Friday, July 24, 2020

1681. NGỌC BÚT Đọc 2 tập truyện của Mang Viên Long

Nhà văn Mang Viên Long (1944-2020}
Ảnh tư liệu Nguyễn Hữu

Bàn làm việc của tôi đặt ngay sau cửa sổ hình tròn có những song sắt tạo thành các ô hình chữ nhật thẳng đứng. Nơi đó hàng ngày tôi ngồi nhìn ra mảnh vườn nhỏ có cây đại mai hoa vàng rất to rất đẹp nhưng không thấy nở hoa nhiều lần trong năm như người bạn tặng cây hoa đã nói. Nơi đó những lúc làm việc quá mệt mỏi căng thẳng tôi thường ngã đầu lên thành ghế, ngửa mặt nhìn lên bầu trời bên ngoài có mây trôi lang thang. Có khi đầu óc tôi rỗng không, có khi nghĩ lan man chuyện này chuyện nọ. Nhưng không hề nghĩ tới văn chương, thứ tôi vô cùng yêu thích, thích đọc và thích viết, từ những ngày thơ dại. Tôi đã để rơi rớt niềm yêu thích ấy đâu đó trên đường đời suốt mấy mươi năm qua, Vì cơm áo gạo tiền. Vì một cơn chấn động của đất trời làm đổi thay cuộc sống. Vì văn chương chữ nghĩa ích gì cho buổi ấy, khi mà có những người những lúc những nơi người ta viết không như người ta nghĩ…

Nhưng hôm nay tôi ngồi đọc tác phẩm văn chương của bạn cố tri. Hai mươi lăm truyện ngắn trong hai tập truyện, tôi nghĩ mình sẽ đọc nhanh nhất là một tháng, chậm nhất là hai tháng, xen kẻ những lúc ngưng làm công việc thường ngày. Để bạn vui. Để mình vui. Trước khi đọc sẽ ngồi nhớ lại (vì những tập truyện bạn tặng ngày xưa đã thất lạc theo tháng năm loạn lạc) hồi ấy bạn viết như thế nào, để xem bây giờ bạn viết ra sao. Ôi trí nhớ cùn mòn của một bà già năm mươi tám tuổi đã qua một lần đột quỵ, về những tác phẩm thời trẻ của một ông già bây giờ đã sáu mươi tám tuổi!!!

Tập truyện Một Thời Để Thương Yêu. Mới đọc cái tựa đã thấy ngọt ngào thơ mộng. Chả bù với ngày xưa khô khốc quắt queo! Truyện đầu tiên, Quê Nhà, Chiều 30…, cũng rất “ngọt”. Lẽ nào đây là một quy trình ngược, càng già người ta càng lãng mạn hơn chăng? Nhưng chắc chắn càng già người ta càng đằm thắm hơn? Ngày xưa tôi không thấy (những) truyện của bạn có không khí như thế này. Nhưng tôi không thích chữ “lão Ngọ” trong bối cảnh cháu về thăm người bác đã từng cưu mang mình. Sao bạn không dùng chữ “bác Ngọ” nghe ấm áp và thân tình hơn? Hay vì tôi là dân Nam kỳ rặt nên không hiểu hết cách dùng từ “lão” ở miền Trung của bạn? Truyện thứ hai, Phố Nhỏ, Những Ngày Mưa…, một ông già làm thợ sửa kính nhưng hồn phách không chỉ có những cặp kính cũ và những linh kiện li ti và những vật dụng nhỏ bé để làm nghề. Hồn phách ông còn bận làm công việc nén chặt quá khứ, và mỗi khi có dịp nó lại bùng lên. Chỉ cần khuôn mặt của một cô giáo trẻ có nét giông giống với người-xưa của ông là ông đã mở lòng với cô. Và kết truyện là một gói bưu phẩm, là chồng thư của chính ông gửi mấy mươi năm trước cho người-xưa. Người-xưa trước khi mất đã nhờ cô cháu gái gởi lại cho ông. Kết của truyện có sắp đặt mà như tình cờ. Thật khéo và thật cảm động. Tôi đã bần thần một lúc lâu sau khi đọc xong. Ôi, bạn đã thay đổi, không còn “khô” nữa, hay bạn chưa từng “khô”, chỉ có tôi là nghĩ bạn “khô’ thôi? Chỉ có một điều không hề thay đổi: những phận đời bé mọn thường xuất hiện trong truyện của bạn. Tôi có cảm giác bạn luôn dành tình cảm thân thương cho các nhân vật này, như lão Nhện, ngay cả ở một truyện rất “mơ màng” như thế này.  Đọc phố nhỏ của bạn mà tôi lại thấy phổ nhỏ của tôi ở một miền quê yêu thương xưa. Phố của tôi cũng giống phố của bạn, giống như rất nhiều phố nhỏ khác trên miền đất này, có cảnh đởi trôi nổi, có lòng trắc ẩn sẻ chia, có những phận người long đong bất đắc dĩ làm một việc gì đó nhỏ nhoi để kiếm sống sau một cuộc bể dâu…

