Sunday, June 14, 2020

1625. NGUYỄN ĐỨC SƠN Truyện ngắn Ý TƯỞNG CHIỀU TÀ

Chiều tà - Photo by BB


Hãy cứ nén lại một chút, có gì bực đâu”, nghĩ vậy, Tâm đứng tỳ tay lên cửa sổ toa tàu hạng nhì nhìn bao quát cả khung cảnh bên phải nhà ga. Bên hông trái con tàu mang chàng đến, một đoàn tàu khác vừa khởi hành. Hồi còi của chiếc đầu máy chạy bằng diesel tạo nên âm điệu buồn riêng. Trước kia Tâm tưởng chỉ có thứ còi trang bị trong những chiếc tàu cũ – thứ chạy bằng máy hơi nước – mới có thể gây nên tác động nào đó thấm vào tâm hồn anh. Mỗi khi nghe tiếng còi tàu huýt lên, nhất là vào buổi chiều, tự nhiên Tâm thấy thất vọng và buồn bã mênh mông. Thật vậy tiếng còi đó như là những tiếng nấc, nức nở và thê thiết. Cho nên khi mới nghe tiếng còi của đầu máy chạy diesel lần đầu. Tâm chưng hửng, cụt hứng. Ừ, thì ra Tâm đã ghiền cái giọng buồn bã và thê thiết của tiếng còi những năm xưa. Nhưng không. Sau một thời gian bảy tám năm, Tâm mới chợt thấy rõ tiếng còi mới đã tạo được âm hưởng riêng biệt. Tiếng còi bây giờ ngắn ngủn, nhỏ nhoi, hối hả và lạnh lùng hơn. Vô tình cái giọng của cơ giới đã trùng hợp trạng thái tâm hồn con người thời đại. Mà thật ra cơ giới đã ảnh hưởng đến tâm hồn hay tâm hồn đã chi phối cơ giới? Khó trả lời. Chỉ biết hồi còi bây giờ ngắn ngủn, nhỏ nhoi, lạnh lùng, không muốn ai biết đến và thật ra cũng không ai để ý đến. Hồi còi vô danh và vô nghĩa như thân phận nổi trôi và mong manh của kiếp người được ý thức mãnh liệt ở cái thế kỷ đầy náo loạn và khủng hoảng nhất từ ngàn xưa này. Tâm cảm thấy sầu héo cả một chân trời quá khứ xa, rất xa. Anh chỉ thích nằm xuống, nằm yên, ngủ vùi cho hết những chiều tà còn lại trong đời anh như chiều nay. Anh chỉ muốn đắm chìm trong một khung cảnh êm ái vỗ về của một mái tóc, của một hồ nước, của một đêm trăng. Anh chợt như trông thấy bóng mình lung linh bất động bên hồ nước trong như gương. Lòng anh thiêm thiếp như lá rụng ven bờ. Nằm yên. Nằm yên. Hãy nằm yên thật yên, đồng hóa với cây cỏ và rong rêu. Hãy nằm yên nhé Tâm. Hãy gờn gợn một chút như mặt hồ trong như gương của quá khứ kia. Hãy lao xao nhẹ nhàng như lá rụng ven bờ kia. Rồi rã rời một cách êm ái. Rồi mục nát như rong rêu. Hãy nằm yên, mặc những đoạn tàu rúc nhanh hay rúc chậm, cụt ngủn hay lê thê. Nằm xuống, đó, hạnh phúc chân thật nhất của đời mày. Nằm xuống, đó, căn phần của đời mày. Mày đã đứng lên nhiều phen, vô ích rồi. Bạn mày cũng đã đứng lên, tất cả đều đã và đang ngã xuống rồi. Thu đã bảo mày nằm xuống, Thanh đã bảo mày nằm xuống. Hà đã bảo mày nằm xuống. Và sau chót Nga đã bảo mày nằm xuống. Nhưng những đứa con gái trước kia đã xa tầm tay Tâm. Bây giờ chỉ còn Nga. Tâm cảm thấy mình đã đầu hàng. Tâm cảm thấy mình muốn nhắm mắt, nằm xuống suốt những chiều tà còn lại trong đời. Chàng từ giã đột ngột các bạn, bỏ đứt một chân dạy ở một tư thục mà chàng phải mỏi mắt kiếm được để đáp chuyến tàu suốt Sài Gòn – Đà Lạt lên đây sau khi nhận được thư Nga. Tâm đã quyết định để cho thân thể, trí óc và tâm hồn anh nằm xuống vĩnh viễn. Anh đã cảm thấy rất mạnh sự vô nghĩa cùng cực của tất cả mọi hoạt động, phản kháng và ước ao. Anh đã tính đầu hàng. Sao bây giờ anh không xách hành lý đến nhà Nga ngay? Và nằm xuống. Và chết đi. Và mục rã. Như hồ nước yên lắng muôn năm đằng sau biệt thự của Nga. Sao bây giờ anh còn do dự? “Quái, cái tia nắng.“ Từ nãy giờ thỉnh thoảng Tâm vẫn để ý đến những đợt nắng nhỏ, yếu nhưng sáng vô cùng phía trên đường leo quanh cái đồi trước mắt. Nó cực kỳ quyến rũ anh, dù âm thầm cũng như cái âm thầm của rong rêu bên hồ nước. Vâng, rong rêu của hồ nước chỉ âm thầm kéo anh xuống để nằm luôn, ngủ luôn, suốt một trăm năm, một trăm năm êm đềm mục rã. “Không được”, Tâm nói nhỏ vừa đủ nghe vừa lúc một ánh sáng lóe lên đàng sau óc anh, trong tâm hồn anh, Tâm nhìn người hành khách cuối cùng đã khuất hẳn về phía nhà ga.

