Trích từ tuyển tập
NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT
CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA,
NXB Sóng, Sài Gòn, 1973
Mỗi
người đều cần có một quê hương để trở về vào tuổi già hay vào những thời kỳ mệt
mỏi hay chán nản trong đời. Bởi thế, ai mất quê hương thực sự của mình, đều
phải tạo ra quê hương mới bằng cách này hay bằng cách khác.
Rời
miền Bắc sau 1954, mang lũ chúng tôi vào Nam, bố mẹ tôi đã từ bỏ nhiều thứ
trong đó có quê nội và quê ngoại, một quá khứ khá dài những vui buồn, và căn
nhà đã tạo dựng bằng công khó của hai người, nhất là bằng dấu vết những bàn
chân nhỏ cùng các tiếng khóc tiếng cười của đứa bé đã sinh ra và lớn lên trong
đó. Tết năm ấy, tết tha hương đầu tiên, bố mẹ tôi không hề buồn bởi vì hai
người chưa già và trừ người con lớn còn ở trong quân ngũ nơi xa, gia đình tôi
sum họp đầy đủ trong căn nhà cũ kỹ tồi tàn không điện không nước của khu Bàn
Cờ. Tết năm ấy, năm của hòa bình, hầu hết những người dân hai miền còn đầy hi
vọng ở tương lai.
Rồi
ngày tháng theo nhau qua. Niềm hi vọng ở tương lai của mọi người có còn nguyên
vẹn như thế không, tôi không biết. Tôi chỉ biết vào một ngày cuối năm, thứ hi
vọng ở tương lai của gia đình khiêm tốn của tôi đã suy giảm nhiều. Lý do thật
giản dị: bố tôi, cột trụ của gia đình, đã thấm mệt, đã chịu thua cuộc đời, đi
vào tuổi già. Ông đã cam chịu làm một công chức nhỏ cho một cơ quan thuộc binh
chủng lo làm nhà, xây cầu cho quân đội. Ông không còn nói tới lo xin ra báo, mở
nhà in, tái lập thời kỳ huy hoàng của ông trong những năm còn trẻ. Trong một
đêm khuya đi chơi về, bắt gặp ông còn thức soạn chống giấy tờ cũ – những tấm
thiếp mời ông buổi lễ này, tiệc rượu nọ của cả một thời kỳ đã qua – dưới ánh
đèn dầu lù mù và trong tiếng xe chạy ào ào trên con lộ lớn trước nhà, tôi đột
nhiên cảm thấy từ thâm tâm một cái gì thúc đẩy tôi ngồi xuống đấy với ông, nói
gì chưa biết, nhưng phải ngồi… Hình như đây là lần đầu tiên tôi lờ mờ ý thức
được thế nào là cô đơn của một người thất bại về già bó gối chịu thua. Trong
căn nhà tồi tàn này, có đầy đủ vợ con nằm ngủ yên chung quanh, nhưng có những
nỗi cô đơn tự bản chất đã không sao chia sẻ nổi…
Tôi đã
tới ngồi chiếc ghế bên này chiếc bàn mộc, vơ vẩn đọc những tấm thiếp cũ xưa ấy,
nghe người già ngồi bên kia nói về cuộc đời, về tuổi trẻ, về những ước vọng
vang bóng một thời. Ông nói ông đã làm thất vọng nhiều người, trong đó có mẹ
tôi, con gái duy nhất của một gia đình nhiều danh tiếng về văn học cũng như về
đấu tranh cách mạng. Ông đã quá rong chơi, quá phung phí tuổi trẻ, để rồi tới
lúc này không còn gì. Không một danh tiếng, cũng không cả gia sản. Và vì dù sao
cũng là kẻ cuối cùng của một dòng kẻ sĩ lâu đời, ông đã vừa phải khước từ một
đề nghị chính trị nhiều bá đạo nhưng cũng nhiều quyền lợi của chính quyền đương
thời… Như vậy ông chỉ còn một đời sống khiêm tốn để sống, cuộc đời của một công
chức già và một căn nhà nhỏ mới được cơ quan cấp phát cho trong một cư xá hỗn
hợp, căn nhà ông hẹn tôi mai sớm tới sở kiếm ông đề cùng sang nhận. Trong
khuya, không biết là vào giờ nào của đêm, ông trầm giọng: “… Sau này, bố chỉ ao
ước các con làm được cho bố một căn nhà tranh ba gian hai chái trên nền đất
nện, trước nhà đào một ao nhỏ có cầu ao dẫn xuống mặt nước nuôi bèo để không cho
xanh um, ở ven đô nào cũng được.”
