Năm 2001 đánh dấu một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới cho
toàn nhân loại. Sinh mệnh văn-học hải-ngoại cũng bước vào một giai đoạn mới chuyển
động thế kỷ và lão hóa sau khi đã trải qua những giai đoạn di tản
và lưu vong, tị nạn chính-trị, hy-vọng và hợp lưu và giai đoạn hoài
niệm 25 năm trước đó.
Trong giai đoạn mới này, văn-học người Việt hải-ngoại chuyển động theo lẽ tự nhiên lão hóa và bất ngờ – thêm nhân tố từ trong nước ra nhập cộng đồng hải-ngoại từ nay đa dạng nhưng đa số vẫn là tập thể tị nạn cùng con cháu họ và nói chung mang cùng tâm thức. Từ những năm đầu thế kỷ XXI, sinh hoạt văn-chương hải-ngoại như đã theo dòng sinh hoại mà trở nên trầm lắng, rất ít biến cố và tác-phẩm đáng kể. Các nhà văn thơ đã nổi tiếng từ trước 1975 lần lượt ngưng viết, bệnh tật và qua đời. Những nhà văn lớp tiếp theo cũng thay nhau buông bút nhưng cũng có nhiều người tiếp tục sáng-tác dù không gây tiếng vang quan-trọng. Điểm đặc-biệt đáng ghi nhận là từ vài năm ngay trước và nhất là từ giai đoạn này, nội-dung của từ “lưu vong” có thể bớt được dùng, làm như bớt bi thảm - nghĩa là có hy vọng theo 2 nghĩa: trong nước nới lỏng kiểm soát di chuyển, thăm viếng và du lịch đối với người Việt hải-ngoại về, và nhà văn thơ hải-ngoại có thể nói đến quê-nhà nhiều hơn theo nghĩa gặp lại cụ thể hơn chỉ là nhớ lại! Nhưng cũng có những người sợ cộng-sản làm khó khi 'hồi hương' đã ngưng hoặc chuyển đổi lối viết: “quê-hương“ đã mất, nay có kẻ tìm lại, thấy lại, và “người xưa”, “cảnh cũ” nay thêm hồi kết như những chuyện phong thần hoặc “diễm tình”! Một số nhà văn tị nạn đã hồi hương và đã tiếp xúc với thực-tại mới trong nước; một số liên-hệ văn học (văn và người) đã khó khăn nay dần dà thành hình. Nhiều nhà văn đã thành công vượt thoát những cái nhãn hiệu hoặc kìm hãm các giai đoạn trước đó nhưng nói chung, ở hải-ngoại, văn chương vẫn lưu đày, hoài niệm, và lúc nào cũng tự do, chân-thật hơn!
Trước hết chúng tôi ghi lại
hai đặc điểm riêng của giai đoạn này, đó là việc chuẩn bị và chào đón thiên niên kỷ mới qua sách nghị luận và
báo chí.
Nhìn lại thế kỷ vừa qua đi và để chuẩn bị
năm 2001 cùng thiên niên kỷ mới, Đặng Phùng Quân soạn Hành Trạng Tư Tưởng
Giữa Hai Thế Kỷ (Chủ Đề, 2002) và Phê Phán Hệ Tư Tưởng Mác Xít (2002). Trong cuốn đầu, sau khi nhìn lại
những thành quả và thay đổi cho văn chương và triết học, ông nêu cơ sở cho “phê
bình luận vị lai” (“Thế giới dàn trải trước mặt không phải là một cảnh tượng
mà là một văn bản để khai phá và sao chép” và các nhà tư tưởng, phê bình
văn chương đều “mơ trở thành một nhà địa chí ở khởi điểm một tìm kiếm sau
cùng không phải trên những cá thể mà trên tổng thể của một vũ trụ gọi tên là
Cộng hòa Văn chương”, tr. 33), đặt nghi vấn về sự “khả hữu” của tiểu thuyết
và xác tín rằng nhà văn sử dụng chữ – khác với nhà tu dùng lời và nhà chính trị
dùng chữ qua người khác (tr. 54). Ở cuốn sau, ông phê phán tư tưởng Mác-Xít đã
đến và phải ra đi như thế nào.
Nguyễn Nam Châu của thời tạp-chí Đại
Học (Huế) giữa thập niên 1950, trước khi mất, đã viết Karl Marx, Con
Đường Huyễn Hoặc (2003), với kết luận: “Chủ nghĩa Cộng-sản không thể nào
thực hiện được, dù người ta muốn sửa đổi, chỉnh đốn, bổ túc hay xoay sở làm sao
đi nữa, bởi vì lý thuyết Mác-xít đã sai lầm từ căn bản tri-hệ-thức của nó. Sai lầm trên
mọi phương diện triết học, nhân sinh, xã hội, kinh tế và văn hóa...” và
ông “ước mong rầng một ngày không xa, chế độ Cộng sản sẽ hoàn toàn tan rã
trên toàn thế giới” (tr. 351, 365).
Nghĩa là cả hai ông đều loại chủ nghĩa
huyễn hoặc Mác Xít ra khỏi toàn diện cuộc sống của con người hôm nay và ngày
mai!
*
Nếu bên sáng tác, Hà Thúc Sinh đã nhìn lại
sự nghiệp làm cuộc Tống Biệt Hai Mươi (Xuân Thu,
2009), thì bên báo
chí, tờ Việt ở Úc đã khởi động cho cuộc vận hội mới từ hơn 2 năm trước
đó và tạp chí Chủ Đề ở Hoa-Kỳ tiếp nối về chủ đích dự phóng văn học mới.
Tạp chí Việt ở Úc số 1 ra đầu năm 1998, số cuối 8 giữa năm
2001 - chủ-nhiệm Phan Việt Thủy, chủ-bút Nguyễn Hưng Quốc, phụ tá chủ-bút
Hoàng-Ngọc Tuấn. Việt
chủ xướng một nền “Cộng hòa Văn Chương Thế Kỷ 21”, dùng lý của
hậu-hiện-đại để đưa văn-học Việt-Nam từ “phong thái đình làng” và “tính chất
tiểu nông” ra khỏi chốn lũy tre, đã xuất-bản theo chủ đề cho mỗi số: 1- Số
đặc-biệt về thơ; 2- Sống và viết ở hải-ngoại; 3- Cái mới trong văn-chương; 4-
Tình yêu, tình dục & phái tính trong văn học; 5- Họ đã viết văn, làm thơ
như thế nào?; 6- Văn chương Việt-Nam bước vào thế kỷ 21; 7- Chủ nghĩa
hậu-hiện-đại và văn học Việt-Nam và 8- Lý thuyết, phê bình & sáng tác văn
học. Báo giấy đình bản, đến năm 2002 trở thành báo mạng Tiền Vệ - như
ghi trên tiêu đề nhập vào “là một trung tâm văn học và nghệ thuật trên mạng
lưới thông tin toàn cầu, với hai hoạt động chính là phổ biến các tác phẩm mới
và tiến hành các cuộc tranh luận về văn học nghệ thuật. Mục đích chủ yếu của
Tiền Vệ là nhằm góp phần xây dựng một khối Thịnh Vượng Chung của văn học nghệ
thuật Việt-Nam, nơi, bất chấp những dị biệt về địa lý và chính trị, mọi người
có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để trả công việc sáng tác
trở về đúng nguyên nghĩa của nó: làm ra cái mới”.
Chủ Đề giai phẩm, do Nguyễn Trung Hối chủ trương, xuất-bản ở Portland (Oregon), số 1 ra vào mùa Xuân năm 2000, ngưng sau số 12 năm 2002, tục bản với số 13 (Xuân 2008) và số cuối 15 (Xuân 2009). Mỗi số có một chủ đề chính: 1- Nhìn lại 100 năm văn-học; 2- Những dự phóng về thế kỷ mới; 3- Mùa Thu trong văn chương; 4- Về tiểu thuyết; 5- Họ làm thơ/viết văn cho ai?; 6-Về phê bình; 7- Về mỹ-học; 8- Thời đại phụ nữ; 9- Dục tính & Đồng tính luyến ái trong văn chương; 10- Văn chương lưu vong; 11- Sân khấu / Điện ảnh & Văn chương; 12- Chủ nghĩa & văn chương Hậu-thuộc-địa; 13- Tình Yêu & Cái Chết trong Văn chương; 14-Y học & Văn học / Bệnh tật & Văn chương và 15- Về Chiến tranh & Chiến tranh. “Mỗi số là một tuyển tập gồm những cây bút tiêu biểu ở hải ngoại có xu hướng viết mới về những vấn đề quan yếu tối cần thiết và bổ ích cho những ai yêu văn học” - một vận động văn-chương Hậu-hiện-đại và toàn cầu với sự có mặt và cộng tác của Trần Hồng Châu, Thanh Tâm Tuyền, Đặng Phùng Quân, Hoàng-Ngọc Tuấn, Nguyễn Minh Triết, Trần Văn Tích, Nguyễn Quốc Trụ, Triều Hoa Đại, Hoàng Chính, Phạm Ngọc, Luân Hoán, Nguyễn Vĩnh Long, Cổ Ngư, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Trung Dũng, Thu Thuyền, Lâm Chương, Đức Phổ, Phan Xuân Sinh, Nguyễn Thị Thảo An, Nhật Nguyễn, Hoàng Xuân Sơn, Lưu Diệu Vân, Đặng Mai Lan, Khế Iêm, Nam Dao, Hải Phương, Ngự Thuyết, Tôn Thất Uẩn, Hà Nguyên Du, Nguyễn Vy Khanh,... Chủ Đề vận động, phổ dương cái-mới-thật-mới, với lý luận, phê phán và sáng tác thực-địa Hậu Hiện-đại, Hậu Thực-dân, Hậu Cấu-trúc, Tân Hình-Thức, v.v.
Dọn đường thì không thể không nói đến tờ nguyệt san Thế Kỷ 21 của công ty Người Việt Inc. ở Quận Cam California; số 1 ra tháng 5-1989, số cuối cùng 233 tháng 9-2008. Trong số đầu tiên với chủ đề “Năm lưu vong thứ 15 nghĩ về quê-hương, đất nước, con người”, Thế Kỷ 21 cho biết:“Thế kỷ trước mắt đang được mệnh danh ‘Thế kỷ Thái Bình Dương’. Đất nước quê hương gấm vóc ‘hình chữ S’ truyền lại từ bao đời cha ông, vẫn được mệnh danh là ‘Bao lơn Thái Bình Dương’. Không gian ấy, thời gian này, không thể nào còn đắm đuối trong vòng đói nghèo, bạo lực, suy đồi, tự diệt mãi. Góp lòng góp ý đưa vào cuộc chuyển đổi sinh tử cho hơn 60 triệu con người Việt ngẩng đầu lên, cùng thế giới đi vào thiên niên kỷ thứ ba đầy triển vọng xứng đáng cho con em là mục tiêu, là bầu khí, là hy vọng và là cuộc dấn thân, cuộc lên đường mà tạp chí Thế Kỷ 21 trân trọng đề nghị với quý vị” (tr. 4).
Cũng từ những năm đầu thế kỷ
mới, một số tạp chí hải ngoại dấn thân vào những miền đất mới, taboo, hoang,
lạ, tinh thần khai phóng nhưng nhân bản, tự nhiên – vốn là kỵ tránh trước đó
của văn chương, xã hội. Như trường hợp Hợp Lưu sau khi bứt lằn
ranh chính trị và giải phóng đề tài cùng hiện thực ngôn ngữ văn chương, mở cửa
tính dục và nữ quyền, khi muốn đi xa hơn với chủ đề “Văn Chương Da Màu:
Bước Rẽ của Văn Chương Hoa Kỳ” đáng lẽ đi trên Hợp Lưu số 84 đã phải di dời
sang Thế-Kỷ 21 số 198 tháng 10-2005 thành chủ đề “Màu da và Ngôn-ngữ :
Văn chương di dân Việt trong bối cảnh Hoa Kỳ” do Đặng Thơ Thơ và Nguyễn Hương
thực hiện, v.v. Trang mạng Da Màu bắt ngọn từ đó và nay đã trở thành diễn đàn
văn-chương nghệ-thuật đáng kể dù vẫn bị vài thế lực chính trị hoặc thanh-giáo
phá hoại.
Thế-Kỷ 21 ở 12 năm trước đã sớm nhắm
thế kỷ XXI sẽ tới nhưng nhiều mục đích làm báo hơn và vẫn dựa nhiều vào quá
khứ, nhân sự tự thỏa mãn và cộng tác viên víu thân thế, đã không thực sự tham
gia việc chuyển đổi văn hóa. Việt ban biên tập không hoặc ít quá khứ,
nhưng còn vịn những cây cổ thụ. Chủ Đề ít bám thời cũ, người xưa, nhưng không được ủng hộ với hình thức báo
giấy, trong khi đó dù không toàn diện, Da Màu đến sau sẽ đi xa với không gian
siêu-mạng.
Các tạp-chí thuần túy
văn-chương góp phần làm trưởng thành văn-học hải-ngoại nhưng rồi các tạp-chí
này không sống lâu vì với thời-gian bắt đầu dần chết theo đà lão hóa của cộng
đồng và giới trí thức (người đọc, người viết đều lớn tuổi, bệnh tật, chết; tuổi
trẻ tiếp nối rất ít hoặc hội nhập dòng chính Âu Mỹ). Các tạp-chí văn-chương thì
lâm vào khủng hoảng thứ nữa vì hình như tinh thần gìn giữ văn-học truyền thống,
dân-tộc, dần mất ý nghĩa và sự cấp thiết, và cuối cùng, mạng lưới Internet lớn
mạnh khiến khó có bài vở độc đáo cho báo giấy,... Các tạp-chí văn-học, nghị
luận, tư tưởng lần lượt đình bản: Làng Văn, Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Định
Hướng, Truyền Thông, Hợp Lưu,... Ngoài ra, đã có những cố gắng đẹp
của một số đàn anh hy vọng chuyển lửa văn hóa cho thế hệ sau, với các tạp-chí
như Dòng Việt, Văn Lang, Vietnamologica, Việt Học, v.v., nhưng theo
thiển ý giữa các thế hệ này đã có sự bất cảm thông, văn hóa dị biệt giữa các
thế hệ. Mục tiêu đẹp nhưng thực tế không dễ. Lý do vì thiếu trầm trọng các uy
tín thật về văn hóa, giáo dục, cũng như sự khắng khít giữa các thế hệ nghiên
cứu.
Từ khoảng năm 2014, có hiện-tượng xuất-bản qua mạng lưới thương mại amazon - kỹ thuật mới giúp phát triển lối in sách theo đặt hàng (book-on-demand) và sách báo ebook – nhờ phương tiện dồi dào và cách gởi sách báo phổ biến, nên thành công hơn cách xuất bản từ trước. Tiến bộ kỹ thuật và tin học đã giúp việc viết và xuất-bản dễ dàng hơn, ít tốn kém hơn, nhưng cũng chính lãnh vực tiến bộ này đã khiến thị trường và sinh hoạt sách báo giấy xuống dốc thê thảm. Các tạp chí Ngôn Ngữ, Văn Học Mới từ 2018 nhập dòng xuất bản trực tuyến phát hành rộng lớn này, tuy nhiên sự sống còn lệ thuộc rất nhiều vào người sáng tác, người đọc và văn hóa đọc!
20 năm đầu thế kỷ XXI, vì tình trạng lão
hóa chung và ít biến cố văn học cho nên thơ truyện được xuất bản ít hơn nếu so
với những năm cực thịnh 1985-1986 nhưng nhảy vọt từ khi có khuynh hướng xuất
bản và phát hành trên mạng Internet. Nếu cộng lại thì không biết “tác phẩm” nhiều hay “nhà văn”
nhiều? Có thể nói, người dụng văn nhiều hơn người làm văn chương và có người
càng viết càng ra khỏi văn học sử, hoặc vì không biết ngưng đúng lúc, hoặc quá
tự tin và tháp ngà, hoặc vì thấy in ấn dễ nên dù chưa đủ chín đã tự làm cho
thành nhà văn nhà thơ. Chân thật có thể còn nhưng tài năng và kỹ thuật không
thích hợp hoặc không cảm được người đọc lâu dài? Cũng có khi viết nhiều nhưng
cái cuối cùng mới đáng để ý hơn, phải chăng cũng là vấn đề kỹ thuật hoặc thời
cơ?
