Thursday, July 23, 2020

1680. MANG VIÊN LONG Tự truyện NHƯ ÁNG MÂY TRÔI (Phần 1, 2, 3, 4)

Nhà văn Mang Viên Long (1944-2020) - Ảnh Phạm Cao Hoàng, Qui Nhơn, 2016


1.
TUỔI THƠ LẶNG LẼ

Mẹ tôi mất vào lúc hai giờ sáng ngày 27 tháng 10 âm lịch năm 1952 vào đêm mưa dầm, cơn lụt đang chảy tràn qua các ngả đường phố chợ thị trấn. Đang nằm ngủ trong bồ lúa với chị, nghe tiếng gọi giật thảng thốt của bà Tám- người giúp việc, hai chị em tôi đã mở choàng mắt ngơ ngác trong bóng tối đen kịt, lạnh buốt – cả hai lật đật leo ra khỏi miệng chiếc bồ lúa cao. Anh Nguyên – người anh cả của tôi, đã thắp sáng chiếc đèn chai dầu dừa cầm nơi tay, mở toang hai cánh cửa,  tay khoác vội tấm áo tơi lá, chuẩn bị chạy theo bà Tám xuống căn nhà thuê tạm dưới phố dọc quốc lộ làm nơi ở cho mẹ tôi nằm riêng, từ hơn một năm qua để tránh nguồn bệnh.
         
Dù không biết rõ chuyện gì đang xảy ra cho mẹ, Thục - chị tôi, cũng khóc thét lên. Tôi khóc theo chị. Chị Thục đòi theo, nhưng anh Nguyên dỗ dành, không cho đi theo: “Má chết rồi, mày ở nhà ngủ với em!” Anh tôi nói xong là vù chạy ra ngõ.  Mưa ào ào. Gió như bão. Chị Thục nắm tay tôi, kéo chạy theo, khóc ấm ức. Tôi không còn khóc nữa, nhưng cảm thấy sợ hãi vì trời tối mịt, mưa dữ, và gió thổi thốc rầm rập từng cơn. Trên nền trời tối đen mênh mông, thỉnh thoảng những tia chớp lóe lên, rồi rền vang tiếng sấm kéo dài như muốn xé tung bầu trời dày đặc nước mưa…
         
Ra đến con đường dẫn xuống phố thì mực nước đã lên cao trên đầu gối. Nước chảy xiết. Nơi con mương nhỏ dẫn ra sông, nước xoáy ầm ầm, hung tợn. Chị Thục cầm chặt tay tôi, dò dẫm từng bước. Nước sâu dần. Có đoạn lên đến bắp vế. Hai chị em tôi nhiều lần suýt bị nước xô ngã vì trợt chân lên các mô đá. Cả hai ướt rũ, nhưng chẳng thấy lạnh.
         
Khi chị Thục và tôi đến được căn nhà của mẹ thì đã có vài người trong xóm đang thắp hai ngọn đuốc bằng rẻo vỏ ruột xe cao su làm dép còn thừa xin được ở các tiệm làm dép trước hiên nhà. Anh Nguyên đang ở trong phòng với mẹ. Chị Thục và tôi kéo nhau ào vào cánh cửa còn khép hờ, nhưng đã bị vài người ngăn lại. Tiếng ông Bá - người chồng sau của mẹ tôi, cằn nhằn: “Mẹ mày đã chết rồi, vào làm gì cho lây bệnh! Không nên…”

Anh Nguyên cũng vừa đẩy cửa bước ra - nói như ra lệnh với chị Thục: “Mày dẫn thằng Long sang nhà bà Sáu, hai đứa ngủ nhờ ở đó đi!”
         
Vừa lạnh và mệt – hai chị em tôi không còn biết làm gì, đã dắt nhau sang nhà bên cạnh, rồi ôm nhau ngủ vủi trên chiếc phản không chiếu chăn. Sáng sớm, khi hai chị em tôi thức dậy chạy ra hiên nhà , mọi người đã tản mát đâu hết. Căn nhà của mẹ đã sống cũng đóng cửa im ỉm. Nước của con sông bên chiếc cầu nhỏ gần nhà chảy ầm ầm. Trời đã tạnh mưa. Nhưng hơi nước tràn đầy. Ánh sáng vàng vọt. Con phố dọc quốc lộ im vằng, trơ vơ, và lạnh lẽo. Cái lạnh giá trống không, hiu hắt, như chưa hề xảy ra chuyện gì khác thường; chị Thục vẫn giữ chặt bàn tay tôi, nhưng không biết dẫn tôi đi đâu…
       
Đêm kinh hoàng trong đời chị em tôi như chưa hề xảy ra. Không còn dấu vết của tang thương, thay đổi nào hiện lên trong đôi mắt thơ ngây tìm kiếm. Thằng Tỷ - con ông Di Sanh, nhà ở bên kia đường nhìn thấy chị em tôi đứng co ro ở hiên, vội chạy sang – giọng tự hào: “Tao đã theo quan tải của mẹ mày đến nơi chôn trên khu gò Quảng Nghiệp. Nước còn ngập trong huyệt…”
           
Nghe nó nói - hai chị em tôi ngơ ngẩn, và cảm thấy hối tiếc vì đã ngủ say. Sao mình lại không được đưa mẹ ra đi như vậy nhỉ? Tôi bỗng cầm bàn tay thằng Tỷ: “Bây giờ mày dắt tao đi thăm mẹ tao được không?” - “Được, nhưng để hôm nào trời nắng ráo đã… Bây giờ đi nữa, Tía tao biết được chắc không tha…”
         
Tôi chỉ sống bên cạnh mẹ, được bà chăm sóc, nuông chìu từ năm lên một, đến năm lên sáu. Sau đó, bà phải nằm liệt giường vì căn bệnh ho ra máu và nỗi buồn phiền, cô độc, vì biết đã bị lường gạt tinh và tiền bởi người chồng sau ở cùng dãy phố. Gã đã mò sang nhỏ to tán tỉnh, quyến dụ, trong lúc anh tôi lại đi học xa ở Hòa Bình, còn chị em tôi còn quá nhỏ! Trong cô độc và phiền muộn, lại là người đàn bà “nhẹ dạ” dễ tin, bà đã âm thầm đến với người đàn ông lẻo mép đã có vợ hai con này và có một đứa con với gã. Trước gã, khi ba tôi mất được ba năm, cô tôi đã làm mối cho mẹ tôi với một người bác sĩ đang làm việc tại nhà thương Song Thanh, vợ mất - rất yêu quý mẹ tôi, nhưng bà không nghe.
           
Cha tôi chết vào năm 33 tuổi (1944) khi tôi chỉ là một bào thai trong bụng mẹ 6 tháng, để lại một sàn nghiệp lớn: một cửa hàng đại lý thuốc cao đơn hoàn tán các nhà thuốc danh tiếng, một cửa hàng vải, và một gian hàng đại lý rượu Sica, với căn nhà lầu một mê duy nhất trong thị trấn vừa mới xây dựng xong, và dãy phố liền bốn gian ngay trước chợ Bình Định. Tài sản lớn của ba tôi và sắc đẹp của mẹ tôi đã giết chết ông trong một “chén thuốc uống lầm” của gã lang vườn bị mua chuộc, và sau nầy, đã giết chết mẹ tôi bời gã bất lương ở cạnh khi tuổi chưa được bốn mươi!
         
