Sunday, August 16, 2020

1713. TRẦN HUIỀN ÂN Bình Nguyên Lộc giữa thiên hạ và trong đời tôi



1.- BÌNH-NGUYÊN LỘC – SỰ NGHIỆP LẬP NGÔN

* Từ Tô Văn Tuấn đến Bình-nguyên Lộc
         Bình-nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7 tháng 3 năm 1914 (giấy tờ ghi 1915), tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa  (nay thuộc thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), trong một gia đình trung lưu ở đó lâu đời. (1)
         Từ năm 1929 đến năm 1933 Tô Văn Tuấn học trường trung học Pétrus Ký tại Sài Gòn. Năm 1934 thi vào ngạch thư ký hành chánh nhưng hơn một năm sau mới được tuyển dụng. Ban đầu ông làm công chức tại Kho bạc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương), năm 1936 thuyên chuyển và Kho bạc Sài Gòn, sau cải danh là Tổng nha Ngân khố Sài Gòn. Năm 1944 ông xin nghỉ giả hạn không lương vì lý do sức khỏe, và từ đó không trở lại với nghề công chức nữa.
         Năm 1949 ông xuống Sài Gòn, và sống tại đây cho đến năm 1985 được xuất ngoại sang Hoa Kỳ theo chương trình đoàn tụ gia đình, định cư tại tiểu bang California, từ trần ngày 7 tháng 3 năn 1987 vì bệnh cao huyết áp, hưởng thọ 74 tuổi. (2)
         Đọc Hồi ký Văn nghệ của Bình-nguyên Lộc, viết khoảng đầu năm 1987, chương Ông Bà Bút Trà được biết: Năm ông 17 tuổi, đang học Pétrus Ký, người anh họ của ông là Tô Văn Giỏi làm thư ký kế toán cho bà Tô Thị Thân vợ một Hoa kiều giàu có, chủ nhân 20 cơ sở doanh thương, nhờ ông đi tìm cho bà Thân một người “viết nhật trình giỏi mà ăn lương rẻ” để lập một tờ nhựt trình. Bình-nguyên Lộc tìm đến Trương Quang Tiền, và qua Trương Quang Tiền ông quen với ông Bút Trà. Tờ báo ra đời, bà Tô Thị Thân sau thành Bà Bút Trà.  Chính do sự tình cờ ấy Tô Văn Tuấn đi vào văn nghiệp. (3)
         Bút danh của ông, chữ Bình viết hoa, nguyên không viết hoa, Bình nguyên liền với nhau bằng dấu gạch nối, Lộc viết hoa, không có gạch nối với nguyên. (Bìa trong tập truyện ngắn Thầm Lặng, Thụy Hương xuất bản 1967 và trang cuối sách quảng cáo quyển Một nàng hai chàng cũng in như vậy). Một số bút danh khác là: Phong Ngạn, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Tôn Dzật Huân, Hồ Văn Huấn, Diên Quỳnh… (4)
         Bình-nguyên Lộc viết văn, cũng có làm thơ, chủ trương tuần báo Vui Sống và nhà xuất bản Bến Nghé. Ông cộng tác với nhiều tạp chí, tuần báo, nhật báo. Những năm 1960-1975, có giai đoạn ông viết 11 truyện dài hàng ngày cho các nhật báo. Năm 1959 tiểu thuyết Đò Dọc được giải thưởng văn chương toàn quốc (Việt Nam Cộng Hòa). Ông được mời tham gia Ban tuyển trạch các cuộc thi truyện ngắn (1965), hồi ký (1972) của Trung tâm Văn bút Việt Nam, và những cuộc thi khác như thi báo Xuân Học đường của Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên năm 1975… Trên bình diện nghiên cứu, bên cạnh những bài viết về lịch sử, ngôn ngữ, dân tộc, sưu tầm chú giải cổ văn… năm 1971 “nhà văn Bình-nguyên Lộc đã làm cho nhiều người sửng sốt với một tác phẩm đồ sộ về  Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” (5)
         Bình-nguyên Lộc còn có những buổi nói chuyện  gây được cảm tình với nhiều người nghe. Ngày 27/6/1962 tại Câu lạc bộ Sĩ quan An Đông ông chọn đề tài “Danh từ địa phương của người bình dân Miền Nam để chỉ bịnh tật” thuyết trình trước sinh viên Đại học Quân y. Theo bài tường thuật của Nguyên Phủ: “Mặc dầu tác giả Ký thác trình bày câu chuyện nói trên bằng một giọng dí dỏm, đôi khi trào lộng, nhà văn họ Bình vẫn để lộ qua những lời bề ngoài có vẻ mỉa mai, nhiều thương mến đối vói dân tộc, nhứt là đối với những người tiên phong đã phiêu lưu, mạo hiểm từ các vùng trên tràn xuống khẩn hoang đất mới ở Miền Nam. Họ là tác giả của nhưng danh từ nói trên, sáng tạo ra những danh từ ấy trong cảnh di cư và hỗn độn vì điều kiện sinh hoạt mới.” (6)
         Ngày chủ nhật 23/11/1969 tại thính đường trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn Bình-nguyên Lộc nói về “Truyện ngắn, tân truyện, tiểu thuyết” do Hội Bút Việt tổ chức. Ông dẫn chứng lịch sử văn học và giới thiệu các ý nghĩa xưa và nay của Tây, Mỹ, Tàu, Ta về truyện ngắn, tiểu thuyết, đoản thiên, trung thiên, truyện vừa, truyện dài, tân truyện…Theo lời thuật của nhà văn Minh Quân: “Tại Miền Nam cón có một hình thức truyện bằng văn vần, được gọi là thơ; khi người ta nói “Tôi đọc thơ Lục Vân Tiên” có nghĩa là người ta đọc truyện bằng văn vần vậy . Và anh kết luận: Chúng ta phải nghiêng mình trước số đông, cho dù số đông dùng chữ không chính xác đi chăng nữa”. (7)
         Đêm 23/3/1972 , tại trường Mê Linh, trước một cử tọa hạn chế Bình-nguyên Lộc đã trình bày một công trình dài hơi khác, sau khi cho xuất bản  quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, đó là kết quả của một cuộc nghiên cứu lớn: Sự liên hệ giữa gốc tổ Việt Nam và gốc tổ Mã Lai trên căn bản ngôn ngữ. Theo lời thuật của Thế Nhân: “Nay mai, Bình-nguyên Lộc sẽ thuyết trình trước một cử tọa đông đảo đề tài “Một ngàn danh từ Phù Nam trong Việt ngữ Miền Nam”… Ngày giỗ Tổ có lẽ Bình-nguyên Lộc sẽ thuyết trình ở Miền Trung, đề tài: “Vua Hùng đã thống nhứt và lãnh đạo tất cả bao nhiêu bộ tộc, mỗi bộ lạc tên gì, và chính bộ lạc của vua Hùng tên gì”. Công việc của Bình-nguyên Lộc đúng hay sai, còn phải đợi quyển sách ra đời, chớ chỉ nghe qua trong một cuộc thuyết trình thì rất khó mà kiểm soát … dầu người trình bày đã đưa ra chứng tích chặt chẽ, người nghe cũng cứ còn ngạc nhiên vì khoa ngôn ngữ tỉ hiệu rất là mới đối với những người không chuyên môn. Nhưng có điều mà ai cũng cần chú ý là các nhà văn hóa của ta có làm việc và làm việc  siêng, có thể đưa ra cái gì, đúng hay sai còn đợi tòan quốc kiểm soát, nhưng văn hóa không ngủ quên, mặc dầu cuộc sống rất chật vật”. (8)
         Cho đến nay, sự nghiệp văn chương của Bình-nguyên Lộc được nhiều người đánh giá rất cao. Với số lượng tác phẩm đã hoàn thành tính đến ngày 31/5/1966 (9) Nguiễn Ngu Í viết: “Các bạn có thấy rằng với số lượng ấy, Bình-nguyên Lộc xứng đáng họp cùng hai tiểu thuyết gia nổi tiếng: Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh để thành “Tam Kiệt” trong giới các nhà văn sáng tác nhiều (Lê Văn Trương trên 200 cuốn, Hồ Biểu Chánh trên 60 cuốn). Nhưng họ Bình chúng ta phong phú và đa dạng hơn hai bực đàn anh nhiều” (10)
         Chúng tôi thiển nghĩ, và tin chắc, rằng không ai đã đọc hết tác phẩm đã xuất bản của Bình-nguyên Lộc. Vì quá nhiều. Vì rải rác theo thời gian, khó tìm kiếm, bị thất lạc. Những người đã đọc thì “bá nhân bá bụng bá bao tử”, khen và chê, thích hay không thích, trăm người ngàn ý.
         Chúng tôi cũng đọc được một số đáng kể tác phẩm của Bình-nguyên Lộc, mỗi truyện đều tìm thấy một điều gì đó phát lộ hay ẩn tàng. Nếu phải chọn lựa một hai truyện thôi, thì theo cảm tình chủ quan, mấy tác phẩm sau đây là tiêu biểu nhất, khi nhắc tên  Bình-nguyên Lộc nhiều người nghĩ ngay đến. Chỉ xét các tác phẩm sáng tác, không nói đến tác phẩm nghiên cứu, biên khảo (Và cả “tham luận” này cũng xin không đề cập đến lĩnh vực khảo cứu của Bình-nguyên Lộc). Đó là hai truyện ngắn: Rừng mắm, Ba con cáo, và cái nhan đề Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc nghe đã thich thú trước khi lật sách. Nhốt Gió cũng hay, nhưng chúng tôi không thích bằng hai truyện kể trên, coi ngang hàng với mấy truyện khác. Tiểu thuyết thì đầu sổ là Đò Dọc.
·       Chung quanh chuyện viết lách
         Chúng tôi muốn trích lại đôi mẩu chuyện trong dòng tâm sự của Bình-nguyên Lộc và những điều có thể coi là quan điểm của ông về văn chương cùng kinh nghiệm sáng tác, qua một số bài viết và trả lời phỏng vấn.
         Đoạn trên có nhắc đến hồi ký Ông Bà Bút Trà, Bình-nguyên Lộc kể lại chuyện tình cờ tạo cơ hội cho bà Tô Thị Thân thành bà chủ báo, nhận một lời khen “Cậu bé này tiến dẫn người được việc”: “Sau đó tôi được nước nên đi sâu vào làng báo, làng văn, và càng ngày càng đi sâu mãi, cho đến ngày mà tôi có tác phẩm đầu tay để trình làng. Có thể nói mà không sợ sai là chính tôi đã tạo ra bà Bút Trà. Và ngược lại chính bà Bút Trà đã tạo ra Bình-nguyên Lộc. Duyên văn là như thế. Bà họ Tô ấy quả có công thật lớn với kẻ họ Tô là tôi đây. Về sau, khi tôi đã thành danh, có vô số báo Sài Gòn phỏng vấn tôi, để biết nguyên động lực nào đã thúc đẩy tôi bước vào làng văn, và vào năm nào. Với mỗi báo tôi đều trả lời mỗi khác, khiến các anh ấy nói với nhau: “Thằng Bình-nguyên Lộc là thằng nói dóc tổ bố, nay nói thế này, mai nói thế khác, chẳng còn biết đâu là sự thật nữa.” Nhưng sự thật là tôi đã thành thật với tất cả mọi người. Tại vụt thình lình các anh ấy đâm sầm vào nhà tôi rồi rút giấy, rút bút ra, phỏng vấn ngay và bắt trả lời ngay, không cho tôi kịp nhớ gì hết một cách đích xác, trong khi đó thì các động lực nó lại là cái gì rất đa nguyên. Trong trường hợp làm việc hối hả, tôi chỉ còn biết nhớ cái gì, nói ra cái ấy, hôm nay trình cái nguyên này, hôm sau trình cái nguyên khác, so lại thấy chúng nó chẳng ăn khớp với nhau, nên các anh ấy cho rằng tôi đã nói dối. Hôm nay, nhơn dịp viết một thứ như là hồi ký, tôi mới có đủ thì giờ để mà lội ngược thời gian thật là xa, xa tận thời tôi 17 tuổi, và mới đi tới một cái nguyên chưa hề khai với các bạn bao giờ hết.”  (3)
         Trong bài Tựa tiểu thuyết Khi người chết có mặt của Nguiễn Ngu Í (11), Bình-nguyên Lộc viết: “Nếu một tiểu thuyết nói được cái gì thì tiểu thuyết ấy có giá trị về tư tưởng. Nếu một tiểu thuyết không nói được cái gì cả, nhưng văn hay thì tiểu thuyết ấy có giá trị về văn chương. Nếu một tiểu thuyết không nói được cái gì cả mà văn cũng không có gì đặc sắc, nhưng hấp dẫn vô song thì tiểu thuyết ấy có giá trị về… tiểu thuyết. Trong ba đức tính của tiểu thuyết kể trên, một tác giả ít lắm cũng phải tạo được một cho tác phẩm mình. Tuy nhiên cái đức tính thứ ba, mà người ta xem thường lại là đức tính cốt yếu, vì dầu sao, tiểu thuyết cũng phải là tiểu thuyết trước cái đã, nghĩa là phải nhiều tình thiết để lôi cuốn người đọc. Cái “lẽ có” đầu tiên và chính thị của tiểu thuyết là giải trí người đọc. Nếu chỉ cần tư tưởng thì một đại luận nói được nhiều hơn tiểu thuyết, nếu chỉ cần văn chương thì một tập tùy bút dài là môi trường lý tưởng cho văn chương, không cần phải bày ra loại tiểu thuyết làm gì cho thêm rắc rối. (…) Các nhà văn, các nhà tư tưởng hay khinh miệt loại truyện “mua vui cũng được một vài trống canh” lắm. Nhưng giải trí người ta được một vài trống canh, lại không giúp ích à? (…) Nếu không dạy ai được điều gì, thì giải trí thiên hạ là góp phần vào việc giúp ích đồng loại vậy?.