Tính
ông chuyên đoán nên bố con ít khi nói chuyện nhiều, chưa kể có thời kỳ tôi còn
ghét ông vì bị bắt phải làm những điều ông muốn và tôi không ưa. Những đêm nay,
lần đầu tiên từ khi lớn lên, tôi hiểu bố được một phần nào. Một thoáng nghẹn
ngào lẩn khuất với tình thương mến. Tôi cất tiếng nói, nói rất nhiều. Bây giờ
đến lượt ông ngồi nghe tôi nói về những ước vọng của tôi – những ước vọng dĩ
nhiên thật cao xa của một thanh niên mới lớn.
Chẳng
biết ông có tin các lời đao to búa lớn ấy của tôi không, nhưng ít nhất buổi nói
chuyện trong đêm cũng làm hai bố con dễ chịu với nhau hơn khi cùng đến nhận căn
nhà nằm đầu dẫy của một khu nhà dành cho binh sĩ và nhân viên quân chính. Căn
nhà nhìn ra bãi cỏ hoang đầy vòng kẽm gai cũ rỉ, sát vách bên là một đống khối
bê-tông lớn xếp hỗn độn do đạo quân viễn chinh Pháp bỏ lại, căn nhà vào mùa mưa
thì nước ngập và mùa nắng thì mái tôn hừng hực chói chang.
Gia
đình tôi dọn tới ở căn nhà ấy và ở thật lâu. Mẹ tôi vốn có tài thích ứng về mọi
sự và nhất là về nhà cửa ruộng vườn. Bãi cỏ hoang, mẹ tôi phát cỏ, cuốc đất lên
làm thành vườn. Mẹ tôi trồng nhiều cây trứng cá, vì chúng “… vừa chóng có bóng
mát, vừa chóng có trái cho chúng này chọc ăn.” Mẹ tôi đục thêm cửa sổ bên hông
nhà và khi bọn tôi kêu lên khôi hài là nhìn qua đó thấy đống đá non bộ (các
khối bê-tông ấy) đẹp như thế mà thiếu hàng trúc thưa, bà đi trồng hai rặng mía
vì “… đốt mía đẹp kém gì trúc mà lại ăn được.” Cứ với quan niệm dung hòa mỹ
thuật với thực phẩm ấy, khu vườn nhà tôi dĩ nhiên không thể thiếu vài luống sắn
thân và lá thật đẹp mỗi khi trời xanh cao và nhiều nắng. Trong căn nhà nhỏ, và
trong khu vườn vừa đẹp vừa ngon do mẹ tôi tạo dựng ấy, chúng tôi đã sống những
ngày thật vui và nhiều hạnh phúc. Anh Lam tôi đã đưa chị dâu tôi về ngồi dưới
bóng mát của các cây trứng cá nở đầy hoa trắng, đêm trăng trông như có sương
đọng. Tôi đã từng đưa người yêu của tôi, người sẽ theo gót chị Lam về làm dâu
thứ trong căn nhà này, đi giữa hai luống sắn, ven rặng mía dưới vòm hoa ti-gôn.
