Sunday, August 9, 2020

1705. TRƯƠNG VŨ Nói Với Chàng Siêu

Trong ảnh: Trương Vũ
Photo by Phạm Cao Hoàng, Vienna (VA), 2016


Dấu binh lửa, nước non như cũ
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương
Phận trai: già ruổi chiến trường
Chàng siêu mái tóc điểm sương mới về (1)
(CHINH PHỤ NGÂM KHÚC)
  
Những năm gần đây, tôi gặp lại nhiều bạn bè cũ, những người mà vào tuổi thanh xuân có ít nhất một lần mơ ước được như tướng quân Ban Siêu của hai ngàn năm trước, một đời duổi rong trên lưng ngựa. Khi gặp lại, tóc của bạn bè tôi đã điểm sương hay bạc xóa. Không được lãng mạn như trong ngâm khúc Chinh Phụ, tóc họ đổi màu không vì rong ruổi chiến trường mà chỉ vì ở trong tù năm tháng dài hơn ngoài đời.

Bạn bè tôi hầu hết đều có tuổi trẻ đầy ước mơ. Trong gần hai mươi năm qua, họ lại phải thu mình hoặc chịu đày đọa trong bẫy sập của thực tế. Thực tế thứ nhất là cái quân lực mà họ phục vụ không còn nữa. Thực tế thứ hai là dù quân lực đó không còn nữa và cuộc chiến đã chấm dứt, họ cũng vẫn phải sống trong lao tù. Thực tế thứ ba, làm cho đời sống lao tù của họ cay đắng hơn, nhục nhã hơn, là vì quân đội đó tan vỡ quá nhanh chóng, tan vỡ trong hỗn loạn, và gần như không có chống cự. Thực tế thứ tư là dù ở tuổi nào, con người cũng vẫn biết mơ ước, và thông thường, chỉ cảm thấy hạnh phúc khi những ước mơ có cơ thực hiện.

Ước mơ, hoang tưởng và giả dối là những cái hoàn toàn không giống nhau. Đời sống ở Mỹ hay ở những nước phương Tây nói chung lại dễ cho phép những cái rất khác nhau này được sống lẫn lộn. Do đó, trước cùng một sự kiện, con người có những phản ứng hoàn toàn khác biệt. Người lạnh lùng, người thích thú, người phẫn nộ, người chua chát, người giễu cợt v.v…

Tôi viết bài này cho những chinh phụ của hai mươi năm cũ mà dấu binh lửa vẫn còn. Đặc biệt, cho những người phải bắt đầu lại cuộc đời ở mái tóc chàng Siêu. Dù ít dù nhiều, họ đều có những ước mơ. Nhọc nhằn hơn cả là phải lựa chọn ước mơ nào để thực hiện cho kỳ được và ước mơ nào nên quên đi. Sự lựa chọn này nhọc nhằn cho bất cứ ai khác, không riêng gì họ.

Cách đây hai tháng, nhận lời mời của một người bạn thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa, tôi đến dự dạ tiệc kỷ niệm ba mươi chin năm thành lập binh chủng này.

Mới vào, tôi chứng kiến những cảnh thật cảm động. Lần đầu tiên trong một buổi dạ tiệc, tôi nghe nhiều quan khách cùng hát theo bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa và hát trong xúc động. Nét mặt của các cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến thuộc đủ lứa tuổi, thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, khi đứng trình diện quốc kỳ, quân kỳ, cùng với tiếng hát của họ đã làm mọi người quên hiện tại. Một không khí hoài niệm bao trùm. Một không khí của tiếc thương, của tình đồng đội, và của định mệnh, thứ định mệnh dành cho những người lính mà loại tuổi xanh của họ đã khiến họ lựa chọn một binh chủng có khả năng đưa họ đến cái chết nhanh hơn.

