Alain Fournier (1886-1914)
1.
Cuộc
đời Alain Fournier – mà tôi muốn gọi bằng tên thật Henri - thật ngắn ngủi, như
hạnh phúc anh vẫn kiếm tìm, thật trong sáng như tuổi thơ anh vừa chợt mất, thật
nhẹ nhàng như những mối tình ở cạnh anh suốt mấy quãng đời :
Henri - học trò, Henri - người lính, Henri – nhà văn. Henri là một
nhà văn “không như những người khác” : Không kể những tạp bút, những
truyện ngắn rải rác trên báo chí, không kể những thư từ liên lạc với
gia đình bạn bè …, không kể những mẩu văn, những ghi chú rời rạc mà sau
khi anh chết, Isabelle, em gái anh, góp nhặt lại cho xuất bản, tác phẩm
của Henri vỏn vẹn chỉ có một cuốn : le Grand Meaulnes ( G.M.
) Người đọc G.M. xin đừng chỉ xem nó như một tác phẩm văn chương vì
sẽ thất vọng bởi ít nhiều thiếu sót kỹ thuật, cũng xin đừng dùng nó
để sống qua một vài giờ nhàn rỗi, bởi sẽ thấy nó quá tối tăm,
rắc rối, G.M. như tâm sự của một người con trai đang lớn, của những người
con trai đang lớn, G.M. như lời mời vừa thiết tha vừa quyến rũ của hai tâm hồn
đồng điệu.
Cầm
cuốn G.M. , trước hết hãy quên đi những công việc khó nhọc của đời sống hàng
ngày, hãy quên đi những dự tính cho ngày mai, hãy khoan suy xét, phê bình,
để sống với những phiêu lưu bất ngờ và kỳ thú của anh học trò
nhỏ mang tên cuốn truyện, để sống với Henri, để nghe anh
kể về chính mình.
2.
Cuộc
đời Henri bao gồm mười bốn năm cuối của thế kỷ trước và mười bốn năm
đầu của thế kỷ này. Sinh ra và lớn lên tại một vùng đất nơi mà “mọi
việc đều có thể được, nơi mà người ta có thể khám phá tất cả”, Henri
nắm tay chúng ta và nói về quê hương anh, như một người bạn nói với một
người bạn :
“
Này đây, giữa hai nhánh của dòng suối, cánh đồng nhỏ cỏ cây mọc cao,
hàng đám rạ cắt xong phơi khô bên bóng mát những hàng bạch dương; này đây
căn trại ẩn mình nơi khúc quẹo của con đường hẽm …”
Khung
cảnh an lành và cần cù của một hạnh phúc bình dị này chính là khung cảnh
của tuổi thơ Henri, một tuổi thơ tuyệt đẹp ( “ un homme dont l’enfance
fut trop belle”), tuổi thơ của đùa nghịch, tuổi thơ của những contes
de fée, tuổi thơ của những mơ mộng phiêu lưu…
Ở mỗi
trang cuốn Le Grand Meaulnes ta đều tìm thấy vết tích của thời
kỳ thơ ấu này : lớp học, giờ chơi, bạn hữu …
Suốt
chuỗi ngày nhỏ dại, Henri sống với đầy đủ tình thương. Gia đình
êm ấm, hạnh phúc. Nhất là đối với cô em gái, Isabelle, kém anh ba tuổi.
Hai anh em thương nhau bằng một tình thương trong sáng, giữa hai người tưởng
chừng như không bao giờ có bất hòa nhỏ. Càng lớn sự hiện diện của
Isabelle càng trở nên cần thiết cho Henri. Anh cần bè bạn. Anh cần một
người để tâm sự. Đến lúc đi học xa, anh vẫn không quên viết thư thường cho
em. Để kể chuyện. Này em, sáng nay anh vừa bắt gặp một khuôn
mặt thật dễ thương… Này em, suốt tuần nay không đêm nào anh ngủ được,
dày vò bởi những kỷ niệm êm đẹp mùa hè vừa qua… Hai anh em luôn
viết cho nhau để bù đắp khoảng trống nhớ nhung. Viết hàng tuần, viết
hàng ngày, cho đến ngày Henri mất tích. Đến ngày đó, Isabelle vẫn viết cho mình
đọc, bởi Henri không còn nữa, lần này, lời cô em gái càng thiết tha, càng trìu
mến :
“ Hỡi
anh, hỡi anh ! Henri của em, ánh sáng của lòng em, niềm vui của hồn em, thầy
dạy và bạn đồng hành dễ tính của em thời nhỏ tuổi, nỗi lo và niềm
kiêu hãnh của em, người hướng dẫn em qua bao nhiêu ngày !...
