi tỏ, lúc
khuyết, lúc tròn, hai người mê man quấn quít lấy nhau, lãng nhìn cảnh vật bên
ngoài, lấy tình yêu làm lẽ sống.
Giáng
Kiều bám chặt vào cuộc đời mà quên hẳn cuộc sống trong tranh. Tú Uyên thì đóng
cửa không tiếp khách, để nguyên sách vở lên bụi. Bạn bè lúc đầu thấy lạ cũng có
nhắn lời khuyên nhủ, hàng xóm dị nghị có khi nhắc khéo đến chuyện Liêu Trai,
nhưng Tú Uyên cứ câm lặng mà để thoảng bên tai, lâu dần cũng không còn ai buồn
nói tới. Có việc qua ngõ, cũng chỉ biết nhìn cổng khép kín, ngắm giàn thiên lý
thấp thoáng trong vườn mà lắc đầu rảo bước cho nhanh.
Một
buổi sáng, gió nhẹ đầy song, hoa đào nở đỏ góc vườn, trời xanh cao nhẹ, chim
yến lượn từng đàn, Tú Uyên biết là mùa đông đã qua từ lâu. Bèn nhẹ đặt đầu
Giáng Kiều xuống gối, với tay nhặt một cuốn sách để lay lắt từ lâu trên bàn mà dở
ra xem. Sách luận về cái viễn tượng xa xôi, một khi Đạo lớn của người nước Lỗ
được nơi nơi thực hiện. Nhưng đọc được non một trang, nghĩa sách vẫn thoảng như
gió ngoài trời, Tú Uyên vứt quyển sách xuống chân giường mà lơ đãng nhìn
quanh.
Chợt
thấy bức tranh, bất chợt nghĩ đến ông già. Bèn vùng đứng dậy, mài mực, lấy bút,
trải giấy xuống mặt án thư, vén tay áo mà vạch một nét. Nét bút vừa phác, Tú
Uyên thấy nhẹ như một cánh chim. Vạch thêm nét nữa thì chim như đã vươn hai
cánh, như muốn vỗ mạnh mà dời mặt giấy. Tú Uyên chấm mực, phác nhanh một nét
sao đêm. Chim tức thì vỗ cánh mà vút lên cao rồi mất hút vào lòng ngôi sao lấp
lánh. Gió chợt nổi lên trên nền giấy. Ngôi sao tắt ngấm. Nền giấy trở lại trắng
tinh.
Quay
lại, Giáng Kiều đã đứng bên chàng.
Hai
người lặng lẽ nhìn nhau.
Một
lát sau, Giáng Kiều mới nói, giọng như cố ghìm cảm động:
"Chàng
phải bắt đầu tự thiếp. Thiếp mới là thật. Còn đôi cánh chim vừa vẽ chỉ là những
trò ảo mộng..."
Tú
Uyên nhìn lên bức tranh treo trên tường. Giáng Kiều cũng nhìn theo mà
rằng:
"Chàng
phải vẽ lên chính bức tranh đó. Chàng đã hứa với ông già. Vả lại thân thiếp dầu
sao, chỉ là phương tiện. Chàng nên cố gắng thành công".
Tú
Uyên như người mơ ngủ, cầm bút tiến lại bức tranh, Giáng Kiều đứng im lặng một
chỗ, dáng điệu giữ nguyên dáng điệu cũ, khi gót sen chưa bước vào đời. Tú Uyên
dúng đầu bút xuống nghiên mực rồi quay lại nhìn Giáng Kiều. Tầm mắt chàng như
xa ra, như vươn tới áng mây trắng chiều xuân năm ngoái, như lướt trên lớp sóng
sông Tô. Chàng đã hứa với ông già. Chàng nghĩ tới một nền giấy chu sa, bềnh
bồng có dáng mây vần vụ. Tầm mắt gần lại. Từng đường, từng nét, Giáng Kiều hiện
lên trước mặt chàng, Giáng Kiều mà từng đường cong, từng nét nhỏ, cả tấm thân
trau chuốt từng khối ngọc lành, đối với chàng không còn gì xa lạ.