ĐẶC TÍNH VÀ NỘI DUNG
Văn-học
hải-ngoại có một đặc điểm có tính bao trùm là tính “chính-trị”
vừa là động cơ, là lý do tồn tại, hiện hữu, vừa là mục-đích. Nếu không tranh
đấu tiêu diệt chủ nghĩa cộng-sản và những thế lực làm kiệt quệ đất nước, làm
dân tộc mất quyền tự chủ thì là tranh đấu, vận động cho tự do dân chủ và quyền
làm người. Mà nhân quyền và quyền dân sự thì phải đấu tranh mới có. Lưu vong vì
đất bằng nổi sóng, vì 'vua quan' thời mới độc ác, mất nhân tính, vì xã-hội
nhiễu nhương, khủng hoảng mà bản thân không được quyền hay không thể ra tay;
lưu vong do đó là để sống còn đồng thời để thực hiện những mục-đích và công tác
này dưới nhiều hình-thức mà văn-chương là một. 20 năm gần đây, tính chất
“chính-trị” không biến dạng
nhưng đã mờ dần trong nội dung. Mặt khác, những tác phẩm về tính-dục, tâm-linh
cũng như cách tân hình thức những năm gần đây đã khiến đề tài chiến-tranh mờ đi
và mất đi tính sống-còn và 'cao cả'.
Nhìn chung, đặc
điểm trội bật của văn-học hải-ngoại trong 20 năm này vẫn là sự gắn liền mật
thiết với thời gian dù yếu tố không gian cũng quan trọng không kém. Đã
25 rồi 45 năm sau, người ta vẫn viết nhiều về đời cũ, ngày xưa, về một thời
chinh chiến đã chấm dứt ngày 30-4-1975 và hậu quả của nó, về đời sống hội nhập,
sinh hoạt cộng đồng mới với con người và thân xác cũ hoặc tự do - tự do con chữ
và đi sâu vào những khuất nẻo của bản năng hoặc đi tìm hạnh phúc hoặc tìm lại
chân tâm chân diện qua những ngõ ngách của bản năng và tâm lý. Người viết hải
ngoại nhiều người có cơ may là sống nhiều cuộc đời ở nhiều không gian,
trong-ngoài, xưa-nay, nay-sau. Nội-dung và các khuynh hướng văn học, ít ra là
các tác phẩm xuất hiện trên tạp-chí văn-học và được xuất bản thường thay đổi
theo những biến cố quan trọng về chính trị, xã hội và văn chương, và trong 20
năm văn-học hải-ngoại này đã cho thấy sức sống của một số khuynh hướng,
nội-dung.
Về thể loại thì tiểu-thuyết về chiến-tranh đa phần và đa
dạng hơn cả phía thi-ca nhưng cũng có những bất cập thường tình. Thể loại, đề
tài đã có những thay đổi, chuyển mình do hoàn cảnh chính trị kinh tế thế giới
và Việt-Nam, từng thời điểm, từng đợt và từng cá nhân văn-nghệ sĩ. “Chiến tranh
lạnh“ lưỡng đầu đã biến dạng thành đa cực; rồi những tiến bộ về kỹ thuật truyền
thông, tin học, mạng lưới Internet gom con người năm châu thành một ngôi làng,
có khi chung “mái nhà“. Những tiếp xúc thù cũ bạn mới cũng mở mắt, đổi đầu và
não trạng nhiều người. Văn học nếu không là sản phẩm thì cũng chịu ảnh hưởng
của thời đại, do đó thay đổi và thêm dạng, mỗi thời một vẻ; ảnh hưởng đó phản
ánh trong nội dung, bút pháp và tiên-thiên ngay cả trong mục đích, nguyên lý
của văn chương, chân lý của công việc văn chương. Nếu có thêm sáng tạo, tấm
lòng và ý thức giá trị cùng sự chân thành sẽ tạo nên độc đáo tư riêng.
Văn
chương và thời đại xưa nay vốn không thể tách rời nhau; người nay hay nói nhiều
về văn-học “môi trường” và “hôm nay”. Đề tài chiến tranh sẽ mãi là một đề tài
lớn, ám ảnh và thách thức các nhà văn. Sau những bút ký chiến trường, những hồi
ký về thời “cải tạo”, làm “H.O.”, chiến tranh đã đi vào các diễn đàn Internet,
trong và ngoài nhưng đã thật sự có những tác phẩm lớn chưa? Đúng ra là có vì
bên cạnh các tác phẩm thuần túy văn chương, có thể nói văn học ta trúng mùa hồi
ký, bút ký của nhiều giới chính trị, quân sự, hành chánh, văn nghệ sĩ và cả
những người như mọi người. Cuộc chiến vừa qua đều được hầu hết những người viết
xa gần nhắc đến. Phong phú và cục diện, quy mô và chủ quan, mâu thuẫn và khó
tin có khi thành hỏa mù cho những người không thường theo dõi hoặc không sống
những biến cố được đề cập. Chuyện được kể nhưng về văn-chương thì đã có nhiều
thất vọng, người đọc như ... bị lừa, nhưng cũng đã có những mầm hy vọng đáng
mừng và những thành quả văn-học đáng kể!
Ở hải ngoại, đã có những trăn trở về
thể hiện qua con chữ và kỹ thuật. Con người hôm nay, con vật tư duy, vẫn kiếm
tìm chân lý và định nghĩa con người. Bản thể làm người nói chung, không biên
giới, cái gạch nối giữa trời và đất. Con người sống cái thời của nó, sống hết
bản ngã mình. Và tình yêu, bi quan hay hy vọng, nhưng thường không thiếu tình
dục, bản năng. Nói tính văn-chương không thể bỏ qua khía cạnh mục-đích, ý hướng
(viết cho ai, để làm gì?) và bên cạnh đó là ngôn-ngữ sử-dụng và bút pháp, làm
văn-chương thì chiến-tranh, quá-khứ sẽ như là hư cấu,... Ngôn-ngữ tinh luyện,
chữ dùng mới, văn cảnh xứ người, ảnh-hưởng văn-học xứ tạm dung hay quê-hương
thứ hai, v.v. đã nhập vào sáng-tác của người làm văn-học hải-ngoại.
Thời này, thơ văn vẫn mạnh về số lượng nhưng không nhiều mới lạ thôi thúc người đọc khám phá và chưa đủ để làm sống động sinh hoạt văn học như trước. Những nhà văn vẫn viết mạnh vào giai đoạn “lão hóa“ của văn học hải ngoại, có thể ghi nhận Hồ Trường An với các truyện dài Hiền Như Nắng Mới (Văn Khoa, CA 2001), Chiếc Quạt Tôn Nữ (Tân Văn, 2002), Màn nhung đã khép (Tân Văn 2003), Đàn trăng quạt bướm (Làng Văn, 2005), Trở Lại Bến Thùy Dương (Làng Văn 2009), các tập truyện Tập Truyện Ma (Tân Văn, 2001), Quà Ngon Đất Quê Nam (Tân Văn 2003), Trăng Xanh Bên Trời Huế (Làng Văn, 2009), Truyền Kỳ Trên Quê Nam (Làng Văn, 2009) và hai tập thơ dung dị Thiên Đường Tìm Lại (Nhận Thức, 2002) và Vườn Cau Quê Ngoại (Cỏ Thơm, 2003). Nguyễn Ngọc Ngạn với những chuyện đời thường của cộng đồng và người Việt mới cũ (Dòng Mực Cũ - Tú Quỳnh 2004, Hồng Nhan, Việt Kiều,...), in Tuyển Tập Nguyễn Ngọc Ngạn “những truyện ngắn tiêu biểu 1980-2002” (Sơn Tây, 2002) và Kỷ Niệm Sân Khấu (Thúy Nga, 2010) – ký ức, kỷ niệm kèm theo những giảng giải từ sưu chép. Hoàng Khởi Phong thêm tập truyện Quán Ven Sông (Thời Văn, 2001) và Đất và Người (Tự Lực, 2012) gồm 24 truyện ngắn và tùy bút mang tính tự-thuật cũng như chân dung văn-nghệ sĩ và sinh hoạt văn-học nghệ-thuật ở hải-ngoại cùng trong nước. Ngô Nguyên Dũng sự nghiệp tiếp nối với các tập truyện Hòn Còng Lửa (2002), Ngôn Ngữ Tuyết (2006) và truyện dài Núi Đoạn Sông Lìa (2017) – ông xuất bản tập truyện Đức ngữ Die Insel der Feuerkrabben (POP-Verlag, 2011). Hoàng Chính tiếp tục xuất bản các tập truyện ngắn Viết cho mẹ ở quê nhà (Văn Mới, 2005), Tình ở Đài Bắc (2007), Một đoạn trong Thánh Kinh (2007), Đêm, từng mảnh (2010), Và Không Ngày Nào Tôi Thấy Hình Tôi (2019) và các truyện dài Thư Tình Viết Muộn (2007), Lời Nguyền Ở Thế Giới Bên Kia (2019). Trừ tựa đầu, các sách khác đều do NXB Nhân Ảnh ở Toronto rồi San Jose CA xuất bản. Hồ Đình Nghiêm tiếp nối thể truyện ngắn với các tập Mùi Hương Trên Đồi (Văn Mới, 2005), Kẻ Âm Lịch (Lotus Media, 2017) và Ngoại Vực ('truyện và chuyện'; Lotus Media, 2018). Khánh Trường in lại 2 tập Truyện Ngắn Khánh Trường (Nhân Ảnh, 2016), tạp bút Chuyện Bao Đồng 2018 và các tiểu thuyết Tịch Dương, Dấu Khói Tàn Tro, Bãi Sậy Chân Cầu đều do nhà Mở Nguồn xuất bản trong cùng năm 2020. Đỗ Tiến Đức tiếp tục sáng-tác và xuất bản tập truyện ngắn Tiếng Xưa (2000) và tập truyện kể Những Câu Chuyện Rất Việt-Nam (Thời Luận, 2006). Võ Kỳ Điền in tuyển tập Câu Hỏi Kiếp Người gồm 30 truyện ngắn và tạp ghi, và tái bản Pulau Bidong, Miền Đất Lạ cả 2 do nhà Nhân Ảnh ở San Jose CA năm 2018.
Ngự Thuyết ra Dấu Chân
2 (Văn, 2005) gồm truyện ngắn và du ký, tiểu luận; truyện dài“Lưu Đày Và Quê
Nhà”(Văn Mới, 2002) và Tuyển Tập Ngự Thuyết (Văn Mới, 2009). Ngự
Thuyết là một nhà văn khởi viết từ khi ra hải-ngoại nhưng đã tỏ ra bút pháp già
dặn, kinh nghiệm văn-hóa và sống cùng tâm hồn nhạy cảm, tỉnh thức đã giúp
tác-giả có cái nhìn sắc bén, tận gốc, như nói thay cho một tập thể đã trải kinh
qua biết bao thử thách, đối đầu và tìm cho mình một đường đi, nếp nghĩ. Hoài
Ziang Duy sau Ông Tướng Sang Sông
(1999) là tập truyện Bốn Ngàn Năm Chen Lấn (Thư Ấn Quán, 2010), tự
truyện Còn Không Chốn Quay Về (Thân Hữu, 2017) và hai thi tập. Nguyễn
Chí Kham đưa hành trình sống và kinh qua vào các tập tiểu-thuyết Thành
Phố Tuổi Trẻ (Việt An, 2004) và Nắng Hồng Phương Nam (Tuổi Xanh,
2003, 1050 tr.). Trần Trị Chi sau tập truyện
ngắn Gia Phả (2003) là những chuyện tình thời chiến, có truyện dài Cải
Ngồng Non (San Jose CA: Tạp-chí Văn, 2008) đưa kịch vào thế giới
tiểu-thuyết và cái hiện tại được tác-giả đào sâu từ quá-khứ và nhắm tới ngày
sau và tương lai của người Việt. Nguyễn Trung Dũng có Vết Đạn Thù
(2004), ghi là truyện dài nhưng thực ra là những chuyện ngắn về các nhân-vật và
biến cố, mỗi chương đánh số riêng, cái nối liền
nhau là chiến-tranh và đất nước Việt-Nam từ Mậu Thân 1968 đến ngày
30-4-1975; kế là Thù Nước Chưa Xong Đầu Đã Bạc (Văn, 2005) tiếp nối
những câu chuyện của Vết Đạn Thù. Hà Phương Hoài có tác-phẩm đầu
tay Cơ Trời Vận Nước (2001), một truyện dài dã sử về những người
con đất Thần-kinh bên cạnh chuỗi lịch-sử từ 1945 đến 1975. Ông sưu tầm và giới
thiệu các bài viết về việc cộng-sản Hà-Nội bán đứng đất tổ, sự kiện và phản
ứng, … với Nam Quan Thương Hận (2002).
Những nhà văn mới của giai đoạn này có Phạm Tín An Ninh xuất-bản các
tập truyện ngắn và bút ký Ở Cuối Hai Con Đường (2008), Rừng Khóc Giữa
Mùa Xuân (TGXB, 2011); ông có giọng văn tự nhiên, truyền cảm, với nội-dung
là những cảnh đời bi đát hoặc khó hiểu, phần lớn ở Việt-Nam sau biến cố tháng
Tư năm 1975. Tiểu Tử xuất hiện trễ trên văn đàn và đã xuất bản
các tuyển tập truyện ngắn Những Mảnh Vụn (Làng Văn, 2004), Bài Ca
Vọng Cổ (2006), Chị Tư Ù (TGXB, 2012) và Chuyện Thuở Giao Thời
(TGXB, 2014) – hai tập sau ngoài truyện ngắn còn có phiếm và tạp văn, biếm họa.
Tràm Cà Mau đã xuất bản Triết Lý Củ
Khoai (truyện và phiếm, Văn Học, 2003), các tập
truyện Rong Chơi Ngày Tháng (2005), Hương Tóc Cố Nhân (2008),
Vợ (16 truyện, 2012) và Nhóm Lửa Yêu Thương (18 truyện, 2016). Dù
tác-giả xác nhận và tái xác định viết mà chơi, cuộc đời là một cuộc rong chơi,
nhưng các truyện của ông toát lên cái khao khát kiếm tìm hạnh-phúc và chân-lý
trong những tình huống đáng ra phải thế này thế kia, từ khi còn trong nước cho
đến khi làm thuyền nhân và tị nạn ở xứ người! Các truyện ngắn của ông đặc-biệt
thành công khi viết về tuổi già. Khởi viết từ phiếm, về sau các truyện đôi khi
bàng bạc pha tính phiếm trong những nhìn đời và quan sát người. Ngọc Cường thuộc gia đình Nguyễn Tường xuất-bản Bèo
Giạt (2014), Hệ Lụy (Người Việt, 2016), Bâng Khuâng (2018). Lê
Thiệp với Đỗ Lệnh Dũng (Tủ Sách Tiếng Quê Hương, 2007) đưa người đọc
trở lại chiến trường xưa, từ cuộc đời của một trung úy quân lực VNCH, rồi đến Lững Thững Giữa Đời (2011) gồm 23 bài ký sự về nhân-vật và sinh hoạt báo-chí ở miền Nam trước 1975 cũng
như ở hải-ngoại. Ông còn có tập bút ký những ngày còn ở quê nhà và 37 đoản văn
về đời-sống mới trong Chân Ướt Chân Ráo (Tiếng Quê Hương, 2013).
Đỗ Quyên từ thơ bước sang viết “tiểu-thuyết thời sự” Trung
Việt-Việt Trung (Người Việt Books, 2016) và “tiểu thuyết châm biếm” Đẻ
Sách (Người Việt Books, 2018) – tập sau là tiểu thuyết tả chân theo trường
phái hiện thực thổ tả, bên cạnh những lối bóng gió, ẩn dụ, châm biếm, và lý lẽ
trí thức đậm đà; tất cả liên tục tiếp nối nhau như một liên-văn-bản. Truyện còn
cho thấy tác giả có khả năng tự trào
đáng kể. Nhờ bản thân đã sinh sống ở nhiều Châu nên kinh nghiệm cộng
đồng, văn nghệ hơn người và làm văn học trong-ngoài đầy đủ nên ông đã có nhiều
nhận xét, quan sát hiện thực đởi và hiện thực giới chữ nghĩa và xuất bản, báo
chí cũng như sinh hoại của các chủ nghĩa, lý thuyết. Nói một cách khác, Đẻ Sách đã như một toàn tập tiểu sử
và sự nghiệp đời làm văn và làm báo cùng du lịch của ông..