Tôi đã từng bắc thang đưa nàng lên mái nhà, nơi đứa em trai đã sửa cây, xếp
cành thành một vùng nho nhỏ như tổ chim – một chỗ để hôn nhau. Rồi đứa em gái
kế đã hôn người yêu ngoài bờ cỏ sau bụi tre, đã khóc đã cười và đã đi lấy chồng
cũng từ trong căn nhà của bố và khu vườn của mẹ…
Những
năm tháng vui tươi rồi cũng qua đi, chiến tranh đã bộc phát dữ dội làm phân tán
lũ con và gửi những sợi tóc đốm bạc lên mái tóc bố tôi. Từ lâu rồi, ông suy yếu
nhanh vì bệnh lao. Đêm Trung Thu chót, khi chúng tôi treo đèn xếp đầy vườn,
trên ngọn cây sắn ẻo lả, trên cành cây, trong lùm tre và bày cỗ ăn bánh uống
trà vui vẻ ngoài vườn, ông chỉ còn đủ sức ngồi thu người trên ghế, vừa hút
thuốc vừa ho nhìn ra. Bởi thế, khi bước chân vào quân trường, tôi đã nghĩ không
hiểu rằng khi chết, ông liệu có được bao đứa con bên giường…
Và tin
ông chết trong bệnh viện Cộng Hòa chết một mình, đến với tôi khi vừa tập trận ở
một bãi xa về. Trong khi chờ đợi giấy phép bạn bè đang chạy tứ tung xin hộ, tôi
ngồi ở một bệ xi-măng ven Võ đình trường, nhớ tới ông trong những ngày gặp chót
– gặp thật ngắn vì thời hạn đi phép đã chẳng dài bao nhiêu, tôi lại dành hầu
hết cho Thi và cho tôi. Lần phép chót, khi tôi mặc xong quân phục, cầm mũ đi
ra, ông đã gọi giật lại, ngập ngừng hỏi tôi còn tiền hay không. Tôi mở ví ra
còn hơn ba trăm, chia cho bố một nửa… Nước mắt tôi rớt trên cát vỡ các hình
ngôi sao nâu, nhưng tôi không kìm giữ vì biết rằng tối nay, vì ở gần Saigon
nhất, tôi sẽ là đứa con độc nhất về kịp với mẹ. Trong căn nhà, trong khu vườn,
tôi cần trấn tĩnh. Còn ở đây, Võ đình trường trải dài vắng ngắt trong rạng
chiều… Tôi chỉ khóc ông một lần nữa sau khi mộ đã đắp, ông đã yên nghỉ trong
một nghĩa trang xa lạ, yên nghỉ vĩnh viễn trước khi tôi thực hiện nổi giấc mơ
nhỏ của ông trong tuổi già, là làm một căn nhà tranh ba gian hai chái trên nền
đất nện, trước nhà có một ao nhỏ thả bèo cho xanh…
Ông
chết đi, sau khi tiền tử tuất đã trả, cơ quan đòi lại căn nhà đã cấp phát từ
bao năm. Mẹ tôi có báo cho tôi biết, nhưng thân làm lính trấn thủ lưu đồn, tôi
làm gì được. Chẳng lẽ để các con nhỏ đi ở nhờ bà con họ hàng, mẹ tôi tới cơ
quan cầu xin. Chồng chết không gia sản, các con trai đã đi lính hết, mỗi đứa
một sư đoàn xa… Thế rồi mẹ tôi được cơ quan chấp thuận cho tạm trú ở khoảng đất
ngay sát nhà. Còn căn nhà, vẫn phải trả.
Mất căn
nhà nhưng còn được khu vườn, mẹ tôi đi vay tiền, xin vật liệu về chất đống,
nhưng chưa khởi công vì còn đợi tôi về “cất nóc” hay “thượng lương” chi đó. Tới
kỳ về phép, ngồi giữa đống gỗ ngổn ngang, tôi uống trà với mẹ trong khu vườn mà
sốt ruột chỉ muốn đi – vì Thi ngồi ngay bên, trong vòng tay và bây giờ hai đứa
tôi không cần “một chỗ để hôn” nữa, mà cần tìm một chỗ để yêu nhau. Xong tuần
trà, mẹ tôi gọi tôi ra khởi công làm nhà. Tôi nhăn nhó vì sợ mất nhiều thì giờ,
nhưng thực ra không có gì: tôi nâng một cái sà gỗ đầu tiên cho mẹ tôi đóng. Thế
là xong lễ cất nóc cho một ngôi nhà.