”
(
Vie et passion d’Alain Fournier )
Bên
cạnh Isabelle, Henri còn có một tình bạn không kém đẹp. Jacques RIVIÈRE là tên
người bạn. Như một an bài của định mệnh, Jacques và Isabelle lại cùng nhau kết
hợp, và như thế, kết hợp hai tình yêu lớn nhất của Henri, kết hợp hai người
thân gần gũi nhất của Henri vậy.
3.
Cái
bí mật của cuốn G.M. từ lâu vẫn là cái bí mật của nhân vật Yvonne de
Galais, người con gái mà anh Meaulnes quen được qua một cuộc gặp gỡ ly kỳ.
Tới
bờ, mọi việc được thu xếp vui như trong một giấc mơ. Trong khi lũ trẻ vui
cười chạy nhảy từng nhóm họp lại và tản mác trong rừng, Meaulnes tiến vào một
đường mòn, trước mặt anh, cách chừng mười bước, là cô thiếu nữ. Anh đến gần
nàng và không kịp suy nghĩ nói đơn sơ :
-
Cô đẹp quá.
Cô
gái rảo bước, không đáp và rẽ vào một lối đi ngang trong lúc những người
khác chạy đùa qua các con đường rộng lang thang theo ý riêng mình, mặc cho cơn
nhàn hứng dẫn đi. Chàng thanh niên tự trách mình thô lỗ, vụng về, ngu
xuẩn. Anh đang thơ thẩn không tin còn gặp lại cô gái duyên dáng đó nữa, thì
chợt thấy nàng đi ngược lại và bắt buộc phải ngang qua gần anh trong lối đi
chật hẹp…
Lần
này chàng trai cúi chào và nói thật nhỏ :
-
Cô tha lỗi cho tôi nhé !
Nàng
đáp trịnh trọng :
-
Tôi tha lỗi cho ông. Nhưng tôi phải đến với lũ trẻ. Hôm nay chúng là chủ. Thôi
xin chào ông.
Augustin
van xin nàng nán lại một chốc nữa. Anh nói vụng về, bằng một giọng bối rối, xao
xuyến đến nỗi nàng phải đi chậm lại, lắng tai nghe. Cuối cùng nàng bảo :
-
Tôi cũng không biết ông là ai mà.
Sau đó
nàng lấy lại vẻ bình thản, miệng hơi mím lại, cặp mắt xanh nhìn
về phía xa.
Meaulnes đáp
:
-
Chính tôi cũng không biết tên cô…
Nàng
do dự, nhìn anh mỉm cười và nói :
- Tên tôi à ? Tôi là cô Yvonne de Galais.
Rồi chạy mất.
(…) Meaulnes tiến gần cô Galais khi thấy cô trở ra và nói như để trả lời điều cô bảo lúc nãy :
- Tên tôi đặt cho cô còn đẹp hơn nhiều.
Nàng
hỏi, vẫn với vẻ nghiêm trang đó :
-
Sao ạ ? Tên gì thế ?
Anh
sợ đã nói lời ngu xuẩn nên không đáp. Rồi anh tiếp :
-
Tên tôi là Augustin Meaulnes, tôi là học sinh.
- Ồ,
ông đi học à.
Rồi
hai người còn nói chuyện một chốc nữa… Cô gái đáp lại những dự định của
Meaulnes :
- Ích
gì đâu ? Có ích gì đâu ?
Nhưng
khi anh bạo dạn xin phép nàng được trở lại thăm vùng đất đẹp này một ngày
kia thì nàng chỉ đáp :
-
Tôi chờ ông.
