Tôi đang coi chương trình thể thao trên truyền hình thì Phương Lan, con gái đầu của Duy Lam. gọi tới : chú Giang ơi, chú Dũng mất rồi. Nghe giọng rất xúc động của cháu, tôi an ủi : chú Dũng cũng đau đã lâu rồi, nằm như cây cỏ. chú mất đi cũng là điều tốt cho chú và gia đình, nhất là cô Thúy. Tôi hỏi về giờ Thế Uyên mất. “ Chú Dũng mất lúc 05 giờ chiều giờ bên Seattle, Di vừa báo tin cho cháu”. Tôi nói với Oanh : ông Dũng mất rồi, cũng là một đời người. Vợ tôi không nói gì, chỉ nắm lấy tay tôi, bóp khẽ.
Đó là buổi chiều một ngày trong một tháng gần cuối năm 1965. Tôi vừa ăn cơm xong thì Thế Uyên tới, dựng chiếc xe gắn máy cũ ở gốc cây sung trước nhà. Thế Uyên chào mẹ tôi, hỏi thăm sức khoẻ bà. Thế Uyên mặc bộ đồ trận bộ binh đã bạc mầu, da ngăm đen, gầy và cao. Tôi có chuyện cần nói với Giang. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi chỉ gặp Thế Uyên vào những dịp giỗ tết. Thế Uyên hoạt động văn hóa đã lâu, đã có truyện ngắn xuất bản, một số truyện tôi rất thích. Tôi đang học y khoa, đã có một thời gian hoạt động chống chính quyền, như biểu tình chống chế độ Ngô Đình Diệm trước 1963, chống Hiến Pháp Vũng Tầu thời tướng Nguyễn Khánh, tham gia vài cuộc biểu tình chống quân đội đàn áp tôn giáo mới đây, nhưng chỉ là những hành động bắt nguồn từ tuổi trẻ hăng say, không xu hướng chính trị. Sau vài lời thăm hỏi và bàn về tình hình chính trị , Thế Uyên đề nghị hợp tác trong việc thành lập nhóm văn hóa Thái Độ, với mục tiêu dùng văn hóa để cải tạo xã hội như thời Tự Lực Văn Đoàn, không Cộng sản và không Tư bản, lấy tinh thần Quốc gia làm căn bản và Xã hội chủ nghĩa để thực thi công bằng xã hội, mô hình như các nước xã hội Bắc Âu. Lúc đó quân đội Mỹ đã công khai hiện diện ở Việt nam, đem theo những sinh hoạt ngoại vi làm bất mãn những người tuổi trẻ, và chiến tranh bắt đầu tăng cường độ, tin tức đã rất phổ biến ở Sài gòn. Những xáo trộn chính trị và tôn giáo mới được giải quyết bởi nhóm cầm quyền quân nhân, ở tuổi 23 đầy nhiệt huyết, tôi không ngần ngại tham gia làm việc với Thế Uyên, một người anh họ tôi đã biết từ hồi còn nhỏ, giữa hai gia đình nghèo nhất họ, gia đình tôi và gia đình Thế Uyên. Một buổi tối đã hẹn trước, tôi đến nhà Thế Uyên cho buổi họp đầu tiên của nhóm Thái Độ. Ở đó đã có mặt những thành viên ban đầu của nhóm, đa số là họ hàng quen biết như Nguyễn Tường Thạch, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Đằng, Nguyễn Đông Ngạc (em rể Thề Uyên). Chỉ có hai người tôi chưa gặp bao giờ là thi sĩ Chu Vương Miện và Trần Kỳ, hai người Thế Uyên quen biết ở vùng Cao Nguyên, và Trần Kỳ được giới thiệu là một nhân viên cũ của nha Thượng vụ ( sau 1975 Trần Kỳ hiện nguyên hình là thiếu tá Việt cộng, được cài vào đề theo dõi Thái Độ). Chúng tôi ngồi vòng tròn chung quanh một cái bàn gỗ thông, đóng giản dị và thấp. Có trà và bánh đậu xanh, rất thịnh hành cho các buổi họp mặt thời đó. Thế Uyên trình bầy mục tiêu và lý do thành lập nhóm văn hóa Thái Độ và thủ tục trở thành thành viên của nhóm. Lần lượt mỗi người tự nói tên và thắp một ngọn nến nhỏ cắm lên bàn, với ý nghĩa :”Thà thắp một ngọn nến nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Chúng tôi bàn đến phương thức in tờ báo bằng ronéo, các chủ đề sẽ thực hiện, phân công bài vở, phương thức phổ biến và nhất là tài chính vì tất cả các thành viên hoặc chưa làm việc hoặc có công việc với đồng lương tượng trưng, thuộc diện nghèo. Thiết và Thạch được giao công tác phỏng vấn các nhân sĩ, các nhà cách mạng nhu Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán, Trần Văn Tuyên…vì có nhiều điều kiện thuận tiện và đường dây liên lạc, do là con của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Tôi và Trần Kỳ, sau thêm Nguyễn Đông Ngạc được giao đi phỏng vấn các nhân vật tôn giáo : các thượng tọa Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Đức Nhuận, Thích Hộ Giác, các linh mục Chân Tín, Tự Do, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần và Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, đa số là những nhân vật có khuynh hướng thiên tả và chống chính quyền quân nhân. Báo được in bởi nỗ lực của các thành viên, chia phiên quay ronéo trong những điều kiện tồi tệ, mái tôn bỏng cháy, không gian chật hẹp, thực phẩm và nước uống thiếu thốn và nhất là vì điều kiện kinh tế và an ninh, phải di chuyển nhiều địa điểm khác nhau. Việc phân phối và phổ biến báo, vì là báo chui, bất hợp pháp nên rất khó khăn. Ngoài những số báo phổ biến cho thân hữu, với sự đóng góp tùy hỉ, thường là với tinh thần cổ võ và giúp đỡ, báo còn được bầy bán kín đáo ở phía trong nhà sách Khai Trí và một quầy báo ở góc đường Lê Lợi và Pasteur, quầy báo nổi tiếng về các sách bị cấm bán (kiểm duyệt) và các báo không có giấy phép. Ở quán báo này tôi hay gặp một đồng nghiệp (sau này) và là một sinh viên tranh đấu là bác sĩ/nhà văn Ngô Thế Vinh, tôi giới thiệu báo Thái Độ và có những liên lạc khá mật thiết giữa Thái Độ và Ngô Thế Vinh, sau này Nhóm Thái Độ in cuốn Vòng Đai Xanh của Ngô Thế Vinh, một cuốn sách không làm vui lòng chính quyền. Tờ báo Thái Độ bắt đầu được biết nhiều trong giới sinh viên, học sinh và giáo chức có tâm huyết thời đó, cùng thời với một số tạp chí cùng khuynh hướng khác như Hành Trình, Đất Nước. Nhóm Thái Độ bắt đầu mở rộng vòng hoạt động bằng cách kết nạp thêm các thành viên. Trần Triệu Luật và Nguyển Trọng Văn là hai thành viên mới, có lẽ do Thế Uyên kết nạp vì liên hệ giáo chức ( Trần Triệu Luật dậy học ở Võ Trường Toản cùng Thế Uyên ) và liên hệ văn hoá , Nguyễn Trọng Văn viết nhiều bài phê bình và lý luận văn học. Vào thời điểm có phong trào đòi hỏi dậy tiếng Việt ở các trường đại học , chống ảnh hưởng văn hóa Tây phương, mà tôi là một thành viên ở trường y khoa, tôi và Thế Uyên đi tiếp xúc và kết nạp hai thành viên của phong trào là giáo sư Nguyễn Tử Quý mới ở Mỹ về và giáo sư /nhà biên khảo sử địa Nguyễn Huy. Sau đó có thêm giáo sư triết Nguyễn Tử Lộc , em ruột Nguyễn Tử Quý, cũng trở thành thành viên của nhóm. Thái Lãng từ Đà lạt gửi về tập truyện ngắn Sương Mù Xám, có khuynh hướng phù hợp với chủ trương của nhóm. Nguyễn Đông Ngạc được gửi lên Đà lạt để kết nạp hợp tác, đồng thời