Nhưng
căn nhà của mẹ tôi hẳn phải không giống như mọi người. Thiếu gỗ, mẹ chỉ làm có
ba vách, vách thứ tư là tường căn nhà cũ. Dù chỉ ba vách cũng vẫn thiếu gỗ nên
cả mặt tiền chỉ làm gỗ phân nửa dưới, còn nửa trên đóng lưới, trong làm
màn ngoài treo mành tre. Căn nhà trống trải đến nỗi mỗi khi có gió lớn thổi, lá
khô theo các khe hở rơi lả tả đầy nhà và khi mưa lớn thì đúng là cơn gió bốn
bề. Một căn nhà “gần” thiên nhiên đến mức tối đa, chim làm tổ trên đình màn và
đêm khuya dế kêu ri rỉ dưới gầm giường. Nhưng quả là một căn nhà kiểu liêu trai
cho một hàn sĩ trẻ và tôi đã nhiều lần mời bạn văn đến uống rượu nhân dịp xuất
bản những tác phẩm đầu tiên trong nơi này, trong căn nhà của mẹ và khu vườn của
mẹ.
Rồi
thời gian qua nữa. Sau khi phiêu bạt nhiều đơn vị của ba vùng chiến thuật, tôi
mới được đổi về Saigon. Khi ấy cấp chỉ huy binh chủng sở hữu khu nhà quyết định
dùng khoảng đất trong có khu vườn của mẹ dự trù làm bể bơi hay sân quần vợt chi
đó và xe ủi đất cơ hữu đơn vị đã tới san bằng. Khi tôi về, cứ như Từ Thúc về
trần, khu vườn đã biến mất không còn đấu vết. Mẹ tôi chỉ nói là đã hết sức năn
nỉ mấy người lính mới giữ được một cây trứng cá duy nhất bây giờ đã gần như cổ
thụ mọc sát vách nhà. Tôi thoáng buồn rầu khi hiểu tại sao mẹ tôi không tới năn
nỉ xin các cấp chỉ huy khu đó, mà chỉ đi nói với mấy người lính lái xe. Và tôi
không đủ can đảm để hỏi mẹ tôi khi năn nỉ, liệu có nói các con bà đều là linh
như họ, ủi thì ủi, chớ ủi nhà mẹ già em nhỏ của chúng hay không…
Một
thời gian sau mẹ tôi theo hai đứa em gái chót lên Đà Lạt và tôi cùng gia đình
riêng mới tạo dựng, dọn về nhà mẹ ở. Trước khi đi, mẹ dặn coi chừng là có tin
đồn sắp có lệnh dỡ nhà trả đất vì cấp chỉ huy binh chủng định biến khu này
thành cư xá sĩ quan. Mẹ chẳng dặn thì tôi cũng coi chừng. Làm sao nỡ để mất của
mẹ, căn nhà của cả một thời kỳ, căn nhà duy nhất bọn tôi có được kể từ khi xa
miền Bắc.
Rồi
lênh dỡ nhà đến thật. Tôi làm đơn xin, viện lẽ thượng cấp đã định cấp phát lại
khu này cho sĩ quan thì dù có là dân bộ binh chân lấm tay bùn, tôi cũng là sĩ
quan xin được lưu cư ở khoảng đất nhỏ bé. Đất là đất chung của quân đội và
huynh đệ chi binh… Nhưng một buổi sáng đẹp trời, một văn thư gửi tới cho biết
phải dõ nhà đi, và “vì tình nhân đạo, cho đương sự một thời hạn ba tháng để thi
hành lệnh này.” Tôi chưa chịu thua, xin đủ giấy tờ chứng tỏ là nhà có ba lính,
thì lính anh, lính em và lính tôi đều không có nhà, dù là nhà mình mua hay cấp
phát.
Nhưng
tôi đã thất bại, hoàn toàn thất bại. Lệnh dỡ nhà, trục xuất khỏi cư xá được giữ
nguyên và không gia hạn thêm lấy một ngày. Còn kèm thêm khẩu lệnh phụ là tới
ngày không đi sẽ cho xe bulldozer tới ủi tất và cho An ninh tới bắt. Tôi
đành gọi người vào dỡ nhà, bán vật liệu – vật liệu còn bao nhiêu giá trị sau
bao mùa mưa mùa nắng và nước ngập. Bán được năm ngàn đồng, gửi lên cho mẹ, mẹ
lại cho trở lại để “các con lấy tiền mà dọn nhà.” Thế rồi đến ngày chót, lại
một ngày đẹp trời nữa, tôi dọn nhà, Khi buổi sáng trở dậy, mặc bộ đồ trận vào,
tôi thấy hơi buồn bã và chua xót.
