Tuesday, September 15, 2020

1758. QUANG ĐĂNG Ngày không như mọi ngày


 Tôi thường thức dậy rất sớm lúc chùa Lâm Tế gần nhà đổ những hồi chuông đầu tiên. Sau đó ngồi vào bàn và viết. Từ hôm dịch Covid- 19 lan rộng thói quen cũng thay đổi. Thay vì viết lại mở máy đọc tin tức vì thật ra cũng chẳng viết được,  con virus đáng sợ đã đánh bật mọi ý tưởng đang lởn vởn trong đầu.
Lúc dịch bệnh chỉ mới xuất hiện ở Vũ Hán, hàng ngày tôi đọc lướt qua các tin vì ngỡ cũng giống các trận dịch trước không ảnh hưởng gì nhiều đến Việt Nam, thậm chí đầu tháng hai còn về Tuy Hòa dự một buổi họp lớp. Nhưng đến khi tình hình Vũ Hán trở nên nghiêm trọng và số người dương tính với virus trong nước tăng dần tôi không còn thờ ơ như trước nữa.
Thoạt tiên tôi thu nạp nhiều nguồn tin. TV, báo mạng, Facebook, Zalo, tin trong nước, tin ngoài nước. Lúc này những gì liên quan đến cơn sốt Vũ Hán đều không bỏ sót: con số tử vong nhảy múa, ngôi chợ bán động vật hoang dã, đường phố không một bóng người, các bệnh viện dã chiến, nhật ký của một nhà văn. Tiếp theo là Hàn Quốc, Ý, các nước Châu Âu rồi Mỹ cùng một kịch bản lây lan và chết chóc tăng chóng mặt y hệt Vũ Hán. Tin trong nước thì nay địa phương này xuất hiện ổ dịch, mai khu phố kia bị cách ly. Các chuyến bay từ nước ngoài về chở theo không ít người mang mầm bệnh. Học sinh nghỉ học. Lương thực, thực phẩm ở các siêu thị, chợ cháy hàng. Hàng không, xe lửa, xe taxi, xe bus, du lịch, hàng quán, mọi dịch vụ đều ngưng trệ.
Không dưng nạp cùng một lúc số lượng lớn tin tức cộng với việc hạn chế đi ra ngoài khiến đầu óc tôi trở nên quá tải, căng thẳng thấy rõ. Tưởng chỉ mỗi mình tôi, hóa ra nhiều người cũng rơi vào trạng thái tương tự. Có lần tôi gọi điện cho nhà văn NM. Mãi một lúc sau mới có tiếng trả lời: Anh đang thiu thiu ngủ. Thời tiết lúc này thật khó chịu, sắp giao mùa nên người anh cứ bần thần. Không phải do thời tiết, anh ở lâu trong nhà nên đâm ra như thế. Còn hỏi nhà văn ĐCL đang làm gì, viết gì? Anh đang lơ ngơ không làm gì hết. Tôi có cảm giác đang sống lại những ngày Tết Mậu Thân năm 68 hay tháng 4/75. Lúc nào cũng hoang mang, nơm nớp lo sợ chẳng làm được việc gì ngoại trừ nghe ngóng tin tức và chạy đi mua nhu yếu phẩm. Tôi định sẽ thôi đọc tin tức hay hạn chế bớt nhưng không thể nhất là khi Coronavirus xuất hiện ở một hẻm đường Bùi Viện gần nhà và sau đó là ổ dịch bar Buddha ở quận 2.
Sở dĩ tôi nhắc những ngày chạy loạn hồi nhỏ vì tin tức lúc này đưa đến dồn dập kiểu đánh nhau tới đâu rồi? Kẻ thù giấu mặt đang tấn công gần hết thế giới. Tin Covid- 19 tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Giữa một rừng tin tức nóng hổi thật, giả lẫn lộn bỗng dưng sức đọc của tôi khựng lại. Không phải tôi bị bội thực hay tin tức bão hòa mà do ngày nào cũng chỉ đọc một loại tin nên cảm xúc chai đi, chưa kể nếu cứ sa vào các tin tức bi quan rất dễ nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Nghĩ như thế nên thay vì đọc ngấu nghiến mọi thứ như trước, hàng ngày tôi chỉ xem bảng tổng kết số người nhiễm virus, số người tử vong, số ca hồi phục ở một vài điểm nóng trên thế giới như Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp và một vài tin chính. Không lâu sau đó tôi viết được trở lại. Chủ biên NM cũng vừa khoe cuốn sách được thực hiện trong mấy tháng ngồi nhà. Các bài viết mới của nhà văn ĐCL cũng dần xuất hiện trên FB. Tôi cho rằng đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là khả năng thích ứng trước những vụ việc có tính chất kéo dài cho dù cao trào đến đâu.