Khoảng năm 1950-1952 cuộc chiến tranh với Pháp đang đến lúc dữ dội hơn. Hằng ngày vẫn nghe tiếng máy bay đi oanh tạc, vang dội tiếng bom nổ, đạn réo, người chết. Hằng đêm vẫn nghe rõ tiếng đại bác ì ầm đây đó được bắn lên từ cửa biển Qui Nhơn. Nhà nào cũng có đào sẵn hầm trú ẩn tập thể cho gia đình, hay nhiều hầm cá nhân quanh nhà, trong khu vườn, hay ngoài lộ. Nhà tôi cũng có một căn hầm rất kiên cố ngay sau nhà, bên gốc cây trứng cá, có thể chứa thêm bà con láng giềng sang ẩn núp nếu có tiếng bom nổ của máy bay đang oạnh tạc ngay trong thị trấn.
         
Hằng ngày mẹ tôi quảy gánh hàng xén xuống ngã tư phố, bày bán các món lặt vặt, như chai dầu khuynh diệp, kim chỉ nút áo, xà phòng giặt, giấy quyến thuốc, bút mực giấy manh hẩm, cân xách tay, thuốc cao đơn hoàn tán trị ban nóng sốt;  tóm lại, gian hàng xén của mẹ là những món góp nhặt từ trước còn sót lại, hay vật dụng gia đình được sản xuất ngay trong thị trấn. Các gian hàng lúc ba tôi để lại, đã được tính thuế, đủ giao nộp cho chính quyền, và người dượng đã lén lút khiêng về gia đình ông ta ở gần nhà tôi mấy căn phố, khi anh em ông ta là những người hăng hái nhất đến đập phá căn nhà lầu của ba tôi, vì “lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, không thể để cho Pháp đến chiếm làm nơi trú ẩn chống lại quân ta!” Thời điểm ấy, cũng có vài căn nhà gọi là kiên cố trong thị trấn, cũng bị ông ta dẫn toán người lạ đến đập phá…
           
Trong cảnh đói khổ và hiểm nguy vì bom đạn, sinh hoạt hằng ngày của bà con là lo “tăng gia sản xuất” cho có hạt lúa, củ khoai, trái bí, vồng rau mà cải thiện trong bữa ăn thiếu hụt, mì độn nhiều hơn gạo, rau rác nhiều hơn cá mắm. Chúng tôi phải ra đồng bắt cua, hái rau má, rau dền cho bữa ăn hàng ngày luôn luôn thiếu cơm. Tôi thường trèo lên cây trứng cá ở trước sân nhà để tìm những trái chín ăn cho đỡ đói, hay cầm sào đi dọc các dãy nhà dưới phố, khoèo từng trái tra chín. Buổi chiều, chị Thục thường rủ tôi lên cổng thành Đông, leo lên đỉnh thành, tìm hái chim chim vú dẻ, trái ổ tàu chín, hay lấy trứng chim về hấp cơm. Tôi rất thèm ăn, nhất là món ăn ngọt, nhưng chưa bao giờ anh Nguyên cho chúng tôi ăn cả! Tôi phải lén đi lượm mót đọt mía, trốn đâu đó mà ăn. Nhưng vì “có tiếng” từ trước, gia đình tôi bị xếp vào thành phần “tiểu tư sản”, suýt nữa là bị xếp vào “tư sản”. Những gia đình được liệt vào danh sách “địa chủ, phú nông” thì không đêm nào là không được mời đi học tập về chính sách “Cải cách ruộng đất”…
           
Một buổi tối có trăng, chị em tôi đang nằm chơi ở bãi cỏ trước nhà, bỗng thấy toán người với đuốc cháy rực cầm tay, chạy ào ào ra phía cầu Ông Sao Mai… Chị Thục dắt tôi chạy xuống ngã tư, theo chân toán người quần đùi, áo ngắn, đang dừng lại ngay bên kia cầu Thạch Tĩnh. Khi chúng tôi đến nơi thì họ đã vào sân nhà ông Hương Nhâm, kéo ông ra giữa sân. Ông Hương thuộc loại “địa chủ cường hào” vì có mấy mẫu ruộng và cái chức “Hương” gì đó mua từ “Bình Định đốc bộ đường”, để được có “vai vế” trong làng xã, đươc “ăn trên ngồi trước” lúc làng xã có hội hè đình đám; chỉ là cái danh hảo của những cậu ấm con nhà giàu vậy thôi – nhưng nay, cũng “được” xếp đứng đầu danh sách... 
       
Chiến tranh ngày càng tiến gần đến thị trấn với những trận oanh tạc, thả bom xăng, ngày và đêm.
       
Tôi luôn nhớ lời dặn của mẹ nên không dám chạy đi chơi xa nhà. Nếu lỡ đi xa, khi nghe tiếng máy bay, tôi thường tìm hầm cá nhân dọc đường, hay bất cứ hầm của nhà ai, nhảy xuống trốn ngay. Bà còn cẩn thận dặn tôi, khi nằm dưới hầm, hãy nhớ đọc câu: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan thế âm bồ tát” mà bà và các bà hàng xóm thưởng lâm râm đọc khi họ chạy sang núp chung với gia đình tôi mỗi khi nghe tiếng bom nổ, hay tiếng máy bay ầm ầm rền rít sát trên đầu.
         
Những lúc ấy, tiếng niệm Phật càng to hơn, khẩn thiết hơn, trong khi tiềng nổ gầm vang ngay trong thị trấn, trên cùng đường phố của mình. Sau bao lần máy bay oanh tạc bằng đại bác và bom xăng khu phố, chợ búa…, nhưng căn hầm trú ẩn của chúng tôi vẫn được an toàn.
         
Tôi đã từng đọc theo mẹ như vậy bao lần khi chui vào hầm trú ẩn lúc bà còn sống. Đây là câu niệm Phật đầu đời đã đến với tôi từ năm lên sáu, lên bảy và đã theo tôi trong suốt cuộc đời lao đao sau này…


2.
VÀ LỚN LÊN TRONG BẤT HẠNH

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), vì đời sống nguy khó, ở quê tôi không có hoạt động tín ngưỡng, mọi hình thức “thờ cúng” chỉ làm kín, sơ sài trong gia đình, nhưng cũng rất ít người dám làm việc ấy (và cũng không có đủ điều kiện để làm). Chúng tôi sống âm thầm như cỏ cây, lớn lên trong lạc lỏng và cô độc. Chiến tranh và hận thù trong bao năm của thời tuổi thơ vắng lặng, không để lại trong tôi một hình ảnh êm ái, đáng nhớ nào. Tôi bắt đầu có ý thức dần về hai tiếng “mồ côi” là sẽ như thế nào, trong đời sống khó khổ, bơ vơ của mình: không ai ngó ngàng đến những cảnh đời côi cút, ngay cả những người bà con. Tôi đã biết xúc động, có khi rươm rướm nước mắt với những câu ca dao mà chị Thục thường hát cho tôi nghe - cảm thấy người xưa đã có những giải bày thật chân xác, đáng khâm phục: “Mồ côi tội lắm bớ trời/ Đói cơm không ai đỡ. Lỡ lời không ai bênh”, hay “ Con không cha như nhà không nóc” - “Còn cha còn mẹ thì hơn/ mất cha mất mẹ như đờn đứt dây. Nhà “không nóc” có thể gọi là một ngôi nhà không? Còn cây đàn đã đứt hết dây, không còn ngân lên một âm thanh nào, có đúng nghĩa là một “cây đàn” không? Chúng tôi đã sống như vậy - căn nhà không nóc và cây đờn đứt dây từ dạo ấy…   