         Trao đổi với Nguiễn Ngu Í (khung cảnh gia đình, ánh đèn sáng dịu, có khói thuốc tỏa mơ màng và dĩa dưa hấu đặc sản Miền Nam – chứ không phải rút giấy rút bút ra phỏng vấn ngay bắt trả lời ngay), Bình-nguyên Lộc nói: “… Với tôi, cốt truyện mình có thể bịa được, còn các chi tiết thì không. Nếu không phải do chính mình đã thấy, đã nghe, đã làm, thì cũng do các bạn trải qua thuật lại. Tôi cho những chi tiết ấy làm nên giá trị tác phẩm”.  (12)
         Bình-nguyên Lộc lại nói đến chi tiết trong bài trả lời cuộc phỏng vấn văn nghệ của tạp chí Bách Khoa về truyện ngắn hay nhứt: “Vậy tôi chọn ngay truyện Năm hạn. Năm hạn là truyện đầu tiên của tập truyện ngắn nhan là Truyện quê do nhà Lượm lúa vàng xuất bản hồi tiền chiến (Hà Nội 1952) … Thảm cảnh của dân quê miền châu thổ Nhĩ Hà, tác giả [Trần Tiêu] đã đưa ra một cách thản nhiên, lạnh lùng, nhưng hùng biện, không nói ra mà người đọc thấy ngay, linh hoạt hơn lời phân tích sâu sắc nào cả. Nghệ thuật là ở chỗ đó: để sự việc nói thay cho tác giả … Vậy tôi chọn truyện Năm hạn vì truyện ấy có một nội dung hay và nội dung ấy được nâng đỡ bằng một nghệ thuật tuyệt vời … Truyện ngắn ngoại quốc… ? Theo tôi thì truyện Johnny, người gấu của John Steinbeck là truyện hay nhứt … Một truyện ngắn hay phải có đủ những đức tính nầy: nội dung câu chuyện và nghệ thuật. Câu chuyện lắm khi không cần mà người đọc vẫn không thấy chán nhờ nghệ thuật bù qua. Nghệ thuật thì gồm lối dựng truyện, cách bố trí, hành văn và linh hồn truyện, tức là những chi tiết nhỏ, những ý nghĩ nhỏ rải rác trong đó.” (13)
         Một mặt của nội dung tờ báo do Bình-nguyên Lộc chủ trương, tất nhiên trong đó có nội dung những bài đăng, ông đã cho in đậm trên báo Vui Sống số ra mắt: “Vui Sống không có nghĩa là cười đùa hay buông trôi để tận hưởng cuộc đời… Vui Sống là hòa mình với cuộc sống, để lấy thăng bằng hầu đủ can đảm mà làm việc…Vui Sống bắt nguồn nơi thanh thản của tâm hồn mặc dầu ta bận rộn trí óc và nhọc nhằn xác thịt…” (14)
         Bình-nguyên Lộc gọi thế giới chữ nghiã của người sáng tác là “Một thế giới tự tạo”. Ông nhắc lại câu Nhất Linh thường nói: “Cái tiểu thuyết đó không hay, vì tác giả có sắp đặt trước, biết mình sẽ đi tới đâu”. Và đặt câu hỏi để đi đến nhận định: “Nhất Linh nói không hết ý chăng, vì ngỡ tôi thông minh lắm, tự hiểu rộng thêm ra? Chớ nếu chỉ có thế, thì tôi không đồng ý với nhà văn danh tiếng đó. Tôi không tin rằng chỉ có thế, và không tin rằng Nhất Linh lại quan niệm mơ hồ như vậy … Một tiểu thuyết gia bắt đầu một chương sách, cũng giống hệt như anh con trai bắt đầu tỏ tình với cô gái có nhiều cảm tình với anh ta. Cả hai, tác giả và anh con trai, đều biết đại khái kết cuộc ra sao, cả người thứ ba là độc giả cung đoán biết nữa, nhưng cái cuộc đời sống thật  của những giây phút tỏ tình ấy, ba hạng người trên đều mù tịt, trước khi chương sách được khởi thảo, được đọc. Cậu không biết mình sẽ bối rối mức độ nào, tác giả cũng thế. Độc giả cũng không biết được sự xúc động của nàng ra sao … Một cảnh trong tiểu thuyết là cả một thế giới. Thế giới ấy, nó tự tạo lấy nó, tác giả không còn làm chủ được ngòi bút của mình nữa và những cái bất ngờ thú vị, có giá trị như là một khám phá, đối với độc giả, cũng là những bất ngờ của chính tác giả nữa … Ông Nhất Linh có cho tôi biết rằng tiểu thuyết thành công độc nhứt của ông là quyển Bướm trắng. Tôi đồng ý. Nhưng tôi không đồng ý lối giải thích của ông. Ông nói: Vì tôi không có sắp đặt gì hết, không biết câu chuyện sẽ đi tới đâu … Lý trí của ông Nhất Linh quả có thể không sắp đặt gì cả … Nhưng… Hẳn tiềm thức của ông Nhất Linh đã biết rằng ông phải đi tới đâu, mặc dầu con đường đi gồ ghề, chông gai làm sao, ông thật tình không rõ …Xét về tiểu thuyết của Alexandre Dumas, một nhà tiểu thuyết chuyên viết truyện tình-tiết-vì-tình-tiết, nhà văn học Jacques Laurent viết: “…Xứng danh một tiểu thuyết gia là kẻ nào đi vào một chương tiểu thuyết mới, như là một người đi vào một giây phút sắp tới, biết rõ y sẽ làm gì, nhưng tuyệt nhiên không ngờ được y sẽ khám phá ra cái gì …”  (15)
         Ông Nguyễn Nam Anh, trong một cuộc phỏng vấn đã  khai thác được ở Bình-nguyên Lộc nhiều điều. Về một tác phẩm lớn: “Một tác phẩm lớn, theo tôi, không bắt buộc phải đề cập tới một vấn đề lớn, mà là một tác phẩm nói được nhiều về một chuyện nhỏ. Theo tôi, Pour qui sonne le glas là một tác phẩm lớn , mặc dầu kể chuyện ra, người nghe sẽ thấy lảng xẹt: một tay kháng chiến ngoại quốc trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, được lịnh mang chất nổ đến phá sập một chiếc cầu bắc ngang một sơn khê sâu thẳm. Đến nơi, anh ta bị kháng chiến địa phương ngăn trở, vì họ sợ bị lộ tung tích, bởi đó là nơi an toàn của họ. Anh đặc công vừa thuyết phục, vừa vận động và anh được họ cho hoạt động. Anh thành công, nhưng bị tử thương. Câu chuyện chẳng có gì hết, mà ý chuyện thì cũng chỉ là một ý vặt: phá một chiếc cầu là một chuyện quá nhỏ trong một cuộc nội chiến lớn, nhưng tác giả đã cho ta thấy được cả toàn thể cuộc nội chiến ấy với những bi đát, những ẩn tình trong đó.”. Về truyện ngắn Ba con cáo, được một nhà văn cho là truyện ngắn hay nhất: “Tôi không đồng ý với người đã chọn truyện của tôi, vì theo tôi thì truyện hay nhứt của tôi không phải là truyện đó. Nhưng phải qua một thời gian năm bảy chục năm mới biết người đó nói đúng hay tôi nghĩ đúng … Nếu phải bỏ đi hết chỉ giữ lại 3, thì tôi giữ Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc (tạp bút), Cuống rún chưa lìa (truyện ngắn), Tỳ vết tâm linh (truyện dài). Tại sao? Tại chủ quan của tôi thấy nó hay. Nhưng người khác chưa chắc đã thấy như tôi.” Được hỏi: Nghĩ sao khi có người phân biệt hai danh từ nhà văn (l’écrivain) và kẻ dụng văn (l’écrivant), Bình-nguyên Lộc trả lời: “…Quả thật có hai hạng người đó. Nhưng có cái bậy nầy là Âu Mỹ và ta đều khinh miệt hạng sau. Tại sao lại khinh miệt họ? Nếu họ không viết được những tác phẩm giá trị thì ít ra họ cũng phục vụ chị bếp, con sen, và cả các cô ký nữa. Tôi thử hỏi một cô ký mê tiểu thuyết ba xu không hơn cô ký mê tổ tôm hay sao chớ? Trên đời này kẻ có tài không được phép coi rẻ kẻ kém tài … Vả lại giá trị nghệ thuật chưa chắc đã hữu dụng bằng sách nhảm? … Tôi mến phục các nhà văn lớn, nhưng tôi cũng mến phục các anh Ecrivant nếu họ không có làm gì bậy bạ mà chỉ viết truyện ba xu, bán lấy tiền nuôi con. Giữa tài với đức, đức phải hơn … Tôi loại danh từ Ecrivant ra khỏi cái vốn liếng danh từ mà tôi thường dùng, bởi vì ông tướng không có hạ sĩ thì ông tướng ấy cũng đành nằm co … Văn chương có giúp cho đời sống, cho dẫu rằng tác phẩm chỉ là tiếng thì thầm của một người nói với chính mình. Người ta sẽ “điều chỉnh” tâm hồn của người ta, tình cảm của người ta, khi tán thành hoặc đả kích mình. Như vậy cũng là giúp ích rồi …”  (16)
         Bình-nguyên Lộc, Nguyễn Mạnh Côn cùng nói chuyện với Viên Linh. Viên Linh đặt câu hỏi. –Anh có bao giờ cảm thấy bị dồn vào góc không? Bình-nguyên Lộc đáp: Có chớ. Nhưng thiếu gì ngã rẽ. Cái gì chưa tiện viết thì sau sẽ viết. Đâu phải chỉ có vài vấn đề là hữu ích, và không viết được ngay thì chẳng còn gì để mà viết nữa. Nhân Viên Linh hỏi về vụ Soljenytsine, Bình-nguyên Lộc từ Nga bước sang Tàu: Vậy các ông lính Tàu có ngồi chơi tạm ở Hoàng Sa thì được, mà đừng có vào Chợ Lớn. Vào đó, các chú sẽ thấy các ông mại bản xài mỗi đêm bốn vạn bạc, các chú thèm rồi đòi hỏi thì rắc rối cho họ Mao. Nhưng chẳng cần thấy mại bản, chỉ cần thấy thợ Tàu Chợ Lớn ngồi đầy ở các tiệm trà, các chú cũng đã thèm đòi hỏi được như vậy rồi. –Trong những sách đã xuất bản của anh, anh thích cuốn nào hơn cả, vì sao? –Câu này đã có nhiều người hỏi, tôi đã trả lời, nhưng rồi tôi thấy là bậy cả. Tôi trả lời theo chủ quan của tôi thì không làm sao mà đúng được. Người khác có thể thấy đúng hơn tôi. –Anh có tin bói toán tử vi không? Số của anh là số thế nào? –Bán tín bán nghi. Số của tôi là số lận đận về đủ các thứ việc. Tử vi nói đúng. Nhưng tử vi nói sai về bạn hữu của tôi. Vậy tôi không thể tin về tử vi cho lắm. Vả lại tin nó thì mệt. Mình đã lận đận mà nó cứ nhắc mãi rằng mình lận đận thì hơi thừa mà cũng chẳng an ủi mình được. Tốt hơn là quên tử vi đi … Những vấn đề khác: -Từ năm 18 tuổi thì tôi đã gặp chông gai cho đến ngày nay. Vậy đó là con đường thiên lý, rất dài, bao trùm cả cuộc đời tôi. Chông gai nho nhỏ, nhưng chẳng bao giờ gặp được gì suông sẻ cả … Tôi không có tài trời cho, nên lúc bắt đầu thì tôi phải nỗ lực nhiều lắm. Nếu có khuyên bạn trẻ điều gì thì tôi khuyên hay nỗ lực … Tôi hơi lạc hậu. Tôi quan niệm kẻ sĩ theo lối xưa, tức là ngoài học vấn cần có khí tiết … Nhìn học trò ngày nay thì tôi thấy rằng họ là quá bảnh. Con trai ngày nay ở làng, quận cũng đã bảnh lắm rồi, còn nói chi các cậu Sài Gòn. Nhưng tôi cứ nghe như là các cậu ngày nay còn thiếu, thiếu cái gì, một cuống rốn nối liền các cậu vào truyền thống cũ, chẳng hạn. Chủ quan chăng? … (Sinh hoạt văn học của ta) cần có một tờ báo. Tôi nói báo. Báo của anh là tạp chí, đăng quá nhiều lý thuyết. Báo văn nghệ chỉ đăng sáng tác. Cần, để mà thưởng thức và lấy chỗ cho tài năng mới được ra mặt … Nước Việt Nam có dầu hỏa thì vui. Nhưng nếu chẳng có mà ruộng được mùa, tôi cũng vui y như có dầu hỏa. Dễ tính và không kén lắm thì đỡ khổ thân. Tôi sẽ vui cho đến phút xuống mồ mả  mà chẳng cần cá cặp. Tôi không bao giờ tiếc những năm qua. Tôi luôn luôn sống với cái tuổi mà tôi đang mang. Không hối tiếc thì vui được hoài. Tôi khỏi phải kêu như Verlaine: “Mi đã làm chi đời mi”. (17)
         Bình-nguyên Lộc có vài lần nói về kinh nghiệm viết văn, Bài trên Thời Tập mở đầu bằng mẩu chuyện thú vị. Tác giả có người bạn làm thợ mộc. Ván mua về chỉ đúng ở bề  dày và bề dài, còn chiều thứ ba thì họ cứ để vậy. “Ông thợ mộc phải đẽo cái biên ván không được săn sóc đó, mà ông ta đẽo theo một kỹ thuật cũng khá lạ lùng. Ông ta cho một nhát rìu vào gỗ, rồi bỏ đó, bước tới nửa bước, cho thêm một nhát khác, mãi cho đến lúc ông ta bước tới đầu tấm ván, thì ông ta mới dùng rìu mà róc như ta róc mía. Tôi chẳng biết tại sao mà ông ta làm như vậy, hỏi ông ta thì ông ta cũng giải thích chẳng được. Mà ông ta đã hành nghề từ ba mươi năm nay rồi, tức đã giàu kinh nghiệm. Tôi tự tìm hiểu thì mới biết đâu là đâu. Đẽo gỗ theo lối đó, tức là cưa theo kỹ thuật của thời mà nhân loại chưa biết cái cưa. Đáng lý phải cưa chớ, nhưng ông ta chót làm thợ chuyên môn nên không biết cưa. Vậy ông ta đẽo, đẽo róc thì đường gỗ bị đẽo sẽ đi ngay, tương đối ngay như đường cưa, chứ đẽo cho xong một nơi rồi mới đẽo nơi khác thì bìa ván sẽ lồi lõm. Tôi thuộc hạng thợ không biết cắt nghĩa, y như người bạn của tôi. Tôi biết viết văn thì phải làm sao, nhưng bảo tôi phân tách kỹ thuật thì tôi làm chẳng được. Hình như lý thuyết gia và văn nghệ sĩ là hai thứ người khác nhau: một đàng biết nói nhưng chưa chắc làm được, một đàng biết làm, nhưng không biết trình bày cách thức làm.”
         Tuy vậy, Bình-nguyên Lộc cũng đưa ra sáu kinh nghiệm. Kinh nghiệm thứ nhất, có lẽ là hay nhất: Không thành nhà văn thì không có sao cả, chẳng hại cho ta mà cũng chẳng hại cho đời. Kinh nghiệm thứ hai: Viết văn là một việc có thể học được cho thành công nếu có người dìu dắt đúng mức, và nếu mình chịu nghe người đó. Dĩ nhiên không kể những người tự tạo. Kinh nghiệm thứ ba: Viết văn thành công cũng không trở thành nhà văn được, nếu ta chẳng có gì để nói ra. Có gạch, có xi măng, có ngói, nhưng thiếu ông kiến trúc thì xây cất sao được. Kinh nghiệm thứ tư: Phải đọc tương đối hết các tác phẩm nổi danh trong nước và ngoài nước thì mới xong. Đọc sách không phải để cóp người ta mà để biết người ta đã tiến đến đâu, hầu mình rượt theo họ, và nhất là vượt họ, nếu được. Kinh nghiệm thứ năm: Không có sống thì viết tiểu thuyết ắt không thành công, sống ở đây không có nghĩa là sống thẳng mà có thể tạm sống qua trung gian. Chẳng nên bận tâm lắm về cốt truyện. Cốt truyện hấp dẫn chẳng bao giờ làm hạ giá tác phẩm được, và cốt truyện khô khan chẳng bao giờ tăng giá của tác phẩm được. Người ta xét tiểu thuyết về mặt khác mà bất kể đến cốt truyện. Kinh nghiệm thứ sáu: Tìm hứng, hình như là nỗi băn khoăn lớn của nhiều bạn. Tôi thấy rằng có hai ngộ nhận trong việc tìm hứng. Một phái cho rằng hứng tự nhiên mà đến, không thể tìm được. Phái khác thì quả quyết hễ tìm thì hứng phải được gặp. Như tôi đã nói trên kia là những gì mà ta viết đều phải có sẵn trong lòng ta. Nếu nó vắng mặt nơi lòng ta thì ta làm thế nào để tìm nó được? Tôi thấy rằng những cái đó có sẵn đó chỉ khi nào nó gặp khí hậu hạp cho sự xuất hiện của nó. Khí hậu đó không phải là sự nằm đó, (mà phải) nỗ lực tìm tòi…Điều Bình-nguyên Lộc gọi là “khí hậu” có thể nói là không gian, môi trường, thời gian cần cho nhà văn “sống” để “viết”,  rộng hay hẹp, lâu hay mau tùy mỗi trường hợp. (18)
         Trong những bài “cũng cứ là hồi ký phần nào, nhưng chỉ được hạn chế trong vòng liên hệ giữa thuật giả và làng văn nghệ với lại làng báo mà thôi” Bình-nguyên Lộc có kể đến những tình cảm với Nguyễn Nhược Pháp, Bàng Bá Lân, Thanh Nam…
         Mặc dầu còn trẻ như tôi, nhưng anh ấy đã vang danh rồi. Đó là nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, tác giả tập thơ bất hủ Ngày Xưa. Một nhà thơ đã nổi danh mà bằng lòng làm bạn hàm thụ với một kết toán viên tối tăm của Ngân khố Sài Gòn thì thật là chuyện hi hữu vậy. Trong thời thư từ qua lại, thì tôi nỗ lực tập viết văn xuôi và làm thơ, thường thì là thơ hơi hơi tự do mà tôi chạy theo Phong Hóa. Thảng hoặc vì nhiễm thơ luật, tôi cũng làm thơ luật, nhưng sẵn sàng bất kể niêm luật, mãi cho đến già, khiến anh Bàng Bá Lân rất lấy làm bực mình. Nhưng tôi cứ mặc kệ họ Bàng. Tôi có quyết tâm làm thơ luật hồi nào đâu kia chớ? Tại rủi ro bị  nhiễm thơ luật, tôi buột tay viết ra hơi giống thơ luật vậy thôi, bắt bẻ tôi sao được. Nhưng Nguyễn Nhược Pháp bỗng thình lình qua đời. Thật là quá sớm. Và tôi mất một người bạn. Anh ấy qua đời chưa được bao lâu thì tôi có văn xuôi xuất hiện trên mặt báo Sài Gòn. Khi đọc lại bài văn đầu tay, được in trên giấy, tôi bùi ngùi nhớ đến người bạn vắn số, người ấy đã khuyên tôi nỗ lực. Tôi đã nỗ lực, giờ có chút ít kết quả rồi thì người ấy lại không còn nữa, để mà thấy tôi không phụ lòng ai.” (3)
         Với Thanh Nam là chuyện cùng viết truyện dài cho nhật báo đăng hàng ngày:
         Nhà in Sài Gòn là nơi làm việc phản luật lao động nhất thế giới, điều đó thì ai cũng biết, nhưng sao các tay viết lách lại chen vào đó để làm gì? Tòa soạn của một tờ hàng ngày nghèo nhứt , vẫn không thiếu bàn. Ấy, người ngoài nghề không làm sao mà biết được chuyện bê bối của các tay viết tiểu thuyết cho báo hàng ngày, mà kẻ này là một. Phải chun vào nhà in, vì thợ sắp chữ họ gào họ thét, họ đòi bài, ta vào đó, xé giấy ra từng mảnh nhỏ, viết được ba bốn giòng chữ thì nộp cho một anh thợ để anh xếp chữ ngay, kẻo không kịp in. Ta lại viết ba bốn giòng nữa giao cho anh thợ thứ nhì, nếu anh thợ thứ nhứt khi nãy chưa làm xong công việc. Chun vào nhà in để được gần thợ, hầu nộp bài cho nhanh ấy mà! Dĩ nhiên là bài không bao giờ qua tay các thư ký tòa soạn, mà các ông ấy cũng mong khỏi phải đọc bài, vì các ông chỉ có mấy mươi phút mà phải đọc hết năm tiểu thuyết, thì quá đau đầu. Cái chuyện nộp bài từng giòng, vào phút chót tuy ít xảy ra, nhưng vẫn có xảy ra cho bất kỳ tay viết tiểu thuyết nào viết giúp cho nhựt báo.”
