“Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này.”
(Tô Thùy Yên)
Giải oan cho cuộc biển dâu này.”
(Tô Thùy Yên)
Mặt
Trận Ở Sài Gòn là một tuyển tập 12 truyện ngắn của
Nhà văn Ngô Thế Vinh viết về ký ức thời chiến tranh vào thập niên 1970s, chủ
yếu ở vùng núi rừng Tây Nguyên. Tuy có nhiều chứng nhân trong cuộc chiến, nhưng
tác giả là một chứng nhân hiếm hoi ghi lại một giai đoạn chiến sự khốc liệt qua
các câu chuyện được hư cấu hóa. Điểm đặc biệt của tập truyện ngắn này là có
phiên bản tiếng Anh do một học giả ẩn danh dịch, có lẽ muốn chuyển tải đến độc
giả nước ngoài về cái nhìn và suy tư của người lính phía VNCH.
Tập
truyện ngắn được sáng tác từ những năm chiến tranh trong thập niên 1960s và
1970s, và thập niên 1990s sau khi tác giả đã định cư ở Mỹ. Có truyện viết từ
trước 1975, nhưng sau này ra hải ngoại tác giả viết tiếp. Đó là những câu
chuyện về những lần giáp trận với những người anh em bên kia chiến tuyến, những
trận mưa bom đạn từ trên không, và những cái chết không toàn thân của biết bao
người lính của cả hai bên chiến tuyến. Đó là những câu chuyện về những người
lính khi ra trận thì gan dạ, can trường, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng
sâu thẳm trong nội tâm thì đầy trăn trở về thời cuộc và giàu nhân văn tính.
Ngay cả trong bộ đồ rằn ri xem ra dữ dằn, nhưng qua hành vi và cách nói thì họ
chỉ là những thư sinh nho nhã, đôn hậu. Hay như người y tá trưởng được lưu
dung sau 1975 trong Tổng Y Viện Cộng Hòa vẫn cần mẫn chăm sóc cho những
người lính bên kia chiến tuyến để rồi cũng bị sa thải về quê và sống trong
nghèo nàn, đau khổ. Trong tác phẩm này, Ngô Thế Vinh viết về những cuộc hành
quân trên vùng rừng núi Cao Nguyên, qua Campuchia, về thành phố Sài Gòn. Những
nơi họ đã đi qua để lại nhiều ký ức và những suy tư về thời cuộc và quê hương,
về thân phận tuổi trẻ và tương lai.
Có
những suy tư được bộc lộ rất thật, như trong truyện Mặt trận ở Sài Gòn
mà tác giả lấy làm tựa đề quyển sách. Thật ra, truyện này đã được đăng trên tạp
chí Trình Bầy số 34 trước 1975, và đã làm tác giả gặp rắc rối với chánh quyền
VNCH lúc đó. Trong Mặt trận ở Sài Gòn, tác giả thuật lại một nhóm lính biệt
cách từ rừng núi Tây Nguyên về nơi phồn hoa Sài Gòn, như là những kẻ về từ ‘cõi
chết’. Họ phải đối diện với những phong trào sinh viên biểu tình phản chiến, và
bị giằng co một bên là lý tưởng xã hội và một bên là nhiệm vụ bảo vệ sự ổn định
của xã hội. Người lính chợt nhận ra rằng họ không chỉ đối diện với cái chết
trong rừng sâu núi thẳm, mà còn trực diện với một trận tuyến xã hội với quá
nhiều bất công và thối nát. Đó là một “xã hội trên cao, lộng lẫy sáng choang
và thản nhiên hạnh phúc” ở những người miệng thì kêu gào chiến tranh nhưng
họ lại đứng ngoài cuộc chiến. Vậy thì người lính bảo vệ cái gì đây. Không lẽ
bảo vệ “cho một con thuyền xã hội xa hoa ngao du trên dòng sông loang máu,
nổi trôi đầy những xác chết đồng loại.” Chiến trường của người lính bây giờ
là ngay tại Sài Gòn này, nhưng họ là những chiến binh ngoài chiến trường, chớ
không phải ‘chiến sĩ xã hội.’ Tác phẩm này đã làm tác giả gặp rắc rối với
chánh quyền VNCH lúc đó. Tòa án quân sự VNCH nhận định rằng truyện ngắn “có
luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến
đấu quân đội“.