Nói như thế không có nghĩa tôi không còn quan tâm các tin tức dịch bệnh chỉ có điều đọc khác đi. Chẳng hạn vào Youtube xem Vũ Hán thời tiền Covid- 19 đẹp và hiện đại như thế nào rồi so sánh hạc vàng trong thơ Tô Hiệu ở Hoàng Hạc Lâu ngày trước với bầy quạ bay đen kịt bầu trời Vũ Hán hiện tại. Cũng như xem lượng không khí ô nhiễm giảm đáng kể ở các thành phố lớn như Vũ Hán, Châu Âu, New York, Hà Nội, Sài Gòn trong thời gian cách ly.
Thú thật ở Sài Gòn 40 mấy năm tôi chỉ thích Sài Gòn mấy ngày Tết: sạch đẹp, bình yên, vắng lặng. Mùa Covid- 19 bất ngờ trả Sài Gòn về những ngày Tết kéo dài. Không khói bụi, kẹt xe, huyên náo hình ảnh Sài Gòn đẹp đến nao lòng trên các trang mạng. Mùa hoa dầu tháng tư cũng khiến cho người Sài Gòn có cái nhìn khác hơn về thành phố. Trên các con đường quanh khu vực nhà thờ Đức Bà, những cánh hoa dầu bay xoay xoay trong gió trước khi rơi xuống đường tạo thành những đám lá nâu trông thật lãng mạn. Tương tự tôi cũng thích xem hình ảnh phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội, kinh thành Huế trong những ngày giãn cách xã hội. Hiếm khi nào các di tích này được nghỉ ngơi dài ngày với nét cổ kính và trầm mặc vốn có. Hay hình ảnh tương phản giữa chết chóc và bình yên ở các thành phố của Ý. Một bên là quan tài nằm chật cứng ở các nhà thờ cùng những thành phố ma với vô số lâu đài, thành quách nổi tiếng và một bên là đàn cá bơi lội tung tăng dưới làn nước trong xanh tại các điểm du lịch bị phong tỏa hay tiếng hát, tiếng đàn vang lên từ balcon các ngôi nhà để xoa dịu nỗi đau dịch bệnh. Riêng New York hình ảnh các hố chôn tập thể nạn nhân Coronavirus ở đảo Hart làm cho tôi xúc động mạnh và gợi nhớ chuyến đi năm nào. Quảng trường Times Square, cầu Brooklyn, tượng Nữ Thần Tự Do, nhà hát Broadway, Wall Street, Rockefeller Center…mất bao lâu để New York hồi phục?
Bên cạnh đó tôi cũng thường vào trang nhà của những người bạn thích gần gũi với thiên nhiên, ưa chuộng cuộc sống giản dị, bình yên. Bình minh trên bãi biển. Lọ hoa hồng giá rẻ giải cứu nông dân Đà lạt mùa dịch. Chén mắm ruột cá bò ngày hè miền Trung. Bài hát với các ca từ chiêm nghiệm kiếp người của họ Trịnh. Một bài thơ, đoản văn hay viết vội. Cuốn phim định xem từ rất lâu giờ mới có dịp. Đại dịch dường như khiến người ta sống chậm lại, đơn giản hơn, thiên về khuynh hướng “ Tôi yêu những gì đến tự nhiên”(1) và cũng xít lại gần nhau hơn.
