(Tưởng nhớ anh
Mang Viên Long)
Hoài trở về phố cũ vào một ngày mưa âm
u. Thị trấn quận lỵ đã rộng lớn hơn nhiều so với bốn mươi năm trước. Rộng lớn
hơn nên ồn ào chộn rộn hơn. Và người cũng xa lạ hơn.
Một
mùa học chạy tản cư nhiều hơn đến lớp. Căn nhà có lầu kiên cố, nhưng cha Hoài vẫn
không yên tâm. Ông cho đào một cái hầm trú ẩn ngay dưới giường ngủ ở phòng giữa,
bốn vách chung quanh tráng xi-măng sạch sẽ. Cái hầm dưới lòng đất rộng đủ cho cả
gia đình sáu người: cha, mẹ kế, và bốn chị em Hoài, cũng rất kiên cố với rất
nhiền bao cát chung quanh miệng hầm. Nhưng ông cũng không yên tâm. Cuối cùng,
khi tình hình quá căng thẳng, cha Hoài đưa cả nhà đến một thành phố lớn tương đối
yên ổn hơn và ông ở lại thị trấn quận lỵ một mình. Hoài khóc, không chịu tản
cư, nhất quyết ở lại với cha. Chỉ có mẹ kế và các em còn nhỏ đi trước. Súng nổ
suốt ở những vùng giao tranh cận kề. Một
bầu trời chết chóc phủ trùm thị trấn quận lỵ. Cây xoài ở góc sân trước sát đường
đong đưa trái. Hoài chẳng buồn hái. Ít người qua lại nên gió thổi cũng buồn thê
thiết.
Cây xoài duy nhất ở góc sân trước đã bị
đốn bỏ từ lâu. Kể từ ngày bị một mảnh pháo làm cụt đầu gãy nhánh năm xưa, nó
không lớn nổi nữa. Cũng không cho ra trái nào nữa. Nó chết từ ấy. Cái sân trống
trơ. Căn nhà xưa bây giờ là đại lý một hãng sữa nổi tiếng. Cô em gái giữa bận rộn
bán buôn suốt ngày. Cậu em rể thôi làm thầy giáo về phụ vợ quản lý cửa hàng sữa
và các mặt hàng thực phẩm. Mọi người tất bật. Hoài lên lầu, đứng thật lâu trước
bàn thờ cha, mẹ ruột và mẹ kế. Ba người thân yêu của Hoài. Ông ở giữa và hai bà
hai bên, nhìn Hoài cười nghiêm nghị mà ánh mắt đầy thương yêu.
Năm
ấy Hoài đang học năm cuối cùng bậc trung học đệ nhị cấp, chuẩn bị thi Tú Tài
II. Thị trấn 5giờ chiều đã giới nghiêm. Nhưng ban ngày không giới nghiêm thì
cũng tiêu điều xơ xác. Căn phòng trên lầu của Hoài và đứa em gái kế chỉ còn một
mình Hoài đôi lúc vào ban ngày. Buổi tối
Hoài xuống phòng giữa với cha, lỡ có gì thì còn kịp xuống hầm trú ẩn. Buổi sáng
đến trường bữa có bữa không. Lớp còn chưa tới một phần ba vì bạn bè theo gia
đình tản cư gần hết. Các thấy cô ở Saigon cũng không trở lại dạy. Cuối cùng thì
trường cũng đóng cửa vì chẳng còn thầy trò nào đi dạy đi học. Hoài tự học một
mình. Tự chuẩn bị cho kỳ thi trong tiếng súng nổ ngày đêm. Thật không thể hiểu
một cô bé 18 tuổi lúc ấy là Hoài, lòng dạ nào mà còn học được! Nhưng cuối cùng
hai cha con cũng đành ra đi về thành phố lớn, nơi có mẹ kế và các em đã đến từ
gần một tháng trước. Căn nhà với rất nhiều thực phẩm thuốc men dự trữ được giao
lại cho một người bà con xa đến xin tạm trú, vì nghèo khó không thể tản cư đi bất
cứ đâu. Ở lại nhà Hoài họ còn có cái ăn và có cái hầm trú ẩn kiên cố để tránh
bom tránh đạn.
Hoài đốt ba cây nhang cho cha và hai mẹ.
