Hôm nay ngày 22 tháng 7 năm 2020. Lúc 7 giờ sáng. Nhà thơ Cái Trọng Ty gọi điện cho tôi khi tôi chuẩn bị pha cà phê sáng như thường lệ. Anh Ty báo cho tôi biết là nhà văn Mang Viên Long mất rồi. Tôi rất ngạc nhiên. Vì mới đây hai chúng tôi còn email cho nhau, hỏi thăm nhau về sức khỏe. Nay anh Ty báo cho tôi biết là Mang Viên Long mất. Làm sao tôi không ngạc nhiên được? Tôi hỏi anh Cái Trọng Ty ai báo cho anh biết. Anh nói nhóm Quán Văn.
9 giờ sáng, tôi gọi điện cho Phạm Cao Hoàng để hỏi về tin này. Phạm Cao Hoàng cho tôi biết rất chính xác : Anh Long mất vào lúc 2 giờ chiều, ngày 22 tháng 7 năm 2020 tại Quận An Nhơn. Bình Định vì bị đột quỵ. Như vậy, thêm một ngưới bạn thân đã ra đi. Với những người bạn này, mỗi người đều có những kỷ niệm riêng cho nhau.
Ngoài Từ Thế Mộng và Nguyễn Bắc Sơn, hai anh đã đi lâu rồi, mới đậy là Phạm Ngọc Lư, rồi Nguyễn Dương Quang, rồi Hoàng Ngọc Châu ( Hoàng Thị Thủy Tiên hay Hoàng Gỗ Quý), rồi Tô Duy Thạch. Nay lại đến anh. Anh Mang Viên Long.
Với anh, khi còn dạy ở Tuy Hòa cùng với anh Phạm Ngọc Lư vào những năm 68-69, tôi và anh Trần Hoài Thư hay lang thang về Tuy Hòa thăm chơi cùng với các bạn: nào anh Trần Huiền Ân, nào Phạm Cao Hoàng, nào Mang Viên Long, nào Phạm Ngọc Lư, nào Nguyễn Lệ Uyên, nào Hoàng Đình Huy Quan. Cái thành phố Tuy Hòa tuy nhỏ, nhưng có nhiều anh em cầm bút khá nổi tiếng ở miền nam. Và, nhất là tình cảm mà anh em dành cho nhau chân thành và gắn bó.
Nghe tin Mang Viên Long đã ra đi, buồn thì buồn nhiều lắm. Cũng vì buồn mà nhớ. Nhất là những lần gặp mặt khi anh vào học khóa Thủ Đức. Trường cho khóa sinh đi thực tập 1 tuần, đơn vị anh đi Ninh Hòa (Khánh Hòa), và nhắn tôi xuống với anh. Khi đó, tôi đóng quân ở Lam Sơn. Gặp anh, một thằng đã là lính thực thụ, một thằng còn mang cái alpha trên áo non choẹt nhưng rất vui. Tôi nhìn anh với khẩu súng garant nơi quân trường anh thụ huấn, nặng nề mang trên vai gấp trăm ngàn lần viên phấn trắng anh đứng trên bục giảng. Nhưng, sau khi tốt nghiệp khóa Thủ Đức anh biệt phái về lại giáo chức. Còn tôi vẫn miệt mài với bộ áo trận cho mãi đến tháng 4/75
Tôi hơn Mang Viên Long 2 tuổi. Không biết đến khi nào tôi tiếp bước theo những người bạn của tôi. Chắc là vui lắm, nếu thật sự có thế giới bên kia. Tôi có một kỷ niệm rất đáng nhớ với Mang Viên Long. Kỷ niệm đó, không phải nói để cho tôi ( người còn sống ) mà nói để cho bạn bè biết, và con cái của tụi mình cũng nên biết. Đó là, vào những tháng cuối năm 1972. tôi với Mang Viên Long ngồi nói chuyện vui chơi khi hai bà xã mang bầu. Anh hỏi tôi đứa con đầu lòng sẽ mang tên gì. Tôi nói nếu vợ tôi sanh con gái tôi đặt tên là Hoàng Nhã. Vì tôi tên Nhàn. Nhàn - Nhã. Anh nói hay và cũng sẽ đặt tên con là Hoàng Nhã nếu vợ sinh con gái.
Tháng 9 tôi có lệnh điều lên Pleiku huấn luyện cho SĐ 23 tại Hàm Rồng. Đơn vị của Mỹ rút đi. Trước khi đi tôi nói với vợ tôi nếu sanh con gái đật tên như thế. Rồi cả hai bà đều sinh con gái nên đặt tên đúng như chúng tôi đã nói chuyện với nhau. Con đầu lòng của tôi tên Phạm Nguyễn Hoàng Nhã và con đầu lòng của Mang Viên Long tên Mang Viên Hoàng Nhã.
Hôm nay anh ra đi, Ngày 22 /7/2020, tại Mỹ, tôi ghi lại chút kỷ niệm để nhớ về anh. Cũng như để cho con cháu mình biết vì sao tên con đầu lòng của anh va tôi giống nhau.
Những người bạn ở Tuy Hòa năm nào còn lại Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Lệ Uyên, anh Trần Huiền Ân. Phạm Cao Hoàng , Trần Hoài Thư và tôi còn sống ở Mỹ. Còn Nguyễn Lệ Uyên cũng đã bỏ Sông Đà Núi Nhạn về sinh sống ở Bình Dương. Chỉ còn có anh chị Trần Huiền Ân là còn bám trụ trên mảnh đất Núi Nhạn Sông Đà ấy . Vẫn khỏe manh dù đã ngoài 80. Còn Nguyễn Lệ Uyên bị ung thư nhưng cũng đã vươt qua khỏi như một phép mầu. Còn Trần Hoài Thư thì bị tai biến nhẹ, có khó khăn một chút nhưng rồi cũng sẽ vượt qua.
Đấy. Cái tuổi đời nó là vậy. Là con người làm sao tránh khỏi nhất là ở cái tuổi gần 80 này. Tuy nhiên còn chút tỉnh táo phải ghi lại những kỷ niệm với bạn bè một thời với nhau. Dù là một kỷ niệm nhỏ. Không là gì cả, nhưng, ít ra vẫn còn để nhớ và thương. Cầu chúc anh sớm về cõi bình an.
PHẠM VĂN NHÀN
Houston, 22/7/2020