Chàng
bắt đầu vẽ.
Bắt
đầu Giáng Kiều có cảm giác như có ai bới tóc mà đếm từng sợi tóc. Thế rồi, khi
ngọn bút Tú Uyên vừa chạm xuống nền tranh thì cảm giác tê rợn vừa qua đã trở
nên nhức buốt. Tóc bị nhổ dần từng sợi, mỗi sợi tóc nhổ đã lại được thay thế
bằng một mũi kim... Cứ như thế, cực hình tiếp tục đồng thời với ngọn bút Tú
Uyên loang loáng trên mặt nền tranh.
Nàng
muốn cắn chặt môi, để khỏi bật tiếng kêu. Nhưng lại sợ Tú Uyên ngừng bút, nên
toàn thân cố giữ không cử động, mặt vẫn phải tươi mà nước mắt trào ra đã ướt
đẫm cả vạt áo ngoài.
Ngọn
bút Tú Uyên vạch nhỏ từng nét tóc mây, ngọn bút in hằn xuống mặt giấy, mớ tóc
mây bồng lên đen biếc màu da trời mùa hạ giữa đêm trăng. Giáng Kiều cố dán mắt
vào bức tranh để quên đau xót. Nhưng mắt nàng trong chốc lát bỗng hoa lên. Và
khi nghe tiếng động, Tú Uyên ngoảnh lại thì Giáng Kiều đã ngã vật xuống bên
giường. Vội chạy lại thì Giáng Kiều đã vội ngồi dậy như thường. Hỏi ra mới biết
chuyện, bèn vứt bút mà rằng:
"Lời
hứa với ông già tuy nặng, nhưng mối tình của đôi ta còn nặng hơn. Xin thề không
vẽ nữa".
Dứt
lời, những nét vừa phác trên tranh cũng mờ dần rồi biến mất. Bức tranh trơ lại
nền tranh.
Từ
hôm ấy, tâm hồn hai người không còn hồn nhiên như cũ. Tình yêu tuy vẫn nồng nàn
mà ngay những phút đắm say đến cực độ, tâm tư vẫn còn thấp thoáng ám ảnh cô
đơn. Hai người thôi là một. Đuôi mắt Giáng Kiều gợn lên từng đợt ưu tư. Tú Uyên
đôi khi tự bất chợt âm thầm nhìn sâu vào một khoảng trời hun hút. Gia dĩ nét
trăng trong tranh đêm đêm vẫn tỏ, ánh trăng tỏa ra, hắt hiu, kêu gọi. Tú Uyên
lại nhớ tới ông già.
Những
lúc ấy, giọng Giáng Kiều trở nên tha thiết, tiếng nhỏ to gợi đến cung bực một
chiếc đàn tì nỉ non bên bờ sông vắng. Trong không khí hiu quạnh của gian phòng,
Tú Uyên lặng nghe thấm vào lòng từng lời tâm sự và từng đợt quạnh hiu.
Giáng
Kiều rằng:
"Thiếp
từ tiếp ý của chàng mà bước vào đời, đến nay mới biết tình yêu là nặng, mới
biết xót xa cho phận con người. Nhưng... tấm thân đã phương thức nơi chàng,
thiếp nguyện hy sinh tất cả vì chàng. Lần đầu chưa thành công, tại sao không
nghĩ lại mà thử thêm lần nữa?"
"Tại
sao?..."
Tú
Uyên không nói thêm, vòng tay khép chặt thêm vào đôi vai nho nhỏ của Giáng
Kiều.
Tại
sao? Vì chàng biết là muốn thành công thì sẽ mất Giáng Kiều. Lời ông già giờ
đây mới là rõ nghĩa.