Khói bay vòng vèo nhẹ nhàng lên không. Hoài nhìn rất lâu bức ảnh của mẹ ruột. Bà mất khi còn rất trẻ, lúc Hoài ra đời vừa
được bảy tháng. Hoài có sáu năm tuổi
thơ đầu đời trong khu vườn cây lá xanh tươi của ông bà ngoại ở một miền quê còn
tương đối yên tĩnh. Nhà ngoại của Hoài có đủ loại cây ăn trái như hầu hết mọi
nhà ở miền quê Đông Nam bộ thuở ấy. Nhưng nhiều nhất là chôm chôm và măng cụt.
Hoài nhớ mình thường leo trèo trên các nhánh măng cụt như con khỉ con. Lần nào
về thăm nhà, Hoài cũng đều đi xuống chợ. Chợ luôn luôn có một cái mùi rất đặc
trưng, rất gợi nhớ mà các siêu thị sạch bóng nơi thành phố Hoài đang sống không
bao giờ có. Cái mùi đặc trưng của chợ khiến Hoài cảm thấy như ngôi chợ nhỏ quê
nhà cũng có linh hồn. Linh hồn ấy luôn nhắc kể nhiều điều với Hoài theo từng bước
chân đi. Mỗi mùa chôm chôm măng cụt đầy chợ lại nhớ ngoại nhớ quê nhớ má. Mộ má
ở quê ngoại, bây giờ cỏ vẫn một màu xanh biếc. Và vườn chôm chôm măng cụt của
tuổi thơ xưa…
Tản
cư về, Hoài đi học trở lại những tháng cuối cùng của niên học cuối cùng bậc
trung học đệ nhị cấp. Vẫn những con đường hẹp nhưng yên ả. Vẫn ngôi trường nhỏ
rộn ràng các cô nhỏ trong áo dài trắng phất phới bay trong nắng sớm. Các học
sinh nam tề chỉnh quần xanh đậm áo sơ-mi trắng, nghiêm nghị và nghịch ngợm đều có
đủ. Ngôi trường trung học của quận lỵ nhỏ nhưng xinh xắn và ở vị trí rất đẹp. Cổng
chính của trường nhìn đối diện một ngôi đình cổ, bốn mùa rợp mát bóng cây dầu cổ
thụ đã có từ trăm năm. Trường ở trên con dốc cao, từ dãy phòng học chính nhìn
phóng tầm mắt sẽ thấy giòng sông Vàm Cỏ Đông uốn lượn phía xa, bồng bềnh trong
sương mù những ngày trời lạnh giáp tết. Quê nhà của Hoài nửa núi nửa sông, nửa
đồi dốc nửa đồng bằng của miền Đông Nam bộ, thật không biết phải xếp vào vùng địa
lý nào. Hoài đã lớn lên hiền lành như cây cỏ. Chiến tranh thường trực nhưng Hoài
vẫn được sống những tháng ngày hạnh phúc bên gia đình thầy cô bạn bè. ….
Ngôi trường bây giờ được xây to hơn rộng
hơn và có thêm mấy dãy phòng học mới. Đã biến mất cái “thung lũng” – phần đất
thấp phía dưới với mấy dãy phòng học cũ. Người ta đã đắp thêm bao nhiêu là đất
để phần sân trường dưới thấp ấy cao lên và nối liền với phần sân trên cao. Trường
có sân rộng hơn nhưng không còn vẻ lãng mạn ngày nào với con dốc cao và dòng sông
mờ ảo xa xa. Nhưng dãy lầu của năm học cuối cùng của Hoài vẫn còn. Hoài về thăm
trường cũ một ngày đầu hè với cô giáo dạy triết năm xưa. Cô dạy triết – người
đã nặng tình với mái trường thân yêu của Hoài cho mãi đến bây giờ, bởi trường của
Hoài là ngôi trường đầu đời của cô khi mới bước vào nghề dạy học. Hai thầy trò
đứng lặng trong sân trường cũ với biết bao cảm xúc! Nhìn đâu Hoài cũng thấy người-muôn-năm-cũ!
Bốn mươi năm hơn từ ngày xa trường. Người-xưa đã trôi giạt muôn phương. Người-xưa
đã về với đất. Người-xưa còn ở quanh đây một đời bận rộn áo cơm. Tóc cô bạc trắng.
Tóc Hoài cũng đã pha sương. Những thầy cô mới và những học trò mới nhìn thầy
trò cũ với chút lạ lẫm e dè. Đâu có ai
tránh được lẽ vô thường…
Hoài
đi tản cư chỉ mang theo sách vở học thi, bỏ lại một tủ sách với rất nhiều sách và
tạp chí văn chương yêu thích được mua trong nhiều năm nhờ tiền lì xì mỗi dịp tết.