         “Phần lớn các kỳ bài của tiểu thuyết Đò Dọc tôi đều viết như vậy, nhưng cũng không làm tròn nhiệm vụ. Tôi viết ít hơn khối lượng chữ phải nộp mỗi ngày, và để cho đầy các ô mà nhà báo để dành cho tiểu thuyết của tôi, tôi đã hối lộ cho thợ nhà in, nhờ họ cứ cho xuống dòng mãi. Hễ tôi chấm câu là họ phải xuống dòng. Về sau, khi tiểu thuyết này in thành sách tôi đã quên mất mưu trá cũ, cứ đưa báo cắt cho họ, không có bớt những lằn xuống dòng lạm phát nên nhiều người đọc sách thường hỏi: “Quái sao cái anh tác giả này mắc chứng gì mà một trang sách cho xuống dòng đến tám lần?”
         “… Dầu sao Thanh Nam cũng là một tiểu thuyết gia, chứ không phải chỉ là nhà văn mà thôi. Nhiều nhà văn lỗi lạc, nhưng không viết được tiểu thuyết bao giờ, nhứt là viết cho báo hằng ngày. Những người viết không được, không phải là những người dở đâu, tiểu thuyết là một văn thể, y hệt như phê bình là một văn thể. Không làm được văn thể nào đó, không có nghiã là dở. Nhưng làm được thì vẫn tốt hơn là làm không được.Và Thanh Nam đã làm được, mà làm từng ngày cho báo hằng ngày nữa, chớ không phải làm xong rồi mới bán cho báo hằng ngày họ in từng kỳ. Công việc nầy, ai chưa làm cứ tưởng dễ, chớ nó rất là khó…” (3)
         Bình-nguyên Lộc kể một chuyện vui: Đít Chuột. “Một hôm ông chủ báo hằng ngày kia  mời tôi viết mục Film du jour … Tôi tìm ra được một biệt hiệu mà tôi cho là ngộ nghĩnh. Đó là Mông Thử.  Tôi viết được một tuần lễ thì ông chủ báo ấy mời tôi vào văn phòng và nói: Tôi xin anh đổi biệt hiệu. Tên gì mà nghe kỳ quá! Mông Thử là cái Đít Chuột. Coi bộ xấu quá đó anh.” Bình-nguyên Lộc thầm chê ông chủ báo là dốt, không chịu đổi và không viết cho báo ấy nữa. Về sau, nhân nói cho người cháu về con đại thử, ông sẵn dịp giải thích nghĩa của Mông Thử. Nước Ấn Độ có quá nhiều rắn, người nào có tiền đều nuôi một con vật tiếng Pháp gọi là mangouste, nó hơi giống con chồn nên ta gọi là chồn rắn, có tài săn rắn, rắn bao to cự với nó cũng không lại. Nước Tàu không có con thú này, nhưng họ cũng có tên gọi cho nó là “mông thử”. “Kẻ viết Phim hằng ngày cũng giống như con chồn rắn, chuyên bắt rắn độc trong xã hội. Biết hiệu đó, ý nghĩa là như thế, chớ không hề có đít chuột bao giờ … Ngày nay, nhớ lại câu chuyện trên đây, tôi bật cười. Tôi cười chê tôi, chớ không còn cười chê ông chủ báo đó nữa. Tôi đã làm quân tử… Tàu, khí khái xì xằng, chẳng có ích lợi gì cho tôi cả, mà cũng chẳng có ích lợi gì cho ai hết … Nhưng tôi được cái an ủi nhỏ nầy là, vài người bạn thân đã phục tôi là khí khái. Các bạn ấy cũng chỉ điên như tôi thôi, vì lũ tôi thuở ấy còn trẻ, dễ hăng tiết vịt, chớ có khí khái con khỉ khô gì đâu chớ. Giờ thì tôi nghĩ như vậy, chớ quả thật thuở đó tôi đã phồng mũi lên trước lời khen của bạn hữu.” (3)
2.- BÌNH NGUYÊN LỘC GIỮA THIÊN HẠ
         Trước năm 1975 chưa có một công trình nghiên cứu nào tổng kết, hay sơ kết,   văn học Miền Nam giai đoạn 1945-1975 hay 1954-1975, vì chưa ai nghĩ lúc ấy sẽ là điểm dừng. Vậy muốn biết lúc ấy thiên hạ nói về Bình-nguyên Lộc thế nào chỉ còn cách đọc một số bài điểm sách và một số bài viết nhìn qua thời gian ngắn hạn, một năm, dài lắm là mười lăm năm.
Thời đó, việc phê bình sách cũng có phần thưa thớt, chỉ có một chuyên san là  tờ Tin Sách của Trung tâm Văn bút Việt Nam, 36 trang, ra hàng tháng, còn lại là những bài không định kỳ,  trên Bách Khoa, Văn (nghiên cứu, phê bình), Tân Văn…Số bài điểm tác phẩm của Bình-nguyên Lộc nói chung không nhiều, xin lược lại mấy bài sau đây.
         Võ Phiến, dưới bút danh Tràng Thiên, khi đọc quyển Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam lại nói về văn học Miền Nam: “Từ sau ngày đình chiến, các văn nghệ sĩ ở Bắc vào đây đông đảo, như cũng có kích thích thêm phần nào cái xu hướng muốn phô bày các phong tục, và đặc điểm địa phương ở các nhà văn trong Nam. Họ lập ra nhưng nhà xuất bản lấy tên là Bến Nghé, là Phù Sa…Nhà văn Bình-nguyên Lộc (bút hiệu có nghĩa là Con NaiĐồng) viết những truyện như Rừng Mắm, nói về công lao của tyhế hệ tiền phong khai phá miền Hậu Giang. Phê bình truyện Đò Dọc của ông, Nguyễn Văn Xuân đại khái có nói đến sự “đứng dậy” của văn nghệ Miền Nam, và hình như câu đó được tác giả lấy làm bằng lòng.”  (19)
         Khi bàn về Cá tính văn học Miền Nam, Võ Phiến cho rằng: “Vừa dễ dãi xuề xòa, người Việt Miền Nam vừa mau mắn họat bát. Giọng văn của các tác giả trong Nam có một vẻ gì rất khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Cho đến cách xây dựng cốt truyện cũng thế. Truyện của Đồ Chiểu, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, cách kết cấu không có gì là chặt chẽ khéo léo, không tỏ ra tốn nhiều công phu, nhưng bao giờ cũng linh động. Ở những tác giả lớp sau như Bình-nguyên Lộc và Sơn Nam, kỹ thuật đã điêu luyện hơn nhiều, cốt truyện và lối viết văn vẫn giữ truyền thống đó. Người câu chấp sẽ trách Bình-nguyên Lộc ở chỗ ông cho bốn cô gái ông Nam Thành trong Đò Dọc nối tiếp nhau xuống gác trình diện anh Long, rồi hai cô nối nhau đi tự tử, rồi lại ba cô nối tiếp nhau đi lấy chồng. Tác giả như tuồng hơi lơ đãng, không quan tâm mấy đến sự sắp đặt cuộc đời của các cô. Nhưng sự lơ đãng đó lại có vẻ tài hoa, phóng khoáng, nghich ngợm. Nếu Bình-nguyên Lộc chăm chút nhân vật mình hơn, “có trách nhiệm” hơn chút nữa, ông sẽ mất cái thái độ thảnh thơi khinh khoái nhẹ nhàng rất đẹp đẽ ấy đi …Sau khi nhắc đến sự nghiệp trước tác của Trương Vĩnh Ký, Võ Phiến viết: “Sau này mà viết tiểu thuyết mà được nhanh được nhiều như Hồ Biểu Chánh, Bình-nguyên Lộc, Phú Đức v.v… các nhà văn có tiếng ở miền ngoài cũng ít ai bằng. Viết được như vậy tất nhiên họ có trí tưởng tượng phong phú lắm. Trí tưởng tượng ấy thừa sức để vẽ ra những cảnh tượng li kì, bày ra nhưng câu chuyện lạ lùng quái đản, nhưng đôi khi có hơi ngây thơ, khó tin. Nếu muốn bới tìm những chỗ sơ hở vô lý trong các cốt truyện của Hồ Biểu Chánh và ngay đến Bình-nguyên Lộc nữa cũng không thiếu gì. Họ bay đuổi theo sự tưởng tượng phơi phới mà ít quan tâm đến chi tiết lắm.” Võ Phiến nói về quyển Tân Liêu Trai, ký bút danh Phong Ngạn: “Ở đây ma nhiều hơn, biến hóa li kì hơn (Trại Bồ Tùng Linh của Thế Lữ) nhưng toàn quyển truyện không thể bảo là đem đến cho ai một cảm tưởng sợ hãi nào. Trái lại, có thể coi đó là những mẩu chuyện vui. Ông Phong Ngạn kể thoăn thoắt một lát, xem chừng người ta hơi lo lắng, ông đã vội vàng cười xòa bảo ngay cho biết là nói dối cho vui đấy thôi.” (20)
         Phương Mai đọc quyển Nhện chờ mối ai. Sau khi tóm tắt câu chuyện, Phương Mai cho biết: “Không kể khá nhiều truyện dài đăng trên trang trong các báo, Nhện chờ mối ai là truyện dài thứ ba củia Bình-nguyên Lộc được in thành sách.”. Và đưa ra những nhận xét: “Tập truyện này ghi dấu một khuynh hướng mới trong đường lối sáng tác của Bình-nguyên Lộc, tiểu thuyết gia thường được coi như tiêu biểu cho văn chương tiểu thuyết Miền Nam, trong thế hệ hiện đại. Đó là khuynh hướng làm văn chương bình dân …Loại truyện này hầu như thường bị các nhà phê bình văn học không muốn nhìn nhận như những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Ở một vài trường hợp sự hờ hững này có gây ra nhiều nỗi thiệt thòi bất công … Riêng về trường hợp Bình-nguyên Lộ,c chúng ta nhận thấy cái kỹ thuật đặc biệt của Rừng mắm, Ba con cáo v.v…- cái kỹ thuật có  bao hàm một khí thế văn chương mạnh mẽ, chứa đựng một tác dụng nghệ thuật, một giá trị nhân sinh sâu rộng – giờ đây đã nhường bước cho một thứ bút pháp gần như không có kỹ thuật, những dễ dãi đến độ buông thả. Với Nhện chờ mối ai, chúng ta thấy Bình-nguyên Lộc chỉ chú ý tới tình tiết trong truyện cốt sao cho lâm li bi đát, suốt từ đầu đến cuối chỉ thiên về đề tài mà bỏ quên cả kỹ thuật … Tôi xin mượn một ý của bạn Cô Liêu – mà đó cũng là chủ ý của tôi khi viết bài này – trích trong bài Quan niệm về văn chương bình dân: “…Đề cập tới vấn đề văn chương bình dân không phải là có ý phân chia cấp bậc, nhưng vì đứng trước một thực tại của xã hội, ta phải đặt vấn đề từ những thực tại đó, để tìm lối thoát, đem lại sinh khí trong lành cho văn chương bình dân trong giai đoạn hiện tại. Sự ngăn cách giữa hai loại văn chương tự nhiên sẽ xóa bỏ khi người dân nào cũng nhận được một cái vốn kiến văn và học thức đủ để nâng cao khiếu thẩm mỹ…” (21)
         Vẫn Phương Mai, người có khá nhiều bài phê bình văn học trên Tin Sách, đọc Tâm Trạng Hồng. “Toàn tập gồm 22 đoản thiên và 3 kịch ngắn bằng thơ vui viết phỏng theo tích chèo cổ. Chủ đề của tác phẩm được nhà xuất bản nêu rõ nơi mép bìa gấp: “Người ưu thời mẫn thế không được phép vui vô điều kiện nhưng nhất định phải yêu đời, luôn luôn nhìn đời với một tâm trạng màu hồng. Tâm Trạng Hồng: tác phẩm vui nhộn của Bình-nguyên Lộc”. Trong một bài báo khác (22) tôi đã bày tỏ lòng hâm mộ tài viết truyện ngắn của Bình-nguyên Lộc; nên có thể nói lần này tôi đón nhận Tâm Trạng Hồng với một nỗi vui chân thật- nỗi mừng vui dành cho người bạn quen thân, lâu ngày mới được gặp lại. Và mặc dầu không được cái may mắn làm một người ưu thời mẫn thế; lại không thể yêu đời trong những ngày cuối tháng hơi khó khăn này, trong lúc nhật trình không ngừng trương trên trang nhất biết bao biến cố sô bồ… tôi cũng ráng đeo đôi kính lọc mầu – mầu hồng – để tìm vào tác phẩm của B.N.L. … Tôi đã đọc khá vất vả trong nhiều lần rời rạc, mới hết ba trăm trang giấy khổ nhỏ chữ thưa. Điều đó không có nghĩa là những truyện vui của B.N.L. kém vui, nhưng có lẽ tại và tài viết truyện ngắn vui vui của ông chưa đạt tới cái mức điêu luyện nó thu hút người đọc như nhiều truyện ngắn khác của ông viết về những tấn bi kịch của xã hội (mà điển hình nhất ta có thể kể tới Ba con cáo, Rừng mắm…) nghĩa là những truyện ngắn đã tạo ra lòng hâm mộ của nhiều độc giả, trong đó có tôi. Một điều khác khiến cho những truyện vui của ông chưa đạt tới cao độ lôi cuốn được độc giả ấy là sự hời hợt  của các nhân vật và tình tiết. Giữa người đọc và nhân vật tưởng chừng như có thật quả vẫn có một cái gì ngờ ngợ … Được cái là B.N.L. có sẵn một bút pháp điêu luyện nên sự giả tạo đó chỉ nằm trên bình diện nghệ thuật viết truyện. Với một cây bút nào khác non kém hơn ông, chắc chắn là sự giả tạo đó sẽ dễ trở thành ngớ ngẩn nếu không hẳn là lố bịch … Và nếu cần nói một cách bộc trực. tôi cũng sẽ thẳng thắn ghi nhận sự sa sút trong nghệ thuật viết truyện ngắn của Bình-nguyên Lộc … Ước mong sao Bình-nguyên Lộc sẽ tìm lại được cái phong độ ngày trước, tung một cánh diều lên mà nhốt gió trời lại, buông một con thuyền nhỏ mà suôi về nơi Rừng Mắm tràn đầy sinh khí, hay co chân nhảy băng qua những ngôi mộ điêu tàn để tìm sâu vào những hàn hốc tối tăm của Ba con cáo sống bên lề xã hội mà không xa rời cuộc sống chung của tất cả mọi người – tác giả và người đọc, và bà con lối xóm, và đám đông, và quần chúng, và xã hội, và loài người.” (23)
         Duy Thức điểm quyển Mưa thu nhớ tằm. “Nhiều người đọc Bình-nguyên Lộc đều nhìn nhận rằng tác giả Nhốt Gió đã thành công ở truyện ngắn hơn truyện dài. Vậy những ai đã đọc Nhốt Gió (1950), Ký Thác (1960), Tâm Trạng Hồng (1963) đều vội vàng tìm đọc tập truyện này.”  Duy Thức tóm tắt từng truyện và sau mỗi truyện đưa ra ý kiến, như: “Xác không chôn: Những nhận xét tinh tế, những chi tiết ngộ nghĩnh trong cái xã hội bé nhỏ ấy đã làm sống hẳn câu chuyên … Ho lao muôn măm: Tác giả đã mượn truyện một người bịnh lao để nói về sự kì dị của chứng bịnh và phủ cho nó một luận đề to lớn, vì thế các nhân vật, kể cả tác giả phải ra sức giải thích thật nhiều trong kích thước của một truyện ngắn … Nhơn sinh quan bao tử: Ở truyện này ta thấy rõ công phu bố trí câu chuyện của tác giả, mở đầu có vẻ rất trinh thám li kì đưa độc giả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và đoạn kết lại một bất ngờ vô cùng xúc động … Thước đo nghệ thuật, Duy Thức dẫn lại ý tưởng của nhân vật Bân trong truyện, một người đang tập viết văn: “Không có cây thước nào trên đời này đo được sự ngon dở của sầu riêng cả như vị ngon của sầu riêng, nghệ thuật không có cây thước nào đo được cả, mình cứ làm văn nghệ được bởi sẽ có một ông tòa thông minh và sáng suốt là thời gian …Mưa thu nhớ tằm: Tuy không sống thật với tâm trạng của người ươm tơ thương tằm cũng như người làm ruộng thương trâu, nhưng sự ghi nhận của tác giả qua ông Y, đã truyền cảm khá mãnh liệt cho người đọc nhờ bút pháp tinh vi của tác giả…”  v.v… Sau hết, Duy Thức viết: “Trong tập Mưa thu nhớ tằm, ở mỗi truyện đều “nói lên” một cái gì, cái gì đó có khi tác giả phải cố ý nói lên hộ cho rõ ý … Ngoài ra những phong tục địa phương Miền Nam, những bước chân thời gian cũng được tác giả ghi lại với tất cả sự nhận xét ngộ nghĩnh. Đọc nhà văn Miền Nam đã sáng tác trên 700 truyện ngắn này, chúng ta nhận thấy tác giả có một kỹ thuật vững chải, một bút pháp tinh vi, nhờ đó đã thể hiện được những vấn đề hiểm hóc khó khăn thành những câu chuyện để cho mọi người có thể lãnh hội một cách dễ dàng. Chính vì muốn độc giả dễ hiểu tác giả đã suy nghĩ, lý luận, giải thích giúp độc giả do đó đôi lúc trở nên rườm rà trong lời văn … Nhìn chung tác phẩm tuy có vài sơ sót nhưng không làm mất được giá trị đích thực nổi bật của toàn bộ tác phẩm …” (24)
         Trên tạp chí Bách Khoa có mục Đọc sách giúp bạn, chỉ đọc mà thôi, không điểm, không phê, có lần Quán Tai Heo của Bình-nguyên Lộ nằm trong mục này,  Quán Tai Heo ở Ngã Bảy Sài Gòn. Có năm ba anh chàng nghệ sĩ tới làm thơ, vẽ tranh, tán dóc, yêu đương v.v…Xa cách một thời gian, sau họ tìm lại thò quán Tai Heo đẽ dọn đâu mất, một con đường mới vừa mở băng ngang qua đó, xóm cũ bị giải tỏa. Tại đó không còn chút di tích nào nữa. Đừng có ai uổng công đến Ngã Bảy tìm quán Tai Heo” (25) Dưới bài không ghi tên người đọc sách.