Tối hôm đó còn có vẻ như một đêm đoàn tụ của nhiều bạn bè xa cách lâu năm. Thời còn trẻ, họ cũng sống lăn lóc với nhau trong quân ngũ, trên chiến trường. Lúc đó, họ không khác nhau mấy. Ngày nay, gặp lại, mỗi người có một đời sống gần như hoàn toàn khác biệt. Có người đã rất thành công trong nghề nghiệp. Có người chưa rành ngôn ngữ mới, chưa biết làm gì để sống. Có người sống ở Mỹ từ 75. Có người trải qua gần mười lăm năm trong lao tù. Cùng tuổi nhau mà người này trông trẻ trung, nhanh nhẹn, còn người kia thì lụ khụ, tóc bạc, răng cỏ không còn. Có người sống khác hẳn đời sống cũ, đạo hạnh như một thầy tu. Có người vẫn hào hoa như ngày còn trong lính. Nhưng khi tiếng kèn chiêu hồn tử sĩ được thổi lên, trông họ thật giống nhau. Không phải chỉ vì họ khoác lại bộ quân phục cũ để trình diện quân kỳ, mà có lẽ vì trên tất cả, vào lúc đó, tình bạn, tình đồng đội, sự hồi tưởng về một tuổi trẻ đã mất và những bạn bè đã mất chế ngự mọi tình cảm của họ.

Phải chi cuộc đời ngừng lại ở đó và thời gian đóng khung ở đó.

Cuộc đời lại tiếp tục theo cách riêng. Bình thản. Bình thường. Và như thế hồn tử sĩ đã được mời gọi trở về trong không khí của một dạ tiệc. Có rất nhiều bài diễn văn và trình diễn văn nghệ giống như ở hầu hết cá dạ tiệc có tánh cộng đồng của Việt Nam. Khi dư âm của tiếng kèn chiêu hồn tử sĩ vẫn còn đâu đó và bài diễn văn của đại diện Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam bắt đầu, thì những tiếng cười nói, giỡn cợt ồn ào cũng bắt đầu nổi lên. Cái ồn ào lên cao độ khi bài diễn văn cuối cùng chấm dứt và khi ban tổ chức chuẩn bị tiễn đưa quốc, quân kỳ.

Lúc đó, bạn tôi, cựu tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến bước lên máy vi âm. Có vẻ như anh lấy hết sức bình sinh để hét lên một tiếng “nghi…ê…ê…m” rung động cả phòng tiệc . Tiếng hô của anh kéo dài hơn bình thường. Tiếng ồn ào giảm dần. Cuối cùng thì tắt hẳn. Tiếng hô của anh cũng ngừng lại ở đó. Nhờ vậy quốc kỳ và quân kỳ được tiễn đưa trong trang nghiêm.

Sau đó, nhạc dạ vũ trổi lên. Vui nhộn. Một số người tiến ra sàn nhảy, dẫn đầu là một cựu trung tướng thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Vợ chồng tôi phải về sớm. Trên đường về tôi còn nghe âm vang tiếng hô của bạn tôi. Tôi hiểu bạn tôi nhiều lắm. Cả tuổi trẻ của anh, anh dành cho binh chủng và đồng đội. Sang Mỹ, hơn mười lăm năm nay, gần như anh chỉ biết có binh chủng, đồng đội, và bè bạn. Nhiều khi tôi có cảm giác là gia đình anh và ngay cả chính anh  cũng không quan trọng bằng. Dĩ nhiên là bạn bè thương anh, rất thương anh. Tiếng hô nghiêm của anh xoáy vào tâm can tôi. Nó khiến tôi nhớ đến tiếng hô của một sĩ quan Nhật trong cuốn phim mới nhất của đạo diễn lừng danh Akira Kurosawa.

Tôi muốn ghi lại đây phần xây dựng của Akira Kurosawa.

Nhan đề của phim là “Những giấc mơ” (Dreams), trong đó ông xây dựng những giấc mơ khác nhau để nói về những ước mơ, những sợ hãi, những ám ảnh trong cuộc đời. Từ giấc mơ của tuổi thơ đến những giấc mơ của tuổi thanh niên, trung niên và sau cùng là giấc mơ của tuổi già. Thật ra cũng có thể coi đây là những giấc mơ của một người trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời người đó. Tôi xúc động nhiều khi xem phần liên hệ đến những người lính, tựa đề “Con đường hầm” (The Tunnel).