Chiến
tranh thường là mảnh đất màu mỡ cho tuổi trẻ và những suy tư về dân tộc và quê
hương. Cuộc chiến Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Những xung đột giữa
các học thuyết chánh trị ngoại lai dẫn đến những cái chết thảm cho hàng triệu
người giúp cho thanh niên Việt Nam thường trưởng thành trước tuổi. Người lính
đối diện trước hiểm nguy và cái chết trong giây phút, họ càng suy nghĩ về bản
thân hơn. Tác giả Ngô Thế Vinh nhận xét rất đúng rằng “Trong suốt chiều dài
và rộng của lịch sử, tuổi trẻ Việt Nam đã được nuôi sống bằng những gieo trồng
tang thương và nỗi chết. Tuổi đó không tính bằng tháng năm mà bằng những đổi
thay không gian cùng với gót giày chiến binh của họ — đã và đang còn dẫm nát
từng ngọn cỏ xanh còn sót lại trên quê hương.”
Cũng
trong truyện Nước Mắt của Đức Phật (viết ở thị trấn Krek,
Campuchia, 1971) tác giả viết về một lần hành quân sang Campuchia, và ngay từ
lúc đặt chân đến xứ Chùa Tháp đã gặp ngay những phản ứng kém thân thiện của
người bản xứ. Qua lời nói của một nhà sư, tác giả muốn nói lên tình cảnh éo le
của Campuchia: trở thành một đấu trường trong sự xung đột giữa hai phe người
Việt, và tác giả tự hỏi “Trong cái mênh mang của cơn say lịch sử, có nghĩ
được rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa những người Việt lại có thể xoá nhòa một
nền văn minh Angkor cổ kính.”
Trong
Mặt Trận Ở Sài Gòn, tác giả còn dành nhiều trang viết về những người
đồng minh Mỹ. Những viên sĩ quan cố vấn và giới ký giả với những hành xử tốt và
xấu đều được Ngô Thế Vinh ghi chép cẩn thận qua những câu chuyện tưởng như là
hư cấu. Chẳng hạn như câu chuyện về một viên kí giả tên Davenport (trong Dấu
Ngoặc Lịch Sử) tuy mới vào nghề nhưng đã được gởi đến Việt Nam, và anh ta
đã thể hiện được câu nói dân gian “Nhà báo nói láo ăn tiền”. Davenport chỉ ngồi
trong một quán bar, có máy lạnh, bên cạnh một cô thư ký riêng (có lẽ kiêm thông
dịch viên), vậy mà anh ta viết báo cáo mô tả y như thật rằng Kontum đang sống
trong những ngày nghẹt thở, dân chúng hoảng loạn tìm đường chạy trốn, đường bay
Sài Gòn – Kontum đã bị Hàng Không Việt Nam hủy bỏ, v.v… Nhưng trong thực tế thì
Kontum vẫn sinh hoạt bình thường, người dân vẫn sống yên ổn, và các chuyến bay của
Hàng Không Việt Nam vẫn diễn ra hàng ngày! Trong Chiến Trường Tạm Yên Tĩnh,
Ngô Thế Vinh viết về một nhân vật Larry, mới tốt nghiệp trường y bên Mỹ, anh
chán ghét xã hội Mỹ xung phong vào đoàn y sĩ thiện nguyện đến Việt Nam chuyên
giúp người dân và nạn nhân chiến tranh. Là người Mỹ nhưng Larry ít giao du với
người Mỹ đồng hương, anh chỉ dành thời gian cho chuyên môn và viết sách. Hai
nhân vật tương phản phản ảnh phần nào sự đa dạng trong nhân cách của đồng minh
Mỹ tại Việt Nam trong thời chiến.