Họ đi
tới gần bến thuyền, cô gái ngừng lại, mơ màng nói :
-
Chúng ta chỉ là hai đứa trẻ, chúng ta đã làm một chuyện điên rồ. Lần này
ta không nên lên cùng một chiếc thuyền nữa. Thôi từ biệt, xin đừng có theo
tôi…”
( Le
Grand Meaulnes – trang 99-102 )
Thật
ra cuộc gặp gỡ Augustin Meaulnes – Yvonne de Galais trên đây chính là cuộc
gặp gỡ Henri Fournier – Yvonne de Quiévrecourt, mà Henri đã cẩn thận ghi
lại ngày giờ và nơi chốn : ngày 1 tháng 6 – 1905, tại Paris trước cửa
Grand Palais. Cuộc gặp gỡ bí mật và kỳ thú này thúc đẩy Henri viết
G.M. Cũng chính cuộc gặp gỡ này là nền tảng của quan niệm riêng
Henri về tình yêu, về hạnh phúc. Và vềcuộc đời.
4.
Henri
mười chín tuổi và gặp Yvonne. Hai năm sau hay tin Yvonne đã có chồng. Hai năm
sau nữa được tin nàng sinh con. Mãi đến năm 1913 mới có dịp gặp lại và nói
chuyện. Nghĩa là từ hồi mới lớn cho đến lúc sắp ngã gục, hình ảnh
Yvonne, tình yêu dành cho nàng vẫn luôn là mối bận tâm đối với Henri, tình yêu
đó như hòa lẫn vào đời sống anh.
“ Giấc
mơ tuyệt diệu, buồn buồn và gần như có thực : từng đoàn thiếu
nữ trẻ đẹp đi ngang qua. Cô này có chiếc mũ giống nàng, cô kia có cái
dáng nghiêng nghiêng, có cô mắt ánh màu nâu nhạt, có cô mắt xanh như màu mắt
nàng, nhưng không người nào, không cô nào thực sự là nàng cả. Tôi mơ như
vậy. Hằng đêm, cảnh đó diễn ra trong trí tôi…”
(
Thư cho Jacques Rivière )
“ Nous
sommes deux enfants. Nous avons fait une folie…”.Chúng
ta chỉ là hai đứa trẻ, chúng ta đã làm một chuyện điên rồ. Câu nói này của
Yvonne ám ảnh Henri mãi. Chúng ta như hai đứa trẻ. Về sau, gặp lại
Yvonne – lúc này đã có con – Henri mới dám nói :
“Bây
giờ gặp lại cô đây, tôi hướng về cô cũng với sự kính mến, với
lòng trong trắng của ngày xưa… Tôi xin cô để ý đến điều khốc liệt này mà
tôi nói ra với hết lòng thành thực. Xa cô, tôi không thiết sống.
Tôi
chỉ yêu cầu cô có chừng đó.
Bây
giờ tôi hai mươi sáu tuổi, chúng ta không còn là trẻ con nữa, tôi ý
thức được điều tôi mong muốn. Không gì khác hơn là khỏi phải xa cách cô hoàn
toàn…”
Xa
cô, tôi không sống nổi. Xa em, anh không sống được. Henri cũng dùng
thứ ngôn ngữ ấy của muôn người yêu nhau. Nhưng đừng tưởng là ngoài Yvonne,
Henri không còn có một phiêu lưu tình cảm nào khác nữa. Này nhé : tháng 9-1909
với “Mlle Laurence”, tháng 5-1910, với Jeanne B. ( tức là Valentine trong
truyện ), rồi sau đó, Henriette, Loulette và cuối cùng là Simone. Chừng đó
để chỉ kể những người dan díu lâu dài. Laurence, hay Jeanne, hay
Annette, hay Valentine, hay Henriette…, nào có quan trọng gì đối với Henri. Này
Nanon, này Loulette, này Simone, Henri đâu có chú tâm đến sự khác
biệt. Je ne me soucie pas d’une maitresse. Điều mà tôi đi tìm
là tình yêu. Je cherche l’amour. Tình yêu thật sự. Tình yêu sống
thực. Tình yêu với khuôn mặt đẹp nhất của nó. Tình yêu như một hòa hợp của tận
cùng. Một tình yêu như thế, Henri đã tìm thấy. Một lần với một người rồi cuộc
phiêu lưu của Henri dừng lại với Simone, vợ của Claude – Casimir Périer.
