Friday, July 31, 2020

1694. DU TỬ LÊ Viết về Trương Vũ


Trong phần “Phụ chú” bài viết về cố giáo sư, nhà văn Cung Giũ Nguyên (từ trần ngày 7 Tháng Giêng, 2008, ở Nha Trang, thọ gần một trăm tuổi); tác giả “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” cho biết, ông thay mặt “Trung Tâm Cung Giũ Nguyên” ở hải ngoại, đọc điếu văn người thầy cũ của mình, có đoạn:

“…Học trò thầy rời mái trường đã lâu lắm rồi, hầu hết đầu đã bạc, vậy mà âm vang những câu chuyện hay bài học ‘ngoài môn học,’ hay những lời giảng về cách nhìn cuộc đời, cách nhìn một thế giới rộng lớn hơn cái không gian nhỏ bé của mình hay vượt ngoài cái không gian hạn hẹp của mỗi đời người, dường như vẫn còn đâu đó
Bài học nhiều lắm. Chúng con chỉ muốn nhắc lại ba bài học chính của thầy, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều, mà chúng con phải học mãi trong suốt cuộc đời mình. Những bài học ngỡ rằng đơn giản nhưng thật không dễ học… Nhắc lại ở đây như một lời biết ơn trước khi vĩnh biệt thầy:

‘Hãy luôn nhìn về tương lai. Hãy luôn làm việc hết mình và không ngừng học hỏi. Hãy nuôi hy vọng.’

Thời gian mấy mươi năm qua, học trò thầy và cả chính thầy, đã trải qua bao thăng trầm. Càng thấm thía với những lời dạy này…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 150, 151)

Cũng ở phần “Phụ chú,” nhà văn Trương Vũ ghi:

“…Hiện diện trong tang lễ có một thiếu phụ cầm lư nhang đi trước quan tài. Thiếu phụ này là con gái ông với nhà văn NTH, kết quả một mối tình lãng mạn và đầy sóng gió vào cuối thập niên 1950…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 150)

Họ Trương không chỉ trân trọng người thầy cũ, mà ông còn cho thấy tính ân cần, trân quý một số bằng hữu, ở những năm, tháng sau 1975 của ông, nơi quê người.

Thí dụ tình bạn giữa ông và họa sĩ Đinh Cường. Trong bài “Lá Mùa Thu,” họ Trương viết:

“Lần đầu tiên tôi gặp Đinh Cường là một buổi xế trưa đầu Hè 1974. Tôi và Lê Thành Nhơn ra phi trường Nha Trang đón Cường về nhà, chuẩn bị cho một cuộc triển lãm cá nhân do Đại Học Duyên Hải tổ chức. Chúng tôi trở thành bạn thân từ đó (…)

Sau 1975, Đại Học Duyên Hải không còn nữa. Lê Thành Nhơn đi tị nạn ở Úc, sau đó tôi đi Mỹ. Hơn hai mươi năm sau tôi mới gặp lại Cường, chị Tuyết Nhung và các cháu sang định cư ở Virginia. Từ đó, chúng tôi gặp nhau khá thường xuyên. Tôi ngờ rằng đời sống ở Mỹ có thể tốt cho các cháu nhưng không chắc nó hợp với Đinh Cường, vốn sống nặng về nội tâm, quen gần gũi với bạn bè thân tình từ thời còn trẻ. Tuy vậy, tôi vẫn thấy được nơi Cường một thái độ nhẫn nại, thâm trầm trong cố gắng giữ cân bằng giữa đời sống một con người bằng xương, thịt phải đương đầu với những vấn đề rất thực tế của xã hội Mỹ với đời sống của một nghệ sĩ có một thế giới rất riêng tư. Một thế giới của nghệ thuật, của tình bạn, của những nơi chốn luôn gắn liền với cuộc đời mình, như Huế, như Sài Gòn, như Dran, như Bình Dương… và của hồi tưởng, nói chung. Thỉnh thoảng, tôi vẫn cảm nhận được nơi Cường ít nhiều chao đảo trong nỗ lực cân bằng đó.