Cung Tích Biền định cư trễ ở Hoa-Kỳ tháng 10-2016, đã xuất-bản tập “tân truyện” Xứ Động Vật (Nhân Ảnh, 2018) và tập truyện ngắn Mùa Xuân Cô Mơ Bay (Thao Thao, 2019) và
đang tiếp tục sáng tác đều đặn..
Ở Na Uy, Hoài
Mỹ xuất-bản tập truyện Về Với Biển Cả (Thời Điểm, 2000), bút pháp
nghiêm túc và kỹ thuật truyện đặc biệt. Tâm Thanh sau Thiên Nga Giữa Cõi Người có tập
truyện ngắn Gỗ Thức Trên Rừng (Văn Mới, 2002). Ở Pháp, Đinh Lâm Thanh nhập trường văn
khi về hưu, xuất-bản các tập truyện Bến Nước Đục (2005), Tình Mua
Cuối Chợ (2006), … và tập thơ Quê-Hương, Tình-Yêu và Thân Phận
(2005).
Các nhà văn khác đã xuất bản vào hai
thập niên này: Lê Mai Lĩnh, Ngô Viết Trọng, Tạ Quang Khôi, Đỗ Hùng, Hoàng Đình
Báu, Việt Dương Nhân, Trọng Đạt, Phan Việt Thủy, Vann Phan, An Phú Vang, ...
*
Một đặc điểm nữa là hiện tượng tự truyện. Nhiều nhà văn trong số vửa kể đã lấy đời sống và kinh nghiệm bản thân
làm chất liệu. Với một số tác giả, quá khứ như đối tượng của một đặt lại vấn đề
cho hôm nay hay ngày mai. Tự truyện là văn bản bám vào hiện thực; người viết
truyện kể lại như sống lại quá khứ qua tâm tưởng và ký ức, cảm tính hay ý thức.
Tự truyện tức kể lể chuyện cũ, chuyện đã xảy ra. Dù gì thì đó là của một con
người có hữu thể, thực tính, đã sống thật, truyện có khi trọng tâm chỉ ở cuộc
sống cá nhân người đó, cuộc đời hoặc nhân cách con người đó. Trong tự truyện,
cái Tôi này là cái Tôi văn chương, cái còn lại sau khi đã được văn chương gạt
bỏ những bình thường của thường ngày. Mỗi truyện là một bản, một mảnh của tác
phẩm, của người viết. Vai trò của người viết ở thể loại tự sự quan trọng vì vừa
là nhân vật, nội dung, vừa là người sáng tạo. Có sự khác biệt giữa loại tự sự
hồi ký và tự sự tiểu thuyết, loại sau sử dụng cái Tôi cho mục đích tiểu thuyết.
Tiểu thuyết hóa cái Tôi, tiểu thuyết đời sống và con người tác giả; nghĩa là
vay mượn dù chỉ phần nào. Tác giả chủ động trong vai người kể chuyện và là nhân
vật chính - xưng “tôi“ hoặc ngôi thứ ba hoặc cách khác. Ngoài ra, thể loại tiểu
thuyết tự truyện vốn là một phản ứng lại khuynh hướng cấu trúc. Ở đây, nhân vật
và cuộc đời như được viết lại, một cách tự do và không mẫu mực thể loại!
Bên cạnh là thể-loại hồi ký. Hồi ký là tác-phẩm của một người trong một khung cảnh lịch sử nhưng sự
kiện lịch sử trội bật, phân tích của tác giả quan trọng vì người này có liên hệ
đến những biến cố đó. Bút ký khi tác giả về đời mình hay chuyện xưa mà tác giả
là nhân chứng, nhưng cái riêng mạnh hơn cái khách quan. Các tác phẩm này nói
chung giúp nhiều cho sử gia nhưng người đọc cùng thời với tác giả dễ có những
phản ứng có khi đưa đến tranh luận hay chiến dịch phản công. Hồi ký đã là một
hiện-tượng trội bật và đáng kể trong sinh hoạt
văn-hóa và "căn cước" của cộng đồng người Việt ở ngoài nước. Thể-loại này
đã giúp nhận định, nhìn lại của các tác-giả đã có quá khứ Việt Nam cũng như các thế hệ thứ hai thứ ba sau có nguồn gốc, quê hương và nguyên quán vẫn là Việt Nam. Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI vẫn có
nhiều hồi ký đã được đăng báo và xuất
bản, tuyệt đại đa số viết bằng tiếng Việt, một phần rất nhỏ tác giả viết bằng
ngoại ngữ chính là Anh, Pháp.
Các hồi-ký đáng kể có: Lê Xuân Khoa. Việt Nam (1945-1995): chiến tranh,
tị nạn, và bài học lịch sử. Tập 1. Bethesda MD: Tiên Rồng, 2004; khi tái
bản lần thứ ba - do Người Việt Books 2006, đổi tựa là Việt Nam 1945-1990, Bốn cuộc chiến tranh
và Bài học lịch sử). Tác-giả viết
vì muốn đáp
ứng nhu cầu phải học bài học lịch-sử và đi tìm sự thực về những biến cố đã xẩy ra trên đất nước từ năm 1945. Nhất Linh, Cha Tôi (Gardena CA: Văn Mới. 2006) của Nguyễn Tường Thiết, con
trai út của văn hào. Tháng 6-2020, 14 năm sau, ông cho tái bản Nhất Linh,
Cha Tôi (NXB Phụ nữ, Phanbook. 290 tr.) và ra mắt sách ở Việt-Nam. Ông phổ
biến tiếp phần hồi-ký ngắn in chung với các truyện ngắn trong Căn Nhà An
Đông Của Mẹ Tôi (Văn Mới, 2012). Các hồi ức chung chung về gia-đình nhất là
thân sinh ông; hình bóng, dư luận cùng những người viết tốt về Nhất Linh.
Các hồi-ký ít nhiều gây phán ứng gồm Tôi
Phải Sống (2003) của linh-mục Nguyễn Hữu Lễ, Lớn Lên Với Đất
Nước của Vy Thanh (2006) và 2 tập Hồi-Ký
(Người Việt Books, 2009-2011) của Võ Long Triều.
Ngoài ra, Hiếu Đệ với Lưu Xứ U-Minh (Paris: Hương Cau, 2006),
một hồi ký cô đọng qua hình thức bút ký, về con đường đoạn trường mà ông đã
trãi qua. Hiếu Đệ đã ngồi tù cộng sản 11 năm tại các trại tập trung cải tạo Gia
Trung và Hàm Tân (1976-87) và sau đó bị lưu đày lao động ở vùng U-Minh.
Phan Lạc Phúc tức Ký giả Lô-Răng sau tập bút ký Bè Bạn Gần Xa (Văn
Nghệ, 2000) là Tuyển Tập Tạp Ghi (Văn Nghệ, 2003) và cuối cùng là Một
Thời Oan Trái (Tiếng Quê Hương, 2011). Nhật Tiến trong hai năm 2012
và 2013 đánh dấu sinh hoạt đáng kể về xuất-bản và tái bản của nhà văn, mới thì
có tuyển tập 8 truyện và 2 vở kịch với tựa Mưa Xuân (Garden Grove CA:
Huyền Trân, 2013), hồi ký Nhà Giáo, Một Thời Nhếch Nhác (2012) về
thời-gian dạy học dưới chế độ cộng-sản ở miền Nam và 3 tuyển tập Hành Trình
Chữ Nghĩa gồm những bài viết về sự nghiệp cũng như về thời sinh hoạt văn
nghệ hài hòa ở hải ngoại bên cạnh những thị phi, xuyên tạc ác ý.
Phan Nhật Nam viết Những Cột Trụ Chống Giữ Quê Hương
(2003), một “ký sự nhân-vật” về các tướng Ngô Quang Trưởng, Lê Minh Đảo,
các bạn tù, chiếu hữu, và Chuyện Dọc Đường (2013) là những chuyện thật mà ông sống hoặc chứng kiến
được từ 1975 đến nay khắp nơi Nam-Bắc nước Việt, trong các trại tù, cũng như
trên đường đi xuyên các bang nước Mỹ,... Diệu Tần có tập Hồi Ký
do Làng Văn Toronto xuất-bản làm 2 tập năm 2004. Nguyễn Thanh Ty trong
năm 2005 xuất bản hồi ký Trại Đá Bàn & A30, ông tái bản Dư
Âm Ngày Cũ tập đầu và ra thêm tập 2, tiểu tựa Ngải Hời.
Luân Hoán có tập hồi ký Quá Khứ Trước Mặt
(Nhân Ảnh, 2006) đặc-biệt về giới làm
văn-học nghệ-thuật. Song Nhị có tuyển tập 50 Năm Cầm Bút (Cội Nguồn, 2015). Nhà văn Xuân
Tước có Hồi Ký 60 Năm Cầm Bút (Văn Hóa, 2000). Nguyễn Thạch Kiên
có Búp Xuân Đầu (Phượng Hoàng, 2004), “hồi ức tình cảm xã-hội” dưới
hình-thức tiểu-thuyết, các nhân-vật
thuộc giới văn-học và chính-trị và trải dài từ thập niên 1940 ở Hà-Nội đến
thời-gian ở hải-ngoại. Hoàng Xuân Sơn có “phóng bút” Cũng Cần Có Nhau (Nhân Ảnh, 2013) về một thời sinh hoạt thanh
niên sinh viên CPS, Du Ca, Quán Văn và nhạc Trịnh tại Sài Gòn.
Giáo sư Vũ Quốc Thúc có hồi-ký Thời Đại Của Tôi
(Người Việt, 2010) 2 tập. Hà Thúc Ký có 'hồi-ký chính-trị' Sống Với Dân Tộc (Phương Nghi, 2009) về
cuộc đời làm chính-trị từ trong ra ngoài nước. Trà Nguyễn có Hồi Ký Vượt Ngục
(Tuần Báo Chánh Đạo, 2003) viết về những chuyến vượt ngục tù “cải tạo”.
Huỳnh Công Ánh xuất-bản Hồi-Ký
Vượt Tù Vượt Biển (2017) in chung phần Anh-ngữ Escape To Freedom from
Prison Break Perilous Sea. Vợ chồng
phóng viên Dương Phục và Vũ Thanh Thủy chung viết hồi ký Phóng
Viên Chiến Trường Tình Yêu Ngục Tù Và Vượt Biển (Tủ Sách Tiếng Quê Hương,
2019). Phạm
Vân Bằng có Hồi Ký Tình Yêu (2011). Ngọc
Ánh năm 2017 xuất-bản Ngày Tháng Buồn Hiu (2017) kể chuyện đoạn
trường của gia đình sau ngày miền Nam rơi vào tay CS Hà Nội.
Giáo-sư Lê Thanh Hoàng Dân năm 2018 xuất-bản tập 42 Năm Sống ở Nước Mỹ : Được Gì, Mất Gì? và sau đó hai bộ Nước Mỹ Nơi Tôi Đang Sống và Về Thăm Lại Quê Hương.
*
Từ
những năm cuối thế kỷ XX trước – nay tiếp nối, có hiện
tượng truyện và tiểu thuyết lịch sử. Truyện dựng trên nền lịch sử hay ngoại
sử, các tác giả gửi gấm tâm sự, “làm lại“ lịch sử, phê bình các triều đại. Có
thể họ viết về con người hôm nay hoặc là một cách đi tìm đạt cái Chân Thiện Mỹ,
cái thẩm mỹ văn chương. Nhưng có những nguy hiểm đánh giá sai lạc nhân vật và
sự kiện lịch sử, chủ quan đến quá đà hoặc Cái Tôi được đem ra so đo với người
xưa! Các tác giả tiểu thuyết nói chung và tiểu-thuyết lịch sử nói riêng, có thể
hiện đại hóa, biến hóa ngôn ngữ, nhân vật, ... nhưng có thể nào tin tưởng họ có
thể nói lên “tâm hồn“ của cả một dân tộc? Con người hôm nay khoa học, mất gốc,
xa dần những huyền thoại về nguồn gốc, lại muốn tìm lại gốc gác, nguyên tủy văn
hóa qua tiểu thuyết lịch sử? Xét cho cùng, tiểu thuyết lịch sử hay lịch sử, văn
hay sử, rồi ra cũng là trò chơi của con người, của giải mã và nhất là thuyết
phục! Và cùng với khuynh hướng tiểu-thuyết lịch-sử, nhiều nhà văn đã đến gần
hiện-thực với những chủ-đề, nhân vật mang tính nhân-văn, xã-hội và lịch-sử!
Thời này tiếp
tục có những tác-giả đi xa, trở lùi thời gian, dùng con đường truyện và
tiểu-thuyết lịch-sử. Hoàng Khởi Phong xuất bản tập 2 bộ trường thiên
lịch sử Người Trăm Năm Cũ (Người Việt
Books, 2002) và tái bản cả 2 ở ngoài và trong nước, do Người Việt
Books, Công ty Truyền thông Hà Thế và NXB Hội Nhà văn (2009) cùng tuyển in Hoàng Khởi Phong Toàn Tập (2013) gồm các tập Thơ, Truyện ngắn và Kí sự.
Nam Dao xuất bản ở hải ngoại thời này các tiểu thuyết lịch
sử Đất Trời (Văn Mới, 2002; Người Việt Books, 2015), Bể Dâu (Văn
Mới, 2007; Người Việt Books, 2015) bên cạnh những bút ký Khoảng Chơi Vơi
(ThiVan, 2001), Những Con người, những Bóng ma (Văn Mới, 2006), tập
truyện Trong buốt Pha lê (ThiVan, 2001) và tiểu thuyết Cõi Tình &
Vu Quy (Văn Mới, 2009).
Nguyễn Ước có bộ Trăng
Huyết (Nhân Văn, 2004) dài hơn 1200 trang, trường thiên tiểu thuyết lịch
sử, phóng tác từ cuốn Saigon (Little, Brown, 1982. 789 p.) của Anthony
Grey - tiểu-thuyết này trước đó đã được Nguyễn Văn Phúc dịch và Xuân Thu
xuất-bản trong hai năm 1997-1998 với tựa Sài-Gòn gồm 4 tập: 1. Một nơi
để nhớ; 2. Một chốn để thương, 3. Bùn pha sắc xám, và 4. Hai trăm năm cũ. Trong
nước thì có bản dịch 2 tập của Nguyễn Tấn Cưu (Thông-tin Lý luận; Trẻ Tp.
HCM, 1989). Những chuyện 50 năm bắt đầu với chuyện tình của Joseph Sherman,
ngoại-nhân Hoa-Kỳ có duyên nợ với đất nước Việt-Nam từ 1925 thời trai trẻ cho
đến những ngày cuối của biến cố 30-4-1975.
Đông Duy có Trong Mắt Bão Lịch Sử (2000) và truyện dài Nơi Có Mưa Rào Rải Rác (2014).
Trần Vũ với hãnh tiến, tư duy đặc cá nhân, phong cách viết như phù thủy, mộng du, đi xiếc / đu giây giữa lịch sử với cảm nhận riêng, giữa sự kiện với suy diễn, thời này có những truyện ngắn và truyện vừa như Giáo Sĩ, Vĩnh Yên 1973, Phép Tính Của Một Nho Sĩ, v.v. Trần Vũ hoài nghi lịch sử như đã xảy ra, trước mắt hoặc như đã được chính thức viết, hoài nghi nhiều dữ kiện, lẫn ảo với thực, chiến thắng với hòa bình. Cái hiện tại như không thực, ông như muốn đi lùi lại quá khứ đọc lại con người và lịch sử, dùng nhân vật lịch sử, giả sử hóa để nói đến nhân vật và lịch sử. Trần Vũ khai thác những cái Chết trong chiều kích của loại nhà văn dựng người chết sống lại, viết lại trong một bút pháp nét riêng. Bên cạnh những cái Chết trong salon chữ nghĩa là những cái Chết của goulag, của hồi ký; những cái Chết hiện thực của phi nhân, của chính-trị tà đạo hy sinh con người cho mục đích ngoài con người. Trần Vũ là ngọn bút muốn phóng lại, tự tay lật ngược thế cờ, viết lại, theo suy nghĩ riêng và dùng lý giải phân tâm, “ngoại cảm” để gọi là “làm mới văn-chương”! Hay, nhưng là một tùy tiện sử dụng lịch sử và văn chương. Thiển nghĩ cần phân biệt chân-lý phổ quát với sự kiện lịch sử, ít ra mỗi khi nhắc đến nhân vật và tên tuổi người đã làm nên lịch sử!