Đọc
truyện của Ngô Thế Vinh, người đọc có thể cảm thấy như đọc những ký ức vụn được
lắp ghép lại thành một tác phẩm. Có lúc tác giả viết về vùng Đất Khổ, nhưng lại
liên tưởng đến chuyện của 30 năm trước về nhân vật Kim Đồng của Tô Hoài, rồi
ngay sau đó tác giả viết về một Sài Gòn đã mất tên vào năm 1981. Kim Đồng là
tượng trưng cho giấc mơ cách mạng đẹp đẽ, nhưng 30 năm sau bao nhiêu thế hệ Kim
Đồng nhân danh ‘giấc mơ Việt Nam’ cầm súng M16 hay AK tiêu diệt lẫn nhau. Ba
mươi năm dài làm biến dạng tiếng Việt. Chữ và nghĩa không còn nhứt quán với
nhau.
Cuộc
xung đột ý thức hệ giữa tự do và giáo điều còn tạo nên một cộng đồng dân tộc mà
từ suy tư, hành vi đến ngôn ngữ của họ rất khác với người anh em bên kia chiến
tuyến. Hai người anh em cùng nói tiếng Việt, nhưng là loại tiếng Việt khác
phiên bản. Trong Nước Mắt của Đức Phật, tác giả viết rằng “Trong
30 năm điều mà chúng tôi không tự biết – là mọi suy tư của mỗi người Việt đã
được điều kiện hoá để họ không còn thấy nhau. Nói chuyện với một tù binh cộng
sản Bắc Việt tôi đã không thể tưởng tượng rằng giữa người Việt nói tiếng mẹ đẻ
nhưng chúng tôi đã không còn chung một ngôn ngữ.” Câu văn ngắn đó thiết
tưởng vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay.
Một
cuộc xung đột ý thức khác cũng diễn ra trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Sau 1975,
như chúng ta biết, có hàng triệu người Việt đã liều mạng bỏ nước ra đi, và một
số đông đã được tiếp nhận định cư ở Mỹ. Một thế hệ mới hình thành trên đất Mỹ,
và thế hệ mới có những cái nhìn về Việt Nam khác với cha ông họ. Họ tuy rất bất
bình trước những bất bình đẳng ở Việt Nam, nhưng họ sẵn sàng bỏ thời gian về
quê giúp đỡ đồng bào hơn là cái nhìn cứng nhắc, thậm chí ‘một đi không trở lại’
như thế hệ cha ông. Những cuộc xung đột trong gia đình xảy ra, như giữa nhân
vật Bs Toản và thân phụ của anh về Việt Nam: anh nghĩ về tương lai bên quê nhà,
còn cha ông thì cứ khắc khoải về quá khứ chiến tranh và chia rẽ. Tuy nhiên,
truyện Giấc Mộng Con Năm 2000 có thể xem là một câu chuyện kết thúc có
hậu, khi có những người y sĩ nghĩ đến những dự án văn hóa để ghi lại những
thành tựu của một cuộc di dân vĩ đại.
Đọc
sách của Ngô Thế Vinh, bạn đọc sẽ bắt gặp những chữ nghĩa ngày xưa. Đó là những
chữ chưa bị biến dạng về nghĩa, đó là cách đánh vần theo cách nói của người
miền Nam (dù anh là người gốc Thanh Hoá). Người đọc sẽ quay về với những danh
từ quen thuộc như “chánh phủ“, “chiến hữu“, “kích xúc“,
hay những động từ hết sức dễ hiểu như “men” (trong ‘men dần ra quốc
lộ’). Có những đoạn tác giả viết thật xúc động, như đoạn viết về người lính Bắc
Việt bị chết: “Ngồi bệt xuống đất bên xác hắn, người tôi nặng trĩu mỏi mệt.