Khi hiệp định Genève về chiến tranh Việt Nam vừa được ký kết ở  Thụy Sĩ, tin đình chiến đã lan xa khắp mọi miền của liên khu V. Chấm dứt chiến tranh, có nghĩa là chấm dứt chết chóc vì bom đạn hận thù ngày đêm rình rập, đe dọa …; tất cả đều vui mừng khôn xiết! Tôi chỉ hiểu rằng, từ nay tôi sẽ không còn sợ máy bay, không sợ bom đạn, không còn vội vã chạy nhảy ào xuống hầm, không còn bị cấm không được đi chơi đâu xa, không còn nghe những lời buộc tội về giai cấp hằng đêm trong sân nhà được tráng xi măng rộng mát của tôi làm nơi hội họp của thôn nữa. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng khiến cho chị Thục và tôi nhìn nhau cười ấm áp 
          
Sau năm 1952, mẹ tôi mất, chị Thục vừa được 12 tuổi, nhưng đã thay bà lo cho tôi từng bữa cơm rau khoai, chằm vá từng mảnh áo quần rách,  đêm ngủ cạnh tôi để kể chuyện “đời xưa” không đầu đuôi cho tôi chìm vào giấc ngủ, rồi canh chừng tiếng máy bay (hay tiếng đạn canon bắn lên từ hướng biển Qui Nhơn) để gọi dậy, đưa tôi ra hầm -  nhất là hằng ngày khi nghe tiêng máy bay “u u u “ từ xa đã vội vã chạy réo tên tôi khi nhìn ra sân nhà không thấy bóng tôi đâu.       

Tôi đã học qua hai lớp một và hai trong lớp học bình dân ban đêm với cây đèn chai dầu dừa, cây bút chì, và xấp lá chuối còn tươi hay đã phơi khô làm vở tập viết. Tôi đã đọc được và làm thông bốn phép toán căn bản. Chị Thục học trên tôi một lớp nhưng ngồi chung phòng, nên chiều xuống, sau bữa cơm khoai mì rau lang luộc mắm cua vội vàng  là chị đưa tôi đi qua dãy phố chợ tối thui, hoang vắng, để đến lớp. Chúng tôi lầm lũi sống như hai con thỏ hoang.    

Sau năm 1954, đất nước không còn chiến tranh, nhưng đã bị chia cắt. Tôi vào học lớp ba trường làng. Chị Thục nghe lời anh Nguyên phải ở nhà lo việc nội trợ, không còn được đi đến trường nữa! Tôi nhìn thấy chị lặng yên như một cây gỗ. Cây gỗ biết cảm xúc mà không biết nói. Cũng từ ngày ấy  chị vẫn thường yên lặng trong nỗi xao xuyến, bâng khuâng, tăm tối, của riêng mình!     

Ba năm ở bậc tiểu học, tôi là học sinh khá giỏi, nhưng cũng sẽ rất khó để thi đậu vào đệ thất trường công lập Cường Đễ ở Qui Nhơn bởi toàn tỉnh chỉ có hai trường trung học công lập là Cường Đễ và Tăng Bạt Hổ ở Bồng Sơn (phía bắc tỉnh). Bên cạnh hai trường công, cũng có vài trường trung học tư thục đệ nhất cấp (từ lớp đệ thất đến đệ tứ) được phép mở ở thị xã Qui Nhơn, rồi sau này ở huyện An Nhơn - nhưng dành cho những học sinh con nhà khá giả, chứ không phải tôi! Anh tôi đã nói: “Nếu mày thi không đậu được vào trường Cường Đễ  thì ở nhà học nghề chụp hình, phụ việc  với tao, hay theo học nghề gì đó, mà làm, kiếm sống!”. Dù anh không nói, tôi vẫn biết rõ điều nầy, bởi anh chưa hề quan tâm đến hai chị em tôi từ ngày mẹ tôi mất, dù chỉ là tấm áo quần ngày Tết, hay những lúc ốm đau cần sự săn sóc thuốc men, nói chi đến chuyện lo ăn học cho tôi ở xa nhà phải tốn tiền cơm tháng, lại không có người giúp việc! Tôi ngày đêm nhớ nghĩ đến mẹ và lời cầu nguyện “Nam mô Quán thế âm Bồ tát” đã được mẹ tôi dạy lúc xưa, mà nỗ lực tự học trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, kể cả thời gian… 

Tôi đã thi đậu vào trường trung học Cường Đễ niên khóa 1958 với điểm số khá cao. Trong thị trấn, chỉ có bốn học sinh thi đậu vào Cường Đễ, trong đó có người ban thân thiết hằng ngày cùng rủ nhau đi học, đi chơi là Đặng Tấn Tới. Không giống như các bạn hớn hở vui mừng khi nghe tin, phần tôi vui thì ít, mà nỗi lo lại gấp nhiều lần. Tuy là đã thi đậu, nhưng chưa chắc anh Nguyên đã giữ lời hứa, vui lòng cho tôi xuống Qui Nhơn trọ học như các bạn vì anh vừa cưới vợ! Vợ của anh tỏ ra rất lạnh lùng với hai chị em tôi. Ít khi chị hỏi han hay nhắc nhở chị em tôi một điều gì, ngoài chuyện giao công việc cho chị tôi phải làm hằng ngày…Chị em tôi rất thèm được nghe những lời êm dịu thương yêu của anh chị hơn thèm được ăn bánh kẹo  nhưng chẳng hề có!      

Chị tôi là người “giúp việc” cho gia đinh: nấu ăn, giặt giũ, don dẹp nhà cửa, trông cháu.       
  
Tôi là người “phụ việc” cho anh tôi với nghề chụp hình: quay máy điện (khi có khách đến chụp hình), rửa phim, làm láng ảnh, cắt ảnh, đón khách. Tôi thường xuyên bị anh “dán trứng vịt” lên đầu, dầu chỉ là một sơ suất nhỏ, hay một sự rủi ro (như làm vỡ một chiếc ly, một cái chén ăn cơm, làm rách một tấm ảnh khi làm láng, rửa phim bị “mỏng” (thiếu) một chút…); còn chị tôi thì không. Anh thường dùng nắm tay đánh vào đầu tôi và ngay sau đó chỗ bị đánh sưng vù như cái trứng vịt. Không phải một “trứng” mà ít nhất, mỗi lần bị goi tên vào, cũng nhận từ hai, ba cái trở lên. Tôi không dám khóc, dầu đau điếng ở đầu như búa bổ, mà chỉ ôm đầu chạy ra trốn sau vườn, hay chui trong xó nhà bếp với chị. Chị tôi không bị đánh, nhưng chị khóc nhiều hơn tôi. Chị lấy nước lạnh đổ lên đầu tôi, lấy bàn tay xoa nhẹ cho giảm đau, rồi lấy nước muối thấm vào chiếc khăn mặt của chị, áp vào chỗ sưng cho tan máu bầm!   
    
Một buổi tối, sau khi vào “phòng tối” (chambre-noir) rửa xong ba cuộn phim anh vừa đi chụp cho học sinh lớp nhất làm thẻ buổi chiều, tôi đang ngồi nghỉ ở bậc hiên nhà, nghe tiếng anh gọi tôi thật lớn. Với giọng gọi ấy, tôi biết anh đang rất căm tức nhưng chẳng đoán ra chuyện gì. Tôi chạy ngay vào, anh véo vặn ngay lổ tai tôi không cho nhúc nhích, quát to: “Mày ham đi đâu chơi mà ba cuộn phim bị “măng” (mỏng, thiếu) hết một cuộn vậy?”. Trong lúc tôi chưa biết trả lời thế nào thì anh đưa nắm tay “cốc” vào đầu tôi một cái, kéo tôi vào nhà trong, bắt nằm dài xuống đất… Tôi không thể nói với anh rằng, rửa ba cuộn phim một lúc, tôi rất ngộp thở vì hơi hóa chất bốc lên nồng năc từ các dĩa thuốc rửa phim, trong căn phòng nhỏ kín mít, tối om. Tôi không thể nhìn thấy rõ “độ phim”  dày hay mỏng bằng cây nhang quơ vội, khi đã quá mệt! Như bao lần qua, tôi không được nói gì, anh cũng không cần nghe tôi nói gì, chỉ im lặng nhận mọi hình phạt từ cơn tức giân một cách hung hãn của anh…      

Trong lúc anh vừa bước ra nhà sau lấy cây roi mây gác ở hiên nhà sau, tôi đã nhỏm dậy, vù chạy xuống phố. Tôi co giò chạy, không dám ngóai nhìn lại, cho đến khi chạy vào đoạn đường tối trên quốc lộ ngang qua chùa Ông, mới chạy chậm lại.    
  
