Hoa xuyến chi - Nguồn ảnh: ihs.org.vn
“Hạnh phúc tôi hạnh
phúc tôi từ những ngày con nước về”
(Trên ngọn tình sầu, Từ
Công Phụng)
@
Đợt đầu tiên của cơn
Covid tại Việt Nam đã qua đi nhưng dư chấn của nỗi lo vẫn âm ỉ không dứt trong
mọi người. Với gia đình tôi, nỗi lo càng lớn hơn khi đám cưới của đứa cháu
ngoại đầu tiên đang gần đến và mọi chuyện chuẩn bị nơi đặt tiệc, thiệp mời đã
xong.
Ngày 27 tháng 7, một
công bố tâm dịch Covid mới ở Đà Nẵng, mội chủng mới có yếu tố lây lan từ người
nước ngoài, chúng tôi đang trên chuyến dã ngoại cùng thân hữu nhóm tập san Quán
Văn. Tình trạng càng ngày càng xấu đi. Khi trở về nhà, chuyện đầu tiên tôi nghĩ
đến là những buổi tiệc cưới. May mắn, các con đã kịp hoãn từ các nơi đặt tiệc.
Chỉ còn ngày cưới, đã dự trù dù đơn giản thế nào cũng phải tiến hành vì thời
gian chẳng còn nhiều.
Vợ chồng tôi về
Nhatrang trước ngày cưới một tuần lễ. Chuyến xe car hôm nay có số lượng khách
khoảng 20 người, nhưng đa số chỉ là những người khách đến Phan Thiết. Từ đó,
trên xe chỉ còn lại 6 người khách, và họ cùng xuống Diên Khánh như chúng tôi.
Tinh sương, về đến Vườn
Trầu, Diên Khánh. Nhóm nhà của những người bà con thân thuộc vẫn còn đang im
ắng dù tất cả đều đã thức dậy sớm và uống cà phê từ 4 giớ sáng. Giờ này tất cả
đang tứ tán ra chợ, đi tập thể dục hoặc chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu.
Khánh Hòa chỉ thật sự
an toàn hai ngày sau khi tôi về. Những thông tin có dính dáng tới yếu tố người
về từ Đà Nẵng đã râm ran từ Khánh Vĩnh, từ đường Tô Hiệu khiến tôi hiểu sự xấu
đi sẽ rất nhanh thôi. Dù chỉ làm lễ cưới có mặt hai họ cũng đang là một nỗi lo.
Ngày 10 tháng 8, trước
lễ cưới một ngày, lệnh cấm tập trung trên 20 người của Khánh Hòa có hiệu lực,
dù chưa phải là giản cách xã hội một cách toàn diện.
Buổi sáng, bên nhà gái
gọi điện thoai báo cho con gái tôi, đã phải tháo cổng và rạp theo yêu cầu từ
phía những người có trách nhiệm kèm theo nhắc nhở chỉ được để duy nhất một bàn
tròn và không quá 20 người cho cả hai họ.
Phía chúng tôi, đã được
phép từ chính quyền miễn sao tuân thủ đúng qui định. Một cuộc hội ý cấp tốc để
giảm lượng người từ nhà trai qua rước dâu. Từ 7 xe nhỏ, rút xuống còn 3 xe và
qua tất cả 14 người. Nhà gái đã theo cách của họ, tùy gia giảm cho đúng số
người. Chỉ tính riêng gia đình tôi là 8 người, cộng thêm 6 bà con, kể cả lái
xe. Quả cưới cũng từ những người lớn nhỏ mang đi.
@
Đặc điểm chung của hai
gia đình bên trai và gái tương đối giống nhau. Bà con sống xúm xít nhau. Tuy
gần nhưng nhà ai nấy ở, không có người lạ xen váo. Riêng phía chúng tôi, quần
tụ nội ngoại lên đến gần 20 nhà. Đôi lúc tôi ví như một ốc đảo thương yêu.
Tôi nghe các con bàn
nhau chuyện lễ cưới và hiểu rằng chẳng ai bình tâm dù đã giấu hết lo lắng vào
trong để hai cháu có được một lễ cưới an lành, vui vẻ. Tôi nhìn ra vạt đất phía
trước phía sau, lơ đãng ngắm những vùng hoa xuyến chi đang lắc lư phô những
cánh trắng nhỏ nhắn lắc lư trong gió phớt ban mai. Nếu chỉ một cây xuyến chi có
lẽ chẳng ai để tâm đến cánh mỏng nội đồng này. Nhưng nếu chúng hợp quần cùng
lắc lư theo gió sẽ là một sinh động lung linh. Với phương tây, hoa xuyên chi
biểu trưng cho một tình yêu chung thủy luôn một lòng hướng về người mình thương
yêu. Đó cũng là loài hoa đại diện cho sự trong sáng, ngây thơ của trẻ nhỏ. Tôi
nghĩ đền hai cháu sắp thành duyên. Tôi nghĩ về sự bối rối trong hoàn cảnh ngày
cưới. Hai cháu nghĩ gì? Hãy đơn sơ và thủy chung cùng đời. Chỉ có tâm thành là
quan trọng, chẳng phải lễ nghi, hình thức. Tôi chợt nhớ chiếc chóa đèn pha lê
với hoa văn quanh chóa hình sin mà tôi đã dùng ciment trắng bịt đáy để biến
thành bình cắm hoa lâu nay không sử dụng. Một ý nghĩ trong đầu như một lời chúc
phúc cho hai cháu.