Đinh Cường là một tài danh lớn của hội họa Việt Nam và là bạn hiền, bạn tốt của hầu hết họa sĩ, văn thi sĩ được biết đến, thuộc nhiều thế hệ khác nhau…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 181, 182)

Đinh Cường và Trương Vũ tại Studio Trương Vũ
Virginia, 26.9.2015 - Ảnh Phạm Cao Hoàng

Nếu không có tiết lộ của nhà văn Trương Vũ về họa sĩ Đinh Cường, có dễ ít người biết rằng, tinh thần họ Đinh có phần “chao đảo” trong những năm, tháng tị nạn ở xứ người; vì Đinh Cường là người rất kín đáo. Dường như hiếm khi ông cho bằng hữu biết những cảm nghĩ thực của ông trong giai đoạn sống xa quê hương này.

Cũng qua họ Trương, người ta biết rõ hơn, những ngày cuối cùng, trước khi từ trần của họa sĩ Đinh Cường (1939-2016):

“…Chấp nhận những đau đớn của Chemo như điều không thể tránh. Cho đến khi, cơ thể yếu hẳn dần. Lúc đó, theo dõi những bài thơ trên blog Phạm Cao Hoàng, những bài thơ được viết ra như viết nhật ký, tôi có cảm tưởng nửa khuya nào bạn tôi cũng thức dậy. Ngó qua khung cửa sổ, nhìn bóng đêm, nhìn vầng trăng. Rồi, nhìn lên kệ sách. Rồi đi tìm những cuốn sách, những bài thơ của bạn bè. Rồi viết cho người này, người nọ, cho những người còn sống, cho những người đã chết. Thi thoảng còn từ ký ức phác họa vài chân dung của bạn bè. Tôi cảm phục sức làm việc phi thường, ý chí cống hiến thanh thoát, nhưng đồng thời, tôi cũng cảm nhận được nỗi cô đơn cùng cực của bạn. Nói như Đinh Trường Chinh, ‘cô đơn đi vào bóng tối.’

Chỉ trong ba năm sau cùng, Đinh Cường đã đăng 875 bài thơ cùng với một số lượng tranh tương tự, theo ghi nhận trên blog của Phạm Cao Hoàng.

…Họa sĩ Đinh Cường đã cống hiến cho hội họa Việt Nam một tài sản lớn. Nhà thơ Đinh Cường đã làm thơ rất nhiều, như một cách thể hiện cái vi tế và phong phú của đời sống, rất đặc thù.

Tôi nhớ một câu nói đâu đó, ‘nhân tài như lá mùa thu.’
Một chiếc lá mùa thu rất đẹp vừa rơi xuống!” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 184).

Về tình thân với nhà văn Cao Xuân Huy, tác giả “Tháng Ba Gãy Súng,” họ Trương ghi:

“Tôi gặp Cao Xuân Huy (1947-2010) đầu tiên cách đây khoảng 40 năm, khi Huy phục vụ tại một căn cứ huấn luyện quân nhân gốc Thượng ở Pleiku. Tôi còn nhớ vóc dáng và nét mặt Huy lúc đó. Cao, gầy, phảng phất chút thư sinh, chút buồn, và ít nói.

Hơn 15 năm sau, gặp lại ở hải ngoại, Huy vẫn ít nói nhưng bề ngoài thay đổi nhiều. Phong sương, dày dạn, ngang tàng. Tác phẩm ‘Tháng Ba Gãy Súng’ đến với tôi như một bất ngờ thú vị. Cho tới lúc đó tôi vẫn chỉ nghĩ đến Huy như một người lính thứ thiệt, hơn là một nhà văn. Huy viết ít, ‘Tháng Ba Gãy Súng’ không nhiều chữ nhưng đủ để tạo cho nó một chỗ đứng riêng biệt và quan trọng trong văn học Việt Nam. Huy yêu quân đội, yêu binh chủng, yêu đồng đội vô cùng. Gần Huy ai cũng thấy rõ. Đọc ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ càng thấy rõ hơn. Thế nhưng, cũng trong ‘Tháng Ba Gãy Súng’ chúng ta thấy Huy yêu sự thật và trân trọng với ngòi bút đến như thế nào.” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 171)