Tôi bước lững thững trong bóng tối chập choạng, mải miết bước, không hề biết sẽ đi về đâu. Tôi rẽ vào con đường tối hơn, để tránh sự tìm kiếm của anh…

Tôi bước đi  không định hướng, nhưng cảm thấy mình bước vào con đường yên tĩnh, có vẻ xa lạ! Đồng thời, bên tai tôi, tiếng chuông chùa vang lên, rất gần… Tiếng chuông như có một sức cuốn hút, quyến rũ tôi - vô tình mà mãnh liệt! Tôi đi về phía tiếng chuông và trước mắt mình, cổng chùa GH cũ kỹ rêu phong hiện lên uy nghiêm, tĩnh lặng…   

Tôi nhanh chóng bước vào chùa. Sân chùa hẹp, ánh điện sáng một màu xanh dịu mát lạ lẫm! Rất may là ở chánh điện chưa có Phật tử vào hành lễ. Họ đứng ngoài sân, dọc hiên, hay phía sau nhà khách chuyện trò rôm rả! Tôi vội vàng quỳ sụp xuống lạy Phật - không biết bao nhiêu lạy, rồi bò đến bên chiếc bàn cao trước bàn thờ Phật, chui vội vào trong tấm màn che phủ, nằm co ro ở trong ấy.

Sau đó không lâu, mọi người đã vào cả trong chánh điện, chuông mỏ nổi lên, và tiếng thầy trụ trì bắt đầu khai kinh. Tôi vẫn nằm im. Gắng giữ không gây ra một tiếng động nhỏ nào. Tôi mơ màng nghe kinh. Tiếng tụng niệm đều đều, hòa với tiễng mõ, chuông êm ả, trầm lắng! Tôi lóng tai nghe  và ngủ thiếp đi lúc nào không hề hay biết…

Tôi bị gọi dậy bởi một chú tiểu lớn hơn tôi chỉ vài ba tuổi. Chui ra khỏi tấm màn che thì chánh điện đã vắng hoe. Phật tử dự lễ đã về hết rồi; tôi được chú tiểu thương hại, ân cần dẫn đến gặp Thầy trụ trì. Tại phòng của thầy -  một thoáng, tôi đã thấy anh tôi xuất hiện. Tuy tay anh không cầm theo cây roi mây, nhưng nhìn vẻ mặt lạnh lùng, nhất là đôi mắt mở to ngầu đỏ, tôi biết, tôi không thể nào chạy thoát một trận đòn từ sự tức giận đang căng đầy trong con người vốn rất nóng tính, cộc cằn, của anh nữa! Tôi đứng yên lắng nghe lời Thầy trụ trì dạy về bổn phận của người em trong gia đình, và nghe lời Thầy khuyên hãy trở về nhà, hãy gắng học cho thật giỏi, nếu sau này còn thích đến ở Chùa thì cũng không muộn!

3.
VỀ MỘT GIẤC MƠ KHÓ QUÊN
            
Bốn năm theo học bậc trung học đệ nhất cấp ở trường Trung học Cường Để với tôi là bốn năm gian nan, tủi nhục. Anh Nguyên chỉ đưa tôi xuống Qui Nhơn một lần vào năm học đệ thất - năm đầu tiên, để gởi tôi ở trọ nhà chị Bốn mà anh đã quen thuở trước, khi gia đình chị tản cư từ Qui Nhơn lên thị trấn Bình Định thời gian Pháp đổ bộ đánh chiếm thị xã Qui Nhơn. Gia đình chị đã đến ở nhờ căn nhà còn trống của tôi. Vài gia đình quanh vùng Tuy Phước, cầu Trừơng Úc, chợ Huyện cũng đã tìm lên nấn ná tạm thời trong mấy ngôi nhà ấy từ vài tuần trước...
                   
Chị Bốn đã nhận bốn học sinh quê ở thị trấn Đập Đá, con nhà giàu, và vì nể tình, chị mới chịu nhận thêm tôi. Tôi nhìn thấy chị không được vui, ít hỏi han, chuyện trò với tôi. Có lẽ, chị cũng đã hiểu rõ hoàn cảnh mồ côi của tôi rồi nên chị đã cẩn thận giao hẹn với anh Nguyên hễ đến tuần thứ tư của tháng là gởi tiền cơm ngay cho chị. Tuy vậy, anh tôi chỉ thực hiện được vài tháng đầu, càng về sau, luôn luôn trễ. Có tháng, chị đã nhắc nhở tôi đến hai lần, với vẻ mặt buồn buồn: “Em nên về xin tiền cơm cho chị vào ngày cuối tuần này…”. Nói vậy là chị đã có ý vào cuối tuần này tôi không được ở lại để tiếp tục ăn cơm mà không trả tiền! Tôi không thể làm khác, không thể lầm lì ngồi vào bàn ăn nhìn các bạn khác nói cười thoải mái nên phải thu xếp lo về (dù có lúc trong túi không đủ tiền đi xe ), trong lòng vô cùng lo lắng. Đã bao lần trở về, rồi trở lại, mà có tháng trả đủ, có tháng phải còn thiếu nợ chị một ít.
                 
Khác với tôi, cha mẹ hay anh chị của mấy người bạn ở Đập Đá luôn xuống thăm vào tuần lễ cuối tháng để gởi tiền và đôi khi còn cho quà cho gia đình chị Bốn nữa. Tôi cảm thấy tủi thân vì suốt năm không có ai ghé thăm, cũng chẳng có tiền nộp đủ! Trong bữa ăn, tôi có cảm giác là mình đang “ăn chịu”, đang làm phiền gia đình chị Bốn, và rất xấu hổ vì sự thua sút bạn bè! Ngoài tiền cơm tháng gia đình họ đều gởi trước đủ, họ còn có tiền ăn sáng, tiêu vặt, đi xem xi nê, tiền xe về thăm nhà, và các khoản khác, rất đầy đủ! Riêng tôi thì chẳng có thêm khoản tiền nào - kể cả tiền ăn sáng! Có những ngày thứ bảy bốn người bạn đang cùng ở trọ với tôi đều hớn hở thu xếp  về quê thăm gia đình, chỉ một mình tôi còn lại. Chị Bốn nhìn tôi, thương hại: “Sao em không về thăm nhà?”. Tôi không thể nói dối rằng tôi “không nhớ nhà”, mà cũng không thể nói thật “tôi không có nhà yên ấm để về” nên tôi chỉ khóc! Từ ngày nhìn thấy tôi khóc, chị Bốn không hỏi thêm gì vào mỗi buổi chiều thứ bảy chỉ còn lại một mình tôi ngồi ở hiên nhà nữa! 
                 