Hoài là con cưng của cha, là cháu cưng của hai bên nội ngoại vì mồ côi mà lại siêng
năng học hành, nên tết nào túi cũng đầy tiền lì xì. Hoài yêu thơ văn và học rất
khá môn này. Với sự khuyến khích của người cậu họ là một nhà thơ và cũng là thầy
dạy của Hoài môn Việt Văn, và sự “đưa đường dẫn lối” của người anh người bạn
hàng xóm, thi thoảng Hoài cũng viết bài gởi đăng ở các trang búp bê của các nhật
báo và các tạp chí dành cho tuổi mới lớn. Hoài không có niềm vui nào khác ngoài
đọc sách và tập tành viết lách. Khi cùng gia đình trở về nhà từ thành phố lớn
sau hơn hai tháng tản cư, Hoài đã sửng người trước tủ sách của riêng mình – cái
tủ sách bằng gỗ cẩm lai mà cha đã đặt ông thợ mộc quen đóng cho Hoài, là phần
thưởng khi Hoài đậu Tú Tài I với thứ hạng cao năm trước. Những quyển sách vẫn
còn nằm ngay ngắn, nhưng thưa thớt. Hoài xem lại. Đã mất một số quyển. Và quan
trọng hơn, khung ảnh nhỏ với bức ảnh của Hoài đã mất chỉ còn trơ lại khung! Bức
ảnh mà mấy đứa bạn thân của Hoài đã khen là “có hồn”: Hoài 16 tuổi, tóc ngang
vai và đôi mắt to tròn mở lớn, nhìn thẳng. Trong cái khung ảnh nhỏ xíu ấy, thay
chỗ bức ảnh của Hoài là một tờ giấy nhỏ gấp làm tư! Hòai mở tờ giấy, mấy giòng
chữ rắn rỏi, có vẻ như viết trong lúc vội vàng:” Cô bé, anh xin lỗi cầm mấy quyển sách
và bức ảnh dễ thương của cô bé mà không xin phép.” Hoài hỏi lại người bà con ở nhờ trong nhà, và biết có một tiểu đội BĐQ
đã đóng quân trên lầu trong thời gian cả nhà Hoài tản cư. Một ngưới lính nào
đó, hẳn là ưa thích văn chương sách vở, hẳn là có đọc ít nhiều trong những lúc
tạm yên tiếng súng. Cảm giác của Hoài thất khó tả. Hơi tội nghiệp. Hơi buồn.
Hơi vui. Hơi tiếc. Hoài không tiếc ảnh và sách với người sống nay chết mai
trong lửa đạn. Nhưng Hoài tiếc những giòng đề tặng và chữ ký của người bạn-lớn
của Hoài, tác giả của hai trong số mấy quyển sách bị người lính ấy mang đi.
Đôi khi nghĩ ngợi vẩn vơ, Hoài có nhớ đến
người lính BĐQ năm xưa. Nhớ gì mà không biết mặt cũng nhớ! Thực ra chỉ là một
hình bóng mơ hồ trong tâm tưởng. Không biết ông ấy còn giữ cái ảnh thuở 16 tuổi
của một cô bé không hề quen biết là Hoài? Không biết ông ấy còn sống hay đã chết
trong biệt mù bom đạn? Nếu còn sống, tóc ông ấy giờ chắc cũng đã trắng như
sương? Còn có khi nào được gặp? Và những quyển sách của Hoài… Đã gần bốn mươi
năm, Hoài không ngó ngàng gì đến niềm vui làm thơ viết văn thời son trẻ. Cơm áo
gạo tiền và những nỗi đau nỗi tuyệt vọng sau một biến cố tang thương đã làm
Hoài gần như “khép chặt cửa lòng” với niềm vui cũ. Cho đến một ngày gặp lại bạn-lớn
năm xưa… Hoài rụt rè trở lại với văn chương. Đã thấy lòng mình xúc cảm trước những
tập sách được viết bằng cảm xúc thực sự, không phải những kiểu tô hồng hay bôi
đen. Những tựa sách mới của bạn-lớn, giờ đây Hoài muốn có mấy quyển cũng rất dễ
dàng, nhưng vẫn nhớ vô cùng những tập truyện cũ đã mất.
Dù sao, Hoài vẫn tin một cách mãnh liệt rằng, một người yêu sách yêu văn chương
như người lính BĐQ năm ấy, vẫn trân trọng giữ gìn giùm Hoài chứng tích của những-mùa-trăng-có-nhau(*)
trong đời Hoài một thuở.
NGỌC BÚT
(*) Tên một truyện ngắn của MVL