"Giữa
một người đẹp mơn mởn đào tơ và một nét họa trong tranh, giữa cái nhất thời
tương đối và cái tuyệt đối bất chấp thời gian..."
Tú
Uyên phải chọn lựa. Giữa một bức tranh và Giáng Kiều. Giữa cái đích hãy còn xa
lắc và một tấm thân hiện đang run rẩy trong vòng tay khép chặt của chàng. Giữa
cái chửa thành hình và cái hiện hữu. Sự chọn lựa thật vô cùng đau xót.
Một
đêm cuối xuân, mây đen vần vũ tự buổi chiều, không khí hầm hập chuyển mùa,
trăng chưa mọc mà sao không sáng trên nền trời mù mịt, gió không thổi mà ngừng
lại từng nội cỏ, lùm cây, trống vừa dứt canh ba, Tú Uyên từ từ ngồi dậy, không
định ý mà mắt nhìn hướng thẳng vào bức tranh mờ ảo một khoảng trống không trên
vách.
Hốt
nhiên, chàng cảm thấy đã đến giờ quyết thiệt. Bèn nhẹ bước xuống giường, chọn
cây nến lớn thắp lên mà bước thầm đến trước bức tranh. Ánh nến lung linh, nền
tranh bát ngát gợn lên từng đám mây đen, không khí trong tranh tiềm tàng chờ
đợi. Tú Uyên liếc nhanh về phía Giáng Kiều. Giáng Kiều vẫn đang thiếp ngủ,
đường ngực nhịp nhàng, hơi thở đều đều...
Chàng
khẽ gọi:
"Giáng
Kiều..."
Đủ
để một mình nghe thấy, để bỗng thấy trong lòng chứa chan lớp lớp sóng
thương.
Chàng
quay lại, giơ cao ngọn nến. Mây trong tranh vần vũ thêm nhanh. Lửa nến chập
chờn, nét mặt Tú Uyên in hằn khắc khổ. Ngọn lửa từ từ kề sát bức tranh. Nhưng
ngọn lửa vừa kịp tạt vào nền tranh thì bỗng gian phòng lóe sáng. Cùng một lúc,
trăng đã nhô lên: chênh chếch ngoài song, chênh vênh một khoảng trong tranh,
ánh trăng tràn ngập gian phòng, át cả ánh nến đang thoi thóp trong bàn tay Tú
Uyên.
Thế
rồi, gió lớn nổi lên khắp chỗ: ngoài trời, trong tranh. Mây đen cuốn sạch. Lửa
nến chưa kịp bén vào bức tranh, đã tắt ngấm.
Tú
Uyên nghiến răng bóp nát ngọn nến mà xô lại bức tranh. Cũng vừa lúc đó, giữa
lòng đêm thâu tịch mịch, bỗng cất lên một giọng trầm trầm:
"Hãy
khoan..."
Tú
Uyên rợn người đứng sững. Giọng ai nghe quen thuộc, giọng xa xôi heo hút núi
ngàn. Hốt nhiên nghĩ ra, chàng khẽ kêu lên:
"Giáng
Tiên..."
Thì
Giáng Tiên cũng từ bóng tối đi ra, nhịp nhàng, yểu điệu, Giáng Tiên thoắt đã
đứng trước bức tranh, đối diện với chàng. Nàng cúi đầu thi lễ: không khí trở
nên êm ả, hây hây ngọn gió cuối xuân. Ngước nhìn người thiếu phụ, Tú Uyên thấy
dịu hẳn nỗi lòng: sắc đẹp Giáng Tiên đã vượt ra khỏi vòng tục lụy. Vẫn những
đường cong óng ả, vẫn là vóc liễu mảnh mai, nhưng ở Giáng Kiều thì não nùng rạo
rực, mà ở Giáng Tiên thì lại thanh thoát dịu dàng. Một đàng là tuyết miền Bắc
cực hay ánh chói mặt trời giữa nơi sa mạc. Một đàng là gió mùa xuân, là ánh
nắng mùa thu. Một đàng vươn lên là sóng trùng dương. Một đàng bình thản tỏa ra
là mặt hồ im lặng. Giáng Kiều vẫn còn đau xót. Giáng Tiên đã hết đau xót từ
lâu.