Tôi và một người bạn học chung khối lớp, quê ở Đập Đá tên Trần Hữu Thiết (ban Pháp văn), ngủ chung một giường, nhưng, tôi không hề có gối, mền như bạn. Những tháng mùa Đông, tôi không sao ngủ yên được vì lạnh. Nửa đêm, tôi kéo nhẹ phần mền của người bạn, đắp chỉ vừa đôi chân. Có lẽ Thiết không biết? Tiền ăn cơm tháng còn thiếu, lấy đâu có mền, áo mưa, áo ấm để măc?. Tôi sợ nhất là những tháng ngày vào đông. Có những buổi sáng mưa dầm, chờ hoài cơn mưa không tạnh, Thiết thường kêu tôi cùng đi chung tấm áo mưa của cậu ấy vì nhà không cách xa trường bao nhiêu. Có hôm tôi và Thiết không có cùng giờ học, tôi phải dấu vở vào bụng, mà chạy…Tôi đã sống lây lất, nhờ vào nổi cảm thông và chia sẻ nhỏ nhoi của bằng hữu!
                 
Tôi đã sống trong sự nhẫn nhục như vậy ở nhà chị Bốn trong hai năm (đệ thất và đệ lục), qua năm đệ ngũ  chị Bốn từ chối không nhận tôi ở nữa. Tôi phải tự đi (hay nhờ bạn) kiếm nhà trọ mới cho hai năm học tiếp theo ở bậc đệ nhất cấp. Hai năm sau này, chị Thục đã có chồng - một người chồng hiền từ nhân hậu, nhưng cũng mồ côi cả cha mẹ như chị, đang nuôi hai đứa em trai nhỏ hơn tôi vài tuổi. Dầu rất thương tôi, chị cũng không thể giúp được gì cho tôi ngoài những đồng bạc lẻ đủ trả cho hai chuyến xe về thăm nhà và những giọt nước mắt!
                 
Ngày Tết đối với tôi thuở ấy quả thật là một khoảng thời gian rất khổ tâm. Hình như tôi chưa bao giờ náo nức chờ đợi nó một lần nào. Nó đến thì tôi phải lo. Chỉ có vậy. Nỗi vui mừng thì ít, so với nỗi buồn lo đã dày vò, kéo dài trong tôi cả tháng thì quá nhiều. Hình như, nỗi vui Tết của tôi là đã che giấu được cái mặc cảm cô độc, thiếu thốn, hơn là được hạnh phúc. Nó gần đồng nghĩa với sự chịu đựng, bất hạnh.
                 
Cả tôi và chị tôi đều không dám nghĩ tới Tết, nói tới Tết. Không ai trong chúng tôi muốn nhắc tới chữ “Tết” bởi vì chúng tôi đã biết được rằng, nếu có nghĩ tới, chúng tôi cũng chỉ nhận lấy sự đau khổ thêm mà thôi. Không được bàn bạc, nói chuyện về những ngày Tết, quả là một sự thiếu thốn lớn lao, một bất hạnh đối với tôi lúc bây giờ. Ít ra, trẻ nhỏ cũng được biết rằng chúng sẽ được có gì, ăn mặc như thế nào, đi chơi những đâu trong mấy ngày đầu năm ấy chứ! Chúng tôi không có cái không khí rộn ràng như thế, mà phải sống im lặng và chờ đợi. Thậm chí, có nhiều năm, chúng tôi không còn có sự chờ đợi âm thầm đó nữa.
                 
Sau cùng, anh chị tôi (chị dâu), đồng ý cho ai thứ gì thì nhận thứ ấy. Khi thì chị tôi được đôi dép, tôi được chiếc áo carô may sẵn chật bó; khi thì tôi được đôi sandale cửa hàng, chị tôi được chiếc quần đen… Mấy năm sau, thông thường thì chúng tôi được cho một ít tiền, ai muốn sắm gì thì tự ý lo lấy. Tết nào cũng vậy, khoản tiền nhận rất muộn, chỉ đủ vừa may vội một chiếc áo vải rẻ tiền, hay có thể ra phố mua một đôi giày. (Tôi có thói quen không đội mũ từ thuở ấy, vì giữa giày và mũ, thì đội mũ thật không cần thiết chút nào!)
                 
Có một năm, tôi còn nhớ mãi tới bây giờ, tôi được anh tôi gởi cho một ít tiền trước khi nhà trường cho về nghỉ Tết mấy hôm. Tôi suy nghĩ mãi nên sắm thứ gì cho ngày Tết với số tiền quá ít ỏi thế này? Nếu mua một đôi giày để thế vào đôi giày da đã há mõm thì phải mặc áo quần cũ - mà hầu hết không có cái nào “coi được” để mặc vào ngày Tết cả. Cái thỉ sờn rách ở cổ. cái dính mực ngay ở ngực (…) May một cái quần thì không đủ tiền! Tôi đi lan man dọc phố, không dám bước chân vào một cửa hiệu nào với số tiền quá khiêm nhường nắm gọn trong tay.
               
Cuối cùng tôi làm dạn vào một cửa hiệu bán vải của người Chà Và gần cuối đường Gia Long. Ông chủ đon đả mời mọc tôi, cho tôi xem nhiều loại vải - nói tóm lại, ông không biết tôi là ai, đang có bao nhiêu tiền. Tôi hỏi giá từng mặt hàng, và đã mua xấp vải nỉ in rằn dọc màu xanh một mặt, còn mặt kia màu trắng. Xấp vải nỉ nội hóa này vừa đúng với số tiền tôi có trong tay, cũng vừa đủ may một chiếc áo sơ mi tay dài. Sau đó, tôi phải vất vả lắm mới được người thợ may trong xóm nhận may giúp chiếc áo cho kịp ngày trở về quê ăn Tết của tôi vì sự thương hại hơn vì tiền!…
                 
Vậy là Tết năm ấy tôi mặc chiếc áo nỉ dày cộm, đi thăm bà con, bạn bè, dù phải xắn tay tới tận khuỷu vì trời nóng quá …
               
Cho mãi tới những năm tháng sau này, lớn dần lên, tôi mới hiểu ra rằng loại vải nỉ tôi may áo sơ mi Tết năm ấy, người ta chỉ dùng để may áo ấm cho trẻ con hay màn che cửa sổ. Tôi chua xót nhận ra ý nghĩa của những tia nhìn lạ lùng, có khi như chế giễu, của những người bà con, của đám bạn bè thuở ấy, khi họ gặp tôi - cười…
               
Có một năm, tôi đã sửa chiếc áo dài của mẹ tôi để lại đã bao năm  mà không có ai chịu mặc thành chiếc áo sơ mi ngắn tay mặc Tết. Tết năm ấy - tôi không có áo quần mới (chỉ với hai bộ áo quần đồng phục cũ để đi học thôi)  nên chợt nhớ đến chiếc áo dài màu xanh đen bằng nhung của mẹ tôi đã bị xếp lại trong ngăn tủ ẩm mốc từ sau ngày bà mất. Tôi đã đôi lần được nhìn ngắm chiếc áo dài của mẹ mà nghĩ đến tuổi thanh xuân của bà. Mẹ tôi mất khi tuổi đời chưa được 40 và chiếc áo dài là kỷ niệm không quên của cuộc đời con gái.  Tôi đã mân mê, ve vuốt nó  nhiều lần, với lòng thương nhớ ngậm ngùi! Tôi nài nỉ hỏi xin anh tôi. Anh đã cho tôi mà không chút phân vân bởi anh (và chị dâu tôi) sẽ chẳng biết làm gì với chiếc áo cổ lổ sỉ ấy cả…
               
Tuy đã vào những ngày cuối tháng Chạp, công việc bề bộn - nhưng vì thương tôi (hay ngạc nhiên đến tội nghiệp?) mà người thợ may hiền lành trong khu phố đã nhận sửa lại chiếc áo dài của mẹ tôi thành chiếc áo sơ mi ngắn tay cho tôi măc Tết…
               
Tết năm ấy, dù thời tiết không lạnh  tôi đã “diện” áo mới màu xanh đen bằng thứ vài dày cộm với chiếc quần trắng đồng phục sáng thứ hai. Tôi cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện được mặc chiếc áo mới ấy - cứ nghĩ nó là món quà mà mẹ tôi đã gởi lại cho tôi vậy! Tôi sung sướng đến nỗi khi cầm chiếc áo trên tay về nhà mặc thử lần đầu  tôi cứ ôm hôn nó thật nồng nàn  như đã hôn mẹ tôi thuở nào!
                 