Bây giờ sương mù không biết từ dưới đất bay lên, trên trời cao tỏa xuống hay từ đồi núi tung ra. Cả bầu trời mù mịt. Từng đám lãng đãng bay tạt vào cửa sổ khiến Tâm cảm thấy lạnh. Có lúc Tâm rung lên. “Nằm xuống có lý mày ạ.” Tâm nghĩ đến, suýt nói ra thành lời cho mình nghe. Anh châm thuốc hút, mắt vẫn lơ đãng nhìn ra ngoài trời đầy sương khói. Trên con đường dốc phía trước mặt dẫn về trung tâm thành phố mang nhiều âm tính nhất Việt Nam này. Chốc chốc một chiếc xe nhà chạy bắn qua rất nhanh, bỏ lại đằng sau, trong tâm hồn chàng, từng phiến cô đơn hàn lạnh vô danh. Có lúc Tâm tin mình nhìn thấy chiếc xe màu trắng xám của Nga. Chiếc xe hiệu gì anh không để ý gì hết – cũng như không bao giờ anh để ý đến tên một tài tử hay minh tinh quốc tế nào – nhưng Tâm biết chiếc xe thuộc loại đắt tiền và ở đây số người dùng có thể đếm được trên đầu ngón tay. Kiểu xe hoàn toàn thoát khỏi những cái gì lộng lẫy, kiêu sa, phí phạm như phần đông xe Hoa Kỳ. Tuy vậy nó cũng không thể nào rơi vào chỗ cũ kỹ, già nua, nghiêm nhặt và bảo thủ như loại Traction đen của Pháp mà ngày nay một số người đứng tuổi còn dùng. Nó trẻ trung nhưng cô độc. Tâm nghĩ có lẽ nó được chế tạo ra cho những thanh niên và thiếu nữ trí thức, độc thân, sống bằng nghề tự do. Nó chạy rất khỏe và bền. Một linh mục người Ý đã từng cho Tâm biết ông đã dùng loại xe đó để đi qua con đường nhầy nhụa trong mùa mưa từ Ban Mê Thuột về Đà Lạt mà không gặp một khó khăn nào. Tâm không rõ nội vùng Cao Nguyên này có chừng bao nhiêu người sở hữu xe đó. Chắc ít. Nhưng dù sao cũng đến năm bảy người. Thế nhưng không hiểu sao Tâm cứ tin chiếc xe màu xám vừa chạy qua trước mắt anh trên con đường dốc kia là chiếc xe của Nga. “Có thể nào Nga ra đón mình? Mà mình đâu có cho Nga biết ngày mình lên. Hơn nữa theo thư gửi cho mình tháng trước, đây là thời gian Nga phải có mặt ở Di Linh. Nàng sẽ về đó để coi sóc tạm thời cái đồn điền cà phê của ông cha.” Nghĩ lan man một lúc, Tâm rút điếu thuốc thứ nhì rồi thứ ba.