có thêm thân hữu như Nguyễn Quang Tuyến, Trần Hữu Lục, đều là nhà văn, nhà giáo. Với sự tham dự của nhiều thành viên mới, các buổi họp trở nên sôi động hơn, nhiều cuộc tranh cãi được mở rộng trên địa bàn lý thuyết và hành động, giữa chủ nghĩa Quốc Gia do Nguyễn Huy trình bầy trên căn bản lịch sử và tiến triền trên thế giới, Xã hội chủ nghĩa theo Cộng sản như một mệnh đề bất biến, bất khả kháng theo Trần Triệu Luật và Nguyễn Trọng Văn, và Cách mạng xã hội không Cộng Sản như Thế Uyên và những thành viên đầu tiên chủ trương. Cái gì phải đến sẽ đến, trong một buổi tranh luận gay go và không có thể thỏa hiệp, Nguyễn Tường Đằng có nói, nửa đùa nửa thật, nếu tin vào Cộng sản thì chỉ có một con đường là vào bưng mà chiến đấu. Trần Triệu Luật và Nguyễn Trọng Văn rút lui khỏi nhóm, hoạt động với một tổ chức sinh viên thiên tả. Sau đó, Trần Triệu Luật vào bưng và chết vì bom B52. Nhóm văn hóa Thái Độ vẫn tiếp tục hoạt đông, nhưng càng ngày càng bế tắc, một phần là chính phủ bắt đầu dòm ngó đến những hoạt động văn hóa phản chiến, một phần là các sinh hoạt bị xâm nhập bởi những người bên kia, như trường hợp một thành viên mới là nhà thơ Phan Trước Viên ở Đà nẵng, bị bắt và phát hiện là đảng viên Cộng sản đã bẩy năm, do nhà văn Duy Lam khi muốn can thiẽp dùm cho Thế Uyên và nhóm Thái Độ báo tin. Nhóm Thái Độ, cũng như các nhóm Quốc Gia anh hùng mã thượng khác, vẫn góp tiền, mua gạo giúp đỡ gia đình Phan Trước Viên. Phan Trước Viên sau đó tự tử chết sau khi được tha. Tình hình đất nước ngột ngạt vì chính phủ quân nhân Nguyễn Cao Kỳ và sự tham dự càng ngày càng nhiều của quân đội Mỹ. Dân chúng nghèo khổ trong khi sự xa hoa do người Mỹ và các giới chức liên hệ được phô bày lộ liễu. Phía Cộng Sản mở nhiều cuộc tấn công hơn và đã có nhiều tổn thất về phía Việt Nam Cộng Hòa được thông tin về thành phố. Thế Uyên từ lâu đã tập hợp được nhiều sĩ quan cấp úy và cấp tá, dự trù lực lượng để ủng hộ một tướng lãnh có tài và có lòng, có thể thực hiện một cuộc cách mạng kiểu Nasser ở Ai Cập hay Park Chung Hee ở Đại Hàn. Các tướng Nguyễn Chánh Thi hay Nguyễn Cao Kỳ không được coi là người có tài đối với cả nhóm. Mặc dù không ưa những người Cộng Sản, đa số vẫn mơ tưởng tới những lãnh tụ và chuyên viên cách mạng như Fidel Castro và Che Guevera. Malcom X và Martin Luther King Jr. cũng là những tên tuổi ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người yêu nước, muốn tìm một lối thoát tốt đẹp cho miền Nam. Phong trào phản chiến bắt đầu có ảnh hưởng mạnh với những sách được truyền tay như Hoa Sen Trong Biển Lửa của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh hay Fire In The Lake của Frances FitzGerald, cùng với cao trào nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Miên Đúc Thắng và Bob Dylan hay Joan Baez ở Mỹ. Một số lớn thơ của các nhà thơ trẻ đều mang chất liệu chống chiến tranh như Trần Quang Long, Thái Luân, Đỗ Nghê, Nguyễn Tường Giang, Phùng Kim Chú, Phan Lạc Giang Đông …. Thái Độ cho ấn hành một tập thơ với chủ đề chiến tranh và ước vọng hòa bình với thơ của Nguyễn Đông Ngạc, Chu Vương