Với Chiến Tranh Đi Qua, Nỗi Buồn Ở Lại, tôi lại nhớ những nỗi đau quanh mình cách đây chưa lâu. Đừng bao giờ nói hàn gắn nếu còn phân biệt và kỳ thị. Đã biết bao cuộc đời lẽ ra rực rỡ đã phải lụi tàn vì những điều hạn hẹp như thế. Tôi nhớ những chuỗi ngày buồn của họ hàng tôi, bạn bè tôi, những người quanh tôi, và chính tôi trong thời kỳ ra-đi và ở-lại đầy thảng thốt ấy. Tôi cũng đã suýt ra đi, không phải để tìm tiện nghi vật chất cho bản thân mình, cũng không phải để trốn tránh một số phận thiệt thòi ở đây, mà là để đi tìm một bầu trời tự do cho con chim thích ngứa-cổ-hót-chơi(*) trong tâm hồn mình. Nhưng có chắc bầu trời tự do ấy không là ảo ảnh? Vì thực ra tâm hồn mình sẽ không bao giờ yên ổn ở một nơi không thực sự là của mình. Khuê và Huệ trong truyện quyết liệt hơn tôi nhiều, dù rằng họ cũng có những do dự băn khoăn trước lúc ra đi. Nhưng tôi thương Cường nhiều hơn, thương nỗi đau mà Cường gánh chịu nhiều năm trong cơn điên (mà có thật là điên?) để rồi có một kết cục thảm thương. Đất nước tôi đã có biết bao trường hợp ẩn chứa những nỗi đau như thế!

Tôi đọc những truyện tiếp theo vào những ngày mưa bão. Bão miền Nam thì có là gì so với miền Trung! Có một số truyện bạn viết về Tuy hòa và viết lâu lắm rồi. Tôi chưa một lần đến đó, nhưng Tuy hòa của những tháng năm trước 1975 với tôi thân quen lắm vì bạn đã từng ở đó với những cánh thư bay vào phương Nam cho tôi. Tôi thấy Tuy hòa trong Tuy Hòa, Những Ngày Mưa, trong Một Ngày Cô Độc, Tuy hòa của những tháng ngày chiến tranh bất an xa cũ. Và Tuy hòa sau này trong nghĩa tình chồng vợ sâu nặng của Khánh và Kha trong Một Thời Để Thương Yêu làm tôi xúc động ghê gớm. Cũng có thể chuyện xảy ra không phải ở Tuy hòa, mà ở đâu đó trên dải đất miền Trung nắng gió của bạn. Những hiện thực đau xót sau ngày vật-đổi-sao-dời. Những hiện thực đắng nghét trong Phút Chót, Khoảng Cách, Những Kẻ Tạm Trú, Chuyện Ở Một Ngôi Trường, cũng không phải chỉ xảy ra ở miền Trung nơi bạn sống. Những chuyện như thế cũng đầy dẫy ở miền Nam cây lành trái ngọt của tôi. Và thậm chí còn tệ hại hơn nhiều. Trừ Phút Chót chỉ có đắng chát, ở những truyện còn lại tôi luôn nhìn thấy một tình yêu mật ngọt, dù đôi khi nhỏ nhoi tội nghiệp đến nao lòng. Có vẻ như tình yêu đã cứu rỗi các nhận vật của bạn. Như Nhà Điêu Khắc Và Người Mẫu Thỏ Trắng? Một truyện mới viết, năm 2010, rất lung linh phảng phất không khí phương tây nhưng cuối cùng lại có hương bồ kết của Việt Nam. Một truyện rất lạ lùng trong mạch văn của bạn mà tôi biết. Hay là tôi quá “lạc hậu” về bạn, chẳng biết bạn đã viết gì trong bao nhiêu năm đằng đẵng bặt tin nhau?