Giữa hoàng hôn, sương mù chợt tan biến. Trên đồi cao trước mắt, ánh nắng thu hết tàn lực nhuốm lên một màu vàng rực rỡ. Thật kỳ lạ. “Nga ơi, anh chưa muốn nằm xuống. Anh chưa muốn rục rã. Anh còn đang chờ mặt trời những buổi sáng sẽ thiêu cháy rong rêu bên hồ nước. Đây chỉ là xứ của hoàng hôn, của nằm xuống, của ngưng đọng và có thể của phiêu diêu.” Tâm mới vừa nghĩ đến đó thì ánh nắng đã hóa ra đục mờ và tan nhanh trong khói đá và sương mù. Trong khắc giây trước đó Tâm đã bắt được gần trọn vẹn một khung cảnh nào xa lắm. Khung cảnh như ở ngoài không gian và thời gian. Êm đềm. Mục rã. Tâm nhìn đăm đăm. Anh muốn giũ lại trong đôi mắt màu trắng rực rỡ kỳ dị kia. Tự nhiên Tâm đau nhói trong tim và nước mắt ứa ra. Tâm biết chỉ trong phút giây cảnh sắc kia sẽ tan biến và không bao giờ hiện ra lần thứ ba trong đời anh. Tâm không dám nhìn lên khu đồi trước mắt nữa. Anh quăng tàn thuốc cuối cùng xuống đường sắt và ngồi thừ xuống chiếc băng nệm bọc nhựa đỏ. Tuy đã thuộc lòng gần hết cái thư Nga gửi cho anh tháng trước ở Sài Gòn – cái thư bảo anh nằm xuống, ngủ yên, suốt những chiều tà còn lại trong đời anh – anh vẫn lấy ra đọc lại. Một đoạn quyết định: “Ngôi biệt thự ở đường Hoa Hường sẽ thuộc hẳn về em. Sau khi ba em chữa bệnh về sẽ trở lại Di Linh rồi lên đây làm giấy cho em. Em đang dọn cái certificat cuối. Dĩ nhiên em sẽ về Sài Gòn thi. Em rất ít đi Sài Gòn nhưng em không thèm Sài Gòn như những con bạn. Sài Gòn nắng gắt. Em không ưa mặt trời. Sài Gòn không có nắng tà. Sài Gòn không có sương mù. En không bao giờ tin rằng mình sẽ ngủ được một đêm sung sướng ở đó. Nhưng được cái là có anh, thiên đàng của Nga, cái thiên đàng sắp di chuyển vĩnh viễn lên xứ của sương mù. Sương mù của trời đất và sương mù của tâm hồn em. Anh thích cái hồ nước ở đằng sau nhà em lắm phải không? Dạo đó anh thường mang cả tấm bảng đen lớn trong nhà mà ra đây dạy em. Anh biết không, em không nghĩ đến những con toán trên bảng mà em chỉ nhìn lén mặt hồ. Nước trong và phẳng như gương. Em mê mệt nhìn bóng hai đứa lung linh, lung linh. Em không vọng tưởng những chân trời nào mà xa như mấy con bạn. Em không thèm những Paris, những Rome, những New York. Em chỉ ao ước nhìn thấy bóng hai đứa bất động trên mặt hồ, cho đến một trăm năm. Một trăm năm bình an và thanh thản như cánh rừng thưa ở đây. Anh, anh, nghe Nga nói đi. Yên nghỉ là chân hạnh phúc của đời người. Có lẽ phần đông con gái đều mơ hồ cảm thấy điều đó. Mọi hoạt động, mọi chống đối – mà anh cho là bản thể của trí thức – rốt cuộc rồi cũng thu về một mục đích duy nhất: nằm xuống, em nghĩ. Vâng em sẽ thi ở Sài Gòn. Em tin đỗ dễ dàng. Xong em sẽ ngoại giao giữ một chân giáo sư ở Yersin hay Couvent. Ba em quen nhiều với ông F., giáo sư của hai lysée đó. Nhưng em sẽ dạy ít giờ thôi. Giờ còn lại trong ngày và trong đời, em nằm xuống, ngủ. Em sẽ đi Pháp, đi Mỹ, đi Đức, đi Nga, đi bất cứ nơi nào có thể đến chơi nhưng em sẽ mang theo hình ảnh thanh bình ngàn năm của hồ nước sau nhà và rồi em cũng sẽ về đó nằm xuống, như rong rêu mát rượi. Anh hãy bỏ học nếu không thích. Mà em mong em bỏ học đi. Một hai chứng chỉ cho đủ, có nghĩa gì. Em không… nuôi được anh suốt đời sao. Mà anh sống nhiều nhất là một trăm năm nữa chứ mấy… chúng mình cứ ngồi yên bất động suốt thời gian đó suốt