Trong phim -tôi đoán đây là khoảng thời gian đầu tiên sau khi Nhật đầu hàng- có một sĩ quan Nhật thất thểu ra về từ trại tù. Chỉ có mình anh, giữa cái yên lặng của núi đồi. Khi gần đến một con đường hầm mà anh phải đi qua để trở về với đời sống bình thường , anh bỗng dừng lại. Từ trong hầm, một con quân khuyển chạy ra, trên người nó mang đầy chất nổ. Nó nhìn anh và sủa. Hình như anh nhận ra nó. Anh hơi sợ nhưng rồi cũng cố mạnh dạn bước vào đường hầm. Chỉ nghe tiếng chân anh vang động. Ra khỏi đường hầm, anh khẽ quay đầu nhìn lại và thấy bóng một người đang chạy ra. Một người lính trang bị súng ống đầy đủ như lúc lâm trận. Anh thốt lên:

“Binh nhì Noguchi?”

Người lính đứng nghiêm –một người lính rất trẻ- gập người xuống chào một cách kính cẩn rồi nói:

“Thưa đại đội trưởng. Chính tôi.”

Sau đó người lính hỏi dồn dập:

“Đại đội trưởng, ông hãy nói thật với tôi đi. Có phải tôi đã tử trận rồi không? Tôi không tin điều đó. Tôi nhớ là tôi đã đi về nhà và đã ăn những cái bánh mẹ tôi đặc biệt làm cho tôi. Tôi nhớ rõ lắm.”

“Noguchi, em đã từng nói với tôi như vậy. Em trúng đạn và ngất xỉu. Rồi em tỉnh dậy. Tôi đỡ em trên tay. Em nói với tôi là em đã đi về nhà và ăn những cái bánh đặc biệt do mẹ em làm. Tôi rất xúc động. Tôi nhớ rõ mồn một. Nhưng… Noguchi. Đó chỉ là một ước mơ. Em mơ ước điều đó khi em hôn mê. Khoảng năm, sáu phút sau em tắt thở. Em chết thật rồi mà.”
  
Noguchi lảo đảo, rồi đứng nghiêm và gào lên:

“Vâng…Nhưng… ba mẹ tôi vẫn tin là tôi còn sống.”

Noguchi khóc. Anh bước vài bước rồi chỉ tay về phía một ánh đèn ở đằng xa, quay lại nói với người sĩ quan:

“Nhà tôi đó. Mẹ tôi và ba tôi đang ở đó. Họ đang chờ tôi.”

Người sĩ quan đến gần Noguchi, nói nhỏ nhẹ:

“Sự thật… em chết rồi. Tôi buồn lắm… Nhưng… sự thật em chết rồi.”

Binh nhì Noguchi mếu máo. Anh lảo đảo bước trở lại đường hầm. Người sĩ quan yên lặng nhìn theo rồi bỗng kêu to “Noguchi”. Noguchi quay lại, đứng nghiêm, bồng súng chào. Người sĩ quan nghiêm chỉnh chào lại. Noguchi thất thểu đi trở lại rồi biến mất trong đường hầm.

Người sĩ quan sắp sửa cất bước. Bỗng anh lại nghe từ trong đường hầm tiếng đi rầm rập của một toán quân. Một toán quân cũng trang bị đầy đủ như khi lâm trận, oai nghiêm, bước đều ra khỏi đường hầm. Anh giật mình thối lui, rối đứng lại nhìn. Khi toán quân tiến đến gần anh, người dẫn đầu hô to ra lệnh toán quân dừng lại, ra lệnh bồng súng chào, rồi dõng dạc nói:

“Trình diện đại đội trưởng. Trung đội 3 đã trở về doanh trại… Hoàn toàn vô sự.”