Henri được giới thiệu đến làm thư ký cho Claude, và nhờ đó có dịp giao
thiệp, trực tiếp hoặc bằng thư từ, với Simone. Tình yêu đến với hai người sau
đó, dễ dàng và bình dị. Có thể nếu Henri còn sống, anh còn dẫn mình
vào những cuộc phiêu lưu khác nữa. Bởi anh vẫn nói : Je cherche l’amour.
5.
Cuộc
tìm kiếm đó không bao giờ chấm dứt đối với Henri. Hãy đọc đoạn cuối cùng
của le Grand Meaulnes :
Meaulnes
gặp một thiếu nữ , Valentine, rồi đính hôn với nàng một cách như miễn
cưỡng. Chàng vẫn nghĩ đến Yvonne, đến tình yêu duy nhất này. Nghĩ đến Yvonne và
sống với Valentine. Cho đến khi khám phá Valentine thật ra là hôn thê của
Frantz, bạn chàng, Meaulnes ân hận và chạy trốn để gặp lại Yvonne de
Galais rồi cưới nàng. Ngay hôm sau, như theo một tiếng gọi bí mật, Meaulnes lại
bỏ đi, lần này thật xa, để chỉ trở về sau khi Yvonne
đã chết để lại một bé gái.
Cuộc
chạy trốn của Meaulnes là cả nỗi niềm của Henri, của con người nhiều yêu
thương :
“
Có nhiều lúc tôi cảm thấy không chịu nổi thành phố này, không chịu nổi
thiên hạ. Bao nhiêu nhà cửa, đường phố, khuôn mặt, mà tôi không tìm thấy một
kẻ đáng yêu. Tôi hãi hùng như vào ngày sắp chết. Tôi bị ném vào một
xứ mà tôi chưa hề quen biết, tin chắc là không thể nào có tình
yêu ở đó, sẽ là địa ngục hay thiên đàng, tôi không biết, nhưng
tôi bắt đầu, với sự mệt mỏi đáng ghét và nỗi chán chường không tên, tuyệt
vọng nhìn mặt từng người đi ngang qua.”
Henri
cũng đã giải thích thái độ của nhân vật anh.
“
Meaulnes chạy trốn không phải vì hào hứng, nhưng vì kinh hoàng bởi chàng biết
là niềm vui đích thực không có trên cõi đời này.”
Trên
cõi đời này không có niềm vui đích thực, nên Henri phải than vãn : “Personne
au monde n’est aussi exilé que moi.” Còn ai cô đơn hơn tôi nữa. Còn ai
buồn thảm hơn tôi nữa.
“
Tôi tìm một tấm lòng trong trắng
Và
làm nơi an nghỉ cho mình.”
Nơi
an nghỉ thanh bình nhất chỉ có một người có thể ban cho
tôi. Henri nói về Yvonne : “ C’est vraiment le seul être au monde
qui eût pu me donner la paix et le repos. Il est probable maintenant que je
n’aurai pas la paix dans ce monde.” Mất Yvonne rồi, thanh bình không tìm gặp được nữa. Mất Yvonne rồi, niềm vui đích thực không còn nữa, Henri sống trong đời “ như một kẻ sắp sửa khởi hành.”
Nhưng Henri không khởi hành để đi vào tuyệt vọng, để tự chuốc lấy đau buồn. Anh khởi hành để đáp lại “ tiếng gọi trầm trầm và kỳ ảo”, tiếng gọi của niềm tin và sự khao khát tuyệt đối. Hạnh phúc như phần thưởng ở cuối chặng đường gian khổ. Henri tự trả lời mình :
“ Niềm vui thực sự không có ở trên đời, vậy mà nó vẫn ở đấy, mở rộng cửa đón chúng ta.”