thời gian đó trên bờ hồ cũng thư thả như thường. Em đi dạy mục đích là để lấp kín khoảng thời gian trong ngày em không nằm xuống thôi. Anh hãy bỏ học nếu thấy rõ không cần thiết gì cả. Cần thiết là anh hãy bỏ những ý nghĩ điên cuồng – em xin lỗi trước – của anh, của anh Thái, anh Phát và một lô bạn anh, thân và không thân. Anh cũng đừng lui tới chỗ anh Huy và anh Ngạn. Hai anh ấy tube nặng lại không thèm trị. Thật quái gở, bạn anh đó. Anh tưởng Nga không biết sao. Không liên lạc với anh, em đã có những con bạn học dưới đó cho biết hết. Thật sự các anh ấy chỉ muốn làm khổ mình và cho người khác. Như mấy vụ bạo động với phong trào gì đó. Và anh nữa, anh cũng có nhúng tay và hăng lắm. Rồi lại còn ra báo văn học nghệ thuật gì đó để gặp bao nhiêu khó khăn và đe dọa bên trong, bên ngoài. À cái anh Huy, thật tệ vô cùng và tệ nhất xóm, anh ấy đã xong Bac II vừa rồi chưa? Thôi em chỉ nói tắt là anh đừng lui tới với họ. Anh hãy dò lại tâm hồn anh đi. Có phải dưới bề mặt cuồng nộ gió bão trong đại dương của tâm hồn, ở đáy sâu tận cùng, nước vẫn không hề lay động, cũng như anh chỉ thích một cuộc đời lặng lẽ với những ngày im bóng…” Đọc đến đó Tâm thấy lạnh cả người. Anh tưởng tượng đến ngôi biệt thự của Nga ở đường Hoa Hường, một con đường vòng, nhỏ, thanh lịch xếp vào hạng nhất ở Đà Lạt ở gần viện Pasteur và chỉ cách nhà ga năm phút tắc-xi là nhiều lắm. Vâng, chỉ cần mười phút là anh sẽ nằm xuống đó, bên hồ nước trong veo, đắm mình trong cái êm ái lười biếng vạn niên của chiều tà. Rồi Nga sẽ từ Di Linh lên. Rồi anh sẽ nằm xuống trọn những buổi chiều tà còn lại của đời anh. Anh nghĩ đến cái sân cỏ hoang vu đây đó thường mọc lên một nhánh lan tím dại rất đậm và êm như nhung. Anh nghĩ đến căn phòng mát rượi đầy tiện nghi của Nga ở trên cao nhìn bao quát xuống đó. Anh nghĩ chiều đến mặt hồ im bóng phía sau, bên gốc thông cổ thụ và hàng cây mimosa thứ lá tròn và dài màu xam xám rất đặc biệt. Anh nghĩ đến cái sân về phía bên phải ngôi nhà với hai cái ghế đá mát lạnh quanh năm, nơi anh đã có lần về đó đọc sách, nghiền ngẫm những tư tưởng của riêng anh trong cuộc đời sôi động, nổi trôi từ khi anh bỏ hẳn gia đình đi vì nhiều nguyên do. Rồi anh lang thang ở Sài Gòn. Rồi định mệnh đưa đẩy anh đến gia đình Nga qua lời rao vặt đăng báo cần một chỗ prescepteur ăn ở luôn Đà Lạt. Anh nhớ đến căn phòng của riêng anh. Nó tình cờ nằm sát dưới phòng Nga. Hồi đó anh có ý nghĩ nghịch tặc. Anh sẽ bắc ghế xoi mỗi ngày chừng một ly mét thôi cái trần nhà phòng anh. Vậy là trong vòng một năm anh đã lọt lên phòng Nga, một đêm nào đó, và hai đứa sẽ không thể rời nhau trên cõi đời này nữa. Là hai đứa sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nhau và cần khổ phải có nhau. Là anh sẽ ở lại đó mãi mãi. Hồi đó, khi vừa bỏ gia đình đi, Tâm chỉ có Bac I và Nga chỉ học lớp 4ef. Tuy đã đi dạy kèm một vài nơi để sống. Tâm không quyến luyến ai như Nga. Không phải vì Nga thông minh hơn những đứa con gái khác. Nga cũng tầm thường nữa. Có điều trong tâm hồn nàng, trong tâm hồn đứa con gái càng lớn lên đó, có một nguồn hạnh phúc cho kẻ nào biết nâng niu. Và nguồn hạnh phúc này thoát ngoài sự giàu sang phú quý và cũng thoát ngoài cái bấp bênh gian nguy của một cuộc đời vô định. Một thứ hạnh phúc không bao giờ chạm phải cái bóng