Trần Vũ với hãnh tiến, tư duy đặc cá nhân, phong cách viết như phù thủy, mộng du, đi xiếc / đu giây giữa lịch sử với cảm nhận riêng, giữa sự kiện với suy diễn, thời này có những truyện ngắn và truyện vừa như Giáo Sĩ, Vĩnh Yên 1973, Phép Tính Của Một Nho Sĩ, v.v. Trần Vũ hoài nghi lịch sử như đã xảy ra, trước mắt hoặc như đã được chính thức viết, hoài nghi nhiều dữ kiện, lẫn ảo với thực, chiến thắng với hòa bình. Cái hiện tại như không thực, ông như muốn đi lùi lại quá khứ đọc lại con người và lịch sử, dùng nhân vật lịch sử, giả sử hóa để nói đến nhân vật và lịch sử. Trần Vũ khai thác những cái Chết trong chiều kích của loại nhà văn dựng người chết sống lại, viết lại trong một bút pháp nét riêng. Bên cạnh những cái Chết trong salon chữ nghĩa là những cái Chết của goulag, của hồi ký; những cái Chết hiện thực của phi nhân, của chính-trị tà đạo hy sinh con người cho mục đích ngoài con người. Trần Vũ là ngọn bút muốn phóng lại, tự tay lật ngược thế cờ, viết lại, theo suy nghĩ riêng và dùng lý giải phân tâm, “ngoại cảm” để gọi là “làm mới văn-chương”! Hay, nhưng là một tùy tiện sử dụng lịch sử và văn chương. Thiển nghĩ cần phân biệt chân-lý phổ quát với sự kiện lịch sử, ít ra mỗi khi nhắc đến nhân vật và tên tuổi người đã làm nên lịch sử!
Bên cạnh đó chớm
phát khuynh-hướng thử nghiệm tâm linh, huyền thoại và ảo hóa nhưng trong nước
mới thật mạnh mẽ, nhất là từ những năm đầu thế kỷ XXI!
BIÊN KHẢO VÀ TIỂU LUẬN VĂN HỌC
Lãnh vực không thể thiếu của sinh hoạt văn
học này vẫn đa dạng và phong phú trong 20 năm đầu thế kỷ XXI:
Khánh Trường, Nguyễn Vy Khanh và Luân Hoán thực hiện chung bộ 44 Năm Văn Học Việt-Nam
Hải Ngoại (7 tập; Mở Nguồn, 2019. 5000 tr.) gồm 308 tác giả hải ngoại và 42
trong nước, với bài Tựa trình bày chân dung và các giai đoạn của 44 năm văn học
hải ngoại.
Nguyễn Hưng Quốc xuất bản Văn
Hóa Văn Chương Việt-Nam (2002), Sống Với Chữ (2004), Thơ Con Cóc
và Những Vấn Đề Khác (2006), Mấy Vấn Đề Phê Bình Và Lý Thuyết Văn Học
(2007), Văn Học Việt-Nam Thời Toàn Cầu Hóa (2010), Phản Tỉnh Và Phản
Biện (2012), Thơ Lê Văn Tài (2013), đa phần do nhà Văn Mới HK xuất bản. Ngoài ra ông có công
trình nghiên cứu hợp tác thuộc dự án Chủ nghĩa xuyên quốc-gia mới: Di sản
văn-học đa ngôn-ngữ, phần ông đã xuất-bản Văn Học Việt-Nam Tại Úc (Văn
Mới, 2013; tb Người Việt Books, 2014) về các sinh hoạt văn-học của người Việt ở
Úc.
Trần Văn Nam với Trong
Dòng Cảm Thức Văn-Học Miền Nam-Phân Định Thi Ca Hải-Ngoại (“sưu tầm và tiểu luận”; TGXB, 2006) tập hợp
các bài viết về các vấn-đề, biến cố và thể-loại văn-học thuộc giai đoạn Văn-học
miền Nam đến Văn-học hải-ngoại, và Tiếp Nối Dòng Cảm Thức Văn Học Sau Năm
1975 (64 tiểu-luận; TGXB, 2016).
Nguyễn Vy Khanh xuất bản các
biên khảo Văn Học Việt-Nam Thế Kỷ XX: Một
Số Hiện Tượng Và Thể Loại (Đại Nam, 2004), Văn Học Miền Nam 1954-1975
(2 quyển: Tổng quan, Tác Giả; Toronto: Nguyễn Publishings, 2016, tb 2018, Nhân
Ảnh tb 2019), Trương Vĩnh Ký: Tinh-Hoa
Nước Việt (Nguyễn Publishings, 2018) và các tuyển tập nhận-định văn-học 33 Nhà Văn Nhà Thơ Hải-Ngoại: (TGXB,
2008; Nguyễn Publishings, 2016) và Nhà Văn Việt-Nam Hải-Ngoại (Nhân
Ảnh, 2020).
Du Tử Lê có 2 tập Phác
Họa Toàn Cảnh Sinh Hoạt 20 Năm Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam 1954-1975 (Người
Việt Books, 2014; tb HT
Productions, 2016) và 2 tập Sơ Lược 40 năm
Văn Học Nghệ Thuật Việt 1975-2015 (HT Productions, 2015).
Nhà thơ Diên Nghị có Cõi Thơ Tìm Gặp (Cội Nguồn,
2008) tuyển 40 bài bình thơ của 40 tác-giả thơ miền Nam trước 1975, thơ sau
cuộc đổi đời trên quê-hương, thơ miền Nam nối dài tại hải-ngoại và của thế hệ
thơ nối tiếp. Thế Uyên xuất-bản tập 2 Những Người Đã Qua (Văn
Mới, 2004) viết về người thân và các văn-nghệ sĩ. Song Nhị có tuyển tập Lời
Rao Giảng Của Thơ (2014) gồm các bài viết về một số tác-giả và tác-phẩm
hải-ngoại, cùng bài viết về các tác-phẩm của ông.
Nhà thơ Luân Hoán có Theo Gót Thơ (Nhân Ảnh, 2018)
viết về 18 và 21 nhà thơ trong nước và hải-ngoại. Nguyễn Mạnh Trinh qua Tạp
Ghi Văn-Nghệ “từ những trang sách giở” (Người Việt, 2007) và trên báo-chí
hải-ngoại nhận xét chuẩn xác, chín chắn, tuy nhiên có những bài viết vì nhu
cầu thông tin báo-chí nên nội-dung hơi thoáng. Tuyển tập gồm các bài về tác-giả
tác-phẩm, các bài điểm sách cùng với những tạp ghi văn-nghệ, bao quát phần nào
văn-học hải-ngoại và tác-giả ngoại quốc. Đoàn Nhã Văn có tập Phác
Thảo 15 Chân Dung Văn Học do Văn Mới xuất-bản, 2007.
Trần Hoài Thư có Tản Mạn Văn Chương (tập
I, 2015), Những Tạp-Chí Văn Học Miền Nam (2018). Phạm Văn Nhàn có 21 Khuôn Mặt Văn Nghệ Miền Nam (2015) –
sách 2 ông do nhà Thư Ấn Quán xuất bản. Hoàng-Ngọc Tuấn tác-giả Văn
Học Hiện Đại và Hậu-hiện-đại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết
(Văn Nghệ, 2002). Nguyễn Hoàng Văn có tập Văn Hóa, Giới Tính và Văn
Học (Văn Mới, 2002).
Ngô Thế Vinh xuất bản tuyển tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá (Việt Ecology Press California 2017) viết về 16 văn nghệ sĩ và 2 nhà văn hóa của miền Nam, và Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân (Tập San Y Sĩ Việt-Nam Canada; Việt Ecology Press California, 2019)
Ngô Thế Vinh xuất bản tuyển tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá (Việt Ecology Press California 2017) viết về 16 văn nghệ sĩ và 2 nhà văn hóa của miền Nam, và Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân (Tập San Y Sĩ Việt-Nam Canada; Việt Ecology Press California, 2019)
Trương Vũ in Đuổi Bóng Hoàng Hôn (Nhân Ảnh, 2019) gồm những tiểu luận đánh
dấu những giai đoạn sinh hoạt báo chí và đóng góp văn học – ông từng chủ biên The
VietNam Review, Đối Thoại và cộng tác với các tạp chí Hợp Lưu, Văn Học,
Văn và diễn đàn Talawas, Tiền Vệ, Da Màu, v.v.
Trần Doãn Nho còn ký Trần
Hữu Thục, xuất bản các tạp bút Từ Ảo Đến Thực (Văn Mới, 2005), Chữ
Nghĩa, Văn Chương, Cuộc Đời (Văn Học Press, 2020) và tiểu luận văn học Tác-Giả Tác-Phẩm Và Sự
Kiện (Văn Mới, 2005).
Nguyễn Tà Cúc đã xuất-bản Văn Học Miền Nam: Nhóm-Tạp Chí Văn Học-Tác
Giả (Mẹ & Con; Unhinged Jaw Press, 2014) trong chiều hướng muốn làm
sáng tỏ, phê phán hoặc vinh danh một số tác-giả hơn là toàn bộ văn-học sử thời
này.
Nguyễn Thiên Thụ đã xuất-bản
bộ Văn Học Sử Việt-Nam: Văn Học Hiện Đại (Ottawa: Gia Hội, 2006) gồm 4 tập, 2200 trang,
từ 1945 đến thời hải-ngoại, phân chia theo giai đoạn và chủ đề.
Nguyễn Đức Tùng có tuyển tập 40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại (2017).
Nguyễn Đức Tùng có tuyển tập 40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại (2017).
Hoàng Xuân Việt tác-giả trên
cả trăm đầu sách, đã xuất-bản ở hải-ngoại cuốn Bạch Thư Chữ Quốc-Ngữ (San
Jose CA: Hội Văn Hóa Việt & Hương Quê, 2006). Trần Bích San có quyển Văn Học Việt-Nam (Tạp
chí Cỏ Thơm, 2018, 1200 tr.). Vũ Uyên Giang (Nguyễn Quang Vinh, 1943-)
và Hồ Nam (ở trong nước) đồng soạn-giả 100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ đã ra
tập 1 (San Leandro, CA: Đất Sống, 2006).
Ở Pháp, Đặng Tiến cộng
tác với nhiều tạp-chí văn-học và chính-trị, viết về văn-học trong và ngoài
nước, nhưng không thêm tác-phẩm xuất-bản nào khác ngoài tập Vũ Trụ Thơ 2:
Thơ Trong Thời Chiến (Thư Ấn Quán, 2008) và xuất-bản trong nước tập Thơ: Thi Pháp và Chân Dung (NXB Phụ Nữ, 2009) về lý-thuyết thi ca, thơ Việt và chân dung một số
nhà thơ và nhà thi-học. Liễu Trương và gần đây Thụy Khuê
xuất bản ở trong nước. Từ Đức quốc, Đỗ Trường xuất-bản Không Thể Sống
Trong Im Lặng “tiểu luận Chân dung 17 nhà văn Việt-Nam” (VIPEN, 2018).
BÚT KÝ TẠP VĂN
Trịnh Y Thư sau khi đã xuất-bản ở trong nước tập
truyện ngắn Người Đàn Bà Khác (Thế Giới, 2010), xuất bản tạp bút Chỉ
Là Đồ Chơi (Hợp Lưu, 2013; tb 2019), tuyển tập thơ Phế Tích Của Ảo Ảnh (Văn
Học Press, 2018) và tập tuyển văn dịch Gặp Gỡ với Định Mệnh (2020).
Lương Thư Trung sau các bút ký Bến Bờ Còn Lại (2000), Tình Thầy Trò (2005), Lá Thư Từ Kinh Xáng (2005, 2012), hồi-ký Nhớ Về Những Bến Sông
(2012), Một Chút Tình Quê (TGXB, 2015) và tạp văn Mùa Màng Ngày Cũ (Thư Ấn
Quán, 2011) ghi lại sinh hoạt đời thường của nông dân miền Nam tùy theo các mùa, như
mùa xoài, mùa bông súng bông sen, mùa giăng lưới, đặt lờ, cày bừa, phát cỏ, làm
lóng tát mương, sạ lúa, xúc lùm, nhảy hùm, quậy đìa, làm mắm, làm khô …v.v…- 'một
bức tranh quê tàm tạm đủ về các công việc ở nhà quê hầu mang đến các bạn chút
tình quê còn sót lại sau sáu bảy chục năm qua mà nay thì trời đất và mùa màng
cũng đã thay đổi rất nhiều rồi,không giống như ngày trước nữa, hầu chia sẻ cùng
các bạn'. LTT khiêm tốn cho biết ông
'… không phải là nhà văn, và cũng không biết viết văn, mà tôi chỉ là
một người nhà quê già có một thời dầm mưa dãi nắng trên những cánh đồng, nên
biết được chút gì thì nay ngồi ghi chép lại chút nấy hầu mang lại cho các bạn
chút hương sắc nơi chốn quê mùa với hy vọng mang lại cho bạn chút êm ả nơi tâm
hồn…'.
Hồ Trường An ngoài sáng tác, đã viết nhiêu ký sự, bút
khảo hoặc bút ký, về giới văn học: Lai Láng Dòng Phù Sa (Hoa Ô Môi,
2001) về Xuân Vũ, Phạm Thăng,... Chân dung 10 nhà văn nữ (Tân Văn,
2002), Tập Diễm Ngưng Huy (Hoa Ô Môi, 2003) về 4 nhà văn nam và 3 nữ, Bẩy
sắc Cầu vồng (Gió Văn, 2004), Giai Thoại Văn Chương (Cỏ Thơm, 2006),
Náo Nức Hội Trăng Rằm (Cỏ Thơm, (2007) về 7 tác-giả: Mộng Tuyết Thất
Tiểu Muội, Bình Nguyên Lộc, Vi Khuê, Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần
Bích San và Nguyễn Thị Ngọc Dung, Thắp Nắng Bên Trời (Văn Học, 2007) về
các nhà thơ văn hải-ngoại như Nguyễn Thị Thanh Bình, Vĩnh Hảo,..., Quê Nam
Một Cõi (Hoa Ô Môi, 2007) về 14 nhà văn miền Nam lục tỉnh, từ Hồ Biểu
Chánh, Phi Vân, Sơn Nam đến Lê Xuyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Tiểu Thu, Giữa Đất
Trời Giao Hưởng (Gió Văn, 2008) gồm những bài “bút khảo thi văn và phỏng
vấn” 3 nhà văn nữ và 4 nam, Núi Cao Vực Thẳm (Tiếng Quê Hương, 2010)
viết về 9 tác giả: Nguyễn Ngọc Bích, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Thụy
Khuê, Vũ Tiến Lập, Võ Phiến, Ðặng Phùng Quân, Trương Anh Thụy và Thanh Tâm
Tuyền, Trên Nẻo Đường Nắng Tới
(Gió Văn, 2013), về Nguyễn Ngọc Bích, Thụy Khuê, ĐP Quân, DN Mậu, TT Tuyền,
Vĩnh Hảo, HS Tường, Võ Đình, NT Hoàng, NT Thụy Vũ, Cảo Thơm Lần Giở (Tổ
Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2015), Cây Quỳnh Cành Dao (2016) và
Mười Khuôn Mặt Văn Chương (2018).
Tuyển
tập tưởng niệm thời này có: Nguyễn Xuân Hoàng Trong và Ngoài Văn
Chương do NXB Da Màu, 2014; Nguyễn Mộng Giác và Bằng Hữu (Văn Mới 2012), Tiểu Luận (của/về) Phùng Nguyễn do gia
đình và BBT Da Màu, 2018; Người Về Như Bụi tập tưởng niệm thi sĩ Du
Tử Lê, Văn Học Press, 2019. Ngoài ra, ghi nhận tạp chí Ngôn Ngữ có số
đặc biệt 15-6-2019 với 304 trang tưởng niệm Tô Thùy Yên và Hoàng Ngọc Biên.
Phỏng vấn văn học cũng là thành phần xuất bản đáng kể, với Đối thoại: 13 văn thi sĩ nói vè̂ mình và văn học
(2001) của Vĩnh Phúc, phóng viên đài BBC Luân
Đôn; Tác-Giả,
Với Chúng Ta (Khôi Nguyên, 2004) của Lê Quỳnh Mai; Văn Nhân & Tình Sử (2015)
của nhà báo Vương Trùng Dương và 2 tập Lên Rừng Đếm Lá (Văn Mới, 2005) và Trăm Cây Nghìn Cành (Văn Học Mới, 2020) của nhà thơ Triều Hoa Đại. Phỏng vấn đặc biệt một nhà văn
thì có Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử (Lý Đợi, Mặc Lâm, Đặng Thơ Thơ phỏng vấn Cung Tích Biền; Amazon,
2015).