Vào sâu thêm bên trong con người nhà văn của Cao Xuân Huy, Trương Vũ đã cho người đọc thấy được những nét đặc thù, như những lớp cắt tiêu biểu của Cao Xuân Huy, đời thường:

“…Những ai gần gũi với Huy đều biết Huy không hề hưởng ân sủng của may mắn nhưng lại được tình thân đặc biệt của nhiều người. Gia đình, bạn bè, đồng đội cũ (…)

Dù ít ai nghe Huy nói về vợ con nhưng những bạn bè rất thân đều biết Huy thương yêu vợ con vô cùng. Dù Huy không sống với cha mẹ từ bé nhưng Huy yêu cha mẹ cũng vô cùng. Đặc biệt là với cha. Tình cảm đó sâu đậm, mãnh liệt. Thế nhưng, những vết hằn của thân phận vẫn rõ nét trong tâm tư, khiến những biểu lộ tình cảm thường lững lờ (…) Thật ra không phải.” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 173)

Tuy được gia đình, bằng hữu rất mực thương, yêu, nhưng sự kiện ấy, vốn nằm ngoài “tiêu chí” của định mệnh. Tôi muốn nói, điều gì phải tới, cũng đã tới, dù cho người đó là tác giả “Tháng Ba Gãy Súng.”

Ghi lại những ngày, giờ cuối cùng của Cao Xuân Huy, Trương Vũ viết:

“Cách đây vài tuần, sau một chuyến đi xa về, tôi được tin Huy bệnh nặng, nặng lắm, y học bó tay rồi. Tôi liền gọi điện thoại cho Huy, chỉ nghe giọng thều thào. Tôi lặng người. Có bao giờ trong đời tôi nghe Huy thều thào. Tôi tìm cách thu xếp ngay những việc riêng cần thiết để bay về Quận Cam. Hai ngày trước khi tôi lên đường, nhận được điện thoại của Trịnh Y Thư cho biết đúng 4 giờ 53 phút chiều Thứ Sáu, 12/11/2010, Cao Xuân Huy đã từ biệt vợ con và vài bạn bè thân nhất đang ở bên cạnh, bình thản đi vào nơi vô tận…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 172, 173). 

Nguồn: Báo Người Việt, California, 19.7.2019



Tôi trộm nghĩ, độc giả của nhà văn Trương Vũ ít ai ngạc nhiên khi nhận ra ông vốn nặng lòng với quê hương, nhất là ở lãnh vực văn học, nghệ thuật của đất nước. Xu hướng này thể hiện rất rõ qua nhiều trang sách ở tác phẩm “Đuổi bóng hoàng hôn”. Cụ thể những chương như “Nhìn lại phong trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam”; “Chiến tranh Việt Nam, văn học Việt Nam hải ngoại và phía bên kia thiên đường” hoặc “Vị trí của Sáng Tạo trong sự phát triển văn học miền Nam sau 1954”; vân vân…

  Mối quan tâm của họ Trương không chỉ giới hạn ở cõi-giới văn chương miền Nam, nơi ông lớn lên, trưởng thành, hay những năm tháng ông phải bỏ nước ra đi, mà tác giả “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” (ĐBHH) còn theo dõi sát sao những biến động của dòng văn chương miền Bắc trong 20 năm chia cắt nữa. Điều này cho thấy, trái tim, tấm lòng đau đáu với chữ, nghĩa của ông, đã vượt khỏi sự “khoanh vùng” bởi chia cắt hay, vạch phấn chính trị. Nơi bất cứ tiểu luận nào, ở lãnh vực này, cũng được họ Trương ghi nhận với tất cả trầm tĩnh, khách quan có được…

Cụ thể, trong tiểu luận tựa đề “Nhìn lại phong trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam”, Trương Vũ viết:

