Phác thảo chân dung Dương Nghiễm Mậu - Đinh Trường Chinh
Về tới
đầu ngõ, người anh cả nghe thấy tiếng sáo, anh nhận ra tiếng sáo của người em
út, tiếng sáo không còn thô mộc, non nớt, chập chững những bước đầu đời mà nay
âm thanh đã trau chuốt và ở đó nghe một nỗi bồi hồi tâm sự. Người anh cả đứng
im lắng nghe. Bỗng tiếng sáo như reo vui làm người anh nhảy chân sáo bước vào
nhà. Cánh cổng mở rộng, vào tới sân người anh cả thấy em mình ngồi dựa cột
hiên, đôi mắt như nhắm lại và tiếng sáo vẫn rộn rã. Người anh bước chậm và nhẹ
tới hiên nhà rồi ngồi xuống bên. Thật lâu tiếng sáo mới ngừng lại:
-Anh đã
về.
Người anh
phác một nụ cười:
-Khúc
nhạc của em sao hân hoan, anh nghe và thấy lòng vui.
Người em
để ống sáo xuống hiên gạch, hai tay khoanh lấy đầu gối.
-Anh về
bao giờ lại đi?
Người anh
đứng lên, nhìn ra khoảnh vườn nhỏ, mấy cụm hoa cải vàng, mấy trái mướp thả
xuống từ cái giàn thấp, giọng nhỏ êm:
-Anh về ở
nhà.
Ngươi
hàng xóm ló đầu lên khỏi rào dâm bụt:
-Anh út,
sao không thổi tiếp, tôi đang nghe…À kìa, anh cả về đó sao?
-Dạ chào
bác.
-Từ hôm
qua tới giờ tôi không sao ngủ được, hóa ra có anh cả về, để chút nữa tôi sang
chơi, đi đường xa thì có biết bao nhiêu chuyện…
Người
láng giềng thụt xuống. Người anh nói:
-Cha đâu?
-Cha nằm
trong nhà.
Người anh
đứng dậy, bước lên hiên, mở cửa vào nhà. Bầu khí tĩnh lặng. Người anh từ trong
nhà bước ra:
-Cha đang
ngủ, anh không lên tiếng.
Người em
đứng dậy gài ống sáo lên hiên nhà, bước xuống sân đi vào nhà ngang. Người anh
thơ thẩn trong khoảng sân gạch. Vẫn cánh cửa xưa. Có chăng mái ngói nâu tươi
nay đã rêu phong, trên sân giữa những khe gạch đã có chỗ cỏ mọc. Cây mít lớn
hơn và tàn cây rộng hơn. Người anh nhớ tới người em gái kế. Người anh đi vào
nhà ngang nơi người em đang xúc thóc từ cỗ quan tài ra thúng.
-Chị bé
đâu em?
Người em
đứng thẳng người:
-Chị bé
chết ít lâu sau ngày anh đi. Súng nổ từ phía ngoài cánh đồng.
Người anh
đứng im.
Người em
tiếp tục xúc thóc ra chiếc thúng rồi bưng đổ vào chum để nơi góc nhà. Mồ hôi
đọng trên trán, chảy trên thái dương. Người anh đứng lại bên. Người em bốc một
nắm thóc đổ vào lòng bàn tay người anh:
-Anh coi,
những hạt thóc có tốt không. Năm nay được mùa nhưng thu hoạch không được bao
nhiêu. Đồng ruộng bỏ hoang ai nhìn thấy cũng như dao cắt ruột. Cả làng không
còn một con trâu. Hôm nấu xôi mới, cha nhắc tới anh và bảo: nếu thằng cả nó ở
nhà…
Người anh
quay mặt đi, ngắt lời:
-Thôi để
mùa sau.
-Mùa sau?
Người em
nhắc lại giọng lạnh và buồn.
Những hạt
thóc cuối cùng được vét ra khỏi cổ áo quan. Người anh đổ nắm thóc từ tay này
sang tay kia:
-Cha vẫn
thường gọi đây là những hạt ngọc. Nhiều khi ngọc cũng không giá trị bằng.
Người em
nhìn người anh, nụ cười ngậm ngùi. Người anh nhìn em: nó vẫn như xưa chẳng thay
đổi gì, lầm lầm lì lì…Người em quét sạch cỗ áo quan, lấy tay kỳ cọ trên lớp sơn
bóng rồi gõ vào thành gỗ:
-Gỗ gì
không biết, tiếng nó cũng lạ, anh nhớ không?
-Gỗ vàng
tâm. Cha đã kỳ công đi tìm nó để sắm áo cho ông nội. Anh nhớ…ông nội còn sống
thì nay đã hơn trăm tuổi.