THI CA
Ở hải ngoại - cũng như ở trong nước, thi-ca
là thể-loại văn-chương đang có vấn-đề. Thơ được in ra ngày càng nhiều, dưới
nhiều hình-thức, nhưng không còn chỗ đứng trong các nhà sách. Thơ biến chất và trở thành sản phẩm trình diễn … xã-hội, cộng-đồng, một thứ “hàng rẻ” do con chữ
biểu hiện quá dễ dàng hoặc có mục-đích không văn-chương, của một số người. Độc giả thì thiếu vắng hoặc không đón nhận kịp hoặc thờ ơ như bao
chuyện chung khác. Đưa đến tình trạng ngại ngùng, nếu không là
“kính nhi viễn chi”, bên cạnh luôn có những con người lụy vì Thơ, sống chết cho
Thơ. Hai thập niên đầu thế kỷ XXI, một số nhà thơ hải ngoại tiếp tục cách tân
thi ca, làm mới con chữ, hoặc đa dạng câu thơ, bài thơ, tìm lối thoát, qua
nhiều hình thức thử nghiệm.
Thơ lục bát, gia tài riêng của thi
ca Việt, được tiếp tục làm mới, cái Ta được biến thể và cập nhật. Hơn bốn thập
niên qua, thể-loại lục-bát đã bị xâu xé giữa truyền thống và mỹ học hôm nay.
Lục bát cách tân dưới nhiều hình thức, biến thể tự do về chấm câu và xuống hàng
trong cái khuôn tiên-thiên 6-8 rốt cùng. Những Du Tử Lê, Ngu Yên, Ngô Tịnh Yên (Lục Bát Khỏa Thân
2002), Hoàng Xuân Sơn (Lục Bát Hoàng Xuân Sơn 2004, Thơ Quỳnh 2017), Huy Tưởng (Đêm Vang Hình Tiếng Chuông 2020), Nguyễn Nam An, Trần Hoài Thư (Vịn Vào
Lục Bát 2017), Nguyễn Hàn Chung (Lục Bát Tản Thần 2018),... đều đã thử nghiệm cách tân thơ
lục-bát, mỗi người một cách thế, tư duy và thể hiện, đã sinh động hóa thể thơ
ngọn nguồn của thi ca Việt.
Thơ
Tự-do là thể loại ngày càng được người làm thơ
yêu chuộng, phát triển đa dạng với một số nỗ lực canh tân làm mới thơ, nhưng để
được đón nhận và thành công, những con chữ tự do ấy phải đầy tính thuyết phục
nghĩa là vừa mới và vừa văn-chương! Thơ tự do hôm nay có thể bỏ hết những ràng
buộc vần, điệu, luật,... nhưng những bài có thể thuyết phục người đọc thường
vẫn có một cú pháp, hình thức hoặc có hồn! Có thể kể Phan Nhiên Hạo trong tập
thơ đầu tay Chế Tạo Thơ Ca 99-04 (tc Văn, 2004), Hà Nguyên Du có Vầng
Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng (2017), Phạm Cao Hoàng với Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương
(2018), Huy Tưởng với Những Màu Âm Xô Giạt (Kinh Thi, 2018) cũng như
trước đó, với Diễm Châu, Nguyễn Đăng Thường, Chân Phương, v.v.
Nhà thơ ta ở hải-ngoại khoảng đầu năm 2000 đã
đến với trường phái Tân Hình-thức (New Formalism) với Thơ Vắt dòng xuất hiện trước hết và chủ yếu trên tạp chí Thơ
xuất bản ở Nam California, sau trên tạp chí Việt và Chủ Đề đồng
tình với phê phán cũng như các tạp chí văn học khác. Rồi lắng xuống nhiều năm,
đến 2014 trong nước hân hoan đón nhận, mở hội thảo, nghiên cứu và ở ngoài, nhóm
cũ vài người trụ trở lại, lập Câu-lạc-bộ Tân Hình-thức và cho ra 'báo giấy' số
1 (tháng 4-2014). Phong trào thơ Tân Hình-Thức từ khi xuất hiện trên trường thi
ca Việt-Nam hải-ngoại (rồi vào trong nước), sau nhiều tranh luận, thử thách đã
vững bước với những lý luận, tiểu luận và tác-phẩm xuất-bản. Khế Iêm,
người cật lực với thể-loại Tân hình-thức đã soạn tập lý thuyết và thực hành Tân
Hình Thức, Tứ Khúc và Những Tiểu Luận Khác (Văn Mới, 2003), tuyển tập Thơ
Khác/Other Poetry (ấn bản song ngữ Anh-Việt, J. Do Vinh translator; Tân
Hình-Thức Publishing Club, 2011), Vũ Điệu Không Vần toàn tập gồm
35 tiểu luận và dịch thuật (THT, 2019).
Các nhà thơ khảc: Hà Nguyên Du có Gene Đại Dương (tc
Thơ, 2003), Nguyễn Đăng Thường có Thơ Bất Tận của do nhà Giấy Vụn
xuất-bản năm 2014, Nguyễn Lương Ba, Đức Phổ, Phạm Ngọc, Lưu Hy Lạc với Yên
Đi, v.v. Ngoài ra có những tuyển tập nhiều tác giả như Thơ Không Vần,
tuyển tập tân hình-thức/An Anthology of Vietnamese New Formalism Poetry
(2009), tuyển tập thơ song ngữ Anh Việt Thơ Kể (Khế Iêm chủ biên; THT
xb, 2009).
Tân
Hình-thức muốn phả linh hồn thời mới vào thơ, thời không anh hùng, thời văn thơ
đời thường, thời ca tụng không cần bằng chứng và lý luận không bằng ngôn ngữ mà
bằng “thủ thuật” và kỹ thuật ngôn từ. Một thứ mỹ học mới của hôm nay! Đây là
một hình thức hội nhập văn hóa tự nhiên như các nhà Thơ Mới rồi thơ Tự do thập
niên 1960 ở miền Nam và
nay Tân Hình-thức (New
Formalism), v.v. - cũng có nghĩa là bắt nguồn nào đó từ thơ của “người”. Con
người hôm nay, nhất là sống ở Âu Mỹ, sống thời của TV mặt bằng, truyền thông dễ
dàng và nhanh chóng, Internet, nhưng đồng thời rất cô đơn trong khi những giá
trị văn hóa truyền thống ngày càng biến dạng - cơ cấu gia đình, ý nghĩa cuộc
đời, rồi lý tưởng, vấn đề dân tộc, v.v. Thành thử cần lối thoát, cần cảm thông
giao tiếp qua lời, qua kể lể, nhạc Rap, vừa nhảy vừa thẩm thấu lời người khác
vừa tự mình kể lể ai muốn nghe thì nghe! Kể lể có thể nói là cái nền cho văn
hóa mới, kể lể tức lời nói đời thường. Đơn điệu, nhưng không phải là cái đơn
điệu xưa kia của thơ luật, ở đây đơn điệu có nhạc tính. Đơn điệu nhưng với một
nội dung, tâm sự nồng nàn, da diết, lời như dán vào da thịt người nghe, người
đọc; với nhịp nồng nàn, dồn dập, tha thiết như nhạc Rap! Những lời phản kháng
khôn nguôi, những tình ý xưa nay trộn lẫn. Không dễ đoán trước tứ thơ, chữ
dùng, cả chấm câu, chỗ ngừng nghĩ lấy hơi! Nói rằng thơ Tân Hình-thức chỉ để
đọc, là như thế! Nhưng không hẳn lúc nào cũng trơn tru, đa số thơ nhức nhối con
chữ, ý, điệu, hình ảnh bất thường!
Tiểu
thuyết thành truyện kể đã đành, thơ cũng đi vào con đường trần thuật từ
cuối thế kỷ trước, trần trình theo nghĩa tổ chức cái sẽ thể hiện: người làm thơ
như cút bắt với thơ, thơ xuôi mà không xuôi, thơ mà như nói thường, phẫn nộ, đối
thoại, giao tiếp... Người thưởng thức thơ Tân Hình-thức sẽ có thể phát hiện ra
“cái Tôi” của nhà thơ, có thể thầm kín, thành thực qua “mỹ học” lạc lõng, đứt
đoạn bất ngờ, tình cờ,...
Thơ Tân hình
thức nếu trích dẫn đúng theo hướng chủ trương thì thiết nghĩ phải là Vắt dòng
dưới hình thức 5, 6 hoặc 7 chữ, hoặc Vắt dòng kiểu Lục bát không vần và không
trọn nghĩa từng câu, nhưng phải có nhạc tính do sự lặp lại. Câu có thể theo
hình thức 8 chữ nhưng vắt dòng bất kể; vần không ngừng ở các dấu ngừng hay
xuống hàng mà vắt dòng, muốn ngừng thì ngừng trong tâm thức, giữa câu, giữa
đàng! Vì thơ Tân Hình-thức có tính truyện, kể lể, đưa đến kỹ thuật “vắt
dòng“(hay vắt khổ, run-on, emjambed, enjambement) trong cùng một khổ thơ và vắt
dòng qua khổ sau. Văn bản những bài gọi là thơ Tân Hình-thức lúc ban đầu như
lời nói của đời thường thật, xuống hàng để giữ hình thức thơ, nhưng rồi lý
thuyết rõ ra, những bài sau này vô khuôn thơ thường là 8 chữ, vắt dòng có tổ
chức hơn và hay lập lại lời hơn, láy và lập lại âm thanh chữ dùng cũng như nhịp
điệu ngắt câu. Mặc cảm hậu-thuộc-địa hãy còn ngự trị trong thử nghiệm và thuyết
lý của những nhà thơ Tân Hình-thức Việt. Mượn cái vỏ, nhịp điệu và kỹ thuật của
nhiều thể thơ đã chắc sẽ tạo nên được một cú pháp thơ? Với Âu Mỹ, từ thập niên
1960, thi-ca đã cất cánh thành ngôn ngữ thơ và văn-bản, còn chúng ta? Đã là
thời đại thì vè dễ trở thành một hiện tượng nhất thời như sâu, bướm đua nhau tụ
về một cánh đồng làm đẹp hoặc phá nát canh tác có từ muôn đời.
Thi ca thường đòi
hỏi thử nghiệm, tìm tòi, sáng tạo, cái mới, cái lạ, nhưng dễ gì được chấp nhận
ngay! Vấn đề muôn thuở vốn là đi tìm hình thức thích hợp với tâm tình và thi
hứng! Thi ca hôm nay có một định mệnh mới, khác,
“hậu“ tất cả! Vị thế của nhà thơ hôm nay đành phải ở chỗ khác và thi ca hôm nay
trở thành tập hợp của những tiếng thơ khác biệt. Không đồng nhất, không là duy
nhất, nhưng là đa, là khác. Thật ra muôn điệu vẫn hơn nhưng giữ được cái hài
hòa nào đó! Nếu phải làm một cuộc trưng cầu dân ý, mỗi người làm thơ và mỗi độc
giả thơ một lá phiếu thì thơ luật, thơ thù tạc cũng như thơ lục bát và tự-do sẽ
chiếm đa số phiếu, thơ cụ-thể, tính-dục và Tân Hình-thức có thể sẽ lọt sổ! Thi
ca biến đời thường thành một thế giới khác, hiện thực trở thành siêu thực, dị
thường, huyền-hoặc qua thơ, hoặc siêu thực, kỳ dị trở thành hiện thực. Thi ca
ngay cả trong những dự phóng, ám ảnh, chết chóc, hủy hoại, hư vô,... cũng giúp
con người siêu thoát khỏi những ốc đảo cô độc! Trở về căn nguyên, nguồn cội của
thi ca, không phải ở sự lập lại, mà là cách-tân, tệ lắm cũng như tắm lại cùng
nguồn nước, mà nước thì đã hết như xưa!
Đến đầu thế kỷ
XXI, nhà thơ vẫn đi tìm tính thơ, tìm nguyên lý thi ca, định-nghĩa lại thi-ca,
một cách tiếp thừa thi ca, tư duy bằng hành-cử thi ca, nhưng trong viễn tượng
mới, không gian văn hóa khác! Hiện đại hóa là qua đường, nhà thơ hôm nay trở
thành kẻ qua đường. Có kẻ qua đường gây dựng nổi cơ đồ thi ca, nhưng có người
rồi ra vẫn chưa đến bến. Có người nhờ kỹ thuật thể hiện, cho nội dung mới vào
ngôn ngữ thơ mà trở nên thơ hơn, được đón nhận hơn, dù bước đầu có thể đi lại
trên con đường người trước như Thơ Mới có người làm theo nhưng với ngôn ngữ, ý
tình hôm nay, ngữ điệu độc đáo riêng, tạo bản sắc, có thi tính riêng! Sáng tạo
trong thơ là tác động cá nhân, riêng tư, nhưng một khi đăng báo, xuất bản, thơ
đã mang ý nghĩa cộng đồng, xã hội, văn hóa rồi
- trước khi trở thành một lý thuyết, trường phái. Canh tân, làm mới,
phải có ý thức mỹ học trước rồi đưa đến tiêu hóa sau mới ra đời thành nghệ
thuật! Thơ hôm nay đòi hỏi độc giả “mới“ nhưng hình như giới này thu hẹp, chia
phân! Và như thế, thơ hải-ngoại lại đang ở ngã ba đường hay nói khác đi, nếu
không có cũng không hại chi đến nên văn-học nói chung!
Ở Úc, Lê Văn Tài chủ trì loại thơ đồ họa,
cùng Nguyễn Tôn Hiệt (Hoàng Ngọc-Tuấn) và Phan Quỳnh Trâm xuất-bản tuyển thơ Poems
of LVT, NTH & PQT (Vagabond Press, 2015) gồm những bài thơ viết bằng
tiếng Anh hay dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh. Riêng Nguyễn Tôn Hiệt thử nghiệm
một thể 'thơ truyện' – dù không thể thay thế được văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân đã
'thơ truyện' hơn thế nhiều!
*
Cách chung, các nhà thơ Hoàng Anh Tuấn,
Mai Trung Tĩnh, Vương Đức Lệ,... cũng cho xuất-bản tác-phẩm làm thời còn ở
trong nước sau 1975 và khi ra được hải-ngoại: Thơ Tình Vương Đức Lệ (“mấy
vần thơ còn sót lại trong trí nhớ”, Tiếng Quê Hương, 2002), Thơ Mai Trung
Tĩnh (Tiếng Quê Hương, 2001), Hoàng Anh Tuấn với Yêu Em, Hà Nội Và Những
Bài Thơ Khác (2004). Cũng vậy,
Tô Thùy Yên có Thắp Tạ (An Tiêm, 2005) và tái bản Tô Thùy Yên Tuyển Tập (Kẻ Sĩ, 2018).
Tô Thùy Yên có Thắp Tạ (An Tiêm, 2005) và tái bản Tô Thùy Yên Tuyển Tập (Kẻ Sĩ, 2018).
Viên Linh, năm 2013 ông xuất-bản
tuyển tập Những Bài Thơ Tâm Sử Ca/Historical poems from the heart (Khởi
Hành). Năm 2017 thêm tập 60 Năm Thơ Tuyển (1955-2015).
Du Tử Lê Vì
Em, Tôi Đã Làm Sa Di (2001),... cho đến Tuyển Tập Thơ Du Tử Lê 1957-2015
(2015) và Em cho tôi mãi nhé: ấu
thơ mình, 2016-2019, tuyển thơ do nhà Văn Học Press, Khi Gối Đầu Lên
Ngực Em (HT Productions, 2016),
hồi ký và truyện, và hai tập ký sự đã
nói ở phần trước.
Đinh
Cường (1939-2016), họa sĩ nhiều duyên văn nghệ với sinh hoạt
văn-học miền Nam, từ năm 2010 cho đến khi mất,
ông viết nhật ký thơ và cho phổ biến trên mạng internet, những bài thơ ghi lại
cảm xúc của ông về những sự kiện xung quanh ông, về tình cảm của ông đối với
quê hương, gia đình, bạn hữu - nhiều câu thơ xuất thần làm xao động lòng người.
Khoảng 200 bài thơ của ông đã được in thành 2 tập Cào lá ngoài sân
đêm (Thư Ấn Quán, 2014) và Tôi
về đứng ngẩn ngơ (Quán Văn, 2014).