“… Trong một tiểu luận tựa đề “Viết về chiến tranh” (Văn Nghệ Quân Đội, tháng 11 / 1978), Nguyễn Minh Châu đả kích tác phẩm của hầu hết những nhà văn thời kỳ đó là họ chỉ viết về ‘những hiện thực mơ ước’ chứ không phải viết về những ‘hiện thực đang tồn tại’. Tán đồng với nhận định của Nguyễn Minh Châu, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến viết bài nhan đề ‘Về một đặc điểm văn nghệ ở ta trong giai đoạn vừa qua’, trong đó ông đề nghị nên gọi nền văn học nghệ thuật hiện đại của Việt Nam là một nền văn học nghệ thuật ‘phải đạo’, có nghĩa là ‘quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn là tính chân thật’. Cũng trong tháng đó, Nguyên Ngọc đề nghị một đề cương về sáng tác văn học trong đó ông kịch liệt đả kích chất lượng yếu kém của những tác phẩm văn học hiện đại. Đề cương này mãi chín năm sau mới được phổ biến, nhưng chỉ phổ biến một phần trên tạp chí Langbian ở Đà Lạt…” (ĐBHH, trang 22, 23)

Không nương vào những lên tiếng minh bạch của một số nhà văn trong cuộc, để đưa trình bày quan điểm của riêng mình, họ Trương chỉ tiếp tục ghi nhận phản ứng của thành phần bảo thủ, của những “dư luận viên”, theo cách nói hôm nay của những cây bút ủng hộ chế độ. Nhà văn Trương Vũ đề cập tới một bài viết trên tạp chí Nghiên Cứu Nghệ Thuật (Tháng 1/1980) của tác giả Kiều Vân:

“Kiều Vân biểu lộ một cách khá hằn học, dùng trường hợp của Lucas để ngụ ý những người này đã ‘đòi hỏi một kiểu tự do vô lối trong sáng tác đối với xã hội chủ nghĩa, tấn công một cách kiên trì vào nền văn học mang tính đảng và tính có khuynh hướng’. Thế nhưng, từ phía đông đảo nhà văn, nghệ sĩ và trí thức, có một sự yên lặng đáng ngạc nhiên, không giống như vào thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, đa số đã nhẩy vào đánh hùa theo với đảng…” (ĐBHH, trang 23).

Dõi theo biến động bất ngờ, đáng kể của những nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, họ Trương ghi nhận tiếp:

“… Hai tháng sau, dưới áp lực của chính sách đổi mới ở Liên Xô và Đông Âu, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố sẽ đổi mới chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 12/1987, nghị quyết số 5 về đổi mới trong văn học và nghệ thuật được ban hành…” (ĐBHH, trang 24)

Vẫn theo ghi nhận của tác giả ĐBHH thì, khởi từ nghị quyết vừa kể mà lãnh vực phê bình, lý luận ở miền Bắc, có nhiều tác giả nổi bật như Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà… Ở lãnh vực kịch nghệ, điển ảnh, người ta thấy họ Trương nhắc đến những tên tuổi, như Lưu Quang Vũ, Tất Đạt, Trần Văn Thủy, Việt Linh. Về thơ, Trương Vũ nói, phải kể tới Nguyễn Duy, Trần Vàng Sao… 

Nhưng theo họ Trương thì những tên tuổi được dư luận ghi nhận là sôi động, sáng rỡ nhất phải là Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Trần Mạnh Hảo, Nhật Tuấn, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, v.v… 

Vẫn theo nhà văn Trương Vũ thì, Nguyễn Huy Thiệp được coi là tài năng hàng đầu của giai đoạn “cởi trói văn nghệ” này: 

Nguyễn Huy Thiệp “… nhìn xoáy vào từng điểm đen tối nhất của đời sống. Ông lôi ra ánh sáng để đùa bỡn với những khúc mắc ghê rợn của một xã hội trong đó ông sống và làm việc. Phong cách này được nhìn thấy rõ nhất trong các truyện ngắn như ‘Tướng về hưu’ và ‘Không có vua’…” (ĐBHH, trang 25)

So sánh nội dung tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và Dương Thu Hương, nhà văn Trương Vũ cho rằng truyện dài “Thiên đường Mù” của Dương Thu Hương “bao phủ một không khí hoài niệm, tăm tối, sầu thảm. Cái thiên đường mà Dương Thu Hương ngụ ý ở đây chỉ là một thiên đường của những kẻ đã đánh mất nhân tính hay của những kẻ bị chà đạp, bóc lột, bị xem khinh. Một thứ thiên đường của nghèo đói, lạnh lẽo và cô đơn. Một thứ thiên đường mù lòa.

