Một ngày
cuối năm 2019, các ca nghi nhiễm Sars-CoV-2 đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) được
công bố và chỉ chưa tới 10 ngày sau đã có trường hợp tử vong. Tiếp theo là hai
phụ nữ ở Thái Lan và một nam giới ở Nhật Bản cũng bị phát hiện. Sự lây nhiễm từ
người sang người được xác nhận với tỷ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa
tháng 1 năm 2020. Mãi tới ngày 23 tháng 1 năm 2020, Trung Quốc mới quyết định
phong tỏa Vũ Hán nhưng đã quá muộn. Cùng trong ngày này, ở Việt Nam tại bệnh
viện Chợ Rẫy có hai cha con người Vũ Hán bị nhiễm Covid. Dịch âm thầm lây lan
hầu như toàn thế giới. Vào ngày 20 tháng 3, từ bên trời Âu, Italia chính thức
vượt Trung Quốc về số người nhiệm bệnh tử vong và đến ngày 11 tháng 4 thì con
số bệnh nhân tử vong tại Hoa Kỳ lại vượt mặt Italia.
Tính đến 18 giờ 00 ngày 31/8/2020, Thế giới ghi nhận 25.406.588 trường
hợp mắc, 850.878 người tử vong COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; hiện
nay, tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 17.716.766 và còn 6.838.944 bệnh
nhân đang điều trị, trong đó 61.328 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Đất nước
chúng ta dân số non trăm triệu, ở làn sóng ban đầu, chỉ phát hiện có 178 người nhiễm được điều trị nhưng không có người chết
(số tử vong là do hậu quả các bệnh lý nền khác). Làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam bây giờ có thể nghiêm
trọng hơn lần thứ 1 rất nhiều. Khi tôi đang ngồi gõ bàn phím (tính đến
18h ngày 08-09-2020), theo thông báo chính thức,
Việt Nam ghi nhận 656 trường hợp mắc
COVID-19 trong đó có 33 tử vong.
Bạn hữu tôi bước vào năm ôn dịch 2020 này sao
quá nhiều vị rủ nhau lên xe về miền quá khứ: đầu tiên là nhà thơ Lê Phương
Nguyên mất ngày 7 tháng 2 hưởng thọ 78 tuổi tại điền trang Lộc Xuân Đồng Nai;
lần lượt đến nữ
sĩ Hoàng Hương Trang mất ngày 15 tháng 4 hưởng thọ 84 tuổi tại Long Xuyên, kỳ nhân Sao Trên Rừng Nguyễn Đức Sơn mất ngày 11 tháng 6 hưởng thọ 84 tuổi tại
Đồi thông Phương Bối, nhà thơ
Nguyễn Dương Quang mất ngày 29 tháng 4 hưởng thọ 77 tuổi tại Đà Lạt; nhà văn
nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển mất ngày 06 tháng 5 hưởng thọ 74 tuổi tại Quận 12 Sài
Gòn, nhà văn Mang Viên Long mất ngày 22
tháng 7 hưởng thọ 77 tuổi tại Bình Định; nhiếp ảnh gia Thiệu Văn Sinh mất ngày
29 tháng 7 hưởng thọ 72 tuổi tại Hốc Môn Sài Gòn; nhà sưu tập tranh Nguyễn Chí
Sơn mất ngày 11 tháng 8 hưởng thọ 64 tuổi tại Sài Gòn đưa về Phan Rang an táng
và gần đây nhất là nhà thơ Chu Ngạn Thư mất ngày 24 tháng 8 hưởng thọ 71 tuổi
tại Bình Dương.
May
mắn một điều là không vị nào dính mắc dịch Covid nên việc chung sự, phúng viếng
và tiễn đưa dù có phần nào giới hạn nhưng vẫn tươm tất, đủ lễ nghi cần thiết
chứ không phải đìu hiu quạnh quẽ như hình ảnh ghi lại trên các trang mạng từ
lúc chính thức được thay tên bằng con số bệnh nhân nhiễm cho đến khi trút hơi
thở cuối cùng, bị cách ly tuyệt đối với thân nhân kể cả lúc đưa vào phòng hỏa
thiêu.
Hôm
đưa đám một người bạn, dọc đường về tôi vẫn thấy loa phóng thanh và nhiều biểu
ngữ treo ở các ngã tư đường cảnh báo: những người yếu thế (tuổi từ 60 trở lên,
có bệnh nền tim mạch hay huyết áp, tiểu đường) hãy ở yên trong nhà để tránh lây
nhiễm covid. Phố xá lại vắng ngắt. Rờn rợn. Trong thành phố có rải rác một số
điểm dân cư bị khoanh vùng, dựng hàng rào cách ly. Chính quyền yêu cầu tạm dừng
tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc
tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác... Khuyến cáo việc hạn
chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... Không tập trung quá 30 người
tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện...).