Luân Hoán tiếp tục sáng
tác và xuất-bản Liên Hoa Thi (2019), Ba Hoa Huê Tình (2020). Hoa Văn sáng tác và
xuất bản đều đặn nhất ở hải ngoại: Thơ
Và Thời Gian (2002), Tạ Ơn Đời
(2005), Che Đời Mưa Bay (2008),
Như Áng Mây Hồng (2010), Vạt Nắng Bên Đời (2012), Cõi Thơ Ta Ở
Một Đời (2014), Gió Cuốn Mây Bay
(2015), Mấy Nốt Phù Hoa (2016), Dòng Thơ Cho Em (2017), Hương
Tình Hoài Điệp (2018), Hương Hoa Tình Thơ (2018), Dòng
Tình Yêu Em (2019) – các tập sau đều
do nhà Cội Nguồn xuất bản.
Hà Nguyên Du tiếp nối nghiệp thơ với các tập Anh Biết, Em Yêu Dấu (Tự Lực, 2001; Văn Học Mới tb, 2019), thơ Tân hình thức Gene Đại Dương (Tạp chí Thơ, 2003; Văn Học Mới, 2019) và Vần Thơ Trên Đóa Hoa Quỳ Vàng (Nhân Ảnh, 2017; Văn Học Mới tb, 2019).
Hà Nguyên Du tiếp nối nghiệp thơ với các tập Anh Biết, Em Yêu Dấu (Tự Lực, 2001; Văn Học Mới tb, 2019), thơ Tân hình thức Gene Đại Dương (Tạp chí Thơ, 2003; Văn Học Mới, 2019) và Vần Thơ Trên Đóa Hoa Quỳ Vàng (Nhân Ảnh, 2017; Văn Học Mới tb, 2019).
Hà Thúc Sinh sau tuyển tập truyện, kịch
và thơ Tống Biệt Hai Mươi (Xuân Thu, 1999) đã xuất bản Ngàn Lời Thơ - toàn tập (Cobale, 2017). Hải Phương với Cảm Ơn Tháng Giêng
Biêng Biếc Ngực Em Cười (Queen, 2006) và Một Thiên Thu Với Rộng Tà Áo
Bay (Queen 2007) nổ lực làm mới thi ca qua thi-ý cũng như ngôn từ. Hoàng Xuân Sơn có Lục
Bát Hoàng Xuân Sơn (Thư ấn quán, 2004), Thơ Quỳnh (Tủ sách T.
Vấn, 2017; Văn Học Mới tb, 2019).
Lê Mai Lĩnh có các tập thơ Thơ Tình Thế Kỷ (2015, chung với Vương Lệ Hằng), Lương Quyên Cô Láng Giềng (2016, ký Sương Biên Thùy) và Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh thơ văn và tiểu luận từ những ấn phẩm từ trước. Nhà thơ nhạc Phan Ni Tấn tiếp tục ở giai đoạn này thêm Quê Núi (2010), Nẻo Nhà (Nhân Ảnh, 2010),..
Lê Mai Lĩnh có các tập thơ Thơ Tình Thế Kỷ (2015, chung với Vương Lệ Hằng), Lương Quyên Cô Láng Giềng (2016, ký Sương Biên Thùy) và Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh thơ văn và tiểu luận từ những ấn phẩm từ trước. Nhà thơ nhạc Phan Ni Tấn tiếp tục ở giai đoạn này thêm Quê Núi (2010), Nẻo Nhà (Nhân Ảnh, 2010),..
Phan Xuân Sinh (1948-) từ khi xuất-bản Đứng Dưới Trời Đổ Nát (Văn, 2000) chứng tỏ thi ca có một nội-dung nhân bản nếu chân thật và chan hòa sự sống. Tiếp đó là tuyển tập thơ Khi Tình Đang Ru Đời (Văn Nghệ, 2008) xuất-bản trong nước và gần đây là tập Tát Cạn Đời Sống (Houston TX: Văn Chương, 2013). Ông đến với làng thơ hải-ngoại từ đầu thập niên 1990 và in chung với Dư Mỹ (1941-) tập thơ Chén Rượu Mời Người (1996). Ông còn xuất-bản 2 tập bút ký và tạp bút Bơi Trên Dòng Nước Ngược (Sông Thu, 2004) và Sống Với Thời Quá Vãng (Hợp Lưu, 2009).
Huy Phương có thi tập Chúc Thư Của Người Lính Chết Già (2012) với những bài thơ ngậm ngùi hậu chiến. Trần Phù Thế có Giỡn Bóng Chiêm Bao (TGXB, 2003) với ngôn-ngữ miền Nam lục-tỉnh. Phạm Hồng Ân với tập Ngất Ngưởng Một Đời Mây (Hiên Thư Các, 2013). Ở Phạm Hồng Ân là thi ca của tình yêu, và tình nước. Trần Vấn Lệ phong phú thơ đã xuất bản Ta Nhớ Người Xa Cách Núi Sông (Người Dưng, 2002), Từ Lúc Đưa Em Về Là Biết Xa Ngàn Trùng (2003), Nếu Bước Chân Ngà Có Mỏi (2004), Trăm Năm Để Lại (2005), Áo Dài Em Trắng Bay Trong Gió Nón Lá Bài Thơ Chuyện Của Chàng (TGXB, 2010), Nói Thầm Với Thơ (Người Thơ, 2006), v.v. Đức Phổ thời này có Mùa Tình, Xin Kịp Gặt (Tạp chí Văn, 2002) và Tuyển Tập Thơ Đức Phổ (Văn Học Mới, 2020). Quỳnh Thi có trường ca Mùa Chuộc Tội (tc Thơ, 2002),
Ngu Yên là nhà thơ xuất bản khá nhiều tập với phương tiện ebook: Thi Sĩ và Tôi (Thơ và tùy luận. 2002, xb và ebook), Thơ Tóc Bạc (Thơ và tùy luận, 2009, xb và ebook), Nháp và Nốt (Tùy Luận, 3 Phần, 2012-14, ebook), Chấm Hết (2012, ebook), Hay Đẹp Tình Cờ 1, 2, 3 (Ghi, 2012, ebook), Cuối Cùng Là Thơ (2013, ebook), Thơ Federico Garcia Lorca (2 Phần, Chuyển thơ, 2013, ebook), Thơ 2013 (2013, ebook), Thơ Tuyển Châu Phi (Phần 1: Nam Phi; Phần 2: 22 Quốc gia. Chuyển thơ, 2013-14, ebook), Poems on The Run (Diễn thơ, 2014, ebook), Thỡ (2013, ebook), Đọc Thơ Trước Nửa Đêm. Thơ Tuyển Thế Giới.. 2014. ebook), Thơ 2014. Thơ. Ebook. 2014, Thơ Pablo Neruda: Phần 1. Phần 2. ebook. 2014), Thơ Ocavio Paz. Phần 1. Phần 2. ebook 2015), .... Nguyễn Nam An (Lê Văn Mùi) năm 2013 xuất-bản tuyển tập Anh Biết Đà Nẵng Qua Mây (Quyên Book) chung với thơ của Bùi Ân, Dương Nổ, bìa double như những sách song ngữ ở một số quốc-gia như Canada.
Cùng lãnh vực thơ, Trần Hoài Thư về sau này sáng-tác và xuất-bản thơ nhiều hơn văn, Thư Ấn Quán xuất-bản và tái-bản các tập tuyển thơ: Ô Cửa (2005), Quán (2008), Xa Xứ (2016), Vịn Vào Lục Bát (2017), Khi Nhớ Về Bà-Gi (2018), Bão (2020), v.v.
Đặc-biệt vào giai đoạn này, một nhà thơ
xuất hiện trễ nhưng đã gây phấn khởi tinh thần người Việt sống lưu vong xứ người,
đó là nhà thơ Trạch Gầm, tên thật Nguyễn Đức Trạch, trước biến cố
30-4-1975, là sĩ quan thám báo nên khi nước mất, đi “tù”. Cũng là lính như một
số nhà văn thơ khác ở hải ngoại và sáng tác khi đã đến đất người (Nguyễn Nam
An, Hà Nguyên Du, ...), nhưng chất lính của Trạch Gầm mang thêm phần bạt mạng
giang hồ và Nam-kỳ của Cao Đông Khánh. Mới xuất hiện nhưng đã có hai tập thơ Vụn
Vặt (2007), Ráng Chịu (2009) và Dấu Giày Chinh Chiến (2013) [và hai tập truyện ngắn Bên Lề Cuộc Chiến (Viet Tide, 2015), Nhốt Vòng Nhớ Thương (Viet Tide, 2016)] được xuất-bản và gây chú ý cũng như
đồng-cảm của người đọc ở hải-ngoại. Hình như những u uẩn và uất ức đau buồn của
người lính phải buông súng quá chất chồng khiến khi luống tuổi nhà thơ không
thể bộc lộ khác hơn. Thật vậy, nhà thơ nay phải sống tha phương, làm thơ như để
“cùng chia nỗi buồn quê hương”, để “khóc nỗi bạn bè... lưu lạc bốn phương”,...
KHUYNH HƯỚNG NỮ QUYỀN VÀ GIẢI PHÓNG TÌNH DỤC
Từ
những năm đầu thế kỷ mới, chúng tôi ghi nhận hai hiện-tượng phản nghịch khá
hiện diện trong sinh hoạt văn-học nghệ-thuật Việt-Nam trong cũng như ngoài
nước, với nồng độ khác nhau: tâm linh và dục tính, bên thần, bên phàm. Thiển
nghĩ, tâm linh không phải là toàn bộ văn-hóa và dục tính không hẳn đã là
văn-chương, nhưng cả hai thái-cực đã là những cách thế hiện hữu của con người
trong vũ trụ! Nhập vào văn-học, sự thể trở nên hết dơn giản.
Một hình-thức hậu
hiện-đại khác cũng đang thao diễn trên trường văn trận bút, đó là văn-chương
khai phóng nữ quyền và dục tính. Cách mạng tình dục tiếp tục với văn học hải
ngoại, phía các nhà văn nữ bắt đầu với những Trân Sa, Lê Thị Huệ, Lê Thị Thấm
Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Mai Ninh, Dương Như Nguyện,... Họ lên tiếng về những
âu lo, tâm tình mà lâu nay nhất là ở Việt-Nam ít thấy, nói thẳng những lo âu
thực tế, sờ mó được, cảm được, không cần
nhiều ngõ quanh, đi vòng. Sinh lý hết được xem như cấm đoán, lại được xem như
đòi hỏi chính đáng, tình dục trở thành nhu cầu tự nhiên, phải có, không thiên
kiến và mặc cảm phạm tội, cả có khi ngây thơ trong tìm kiếm. Người nữ chống văn
minh, văn hóa dựa trên quyền hành đàn ông, phụ quyền, chống Tây phương kỹ nghệ
định nghĩa đàn ông ở khả năng sáng tạo và chế biến sự vật. Phụ nữ chống văn
chương như một nền chế, họ thích mặt trận “ngôn ngữ“ hơn, thích phổ
dương liên hệ trực tiếp với chữ viết cũng như với thân xác. Xây dựng lại nội
dung bằng đường thoát ngôn ngữ. Lạc thú thân xác đi liền với lạc thú ngôn ngữ,
đến sau lạc thú ngôn ngữ. Người nam đi vào văn để tìm hoặc nếu đã thấy, trình
bày lý thuyết, triết lý hay một “nghiệp“, người nữ thì đến để thực hiện cái
tôi, xác định cái tôi, cá nhân. Và họ đi vào tình dục của đời thế tục, tận
hưởng phút giây, lãng mạn tình yêu đến tự do tình dục. Người nữ sống đời hải
ngoại hội nhập, choáng ngợp giữa những lạ-lẫm (exotic), ngợp trước tự do ở xứ
người, tự do tuyệt đối và cá nhân chủ nghĩa, từ vật chất, thân xác, tình
cảm,... Có thể họ muốn giả vờ, trưởng giả, nhưng lại không giữ lề, thích tự do,
khám phá,... Tình dục trước khi là hiện tượng xã hội, văn hóa, đã là thân xác.
Nữ
quyền và dục-tính là hai chủ đề không nhất thiết liên hệ nhưng mấy thập niên
qua đã như đi song hành và đã có khá nhiều tranh luận cũng như tác-phẩm,
tác-giả gây ồn ào chống đối cũng như bênh vực, cổ võ. Tạp-chí Thơ ở
California từ số tháng 2 năm 2005 đã phổ biến hình ảnh các bộ phận cơ thể của
phụ nữ qua các mục Đố vui có thuởng, Gian hàng cơ thể, Những khung cổng chậu,
Hội chợ Tết -Gian hàng, Ngọn cờ đào của xương chậu, …- nghệ-thuật có, lõa lồ
có, đã gây làn (gợn) sóng phản đối từ một số người viết người đọc thanh giáo,
trong đó dĩ nhiên có phái nữ và một số nhà phê-bình, lý luận văn-học – trên các
diễn đàn Talawas, Gió-o, Tiền vệ, … trong suốt tháng 4-2005. Các vấn-đề tự do,
bình quyền, đực-cái, ái nam-ái nữ, hậu-thuộc địa, v.v. … được đưa ra nhưng
không có kết thúc (có chứ, có chụp mũ, miệt thị văn hữu...), cũng như vấn-đề nữ
quyền và dục-tính vậy!
Với
văn chương tính-dục, chúng tôi thiển nghĩ tính văn chương sẽ không ở lâu với
những quẩn quanh trần-bì không lối thoát. Cái “hấp dẫn”, “lạ” ban đầu sẽ trở
nên “bình thường”, “đã thấy”. Và không bắt buộc phải hướng thượng, nhưng nếu
nhân vật, hành động và nội dung của văn chương cứ bị tình dục, thân xác giam
hãm tù đày, định nghĩa về văn-chương hình như đã bị hãm hiếp một cách tội
nghiệp vậy! Người đọc dĩ nhiên không khỏi có những nghi vấn: phải chăng
văn-chương tính của cái được viết ra mới là chính, là cốt lõi? Lên đường tìm
kiếm làm mới văn-chương hoặc buông thả theo hiện thực, hoang tưởng; hai
hiện-tượng văn-học này sẽ sống lâu hay yểu mệnh như bao hiện-tượng khác? Phải
chăng đây cũng là phản ảnh của một đời sống mới, tự-do và triệt để không giới
hạn? Theo thiển nghĩ thì câu trả lời đã tiềm ẩn trong nghi-vấn!Người đọc dĩ
nhiên không khỏi có những nghi vấn : phải chăng văn-chương tính của cái được
viết ra mới là chính, là cốt lõi? Lên đường tìm kiếm làm mới văn-chương hoặc
buông thả theo hiện thực, hoang tưởng; hai hiện-tượng văn-học này sẽ sống lâu
hay yểu mệnh như bao hiện-tượng khác? Phải chăng đây cũng là phản ảnh của một
đời sống mới, tự-do và triệt để không giới hạn? Theo thiển nghĩ thì câu trả lời
đã tiềm ẩn trong nghi-vấn!
Các nhà văn nữ
đã là một hiện tượng đáng kể nhưng phẩm lượng lên xuống theo giai đoạn. Ở đây,
chúng tôi ghi nhận chung thơ và văn:
Lê Thị Huệ một mặt luôn đi tìm lối
thoát văn-hóa, xã-hội - bà viết bút ký Văn Hóa Trì Trệ Nhìn Từ Hà
Nội Đầu Thế Kỷ 21 (Văn Mới, 2001) sau thời gian làm việc ở Hà-Nội,
và là chủ biên trang mạng Gió-O, mặt khác qua tác-phẩm luôn tìm cách phát biểu
nữ quyền và khi cần, thể hiện tự do sống thật như người nữ.
Nguyễn Thị Hoàng Bắc tiếp tục sự
nghiệp với các tập truyện Nhện (Văn Mới, 2002), Gió Mỗi Ngày Một
Chiều Thổi (Sống, CA, 2015) và tuyển thơ Chúng Tôi Vì Đàn Ông (Sống,
2016).
Nguyễn Thị Thanh Bình thì xuất bản Dấu
Ấn (Văn Mới, 2004) và Thần Thánh Không Biết Yêu (Người Việt Books,
2018), truyện dài Giọt Lệ Xé Hai (Văn Khoa, 1991, 1993; tb Người Việt
Books, 2018); các tập thơ Nhật Ký Của Những Mảnh Vỡ (Người Việt Books)
và in chung với Hàn Song Tường và Đặng Phùng Quân tập truyện Tuổi Trẻ
(Gió Văn, 2018).