Người sĩ quan nhìn chằm chặp vào toán quân. Nửa cười, nửa mếu. Một phút im lặng… anh lấy hết bình tĩnh, rối nói:

“Các anh em nghe đây. Tôi hiểu tâm trạng các anh em. Nhưng… sự thật là… Trung đội 3 đã hoàn toàn bị tiêu diệt… anh em đều tử trận. Tôi buồn lắm. Tôi lại không chết để sống sót đến ngày nay. Rất khó cho tôi nhìn thẳng mặt các anh em. Tôi đã tung Trung đội 3 vào trận chiến để rồi tất cả đều bị giết. Lỗi tại tôi. Tôi có thể đổ hết trách nhiệm cho cái phi lý của chiến tranh. Thế nhưng, tôi không làm điều đó được. Không làm sao để tôi có thể phủ nhận cách quyết định thiếu suy nghĩ và thái độ tắc trách của chính tôi. Thế nhưng, tôi đã bị cầm tù. Những năm tháng ở tù, tôi nhục nhã và chua xót đến độ tôi tin là nếu chết được vẫn hay hơn. Giờ này, nhìn thẳng mặt các anh em, tôi vẫn có cùng cảm giác như vậy. Tôi biết các anh em còn đau đớn hơn tôi nhiều. Nhưng… nói thật… tôi mong chết ngoài chiến trường. Tin tôi đi… tôi chỉ mong được chết như anh em. Tôi cảm nhận được nỗi cay đắng của anh em. Người ta gọi anh em là những “anh hùng“, nhưng… anh em đã chết đau đớn như những con chó (2). Thế nhưng, dù gì đi nữa, trở lại thế gian như thế này chẳng chứng tỏ được gì cả. Hãy về lại nơi nằm nghỉ của mình đi. Hãy yên giấc với ngàn thu đi.”

Gài lại nút áo cho nghiêm chỉnh, lấy hết sức bình sinh hô “nghiêm”, hét thật to ra lệnh cho trung đội quay lại. Tring đội 3 làm theo lệnh anh, bước răm rắp trở lại đường hầm. Có tiếng kèn chiêu hồn tử sĩ.

*
Có phải cái ước mơ của Kurosawa là “một sĩ quan dù chỉ ở cấp đại đội trưởng cũng phải chịu ám ảnh và nhận trách nhiệm, với cả đau đớn lẫn thương yêu, về những cái chết của đồng đội, kể cả cái chết của một con quân khuyển mà có lẽ vào lúc tuyệt vọng nơi chiến trường, anh đã cho gắn chất nổ vào người nó và bắt nó lao đầu vào phía địch”? Dầu sao, đây cũng là một ước mơ của rất nhiều người trong chúng ta.

Có ai biết được sự thật trong trận chiến vừa qua, bao nhiêu thường dân Việt Nam đã bỏ mình, và bao nhiêu người còn sống sót đã phải hủy hoại tuổi xanh của họ? Một triệu? Hai triệu? Ba triệu? Có biết bao nhiêu người đã ngã gục, thường dân hay lính, chỉ vì do tham vọng cá nhân, do thái độ vô trách nhiệm, do kém tài năng, do những quyết định sai lầm vội vã của cấp chỉ huy? Không làm sao đếm được. Nhưng với những con người Việt Nam bình thường, đã từng nghe bom đạn, đã từng nhìn thấy xác chết vì bom đạn, đã lăn lóc trên quê hương trong những ngày chinh chiến, cũng hiểu được là con số đó không nhỏ. Đọc các hồi ký chính trị và quân sự của những cựu chính trị gia, cựu tướng lãnh, của cả miền Nam lẫn miền Bắc, mấy ai nghe thấy một lời nhận lỗi? Lính chết, dân chết, đồng bạn chết, nhiều khi chỉ do thái độ tắc trách, hốt hoảng, kém tài, hoặc hèn nhát của cấp chỉ huy ở bất kỳ cỡ nào. Các đài truyền hình Mỹ thỉnh thoảng chiếu đi chiếu lại cảnh những người lính Cộng Hòa vừa chạy vừa bắn bừa bãi vào dân chúng để giành đường thoát vào những ngày cuối của cuộc chiến. Người lính Việt Nam ngồi xem đau thắt cả ruột gan. Ai chỉ huy họ? Tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng, trung đội trưởng nào? Hiện giờ những người chỉ huy này đang ở đâu?

Sách báo Việt Nam ở hải ngoại hàng hàng lớp lớp. Vô số chữ nghĩa đã được dùng để chửi người Mỹ bỏ cuộc, chửi cấp trên, chửi cấp dưới, chửi lẫn nhau. Bao nhiêu chữ nghĩa đã được dùng cho những lời nhận lỗi?