Cũng
ngay hôm ấy, sau lời phân ưu, tôi có nói với quả phụ là trong lòng bạn hữu
chúng tôi ngoài nỗi buồn vĩnh ly, thực tình là mừng cho người quá vãng và gia
quyến đã hết cơn khổ ải sau hai năm dài người bệnh nằm liệt giường, chỉ còn da
bọc xương. Chị buồn buồn kể lại phút lâm chung của chồng. Anh ấy thều thào nói
gì như trối trăn. Chị phải cúi sát mặt, cố lắng nghe. Anh lấy hết tàn hơi,
ngẩng đầu lên hôn môi vợ lần cuối cùng rồi thở hắt ra, nhẹ nhàng khép mắt,
miệng thoáng nở nụ cười héo hắt. Chúng tôi cười theo và chảy nước mắt cùng chị.
Tôi
lại nhớ thêm một người bạn đã khuất xa. Cuộc sống khá giả nên có điều kiện hay
giúp đỡ anh em những lúc khó khăn. Những bữa tiệc bù khú đặc biệt khoái nhất là
món giả cầy do đích thân anh vào bếp. Vợ chồng anh qua Texas (Mỹ) thăm gia đình
người con lớn, giao nhà cho thằng thứ nam trông coi. Nó mê cá độ bóng đá nướng
hết xe cộ và cầm cố luôn căn nhà cho xã hội đen. Nhận điện báo, anh lên cơn đột
quỵ phải đưa cấp cứu. Sau hội chẩn, bác sĩ cho hay nếu cứu, sẽ sống thực vật
suốt đời và có ý tế nhị khuyên gia đình nên “giải thoát” cho anh. Đạo lý Á Đông
“còn nước còn tát” thắng! Xuất viện, anh về nước trên chiếc xe lăn sống ngây
ngô như trẻ thơ, vừa ăn xong đã khóc gào than đói được hơn một năm thì mất lúc
nào không ai hay trong sự mệt mỏi, chán chường và ghẻ lạnh của chính những
người ngỡ là… thân yêu nhất.
Người
đầu ấp tay gối với tôi bốn mươi năm chia sẻ cùng nhau biết bao thăng trầm vinh
nhục cay đắng lẫn ngọt bùi, trong những lần vợ chồng tỉ tê chuyện phiếm, đồng
lòng trong gia quy sẽ giản lược, loại bỏ những nghi thức mê tín, ảo não lai
căng như khăn sô áo thụng, trống kèn inh ỏi tốt khốc, đốt rải hàng mã giấy tiền
ô nhiễm… nhưng đến khi nàng sạch nghiệp dương trần, về cõi ngàn thu trước
chồng, dù là tang chủ, tôi vẫn phải chấp theo một phần lề thói thế gian vì các
con ngại tiếng đời dị nghị!
Tôi
có một cô em văn nghệ góa bụa khi còn khá trẻ đã chi khoản tiền không nhỏ sắm
sửa đủ loại hàng mã xe hơi, nhà lầu, ti-vi, tủ lạnh, điện thoại đời mới, đô la,
vàng thỏi gửi xuống cõi âm cho chồng. Trong buổi lễ cầu siêu và hóa vàng, giữa
lúc tang gia đang quỳ nghe sư thầy ê a tụng niệm, chợt cô quên buồn, nhớ ra. Cô
đứng phắt lên mượn cây bút lông, hối hả chấm phá vào dung nhan các hình nhân tỳ
nữ theo hầu cho xấu đi vì “tánh ảnh… dê lắm!”
Thử
nhìn lại mình và những thân hữu quanh đây. Hầu hết đã rơi vào lớp bảy, tám bó
cả. Những thời đã qua. Những đương thời và mai hậu. Đời sống rất đáng yêu, đáng
quý. Ta trân trọng và hân hoan tiếp nhận nó biết là dường nào. Nhưng đến một lúc
khi sức đã cùng, lực đã kiệt, thời đã hết… tôi nghĩ không nên đày đọa thêm thân
xác nữa. Tội nó. Đừng lạm dụng những dây nhợ máy thở, những xung điện kích hoạt
trái tim khô cằn, già cỗi… Hãy giúp nó nghỉ ngơi đúng lúc. An nhiên quay về
thuận lẽ vô thường.
Và,
không có sự lựa chọn nào tốt hơn, đẹp hơn là hỏa táng. Sau đó tùy duyên, tro
cốt sẽ đưa ra sông lớn hay suối nguồn rải xuống, trả về với mênh mông hư không
bởi trái đất này đâu còn thênh thang nữa mà xây lăng lập mộ, giành đất của sinh
linh…