hình của những đau khổ lớn lao trên trần gian dù chính cái đau khổ lớn lao kia vẫn bao trùm lấy nó. Tâm có thể không cần biết cái màn bao phủ kia. Nhưng chắc không khỏi bị ám ảnh. Đó là chỗ khác biệt nói chung giữa bản tính và tâm hồn con trai và con gái, đàn ông và đàn bà, và nhất là của riêng Tâm và Nga. Cho nên nếu ngày nào Tâm sống chung với Nga, từ trong cái hạnh phúc trong như gương. Con mắt và trí óc Tâm nhất định phải nhìn xuyên qua cái màn sương mờ, cái vỏ nhung êm đềm của của hạnh phúc bình yên kia để chạm đến cái đau khổ ngàn kiếp của đời người. Lúc đó chắc chắn anh sẽ đứng lên như anh và các bạn anh đã từng đứng lên ở Sài Gòn này, dù đứng lên rồi loay hoay, tuyệt vọng để có lần Tâm lại mò lên nhà Nga sau vài tháng hay vài năm từ giã. Đã ba lần như thế. Trong thời gian đó Nga đã lớn và không cần người phụ giáo. Nhưng Nga vọng tưởng mãnh liệt ở Tâm. Nàng tin mơ hồ bằng trực giác rằng ngững đầu óc sôi động nhất là những tâm hồn vốn thích nằm xuống nhất, thèm bóng mát nhất, thèm rong rêu nhất. Tâm nhớ mãi lời Nga trong một lần khi anh từ giã Nga về Sài Gòn: “Anh đi, được rồi, em không cản. Em chỉ mong anh trở về khi anh thích. Căn phòng của anh vẫn vô chủ. Có hai chìa khóa, em giữ một, anh một. Thỉnh thoảng một mình em vào đọc sách. Đọc mấy kệ sách văn chương tư tưởng nổi loạn, tấn công và hư vô của anh. Thỉnh thoảng một đứa con gái đến đọc chừng một trang trong những tác phẩm đó cũng thú vị đó chứ? Hơn nữa căn phòng này nhìn ra một cái vue khác phòng em. Đôi khi em thèm cái vue đó. Chứ không phải thèm… anh đâu nhé. Anh cứ về bất thần lúc nào. Khỏi chào ba em, mà ba em cũng ít khi ở đây. Dĩ nhiên là khỏi cần thưa trình với… Nga, chủ nhân một ngày rất gần đây của ngôi biệt thự này. Anh cứ về bất thần lúc nào. Một, hai giờ khuya cũng được. Cà phê trong phòng anh chưa mốc meo đâu dù anh vắng dùng đến hàng chục năm và trở về với râu tóc xồm xoàm. Anh cứ rung chuông cho chị Hai dậy và sửa soạn cơm cho anh dùng. Chị ấy ở khá lâu, trung thành và tốt. Chỉ ngại có con Lou Lou. Sợ nó quên anh chăng? Đó, anh làm sao nói được với con chó hơi điên điên đó thì nói. Nhưng cũng đừng ngại vì ở đây rất gần viện Pasteur!” Dạo đó Tâm đã tính nằm xuống và đầu hàng. “Nga, dù em cứ tin rằng anh chỉ muốn hôn tóc em suốt đời và ngủ trong đó suốt những chiều tà còn lại trong đời anh. Nhưng nắng lên. Mặt trời nhảy múa và mặt trời đau nhức. Anh cũng nhảy múa và anh đau nhức. Anh hân hoan tê điếng và anh tàn rụi bi thương. Làm sao anh nằm xuống an tâm trên trái đất xao dộng và lung lay ngàn đời này. Con gái làm sao trông thấy trái đất này đang quay và nhất là ý thức được sự tuần hoàn kỳ cục kia. Họ chỉ nhìn thấy chu kỳ những hoàng hôn êm ả. Phải. Em nghe kỹ. Con gái không thể nào trông thấy trái đất này đang quay đâu.“ Anh đã trả lời với Nga như vậy. Anh đã trả lời giùm cho các bạn anh, những người bạn có thể chống đối nhau toàn diện trên bất cứ quan điểm chính trị, xã hội, văn nghệ hay đến cả đời sống hàng ngày nói chung nhưng khi gặp nhau và nhận thức chân lý rằng bản chất muôn đời của trí thức là phản kháng, rằng cái trách nhiệm đầu tiên và vinh dự cuối cùng của trí thức, bằng phản ứng tự động mạnh nhất và hết mình. Rồi Tâm lại nửa đùa nửa thật viết cho Nga: “Nga vào phòng anh làm gì. Em có đỗ mười