Cửa mở để đón những tâm hồn biết sống, tay cầm tay và nói với nhau ngàn lời thiết tha. Hỡi tình yêu, hãy kết hợp những tâm hồn giao cảm, và hỡi cuộc sống, hãy làm bền chặt những tình yêu muôn đời.
6.
1914 … Năm đầu của trận chiến tranh khốc liệt. Ngày 22 tháng 9, Henri, lúc này là
trung úy, dẫn đầu một toán quân tiến vào trận địa. Bên kia là quân Đức. Toán
quân trở về không có Henri. Một bạn đồng đội đã trông thấy anh ngã
gục và hình như được quân lính Đức mang về trạm cứu thương. Không ai nhận
được tin gì khác nữa vế anh. Một cái chết không có tang lễ, không có phân
ưu, không có điếu văn. Những nghi lễ, những hình thức tôn vinh mà Henri đáng
được đón nhận.
Như
để bù đắp vào sự thiệt thòi đó, tác phẩm của anh gây nên một tiếng
vang lớn, từ cả hai phía.
Một
bên là những người như Claude Roy quả quyết le Grand Meaulnes chỉ là
bản sao của một cuốn sách nhan đề “ la Disparition du Grand Krauss”. Hoặc
bà Jeanne Galzy với ý kiến cho rằng le Grand Meaulnes phỏng theo một truyện
ngắn của Georges Sand : “Le château des Désertes” . Người đọc le G.M. biết
về cuộc đời của tác giả chẳng tin được những lời tố cáo này, bởi
lẽ, như chúng ta thấy, cũng như chính Henri xác nhận, Henri đã viết dựa trên
sự thật, những gì anh kể đã xảy ra một nơi nào đó. ( …Je n’écrirais que sur de la réalité, tout ce que je
raconte se passe quelque part… )
Và một bên là số đông những bài báo, những sách khảo luận viết về Henri. Và những lời lẽ như :” Đọc xong le Grand Meaulnes, tôi thấy ý nghĩa cuộc đời thay đổi hẳn.” Hay câu nói của J. Giraudoux : “ Tôi cũng là một anh chàng Meaulnes bé nhỏ.” Có thể kể thêm ở đây những bài viết của những nhân chứng gần gũi với Henri nhất, hiểu rõ Henri nhất, tức là Jacques – Isabelle Rivière và Simone.
7.
Những
ngày cuối năm nơi này, trời mưa lạnh. Nghĩ đến những người thân
yêu ở gần hay ở xa. Và gặp được Alain Fournier qua tấm hình
trên một bìa sách, đôi mắt thật sáng, buồn buồn nhìn vào khoảng xa. Như một
cách làm quen, tôi nói về Alain Fournier bằng tên thật Henri và gọi anh
như một người thân thiết. Người biết đến Alain Fournier khá nhiều, nhưng người
đọc được Alain Fournier chưa hẳn đã là đông. Đọc những gì còn ghi trong sách.
Và đọc những điều không hiện rõ trong những dòng chữ viết đó. Phải là
người có tâm hồn, yêu cuộc sống và thích phiêu lưu.
Tôi
đi kiếm tình yêu. Je cherche l’amour. Trọn cuộc đời Henri, tất
cả tâm sự, tất cả tâm hồn anh đều xoay quanh câu nói đó. “ Tình
yêu như một cơn chóng mặt, như một sự hy sinh, như tiếng nói cuối cùng cho
tất cả. Sau nó, không còn gì tồn tại nữa.” Je cherche l’amour.
Tôi đi kiếm tình yêu. Đó cũng là thông điệp của Henri gởi cho người đọc, là bản
chúc thư của Henri viết lúc còn tuổi nhỏ. Sự nghiệp của Henri trước sau
cũng chỉ gồm một cuốn sách. Henri không cần giải thưởng nào, không cần
tiền bạc, miễn sao tác phẩm của anh có người đọc. “ Je ne demande
ni prix ni argent, mais je voudrais que le Grand Meaulnes fût lu. Je voudrais
que tout un peuple le lise, que toutes les femmes l’aiment.”
THÂN TRỌNG SƠN