Tú
Uyên vụt nhớ lại. Chàng đọc thầm:
Hồn
bướm mơ tiên lẩn sự đời...
Giáng
Tiên mỉm cười:
"Thế
ra công tử đã nghe thấy..."
Rồi
lại tiếp ngay:
"Giờ
đây thiếp đã quên lãng việc đời. Nhưng vì bản thân đã qua cầu đau xót, cho nên
phải về đây đêm nay để mà an ủi những người đồng cảnh".
Tú
Uyên như người mê ngủ. Chàng rằng:
"Sinh
này xin nghe. Nàng đừng nề hà mà không nói rõ".
"Đến
đây đêm nay là muốn nói rõ. Câu chuyện chắc dài, công tử cho
phép..."
Nói
đoạn, ung dung kéo ghế mà ngồi. Tú Uyên lật đật xin lỗi, thì xua tay mà
rằng:
"Chúng
ta một hội một thuyền, chẳng nên khách sáo. Công tử cứ tự nhiên. Xin mời công
tử".
Tú
Uyên ngập ngừng, liếc nhìn về phía Giáng Kiều. Giáng Tiên biết ý:
"Công
tử để nguyên cho Giáng Kiều yên giấc. Nàng còn yên giấc cho tới hết câu chuyện.
Cho tới khi nào công tử quyết định xong xuôi".
Tú
Uyên tuy không hiểu mà không dám hỏi nhiều. Chàng ghé ngồi xuống ghế đối diện,
Giáng Tiên nói tiếp:
"Thiếp
xin bắt đầu chuyện của thiếp. Vì nó liên quan với chuyện của công tử. Chắc công
tử không ngờ, Giáng Kiều và thiếp, hình hài tuy có khác mà cốt cách lại giống
nhau. Bởi cũng do một bàn tay cấu tạo".
Tú
Uyên thốt lên:
"Ông
già!"
Giáng
Tiên gật đầu:
"Chính
ông già".
Tú
Uyên vẫn chưa hết ngạc nhiên:
"Trời...
tại sao vậy..."
Giáng
Tiên nói tiếp:
"Ông
già vì thành ý của công tử mà tạo nên Giáng Kiều. Cũng như trước kia tiếc cho
hồn thơ của Tiên Đế mà tạo ra thiếp. Sự nghiệp văn chương của Tiên Đế nào có
phải là vài bài thơ khẩu khí truyền tụng trong chốn Tao Đàn? Đem cái vĩnh cửu
là thơ để cho cái nhất thời là chính trị, Tiên Đế nếu không gặp thiếp, tất sẽ
mai một hồn thơ. Nhưng một chiều thông cảm, hồn thơ lai láng, Tiên Đế đã dám
vượt cả lễ nghi trong thiên hạ mà ngồi chung xe với một ni cô... Và cũng vì
thế, đến nay..."
Giáng
Tiên ngừng lại, tầm mắt xa hút.
Tú
Uyên như lây cảm động, chàng khẽ ngâm:
Gió
thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn
bướm mơ tiên lẩn sự đời...
Giáng
Tiên ngùi ngùi:
"Lời
thơ vang lại tới đêm nay, vì hồn thơ phiêu lưu thoát khỏi cái duyên trần tục,
dư ba chắc không phai mờ trong mai hậu... Cũng vì thế đêm nay mới được ngồi đây
mà hầu chuyện công tử.
Tú
Uyên vội hỏi:
"Nàng
nói sao?"