Tôi và một nhóm bạn Messenger vừa theo dõi cuộc trùng phùng rất cảm động của vợ chồng người bạn: vợ Ý, chồng Việt. Cả hai đều là nhà văn. Anh chị lấy nhau lúc anh sang Ý du học cách đây mấy mươi năm. Đến tuổi hưu họ về Việt Nam sống. Hàng năm cả hai đều về Ý thăm nhà và lần nào chị cũng ở nán thêm với gia đình một thời gian. Lần này cũng vậy, tháng 2/2020 anh về Việt Nam trước và khi đến lượt chị các chuyến bay từ Ý về Việt Nam đều bị hủy bỏ vì Coronavirus. Không thể để vợ một mình bên ấy anh tìm đủ mọi cách trở về tâm dịch. Hàng ngày chúng tôi vào messenger hồi hộp dõi theo chuyến hành trình đầy bão táp của anh. Có vé rồi lại hủy, lên phi trường rồi lại về không biết mấy lần. Trời không phụ lòng người, Sài Gòn- Doha- Rome cuối cùng anh cũng có mặt ở Milan giống như lời dự báo trên bìa cuốn sách “ Milano- Sài Gòn đang về hay sang?” của anh vừa xuất bản cách đây không lâu.
Từ câu chuyện vợ chồng người bạn, tôi chợt nhớ đến trường hợp của ông ngoại tôi, liên quan đến một trận dịch tả xảy ra ở Tuy Hòa cách đây hơn 100 năm( căn cứ vào năm sinh của bà ngoại 1900). Ông ngoại tôi có ba anh em. Ông ngoại lớn nhất thứ hai, người thứ ba không rõ có lẽ đã mất từ lúc nhỏ. Người thứ tư là bà cô Bốn lấy chồng ở Phan Rang. Người thứ năm là bà cô Năm tức chủ tiệm chạp phô bà Năm Chên ( gọi theo tên người con gái đầu) ở Ngã Năm Tuy Hòa trước năm 1975 ai cũng biết. Theo lời má tôi kể (thuật lại lời ông ngoại) ba anh em ông ngoại mồ côi cha mẹ rất sớm lúc ông mười mấy tuổi và bà cô Năm còn là một cô bé lên mấy. Nguyên nhân ông bà cố chết trong một trận dịch tả lớn ở Tuy Hòa người chết rất nhiều. Lúc hạ huyệt chính quyền địa phương hồi đó bắt rải vôi trắng xuống mộ cũng như chung quanh nhà để khử trùng. Đây là câu chuyện tôi nghe không biết bao nhiêu lần, chứng nhân lại là những người thân yêu sống chung quanh nhưng cứ nghe xong rồi quên như nghe chuyện cổ tích. Covid- 19 bất ngờ làm tôi nhớ lại. Lạc hậu hay văn minh, dịch bệnh thời đại nào cũng rất đáng sợ.
Cũng trong thời gian giãn cách xã hội, một người bạn gởi cho tôi line cuốn phim “ Tình yêu thời thổ tả” phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Colombia Gabriel Garcia Marquez tác giả cuốn “ Trăm năm cô đơn”. Phim lấy bối cảnh cảng biển Caribbean vào những năm 1880 khi đại dịch thổ tả cướp đi mạng sống nhiều người. Theo tôi chi tiết đắt giá nhất trong phim là chiếc tàu thủy chở đôi tình nhân lớn tuổi với lá cờ vàng dấu hiệu có người bị bệnh thổ tả trôi giữa dòng sông. Khoan nói đến cách bảo vệ mối tình vượt thời gian rất hay và lãng mạn của nhân vật nam chính, ở đây tôi chỉ muốn nói đại dịch nguy hiểm như thế nào. Chỉ cần giương lá cờ báo hiệu dịch bệnh thuyền bè nào cũng phải tránh xa.
Một người bạn vừa post lên FB dòng status rất ấn tượng: “ Thế hệ của chúng ta chứng kiến hai sự kiện lịch sử quan trọng: 30/4/1975 và Covid- 19”. Xét về bản chất hai sự việc hoàn toàn khác nhau song về mặt cảm xúc lại giống hệt nhau: bồn chồn, lo lắng, Que sera, sera? 45 năm trôi qua, cuộc đời mỗi người đều đã có đáp án. Virus cũng vậy sớm hay muộn cũng sẽ tìm được vaccine. Đọng lại gì sau các biến cố mới là điều đáng suy ngẫm: thay đổi cách sống, lãng quên quá khứ, hướng đến tương lai? Hay như vợ chồng người bạn nhà văn sau những bất trắc, chia xa “ chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại”.(2)
QUANG ĐĂNG
Tháng 5.2020
1/ Và Tôi Cũng Yêu Em: sáng tác nhạc sĩ Đức Huy
2/ Thơ Tình Cuối Mùa Thu: thơ Xuân Quỳnh