-Anh nghĩ
ông nội còn sống?
-Cha đã
tìm bao nhiêu nơi, nào có thấy tông tích gì. Tù tội. Có khi xương còn nằm trong
nhà tù nào đấy…
-Anh khéo
tưởng tượng.
-Biết đâu
đấy.
Người em
lấy ra chiếc ruột tượng, màu xanh hoa lý đã nhạt, người em nói:
-Anh nhớ
không?
-Chiếc
ruột tượng của mẹ.
-Đúng
rồi.
Người em
gập một đầu ruột tượng lại rồi mở ra đầu kia đổ thóc vào một đoạn ngắn rồi gấp
đầu thứ hai lại gọn gàng và đặt xuống sau cỗ áo quan:
-Chiếc
gôi này êm lắm.
Người em
sờ tay lên khắp cỗ áo quan, giọng đều đều:
-Sau khi
đắp nâm mộ chung cho bốn người, trong đó có chị bé, cha vỗ tay vào cỗ áo quan
nói: có sẵn áo quan đây mà nó đâu được nằm, cái số nó thế chịu thôi…Có thời nào
mà chết chùm, tan xương nát thịt chẳng còn nhận ra được. Rồi cha nhìn em bảo:
không lẽ tao đóng cỗ quan tài này cho mày?
Người anh
lặng im lắng nghe. Bao nhiêu cảnh huống của ngày tháng cũ, khoảng trống những
ngay anh vắng mặt:
-Anh nhớ
ngày cỗ áo quan được đóng. Còn em?
-Những
hình ảnh mơ hồ, lúc ấy anh đã lớn, em còn nhỏ. Từ đó nó ở bên em và những câu
chuyện về ông nội do cha kể lại.
Người anh
lại gần để tay lên thành cỗ áo quan:
-Hồi đó
người ta ta định xử bắn ông nội. Cha chạy ngược chạy xuôi lo tìm gỗ về cho thợ
đóng gấp. Nhưng ông nội không bị xử bắn, ngươi ta kết án chung thân khổ sai,
biệt xứ. Ông nội bị đưa đi chẳng bao giờ thấy mặt. Cha kêu đám thợ mang đi sơn
cỗ áo quan rồi được mang vào nhà ngang, nó ở từ đó tới nay. Những ngày đầu cỗ
áo quan làm cho nhiều người sợ, nhưng dần thành quen thuộc, có khi nó dùng đựng
thóc, lúc đựng ngô, lúc nhỏ có lần anh và em nằm trong đó trốn cho chị bé đi
tìm…
Người em
đứng ở đầu cỗ áo quan, đưa hai tay xuống dưới thử nhấc lên:
-Nặng
quá. May mà có anh trở về…Lúc trước có lúc em nghĩ nếu mình chết chắc cha sẽ bỏ
mình vào đây, nghĩ thế thấy khiếp quá, bây giờ thì anh đã về và em chưa chết.
-Có khi
nào em hay cha cho rằng anh đã chết không?
-Mỗi lần
nhắc tới anh, cha tép miệng rồi mỉm cười: nó có còn sống thì cũng như đã chết
…Nhưng anh cũng đã trở về, dù sao em cũng mừng bỡi vì chỉ một mình em thì làm
sao mà tha cỗ áo quan lên nhà trên. Anh giúp em một tay.
Người anh
nhíu mày:
-Mang lên
làm gì?
-Cho cha
nằm.
Người anh
lặng đi đôi mắt mở lớn nhìn người em không chớp:
-Cha chết
rồi sao?
-Cha đi
tối hôm qua…
Người anh
vụt bỏ chạy lên nhà trên, tiếng bước chân, tiếng cửa va đập vang động rồi tiếng
khóc oằn lên. Người em trở ra hiên nhà lấy cây sáo trúc xuống và bắt đầu thổi
một khúc nhạc, âm thanh nhảy nhót vui tươi. Người anh từ trong nhà bước ra,
nước mắt ràn rụa.
Người em
ngừng thổi sáo. Người anh nói giọng khô:
-Cha chết
mà em không buồn sao?
-Cha già
thì chết, tại sao lại buồn? Anh khóc, cha có sống lại không? Anh có hết đau khổ
không? Cha nói với em: cả đời không làm điều gì quấy, không có gì phải hối hận,
cha nhẹ lòng khi nhắm mắt có con ở bên. Con hãy thổi sáo cho cha nghe…Và em đã
thổi sáo từ đêm qua tới giờ. Sống, chết là lẽ bình thường. Ngày tháng và đường
xa đã dạy cho anh những gì?