cái tiến sỹ hay thạc sỹ gì đó bản chất của em vẫn là xách giỏ đi chợ. Con gái mà, dù có đỗ mười cái tiến sỹ khoa học hay thiên văn học hay trời đất… học nếu có cũng không thể nào nhìn thấy trái đất này quay đâu. Nga có nhìn thấy trái đất này quay bao giờ không? Nó quay, nó quay, nó quay. Nó quay, nó quay, nó quay khiến anh điên đầu. Em đừng vào phòng anh hay rõ hơn đừng giở những trang sách mà em cho là tấn công là phản đối là hư vô đó. Coi chừng… truyền nhiễm đó. Coi chừng em sẽ thấy trái đất này nó quay, nó quay, nó quay, rồi em không còn muốn xách giỏ đi chợ (một mình hay với chị Hai) nữa và anh sẽ đói. Em hãy hãnh diện như bản tính của em và của những đứa con gái từ cỡ đẹp trung bình lên thượng đỉnh. Hãy hãnh diện đi dù không biết hãnh diện cái gì và hãnh diện với ai. Anh tưởng tượng khi vừa mở mắt chào đời, đứa con gái nào cũng đã bắt đầu hãnh diện ngay. Nằm trong nôi quơ chân quơ tay tầm bậy tầm bạ như đuổi bắt trống không cũng cứ hãnh diện đi, hỡi bé con lớn lên sẽ thành con gái, lớn một chút sẽ thành đàn bà và yêu tinh cùng một lúc. Hỡi con gái, hãy hãnh diện đi. Từ nhà đến trường cũng cứ hãnh diện. Xách giỏ đi chợ cũng hãnh diện. Đi ra đi vô cũng hãnh diện. Dù không bao giờ thấy trái đất này nó quay, nó quay, nó quay. Hãy cứ hãnh diện, hãnh diện, hãnh diện như mặt đất này nó quay, nó quay, nó quay.“ Nghe xong Nga cười ồ lên, vô tư và âu yếm biết bao nhiêu. Tâm cũng không thể nín cười được. Nhiều lúc trong đời Tâm không hiểu anh nói đùa hay thật. Nhưng anh phải suy nghĩ về lời nói của Nga: “Anh khôn hơn em nhiều quá thành anh thua em.“ Nhiều năm trôi qua. Trong lúc Tâm phiêu bạt sống dằn vặt từ vật chất đến tinh thần phải bỏ dở dang việc học – hay đúng hơn việc thi cử – thì Nga đã gần xong cái cử nhân văn chương Pháp. Tâm tự ý cắt đứt mọi liên lạc với Nga, những liên lạc cách khoảng nhưng gần gũi và cột chặt hơn. Có lần suýt đối diện với ông thân của Nga ở Sài Gòn, Tâm cũng lờ đi dù anh thừa biết ông cụ đích thật là một người ưu thời mẫn thế, rất mến chuộng anh, chấp nhận gần hết tính khí của anh mà ông cho là giống tuổi trẻ của ông mà con ông – đứa con gái độc nhất là Nga – không hấp thụ và hun đúc được chút nào. Tâm thì cao ngạo nghĩ rằng tuổi trẻ của ông không thể nào có được nồng độ tha thiết và chán mứa như Tâm. Song Tâm mến ông. Tâm thấy hình như ông cũng thoáng thấy trong tuổi thanh xuân, rằng trái đất nó quay, nó quay, nó quay. Nhưng vì sợ hãi, ông nhắm mắt lại và nằm xuống cho lúc ông hoàn toàn quên rằng trái đất này còn quay. Bây giờ ông chỉ thoáng nhớ rằng ngày xưa có lần ông đã thấy trái đất nó quay, nó quay, nó quay. Nhiều thanh niên thấy trái đất nó quay, nó quay, nó quay. Nhưng họ bị chóng mặt và không muốn nhìn nữa. Họ nằm xuống và quên đi vĩnh viễn. Đó là thân phận nhân loại. Tâm tự thấy mình phải và nên xa cách Nga dù trong thâm tâm, nhất là trong những ngày chán ngán thấy mình đứng trước mọi ngõ cụt của bao nhiêu tư tưởng đã nghiền ngẫm, Tâm chỉ muốn nằm xuống như bao nhiêu thanh niên khác. Tâm chỉ muốn trở về ngôi biệt thự kia, được ngồi xuống ghế đá mát rượi, được thoa mát hai bàn tay lên đó, và để thấy lại một trong những buổi hoàng hôn êm ả nào xa lắm, những đợt nắng vàng rực rỡ chiếu sáng qua đám cỏ hoang vu có điểm một vài cánh hoa tím dại trước nhà.