Mấy cái Tết năm sau (hay có dịp quan trọng) tôi vẫn còn mặc chiếc áo cho đến khi nó quá chật không còn mặc thêm được nữa! Tôi đã giặt ủi chiếc áo, và cất giữ nó trong chiếc rương nhỏ chứa áo quần và mọi thứ “của riêng” của đời mình!
                   
Một ngày mùa hè năm tôi học đệ thất, tôi nằm mê man trong căn buồng chứa đồ cũ u tối và hôi hám gần hai ngày không ăn cơm, chẳng có cháo hay sữa gì được đem vào. Tôi luôn bị những cơn sốt cao hành hạ, nhất là về chiều. Tôi cứ nằm yên lặng, không kêu, không khóc. Một buổi xế trưa, tôi đoán vậy, trong cơn mê man li bì cùng cơn sốt, tôi nằm mơ thấy dáng một người đàn bà bước vào buồng tối thăm tôi. Trong tiềm thức, tôi nghĩ là mẹ tôi đã về kề cận bên tôi để săn sóc, như thưở nhỏ tôi đã từng bị đau, được bà nuông chìu. Nhưng, người đàn bà lại có dáng cao dong dỏng, đầu che tấm khăn mỏng mầu xanh nhạt, toàn thân choàng tấm áo rộng màu trắng thánh thiện. Bà bước lại gần tôi, không nói năng gì, chỉ đưa cho tôi trái cam tươi thật to. Trong cơn đói khát và sốt, tôi vui mừng vội cầm lấy, bóc ra ăn ngon lành. Vừa ăn xong trái cam, tôi cảm thấy trong người tỉnh táo, rất khỏe, tươi vui không thể tả được, định nói lời cám ơn người đàn bà, thì bà đã biến đâu mất. Tôi mở mắt ra, trong ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra người y tá tôi quen mặt trong thị trấn bước vào buồng, kêu chị tôi đem chiếc đèn dầu vào để ông chích cho tôi mũi thuốc. (Sau này tôi mới biết là thuốc Quinine max, chuyên trị sốt rét). Sau khi được chích mũi thuốc, tôi cảm thấy người thay đổi, khỏe dần; sáng hôm sau, tôi có thể ngồi dậy ăn chén cơm, bước ra khỏi buồng tối tìm nước uống, và kể lại giấc mơ cho chị Thục nghe. Chị cười hiền: “Má về rồi chứ còn ai…”. Lát sau, chị trầm ngâm nói khẽ, như nói cho chính mình: “Hay là Bồ Tát Quán Thế Âm? Hai bữa nay chị đã không ngớt  thầm nguyện cầu cho em...”


4.
DUYÊN LÀNH GẶP GỠ  Ở TUY HÒA
           
Thi đậu Trung học đệ nhất cấp (cuối năm đệ tứ), anh tôi nói: “Mày học vậy là đủ rồi, nhà không có tiền nuôi ăn học tiếp được nữa. Tìm ngành nào thu nhận bằng THĐNC thì nộp đơn xin thi, tìm cái nghề để sống, hay ở nhà phụ làm nghề hình với tao! Nếu có vào lính, cũng được lon Trung sĩ!”. Tôi biết, có vài ngành sử dụng bằng THĐNC khi thi vào, như trường Cán Sự Y Tế ở Huế, Phụ tá phòng Thí nghiệm ở Saigon, Sư phạm cấp tốc ở Nha Trang, nhưng tôi rất muốn được đi học thêm. Chị tôi và tôi thầm nghĩ số tài sản của cha mẹ chúng tôi để lại gồm bốn căn nhà và một mẫu ruộng loại một có thể nuôi cả hai chị em tôi ăn học ít nhất là qua hết bậc trung học nhưng chỉ một mình tôi đi học mà anh Nguyên đã luôn than phiền “nhà rất nghèo”, không lo cho tôi được chu đáo  nhưng chúng tôi không dám nói gì hơn là im lặng! Câu “quyền huynh thế phụ” tôi có biết nhưng  với chúng tôi anh Nguyên đã không thể hiện được chút tình yêu thương, gần gũi nào, huống hồ là sự chăm sóc, bảo bọc, hy sinh! Sự lạnh nhạt và khe khắt của anh đã để lại trong tâm hồn non trẻ của tôi một dấu hằn buồn tủi, không bao giờ phai mờ! Chúng tôi chỉ biết nguyện cầu…
           
Tôi xin tiền chị tôi dể đi Qui Nhơn một ngày, tìm nhà dạy kèm (hay công việc lặt vặt gì đó) để có thể có cơm ăn ngày hai bữa mà đi hoc. Suốt buổi sáng tôi thất vọng vì nhà nào cũng đã có người dạy từ năm trước rồi, không thể nhận thêm. Buổi trưa, đang lang thang dọc phố Gia Long  tôi chợt nhớ một người quen đồng hương An Nhơn có hiệu buôn lớn trên con đường này. Tôi ghé lại thăm và ngỏ lời xin anh giúp hay nhờ anh giới thiệu cho những gia đình khác vì có người quen giới thiệu người ta mới tin tưởng mà nhận. Nghe tôi tha thiết trình bày ý nguyện, anh cười: “Em ở lại đây đi! Nhà anh năm nay có hai đứa học đệ tứ, sắp thi THĐNC, một đứa sắp thi vào đệ thất kỹ thuật, một đứa đang học lớp ba trường Bùi thị Xuân ở Cầu Đôi cần người chở đi về; anh biết hoàn cảnh mồ côi bất hạnh của em, nhưng em thiệt thà học giỏi nên anh muốn giúp đỡ…”. Tôi rất xúc động, và vui mừng vì tấm lòng tốt của anh đã dành cho tôi. Tôi đã nói lời cảm ơn anh  bằng những giọt nước mắt…
         
Vậy là tôi vẫn có thể đến trường, như bao bạn khác. Tôi chưa phải vĩnh viễn rời xa trường lớp, thầy cô, bạn bè như những ngày qua đã có lúc nghĩ đến mà buồn thầm! Gần ba tháng được nghỉ hè tôi không yên tâm học ôn bài, luôn bị dày vò, mặc cảm dằn vặt bởi viễn ảnh không có gì hứa hẹn cho tôi.
         