Người em
đưa sáo lên thổi, những âm thanh dìu dặt bay lượn như đang quyện vào trong gió
chiếm lĩnh cả khoảng không gian bao la giữa trời và đất. Buổi chiều đang xuống
nhẹ nhàng. Đàn chim sâu về kêu ríu rít trên những ngọn cau, trong tàn thấp của
cây hoa ngâu. Tiếng chuông thu không vẳng đưa từ xa lại trong buổi chiều tĩnh
mịch.
Người em
hỏi:
-Bao giờ
anh lại đi?
-Đi đâu?
-Đi khỏi
nhà.
-Em không
muốn có anh ở nhà sao?
-Em nghĩ:
anh không phải là người để sống ở trong nhà, lại nữa bây giờ cha đã mất…Từ lúc
em lớn lên đến nay em thấy có mấy khi anh sống ở nhà…Chị bé đã chết, bao nhiêu
người đã chết, bao nhiêu đổi thay, anh đâu có sống với những điều đó?
Em không
nghĩ là có lúc anh trở về…chuyện còn dài. Bây giờ em muốn tẩm liệm cho cha và
nhập quan.
Người em
đi xuống nhà ngang, người anh bước theo không nói một tiếng. Hai anh em rất khó
khăn mới khiêng được cỗ áo quan lên nhà trên. Trước hết người em đốt hai ngọn
nến trên bàn thờ rồi đến chỗ cha nằm cầm lên tấm nhiễu điều mở rộng trải vào
trong lòng cỗ áo quan. Nhẹ nhàng, cẩn trọng người em bế người cha đặt vào trong
cỗ áo quan, đầu gối lên cái ruột tượng nhồi thóc, tấm nhiễu được phủ kín lại.
Hai anh em nhấc tấm ván thiên lên. Người anh ngừng lại:
-Anh muốn
nhìn mặt cha lần nữa.
Người em
để tấm ván thiên xuống. Người anh mở tấm nhiễu nhìn lên mặt người cha mất đã
nhắm măt lại êm ả, những sợi râu bạc trắng như cươc, những nếp nhăn trên trán
như những nét khắc trên mặt tượng. ngươi em nói:
-Cha nói:
anh không giống cha, anh giống mẹ. Em nghĩ chắc anh giống ông nội.
Người anh
không nói kéo tấm nhiễu lên mặt người cha. Người em nói:
-Em không
nghĩ cha chết, cha đang ngủ.
Tấm ván
thiên được đậy lại, những con cá gỗ được đặt vào đúng chỗ, người em dùng cái vồ
đập vào những con cá gỗ cho tấm ván thiên khít lại. tiếng vỗ nghe vang dội.
Người anh ra ngồi trên bộ ngựa ở gian bên. Người em thắp ba nén hương cắm vào
chiếc lư sành. Khói hương nghi ngút. Người em nói:
-Sáng mai
đưa ra đồng
-Em không
báo cho họ hàng làng xóm?
-Hãy để
cho mọi người thêm một đêm yên tĩnh. Bây giờ để em đi nấu cơm ăn.
Người anh
ngồi lại ở nhà trên, mùi hương trầm thơm ngát. Anh sáng vàng tỏa không đều
trong ba gian nhà với những thân cột lớn. Người anh đi xuống nhà dưới, người em
lấy gạo vào giá mang ra bể nước ngồi vo rồi đổ vào nồi. Khi người anh bước vào
nhà bếp lửa đang cháy hồng, nồi cơm đang sôi. Người em gạt những hạt bọng gạo
trong bếp ra nhặt bỏ vào trong miệng. Cơm chín, người em lau chiếc mâm gỗ rồi
xới bát cơm đầy, so ba đôi đũa, múc một chén tương rồi bưng lên nhà trên để nơi
chiếc sập giữa nhà trước cỗ quan tài. Đứng trước mâm cơm người em nói:
-Cha kể:
xưa có một người nghèo hèn phải đi làm mướn nuôi thân, ngày giỗ cha không quên
chỉ còn biết kiếm một cái bát, múc lấy một bát cám lợn rồi đội lên đầu mà khấn
với cha…Cha chỉ mong sau này khi cha đã chết, mỗi lần giỗ nhớ nấu cơm cho ngon,
một nén hương, một bìa đậu phụ, thêm một ít rau luộc là được, suốt đời cha ăn
những thứ đó…
Hai anh
em bưng cơm lên, trên mâm cơm còn một bát cơm với đôi đũa để bên. Người anh đưa
chén cơm lên miệng, mùi cơm thơm mộc mạc. Người anh chảy nước mắt.
Người em
nói:
-Sao anh
khóc?
-Anh nghĩ
tới những ngày xa nhà, lúc về thì cha đã mất…Người anh để bát cơm xuống mâm.