Lê Thị Thấm Vân từ thử nghiệm
đã như đến lựa chọn một phong cách viết-sống không giới hạn, từ tập thơ Yellow
Night đến các truyện Âm Vọng, Bóng Gẫy Của Thần Tích (2005) và Thời
Hậu Chiến (2020) đã chứng minh nhà văn nữ có thể viết như sống và sống như
tự cảm, tự chọn! Bà muốn làm chủ câu chuyện cũng như tác động hành
xử dâm dục, muốn đưa ra ánh sáng cái khuất chìm, đẩy nữ quyền đi xa hơn khi đặt
trong khung cảnh văn-hóa và chính-trị của Việt-Nam và đời sống ở hải-ngoại cùng
những con bệnh và tai mắt của thời đại.
Đặng Thơ Thơ đã xuất bản các tập truyện ngắn Phòng
Triển Lãm Mùa Đông (Văn Mới, 2002) và Khả Thể (Người Việt Books,
2014). Khả Thể không còn là thể-loại truyện/tiểu thuyết theo cấu trúc nhà trường
hoặc thường thấy trước nay, mà rơi vào xu-hướng hậu-hiện-đại. Như Nguyễn Thị
Hoàng Bắc, Lê Thị Thấm Vân,... Khác các tác giả vừa kể, Đặng Thơ Thơ viết Khả
Thể gần với tiểu luận hơn là sáng tác văn chương. Bà đã
sáng-tác-là-kể-chuyện theo mảnh rời, lý phản nghịch nhau,... Kỹ thuật tìm kiếm
đi lùi, lùi-về-quá-khứ, moi móc những thứ mà lịch sử/văn học sử đã xem như xong
với những dữ kiện chung điểm hoặc đã hiển nhiên: tìm kiếm ý nghĩa tiềm ẩn, bị
giấu dẹm, tìm kiếm những “khả thể” khác. Nói cách khác, kỹ thuật hậu-hiện-đại
không từ bỏ một phương tiện nào kể cả siêu hình, hài-hước, hoài nghi, đi con
đường tránh, đi ngã khác, v.v. Xét lại, viết lại OK nhưng hành xử cái hiện tại
mới thiết yếu. Quá khứ, tương lai phải có liên hệ tự tại và đi qua hiện tại. Đi tìm “khả thể” bằng xoay chiều, xoay vòng,
đào sâu, khai quật vết tích từng mù mờ gốc gác hoặc lý luận cho ra lẽ do đó
cũng là phương cách nghệ thuật phải là một đảm bảo hoàn toàn thật sự khả tín về
sự thật và cho phép lương tâm chúng ta tỉnh thức một cách cụ thể và khách quan
trước những gian dối có hệ thống của nền văn hóa vật chất và lợi nhuận hoặc đã
thành. Nếu không có cuộc sống tâm thức này, cái u tối, hèn hạ sẽ tiếp tục con
đường của chúng trong ý thức chúng ta.
Trương Anh Thụy xuất-bản
tiểu-thuyết bộ ba Chuyển Mùa (THXBMĐ, 2004) dày 800 trang đã khởi đầu từ
gần 10 năm trước với tập Trạm Nghỉ Chân. Tác-giả muốn dùng tâm linh để đưa ra
những đề nghị giải quyết những vấn-đề của người Việt trong ngoài nước hôm nay,
qua nhiều thế hệ nhưng thế hệ sau vẫn sẽ phải tiếp tục cuộc hành trình khó khăn
này.
Cao Mỵ Nhân từ khi sang Hoa-Kỳ,
đã xuất bản những Ðưa Người Tình Ði Tu (2001), Lãng Ðãng Vào Thu (2001), Sau Cuộc Chiến (2003), Quán
Thơ Tháng Ngày Còn Lại (2009), Nhịp Tim Thơ (thơ tình; Nhân Ảnh,
2016).
Hoàng Thị Bích Ti viết truyện dài Biển Lụa (Văn Mới, 2007) về các phụ nữ Việt-Nam bị đưa ra xứ người bán thân dưới nhiều hình-thức, kèm nhiều phụ bản và tài liệu về bi kịch này.
Hoàng Thị Bích Ti viết truyện dài Biển Lụa (Văn Mới, 2007) về các phụ nữ Việt-Nam bị đưa ra xứ người bán thân dưới nhiều hình-thức, kèm nhiều phụ bản và tài liệu về bi kịch này.
Dương Như Nguyện (còn ký Uyên Nicole Dương/Wendy Duong)
xuất-bản tiếng Việt sau Mùi Hương Quế (Văn Nghệ, 1999), có tập truyện Chín Chữ Của Nàng
(Văn Mới, 2005) cùng thời-gian xuất-bản tập truyện tiếng Anh Daughters of
the River Huong, a Vietnamese royal concubine and her descendants do nhà
Ravens Yard xuất-bản, rồi Postcards From Nam do Nguyễn Thị Thanh Tâm
dịch ra Bưu Thiếp Của Nam (Văn Mới, 2009), Mimi and her Mirror
(Lake Union Publishing, 2011; giải nhất giải thưởng International Book Awards 2012 dạng tiểu thuyết đa văn hóa. Cung Thị Lan xuất hiện từ năm 2004 đã có các truyện
dài Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm (2004), Hai Chị Em (2004), Tình
Trên Đỉnh Sầu (2006), Không Phải Chỉ Là Chuyện Con Cọp (2012), Mãi
Mãi Chia Xa (2014), Khi Ngỡ Mình Là Thượng Đế (2019), tập truyện
ngắn Khoảng Cách Của Biệt Ly (2009) vả 2 tập tiếng Anh Unforgettable
Kindness (2011) và Two Sisters (2014) – đa phần về quê hương
Nha Trang và đời sống hội nhập ở Mỹ. Ngô
Tịnh Yên thêm Lục Bát
Khỏa Thân (N&M, 2002) gồm 20 bài thơ tình nặng nhẹ hiện thực pha
lãng-mạn, thiền vị.
Ở Pháp,
Trần Thị Diệu Tâm xuất-bản Phía Bên Kia Mặt Trăng (15 truyện
ngắn, Văn Mới, 2001), Cầu Pont-Neuf (Văn Mới, 2008),... Phan Thị Trọng Tuyến thời này có Hồng Đăng tại Amsterdam do
Văn Học Press xuất bản tại Quận Cam CA năm 2018. Cùng năm, Đặng Mai Lan
xuất hiện trở lại với tạp văn Người Lạ, Người Quen (Văn Học Press).
Ở Đức, Vinh Lan, một nhà văn từng bắt
đầu nghiệp văn sớm, viết cho các báo Tầm Nguyên, Vui Sống, Mai, Tiếng Chuông
và Tin Sớm trước 1965, sau này trở lại và đã xuất-bản 3 tập truyện Nỗi
Sợ và Niềm Hy Vọng (Đức: 2006), Hương Quỳnh (2007) và Thì Thầm
(2009; phần Hình Bóng Cũ). Bút ký, nhận định văn học (biên tập các trang Hồ
Biểu Chánh, Bình -Nguyên Lộc) Vinh Lan đã góp phần đáng trân trọng cho văn học
sử miền Nam.
Các nhà văn nữ khác đã xuất bản vào
hai thập niên này: Tiểu Thu, Hoàng Nga, Hoàng Quân, Ái Khanh Trang Thanh Trúc,
Nguyễn Thị Thanh Dương, ...
TÂM LINH
Một
số ít các nhà văn ở ngoài nước (nhiều vẫn là trong nước) có khuynh-hướng thời
thượng nếu không viết tiểu-thuyết lịch-sử thì nói chuyện thế-giới bên kia,
“không thật“, nói cái thiêng để tránh lách cái phàm, thể hiện
những chiều kích thời-gian không thật, có thể hoặc đã qua! Nhà văn mượn hồn
nhập xác, nhìn vào thế giới bên kia, tâm linh, v.v. Mặt khác, nhà văn muốn khai
thác chất phi lý trong tính cách con người, thám-hiểm sức mạnh của thời gian vì
sự quên lãng như đang chực chờ đâu đó! Tâm linh là một trong những đề tài hiện-đại
nhất. Lý do đầu tiên ai cũng biết đó là thế giới càng tiến bộ về vật chất và kỹ
thuật thì càng để lộ khiếm khuyết về tâm linh; con người càng văn minh và đầy
đủ vật chất thì càng có nhu cầu về tâm linh, và nhu cầu này phát xuất ở nhiều
lứa tuổi.
Truyện của Vĩnh Hảo, Lâm Chương, Tâm Thanh, Lưu Văn
Vịnh (Bốn Lần Leo Núi
Tản 2000, Mò Gươm Dưới Đáy Thời Gian 2006,...), v.v. đặt con người lên trên mọi tranh chấp chính
trị, tầm thường, đề cao tâm linh, sâu thẳm của con người. Trương
Anh Thụy trong bộ tiểu-thuyết Chuyển Mùa như muốn sử-dụng tâm linh để “giải
quyết” những vấn-đề mà khoa học, chính-trị không làm được gì: tình người. Thơ của Viên Linh, Huy Trâm, Thái Tú Hạp, Nguyễn Hải
Bình (Một Thoáng Phù Vân 2009 và Lần Bước
Vào Thiền 2014), Trần Thu
Miên, v.v. là để cảm (người khác), tìm đồng cảm, đánh động tâm linh, tâm thức.
Trần Thu Miên với Cầu Kinh Tôi Đọc Giữa Đời Tha Hương và thơ song ngữ
Anh-Việt Hành Trình Linh Hồn Biệt Xứ / Journey of a Soul in Exile (2015)
“phản ảnh hành trình tâm linh của mình trên đường biệt xứ...”. L.M. Nguyễn Tầm
Thường đến với Tin Mừng và chia sẻ qua một số thể
loại văn-chương, khi viết, ông không hài lòng với những hời hợt, làm dáng, mà
đã chứng minh ngòi bút vừa hiện đại vừa sâu lắng tâm linh; nội-dung triết lý,
tâm linh toát ra qua tổng-thể tác-phẩm chứ không phải qua những tiểu xảo kỹ
thuật, khiến người đọc có cảm tưởng ông muốn đạt đến tình trạng tâm hồn siêu
thoát, viết và giảng bằng văn-chương và cả bằng cuộc sống niềm tin. Toàn bộ tác-phẩm của LM Nguyễn Tầm Thường như vậy có thể
nói trước hết có tính luận-đề, thứ nữa, có đặc tính liên-văn-bản
(intertextuality) và với bút pháp và kỹ thuật đặc thù của tác-giả, chúng mang
thêm tính xuyên-văn-bản (transtextuality) và tính đa-văn-bản (hypertextuality,
còn được dịch là đại-văn-bản; mặt khác, có thể xem toàn bộ Tin Mừng như một
đại-văn-bản, nguồn cho mọi tham-chiếu). Ý nghĩa, tư tưởng của một văn-bản không
hẳn đã đầy đủ hoặc trọn vẹn tự tại mà tồn tại trong mối liên hệ với các văn-bản
khác, nghĩa là, giữa các văn-bản khác nhau của cùng tác-giả. Đặc tính
liên-văn-bản thấy rõ trong một số đề tài như Cái Chết. Thể-loại sử-dụng khác
nhau, nhưng cái lõi xuyên suốt có thể nhận ra ở LM Nguyễn Tầm Thường là đạo, là
chân lý, cái phải làm và những cái mà con người thời nay đang gặp gian nan, bị
thử thách, phải đối đầu. Tác-phẩm của LM Nguyễn Tầm Thường đã đáp ứng được nhu
cầu tâm linh của con người hôm nay, nhất là ở hải-ngoại con người bị vây tỏa
bởi tự do choáng ngợp, bởi giải phóng không mục đích, bởi một thế giới không
chủ thể và con người là con số không to tướng.
Phan Tấn Hải tác giả và dịch giả, bút hiệu
Nguyên Giác cũng là pháp-danh, qua các truyện ngắn và biên luận về Thiền cho
thấy viết là một hạnh phúc vô cùng tận, cho bản thân và tha nhân, hạnh phúc khi
sống tâm linh và thực hành tu tập.
Mặt
khác, khuynh-hướng tâm linh mang tính hậu hiện-đại, đề cao cái ngược lại với
duy-lý, mô-phạm, khoa-học, lạc quan; tóm, con người ở đây hết là cái rốn của vũ
trụ. Dịch lý được vận hành trở lại, mở rộng vòng tay đón tiếp phi lý, vô
thường, biến hóa, tóm, con người chưa chết nhưng thường ở bên cạnh hay ở đâu
đó, có khi hội-nhập vào vũ trụ, thiên nhiên - con người hết làm cứu cánh, trở
nên một trung dung hấp lực. Văn-chương đo đó không biên giới, không nhất thiết
phải trung thành với một trường phái. Vai-trò của con chữ được đề cao. Ngôn-từ
hết phải đúng văn phạm, hợp lý,...; ngôn từ ở đây được đón nhận như được viết
hay nói ra! Vào những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ
XXI, nhiều người rơi vào tình trạng đường cùng, của phi lý, lãnh cảm, và do đó
con người mới cảm thấy cần tôn giáo, siêu hình! Như vậy sau nhiều thử nghiệm
văn-chương, văn-hóa, đến thời này thì tâm linh mạnh hơn - phải chăng văn chương
không phải thuần vật lý? Triết lý, tâm linh, để thay đổi đời thực và thế giới;
cuộc chiến tâm linh, siêu hình cũng ác ôn không thua gì cuộc chiến với bom đạn,
“võ miệng”,... đưa đến ảo tưởng hòa bình, an nhiên tự tại, vì không dễ dàng gì!
Tâm linh không phải là toàn bộ hiện sinh, toàn bộ văn-hóa, nhưng là cái luôn
hiện hữu, bàng bạc ở cuộc đời đấu tranh và rõ nét, cần thiết lúc lớn tuổi hoặc
mỗi khi gặp trục trặc, vấn-đề trong cuộc sống.
Con người nói chung đang bị khủng hoảng văn hóa và
tinh thần rất lớn. Con người khao khát và đi tìm niềm tin như
điểm tựa, tâm linh sẽ là con thuyền đưa con người qua bên kia bờ, thoát bến mê.
Ngoài các đấng xuất nguồn các tôn giáo lớn từ nhiều thiên niên kỷ đã và vẫn cứu
vớt hàng hà sa số chúng sinh, còn có tự thân mỗi người đến hoặc trở về với thế
giới tâm linh, tự giải thoát, tìm bình an, và chia xẻ với đồng loại. Đó không
phải là sứ mạng dễ dàng, dù vậy, nhiều tác-giả đã lên đường, góp phần công việc
này, qua sinh hoạt văn-chương!
Thứ
nữa, với cộng đồng Việt-Nam hải-ngoại sau hơn 45 năm, chúng ta đã đi từ cái
tuổi thiếu niên đến trưởng thành và đang lão hóa - lão hóa đồng hành với
nhu cầu tâm linh càng lớn mạnh. Trong một số tác-phẩm, đời sống tâm linh
được chú tâm hơn và một cái nhìn khác về đời sống ở đất người, rồi đến kêu
thương, cứu rỗi. Nhu cầu tìm cứu rỗi vì tâm linh bị động, vì con người đang bị
nhiều chứng nan-y làm mục nát thế xác cũng như tinh thần. Chúng ta có thể nói
đến một truyền thống văn-học tâm linh, với những tác-phẩm (đề tài, bối cảnh) và
nghệ thuật của một số tác-giả. Có những tác-phẩm bắt nguồn cảm hứng từ tín lý
cac tôn giáo, như kiếm tìm về một nguồn tâm linh, tư tưởng có thể đáp ứng được
nhu cầu tinh thần và cảm xúc, mà chủ nghĩa ống loa tuyên truyền và một xã-hội
bế tắc với đời sống bưng bít sự thật đã đưa đẩy con người vào ngõ bí. Nếu căn
bản đạo đức (ethic) của văn-chương là nhắm đưa đến cứu rỗi; thì tôn giáo cũng
đưa đến cứu rỗi; nhưng mỗi bên có những khác biệt đặc thù.