Vào năm học mới, tôi đã vừa đi học vừa làm tất cả việc anh giao: dạy kèm cho hai cậu luyện thi Trung học, một cậu thi vào Đệ thất kỹ thuật, chở cô con gái nhỏ đi học, dọn hàng mỗi sáng - tối… Tôi được sự cảm thông và thân tình của hai người con trai nên chuyện “ăn ở” cũng tương đối vui vẻ! Tôi đã luôn thầm nhủ, phải tự “dọn mình” cho bất kỳ gặp gỡ buồn tủi nào để việc học của mình được tiếp tục…
         
Tôi qua khỏi năm đệ tam với kết quả cuối năm đạt học sinh khá. Ba đứa con người chủ nhà cũng đều thi đậu tuy tỷ số đậu năm ấy cũng rất thấp, nhất là trường Trung học Kỹ thuật chỉ chọn học sinh vào là 8 phần trăm. Gần ngày khai giảng năm học mới, tôi lại xuống Qui Nhơn thăm người chủ nhà cũ đã dạy kèm năm ngoái với hy vọng sẽ được tiếp tục “giúp đỡ” thêm ít ra cũng một năm nữa để tôi an tâm thi Tú Tài một nhưng đã bị ông ta từ chối với lý do “dạo này họ kiểm tra người ở trọ gắt quá vì có chương trình ấp chiến lược gì đó!”. Tôi lặng im, không biết nói gì them, cảm thấy người bần thần, mệt nhoài như vừa  phải chạy qua một đoạn đường dài đồi dốc! Tôi nhận ra đây là lời từ chối khéo vì anh đã không còn cần tôi nữa! Tôi biết không thể nài nỉ thêm để thay đổi quyết định mà có lẽ  anh đã suy nghĩ từ trước. Lời anh đã ân cần nói với tôi năm ngoái “anh biết hoàn cảnh mồ côi bất hạnh của em, nhưng em thiệt thà, học giỏi nên anh muốn giúp đỡ” không thể được lập lại lần nữa rồi, anh đã quên - khiến tôi rất ngỡ ngàng, chua xót…Tôi cảm thấy con đường đến trường của tôi như mờ mịt, lùi xa dần!
           
Sau khi ra khỏi nhà người chủ quen, tôi mệt lả người vì buồn và đói nhưng chân vẫn bước đi lang thang không định hướng dưới cơn nắng trưa như lửa đổ. Tôi ghé vào hiệu kem Ngọc Thành trên đường Phan Bội Châu để có chỗ ngồi nghỉ ngơi một chút rồi sẽ đi tiếp cho hết buổi chiều. Vừa bước vào, tôi đã nghe tiếng Thanh gọi tôi. Thanh lớn hơn tôi vài tuổi, đang học ở trường tư thục Bồ Đề, thường lui tới chơi với mấy người bạn cùng ở trọ với tôi thuở trước. Cậu ấy đang ngồi ở góc trong bên trái, với ly cà phê đá. Tôi mệt mỏi tiến lại, kéo ghế ngồi, và gọi một ly kem ăn cho đỡ khát. Thanh gọi thêm bánh ngọt cho cả hai. Thanh lấy làm lạ, hỏi tôi đang đi đâu giữa trưa. Tôi nói ý định của mình, như một lời tâm sự. Thanh vỗ tay “đốp” một cái, cười thoải mái: “Vậy mày về ở với tao. Năm nay tao cũng học thi lại Tú Tài Một…”. Tôi hỏi: ”Ở là sao?” - “Tao sẽ nói với bà già, cho mày ăn ở không, hướng dẫn tao học ôn thi lại, chắc là bà già mừng lắm!”. Tôi biết Thanh là con một của một gia đình trung lưu, ba Thanh có hiệu hớt tóc trên đường Cường Để, hằng ngày tôi vẫn đi qua, có hôm ghé lại chơi. Cha mẹ Thanh rất cưng chìu cậu ấy, rất mong Thanh chăm học, bớt đi chơi hoang, chắc chắn là lời nói của Thanh sẽ được bà chấp thuận. Thanh giành trả tiền, chở tôi về nhà luôn, trên chiếc xe đạp mới. Đúng như tôi nghĩ, mẹ Thanh rất hài lòng với quyết định của Thanh… Năm ấy, tôi có chỗ ăn ở đàng hoàng, tươm tất, thi đậu Tú Tài một hạng Bình, còn Thanh cũng đậu hạng thứ với điểm vớt vì bão lụt.
           
Năm đệ nhất tôi không còn ở nhà Thanh nữa, vì cậu ấy đã tới tuổi động viên nên vào Thủ Đức. Thanh giới thiệu tôi với một người quen, lớn tuổi, chỉ dạy ông ấy môn Anh Văn, nhưng tiền thù lao không đủ chi dùng trong tháng. Tôi phải nhờ chị Thục trong mấy tháng đầu, sau đó mới tìm thêm được hai chỗ kèm cho trẻ đang học lớp Năm. Cuối năm tôi đã thi đâu Tú tài hai, ban C, với hạng Bình Thứ dầu tỷ lệ đậu khi thi viết là 10 phần trăm, vào thi vấn đáp chỉ còn 8 phần trăm! Đậu tú tài hai, có nghĩa là tôi chưa bị động viên sớm như một số bạn học cùng trang lứa, thi hỏng, đã phải trình diện nhập ngũ vào Thủ Đức.
         
Tình cờ, tôi đọc được thông báo của Bộ Giáo Dục đang tuyển chọn sinh viên du học tại Nhật nên vội làm đơn. Tôi gởi hồ sơ bằng đường bưu điện, theo cách gởi thư thường. Chờ đợi mãi không thấy tin, hỏi ra mới hay họ không hề nhận được hồ sơ nào của tôi cả! Tôi có “buồn năm phút” nhưng tin rằng trong cái rủi, có cái may tốt hơn, không hề chán nản.
             
Nhớ lại chuyện cũ: Khi thi viết Tú Tài hai xong, kết quả được niêm yết ở trường, lại có thông báo đọc ở đài phát thanh Qui Nhơn, cho biết lịch thí sinh phải vào vấn đáp; nhưng tôi không hề biết gì (vì không có thời gian và điều kiện theo dõi). Đến buổi chiều cuối cùng của ngày thi vấn đáp, tôi  tình cờ gặp người bạn, hỏi tôi sao không đi Qui Nhơn “thi oral”  tôi mới hay là mình đã đậu phần thi viết rồi! Không kịp cắt tóc, và thay áo quần cho tươm tất, tôi vội mượn tiền người hàng xóm, đón xe đi Qui Nhơn với hy vọng sẽ còn kịp thời gian. Thật là may mắn, khi tôi chạy vào, sân trường đã vắng hoe.  Tìm ra phòng thi của mình, tôi hớt hãi vào xin Thầy cho phép dự thi vì ở quê xa - nhìn trong phòng chỉ còn lại một người…Lúc ấy, nếu người duy nhất thi xong, Thầy bước ra khỏi phòng (hay gặp ông Thầy khó tính) thì có lẽ…cuộc đời tôi đã khác! Cuộc đời, vẫn thường có những gặp gỡ “tình cờ ngãuu nhiên” mà có thể thay đổi cả đời sống của một đời người…
           