Cuộc chiến triền miên trên quê hương Việt Nam đã cướp mất bao nhiêu tinh anh của đất nước. Đáng buồn thật. Nhưng đáng buồn nhất, là trong suốt sáu trăm năm qua, đâu có phải sự hy sinh lớn lao đó lúc nào cũng hoàn toàn là để bảo vệ đất nước chống ngoại xâm. Trong hơn bốn trăm năm, từ khi đánh đuổi quân Minh đến khi đánh đuổi quân Thanh, chiến tranh ít khi ngưng nghỉ nhưng nào có phải để bảo vệ lãnh thổ. Suốt gần hai trăm năm, vó ngựa chinh phu Việt Nam vượt qua vượt lại sông Gianh cũng chỉ để giết nhau mà thôi. Đi vào nơi gió cát hay xông vào bãi chiến trường, có khi vì bó buộc, vì bổn phận, vì không có cách thoát, mà có khi cũng chỉ do cái lãng mạn của tuổi trẻ. Nhưng dù vì lý do gì, và thây có được da ngựa bọc (chỉ có trong thơ văn!) hay chỉ để làm mồi cho kên kên quà quạ, thì những mất mát như vậy cũng là những định mệnh nghiệt ngã của người trai trẻ Việt Nam. Một vấn đề cần đặt lại là có phải điều này phát sinh từ cái định mệnh nghiệt ngã chung của dân tộc hay đó chỉ là hậu quả của những nhận thức sai lầm về giá trị của đời sống chồng chất từ thế hệ này đến thế hệ khác? Dẫu sao cũng vẫn là điều đau lòng. Phải xót xa lắm, cụ Đặng Trần Côn mới viết những câu:

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn?
(Chinh Phụ Ngâm Khúc)

Thế nhưng, có lẽ cần phải dừng lại một chút để nhìn vấn đề cho kỹ hơn.

Trong loạn ly, cái đau thương đâu phải chỉ đến với người lính. Hay, nói cho đúng hơn, trong loạn ly, cái đau thương lớn nhất vẫn không đến với người lính. Nó đến với vô số người mẹ, người vợ, những đứa con thơ và cho rất nhiều thường dân vô tội. Mà ngoài cái đau đớn, sự hy sinh của những con người đáng thương này thì sự can đảm, sức chiến đấu kiên trì của họ nhiều khi phải được kể là vượt qua những người lính. Những ai đã ở lại miền Nam sau 75 chắc chứng kiến được điều đó. Người cầm súng đã bỏ cuộc nhưng những người không cầm súng đã không bỏ cuộc. Họ phải tiếp tục chiến đấu cật lực với cuộc đời. Và, nếu sau đó, cuộc đời đã không đến nỗi tàn mạt như bãi chiến trường, thì điều đó phải là do công của họ. Chính họ, chớ không phải những người cầm súng, đã khiến cho cuộc đời phải tiếp tục, theo một chiều hướng khác, không theo ý muốn của những người nắm quyền lực mới. Trong tập hồi ký về tù cải tạo của Tạ Chí Đại Trường (3), người viết sử này nói nhiều về họ. Ông cũng ghi lại nhiều chuyện thật mà thường chỉ được nghe những cựu tù nhân kể lại ở ngoài đời. Những chuyện mà khi nghe, người lính Việt Nam không muốn nhớ. Rất ít thấy hay không thấy ghi lại trong những hồi ký khác. Ông kể chuyện những người vợ phải bán thân để nuôi chồng, hay tệ hại hơn, chỉ để chiều chuộng những thói quen hưởng thụ rất vị kỷ của chồng cho dù vào lúc đó các ông ấy đang ở trong tù. Nói chung, thì hầu hết phải vật lộn cực khổ với đời sống, chắt chiu tiền bạc, bồng bế dìu dắt con thơ, băng qua biết bao nhiêu dặm đường để mang quà đến trại học tập thăm nuôi chồng. Có ai đếm được bao nhiêu người đàn bà đã ngã quỵ trong những hoàn cảnh như vậy? Có ai đếm được bao nhiêu trẻ thơ chết oan uổng dọc bờ, bụi nào trên quê hương trong và sau cuộc chiến? Mấy ai gọi hồn họ? 