         Hồ Trường An và Đoàn Y Linh  điểm qua Văn nghệ năm 1965: “… Bình-nguyên Lộc với Mưa thu nhớ tằm rất tinh tế chọn lựa đề tài nhưng quyển này chưa hẳn vượt hai quyển Ký ThácNhốt Gió…” (26)
         Sáng chủ nhật 27/2/1966 tại thính đường trường Quốc gia Âm nhạc, trong buổi nói chuyện do Trung tâm Văn bút Việt Nam tổ chức, Lê Tất Điều nói về Nụ cười trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Trích tường thuật của Vũ Dzũng: “Theo diễn giả đây không phải là một bài khảo cứu về các nụ cười mà chỉ tìm hiểu các đoạn văn mang hài tính đã tạo cho người đọc thế nào.”  Lê Tất Điều nêu ra sáu nhận xét, trong đó: “Nhận xét thứ ba nụ cười được tạo nên bởi những nhân vật mang sẵn hài tính trên mình. Các tác giả đã tạo các nhân vật buồn cười trong tác phẩm bằng cách phóng đại một số tật xấu, một hình dáng dị kỳ, một bản tính cố chấp bướng bỉnh, một sự méo mó nghề nghiệp, những thói quen v.v… Nụ cười được tìm thấy ở các nhân vật trong phóng sự của Hoàng Hải Thủy hay trong tiểu thuyết của Võ Phiến, Võ Hồng, Bình-nguyên Lộc, Doãn Quốc Sĩ, Duy Lam v.v…” (27)
         Nguyễn Văn Xuân trong loạt bài Khi những lưu dân trở lại, phần Văn nghệ Miền Nam nhìn từ Miền Trung, cho rằng: “Văn nghệ Miền Nam thực sự phục hồi và tiến bộ chính là sau biến cố 1945. Ý thức dân tộc đã trổi dậy mạnh mẽ, đứng đắn và tha thiết. Trong thời kháng chiến, nhiều nhà văn Miền Nam đã khơi dậy ý thức đó bằng những sáng tác phẩm của mình. Đấy là cơ hội rộng lớn để tình tự đời sống, ngôn ngữ của một bộ phận trong đời sống chung của dân tộc phát lộ, gây cho người đọc thấy rõ sự phong phú, sâu xa và mãnh liệt của đời sống ấy. Những Phi Vân, Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà, tiếp tục vác cây bút mà Hồ Biểu Chánh tạm đặt xuống để chân thành giới thiệu đời sống Miền Nam. Rồi khi hòa bình trở lại, người ta chú ý nhiều đến: Bình--nguyên Lộc, Sơn Nam, bên cạnh những Vân Trang, Ngọc Linh, Hồ Hữu Tường, Lê Xuyên.” (28)
         Sau biến cố Tết Mậu Thân, Lê Phương Chi điểm lại tất cả văn nghệ sĩ đang sống ở Sài Gòn, kể tỉ mỉ hoàn cảnh từng người do công việc và chỗ ở, có gặp đôi ba điều khó khăn, rồi cho biết: “… Các nhà văn đàn anh: Đông Hồ, Giản Chi, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Duy Cần, Đoàn Thêm, Lãng Nhân, Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Bình-nguyên Lộc, Mặc Đỗ, Trần Thanh Hiệp, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Văn Trung, Tạ Tỵ, Nguyễn Vỹ đều may mắn không gần nơi lửa đạn.” (29)
         Quyển Người về đầu non của Võ Hồng cũng được đọc trên Bách Khoa giống như Quán Tai Heo, không ghi tên người đọc. Mấy câu cuối bài có nhắc đến Bình-nguyên Lộc: “Nền văn chương phong phú của một dân tộc cần phản ảnh được nếp sống của từng địa phương và ta cảm thấy yêu mến quê hương hơn, tin tưởng nơi sức mạnh của Dân tộc hơn nếu ta được dịp sống gần gũi với đồng bào mọi giới ở mọi địa điểm của đất nước. Nhưng trên thực tế ta không có điều kiện để đi và sống như vậy. Ta đành nhờ cậy vào những tác phẩm văn chương phản ảnh trung thực nếp sống của từng địa phương như những tác phẩm của Sơn Nam, Bình-nguyên Lộc, Võ Phiến, Võ Hồng…” (30)
         Trong bài Các thế hệ tiểu thuyết gia Miền Nam thời hiện đại trên tập san Thời Tập, Cao Huy Khanh nhận định “Trong 20 năm tương đối ngắn ngủi (1954-1974) đã có biết bao biến động …. Chúng ta phải phân chia làm bốn giai đoạn tiến triển văn học … Những nhà văn già nhất của thời đại chúng ta đến nay vẫn còn cầm bút và đôi khi lại còn cầm bút một cách thường trực hơn cả những người đi sau nữa. Dĩ nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ là một số nhà văn kỳ cựu khác nay dường như đã tỏ ra khá mệt mỏi rồi như trường hợp Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Sơn Nam, Bình-nguyên Lộc, Mặc Đỗ, (dĩ nhiên là sự ghi nhận này chỉ hướng về đối tượng tiểu thuyết chứ không kể đến trường hợp chuyển hướng để thay đổi loại thể tài hay bộ môn văn học khác của một số nhà văn, thường là quay sang bộ môn biên khảo với những trình độ khác nhau như trường hợp của Nguyễn Mạnh Sôn, Sơn Nam, hay dữ dội và bất ngờ nhất là của Bình-nguyên Lộc…Chẳng hạn nói về Võ Phiến là nói về một Võ Phiến của những Thư nhàĐêm xuân trăng sáng v.v…hơn là một Võ Phiến của những truyện dài nặng nề hay những bài phiếm luận tạp bút, cũng như một Mai Thảo của nhóm Sáng Tạo vẫn có giá trị lâu dài hơn hẳn một Mai Thảo của những thiên tình sử tân thời trên những trang nhật báo thủ đô. Hay như trường hợp Bình-nguyên Lộc thì mãi mãi chính những hình ảnh tươi mát và hồn hậu của Đò Dọc cách đây hơn mười năm đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng tốt đẹp đầy thiện cảm chứ không phải là những truyện ngắn đầy một vẻ gắng gượng thật buồn tẻ sau này…” (31)
         Trên tạp chí Bách Khoa đầu năm 1975,  nói về Văn chương học đường, Nguyễn Mộng Giác bỗng “lẩn thẩn nghĩ xa về trước” rất nhiều chuyện, có nói: “Nhắc đến thế hệ 1954-1963 các nhà văn học sử có thể kể tên Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Võ Hồng, Vũ Hạnh, Doãn Quốc Sỹ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc…” (32)
 Thời Tập tập 12 ngày 10/10/1974 với chủ đề: Nhà văn Bình-nguyên Lộc, có các bài của Sơn Nam, Hoàng Văn Bình, Trần Văn Nam, Cao Huy Khanh.
Sơn Nam: “Đọc tác phẩm đầu tay của Bình-nguyên Lộc: Nhốt Gió, tác phẩm đầu tay của Bình-nguyên Lộc, do nhà Thời Thế in xong ngày 28 tháng 5 dương lịch 1950. Đó là ngày tháng ghi ở phía sau bìa quyển sách. Nhưng đứng về mặt thực tế mà xét, ta có quyền cho rằng những truyện ngắn, tùy bút trong tập này được sáng tác trước đó khá lâu, có truyện sáng tác vào những năm 1946, 1947 … Xa tỉnh lỵ, đến Sài Gòn làm công chức, tác giả vẫn dính liền chặt chẽ về tình cảm với miền quê. Nhốt Gió chứng minh điều đó. Và tác giả viết Nhốt Gió với thái độ nồng nhiệt yêu đời của một người nhớ quê, nhớ dân tộc, theo danh từ thời thượng của năm 1974 này đó là về nguồn, tình tự dân tộc hoặc tìm về dân tộc. Đã gắn liền với miền quê, làm bạn với dân quê từ lâu thì tác giả không cần tìm, không cần quay đầu trở về, như kẻ lạc lối tìm về nẻo chánh. Tác giả có thái độ của kẻ ngồi bên giòng suối để ngắm nghía kỹ lưỡng từng giọt nước, từng lá cây, ngọn cỏ, nếu giòng suối là tượng trưng cho quê hương dân tộc. Một người làm bạn với ngọn suối, tắm suối đã lâu, giờ đây ghi lại những nét đẹp linh động của nắng, của gió, của bướm hoa. Nhờ đó mà ta thấy rõ ngọn suối hơn … Cứ đọc Nhốt Gió khi nào mình thấy thiếu thốn một chút hương vị quen thân. Sách chỉ dày có 200 trương, đọc lai rai chừng một tháng là hết, nhưng thỉnh thoảng đọc lại năm ba hàng, tình cờ, lại thấy vui và mới. Nó giống như ca dao, những câu ca dao bằng văn xuôi.” (33)
Hoàng Văn Bình: “Cái duyên của Bình-nguyên Lộc: Trước hết ông là một người giản dị. Giản dị trong cốt truyện, trong tâm lý nhân vật và cả trong hình thức văn chương nữa. Ông không bao giờ nói đến những mộng ước xa vời hay những tư tưởng lớn mà chỉ bàn đến những chuyện rất thường tình: tình yêu, sự ghen tuông, dối trá, cái chết, niềm hi vọng… Những nhân vật của ông cũng chỉ là người như bao nhiêu con người khác sống ngoài đời, không có gì đặc biệt …Đã giản dị và thực tế, ông cũng là người rất tự nhiên. Việc viết văn đối với ông thật là dễ dàng, y như là người ta nói chuyện. Mà đúng là ông đang nói chuyện thật, xem chuyện của ông, ta cứ có cảm tưởng là ông đang hiện diện đâu đó để nói năng đùa cợt với ta … Người đọc còn nhớ đến Bình-nguyên Lộc vì cái lối khôi hài duyên dáng của ông. Cũng như những con người thực tế khác, có lẽ ông chẳng mấy khi buồn và lúc nào cũng sẵn sàng chọc cười thiên hạ. Nếu vạn nhất phải động chạm đến chuyện gì có vẻ bi đát thì ông cũng chỉ nói phớt qua, coi đó là một điều tự nhiên không sao tránh được … Nếu xét đến tận cùng tác phẩm của ông, ta phải nói rằng chính nghệ thuật phân tích tâm lý tinh vi mới xứng đáng cho tài nghệ tiêu biểu của tác giả. Ông không sành diễn tả tâm lý nhưng lại giỏi phân tích. Quả vậy, dưới ngòi bút hóm hỉnh của ông, những tình cảm sâu kín nhất trong lòng người đều bị phơi trần ra với một vẻ khôi hài hết sức … Dường như cặp mắt tinh quái của tác giả soi mói khắp nơi trong tâm hồn người ta, không chưa một hang hốc nào cả …” (34)
Cao Huy Khanh: “Bình-nguyên Lộc, nhà văn của tâm lý đời sống hàng ngày: Từ những truyện ngắn đầu tay (Nhốt Gió, Ký Thác 1959) qua đến loại truyện dài mà cực điểm  Đò Dọc bên những Gieo gió gặt bão 1959, Quán Tai Heo 1960, Nhện chờ mối ai 1962, Hoa hậu Bồ đào 1963 … ý hướng sáng tác cốt yếu của Bình-nguyên Lộc vẫn là một ý hướng thuần nhất: phân tích tâm lý. Nhưng đây là một thứ tâm lý rất bình dân, rất thực tế vì đó là tâm lý thường tình của đám dân đã thuộc giới trung lưu khi phải đối đầu với thực tế …Đặc biệt nhất là đề tài đó lại hướng về một đối tượng chọn lọc: giới dân quê mùa vừa từ quê lên tỉnh bắt đầu gia nhập nếp sống thành thị mới (tập trung tại đô thành hay ở các thành thị miền đông Nam Phần). Từ đó tiểu thuyết Bình-nguyên Lộc mang một sắc thái tâm lý khá kỳ quặc bởi sự pha trộn giữa (cá tính tâm lý) thành thị và thôn quê khiến nhân vật của ông vừa hồn nhiên vừa thực tế, vừa bình dân vừa gian ngoa …Bình dân và thực tế, đó là sắc thái văn chương đặc biệt của Bình-nguyên Lộc nói về mặt nội dung. Nói về mặt hình thức, phải thêm đặc điểm này nữa, là dễ dãi, quá dễ dãi.  Bởi vì hầu như ông không bận tâm và cẩn trọng đúng mức để  săn sóc đến phần hình thức nói chung của tác phẩm mình … Đến cách kết cấu thì lộn xộn, bởi sự ôm đồm các tình tiết phức tạp mà thừa thãi, muốn tạo sự dồn dập gay cấn cho diễn tiến của cốt truyện nhưng lại thiếu sự chọn lọc cẩn thận và khéo léo các tình tiết nòng cốt nên rốt cuộc câu chuyện thành ra dài dòng … Có một đặc điểm về giá trị hình thức trong tiểu thuyết Bình-nguyên Lộc, giúp tác phẩm đạt được quyến rũ, vui tươi và thoải mái, ấy là cái phong thái kể chuyện đượm đầy hài tính, cái giọng điệu hài hước một cách thong dong và khỏe khoắn của ông …Thế nhưng nhiều khi giọng văn hài hước đó lại bị tác giả lạm dụng quá thành ra giỡn hớt bông lơn không đúng chỗ, không đúng lúc … Mọi việc đều trở thành dễ dãi qua tay Bình-nguyên Lộc, viết văn như một việc giỡn hớt, đùa cợt cho vui, ngay cả cách đặt nhan đề tác phẩm thật dễ dàng của ông …Bởi thế, xét về toàn thể thì đến nay một thành công của Đò Dọc (có kết cấu linh động, kỹ thuật thuật sự song suốt, xây dựng tâm lý ý nhị, hành văn trôi chảy, đối thoại duyên dáng hơn cả) vẫn không đủ sức để cứu vãn giá trị cho sự nghiệp văn chương thiên về lượng hơn là về phẩm đó. Nhìn theo quan điểm văn học sử thì sự phê phán giá trị một nhà văn phải được đặt căn bản trên một sự thẩm định tổng quát và toàn diện hướng về toàn bộ (nếu không thì cũng là đa số) sự nghiệp của nhà văn đó chứ không thể chỉ căn cứ trên một vài tác phẩm riêng rẽ không thôi … Cho nên cuối cùng có thể nói cảm tình mà người ta dành cho Bình-nguyên Lộc có vẻ nay đã không còn giữ được nguyên vẹn nữa cho giá trị văn chương đích thực xứng đáng của ông; nhưng phải nói đó là mối cảm tình – điều gì còn lại – dành cho tâm hồn bình dị và cởi mở, cho thái độ sống thong dong dễ dãi thật đáng mến của người dân Miền Nam mà Bình-nguyên Lộc đã thể hiện được toàn vẹn qua phong cách làm văn đặc biệt của riêng ông.” (35)
Có lẽ nên nhắc thêm một chuyện vui vui. Trên một bài viết, Võ Phiên mở đầu: “Ông Bình-nguyên Lộc quả quyết rằng trong một bàn ăn mười ba người, gồm mười hai người Việt và một người Hoa, đồng vóc dáng, đồng trang phục, ngồi im không nói, ông vẫn phân biệt được kẻ Việt người Hoa. Như vậy đã là tài, nhưng ông còn đi xa hơn: có thể nhìn hình dáng mà phân biệt được người Tàu Phúc Kiến với người Tàu Quảng Đông, người Tàu tỉnh này với người Tàu tỉnh khác … Cũng trong quán ăn … tôi có dăm ba lần theo dõi cử chỉ của người làm bếp , và chợt lấy làm ngạc nhiên vì một nhận xét … Tôi có cảm tưởng đôi khi có thể nhìn mà phân biệt một người Việt Miền Nam với một người Việt Miền Trung … Nói cách khác, tôi có cảm tưởng mình cũng … tài giỏi như ông Bình-nguyuên Lộc: cái mới kỳ cục!” (36)
Năm 1975 Miền Nam sụp đổ, văn nghệ sĩ tan hàng, tác phẩm bị tịch thu, bị đốt, cấm lưu hành. Thế nhưng các nhà văn “hữu công” cũng không viết được gì! Một giai đoạn mười năm, mười lăm năm. Phải đợi một thế hệ trẻ xuất hiện, thay thế.