Phải rồi. Bây giờ Tâm mới bắt được cái khung cảnh thời gian và không gian đặc biệt kia mà anh đã lầm với đợt nắng vàng lúc nãy trên khu đồi phía trước hàng thông lơ thơ. Có lẽ hoàng hôn ở đây không trôi đi, trôi đi. Có lẽ trên thế gian này, có một cái gì, một chút gì, đứng lại, bất động và vĩnh viễn. Heraclite có lẽ chưa nhìn thấy cái đó nên người đã nhỏ lệ xuống dòng nước đang chảy dưới cầu chăng? Tâm bỏ thư Nga vội vào một ngăn da trong chiếc va ly. Anh đứng vụt dậy đến mở toa xe nhìn lên chiếc đồi để tìm lại những đợt nắng vàng rực rỡ như thu hết cả thanh sắc trên trần gian này. Nhưng hết rồi. Sương mù đã bắt đầu trở lại vây kín bầu trời. Mất rồi. Tâm ngồi thừ xuống ghế, cảm thấy tất cả mối sầu vạn niên trên mặt đất này khi hoàng hôn đến. Anh biết chắc chắn rằng ngày mai, ngày kia, hay một ngày nào sẽ đến, dù anh có về đây, ở sân ga này, hay trở lại ngôi biệt thự kia, không bao giờ anh gặp lại khung cảnh thời gian và không gian kia, không bao giờ anh còn nhìn thấy nắng quái hoàng hôn kia nữa. Vậy thì Tâm ơi cái gì đứng lại giữa mọi thứ trôi đi, trôi mãi nếu không là ảo giác kết quả của một tin tưởng mãnh liệt? Vậy thì Hesraclite khóc có lý? Tâm nhắm mắt lại để cố nhìn cho kỹ hình ảnh nắng vàng kia trong tâm thức. Anh đã bất lực. “Phải chăng hạnh phúc giữa mình và Nga cũng chỉ là ảo tưởng?” Bây giờ nếu Tâm đáp tắc-xi đến ngôi biệt thự của Nga, chắc gì Tâm tìm lại được một chút màu nắng kia dù phải đợi bao nhiêu hoàng hôn nhuốm vàng mặt đất này? Chắc gì. Tâm bỗng lo sợ mông lung. Chưa nằm xuống. Chưa nằm trong cái hạnh phúc êm đềm của mái tóc, bàn tay và tâm hồn trung bình của Nga. Chưa. Mới sắp đến gần tấm nhung mềm mại. Nhưng chưa lọt vào trong. Chưa trùm kín người lại. Chưa bao giờ phủ cái đầu và những tác phẩm nổi loạn, tấn công và hư vô của Tâm, chưa gì cả. Chưa gì cả mà Tâm đã thấy một sợi dây vô hình bén nhọn chọc thủng cái màn hạnh phúc kia để chạm đến những khắc khoải vô biên tràn lan khắp nơi, trên cả đợt nắng vàng rực rỡ buổi chiều tà, trên cả sắc thái những đợt nắng vàng rực rỡ đã mất đi trong quá khứ, trong hiện tại vừa mới trôi qua. Tâm, chàng chỉ là một phiến nam châm bệnh hoạn. Phiến nam châm này đã thu hút những mối sầu không có trên trần gian này sao? Mày điên rồi Tâm. Mày điên rồi. Trái đất này nó quay, nó quay, nó quay thì mặc kệ nó chứ. Nó quay một cách ý thức hay một cách vô tri thì mặc kệ nó chứ. Mà làm sao mày thấy nó quay? Mày có té đâu mà sợ. Hàng tỷ nhà cửa và nhân loại trên mặt đất có té đâu. Ngôi biệt thự của Nga và Nga có té đâu. Nó quay thì cứ để mặc nó quay. Mà mày có làm phi hành gia không gian để vọt hẳn ngoài vỏ đất này không mà thấy nó quay? Mày điên rồi. Mày điên rồi Tâm ạ. Tâm ngẫm nghĩ. Rồi anh đắm mình trong cái êm ả và tê nhức của buổi chiều tà vô danh này. “Không, ta chịu là ta điên nhưng không thể nằm xuống. Nga ơi, anh chưa thể nằm xuống với em đâu. Em làm sao hiểu được sự đau khổ kỳ dị của anh. Nga ơi, anh chưa thể nằm xuống. Anh sẽ mất Nga như anh đã mất nhiều Nga như Thu như Thanh như Hà trong những năm anh từ giã Nga mà Nga không biết. Nga, anh vẫn nghĩ là Nga hơn tất cả những đứa con gái kia. Nhưng tất cả con gái đều không thể nào nhìn thấy trái đất này nó quay, nó quay, nó quay, không thể nào thấy đau nhức và phẫn nộ trong một chiều tà êm ả vạn niên với từng đợt nắng nhỏ vô cùng rực rỡ. Rất xin lỗi Nga khi gần đây anh đã gián tiếp và trực tiếp cho biết anh sẽ về, nằm xuống, nằm xuống.” Tâm loay hoay. Cuối cùng anh gục đầu lên trên va ly đã khiêng từ cái kệ trên ngăn sát nóc toa xe xuống dưới băng. Một chút nắng vàng lại lóe lên mang một chút sáng vào toa xe, Tâm đau nhức, y như một bệnh nhân cùi hủi gặp mùa trăng.