Cụ Đặng Trần Côn ca ngợi người chinh phu. Nhưng cụ vẫn cảm thông được cái đau đớn của người chinh phụ. Khi vó ngựa những chinh phu Việt Nam vẫn liên tục vờn nhau trên khắp quê hương, cụ chong đèn ngồi viết Chinh Phụ Ngâm Khúc. Cụ chia sẻ nỗi lòng của người chinh phụ hơn. Tác phẩm của cụ sống mãi, có lẽ một phần vì nó gắn với cuộc đời thật. Cho dù, người chinh phụ mà cụ tả trong ngâm khúc chưa đến nỗi tiêu điều, tan tác như người chinh phụ mà chúng ta đã thấy hay đã biết trong cuộc chiến vừa qua trên quê hương Việt Nam. Dĩ nhiên, như đã nói ở trên, ngoài người chinh phụ, còn biết bao nhiêu người khác cũng tiêu điều tan tác như vậy.

Trở lại cuốn phim của Kurosawa. Sau chuyện “Con đường hầm”, ông còn trình bày nhiều giấc mơ khác, liên hệ đến nghệ thuật, đến khoa học, đến nhân sinh quan v.v… Cũng do tài tử đóng vai người sĩ quan thủ vai chính. Cũng có thể, những phần tiếp theo là những giấc mơ của chính anh sĩ quan đó. Sau khi ra khỏi đường hầm, anh tiếp tục cuộc đời của anh, với những ước mơ mới, những ám ảnh cũng như những lo sợ mới. Trên thực tế, sau khi thua trận, người Nhật đã sống như vậy. Họ đã để lại đằng sau lưng cuộc chiến cũ, xông vào những cuộc chiến mới. Họ đã thành công vượt bực, họ cũng đã quên khuấy đi rất nhiều điều phải làm để đời sống có nghĩa lý hơn. Cũng như đã hủy hoại nhiều điều lẽ ra phải được xem là giá trị thật của cuộc đời. Chính vì vậy mà Kurosawa đã phải nói lên những giấc mơ của ông. Những giấc mơ đó không phải chỉ dành cho người Nhật, mà cả cho chúng ta, mặc dù cái hiện thời ám ảnh chúng ta nhiều nhất vẫn còn loanh quanh ở chỗ con đường hầm.

Thử tưởng tượng tâm trạng của tướng quân Ban Siêu ngày xưa khi trở về. Ông sẽ có cảm giác ra sao vào một buổi sáng chợt thức giấc, nghe tiếng trẻ con nô đùa, tiếng chày giã gạo, tiếng khung cửi dệt vải, tiếng thầy đồ dạy học… tiếng sương phụ khóc chồng.

Không biết ông sẽ nghĩ sao nếu có một chàng trai trẻ giống như ông mấy mươi năm trước, hay một người bạn cũ hồn nhiên, đến nói với ông một cách say sưa về ước mơ một đời chỉ có sống trên lưng ngựa?

TRƯƠNG VŨ
Cuối năm 1993
  
(1)    Trích từ bản dịch Nôm được ghi là của Đoàn Thị Điểm do Nguyễn Huy chú giải, nhà Đại Nam (California) in lại.
        
        “Chàng Siêu” chỉ tướng quân Ban Siêu đời Hán, chinh chiến từ lúc còn trẻ, lập được nhiều chiến công, khi trở về thì đầu đã bạc.

(2)    Nguyên văn phụ đề tiếng Anh “I feel your bitterness. They called you “heroes”… but you died… like dogs.”
Phim “Dreams” do chính Akira Kurosawa viết truyện phim và đạo diễn. Ông là người đã thực hiện những phim nổi tiếng nhất của Nhật như Lã Sanh Môn, Địa Ngục Môn…
  
(3)    Hồi ký tù cải tạo của Tạ Chí Đại Trường nhan đề Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài gửi ra từ trong nước, do nhà Thanh Văn (California) xuất bản, 1993.