Ở Hoa Kỳ, từ tháng 5/1986 đến tháng 7/1999 Võ Phiến viết quyển Văn học Miền Nam: Tổng quan.  (37) Bình-nguyên Lộc được nhắc đến ít nhất là 34 lần, có khi là ý kiến của Võ Phiến, có khi Võ Phiến nhắc lại ý kiến một người khác.
Ngày trước, Võ Phiến đã viết về Cá tính văn học Miền Nam, ở đây ông nhắc lại: “Cá tính văn học Miền Nam là điều không thể phủ nhận, và nó rất hấp dẫn. Sự phát huy bản sắc Miền Nam là một đóng góp thật quan trọng vào nền văn học Việt Nam.” (38) Có thể nói tất cả sáng tác của Bình-nguyên Lộc, Ngọc Linh, Sơn Nam, Vũ Bình, Nguyễn thị Thụy Vũ đều chú trọng vào nếp sống, vào xã hội, phong tục Miền Nam. Và đó là cả một lãnh vực tân kỳ phong phú. Chúng ta có Miền Nam từ ba trăm năm, nhưng người Việt miền Bắc, miền Trung mấy ai biết về đời sống trong Nam trước Rừng Mắm của Bình-nguyên Lộc, Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam? Những sáng tác như thế mở ra trước con mắt của đồng bào khắp nước một thế giới vừa thân yêu vừa mới lạ biết chừng nào.” (39) “Những Đò Dọc, Rừng Mắm, Ba con cáo, Hương rừng Cà Mau, Thổ ngơi Đồng Nai, Tìm hiểu đất Hậu Giang  v.v… của họ đã hay, sở dĩ càng hay là vì sự thưởng thức đầy cảm tình khích lệ của đồng nghiệp Trung Bắc”. (40) Bình-nguyên Lộc cũng có một bộ trường thiên tiểu thuyết bắt đầu từ 1942, tức bộ Phù Sa, chưa hoàn tất, nói về chuyện mở đất của miền quê ông, cũng là một thứ lịch sử. Ông xem Phù Sa vừa là cái mộng lớn thiết tha mà mình cần thực hiện trong đời văn, lại vừa là một món ‘nợ’ tinh thần mà mình cần phải trả. Sự nghiệp trước tác một đời của ông không ngoài chuyện sinh hoạt chuyện phong tục một địa phương. Đa số các người dân quê được nối đến trong các tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ, Võ Hồng, Sơn Nam, Bình-nguyên Lộc đều đáng yêu”. (41)
Võ Phiến nói đến Bình-nguyên Lộc cả về cuộc sống và về văn chương:
Ông kể Bình-nguyên Lộc trong số nhà văn Miền Nam làm nghề tự do, viết bài hoặc trông coi tòa soạn các nhật báo, tạp chí v.v…(42)  lấy ngòi bút làm sinh kế duy nhất  và cũng sống vững (43), đạo đức, phong cách, thói quen và thời gian làm việc của Bình-nguyên Lộc thế nào (44), Bình-nguyên Lộc từ tiểu thuyết gia chuyển sang (46), tác phẩm của Bình-nguyên Lộc được quay thành phim (47) v.v…
Và trích lại ý của người khác:
-“Ngu Í nói: Bây giờ, hễ nói đến Miền Nam thì người ta nhớ ngay đến Bình-nguyên Lộc và Sơn Nam” (48)
-“Hồ Trường An nhớ lại … Khi vào trung học, chúng tôi xa dần văn chương Miền Nam viết theo văn Nam. Mãi đến khi Đò Dọc của Bình-nguyên Lộc được xuất bản, tôi mới có dịp trở lại tiếng miền phù sa sông Cửu. Bình-nguyên Lộc, Sơn Nam, Vân Trang, Hồ Hữu Tường đã làm sống lại ở tôi cái ngôn ngữ hồn nhiên, bộc trực, giàu thổ âm kia” (49)
Cũng ở Hoa Kỳ, năm 2099 Thư Ấn quán phát hành bộ Văn Miền Nam do Trần Hoài Thư sưu tầm, thực hiện. Bộ sách gồm 4 tập, trên 2230 trang, in truyện của 158 tác giả. (50) Tập I, có truyện Đêm Xuân cõng Hoàng đế của Bình-nguyên Lộc, trước đã đăng trên tạp chí Văn số 146&147 ngày 22/11/1970 (51)
Trong nước, từ thời “đổi mới” nhiều sách của Bình-nguyên Lộc được in lại. Ngoài những cuốn được in riêng (như Nhốt Gió NXB Hội Nhà Văn, Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc NXB Trẻ … )  năm 2002 Tuyển tập BÌNH-NGUYÊN LỘC  do Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu, NXB Văn Học xuất bản gồm 4 tập trên 3542 trang,  tập I in 46  truyện ngắn trong Thầm Lặng, Nhốt Gió,  Mưa Thu Nhớ Tằm, tập II in 42 truyện ngắn trong Ký Thác, Cuống Rún Chưa Lìa, Ma Rừng và 17 tạp bút trong Những bước lang thanh trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc, tập III in 2 tiểu thuyết Đò Dọc, Gieo Gió Gặt Bão, tập IV in 3 tiểu thuyết  Xô ngã bức tường rêu, Khi Tứ Thức về trần, Tì Vết Tâm Linh.
Tập I, tiêu đề phần đầu là “Bình-nguyên Lộc, một bút lực lớn” gồm có: Vài nét tiểu sử - Tác phẩm (kê tên tác phẩm các loại nghiên cứu, dân tộc học, ngôn ngữ học, sáng tác) – Nội dung chủ đề tác phẩm của Bình-nguyên Lộc có nhiều đoạn trích dẫn khá dài – và 2 bài thơ.
Năm  2007 Nguyễn Q. Thắng cho ra bộ “Văn học Việt Nam nơi miền đất mới” NXB Văn Học. Gọi là “miền đất mới” để chỉ chung “Xứ Đàng Trong” hình như soạn giả muốn tránh hai tiếng “Miền Nam” coi như “kỵ húy”.  Sách gồm 4 tập, trên 4860 trang, tập họp tác phẩm của 336 tác giả. Ở mỗi bìa 4  có ghi: “Văn học Việt Nam phát triển trong một hành trình dài kể từ buổi bình minh mở cõi của tiền nhân ta; trong đó có phần đóng góp không nhỏ của tiến trình văn học Đàng Trong. Sự đóng góp nhiều mặt đó của Văn học Việt Nam nơi miền đất mới khiến nó trở thành một bộ phận không thể thiếu đối với văn học Việt Nam; chính nó đã góp phần làm sáng giá cho văn hóa sử dân tộc. Nó hiện hữu tỏa sáng hồn tính dân tộc tràn đầy như vậy, nhưng từ lâu nay vẫn chưa có một công trình nào có thể “khải phát” cho khoảng trống đó. Công trình này là một “phác đồ” nhằm vẽ lại đường đi của hơn năm trăm năm văn học khởi đi từ Ngọa long cương vãn, Nguyễn triều khai quốc cồng nghiệp diễn chí, Ô Châu cận lục, Song Tinh bất dạ, Sãi Vãi, Hoài Nam khúc… đến các tác phẩm của các nhà văn có mặt tới những năm cuối thế kỉ XX.
Sách dành cho “Bình-nguyên Lộc với hương gió Đồng Nai” 71 trang (tr. 1253 – tr. 1323). Đoạn đầu (tiểu sử, tác phẩm) giống như Tuyển tập Bình-nguyên Lộc, sau 2 bài thơ, có các truyện: Nhốt gió, Rừng Mắm, Chiêu hồn nước, Sông Ông Lãnh.
Nguyễn Q. Thắng không bình luận nhiều về các truyện của Bình-nguyên Lộc, thường chỉ như là giải thích thêm sau khi trích dẫn một đoạn văn. Chẳng hạn, sau khi giới thiệu truyện Từ Thức về trần, Nguyễn Q. Thắng viết: “Bao nhiêu ước mơ cùng sự thật ấy  thì chắc chắn tác giả phải giải thích các vướng mắc trong nội tâm, cùng những hiện tượng của tâm bệnh học và tâm lí con người – nhân vật. Lúc ấy độc giả mới cảm nhận được; nếu không người đọc sẽ đi vào “mê hồn trận” của tác phẩm. Có lẽ từ sự kiện đó nên có người cho rằng ông là người “ưa thích sự lý luận bác tạp rộng về bề mặt nhưng thiếu chiều sâu”. Viết như vậy chắc nhà nghiên cứu, phê bình chỉ chú trọng về mặt nghệ thuật mà loại hẳn yếu tố nội dung chủ đề tác phẩm văn chương. Thế cho nên, tác phẩm Bình-nguyên Lộc dầu là tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo… cho đến thơ, ông cũng rề rà, kể lể ê a như hầu hết các nhà văn Miền Nam – Nam Bộ - như Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, nhất là Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Trấn gần đây. Nếu nhà phê bình “chịu” đọc tác phẩm của các nhà văn Nam Kì – Nam Bộ - nói chung - ắt hẳn sẽ không có lời trách như ông Cao Huy Khanh, Nguyễn Văn Sâm đã viết về Bình-nguyên Lộc như trên.” (52)
Sau khi giới thiệu Sông Ông Lãnh: “Có thể nói Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc (in năm 1966) là một tùy bút – tạp bút – hay, có thể xem nó như một tập kí hoài cảm về Sài Gòn giàu nghệ thuật nhất của ông” (53)
Nguyễn Q. Thắng nhắc lại lời Sơn Nam khi đọc Nhốt Gió, và tán đồng: “Đúng, đọc sách Bình-nguyên Lộc (nói chung) không phải đọc một hơi, một giờ, một ngày…mà đọc lai rai tháng này qua năm nọ như Sơn Nam mới thấy được cái tâm, cái hồn của ông. Và cũng từ đó cảm được nỗi lòng tác giả đã “kí thác” qua từng truyện ngắn của ông”. (54)
Trong đoạn cuối phần giới thiệu Bình-nguyên Lộc, Nguyễn Q. Thắng viết: “Những chủ đề Bình-nguyên Lộc đề cập trong tác phẩm ông là những điều bình thường, thực tế rút ra từ đời sống thực của mọi người dung tục chúng ta, từ cái ăn, cái mặc, niềm vui, nỗi nhớ… Do vậy, trong lúc viết cũng như khi bệnh, hoặc vào buổi xế bóng, hay năm hết tết đến, nhằm lúc ông nằm chờ ngày về thế giới bên kia, ông vẫn khôn nguôi nhớ quê, nhớ nước, nhớ bánh tráng Biên Hòa, nhớ bưởi Đồng Nai, mít tố nữ, măng cụt Lái Thiêu… nhớ thịt, nhớ cá, nhớ tôm Việt Nam” ( như trong một thư riêng gởi bạn văn ghi tháng 1 năm 1987 ở California. (55)
Năm 2015, Nguyễn thị Thu Trang phát hành cuốn “Văn xuôi đô thị Miền Nam giai đoạn 1954-1975 nhìn từ các giá trị văn hóa truyền thống”. (56)
 Trong Lời mở đầu, Nguyễn thị Thu Trang viết: “Khái niệm văn xuôi đô thị Miền Nam giai đoạn 1954-1975 có ngoại diên rộng và cũng chưa được sự đồng thuận của nhiều người từ cách gọi tên đến việc nhận định, đánh giá. Trong khi chờ đợi sự phân định công tâm từ các chuyên gia, người viết xin được mượn ý của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tạm quy ước văn học đô thị Miền Nam là các tác phẩm văn học xuất bản tại Miền Nam giai đoạn 1954 đến 1975 trong vùng đất dưới sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong chuyên khảo này, người viết chọn cách tiếp cận văn xuôi đô thị Miền Nam từ mối quan hệ với văn hóa. Đặt trong sự tương quan ấy, các vấn đề của văn học có khả năng được soi sáng và rộng mở hơn.” (57) Và trong Kết luận: “Những gì mà văn xuôi giai đoạn 1954 – 1975 đã đặt ra, có lẽ cũng là vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết hiện nay trong văn học đương đại … Giải quyết thấu đáo những vấn đề nói trên hoặc có cách tổ chức nghiên cứu quy mô về lịch sử phát triển văn học Việt Nam giai đoạn 1984 – 1975, sẽ giúp chúng ta nhận thức toàn diện hơn về sự phát triển và giá trị của văn hóa dân tộc.” (58)
Trên 170 trang sách, trung bình, trên mỗi trang bút danh Bình-nguyên Lộc được nhắc một lần. Nguyễn Thị Thu Trang suy nghĩ, nhận định về Bình-nguyên Lộc và trích lại ý kiến các nhà nghiên cứu phê bình khác.
Trước hết, tác phẩm của Bình-nguyên Lộc nằm trong phạm vi khảo sát của luận án: “Căn cứ vào mục tiêu đặt ra và điều kiện thực hiện, người viết chuyên khảo này tự giới hạn phạm vi khảo sát vào đối tượng chính là các tác phẩm văn xuôi được sáng tác và xuất bản tại các đô thị Miền Nam từ 1954 đến 1975, trong đó trọng tâm là những tác phẩm có khuynh hướng đề cao, bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc (xét từ sự nhất quán trong cảm hứng sáng tạo đến nội dung đặc điểm nghệ thuật, cách thể hiện nhân vật), như các tác phẩm của Sơn Nam, Bình-nguyên Lộc, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Bằng…” (59)
Sự tiếp xúc về văn chương, văn hóa trong đội ngũ  tác gồm người Bắc và người Nam sau 1954 đã đem lại hiệu quả bất ngờ, thú vị là bản sắc riêng của văn hóa Miền Nam được khẳng định rõ ràng, cụ thể hơn. Trước đó, một Miền Nam dung dị, chất phác đã từng có trong văn xuôi đầu thế kỉ XX, nổi bật nhất là trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Nhà văn Bình-nguyên Lộc ví Hồ Biểu Chánh là “cây cầu” bắc qua văn chương Miền Nam và cho rằng văn Hồ Biểu Chánh hấp dẫn người đọc vì nhà văn viết về hình ảnh và nếp sinh hoạt giản dị của đồng quê Miền Nam.” (60) “Suốt hơn 20 năm, từ 1954 đến 1975, văn xuôi Miền Nam đã vận hành cùng với đời sống con người, gắn liền với hiện thực lịch sử của một thời. Tác phẩm là sáng tạo của cá nhân nhà văn nhưng sự tồn tại và giá trị của nó có liên quan đến nhu cầu, nhận thức và đặc điểm thẩm mỹ của người đọc hoặc là do xu hướng thưởng thức chúng của số đông.” (61)
Thu Trang nhắc lại cuộc phỏng vấn về truyện ngắn được yêu thích nhất trên tạp chí Bách Khoa hồi năm 1958-1959 do Nguiễn Ngu Í phụ trách đã tổng kết rằng: “truyện ngắn Ba con cáoRừng Mắm của Bình-nguyên Lộc chiếm tỉ lệ bầu chọn cao nhất” và nhận định: “Kiểu viết như Bình-nguyên Lộc tuy không có những cách tân đặc sắc, không gây nên hiện tượng tranh luận trên văn đàn, nhưng có thể chính cách thể hiện đặc trưng văn hóa Nam Bộ qua văn chương của Bình-nguyên Lộc vẫn có sức hấp dẫn đối với nhiều người đọc.” (62)
Bình-nguyên Lộc là nhà văn nhất quán với quan điểm cho rằng quê hương bản quán có mối liên hệ bẩm sinh, tự nhiên với con người như “cuống rún chưa lìa” dù con người đã trưởng thành, đã già hay đang sống tha hương. Nhiều nhân vật của ông dường như chỉ để minh họa cho quan niệm này” (63) “Văn xuôi của Bình-nguyên Lộc không chỉ đem đến “tình đất” thắm thiết, mà còn là lời “đồng vọng” linh thiêng từ cội nguồn. Con người yêu nước, quý trọng đất đai vì mùi “thổ ngơi thơm nức” đầm ấm … Tình yêu ấy khó có thể lý giải rõ ràng, nhưng nó tồn tại trong mỗi con người, dù con người có sống xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình.” (64) “Nhân vật của Bình-nguyên Lộc ít khi rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, bởi vì họ biết ứng biến, tự thay đổi để tồn tại. Họ tin rằng trong cuộc sống luôn luôn vận động, tiếp diễn, bên cạnh giá trị bản thân mình còn có rất nhiều những giá trị khác.” (65) “Bình-nguyên Lộc cũng chú trọng chi tiết và tình huống hiện thực hơn là nghệ thuật hư cấu. Cảm hứng của nhà văn nghiêng về những điều tưởng như nhỏ nhặt trong đời thường nhưng lại quan trọng trong việc tạo nên thế giới tâm hồn của con người … Nó được gắn với phần chìm, phần ẩn khuất của ký ức, của đời sống tâm linh bên trong…” (66)
Thu Trang cũng nhắc lại nhận xét của Vũ Hạnh trong “Điểm sách Ký Thác của Bình-nguyên Lộc” (Bách Khoa số 82 ngày 1/6/1960): “Tác giả lo lắng cho nội dung hơn là hình thức và ông thường tỏ ra không câu nệ bất cứ là ai phải lên sân khấu, miễn là kẻ ấy nói giùm cho câu chuyện”. (67) Và nhận xét trong Tự điển văn học bộ mới: “…Xuất thân từ Miền Nam, nhưng đối với những nhà văn gốc Nam, Bình-nguyên Lộc giữ một địa vị đặc biệt, không theo Bắc hoàn toàn như Đông Hồ, và cũng không giữ nguyên đặc chất Nam Kỳ của Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển… Bình-nguyên Lộc biểu hiện sự giao lưu văn hóa Nam – Bắc trong truyền thống lịch sử và trong ngôn ngữ”. (68)
3.- BÌNH-NGUYÊN LỘC TRONG LÒNG TÔI
         Quê tôi, huyện Sơn Hòa, một huyện  miền núi của tỉnh Phú Yên. Suốt thời Hán học chỉ có 2 vị đậu Cử nhân, thời quốc ngữ cho đến năm 1945 chưa có một người đậu bằng Trung học. Chín năm chiến tranh Việt Pháp (1945-1954) chưa có trường cấp II, một nửa huyện bị tàn phá, tiêu thổ. Huyện lỵ (hồi ấy chưa gọi là thị trấn) hồi sinh từ năm 1955, tôi sống ở đó được 2 năm rồi rời xa nó đến 18 năm sau mới trở lại. Hai năm ấy (1956-1957) đã ghi khắc vào lòng tôi những nét sâu đậm bởi tôi được tiếp xúc với bước khởi đầu một nền văn học mới, ngày nay nhiều người gọi là Văn học Miền Nam.