Tôi đưa tay vuốt mắt hắn, mi mắt còn ấm nóng khép lại dễ dàng. Một cử chỉ mà
tôi không thể làm cho thằng em khi nó bị tử trận ở Pleime…”
Ngô
Thế Vinh không phải là một cái tên xa lạ trên văn đàn Việt Nam. Là bác sĩ (tốt
nghiệp Đại học Y Khoa Sài Gòn năm 1968), từng làm Y sĩ trưởng Liên Đoàn 81 Biệt
Cách Dù trong quân đội VNCH. Ngay từ thời sinh viên, anh đã viết văn, và từng
làm chủ bút báo sinh viên Tình Thương thời thập niên 1960s. Ngay thời
gian đó, tác giả đã là một cây bút thành danh với những tác phẩm nổi tiếng như Bóng
Đêm (1964), Gió Mùa Đông (1965), và đặc biệt là Vòng Đai Xanh
(1970), tác phẩm đem về cho anh giải thưởng Văn học 1971. Sau này, khi ra hải
ngoại, Ngô Thế Vinh viết cuốn sách nổi tiếng Cửu Long Cạn Dòng, Biển
Đông Dậy Sóng (1996) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch
(2007). Tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng là một cảnh báo
trước về tai họa cho sông Cửu Long do những con đập do Trung Cộng xây dựng trên
thượng nguồn, và những xung đột trên Biển Đông. Có thể nói là tác giả là người
đi trước thời cuộc.
Chẳng
những đi trước thời cuộc, mà qua những trang viết thấm đẫm nhân văn tính trong
tuyển tập này (như chuyện về cái chết của một anh lính cộng sản Bắc Việt, hay
nhân vật lính Mỹ tên Jim bị rối loạn tâm thần sau cuộc chiến), tác giả còn thể
hiện mình là một người trí thức vượt lên mọi chánh kiến.
Từ trái sang phải: Bs Ngô Thế
Vinh, tôi, Gs Lê Xuân Khoa,
Ks Phạm Phan Long, và Ks Ngô Minh
Triết
(Hình chụp ở Laguna Beach, Nam California,
2018)
Nhưng
Ngô Thế Vinh là một chứng nhân của chiến tranh, chứng nhân của “những bi
kịch của một thời nhiễu nhương và lừa dối hào nhoáng.” Anh đã chắt chiu
những trải nghiệm thực tế trong chiến trận ở núi rừng Tây Nguyên và đúc kết lại
thành những tác phẩm mang tính ‘sử thuyết’ hay một dạng historicity, hơn là
tiểu thuyết. Thật vậy, nói là truyện ngắn, nhưng người đọc có thể cảm nhận được
đó là những ghi chép bằng một ngòi bút điêu luyện miêu tả một cách sinh động
những tình huống xảy ra, cùng những quan sát tinh tế. Truyện ngắn hay truyện
dài của Ngô Thế Vinh chỉ là cái cớ hoặc là cái diễn đàn để cung cấp chứng từ.
Các nhân vật trong truyện (ví dụ như bác sĩ Phan) cũng có thể là chính tác giả
hay được tác giả mượn để nêu lên những trăn trở cùng những suy tư khắc khoải
trước chiến cuộc.
Nhà
văn Nguyễn Thanh Việt từng viết rằng tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần;
lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở ký ức. Những ký ức được ghi
chép lại trong Mặt Trận Ở Sài Gòn chính là một cuộc chiến nội tâm vậy. Chính
tác giả trong Một Bức Tường Khác (1991) cũng tự hỏi mình đến bao giờ “mới
thực sự thoát ra khỏi cuộc chiến đã vào quá khứ 17 năm rồi“. Có lẽ tác giả
sẽ không bao giờ thoát khỏi cuộc chiến ký ức. Tuy nhiên, có khi đó là một cái
hay, vì những ký ức đó được viết xuống như là những chứng từ về một cuộc chiến
mà có lẽ nhiều thế hệ người Việt và người ngoại quốc sau này sẽ còn dùng để
hiểu biết đúng và công tâm hơn về cuộc chiến tương tàn kéo dài suốt 20 năm.
NGUYỄN VĂN TUẤN