Người em buông đũa và úp cái bát không xuống mâm. Một lúc người em nói với
giọng kể đều đều:
-Có một
câu chuyện cha kể đi kể lại nhiều lần trong hững bữa cơm tối, nó như một câu
chuyện khôi hài, để em kể lại cho anh nghe: Một người cha nói với con: để có ăn
hãy ra đồng làm ruộng. Người con nói chắc gì được ăn mà làm. Người con không ra
đồng. Người cha kiên nhẫn cày ruộng, gieo mạ, cấy lúa, bón phân, làm cỏ, tát
nước cho đến khi lúa chín. Người cha bảo con lúa chín rồi thì hãy ra gặt về mà
ăn. Người con bảo gặt về có chắc được ăn không. Và người con không chịu ra đồng
gặt lúa. Người cha kiên nhẫn gặt lúa, gánh lúa về, đập lúa, phơi lúa, giã gạo
rồi nấu cơm. Khi ngồi xuống ăn cơm, người cha hỏi con: đã chắc ăn chưa? Người
con nói: chưa vào miệng thì chưa chắc. Người cha tức giận đứng lên. Thấy người
cha nổi giận, người con đứng lên bỏ chạy. Người cha cầm lấy đôi đũa cả đuổi
theo. Khi trở về nồi cơm đã bị chó ăn hết. Người con đứng ở ngoài cửa nói đã
chắc đâu…Mỗi khi kể tới đó cha cười lớn và nói: cái ông cha này sao nóng giận
vô lối. Con hư thì phải dạy còn mình thì thấy cái phải làm thì làm thôi. Mình
nhà nông, có làm thì có ăn…cha mẹ sinh con ai dễ sinh lòng…
Một
khoảng lặng. Người anh nhìn bát cơm đầy để trên mâm, cạnh đôi đũa:
-Em có
nghĩ là cha đã không bằng lòng anh?
-Cha nói:
anh sống thay cho cha.
Người anh
im lặng lúc lâu, người anh nhìn vào mặt người em hỏi:
-Còn em?
Người em
út bưng bát cơm còn nguyên trên mâm ăn tiếp, lúc đặt bát xuống người em nói:
-Anh về ở
nhà luôn?
-Anh
không đi đâu nữa.
Người em
đứng lên giọng đầy xúc động:
-Anh về
rồi thì em đi. Lúc trước còn cha, em dù muốn cũng không thể đi được. Ai trông
nom cha lúc về già? Anh đi hẳn anh nghĩ rằng ở nhà đã có em, cuối cùng dù thế
nào cũng có chỗ để trở về. Bây giờ anh đã trở về và em có thể lên đường…
Sau bữa
cơm tối, người em ra ngồi ngoài đầu hiên nhà lấy ống sáo thổi tiếp, người anh
ngồi đựa lưng vào hiên lắng nghe. Đêm qua nhanh. Lúc bình minh vừa hé người em
ra khỏi nhà. Lúc mặt trời lên ở ngọn cau thì người em trở về cùng với những
người họ hàng và dân làng. Mọi người bắt tay khiêng cỗ quan tài trên vai đi ra
cánh đồng. Không có tiếng khóc. Mọi người nói với nhau về người cha lúc còn
sống, những câu chuyện không đầu không đuôi, xen kẽ là những tiếng cười vì câu
chuyện cũ. Người em đi lên phía trước vừa đi vừa thổi sáo. Người anh đi phía
sau cỗ quan tài. Huyệt đào trên thửa ruộng khô màu đất tươi. Cỗ quan tài được
đặt xuống và đất được đổ lên. Người anh lấy bó hương rồi cắm lên ngôi mộ mới.
Người em ngồi trên một bờ ruộng nhìn về phía chân trời. Mọi người đã ra về.
Người anh lại gần người em:
-Bao giờ
em đi?
Người em
đứng lên:
-Sao anh
không giữ em ở lại?
-Em đã
lớn, như ngày xưa lúc anh đi, cha đã không nói gì. Đi hay ở là ở nơi em.
Người em
ra đứng bên mộ cha để sáo lên môi. Người anh nghe thấy một khúc nhạc bi thiết.
Khi nắng đã lên cao, người em cắm ống sáo lên mộ cha rồi cũng trở về với người
anh. Người anh nói khi bước chân vào sân nhà:
-Không
biết lúc em về thì anh còn sống không?
Người em
đứng gần hiên nhà:
-Anh nghĩ
em có thể bỏ nơi này mà đi được sao? Ai cũng bỏ đi cả thì ngôi nhà này ai coi,
ruộng ai cày và những người như anh lấy đâu nơi để trở về?
DƯƠNG NGHIỄM MẬU
Sài Gòn
12/1974