Miện, Nguyễn Tường Giang, Phùng Kim Chú, Phan Lạc Giang Đông, Chu Trầm Nguyên Minh….Chính quyền đã bắt đầu thắt chặt an ninh báo chí, Thái Độ in ronéo phải tạm ngưng. Thế Uyên nhờ một đường dây quen biết qua Duy Lam, vận động xin được giấy phép in tạp chí Thái Độ công khai, chúng tôi gọi là Thái Độ Xám , nhưng chỉ được một hai số cũng bị cắt giấy phép. Đồng thời với sự bế tắc và không có đường hướng phát triển tương lai cho nhóm, cộng với tình hình leo thang chiến tranh của đất nước, những tranh cãi nội bộ xẩy ra nhiều hơn về phương thức hành động và nhất là sự thiếu uyển chuyển trong cư xử cũng như thảo luận của Thế Uyên, một số thành viên như Nguyễn Huy, Nguyễn Tử Quý, Nguyễ Tử Lộc bớt tham dự và sau cùng rút khỏi nhóm. Một lý do khác là tất cả các buổi họp đều có mặt của Nguyễn Thúy Sơn, vợ Thế Uyên, trước đó không tham dự vào những tranh cãi của các thành viên, nhưng sau này hay cho những ý kiến bênh vực Thế Uyên khi bị tấn công. Đối với đa số chúng tôi có liên hệ họ hàng nên không thấy có vấn đề gì và cũng muốn tỏ ra tôn trọng ý kiến phụ nữ, nhưng với một số thành viên khác thì chướng mắt và không nghiêm chỉnh. Nguyễn Huy, một lần được hỏi ý kiến và quyết định một vấn đề đang bàn cãi, đã nửa đùa nửa thật : “để tôi về nhà hỏi ý kiến vợ tôi đã”. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân xẩy ra, Thế Uyên bị gọi trở lại quân đội và làm giảng viên cho chương trình Quân Sự Học Đường, các thành viên khác hoặc bị gọi vào trường sĩ quan Thủ Đức hoặc thay đổi công việc, chỉ còn nhà giáo Nguyễn Đông Ngạc, nhà văn Thái Lãng, Trần Kỳ và tôi còn liên lạc thường xuyên với Thế Uyên. Nhóm quân nhân của Thế Uyên vẫn còn giữ tổ chức, văn hóa bị xếp lại, Thế Uyên quay sang viết sách giáo khoa và dịch sách để bù vào thiếu thốn tài chánh cho gia đình . Những thành viên cũ không còn lại bao nhiêu, dự tính vận động kết nạp thêm các thành viên mới gặp nhiều khó khăn, một phần do hậu quả của trận chiến Tết Mậu Thân, một phần là sự cứng rắn, thiếu tế nhị trong giao tiếp của Thế Uyên. Tôi và Nguyễn Đông Ngạc đã có lần nói với Thế Uyên : ông nên lui vào bóng tối, chỉ để chúng tôi liên lạc và vận động. Dĩ nhiên Thế Uyên không đồng ý và tuyên bố giải tán Thái Độ. Dù sao, tôi, Ngạc, Lãng, Trần Kỳ và mấy người trong gia đình vẫn liên lạc và sinh hoạt đều đặn với Thế Uyên, nhưng trong tinh thần bằng hữu và đồng chí cũ. Nguyễn Đông Ngạc bỏ nhiều thì giờ in sách, lập nhà xuất bản Sóng, thành công khi xuất bản Chuyện Tình ( dịch Love Story của Erich Segal ), Hồi Ký Gia Đình Nguyễn Tường của Nguyễn Thị Thế ( em gái của Nhất Linh, Hoàng Đạo, chị của Thạch Lam và cũng là mẹ của Duy Lam , Thế Uyên) và cuốn Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta (đầy đủ tiểu sử và quan niệm viết văn của 45 tác giả miền Nam). Nguyễn Tường Thiết về trông coi nhà xuất bản Phượng Giang của nhà văn Nhất Linh. Thái Lãng vẽ tranh và trông coi nhà in. Trần Kỳ đi dậy học tư thục. Tôi cùng một số bạn bè xuất bản Tập San Văn Chương, một tạp chí thuần túy văn chương và nghệ thuật, đồng thời thành lập nhà xuất bản Thạch Ngữ.