         Tuổi sơ học, tôi chỉ đọc phần “Tạp loại” (gồm thơ và truyện cổ) trên Giáo Dục tạp chí (Nha Học chánh Đông Dương), rồi không biết ở đâu lạc vào nhà quyển Lâu đài họ Hạ (về sau mới biết tác giả và dịch giả) và bài thơ Tiếng địch Sông Ô chép tay (cũng chưa biết tác giả). Những năm đi học (ở đồng bằng) nhà thầy Hiệu trưởng có mấy bồ sách (sách từ thị xã chuyển về, không đủ tủ, đựng trong mấy bồ góc) tôi đọc khá nhiều tác phẩm xuất bản trước năm 1945, của Tự Lực văn đoàn, Phổ Thông bán nguyệt san, Tân Dân, Sách Hồng, Truyền Bá và nhiều sách không biết của nhà xuất bản nào. Tôi đọc Lê Văn Trương, Lan Khai, TchyA, Nhượng Tống, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Công Hoan, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài v.v... nhiều tác giả không nhớ tên, cũng trong thời gian này. Năm  1952 đọc Tập văn Cách mạng và Kháng chiến dày cộm, có truyện của Hồ Phương, Kim Lân… thơ Phan Khôi, Thôi Hữu…bài thơ Đèo Cả chỉ có đoạn đầu, ghi tác giả là “Hữu” (không có Loan), đọc những tác giả Liên khu V như Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Thành Long, Nhật Tĩnh, Phạm Hổ, Hồ Thấu… Bây giờ (1956-1957), không biết do nguồn tài trợ nào, từ đâu, Chi Thông tin quận luôn luôn nhận được, nhật báo Cách Mạng Quốc Gia, các tạp chí Mùa Lúa Mới, Ý Dân, Lành Mạnh, Sinh Lực… và sau là Bách Khoa. Trưởng chi Thông tin lúc đầu là ông Hà Sĩ Trung (nhà văn Sĩ Trung) sau là một người Bình Định (học trò thi sĩ Lam Giang). Cả hai vị đều cho tôi thủ đắc toàn bộ những sách báo mà tôi thấy thích, thấy cần. Tôi đọc Võ Phiến, Đỗ Tấn, Tiểu Hứa Do trên Mùa Lúa Mới, đọc Tô Kiều Ngân trên đặc san Lửa Thiêng… Đọc Bình-nguyên Lộc ở báo nào không nhớ nữa,  cũng được nghe giải thích là “Con Nai Đồng Bằng”. Lúc ấy có một tác giả bút danh Bình Sơn Lộc, với bài phê bình sách. Bút danh Bình Sơn Lộc chỉ thấy hai lần, rồi thôi, tan biến vào hư không. Cuối năm 1957 xuống núi, ở thị xã lần lượt có dịp đọc nhiều hơn, Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong, Phổ Thông, Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, Thời Nay, Văn, Vấn Đề v.v… Đọc và viết. Như vậy, có thể nói tôi đã theo dõi được tiến trình văn học Việt Nam thời quốc ngữ, từ tiền chiến, qua kháng chiến đến đương đại.
         Hai tạp chí tôi đọc thường xuyên là Bách KhoaVăn (tiếp theo là Phổ Thông, Thời Nay) nhưng sáng tác của Bình-nguyên Lộc đăng ở đây không nhiều, ít hơn những bài biên khảo của ông nữa. Trên Bách Khoa chỉ có 3 truyện ngắn, 1 tùy bút, trên Văn có 9 truyện ngắn, 1 tùy bút, 1 tạp bút (69). Vậy đọc Bình-nguyên Lộc là gặp đâu đọc đó, cả những quyển in bìa đen trắng, trên bìa chỉ có bút danh tác giả và tên sách. Như thế, những điều đọng lại trong lòng tôi cũng dàn trải, rải rác, thật nhiều mà cũng khó lòng gom lại, sắp xếp thành hệ thống.
         Tôi luôn luôn luôn nghĩ rằng văn chương tác động vào lòng người một cách “trực tiếp”, thơ còn thêm tính cách “tức khắc” nữa. Thiếu hai tính cách ấy, đợi có người giảng giải phân tích mới cảm nhận được, thì thưởng thức văn chương không còn gì thú vị nữa. Cho nên tôi không mấy khi chịu nghe theo sự hướng dẫn của các nhà lý luận, phê bình. Mua một quyển sách có “Lời giới thiệu” trang trọng phía trước, dù người giới thiệu là ai đi nữa, tôi cũng xếp phần ấy lại, có khi còn dán kín hẳn. (70)
         Nhưng tôi cũng không thích những tác phẩm mà sự rung cảm qua vài giây phút bay bổng mất tiêu. Như lập luận trong Xuân Thu nhã tập, một tác phẩm do tác giả làm ra (có vần có nhạc chẳng hạn) chưa phải đã hoàn chỉnh, chỉ ở giai đoạn phôi mầm. Phải có ít nhất là một độc giả thưởng thức, tác phẩm được tái tạo, và những vần những nhạc những thanh ấy mới thành một bài thơ. Cho dù là đọc một đoạn “tạp ghi”, tôi cần được tham gia tái tạo bằng những suy nghĩ, tìm hiểu, liên tưởng, có khi tra cứu tư liệu, trao đổi với bằng hữu… Hơn nữa, tôi phải soi thấy hình bóng chính mình trong đó, chứ không phải như những cư dân Xóm Cầu Mới trong tiểu thuyết của Nhất Linh, ngày ngày nhìn thấy cô Mùi, họ biết cô Mùi đẹp, kính trọng phong cách đoan trang hiền thục, nhưng không thể yêu mến, cảm thông, vì cô Mùi là người của cõi xa lạ, từ biệt thự thâm cung đi ra rồi đi vào, trầm lặng, hững hờ. Có lẽ ngót bốn mươi năm rồi, tôi không đọc tác phẩm của các “đại gia văn học”, ở đó toàn các “cô Mùi”, còn tôi là tên dân nghèo của Xóm Cầu Mới.
         Nhân dịp được tham gia cuộc hội thảo này tôi mới hỏi tôi: Vậy ta đọc Bình-nguyên Lộc thế nào? Câu hỏi ấy, sáu mươi năm nay tôi chưa hề đặt ra, có lẽ vì nó là sự tự nhiên trong tâm thức do quý mến ông, tôi đã không biết tới, không cảm thấy.
Chợt nhớ, chợt nghĩ thì Rừng Mắm là truyện đầu tiên hiện ra. Trước đây, tuần báo Nghệ Thuật đã tặng Sơn Nam danh hiệu “người chép sử khai hoang”, đúng vậy, qua Hương Rừng Cà Mau ta thấy rõ cả một thời kỳ biết bao gian khổ của ông bà. Nhân vật của Sơn Nam có sức chịu đựng thật đáng nể, chỉ qua một mùa len trâu cậu bé hiền lành kia đã trở thành một chàng trai dày dạn, biết hút thuốc và chửi thề. Nhưng thằng Cộc của Bình-nguyên Lộc thật dễ thương. Cộc còn ngây thơ lắm, thời gian của nó là trời cho vô tận, cứ yên lặng mà nhìn ngắm những con chim thằng chài, chim thầy bói để tha hồ nghĩ đến những năm tháng cũ, nghe thèm người hơn là thèm ăn trái xoài, trái khế, cục đường, đã năm năm không được nếm. Mang mang trong ảo ảnh khói sương, Cộc nhớ đến con Thôi, không thuộc giọng, không biết câu hò cũng mơ ước được đối đáp với con Thôi. Cộc nói láo nhưng nói láo không có sách khi trả lời mẹ đi lượm lông chim lông ô, đời này đâu còn nữa. Là vì loài chim lông ô ấy dẫu nó chưa biết đã ăn nhập sâu xa vào trí óc. Truyện có sáu nhân vật, tôi chỉ biết thằng Cộc, nói cho chuẩn hơn,  hạt nhân là thằng Cộc tan loãng bềnh bồng trong không gian có nhiều loài chim, có rau bồn bồn, có những đám ruộng mười công đất gặt được tám giạ lúa. Không gian ấy mở rộng với niềm tin số lúa thu hoạch được sẽ là hăm lăm giạ, với mấy loại rau thơm trồng trên bốn miếng vườn cao cẳng tí hon, với hi vọng năm tới gieo giống lúa tầm vuột chắc được gạo hơn, chuối trổ buồng là trồng sả trồng ổi được. Không gian ấy trở thành bao la với Rừng Mắm. Liệu thằng Cộc có hiểu hết lời ông nội? “Phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng, nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi nó. Rồi sau mấy đời tràm, đất thuần, cây ăn trái mới mọc được. Ông với lại tía con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là đời tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Đời mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu họ hưởng.”. Cộc hiểu lời ông nội, nó than “tràm buồn quá”, nhưng nó chợt vui khi biết “gì chớ chè thì sẽ có lu bù”, rồi lại lo “cưới vợ làm sao được, ai thèm về Ô Heo!.”.
Tôi nghe văng vẳng mà rõ ràng những câu hò: “Tháng ba cơm gói ra hòn. Muốn ăn trứng nhạn  phải lòn hang mai.”. Từ những loài chim trong Rừng Mắm tôi biết thêm nhiều loài nữa trong Tìm hiều đất Hậu Giang của Sơn Nam, từ chiếc ghe cui tôi biết thêm chiếc ghe hầu (qua Nguyễn Hiến Lê, Nguiễn Ngu Í), lại xem xét về thời tiết tháng ba ở nơi này, cơm gói có là cơm vắt, hòn là hòn gì, ở đâu, và trứng nhạn, và hang mai, hay Hang Mai? Những câu hò Nam Bộ lồng lộng gió trời, nhẹ hẫng mà bâng khuâng không cho tôi thoát khỏi “phù sa”, hai tiếng ấy hình như chẳng bao giờ xa rời Bình-nguyên Lộc. Cả khi được phỏng vấn về hiện tượng sách dịch phong phú đa diện, Bình-nguyên Lộc lạc quan cho rằng đó là “phù sa đưa đất màu tới đồng bằng văn chương của ta.” (71).
Còn câu “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai” tôi nghĩ xuất phát tự Thừa tuyên Quảng Nam là các tỉnh Nam Trung Bộ theo bước lưu dân vào tận “xóm Ô Heo”. Li Tana cho rằng, Trịnh Kiểm chỉ có ý tống khứ một địch thủ, nhưng đã “cho không” Nguyễn Hoàng cả một quốc gia. “Và một chuỗi các sự kiện diễn ra đã làm thay đổi toàn bộ lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử Đông Nam Á nói chung” (72). Từ khi trở thành Tổng trấn Thuận Quảng, Chúa Tiên đã nhận rõ ở đây, sẵn vàng sắt, giàu cá muối, là nơi Trời dành cho người anh hùng dụng võ. Cái mộng riêng núi riêng sông ban đầu của Người từ sông Gianh đến núi Đá Bia đã hoàn thành. Và các Chúa kế thế với các bậc công thần trung dũng đã tiếp tục sự nghiệp. Người dân Thừa tuyên Quảng Nam lúc ấy không biết cõi Bắc Hà tức Xứ Đàng Ngoài xa xăm, không biết Thăng Long ngàn năm văn vật, không biết tứ trấn, đi ra chỉ biết đến chính dinh Phú Xuân là phủ chúa phủ vương đường bệ rồng chầu, đi vô chỉ biết đến Đồng Nai, nơi tập họp những anh hùng hảo hớn đường dài ngựa tế. Hơn nửa thế kỉ sau khi Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh vượt qua Cù Mông, Hùng Lộc hầu có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa từ Phú Yên thi hành sứ mệnh lịch sử Thuận Thành. Đồng Nai chỉ còn là gang tấc. Nối tiếp truyền thống phụ thân, Nguyễn Hữu Cảnh mở đất Sài Gòn: Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định Đồng Nai thì về…Tầm mắt người dân “Thừa tuyên Quảng Nam” bây giờ bao quát cả cõi Nam Hà không phải chỉ giới hạn từ Hoành Sơn đến Thạch Bi Sơn mà: Rồng chầu ngoài Huế. Ngựa tế Đồng Nai…Cùng với cả Xứ Đàng Trong, những người dân Thừa tuyên Quảng Nam từ đây góp nhiều công lao, cả máu đào, tâm trí, sức lực cho đại cuộc của Tổ Quốc từ Nam Quan tới Hà Tiên…
Hà Tiên được nhắc đến trong bài vè cô Quá hát mỉa mai các chị (Đò Dọc): “...Bậu lỡ thời như ớt chín cây. Ớt chín cây người ta còn hái. Bậu lỡ thời như nhái lột da. Nhái lột da người ta còn bắt. Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên. Giặc Hà Tiên người ta còn đánh. Bậu lỡ thời như bánh trôi sông v.v ...”. Ở quê tôi, chỉ nghe: “... Ớt chín cây người ta còn hái. Bậu lỡ thì như vãi đi tu. Vãi đi tu người ta còn cúng. Bậu lỡ thì như thúng lủng trôn. Thúng lủng trôn người ta hốt rá v.v...”. Lịch sử Hà Tiên còn mới quá, tôi phải đi tìm giặc Hà Tiên là giặc nào, vào thời điểm nào?
         Đất Trời, Sông Núi Phương Nam đã “trả công” cho các thế hệ “mắm” và “tràm” những cánh đồng mút mắt, làm chơi ăn thiệt, ban cho họ cả tấm lòng yêu thương rộng mở, không so đo, tính toán, chỉ cân nhắc điều thiện, đem kết quả tốt đẹp cho người khác. Trong Thám hiểm lòng người Cô Năm, người cho thuê phòng trọ, nấu cơm tháng khẳng định việc phải thương người: “Người bậy cũng thương để họ cảm mến mà cải ác tùng thiện.”. Đến kẻ trộm cũng có lương tâm. Ba Khện là một kẻ trộm, mới nghe tên đã thấy ngán rồi. Nhưng anh ta ăn trộm là để kiếm tiền xài tết,  không mảy may có ý định sát nhân. Anh ta chỉ dọa thằng chăn để nó không cản trở công việc, bắt cóc nó đi một đoạn để khỏi bị tố cáo sớm, bịa ra một lý do rất cấp thiết là rước bà mụ cho vợ sanh khi qua các điếm canh. Dân canh chẳng những không bắt anh dừng lại hỏi han mà còn giục đi mau và chúc lành. Rồi anh phải đương đầu với một người đi rước thầy rắn cho bà mụ, ông thầy rắn ấy chính là Xã Tần người vừa bị Ba Khện ăn cắp xe và bò, bà mụ bị rắn chính là bà mụ anh ta mới nói đến. Cái cảnh “hai con bò cứ máy móc chẫm rãi bước đi chầm chậm trong khi trên xe, hai người lạ mặt đánh nhau, vật nhau, dưới một bầu trời sáng sao”, cứ y như là phim cao bồi Mỹ, quay thành phim, chiếu lên, chắc bon trẻ con (lứa chung tôi thời ấy) vỗ tay bể rạp. Hai người, không muốn hại nhau, đều muốn thắng và cần thắng. Nhưng khi vật ngã kẻ kia xuống, đạp chưn lên bụng hắn, lương tâm kẻ trộm (nãy giờ chưa ngủ) vùng dậy thật tỉnh táo, Ba Khện nói: “Mầy là láng giềng biết thương chòm xóm, tao định tha mầy lúc mầy bắt đầu tấn công, giờ nghe vậy , tao còn ưa tha mầy hơn. Vậy, cứ quày xe lại  rồi quất bò mà cho nó nhảy, kẻo không kịp. Tao cho mầy luôn chiếc xe và đôi bò này, nếu mày giữ được, không bị người khác giựt như mầy đã muốn giựt của tao. Thôi chúc mầy bình yên vô sự dọc đường và chúc bà mụ Dậu tai qua nạn khỏi”. Nói rồi anh Ba nhảy xuống xe, lủi vào bụi.  Người đọc ngạc nhiển không kém gì anh chàng đi rước thầy rắn và tự tưởng tượng mọi tình huống bi hài kết cục khi anh ta đánh xe bò đến nhà Xã Tần, trước khi cả hai hiểu rõ đầu đuôi sự việc.