*
Hiện
tượng “lão hóa“ trong văn chương hải ngoại thật vậy khởi từ
những lo lắng khi nhìn tuổi tác độc giả và tác giả. Sau hơn 45 năm, sinh hoạt
văn-học đã phải lão hóa, con người sáng-tác rơi vào tình cảnh buồn, bản thân
hết chất liệu hoặc sức sống để sáng-tác trong một khung cảnh chung ảm đạm, về
chiều. Lão hóa là tự nhiên trong các sinh hoạt văn-nghệ, văn-hóa,
nhưng trở nên bi đát đối với cộng-đồng văn-hóa hải-ngoại! Lão hóa còn ở nội dung đa phần cứ chuyện xưa
ngày cũ rỉ rả, còn hình-thức thì khổ chữ in ngày càng lớn thêm ra. Thật vậy,
nội-dung văn học hải ngoại có tính thời gian, quá nhiều quá khứ, từ tình yêu,
tình quê hương đến tự truyện, lý luận, phê bình. Ngay cả khi viết về tương lai,
về hội nhập, nếp sống mới, cái quá-khứ vẫn lẩn quẩn không xa, như tham chiếu,
như tấm gương lâu thay người viết phải soi nhìn lại, nhìn bản thân và quá-khứ
chung!
Tình
trạng “lão hóa“, ngưng đọng, dậm chân có thể là những “hậu quả“ đưa đến khuynh
hướng “hợp lưu văn nghệ“ - hay muốn trở về cùng nguồn “văn-chương“. Thiển nghĩ
đây là điều tốt, ít ra là tích-cực vì hai lẽ: một là có trao đổi thật lòng thì
mới có hiểu biết, có đối thoại, hai là văn học cũng như dân-tộc sẽ “giàu“ ra,
sẽ đa dạng thêm. Thời gian sẽ gạn lọc, một số vết thương sẽ thành sẹo, những
quá khích, giả dối sẽ tự biến hoặc mất dần. Và yếu tố thời gian, thế hệ, sẽ
thiên về phía hợp dung. Dần dà các tạp chí văn-học nghệ thuật đăng chung bài và
sáng tác của người trong và ngoài nước. Và người trong nước rồi cũng đọc được
người ở ngoài. Văn học trong nước nhờ gắn liền với đất nước có lợi thế phát
triễn, có đa số người đọc, tưởng đã lấn át văn học ở ngoài; nhưng văn học sẽ
chỉ phát triễn tốt nếu môi trường và nhân tố thích hợp: ở ngoài vì sự ngăn cách
không gian và bị chính trị khuấy độc, trong khi trong nước bị kềm kẹp và văn
chương đã mất đi giá trị trong một xã hội coi thường văn hóa, xem văn hóa như
là sản phẩm thị trường sau nhiều thập niên đã lợi dụng văn hóa để thăng hoa
chiến tranh. Kỹ thuật điện toán và Internet giúp phương tiện viết bài, trao
đổi, chuyển gửi và ấn loát, trong với ngoài nước, thêm hiện-tượng người ở ngoài
in sách ở trong nước hoặc trong nước in sách tác-giả ở ngoài. Nhưng vẫn là
vấn-đề lý thuyết một khi chính-trị vẫn như xưa nay!
TÍNH VĂN CHƯƠNG
20
năm văn-học này nói chung vẫn rất dồi dào về số lượng ấn phẩm, nhưng có bao
nhiêu tác-phẩm thật sự văn-chương, và về thể-loại truyện và tiểu-thuyết cũng
như thơ, thì có bao nhiêu đáng được xem là tác-phẩm văn-chương? Bao nhiêu hàm văn-chương
tính hơn hoặc gây ấn-tượng thật lâu dài? Trong 20 năm này cũng như 45 năm,
hải-ngoại đã có những tiểu thuyết có giá trị nhưng hình như chưa có những tác
phẩm lớn! Vì việc sáng-tác và xuất bản tiểu thuyết hàm chứa ngõ cụt, đường cùng
của một sự nghiệp văn chương. Tác phẩm nhiều hay nhà văn nhiều? Có thể nói, thợ
văn hoặc người dụng văn nhiều hơn người làm văn chương và có người càng viết
càng ra khỏi văn học sử, hoặc vì không biết ngưng đúng lúc, hoặc quá tự tin và
tháp ngà. Chân thật có thể còn nhưng tài năng và kỹ thuật không thích hợp hoặc
không cảm được người đọc lâu dài? Cũng có khi viết nhiều nhưng cái cuối cùng
mới đáng để ý hơn, phải chăng cũng là vấn đề kỹ thuật?
Nhìn chung, văn
thơ có những tìm kiếm hình thức, một số nỗ lực đổi mới thi ca và
thể-loại tiểu-thuyết, v.v. Trong lãnh vực thuần túy văn-chương (thơ, truyện,
bút ký, v.v.), thoạt nhìn và nhất là qua các ấn phẩm chúng tôi có được, tính
văn-học hoặc giá trị “sống còn“ dĩ nhiên là khả dĩ , nhưng cho ai và tới thời
nào thì chỉ có thời-gian mới có thể trả lời. Về thi-ca cũng như tiểu-thuyết,
nhà văn nhà thơ phải luôn cách tân, tìm tòi, nếu không, sẽ rơi vào sáo mòn của
truyện kể hoặc ca-dao. Đã có tìm tòi hình-thức của Lê Thị Thấm Vân, Trần Vũ,
Đặng Thơ Thơ, Đỗ Quyên như muốn lật đổ cái nguyên mẫu khai đã quen để khai phá
phạm trù thời-gian, đưa vào sáng tác những chiều kích hiện tại của thời gian
quá khứ và muôm mặt của những sự kiện.
Mặt khác, các truyện và tiểu thuyết thời này phần lớn là truyện - chuyện dài hay chuyện kể - cũng như Việt-Nam trong-ngoài nói chung là một văn học nặng truyện kể, hơn là một “sáng tạo” văn-chương dù vẫn có những canh tân, hiện-đại và hậu hiện-đại hóa! Nhà văn lớn trở thành một người khai phá không ngưng nghỉ, kiếm tìm qua thể loại lựa chọn đó, vén màn cho được những bí mật, giải tỏa cho được những hàm hồ, bí ẩn của tâm hồn con người, qua những khả thể của tiểu thuyết, của giả tưởng - tức hiện sinh. Nhà văn có thể không điều nghiên thực tại mà chỉ nhắm cái hiện sinh! Nhà văn có người vẫn đi tìm cái bí ẩn của cái Tôi và có người ép buộc độc giả phải biết về cái Tôi. Kể chuyện phải chăng là một cách thể hiện văn chương, làm văn chương hay ngược lại, dùng văn chương để kể chuyện? Kể chuyện có nghệ thuật của nó, vì kể chuyện đã là nguồn gốc của văn chương, là nguồn hứng khởi, thu hút, khiến người đọc tra vấn, ngưng đọc để suy tư, thẩm thấu. Toà nhà do những người thợ là tác giả và nhân vật của hắn xây lên như lý lẽ hiện tồn, nhưng một khi hoàn thành, truyện đã hết và nay thuộc về Lịch sử viết hoa. Tác giả cấu trúc thành tác phẩm nhưng ý nghĩa, dụ ngôn nếu có là do người đọc khám phá, với những chìa khóa riêng tư. Khi người đọc có cử chỉ đó là tác giả đã biến mất, đã chết! Tác giả bị xét lại và kết án tử. Vấn đề vai trò người đọc và tác phẩm là sợi dây trung gian. Văn bản không hiện hữu nếu không có sự kiện có người đọc. Nếu tác giả không còn đó thì người đọc hiện hữu, sống thật! Tác giả đồng nghĩa với cảm hứng và kỹ thuật dàn dựng truyện. Ý niệm tác giả trở lại nhưng xuyên qua huyền thoại mà tác giả thành công dựng nên về mình, huyền thoại ảnh hưởng đến tác phẩm - tác giả chính là tác phẩm! Nói gì thì tác phẩm bất hủ, sống lâu, có nghệ thuật tự nó có thể sống, điển hình và đặc thù. Không phải sống nhờ tên tác giả đã nổi tiếng hoặc nhờ phê bình quảng cáo đề cao.
KHUYNH HƯỚNG HIỆN ĐẠI LIÊN MẠNG
Văn-học
trên mạng-lưới Internet như thấy được hôm nay đã trãi qua nhiều giai đoạn thử
nghiệm, hình thành và phát triển. Đối với người Việt, liên mạng Internet đã là
những viên gạch hiện-đại và hậu-hiện-đại làm phương-tiện cập nhật cho văn-học
Việt-Nam đã và đang ở ngõ hẹp không lối thoát, “chính thức” ở trong (hệ thống
hội viên, đảng viên, lề phải, kiểm duyệt,...) cũng như “đang hình thành” ở
ngoài nước (khư khư “chính thống”, cố cựu, hay mới/trẻ?). Phương-tiện kỹ thuật
tiên tiến để làm mới văn-chương, với người-cũ-mà-cập-nhật và
người-mới-kỹ-thuật-hiện-đại! Và đã tích cực góp phần cho văn-học nghệ-thuật
người Việt ở hải-ngoại trước hết, sau cho sinh hoạt văn-nghệ trong nước! Nhưng
sự phát triển của các báo mạng gây thương tổn cho báo giấy và/hoặc làm mất tính
độc đáo của bài vở, mà người viết thì ngày càng nhiều nhưng giá trị thường khó
biết, khả nghi, không bền lâu.
Da Màu, một trang sinh hoạt văn học mới từ tháng 8-2006, dành cho mọi sinh hoạt văn chương không phân biệt xu hướng với tên Da Màu, được nhà văn Phùng Nguyễn chăm sóc với đông đảo những cây bút ngoài và trong Việt-Nam tham gia. Bao gồm những chủ đề Ngôn Ngữ, Văn Hóa, Phái Tính, Tín Ngưỡng, Màu Da…Ban biên tập và chủ trương gồm Đặng Thơ Thơ, Đỗ Lê Anh Đào, Thường Quán và Phùng Nguyễn. Trong Phỏng vấn của đànchimviệtonline ngày 29-7-2008, Phùng Nguyễn cho biết “Tiêu chí của Da Màu là 'văn-chương không biên giới' và mục tiêu là 'thúc đẩy sự cảm thông và chấp nhận những dị biệt bắt nguồn từ văn-hóa, ngôn-ngữ, phái tính, màu da, tín ngưỡng, và chính kiến qua các hình thái văn-học nghệ-thuật ... trừ biên giới cuối cùng giữa văn-chương và phi văn-chương”. Bao gồm nhiều thử nghiệm phổ biến như hình-thức tạp-chí, những số chủ đề, bài viết và tranh luận, dịch thuật (nhắm 'mang thế giới đến với Việt-Nam và mang Việt-Nam đến với thế giới'), phát hành sách e-book của tác-giả trong và ngoài nước; nói chung khá thành công vì thích hợp thời đại thông tin tin-học. Và đã ảnh-hưởng đến các vận động tư duy và sáng-tác của trong nước.
Talawas giới thiệu và tàng trữ nhiều tác phẩm (đặc-biệt Văn-học miền Nam trước tháng Tư 1975), cũng như trao đổi, tranh luận về những đề tài văn hóa và xã hội, chính trị khẩn thiết cho Việt-Nam như chuyên đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía từ ngày 6-7-2004”, v.v. Diễn đàn với chủ biên Phạm Thị Hoài, đã muốn “góp phần khiêm tốn của mình vào sự hình thành và phát triển một công luận độc lập, một ý thức tự do tư tưởng, một tập quán sinh hoạt tinh thần đa nguyên cho người Việt trong và ngoài nước”. Talawas đã hoàn thành tốt đẹp mục-đích của mình trong hoàn cảnh khó khăn về chính-trị gây ra bởi toàn trị, đe dọa và độc tài tư tưởng – không hề có “độc giả tự nguyện”! “Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt-Nam” (talawas, 2-11-2010).
Một số nhà văn thơ cũng có trang blog (weblog) như Nhật Tiến, Phạm Cao Hoàng, Trần Hoài Thư, Nguyễn Xuân Thiệp (Phố Văn), Trần Yên Hòa (Bạn Văn Nghệ), Lê Hân (Saigonocean), Bắc Phong (Sáng Tạo), Tôn Nữ Thu Dung (Tương Tri),… Facebook, Twitter cũng trở thành một thứ Soc.Culture.Vietnamese tiên khởi của đầu thập niên 1990, nhưng hiện-đại hơn, đa phương tiện và kỹ thuật, nhanh chóng,... hơn, có thể hổ trợ cho công việc văn-chương nhưng cũng có thể hại cho văn-học, như điện tử đã và đang tiếp tục giết chết sách báo giấy cùng thay đổi thói quen văn-hóa, thưởng thức văn-nghệ, thông tin! Tiếng Việt và “tác-phẩm”, “báo-chí”, blogs tiếng Việt chiếm một phần lớn nội-dung của siêu không gian Internet toàn cầu, riêng mảng văn-học Việt-Nam trên Internet cũng chiếm phần quan-trọng đáng kể.
Cuối cùng, văn-học hải-ngoại thêm hiện-tượng xuất-bản qua mạng lưới thương mại amazon, lulu, barnes&noble,... có thể ghi nhận các nhà Nhân Ảnh, Người Việt Books, Văn Học Mới, Lotus Media, Văn Học Press,... - tất cả đều có địa chỉ bưu-chính ở California Hoa Kỳ. Song hành có loại “nhà xuất bản” như Tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu từ 2016 cung cấp miễn phí sách dưới dạng điện tử (e-book) sách đã lên trang và trình bày sẫn sàng để in ấn. Các nhà xuất bản này đến kịp lúc để thúc đẩy, tiếp nối việc xuất bản sách báo đã ngưng trệ (các tiệm sách thì dần đóng cửa hết) từ nhiều năm “lão hóa” trước đó. Kỹ thuật tin học và mạng lưới Internet đã toàn cầu hóa và “đại-chúng” hóa đưa người viết và người đọc đến gần nhau hơn, trực tiếp hơn, có thể nhiều “người đọc” hơn và đồng thời tạo cơ hội cho các “tác-phẩm“ khó khăn xuất-bản hoặc phổ biến ở một nơi có thể ra mắt ở nơi khác. Mới đầu cách này khiến dễ dàng cho các tác-giả và độc-giả người Việt ở khắp nơi vì không còn biên giới địa lý, nhưng cũng khiến cho việc theo dõi sinh hoạt văn-học nghệ-thuật trở nên khó khăn hơn và cũng vì vậy mà phần nào sản phẩm “văn-học” trở nên “lạc lõng” - không còn những buổi ra mắt sách, những bài điểm sách, tranh luận như bình thường sinh hoạt văn-học nghệ-thuật trước đó! Và đưa đến khuyết điểm về khó khăn đánh giá nội dung và tác giả, “sáng tạo”, “nhà xuất bản” trên trời dễ trở nên loạn, có thể làm mất đi ý nghĩa sinh hoạt văn hóa!
Mặt khác, một số tác-nhân của nền văn-học
hải-ngoại đã lần lượt ra đi, phần khác thì lão hóa và bệnh tật. Thế hệ này qua
đi, thế hệ khác tiếp nối, nhưng với cộng đồng người Việt hải-ngoại thì sự tiếp
nối có những điều kiện khó khăn hơn; thế hệ văn-hóa cội nguồn. Luật tuần hoàn
vẫn khiến có những nhân tố có thể gây hồi sinh, nhập dòng trong-ngoài, có người
trở về quê-hương sinh sống cuối đời thì cũng có kẻ tìm đủ cách để ra đi!
Như vậy, những năm đầu thế kỷ XXI văn học
hải ngoại đã khởi động cuộc vận động cho những khuynh hướng văn-chương hiện đại
hơn nữa cũng như cho những dự phóng văn học mới. Cuộc vận động này đã gây khởi
sắc và hy vọng cho sinh hoạt văn chương thời này, nhưng tiếc thay vận hội này
đã không kéo dài lâu hơn và các sinh hoạt văn học, báo chí đã phải rơi vào tình
trạng lão-hóa chung của cộng đồng người Việt hải ngoại tuy vẫn đang sinh hoạt có
khi rất mạnh. Có thể nói văn-học hải-ngoại đã để lại những
tác-phẩm ghi dấu ấn của cộng đồng người Việt hải-ngoại, và làm nên gia tài
văn-hóa chung của Việt-Nam, có thể tự hào để lại cho nhiều thế hệ độc
giả.
[Các
tác giả đề cập trong bài một số đã được chúng tôi nhận định tương đối đầy đủ
hơn trong tập Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại, nhà Nhân Ảnh xuất bản đầu năm
2020]
NGUYỄN VY KHANH
Toronto 7-2020
VĂN HỌC MỚI, số 8, tháng 9-2020 đặc biệt về Đặc san
CHỦ ĐỀ với Văn-Học Việt-Nam Hải-Ngoại