Cách đây hai năm tôi bay qua Seattle cùng Nguyễn Tường Thiết đến dự kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới của vợ chồng Thế Uyên, không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp Thế Uyên. Vẫn như thói quen mỗi lần chúng tôi gặp nhau là nhắc đến chuyện ngày xưa, những kỷ niệm cùng các bạn bè, kẻ sống người chết, mỗi người lưu lạc một phương. Thế Uyên hồi này đã thôi viết, lâu lâu con trai lại đưa đến một sòng bài trong khu đặc quyền của người Da đỏ để kéo (bấm) máy . Vẫn là Thế Uyên, khi nói đến thú vui này luôn luôn xác quyết: các ông hiền lành quá, không biết chơi bài có nhiều cái rất thú vị, nhất là nhìn thấy những cầu vồng, chim bay hiện ra trên máy, như một bức trnh. Tôi, Thiết và mấy người bạn chỉ cười. Chúng tôi vẫn biết Thế Uyên có tính rất chủ quan, khi biết hoặc thưởng thức một bản nhạc, ăn một món ăn ngon tại một tiệm ăn nào đó, đọc một cuốn sách hay xem một phim mới được chiếu… Thế Uyên luôn luôn nghĩ mình là người đầu tiên hay độc nhất khám phá ra và rất hãnh diện vì sự hiểu biết này. Có lẽ đó là một tính thơ ngây đáng yêu của Thế Uyên và làm cho Thế Uyên luôn yêu đời và đầy tự tin. Đối với chúng tôi đã quá quen thuộc nên không để ý, nhưng tôi đã nhiều lần nghe bạn bè nói gần nói xa, phê phán về bản tính đó. Nhất là một tính đặc thù khác của Thế Uyên là tính ca tụng vợ , Thi/Thúy Sơn , không những trong giao thiệp xã giao mà còn rất nhiều trong văn chương. Một nhà bỉnh bút một lần ngồi ăn với tôi, cười nói: ông nói ông Thế Uyên nhà ông bớt ca tụng vợ đi cho anh em nhờ. Tôi cười: ông để ý làm chi, ai mà không coi vợ mình là đẹp nhất. Cái tính này cũng làm một số bạn bè thân rời bỏ Thế Uyên vì Thế Uyên nghĩ ai cũng để ý và mê vợ mình. Nhưng đối với tôi, vợ chồng Thế Uyên đúng là một cặp uyên ương, theo nghĩa đúng nhất, hai người không thể thiếu nhau. Bây giờ nhìn Thế Uyên và vợ cùng con cháu họp mặt đầy đủ, tôi thấy Thế Uyên là một người hạnh phúc. Thế Uyên và vợ cùng nhau thôi tắt nhửng ngọn nến cắm trên bánh cưới kỷ niệm, cái bánh cưới mà trước đây 50 năm, khi hai người thành vợ chồng đã không có. Một cháu gái lớn đọc một bài thơ bằng tiếng Anh tặng ông nội, một cháu gái khác hát một bài hát mừng kỷ niệm ngày cưới. Thế Uyên ngồi đó, trên chiếc xe lăn, hồn nhiên thưởng thức chiếc bánh ngọt, trông ngây thơ như một đứa trẻ. Thế Uyên càng về già, người mập ra và dáng dấp giống hệt mẹ, tôi tưởng như nhìn lại hình ảnh của bà cô tôi, như mới ngày nào đây. Hình ảnh của mẹ và vợ luôn luôn đầy ắp trong văn chương Thế Uyên, hai nhân vật nữ ảnh hưởng xâu xa đến cuộc đời của Thế Uyên.