Hạnh và tôi hai người
hai chiếc kéo, gặt những bông hoa dại xuyến chi cùng một kích thước hai tấc,
chẳng mấy chốc đã có hai nắm hoa. Đổ nước vào chóa đèn, cắm hết hoa vào. Những
cánh mỏng đơn sơ đã trở nên lung linh ngời giữa đời thường. Khi tôi bưng vào
sân đặt lên bàn nước, cháu Bi nhà bên chạy vội qua xem và nói “Con tưởng Ba
Long mới mua về, mà cũng đẹp quá phải không Ba Long?”. Mấy cháu tôi vốn đã quen
gọi tôi như thế từ hơn bốn chục năm nay dẫu tôi chỉ với vai trò người dượng.
Tôi trả lời: “ Ừ, đẹp, nó đẹp nhờ quần tụ và đơn sơ, khiêm nhường, trong trắng”
@
Ba chiếc xe chở người
và quả cưới và không dán chữ Hỷ trước xe chạy về phía Hà Dừa. Hôm nay lễ cưới
không cần dùng đến dù chỉ một bàn bởi chúng tôi chỉ đến làm lễ xong rồi về ngay
lại nhà trai.
Tôi nhìn các nhà kế
bên, thấp thoáng dáng gái trai áo quần lịch sự đứng sau cánh cổng. Tôi biết đó
là những nhà bà con bên gái và họ chào đón chúng tôi theo một sự xếp đặt của
gia đình. Họ sẽ chờ đến lúc được báo hiệu để hoàn tất ngày vui của con cháu
mình
Chúng tôi cũng cẩn thận
chỉ vào 5 người và bên đàng gái cũng như thế. Không nhắc sâu đến những trở lực,
chúng tôi nói về tình thân và mong càu hạnh phúc hai cháu. Dường như cả hai
phía họ gái và họ trai gặp nhau bởi tinh thân lạc quan và hổ tương vốn rất quan
trọng đối với những gia đình sống quần tụ bên nhau, nên chúng tôi dễ cảm thông.
Phần tặng quà cho các cháu, cứ tuần tự nhà ai nấy bước qua để hoàn tất thủ tục.
Ngó trước sau chưa bao giờ lên tới con số 15 người trong nhà. Dù chỉ mới ngày
hôm qua lo âu, nhưng bây giờ tất cả đã thở phào nhẹ nhõm. Xong rồi. Đã xong kèm
với rất nhiều nụ cười tươi.
@
Tối nay, sau lễ cưới.
vợ chồng tôi, vợ chồng hai cháu và Win theo xe trở về lại Sài Gòn. Một chuyến
xe mười khách đi giữa cơn mưa nhẹ, Quanh tôi những người trở thành vô danh chỉ
thấy nhau qua hai con mắt còn lại. Khẩu trang với tôi là ám ảnh. Nó là một minh
chứng cho nỗi ám ảnh thời dịch bệnh. Kẻ thù giấu mặt ở đâu và bao giờ phục hồi
đời sống cũ?. Vẳng bên tôi tiếng cười rộn ràng của Trương Văn Dân, tiếng Nhớ
quá nhớ quá của Elena theo nhịp cầu nối mạng sẻ chia. Nước Ý mùa này đã tạm hồi
phục. Hai vợ chồng thỉnh thoảng lại đi bơi nhưng vẫn khát khao niềm vui cùng thân
hữu ngày nào. Thế giới bây giờ ngột ngạt lạ khi phải dung nạp thêm kẻ vô hình,
một kẻ không có trọng lượng nhưng đang đè nặng lên nhịp sống toàn cầu. Những to
lớn vĩ đại đã và đang biến mất. Mammouth biến mất. Khủng long biến mất. Rồng
lửa thánh thần không có thật, chỉ còn trần trụi nỗi người bên nỗi sợ không bóng
hình
Tôi nhìn lại bình hoa
xuyến chi còn tươi trên bàn nước. Nhìn kỹ lại từng cánh hoa bé nhỏ trắng muốt
và tôi phát giác ra phần lớn những cánh hoa đều bị tật nguyền, Có hoa mất một
hai cánh, có hoa chỉ còn lại nhụy hoa vàng trơ trọi. Dẫu vậy chúng vẫn lung
linh. Dẫu vậy chúng vẫn nhẹ nhàng lắc lư dáng vẻ cùng đời như muốn nói: “Bên
nhau ta cứ vui, bên nhau ta cứ cười. mệnh đời là một vô thường, có sá gì một
vài cánh nhỏ tàn rơi”
Đặc điểm của hạnh phúc
chẳng phải là một bảo vật toàn vẹn. Nó nảy sinh từ một tả tơi đau đớn. Bởi từ
đó ta nhận chân đời và biết gìn giữ thương yêu còn sót lại.
ĐẶNG CHÂU LONG
13-08-2020