Ở phần trích dẫn tác phẩm “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương, họ Trương chọn một nhân vật trẻ, đầy tính người, Cậu Chính đại diện cho lớp người trẻ có “trí khôn ngắn ngủi”: 

“… Họ là những kẻ đã phao phí gần hết đời sống của mình vào việc vẽ nên một thiên đường dưới trần ai, nhưng trí khôn ngắn ngủi của họ lại không không đủ hiểu thiên đường đó ra sao và con đường nào đưa tới nó. Vì thế, khi biết công việc đó hão huyền thì họ hối hả tìm kiếm những miếng ăn thực, nhặt nhạnh những hạt ngũ cốc thực trên mảnh đất bùn lầy. Họ làm việc ấy, bất kể bằng cách nào… Họ là tấn thảm kịch cho chính họ, là tấn thảm kịch cho chúng ta.” (ĐBHH, trang 26)

Đề cập tới nhà thơ Nguyễn Duy, Trương Vũ viết:

“Trong một bài thơ gây nhiều phản ứng sôi nổi, Nguyễn Duy biểu lộ một thái độ khinh miệt tận cùng về việc xây dựng thần tượng mà ông coi như chẳng khác gì xào nấu các món ăn, trong bài thơ tựa đề “Nhìn từ xa… tổ quốc”:

“Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
Ợ lên thùm thủm cả tim gan”

“Và ông cũng biểu lộ sự hoài nghi về thiện chí đổi mới của Đảng qua sự hoài nghi về chính bản chất của Đảng

“Đổi mới thật chăng hay giả vờ đổi mới?
Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?”

“Những gì xẩy ra vài năm sau đó chứng tỏ sự hoài nghi của Nguyễn Duy quả thật có cơ sở. Đến khoảng cuối năm 1989, phong trào Văn Nghệ Phản Kháng bắt đầu gặp phản ứng mạnh từ phía nhà cầm quyền và từ phía một số văn nghệ sĩ thuộc cấp lãnh đạo chính trị, kể cả một số người lúc đầu có cảm tình với phong trào này…” (ĐBHH, trang 26, 27)

Chỉ căn cứ vào một số những trang viết của chính các tác giả xuất thân từ miền Bắc, Trương Vũ đã ghi những nét đậm nơi bài “Phong trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam 1986-1989” trong cuốn ĐBHH của mình.
*
Sau khi đọc hết ĐBHH, theo tôi, điều đáng kể nhất nơi nhà văn Trương Vũ vẫn là tinh thần nhân bản của ông, trước mọi biến động hay bi kịch của hai dòng văn học, nghệ thuật hải ngoại và trong nước sau tháng 4-1975. 

Tinh thần này dường là mẫu chung của đa số nhà văn, nhà thơ miền Nam trước đây.

Tinh thần ấy, với những người từng giao tiếp với họ Trương, có thể đã “đọc” được qua nụ cười đôn hậu và, ánh nhìn ân cần, thường trực xuất hiện trên gương mặt hiền hòa của ông.

Nguồn: dutule.com, 24.7.2019


Nhà xuất bản Nhân Ảnh mới ấn hành tiểu luận “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” của nhà văn và cũng là họa sĩ Trương Vũ, hiện cư ngụ tại Virginia.



Có thể nhiều người không biết, Trương Vũ tên thật là Trương Hồng Sơn. Ông là một trong số những khoa học gia gốc Việt, từng được cơ quan không gian NASA của Hoa Kỳ trọng dụng.