Rút
kinh nghiệm, từ giờ bọn tôi lo kiếm đặt trước đã trước khi nghĩ đến chuyện làm
nhà khác cho mẹ. Do một tình cờ, anh Lam tôi quen với tỉnh trưởng vùng Đà Lạt.
Anh liền nói với người bạn ấy cấp cho mẹ tôi một mảnh đất – trên vùng ấy, núi
đồi thiếu gì. Lời yêu cầu ấy được thỏa mãn, các con của mẹ tôi đã có dịp chế bà
là “tân địa chủ” và tôi đã có cơ hội để ước mơ là khi nào chiến tranh chấm dứt,
các con trai buông súng trở về cầm cưa vác búa vào rừng lấy gỗ về mà làm cho mẹ
tôi, lúc đó chắc tóc đã bạc như sương, một căn nhà nhỏ ven một đồi thông nhiều
gió lộng.
Trong
khi chờ đợi “căn nhà viễn mơ” của ông anh bao năm chỉ biết tranh đấu tới, tranh
đấu lui, nghèo mạt rệp ra không đi đến đâu – lời mấy đứa em gái tôi – thì chúng
ra sức làm việc để dành tiền mua nhà, một căn nhà nhỏ thôi, tồi mấy cũng
được, miễn là có đất rộng một chút, để rồi “mẹ gõ cho nó mấy cái là thành nhà ở
được, cuốc cho nó mấy nhất là thành vườn, vừa ăn dược vừa ngắm được.” Mà chúng
làm việc thực. Tôi và Thi lên chơi, coi chúng đi làm mà chóng mặt. Quả thực là
đầu tắt, mặt tối. Nhưng rồi một đứa em gái cùng chồng đã dành dụm được tiền mua
một căn nhà gỗ tồi ở đầu một thung lũng nghèo. Và mẹ tôi đã vác búa, vác cuốc
ra, các con cháu xúm lại, đến khi tôi lên lần nữa, căn nhà đó đã sửa xong, xinh
xắn, và ngoài vườn theo đúng truyền thống của mẹ tôi, cây su-su leo hiên ngang
lên cành mận, phong lan treo dưởi dàn bí, rau thơm xen kẽ với cúc vàng, riềng và
gừng cạnh dẫy thược dược…
Các con
trai không có nhà thì nhà con gái, con rể cũng là dẹp rồi. Con nào chẳng là
con. Tôi tưởng thế là mẹ kể như có nhà. Nhưng tôi lầm. Trước tết năm nay, một
bà mợ trong họ chết. Khi biết rõ tin tức, mẹ tôi nói: “Mợ ấy chết sau khi con
cái đã thành đạt cả cũng sướng. Nhưng chết ở nhà con rể thì cũng chưa được gọi
là hoàn toàn.” Mẹ tôi chỉ nói thế thôi, nhưng tôi và Thi hai đứa đưa mắt nhìn
nhau im lặng. Lại phải tính đến chuyện chung sức các con làm nhà cho mẹ thôi.
Tôi
liền hỏi khoảng đất ngày trước mẹ được cấp phát hiện giờ ra sao… và được mẹ cho
biết một vị tỉnh trưởng sau đã nhận danh một công bằng xã hội nào đó đã thu hồi
lại rồi. Tôi và Thi lại im lặng nhìn nhau vì trong mấy ngày rong chơi lang
thang thành phố miền núi này, hai đứa đã thấy biết bao nhà cửa chiếm đất công
xây cất bừa bãi…
Thế là
đến cuối năm nay, khi cả gia đình chuẩn bị ồn áo đón xuân cùng thiên hạ, thì mẹ
tôi rút cuộc đất cũng không mà nhà cũng không. Và buổi sáng mồng một tết, nhìn
mẹ tôi đứng dưới tam quan chùa Linh Phong lộng gió từ dưới các thung lũng lên,
tôi nhận ra mái tóc mẹ tôi đã gần như bạc trắng hết dưới ánh nắng đầu xuân, bạc
đã gần như sương.
THẾ UYÊN
Viết
cho Vu Lan, 1970