Và Về Lại Chốn Xưa, truyện không có trong mục lục và xuất hiện cuối cùng, là truyện có không khí tôi thích nhất. Không khí của tình bằng hữu trong gian lao khốn khó. Không khí của tình người. Phớt qua thôi. Nhưng tôi như nhìn thấy lại một quãng đời lẽ ra đừng bao giờ có của bạn bè tôi, anh em tôi, thầy cũ của tôi thời trung học, và rất nhiều người quanh tôi. Rồi không khí của ngày gặp lại, anh em mừng vui quay cuồng. Đời của các nhân vật đã bớt khổ hơn, mà tôi, người đọc, lại thấy bùi ngùi. Tôi không chịu nổi những nhát roi của tên quản giáo quất vào người tù cải tạo. Tôi khóc. Hoài niệm làm chi cái-thời-lẽ-ra-đừng-bao-giờ-có ấy? Sao bạn không cho các nhân vật chỉ nhớ những điều vui thôi?
Mùa Xuân Ở Trên Cao, tôi đọc truyện này trước vì bạn đã chọn nó làm tựa cho cả tập truyện thứ hai mà bạn vừa tặng tôi. Giọng điệu của bé con trong truyện thật trong trẻo dễ thương. Những câu thoại của bé con như vang vang trong đầu tôi. Nghèo khó, ước mơ nhỏ nhoi nhưng không vòi vĩnh, và biết chờ đợi và thương mẹ. Với riêng tôi, bạn viết những câu thoại của bé con thật tuyệt vời. Sau đó thì tôi đọc lung tung không theo thứ tự nào. Tôi đọc Sáu Bẹo trước các truyện còn lại vì thấy cái tên truyện là lạ. Đọc xong truyện rồi thấy thích quá, tôi đọc lại lần nữa. Truyện thật dung dị mà đầy nghĩa đầy tình. Nhe như không mà vô cùng nhân bản. Hình như sở trường của bạn, “tạng” của bạn là viết những truyện như vậy, không phải những truyện có tình yêu hoa lá trăng sao mơ mơ mộng mộng kiểu trên trời. Tôi chợt nghĩ, có lẽ mình nên “quan sát” tất cả những mối tình trong tập truyện này xem sao, ngoài mối tình của Sáu Bẹo. Mối tình của  Tiểu Hương và Đệ trong Quán Bên Sông, của Tiên Thủy và Ngạc trong Vội Vàng, của người thiếu nữ và thanh niên trong Quyết Định Cuối Cùng, của Phùng Kim Khánh và Khang trong Căn Lều Của Người Anh Họ,  của Hiên và Khải  trong Bên Trời Mơ Ước, của Nữ và Phúc trong Mây Hoàng Hôn, dường như tất cả các mối tình trong truyện của bạn đều có một mẫu số chung là lận đận, nếu không thì cũng … buồn buồn, kể cả trong một truyện có không khí phương tây khác là Thị Trấn Êm Đềm. Tôi yêu những mối tình ấy, dù lận đận hay buồn buồn, vì nó gần gũi với cuộc sống quanh tôi, vì nó là “ánh sáng cuối đường hầm”, để các nhân vật của bạn còn có chỗ bám víu mà sống hết quãng đời khó khổ (chữ bạn hay dùng) của họ. Tình yêu đã cứu rỗi, như tôi đã nói ở trên, bất kể phận người nào.  Chúng ta sẽ sống ra sao nếu không có tình yêu?

Có một truyện không có tình yêu mà phảng phất không khí thiền: Vũng Lầy. Không phải vì trong truyện có cái chùa và có nhà sư. Mà vì đoạn kết của truyện. Ôi bạn đã viết những truyện có mùi thiền như thế này từ bao giờ? Và những truyện khác không có tình yêu: Chiếc Cà Vạt, Bên Tách Trà Khuya, Một Trường Hợp. Tôi thấy một không khí cô độc vây phủ các nhân vật cho dù họ có mặt ở đó một mình hay với ai khác. “Tạng” của bạn đã vậy rồi mà. Các nhân vật của bạn lúc nào cũng khổ vì một điều gì đó… Câu văn-là-người có đúng với trường hợp của bạn không?

Có một điều tôi không thích: bạn ưa cho các nhân vật của mình hút thuốc quá! Hay tôi không thích vì tôi bị dị ứng với khói thuốc lá? Rồi tự nghĩ, sao mình cứ muốn nhà văn phải viết theo ý mình? Nhưng nếu các bạn trẻ đọc văn của bạn, thấy truyện nào các nhân vật chính cũng hút thuốc là rồi bắt chước thì sao? Như muốn làm họa sĩ thì tóc tai phải bờm xờm rừng rú một chút. Như muốn làm ca sĩ thì phải luôn luôn diện đẹp khi xuất hiện trước công chúng trước khi chứng tỏ mình có giọng hát hay. Ôi tôi đã đi quá xa rồi…

Đã nhiều năm tháng trôi qua, tôi mới trở lại những ngày thú vị thưởng thức văn chương.theo kiểu vừa đọc vừa săm soi ngó nghiêng ngó dọc. Trước hết vì tình thân với bạn cố tri. Sau nữa vì chính tôi, nìềm yêu thích của riêng tôi – mong nó sẽ sống dậy cùng tôi đi hết quãng đường đời đã không còn dài lâu nữa trong cõi vô thường.

NGỌC BÚT
Sài Gòn, 2012