Tôi xin tiền chị Thục vừa đủ vào Sài Gòn mấy hôm để ghi danh học trường Luật và tìm kiếm một việc làm cho năm học thứ nhất. Sài Gòn rộng lớn và phồn hoa là vậy nhưng tôi không tìm được một chỗ nhỏ nào có thể chen vào. Sài Gòn  với tôi vô cùng xa lạ, vô cùng buồn tẻ, và cũng vô cùng lạc lõng. Trong lúc lòng hoang mang, lo lắng vì số tiền chị Thục cho đã sắp cạn mà chẳng tìm ra chỗ trú chân cho mình  tình cờ tôi gặp Minh (Trần Ngọc Minh - sau này có bút danh là Đam San -  Lương Châu) đang ghi danh học ở Văn Khoa - khoa Triết Đông - là bạn đồng hương, học cùng lớp thời tiểu học, ở cùng đường phố, từng “đánh đáo, chơi vụ, bắn bi” với nhau, đã vào sống ở Sài Gòn với người chú từ năm đệ tứ, đang có mặt ở sân trường Văn Khoa. Nghe tôi kể, cậu ta góp ý: “Cậu về nộp đơn thi vào Trường Quốc Gia Sư Phạm Qui Nhơn đi. Nếu thi đậu, cậu có tiền học bổng đủ sống trong hai năm, được hoãn dịch, ra trường được bổ nhiệm đi dạy có lương ngay. Chuyện học Luật hay Văn khoa để mình sẽ nhờ “nhóm sinh viên phụ trách trợ giúp sinh viên ở xa” của Hội gởi cours bài hằng tháng cho cậu học, đến ngày thi thì vào Sài Gòn thi, lo gì? Sau hai năm tập sự, qua một kỳ thi sát hạch, cậu đương nhiên là giáo sư trung học đệ nhất cấp, nếu có đủ cử nhân, cậu sẽ được vào ngạch giáo sư trung học đệ nhị cấp ngay thôi mà…”. Người bạn đưa tôi về nhà người chú ở đường Bùi Viện nghỉ chơi một ngày, trước khi về lại Qui Nhơn. Theo sự góp ý bạn, tôi nộp đơn xin thi vào Trường Sư Phạm Qui Nhơn… Ra trường, tôi được cho về dạy ở Tuy Hòa.
             
Gần 12 năm dạy học ở Tuy Hòa, tôi đã có duyên gặp Đại Đức Thích Giác Lượng. Một buổi sáng, Thầy tìm đến nhà trọ thăm tôi, cho biết, Thầy là người đồng hương với tôi (Thầy ở thôn Bằng Châu, xã Đập Đá - An Nhơn), hằng tháng có nhiệm vụ ghé thăm các tịnh xá của hệ phái khất sĩ ở miền trung và cao nguyên. Thầy đã đọc các tạp chí văn học, biết tôi đang dạy học ở đây, nên đến thăm. Lần gặp đầu tiên, Thầy mang đến tặng cho tôi bộ Kinh Hoa Nghiêm và một tập thơ của Thầy vừa ấn hành, ký bút danh Tuệ Đàm Tử. Sau đó, cứ vài ba tháng, Thầy ghé thăm tôi một lần, cho tôi vài cuốn Kinh mới, hay tập sách của Thầy vừa xuất bản. Và tôi đã theo Thầy về tinh thất Ngọc Phú trên đường Nguyễn Công Trứ để thọ trai, cùng nhau trò chuyện về Đạo, về Thơ văn, rất đầm ấm, chân tình!
           
Một lần, vào mùa hè năm 1969, Thầy ghé thăm tôi ở Qui Nhơn và hỏi: “Ngày mai đoàn quý Sư về thuyết pháp ở tịnh xá Ngọc Hòa, Cù lao xanh - đảo Nhơn Châu, huynh đi không?”. Tôi đã thưa với Thầy, rất vui mừng được tháp tùng đoàn của quý Sư trong chuyến hoằng pháp một tuần nầy.
           
Buổi sáng hôm sau, tôi đi theo đoàn của quý Sư ra bến ca nô, bắt đầu chuyến hành hương. Ca nô cập bến Nhơn Châu vào buổi trưa, Phật tử trên đảo đã có mặt sẵn gần một trăm người, áo tràng chỉnh tề, đón tiếp đoàn về tịnh thất Ngọc Hòa trên triền núi cao. Tôi lại tiếp bước đi sau cùng đoàn người áo vàng... Tối hôm đó có buổi thuyết giảng của quý Hoà Thương, Thượng Tọa, Đại Đức ngay trong khoảng sân chật hẹp của tịnh thất, một số Phật tử phải ngồi chung quanh trên các tảng đá cao. Tôi cũng tìm một tảng đá, hơi cách xa - ngồi nghe giảng pháp. Chương trình khai giảng kinh đã chọn đứng vào đêm Rằm, những ngày có trăng, quang cảnh thật mát mẻ, yên lành. Sau buổi thuyết pháp, bà con lần lượt xuống bãi, về nhà. Thầy Giác Lượng đã đến ngổi trên tảng đá với tôi, Thầy trò vừa uống trà, vừa trò chuyện đến khuya… Tôi cũng đã được Thầy dành cho một chiếc cốc nhỏ để ngã lưng, có thể nhìn ngắm trăng và đón gió biển qua khung cửa bỏ trống!
           
Ở Tuy Hòa, qua hai người bạn văn đồng nghiệp thàng hậu, chân tình là anh Trần Huiền Ân và Đỗ Chu Thăng (Nhã Nam - Ngô Thạch Ủng) đang dạy ở trường Trung học Bồ Đề Tuy Hòa và Hiếu Xương, tôi được gần gũi thân thiết với quý Thầy Thích Thiện Đạo, Thích Minh Tâm và một số quý Thầy trong ban giám hiệu. Thầy Thiện Đạo vẫn thường cho chúng tôi xem vài bài thơ thấm đượm Thiền vị, tình Đạo, tình Đời rất sâu sắc của Thầy. Thỉnh thoảng Thầy ghé cho tôi vài tập sách báo, vài quyển kinh mỏng, để làm quen với Đạo. Tôi bắt đầu tiếp cận với Đạo Phật từ dạo ấy…
           
Sau đó không lâu, Thầy Minh Tâm đổi về Phan Thiết. Trước khi đi, Thầy vui vẻ hỏi tôi: “Thầy đi, Long muốn Thầy tặng món gì?”, Tôi cười: “Tôi thích một món, nhưng có lẽ không được!” - “Long cứ nói đi!” -  Sau một phút do dự, tôi thưa: “Tôi muốn Thầy tặng cho tấm áo cà sa!” - Thầy cười: “Được rồi!”. Ngay hôm sau, Thầy gói chiếc áo ca sa vàng thật kỹ, đem đến nhà trọ thăm và cho tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên và biết ơn Thầy…
           
Cũng tại cái thị xã bé nhỏ yên vắng thân thiết này, nhân lúc được tin anh Nguyên bị Bộ chỉ huy 5 Tiếp vận thuyên chuyển lên Buôn Mê Thuột vì “vợ anh có dính líu đến vụ mua bán hàng hóa với lính Mỹ”, tôi đã vào Nha Trang thăm gia đình anh và đưa đứa cháu mười tuổi (trưởng nam, con anh Nguyên) từ NhaTrang ra Tuy Hòa trọ học; đồng thời viết thư “minh oan, khiếu nại” gởi cho Chỉ Huy trưởng BCH 5 TV; sau đó vài tháng, anh Nguyên đã được chuyển về lại Nha Trang với gia đình; chú cháu cũng đã có những tháng ngày sống chung thật êm đềm!
         
Ở Tuy Hòa, tôi đã có duyên lành kết thân với anh em đồng nghiệp và bạn văn, rất chân tình: quý anh Lê Tăng Mính, Phan Tiên Hương, Đàm Khánh Hạ, Phan Long Côn. Khánh Linh, Y Uyên,  Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Tường Văn, Bùi Đăng Khuê, Vũ Viết Điềm, Phan Việt Thủy, Trương Can, Lê Khắc Long, Nguyễn Sông Ba, Phan Bá Chức, Triều Hạnh, Vân Trang, Phạm Ngọc Lư, Hoàng Đình Huy Quan, Phạm Cao Hoàng và nhiều thân hữu, học sinh chí tình - ghi dấu một thời tuổi trẻ nhiều khát vọng…

(Còn tiếp…)
MANG VIÊN LONG