Tôi quen biết Thế Uyên đã bao lâu, có lẽ gần cả cuộc đời của tôi. Khi gia đình tôi ở hậu phương được bà nội cho người đón về, bà nội gửi gia đình tôi tá túc ở nhà bà cô tôi, mẹ Thế Uyên, ở Hải Phòng rồi Hà Nội. Nhưng hồi đó tôi còn nhỏ quá và ham chơi cùng em trai của Thế Uyên , cùng tuổi tôi, nên không có một kỷ niệm nào đáng nhớ. Tôi chỉ nhớ một lần Thế Uyên được bố sai đi mua bánh mì baguette mang về, được bố cho một phần bánh mì với bơ Bretel, Thế Uyên bẻ cho tôi một miếng nhỏ và đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món ăn tây phương. Gia đình tôi và gia đình Thế Uyên là hai gia đình nghèo nhất họ, và vì thế chúng tôi là học sinh và sinh viên nghèo kinh niên. Nhưng với Thế Uyên thì cái nghèo đã đeo đuổi suốt cuộc đời. Tôi còn nhớ thời kỳ gia đình Thế Uyên ở một căn nhà xây tự túc rất thô sơ trên phần đất hoang nhỏ thuộc cư xá công binh, căn nhà nhỏ đến độ ai cũng nhìn thấy nhau và đi lại phải cẩn thận tránh né, căn nhà Duy Lam mô tả trong Gia Đình Tôi, luôn luôn trong tình trạng “tu tiên”( không đủ thức ăn). Một buổi tối đến thăm gia đình bà cô, gặp Thế Uyên cho coi một truyện ngắn tôi không nhớ tên, ký với bút hiệu Vi Lao. Tôi hỏi Thế Uyên Vi Lao nghĩa là gì. Thế Uyên nói là lấy từ hai câu thơ của Lý Bạch: “Xử thế nhược đại mộng, Hồ vi lao kỳ sinh”. Không ngờ hai câu thơ đó lại vận vào tính tình của tôi và không có một chút ảnh hưởng nào trong đời sống của Thế Uyên, một người rất năng nổ trong mọi công việc, ham hoạt động và phiêu lưu. Thế Uyên lang bạt kỳ hồ, khi lập gia đình tôi cũng không được biết. Sau khi lấy vợ và có con, đã ở trong quân đội và hành nghề giáo chức, Thế Uyên cũng không thoát khỏi cảnh nghèo. Tôi đã không ít lần phải dọn nhà giúp cho Thế Uyên vì toàn là nhà thuê, và nhà nào cũng chỉ như một căn lều, ở sâu trong các hẻm lao động, mùa mưa lụt lội phải xắn quần men theo những bờ đất quen mới vào thăm Thế Uyên được. Căn nhà tương đối tốt đẹp nhất là căn nhà thuê trong cư xá sĩ quan Chí Hòa, nơi có một thời tôi cũng là láng giềng, và cũng là căn nhà tôi đến ăn giỗ cùng Nguyễn Đông Ngạc khoảng một tháng trước ngày 30 tháng tư 1975.Tuy nghèo, sống trong tình trạng thường trực thiếu thốn, vay mượn thường xuyên mỗi tháng, thậm chí có khi phải qua nhà Chu Việt vay gạo ăn, nhưng Thế Uyên lại là người hào phóng với bạn bè. Những khi có một số tiền đặc biệt như tiền bản quyền sách dịch, sách giáo khoa, hoặc đầu tháng lãnh lương, Thế Uyên lại vội vàng rủ tôi hoặc Nguyễn Đông Ngạc hay một vài bạn bè khác đi uống cà phê hoặc uống bia. Nơi chúng tôi thường xuyên đến là quán Lú, quán