         Khi thất tình, thi sĩ Tạ Ký viết: “Người ta cười anh dại. Yêu không tính thiệt hơn. Yêu mà lời với lãi. Còn chi là tâm hồn”.  Nhân vật của Bình-nguyên Lộc cũng thế. Anh Tư Được đang làm công nhân trên một chiếc phà máy ở Cần Thơ, nhìn mãi tấm bảng quảng cáo kem đánh răng vẽ một người đẹp, hình ảnh in sâu vào tâm hồn và đâm ra yêu say đắm người ấy. Tư Được bỗng nhiên làm một chuyện “trời ơi” là bỏ nghề, lên Sài Gòn học chạy xích lô máy để tìm người đẹp. Quả là đáy biển tìm kim nhưng Trời Đất đã không phụ lòng anh đã cho anh hai lần gặp người đẹp. (Có thật không, có đúng không, nào ai biết được, dù chính anh nhất quyết đó là “người đẹp ven sông”.). Lần thứ nhất anh bị người đẹp mắng và hăm dọa, lần thứ hai thì thần tượng sụp đổ. “Anh kêu trời thầm lên một tiếng, nấc mấy cái rồi khóc òa … Anh yêu người đẹp một cách cung kính như tín đồ Phật Giáo yêu Đức Bà Quan Âm. Nhưng tác phong của người đẹp mà anh tình cờ bắt chợt, đã gây một sự sụp đổ ê chề nơi lòng anh. Tượng Đức Bà Quan Âm mà anh chiêm bái bao lâu nay, bỗng dưng ngã xuống, và anh xem lại thì tượng làm bằng một thứ nguyên liệu bẩn thỉu vô cùng …”. Tư Được ra khỏi cơn ác mộng, bò Sài Gòn về quê. Ngoài đời có một người yêu đương đến mức độ “điên khùng quá quắt” như vậy sao? Hay chỉ có trong tác phẩm của Bình-nguyên Lộc (Người đẹp ven sông) để chứng minh cho ý tưởng của tác giả: “Khi ái tình thanh cao quá và người ta yêu cao quý quá, tình yêu biến thành một tín ngưỡng gần ngang hàng với bất kỳ tín ngưỡng đứng đắn nào”. Tấm lòng Tư Được càng nhân hậu hơn khi qua bắc Basac nhìn tấm bảng vẽ người đẹp ven sông khuôn mặt trốc nước sơn, loang lổ nhiều nơi, miệng như đang mếu, anh không oán giận gì, thầm hỏi: “Phong trần nơi bến bắc chà đạp chơn dung của nàng làm cho nàng buồn, hay phong trần của xa hoa chà đạp đời nàng khiến nàng đau?”. Và anh thầm nghe tiếng người đẹp vọng theo: “…Chẳng qua đời là thế đó thôi!”.
         Là một người dân quê, nhưng tâm hồn Tư Được đầy ắp chất lãng mạn, đó là chất “lãng mạn chân tình”. Và tuy là một người dân quê Tư Được sinh ra và lớn lên trong không khí của nền giáo dục Nho phong. Bên cạnh Tư Được, chỉ riêng tập Thầm Lặng (sách đen trắng), lật ra tình cờ, gặp ngay cô Diệu (trong Rắn cắn làm phước) “Trả Nghĩa (nhân vật trong truyện) lại cho đời, còn nguyên vẹn là anh con trai”, cô Hồng (trong Đứa con đủ tháng) đều vị tha, cao cả. Còn như ông Tư Khăm và cô Út liên kết với nhau “thí một con chốt hốt một con xe”, những ghe dưa kia sạt nghiệp là do họ mê gái chớ có ai bắt ép đâu, đến giờ chót ông mang dưa lên chợ kêu nhà nghèo tới bố thí, giả hay thật cũng là “làm phước để bớt tội với trời đất.”. Nói cho đúng, thì cái tính cao thượng đậm chất lãng mạn chân tình, nho phong đồng ruộng ấy là của Bình-nguyên Lộc. 
         Đọc Bình-nguyên Lộc tôi thấy lòng vui, dẫu gặp cảnh buồn vẫn ẩn hiện một chút vui nhẹ nhàng của kỉ niệm. Theo “những bước lang thang trên hè phố” của ông, gặp ngay “những hàng me Sài Gòn”. Chưa hết trọn bài đã nghe (ở đâu trong tiềm thức) tiếng cười khúc khích tự trào: “Sài Gòn ne, ăn me ỉa chảy”, rồi lời thơ tiếng hát của những “ai ra đi nhớ hàng me già” và những ai tạm thời sống cảnh vô gia cư tự nhận là “người Việt gốc me”. Thời trai trẻ, từ Miền Trung mỗi lần vào Sài Gòn tôi vẫn thích đi dưới những tàn me, nhìn những chiếc lá nhỏ rụng theo chiều gió thấy Sài Gòn “đời” lắm, ta hòa nhập vào Sài Gòn làm một cá nhân trong khối nhân sinh đông đảo không bị ngăn cách phân biệt. Cây me có phải là “thực vật tương tự” của những cây phần, cây thông, cây bàng, cây mù u trong thơ ca? Tôi lại liên tưởng về làng quê, thương nhớ cây me già trong vườn sau nhà mỗi buổi chiều xếp lá chờ giấc ngủ… 
Tiếp theo là Sông Ông Lãnh. Tây đặt là Rạch Cắc Chú hay Aroyo chinois? Chinois đâu phải là Cắc Chú (Các Chú, Khánh Trú). Tôi nghiệm ra sự gần gũi giữa quan và dân Nam Hà (Đàng Trong). Người dân quên các vị ấy là “quan”: Cảm thương ông Hậu thủ thiềng, cù lao Ông Chưởng, sông Ông Lãnh, vườn Ông Thượng… khác với Bắc Hà: Ô Quan Chưởng. Không thích thú sao, khi biết “từ mười mấy năm trước, chiến tranh đã đẩy lên Sài Gòn nhiều nữ trạo phu chuyên chèo xuống bằng hai cây chèo một lượt. Trước kia chỉ ở Hậu Giang, người dân mới biết chèo lối đó thôi. Dân Sài Gòn và dân Miền Đông ít khi được thấy xảo thuật ấy: lối đẩy mông đá cẳng mỗi bận cất hay hạ mái chèo đôi…”. Bình-nguyên Lộc kể: “Một bạn văn gốc ở Hà Nội, anh Nguyễn Đức Quỳnh nói: “Người Sài Gòn quả thật lười, ăn gì cũng muốn làm sẵn sàng tất cả, chỉ còn mỗi một việc nhỏ là bỏ món ấy vào miệng thôi; đu đủ thì gọt sẵn xắt ra từng miếng, mía thì ép xác lấy nước”. Bạn ấy quên rằng người Sài Gòn chúng tôi lại lười nghĩ nữa. Rao món quà, họ bắt phải rao lên tất cả thành phần của món ấy, quà nấu bằng mấy mươi thứ phải kể hết cho họ nghe. Nhờ cái lười ấy mà ta có một điệu nhạc bột khoai kỳ lạ kia.” . Dân Sài Gòn lười chăng?, Nguyễn Đức Quỳnh và Bình-nguyên Lộc ỷ chỗ thân tình nói vui. Đó là sự chu đáo, tận tình. Như các đoàn sinh Quốc Anh đoàn khi nghe cấp trưởng hô Phụng Sự liền đập bàn tay phải lên trái tim, giơ ra trước,  đồng thanh đáp lại Sẵn Sàng.
         Nhân vật của Bình-nguyên Lộc thường hay hát nghêu ngao. Cô Út sử dụng giọng ấm mà trong, lúc thì ca vọng cổ, lúc thì hò, với mưu thâm Thí một con chốt hốt một con xe. Trong Đò Dọc,  ông Nam Thành ngâm thơ,  bà Nam Thành hát điệu ru con, cô Quá gõ vào chén đánh nhịp bài “tân nhạc” Ai đi trên con đường thiên lý sương sa mờ, cô Hồng lấy tiếng kêu của lũ ễnh ương nhại theo Hòn vọng phu: Uềnh oang, Uềnh oang, Uếnh… Uênh oàng… Trong Thám hiểm lòng người, ông Phán Ca kể vắn tắt sự việc phiền hà bằng câu hát. Trong Ba con cáo, những đêm mưa “con hồ ly” không đi kiếm ăn được ngồi bó gối rên rỉ “Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…”, giây phút yêu đời “con cáo đực” nằm ca sáu câu mùi mẫn “Cảnh vị nhân sầu, xơ xác ngọn vi lau, nước triều mênh mông chảy…”. “Nhà văn” Quỳnh (truyện Lầu 3 phòng 7) tự đặt lời cho bản nhạc Bên sông vắng của Tạ Tấn. Trong Còn Yêu có tiếng hát dưới giàn bầu, bên nọc trầu. Trong Xe lửa Mỹ bung vành có tiếng ru con từ một ngôi nhà lá lụp xụp và bác xếp ranh cũng ngâm… ca dao. Nhộn hơn nữa, một chàng kia làm rể Hoa kiều, ăn cháo khuya quen rồi, vui vẻ nắm tay cha vợ mà hát: “Ngộ ở bên Tàu, ngộ mới sang đây…”. Một số không ít nhân vật của Bình-nguyên Lộc là Hoa Kiều. Cách nói tiếng Việt chưa sành của họ cũng như cách nói tiếng Tây bồi ba-rọi góp thêm phần trào lộng cho trang sách để ta vừa đọc vừa chúm chím cười.
         Bên cạnh cũng lắm chuyện đau thương. Đau thương, chứ không phải là buồn. Vui và buồn cùng một hệ thống, vui ít là buồn, buồn ít là vui. Nhưng đau thương nằm ở một lãnh vực riêng. Nó giết chết hết những vui, những buồn, khiến ta không còn ý thức được tình cảm của mình nữa. Số phận của những con Nhộng (truyện Má ơi, má!), anh Nhánh (truyện Không một tiếng vang), những người chuột cống và nhiều người nữa là những số phận đau thương. Xin cứ để cho những giọt nước mắt tự nhiên đầy tròng, và có thể lăn xuống gò má, rơi vào trang sách. Đừng vội lau đi. Trước những nỗi đau thương như thế, nỡ nào ngăn cản nước mắt, dù ta có muốn khóc đâu?
         Có người cho rằng cách dẫn chuyện của Bình-nguyên Lộc hơi dễ dãi. Có thể đây cũng là một góc cạnh của phong cách Nam Bộ. Cổ văn Miền Bắc không tả chi tiết việc thi cử. Trong Truyện Kiều, “Chế khoa gặp hội trường văn. Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày”, rồi “Vâng ra ngoại nhậm Lâm Tri. Quan sơn nghìn dặm thê thi một đoàn”, ta hiểu vắn tắt: Kim Trọng có vợ, có con, thi đậu (Cử nhân) và đi làm quan, chuyện dông dài là mối tình với Thúy Kiều, chàng luôn lo lắng tìm hiểu và có ý định từ quan. Trong Truyện Vân Tiên, họ Lục lần đầu đi thi, trúng ngay khôi khoa, đậu Trạng nguyên, lúc ấy giặc phủ vây quan ải.  Sở vương phán trước ngai vàng. Chỉ sai quốc trạng dẹp loàn bầy ong. Trạng nguyên tâu trước bệ rồng: Xin dâng một tướng anh hùng đề binh.”. Ông tân Trạng được tin cậy quá sớm, vừa thi đậu, chân ướt chân ráo bước vào hoạn lộ đã được cử đi đánh giặc (các vị cựu thần đâu rồi?) và đề cử Hớn Minh (anh chàng phạm tội đang lẩn trốn, không có bằng cấp gì hết) làm Phó tướng được chuẩn y ngay.  Chuyện đó có thể cho qua. Xét mặt khác, cụ Đồ Chiểu là người uyên thâm Nho học, con một viên chức hành chánh, tất nhiên am hiểu tường tận việc thi cử, sao để Lục Vân Tiên đi thi một kỳ là đỗ Trạng nguyên? Giống như trong những truyện thơ bình dân khuyết danh vậy? Các tác giả bình dân không cần phân biệt ông Trạng, ông Thám, ông Cử, ông Tú, thi Hương, thi Hội, thi Đình, hễ người giỏi đi thi là đỗ Trạng ngay, Trạng hai ba nước, được vua gả công chúa nữa. Thế cho bõ những ngày khổ cực. Cụ Đồ Chiểu không phải không biết luật lệ thi cử, nhưng chuyện đó không quan trọng, cụ sẽ cho giặc Ô Qua tái phát chiến tranh để Lục Vân Tiên trổ tài vũ dũng (ta mới biết qua trận đánh Phong Lai, nhưng đó là bọn cướp đường, kể chi) nếu đợi Vân Tiên đi thi đến mấy kỳ, rồi Vân Tiên làm quan, thăng tiến dần lên, mất thời gian quá, diễn biến mất kịch tính, thôi thì điều thiếu hợp lý coi như nhỏ nhặt, cứ cho qua, để Vân Tiên kịp lập công.
         Lớp hậu duệ của cụ Đồ Chiểu, những Bình-nguyên Lộc, Hồ Hữu Tường cũng dẫn chuyện như vậy. Hồ Hữu Tường (hơn Bình-nguyên Lộc bốn tuổi) trong tiểu thuyết Thuốc Trường Sanh đã cho cặp vợ chồng giả Bác sĩ Tâm và Tuyết Lê đêm đêm mật đàm với nhau bằng cách người này bấm ngón tay trên da thịt người kia. Không phải họ chỉ nói một hai từ mà trao đổi cả những vấn đề quan trọng, hàng tiếng đồng hồ. Tài tình đến thế! Lúc nhỏ, tham gia Quốc Anh đoàn, chúng tôi có được học các cách truyền tin để tham dự “trò chơi lớn”, học năm trầy bảy trật mới thuộc các dấu hiệu “tích te”, truyền tin bằng còi, nghe còn dễ nhận, truyền tin bằng cờ, phất lên phất xuống, nhiều khi phải xin bạn đánh lại. Tuy vậy, cũng chỉ là “lệnh ngắn”, bảo đi chỗ này, tìm chỗ nọ, tiến hay lui, thế thôi. Đàng này, Bác sĩ Tâm và Tuyết Lê bàn nhau về chủ nghĩa, về thời cuộc, về chuyên điều chế thuốc trường sanh. (73) Họ giỏi thật chăng? Không, họ không giỏi, ông Hồ Hữu Tường phịa ra chi tiết này để cho họ có dịp mật đàm với nhau khi đang bị theo dõi ngày đêm đó thôi. Vậy, đọc Bình-nguyên Lộc thấy có những chỗ có thể hơi phi lý đừng thắc mắc. Chỉ là cái cớ cần có để dẫn chuyện, ta cứ theo câu chuyện mà đi, không nên dừng lại, hỏi lui hỏi tới. Ngày xửa, ngày xưa… cụ Đồ Chiểu đã dẫn chuyện như vậy, hãy coi đó là “truyền thống Nam Bộ”, chấp nhận với Hồ Hữu Tường, Bình-nguyên Lộc. Nói như Võ Phiến: là do “Họ bay đuổi theo sự tưởng tượng phơi phới…” (74)
         Tôi đọc Bình-nguyên Lộc không theo cách đọc suông. Đâu phải đọc để dỗ giấc ngủ, dù giải trí cũng phải động não mới hay. Đó là thói quen của tôi, chứ thật sự tôi không cố gắng, không bắt buộc. Nhiều truyện, đến dòng cuối cùng, gấp sách lại hay vẫn để mở đó, cảm thấy một nỗi bâng khuâng, tôi đặt câu hỏi: Bên trong cái vẻ không có gì của truyện này là cái gì? Tôi lần lượt đưa ra câu trả lời, không phải là triết lý, vì tôi vốn kém về triết học, chỉ hướng theo lẽ phải, theo sự thường, ta nhận được điều gì ở đây? Những nhân vật của Bình-nguyên Lộc, giàu nghèo sang hèn, tốt và xấu, đều là cư dân của Xóm Cầu Mới, như tôi.