Ông có bằng tiến sĩ khoa học về điện trong kỹ thuật không gian. Họ Trương vượt biển, định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1976. Là chuyên gia nghiên cứu cho cơ quan NASA, tại Trung Tâm Không Gian Goddard từ năm 1980 cho tới khi về hưu năm 2005. Tiến Sĩ Trương Hồng Sơn từng tham dự và phụ trách nhiều công trình khác nhau về khoa học và kỹ thuật.

Đóng góp quan trọng nhất của Trương Hồng Sơn thuộc lãnh vực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật xác định quỹ đạo (Orbit Determination) và phi hành tự động cho phi thuyền (Autonomous Spacecraft Navigation). Ông cũng là tác giả nhiều công trình nghiên cứu với tư cách tác giả chính về vật lý và, kỹ thuật không gian.

Ở lãnh vực văn học nghệ thuật hải ngoại, Trương Vũ là đồng chủ biên tuyển tập văn chương chiến tranh “The Other Side of Heaven” (do Curbstone Press xuất bản năm 1995). Ông nguyên là đồng chủ tịch tập san Việt Học – The Vietnam Review – của Đại Học Yale (1996-1998); nguyên chủ bút tạp chí Đối Thoại, California (1993-1994). Mặt khác, Trương Vũ cũng đóng góp bài vở cho nhiều tạp chí Việt Ngữ của tập thể Việt ở hải ngoại.

Về hội họa, ngoài các lớp học rải rác tại đại học và tư nhân, phần chính là tự học, Trương Vũ đã tham dự một số triển lãm tại Hoa Kỳ.

Trong phần “Thay Lời Tựa,” trước khi bước vào 19 tiểu luận của tập tiểu luận Trương Vũ viết:

“Mượn hình ảnh từ hai câu thơ của Thôi Hiệu, trong bài ‘Hoàng Hạc Lâu’ do Tản Đà dịch, tôi lấy tựa đề ‘Đuổi Bóng Hoàng Hôn’ cho tuyển tập này:

‘Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai’
(Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu)

(Tác phẩm này) phần lớn được viết dưới dạng tiểu luận. Số còn lại là tạp bút, để đơn giản hóa, tôi dùng chữ Tiểu Luận cho cả tuyển tập.
… Tuyển tập có thể không ra mắt được như độc giả đang có nó trong tay nếu không có sự cổ vũ và góp sức của những bạn trẻ của tôi như Trần Thị Nguyệt Mai, Phạm Cao Hoàng, Duyên và Nguyễn Minh Nữu…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 7)

Tiểu luận đầu tiên của “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” tựa đề “Đêm Đại Dương” được Trương Vũ thuật lại, như một thứ hồi ức về hành trình đi tìm tự do của ông:

“Cách đây 39 năm, tôi rời Việt Nam trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, cùng bốn bạn đồng hành khác. Chúng tôi thay phiên nhau lái ghe, từ Nha Trang vượt đại dương nhắm hướng Manila, Phi Luật Tân. Không một ai trong chúng tôi có kinh nghiệm hay hiểu biết về hải hành. Một đêm, không trăng, sóng lớn, đang lái ghe tôi chợt nhớ đến một bài thơ của Victor Hugo, bài ‘Oceano Nox’ (Đêm Đại Dương), mở đầu bằng những câu tạm dịch như thế này: ‘Có biết bao thủy thủ, có biết bao thuyền trưởng, vui vẻ hăm hở lao mình vào các chuyến viễn du, có biết bao người trong số đó, do định mệnh nghiệt ngã, mất hút theo chân trời mờ nhạt, tan biến vào lòng đại dương không đáy, trong một đêm không trăng…’ Khi còn đi học, nét bi hùng của bài thơ gây cho tôi nhiều xúc động. Vào lúc này, chơi vơi trên biển cả, không là thủy thủ, không là thuyền trưởng, trong lo sợ, trong sự cảm nhận sâu sắc của sự nhỏ nhoi mong manh của mình giữa đại dương bao la, tôi càng xúc động hơn. May mắn, chúng tôi đến được Manila an toàn. Ghe chúng tôi là một trong những chiếc đầu tiên đến được Manila sau biến cố 1975…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 9)