Hầm Gió, quán Đa La. Chúng tôi đã thử cần sa trong khi nghe nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn ở quán Lú, xem và nghe Đức Huy, Tuấn Ngọc trình diễn nhạc của Simon và Garfunkel ở Hầm Gió, và nhiều khi tiêu thụ cả một hai két bia, nghe nhạc trẻ của ban Phượng Hoàng cùng Elvis Phương ở quán Đa La. Tôi cũng đã nhiều lần nghe bạn bè than phiền về tính thiếu sòng phẳng của Thế Uyên, nhưng tôi không nghĩ đó là bản tính của Thế Uyên, có thể là vì lúc đó có những nhu cầu thiết yếu, và Thế Uyên luôn nghĩ trong hoàn cảnh như thế, bạn bè phải thông cảm lẫn nhau. Thế Uyên là người có tài trong văn chương, có lòng với đất nước, nhưng không được thời thế đãi ngộ. Cũng như rất nhiều nhà văn của miền Nam và những người có tâm huyết tranh đấu cho một quê hương tốt đẹp trước 1975. Sau khi miền Nam sụp đổ, Thế Uyên cũng như một số nhà văn, nhà giáo, quân nhân khác bị đưa đi học tập cải tạo.
Tôi vừa đi dự lễ cầu siêu cho Thế Uyên, do các cháu con của Duy Lam tổ chức ở Tu Viện Vạn Hạnh vùng Centreville, Virginia. Sau khi ngồi nghe tụng kinh và lễ cầu siêu hơn một giờ đồng hồ, hai chân đau nhừ, lúc đứng dậy phải vịn vai mấy đứa cháu, mới thấy minh đã già. Ngồi ăn bữa cơm chay cúng dường, tôi cùng Duy Lam, Chu Việt, Nguyễn Tường Đằng lại quanh quẩn nhắc đến những kỷ niệm với Thế Uyên và Thái Độ. Duy Lam khoe là đã viết một bài 25 trang gửi cho Da Mầu về những kỷ niệm với Thế Uyên và cho biết đó chỉ là một phần nhỏ những điều Duy Lam muốn và sẽ viết về Thế Uyên. Nguyễn Tường Đằng nhắc lại những bạn bè sinh hoạt ngày xưa, luôn nhắc tới mấy câu thơ của Phan Trước Viên:” này là hận thù này là tình thương cao ngất, cao hơn nóc hầm của mẹ tránh bom, cao hơn cây đa hồi chưa tróc gốc, cao hơn đình làng có đôi tổ chim”. Có thể đó là những dấu ấn khi Nguyễn Tường Đằng cùng tôi tản cư ở một làng quê heo hút vùng Nhã Nam, Yên Thế. Chu Việt thì đã hơi nghễnh ngãng, nhắc lại những kỷ niệm khi đi xin giấy quay ronéo cho Thái Độ do một người bạn ở nha quân nhu cung cấp và dịch Les Centurions của Jean Lartéguy cho Thái Độ Xám. Thời đó nhà của Chu Việt tương đối khang trang và khá rộng rãi nên thuờng được Thái Độ mượn cho những sinh hoạt văn hóa ngoại vi. Những ngày Phạm Duy mang đàn đến hát và Tạ Tỵ ngồi vỗ tay trên đùi luôn miệng : hay thật, hay thật. Những buổi ngâm thơ của nhóm, tiệc trà bánh ngọt tiếp bạn bè thân hữu ủng hộ Thái Độ. Buổi tổ chức nghe Miên Đức Thắng hát nhạc của chính tác giả, nhưng bàn nhạc rất nặng về tình tự quê hương, chiến tranh tàn phá và ước vọng hòa bình. Bây giờ đã gần 50 năm qua rồi. Duy Lam báo tin