Giáng
Tiên chậm rãi:
"Vì
thiếp đã trở thành bất diệt. Bất diệt cùng với hồn thơ. Thiếp đã đi vào lòng
tuyệt đối. Giả thử năm xưa, bánh xe không kịp thời đứng lại, Tiên Đế không kìm
được tình thường da thịt thì... đâu có ngày nay?"
Tú
Uyên bất giác ngoảnh lại nhìn Giáng Kiều. Bắt gặp tầm mắt Tú Uyên, Giáng Tiên
liền tiếp:
"Sự
lựa chọn nào mà không đứt ruột?"
Dưới
ánh trăng, tấm thân Giáng Kiều bỗng trở nên mờ ảo, hình nét lung linh chuyển
động như muốn vươn lên, cập tới một nhịp giao hòa mới lạ.
Tú
Uyên nhìn thẳng vào Giáng Tiên:
"Xin
hỏi thêm một điều. Ông già là ai?"
Giáng
Tiên cười mà không đáp. Gạn hỏi thì úp mở mà rằng:
"Không
là ai cả".
Rồi
lại tiếp:
"Cũng
có thể là chàng".
Tú
Uyên chưa hết ngạc nhiên thì bỗng từ xa vẳng lại tiếng gà gáy sáng. Rồi, trống
vòm canh dồn dập, hơi đêm tan loãng, ánh trăng mờ dần, nền trời bàng bạc, Giáng
Tiên rũ áo đứng dậy, giọng cất lên như xa như gần:
"Đã
đến giờ thiếp phải lên đường. Bình minh đã rạng. Giáng Kiều còn ngủ. Công tử
nên kịp thời quyết định. Công tử trông kìa..."
Vừa
nói vừa chỉ bức tranh.
Nét
trăng trong tranh đã lặn từ lâu.
Quay
lại thì xiêm y lãng đãng ngoài song. Giáng Tiên chỉ còn là những nét mờ mờ chấm
phá đang phai nhòa trên nền sương buổi sớm mù trời.
Tú
Uyên tiến lại bức tranh.
Lúc
bây giờ Giáng Kiều vẫn còn ngủ thiếp.
Bỗng
dưng, Giáng Kiều cảm thấy, giữa cơn mê tỉnh chập chờn, có con bướm trắng vờn
quanh, cánh bướm đập nhẹ lên từng tế bào da thịt. Cảm giác tê tê dại dại lan ra
như vết dầu loang. Phút chốc toàn thân tê liệt, cất tiếng kêu thì âm thanh vừa
ra thoát khỏi miệng đã mất hút trong một khoảng không gian yên lặng khác
thường. Bèn hé mắt nhìn thì thấy Tú Uyên đang lăm lăm ngọn bút, đứng trước bức
tranh, nền tranh sơ sài phác nhẹ một nét hình dung toàn thể thân hình yểu điệu
một trang thiếu nữ. Giáng Kiều thấy nhói nơi tim: Tú Uyên đã lựa chọn.
Hai
người lặng lẽ nhìn nhau: phút yên lặng dần dần trở nên một phút cảm thông có
giá trị một cuộc giao hoan trọn vẹn, mà ái ân lớp lớp, niềm yêu đương đã vượt
khỏi tình thường quấn quít nơi mái tóc, làn da.
Thế
rồi tròng mắt Tú Uyên xa thẳm, bàn tay cầm bút nổi gân, ngọn bút bắt đầu tỉ mỉ
đi vào từng nét.
Giáng
Kiều nghiến răng chờ đợi cực hình...
Bỗng,
toàn thân thấy nhẹ lâng lâng, Giáng Kiều có cảm tưởng biến thành bông nõn, bồng
bềnh trên đầu một ngọn gió xuân. Rồi ngọn gió xoay chiều thành cơn lốc nhẹ,
Giáng Kiều chuốt dáng, thân hình như vờn cao đến tận mây xanh.
Cảm
giác lạ lùng đó dâng lên như một đợt sóng thủy triều. Không gian ngừng lại đã
tự bao giờ. Trăng thôi mọc. Ánh mặt trời mãi mãi là ánh thiều quang.