Kế tiếp, vẫn trong dòng hồi ức quá khứ: “Những Cơn Mưa Ngày Cũ,” với rất nhiều hình ảnh, gần với thể tùy bút, Trương Vũ viết:

“Tôi sống ở Mỹ đã hơn 35 năm, hơn nửa đời người. Tôi yêu cây cỏ vùng tôi ở, miền Đông Bắc Hoa Kỳ, nhất là màu sắc của cây khi trời bắt đầu vào Thu. Những năm sau này tôi thường vẽ cảnh mùa Thu ở đây. Cảnh nắng trên đồi, cảnh lá vàng trong rừng, cảnh thung lũng trong mù sương… Càng vẽ tôi càng khám phá những thay đổi của màu sắc, của tính cách, của ấn tượng, theo từng khoảnh khắc, như cây cỏ có linh hồn cuốn hút tôi vào đó. Vùng này thỉnh thoảng có mưa, nhưng mưa ở đây không để lại trong tôi những cảm giác đặc biệt để đi xa phải nhớ” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 13)

Tuy nhiên, mưa ở quê người, lại khiến Trương Vũ đắm mình, sống lại với  những cơn mưa quê nhà, như một thứ kỷ niệm êm đềm hay một thứ tình yêu “giúp ông… trưởng thành”:

“Tôi nhớ những cơn mưa ở Việt Nam, Nha Trang hay Sài Gòn. Mưa Sài Gòn thường đến ào một cái rồi ngưng. Mưa Nha Trang kéo dài lâu hơn, nhiều khi dầm dề, và cái cảm giác ướt át lành lạnh nó để lại thường dai dẳng. Tôi nhớ những buổi tối, ở xa về, tôi lang thang trên bãi biển dưới mưa, nhiều đêm mưa tầm tã vẫn không muốn về. Tôi nhớ những ngày còn ở trung học, ngồi trên thềm nhà đọc sách, nước mưa rơi xuống từ mái hiên, thỉnh thoảng những giọt mưa tạt nhẹ vào người. Tôi nhớ những đêm mưa dạy học trong một lớp luyện thi. Học trò từ nhiều trường khác nhau, Lê Quý Đôn, Võ Tánh, Nữ Trung Học,… Lớp học mượn của đình Phương Câu, trống một bên. Khi gió lớn, cả thầy lẫn trò đều ướt. Bốn mươi lăm năm đã qua rồi, tôi vẫn còn nhớ rất rõ nét mặt một số học trò trong lớp đó. Tôi còn cảm nhận được cái lành lạnh của nước và mường tượng âm vang tiếng cười giòn của các em khi cố lách mình tránh mưa. Tôi cũng nhớ những đêm mưa, lái xe chở các con trên chiếc mini truck có mui, chạy dọc chạy dọc theo đường Duy Tân. Vào những khúc vắng người và có nhiều vũng nước, tôi cho xe chạy thật nhanh làm nước bắn tung tóe, để nghe tiếng cười rú của mấy đứa nhỏ.

Đi xa, tôi nhớ những cơn mưa ngày cũ. Mỗi cơn mưa tồn tại trong tâm tưởng mang theo với nó một kỷ niệm, đánh dấu từng khoảng đời. Rất nhiều kỷ niệm đã giúp tôi trưởng thành…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 13, 14)

Tôi không biết có phải vì yêu nơi chốn sinh thành của mình, từ cảnh vật, tới con người hay không (?) mà, họ Trương đã có một tiểu luận chương khá chi tiết, về một nhân vật đặc biệt – như một thứ “di sản” văn chương của Nha Trang: Nhà văn, Giáo Sư Cung Giũ Nguyên, một trí thức nổi tiếng, viết nhiều sách bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, song song với tiếng Việt. Dĩ nhiên, họ Trương đã không đề cập tới phần đời riêng, từng gây xôn xao dư luận một thời ở Nha Trang, liên quan tới một cô học trò, sau này đã trở thành một nữ văn sĩ nổi tiếng của miền Nam…


Nguồn: Báo Người Việt, California, July 12, 2019