là sắp triển lãm tranh tại một câu lạc bộ văn hóa Mỹ địa phương, triển lãm đầu tiên của một họa sĩ Á châu. Tôi nhìn Duy Lam và nhớ đến Thế Uyên. Hai anh em đều có một sức sống mãnh liệt, sáng tác và hoạt động không ngừng nghỉ, đầy những ảo tưởng về hào quang văn hóa và chính trị và đầy lòng kiêu hãnh về những thành quả của mình. Tôi tự hỏi có phải là do tính di truyền của mẹ, em ruột của Nhất Linh , Hoàng Đạo và chị của Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách. Tháng trước khi đi dự đám tang của chú tôi, nhà văn nhà cách mạng Nguyễn Tường Bách, tôi cũng rất hổ thẹn khi được nhắc lại chú tôi di cư đến Mỹ khi đã 72 tuổi, nhưng ông đã rất hăng say viết sách, hoạt động chính trị và để lại những dấu ấn sâu đậm cho cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Một sự trùng hợp thú vị là cả chú Nguyễn Tường Bách và cháu Thế Uyên đều từ bỏ Quốc Dân Đảng và chủ trương “ Cách Mệnh Xã Hội” theo mô hình các nước Bắc Âu*. Một người sống bên Trung Quốc, một người sống ở miền Nam Việt Nam, không thư từ liên lạc, cách nhau 16 năm đều có những suy nghĩ giống hệt nhau và cùng thất bại. Phải chăng Cách Mạng Xã Hội Không Cộng Sản chỉ là một ảo tưởng của những người lãng mạn và cả hai đều là những người lãng mạn cuối cùng của thế hệ Tự Lực Văn Đoàn. Còn tôi, không biết là vì tính di truyền từ người cha mất sớm hay vì trí nhớ đã in đậm dấu hai câu thơ của Lý Bạch:” Xử thế nhược đại mộng, Hồ vi lao kỳ sinh” mà Thế Uyên đọc cho nghe khi còn trẻ, để cho đến bây giờ, ở tuổi trên bẩy mươi, vẫn cảm thấy đời mình là một khoảng không.
01 tháng bẩy năm 2013.
NGUYỄN TƯỜNG GIANG
(*) Tháng 3. 1949 chúng tôi thoát ly Quốc Dân Đảng và thành lập nhóm “ Cách Mệnh Xã Hội” với chủ trương chống chuyên chính vô sản và tư bản bóc lột; thực hiện một chế độ “xã hội chủ nghĩa”nhưng không độc tài theo lối Bắc Âu. Tờ báo Cách Mệnh Xã Hội ra được vài số rồi ngưng xuất bản.( Lâm Lễ Trinh: Mạn Đàm Vói Bác Sĩ Nguyễn Tường Bách ).
Vào những năm chót 60 và đầu 70, ở Sài Gòn xuất hiện một nhóm văn hoá lấy tên là THÁI ĐỘ…Mục đích là để tiến tới thực hiện một cuộc cách mạng không cộng sản, theo một khuôn mẫu tương tự các nước xã hội Bắc Âu như Na-uy, Thụy-điển… Chúng tôi tin tưởng rằng chỉ có phương sách thực hiện cuộc cách mạng xã hội (không cộng sản) mới thắng được Cộng sản. Đối với chúng tôi, tiếp tục chiến tranh hiện nay chỉ có ý nghĩa nếu cuộc chiến này ( với sự trợ giúp của quân đội Mỹ) là một ngăn bờ, một cầm cự để những người quốc gia có đủ thì giờ làm cách mạng. ( Thế Uyên: Nhóm Thái Độ; Những Người Lãng Mạn Cuối Cùng.).
Nguồn: Da Màu