Chợt
nhớ tới Tú Uyên, bèn quay lại thì long lanh tận dưới hàng mi, đuôi mắt Tú Uyên
bắt đầu ngấn lệ...
Ngọn
bút tung hoành loang loáng như một ánh thép lưu cầu bị dồn vào một thế giới.
Ngọn bút táp xuống nền tranh, sầm sập mưa sa xuống mặt sông dài giữa cơn bão
lớn. Từng nét một, người đẹp trên tranh lần lần thể hiện. Từng nét một, Tú Uyên
bỗng thấy Giáng Kiều mờ dần trong một đám mây mù khởi dâng không biết tự
đâu.
Chàng
dụi mắt, định thần và chợt hiểu. Tay cầm bút run lên. Đám mây mỗi lúc một thêm
dày đặc, thấp thoáng chỉ còn nhìn thấy vài nét Giáng Kiều.
Bèn
nghiến răng, gạt lệ, mà chúc đầu ngọn bút xuống nền tranh.
Nét
bút cuối cùng là một nét trăng rằm.
Đám
mây phút chốc trở nên trắng xóa, bồng bềnh nhẹ lướt qua song, mờ dần vào một
khoảng trời cao thăm thẳm.
Giáng
Kiều đã đi vào lòng tuyệt đối.
Gian
phòng vắng ngắt, hoe hoe màu nắng cuối xuân.
Tú
Uyên vứt bút, gục xuống bên cạnh bức tranh đã thành hình.
Nửa
tháng sau, không thấy tiếng động trong nhà, hàng xóm sinh nghi, kéo sang đầy
ngõ, rủ nhau phá cửa mà vào. Cửa vừa mở thì mùi mốc xông lên, nhện giăng đây
đó, sách vở ngổn ngang, động đến là tan thành bụi.
Thì
ra Tú Uyên bỏ đi đã từ lâu.
Duy
trên vách nguyên vẹn vẫn còn bức tranh tố nữ.
Bức
tranh đó, Trần Công giữ làm đồ gia bảo, đêm ngày lặng ngắm không thôi. Một ít
năm sau, nỗi buồn tuyệt tự ăn sâu vào tâm não, vợ chồng Trần Công theo nhau mà
quy tiên. Bức tranh vì thế mà sang tay họ khác. Từ đó, trải mấy triều đại đổi
thay, bức tranh đổi chủ đã mấy lần, mà nét bút vẫn còn nguyên như cũ.
Kịp
đến khi, tang thương biến đổi, quân Pháp-lan-tây chiếm giữ các nơi, bức tranh
không hiểu sao lại lọt vào tay quan Đình nguyên họ Phan lúc bấy giờ đang phất
cờ khởi nghĩa Cần Vương khoảng rừng Hồng Lĩnh. Họ Phan có tài dùng quân, biết
phép đúc súng, nhưng lại yêu việc thi, họa, cầm, kỳ, nên rất quý bức tranh tố
nữ, luôn luôn treo trong phòng làm việc, không lúc nào rời. Thường lúc rỗi, hay
ngồi một mình đối diện bức tranh mà thổi ống tiêu. Những lúc đó, tâm sự u uất
lộ ra cả âm thanh, tiếng trúc theo gió Lào tỏa khắp chiến khu Ngàn Trươi, ai
nghe thấy cũng phải chau mày gạt lệ.
Lúc
bấy giờ, bức tranh đã mờ, nét vẽ như có sương mù bao phủ.
Đến
một đêm, trăng trong tranh bỗng dưng đỏ ửng: họ Phan bắt đầu thụ bệnh.
Trước
khi nhắm mắt, họ Phan có đòi nhìn lại bức tranh.
Nhưng
trăng trong tranh đã rụng.
Người
đẹp trong tranh đã đi trước họ Phan.
1957