         Bên ngoài thì tôi thường có sự liên hệ giữa đời thường và tác phẩm. Quê tôi, vào mùa hè người ta hay đốt núi, đúng ra là đốt những giồng đồi tranh đế đang khô vàng vì nắng gắt. Buổi tối, từ xóm nhìn ra, thấy từng vùng lửa đỏ. Mai mốt lớp tranh đế mới sẽ vươn lên thay thế, những mầm tranh nhỏ, gọi là “bón tranh” bén nhọn như gai, đi chân không, nếu sơ ý dẫm phải, chảy nhiều máu đau nhức lắm. Mùi tranh cháy thơm phức, dụ dỗ đàn nai ra ngửi, là dịp cho người ta săn bắn. Tôi nhớ đến ông Bình Sơn Lộc đã đọc hai lần. Rồi nhớ Bình-nguyên Lộc. Nhưng nếu buổi trưa đi đường qua vùng đốt núi, tôi nghĩ đến Bà Mọi, tiếng hú như kêu gọi một cách tuyệt vọng, vang lên từng hồi, hấp hối, lẫn trong tiếng tranh đế cháy lào xào, tiếng mắt tre nổ đôm đốp. Những giồng đồi tranh đế này là quê hương của một loại chim rừng, quê tôi gọi là “gà cơm cát”. Chuyện xưa kể rằng tiền thân của chúng là một đứa bé mồ côi mẹ, cha nó tục huyền, bà mẹ ghẻ ác nghiệt cứ trộn cát vào cơm cho nó ăn đến một hôm đưa bé ngã ra chết, hóa thành loài chim với tiếng kêu “chát cha chát chát cha cha” được diễn dịch là “Xúc cơm cát trả cho cha, xúc cơm cát trả cho cha…”. Tiếng kêu như rát cổ, rướm máu, xé lòng ấy, là nỗi oán hờn giữa đứa bé và bà mẹ ghẻ, một con người với một con người, còn tiếng hú của Bà Mọi trong màn lửa nóng trưa hè dẫu xa xôi tận Phương Nam là nỗi oán hờn ngút trời uất hận giữa hai dân tộc.  
         Làng tôi nằm dưới thung lũng, bốn bên là giồng đồi. Liền sát chân đồi là đất thổ, tiếp theo là ruộng gò (làm một vụ), dưới hết là ruộng rộc (làm hai vụ). Xen trong ruộng rộc có những ao nước, những con mương. Sau này, những lần tôi về thăm, được bạn rủ đi câu. Ở đây có loại “câu cắm” , buổi tối cắm cần câu có mồi dọc theo bờ mương, sáng ra gỡ cá. Tôi nhớ đến truyện Câu Dầm, kể cho bạn, bạn vốn tin vào tâm linh, từ trước đã không muốn đi câu vào những đêm mưa, không muốn dầm mưa đi câu, nay như gặp đồng điệu, chỉ đi câu buổi chiều, nhàn nhã thanh tịnh hơn.
         Ruộng gò, trước khi gặt đã khô nước, sau khi gặt chỉ còn gốc rạ. Trong lúc còn lúa, từ xóm này qua xóm kia người ta đi theo bờ ruộng, đến lúc gặt lúa xong người ta đi băng qua ruộng cho gần. Dấu chân sau dẫm lên dấu chân trước, tự nhiên thành con đường mòn, có những chỗ cong, chỗ hơi ẹo, rất  lạ mắt. Vào mùa trồng trọt, con đường mất đi, để năm sau tái hiện. Trong nhiều lần đi như thế, tôi nhớ những ý tưởng  Bình-nguyên Lộc  về thuở ban đầu của nhưng con đường. Đông Hồ thì tả những con đường trong sân Đại học Văn khoa Sài Gòn: “Người sinh viên ở đây ít chịu bước theo bực cấp đã xây, ít chịu bước theo nấc thang có sẵn, mà thích đạp trên cỏ xanh, đưa bước chân đi. Cỏ đã quyến rũ, cỏ đã kêu gọi cho bước chân người lưu luyến gót văn hài. Người trước bước đi. Người sau bước theo nối tiếp. Bước người sau lạ lùng thay, tự nhiên bước đúng lên dấu chân người trước. Ngày tháng chồng lên. Thời gian đếm bước chân người, vẽ thành những đường nét uốn éo nên thơ. Bài thơ lối mòn sao không có trong đó một triết lý thâm trầm, một tâm lý sâu sắc.” (75) Con đường của Đông Hồ đẹp thật, nhưng văn chương đài các quá, không “đời” như những con đường qua ruộng gò của tôi, không gần gũi bằng những con đường của Bình-nguyên Lộc.
Bình-nguyên Lộc viết rất nhiều, trong số tác phẩm của ông đã xuất bản tôi đọc được một phần khá khá, nên hơi bị nhiễm, nhiều khi liên tưởng, kể cả những chuyện vu vơ. Nhìn lên bầu trời đêm không khỏi bị Ba sao giữa giời ám ảnh, uống tách cà phê nóng, hoặc tình cờ tìm thấy nơi đầu quyển sách cũ mới mua có nét chữ giống như chữ một bạn gái  lập tức Hồn ma cũ thức dậy. Thậm chí, khi cầm miếng đu đủ chín, gắp đũa giá xào hoặc lột chiếc nem chua gói vằng lá vông v.v … nhớ ngay đến những chuyện trên Hương Quê.
         Cứ như thế, ngày tháng năm qua, vào Nam ra Bắc, lên núi xuống đồng, trong mọi ngõ ngách của làng xóm phố phường cũng như trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, tôi luôn luôn thấy bóng dáng những nhân vật của Bình-nguyên Lộc, luôn luôn nghe tiếng nói  của những nhân vật ấy, có khi mờ ảo nhạt nhòa hay vang vọng mơ hồ. Tôi hỏi tôi: Có thể nghĩ là chung quanh tôi cả một “không gian Bình-nguyên Lộc” bàng bạc chăng.
Mà “không gian Bình-nguyên Lộc” là một phần của không gian văn học và ngôn ngữ Nam Bộ. Hiện tại, có gì thay đổi, những còn, những mất, những hao hụt? Và, vấn đề phát triển, bảo lưu, thế nào? Bản thân tôi, một người làm văn nghệ của Miền Trung, đang nhìn về quý vị với tấm lòng trân trọng mong chờ...

Tuy Hòa, tháng 8 năm 2016
TRẦN HUIỀN ÂN 
 ______________

CHÚ THÍCH:
(1) Theo Nguiễn Ngu Í, trong Sống và Viết với…Ngèi Xanh xb SG 1966 tr.241. Một số tư liệu khác viết rõ hơn: Ông xuất thân trong một gia đình trung lưu đã có mười đời sống tại Tân Uyên. Theo giấy khai sinh Tô Văn Tuấn sinh ngày 7/3/1915. Tuy nhiên trên thực tế có thể ông sinh ít nhất một năm trước ngày ghi trong giấy khai sinh, nghĩa là năm 1914, nhưng không rõ có đúng là ngày 7 tháng 3 hay không.
(2) Ngày sinh và ngày mất trùng nhau: 7 tháng 3. Có thể đặt ở đây một dấu hỏi chăng?
(3)  Đọc trên “Bình-nguyên Lộc” của nhóm chủ trương: Vinh Lan – Phan Tấn Tài – Trương Quan Sen (http://www.binhnguyenloc.de)
(4) Có tư liệu ghi: Trình Nguyên là bút danh của Bình-nguyên Lộc chỉ xuất hiện trong một truyên trên báo Việt Thanh (1951). Chúng tôi chưa đọc truyện này. Và được biết Trinh Nguiên là một bút danh của Nguyễn Hữu Ngư (Nguiễn Ngu Í). Không rõ có sự liên hệ nào giữa Trình Nguyên (Bình-nguyên Lộc) và Trinh Nguiên (Nguiễn Ngu Í)?
(5) Bằng Giang – Nhận xét về cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc V.N của ông Bình- nguyên Lộc, tạp chí Bách Khoa số 371 ngày15/6/1972, trang 42.
(6) Nguyên Phủ, trong mục Sinh hoạt, tạp chí Bách Khoa số 134 ngày 1/8/1962, tr. 113.
(7) Minh Quân, trong mục Thời sự Văn nghệ, tạp chí Bách Khoa số 310 ngày 1/12/1969 tr.82.
(8) Thế Nhân, trong mục Sinh hoạt, tạp chí Bách Khoa số 367 ngày 15/4/1972, tr. 75-76.
(9) Theo Nguiễn Ngu Í: Đến 31/5/1965 Bình-nguyên Lộc có 820 truyện ngắn, 52 tiểu thuyết, 1 tiểu thuyết bằng thơ, 2 tập thơ, 1 tập biên khảo sưu tầm, 1 tập khảo luận Y học (soạn chung với Bs. Tô Dương Hiệp), 3 tập chú thích phân đoạn phê bình cổ văn (soạn chung với Nguiễn Ngu Í), 2 truyện cổ tích bằng thơ và một số truyện nhi đồng.- Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (đọc ngày 15/7/2016) Bình-nguyên Lộc có khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn, 3 tập thơ, 8 tác phẩm nghiên cứu, sau khi ra hải ngoại có 5 tác phẩm và một số bài đăng báo …
(10) Sống và Viết … Sđd tr.242
(11) NXB Ngày Xanh – 1962.
(12) Sống và Viết… Sđd tr.234 – Võ Phiến cúng rất chú ý đến chi tiết. Bài Chi tiết trong truyện ông dẫn một chi tiết trong Thủy Hử: Lúc Tống Giang trốn vào nhà Thái Công, nửa đêm thấy ông này đốt đuốc rọi nơi sân đập lúa, Tống Giang tẩn mẩn nói chuyện với anh công sai: “Ông Thái Công này cũng giống như cha tôi, mọi việc đều tự mình xem sóc kỹ lưỡng, đến khuya mới chịu đi ngủ”. Chi tiết đó không dính gì đến cái nghĩa khí của người lãnh tụ Lương Sơn bạc, nhưng nó làm cho đời sống của ông thực hơn biết bao nhiêu. Những cái nhỏ nhặt ấy rất hiếm trong truyện của Tàu và của ta ngày xưa … Người Âu Tây, với cái sở trường về quan sát tinh vi, phân tích tỉ mỉ, với óc ưa chuộng cái cụ thể, đã tìm được giá trị của chi tiết, và như thế đã có một đóng góp vô cùng quan trọng trong kỹ thuật viết truyên. (Tạp bút I, Thời Mới xb SG 1967 – tr.7 và 10)
(13) Tạp chí Bách Khoa số 72 ngày 15.01.1960. Đọc lại trên binhnguyenloc.de (nêu trên chú thích 3)
(14) Vinh Lan – Vui Sống và nhà báo Bình-nguyên Lộc. Đọc trên  binhnguyenloc.de (xem chú thích 3)
(15) Bình-nguyên Lộc – Một thế giới tự tạo, nguyệt san Tân Văn số 2, tháng 5 & 6 / 1968, tr.116, 120, 121.
(16) Nguyễn Nam Anh phỏng vấn Bình Nguyên Lộc – Tập san Văn số 199 ngày 1/4/1972 tr.4-12.
(17) Viên Linh – Bình-nguyên Lộc – Nguyễn Mạnh Côn. Tay Đôi. Tập san Thời Tập số 5 năm.1974, tr. 75 – 83.
(18) Bình-nguyên Lộc. Kinh nghiệm viết văn của tôi, tập san Thời Tập số 12 ngày 10/10/1974, tr.20 – 24.
(19) Tràng Thiên – Đọc Hương rừng Cà Mau, Bách Khoa số 130 ngày 1/6/1962 tr.101
(20) Võ Phiến – Cá tính văn học Miền Nam, Bách Khoa số 63 ngày 15/8/1959, sau in vào Tạp Bút I Thời Mới xb 1967, tr. 36, 41, 42
(21) Tin Sách số 6 tháng 12/1962 tr. 16, 17.
(22) Bài điểm sách Nhện chờ mối ai nêu trên
(23) Tin Sách số 14 tháng 8/1963 tr.18, 19, 30
(24) Tin Sách số 43 tháng 1/1966 tr.19 – 25
(25) Bách Khoa số 248 ngày 1/5/1967 tr.80-81
(26) Tin Sách số 43 tháng 1/1966 tr. 4
(27) Vũ Dzũng. Bách Khoa  số 221 ngày 15/3/1966 tr. 86, 87
(28) Nguyễn Văn Xuân - Một thời mới. Bách Khoa số 259 ngày 15/10/1967 tr.34
(29) Lê Phương Chi – Khói lửa đầu năm với các người cầm bút, Bách Khoa số 267+268, ngày  15/2 và 1/3/1968, tr. 105
(30) Bách Khoa số 274 ngày 1/6/1968 tr. 78
(31) Thời Tập tập III ngày 14/2/1974 tr.43, 50
(32) Bách Khoa số 425 ngày 21/3/1975 tr.52
(33) Thời Tập tập 12, tr. 46
(34) Thời Tập tập 12 , tr. 7 – 11
(35) Thời Tập tập 12, tr.27, 29, 30, 31, 32
(36) Võ Phiến – Rụp rụp, Bách Khoa số 377 ngày 14/9/1972, tr.35
(37) Chúng tôi chỉ có bản trên trang mạng Tiền Vệ, và lâu nay không gia công đi tìm bản in, nên những điều viết ra ở đây căn cứ theo bản ấy. Sách có 3 phần chính: 1. Khái quát, khảo sát một số yếu tố chính trong sinh hoạt văn học Miền Nam và đối chiếu với văn học Miền Bắc, văn học tiền chiến. 2. Phân chia các giai đoạn. 3. Nhận diện những đặc điểm và thành tựu từng bộ môn.  Do vậy, mỗi tác giả thường được nhắc đến ở từng phần, tùy trường hợp, chứ không có nhận định riêng biệt hẳn. Tác phẩm hơn 240 trang khổ A4, chữ nhỏ, lề rộng.
(38) Từ chú thích (38) đến (49) là chú thích dùng cho sách Văn học Miền Nam tổng quan của Võ Phiến, Bản Tiền Vệ. Chúng tôi chỉ ghi số chú thích và số trang: (38) tr.102, (39) tr.105, (40) tr.106, (41) tr.87, 89, 94, 96, (42) tr.24, (43) tr.29, (44) tr. 32, 34, 38, 42, (45) tr.43, 76, (46) tr.67, (47) tr.70, (48) tr.20, (49) tr. 104.
(50) Bộ sách gồm 4 tập, trên 2230 trang, in truyện của 158 tác giả. Tiểu sử thật vắn tắt, không quá 4 dòng: tên họ, năm sinh, quê quán, công việc, cư trú, năm mất. Không có lời giới thiệu hay bình luận về tác phẩm. Theo Trần Hoài Thư thì đây là một bộ trong “tủ sách di sản văn chương Miền Nam”, và cho biết: “Vẫn còn nhiều tác giả mà chúng tôi không có duyên chưa sưu tầm được … Tuyển không phải dựa vào tên tuổi mà bằng từng giờ đánh máy, từng buổi nghiềm ngẫm, để thấy rằng nếu mà chúng (bài văn) bị bỏ qua, thì cả một mất mát lớn. Cho người muốn tìm hiểu về văn chương Miền Nam, và cho di sản văn chương Miền Nam”
(51) Văn Miền Nam tập I từ tr. 26 đến tr. 35
(52) Nguyễn Q. Thắng – Văn học Việt Nam nơi miền đất mới. NXB Văn Học, tập 2, tr.1265
(53) Nguyễn Q. Thắng Sđd tr.1285
(54) Nguyễn Q. Thắng Sđd tr. 1279
(55) Nguyễn Q. Thắng Sđd tr. 1291
(56) Nhiều người cho rằng tên sách chưa chuẩn, nhưng đây nguyên là phần chính của luận án tiến sĩ chuyên ngành, tức là bài thi, có thầy cô hướng dẫn, thầy cô phản biện, thầy cô chấm điểm, tác giả không giữ vai trò nhà nghiên cứu “độc lập – tự do” tất nhiên phải chịu sự siết mở của chiếc vòng kim cô và phải chấp nhận để tác phẩm được xuất bản. 
(57) Nguyễn thị Thu Trang – Văn xuôi đô thị Miền Nam giai đoạn 1954-1975 nhìn từ các giá trị văn hóa truyền thống - NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM 2015 tr.iii
(58) Từ chú thích số (58) đến chú thích số (68) dùng cho sách Văn xuôi đô thị Miền Nam … – Sđd, chúng tôi chỉ ghi số chú thích và số trang sách:  (58) tr.170-171,  (59) tr.XV, (60) tr.21, (61) tr.31, (62) tr.28, (63) tr. 52. (64) tr.55, (65) tr.92, (66) tr.132, (67) tr.154, (68) tr.155.
(69) Theo thống kê của Nguyễn Thị Thu Trang, Bách Khoa các số 3+4, 24, 25+26, 36. Văn các số 38, 44, 52, 75+76, 87, 92, 98+99, 111, 146+147, 194+195, và số ra ngày 21/5/1974.
(70)Trước đây tôi có quyển Đồng Quê của Phi Vân, bị lạc mất, sau mua một quyển tái bản, có “lời giới thiệu”, tôi không xem mấy lời này, thầm nghĩ “Ông này sức mấy mà giới thiệu Phi Vân”, rồi xếp lại.
(71) Nguyễn Mộng Giác – Vui buồn cuối năm . Bách Khoa số 402+403 ngày 10/1/1974
(72) Li Tana – Xứ Đàng Trong, Nguyễn Nghị dịch. NXB Trẻ, 1999, tr.15
(73) Hồ Hữu Tường – Thuốc trường sanh (III Vẹn nguyền) NXB Huệ Minh 1964 các tr.113, 123, 135
(74) Võ Phiến – Tạp bút I  . Sđd tr.41
(75) Đông Hồ - Chi lan đào lý . Trong Sống và Viết . Sđd tr.189