“Ai đó?”

Một nhân viên kiểm soát xách chiếc đèn măng sông soi sáng cả toa xe. Ông la lớn như vậy khi thấy bóng người đàn ông độc nhất lù lù trong toa. Tâm bực mình nhưng cũng buồn cười trông thấy nhân viên kia chệnh choạng muốn ngã vì đã qua một cơn sợ mất vía. Bây giờ Tâm mới nhận thấy bóng đêm đã buông xuống từ hồi nào. Anh nhìn ra cửa ngoài toa xe nói lửng một câu như không hay biết gì sự có mặt của nhân viên nọ:
“Trời tối mau quá! Mới đó.”

Nhân viên khó chịu vì thái độ dửng dưng của Tâm. Nhưng khi soi đèn và nhận ra dáng một thanh niên trạc tuổi hăM bảy, hăm tám có vẻ đàng hoàng và không có gì đáng khả nghi, ông ôn tồn bảo Tâm:
“Ông làm ơn cho tôi xem vé. Tàu đến hơn một giờ rồi.”

Tâm không trả lời. Làm bổn phận xong, anh hỏi nhân viên:
“Thưa ông có chuyến tàu nào sắp trở lại Sài Gòn không?”

Hai tiếng “trở lại” thay vì tiếng “đi” cho nhân viên ấy biết ngay trường hợp hành khách này không phải là thông thường. Nhưng đồng thời nhân viên ấy cũng hiểu lờ mờ rằng đó chỉ là một biến cố nội tâm thuộc đời tư và rất cá nhân của người hỏi, không liên lạc gì đến mọi nghi ngờ mà bổn phận của ông trong tình thế lộn xộn đòi hỏi phải biết đến.
“Tàu Sài Gòn đi Đà Lạt và tàu Đà Lạt đi Sài Gòn chứ tại sao phải trở lại?”
“Vâng, tôi dùng chữ sai”, Tâm chịu lỗi ngay.
“Phải đợi đến sáng mai.”
“Tôi có thể ngủ lại đây một đêm.”
“Thật không tiện cho ông. Hơn nữa ở đây không được phép.”
“Tôi vẫn thường ngủ đỗ lại một nhà ga là thường kia mà.”
“Vâng, nhưng phải ở lại trong ga, ngồi hay nằm ở những hàng ghế, thì được. Nhưng không có phép ở lại trong toa.”
“Vậy tôi đi vào trong ga.”
“Xin lỗi tôi chưa nói kịp. Trước đây thì được nhưng mấy ngày nay ở đây tình thế lộn xộn nên hành khách phải chịu thiệt. Nhà chức trách sở tại đã ra thông cáo dán trước sân ga. Ông có thể xem.”
Như đoán được một thoáng nghi ngờ của nhân viên. Tâm rào trước:
“Tôi cảm nặng thình lình. Hơn nữa quên một việc rất quan trọng ở Sài Gòn.”

Tâm đã đứng dậy hẳn. Anh xốc lại quần áo cẩn thận, khoác cái pardessus lên, nấn lại cái cà vạt. Trông đàng hoàng. Tâm bước ra khỏi toa sau khi chào cám ơn nhân viên lấy lệ. “Thôi rồi, mày phải nằm xuống.” Tâm nghĩ như vậy mà mường tượng trong trí khoảng đường đến biệt thự của Nga. Nhưng vài phút sau đó, khi Tâm đi gần đến cửa nhà ga, tiếng nhân viên kêu giựt lại:
“Này ông, hết sức may cho ông. Có một chuyến tàu tốc hành đặc biệt sắp chạy trong chốc lát. Không chở hành khách. Dĩ nhiên không bán vé và chỉ kéo theo một gon sau cái đầu máy diesel. Ông có thể trình bày lý do và trường hợp đặc biệt với trưởng ga và trưởng xa rồi đi ngay. Kìa kìa nó sắp chạy!”

Nhân viên chỉ về hướng phải nhà ga. Những hồi còi diesel vốn ngắn ngủi, cộc lốc, lạnh lùng bây giờ lại càng ngắn ngủi, cộc lốc lạnh lùng hơn. Vì không chở hành khách và đi với một nhiệm vụ khẩn thiết nào đó, nó không cần báo hiệu lôi thôi. Tâm tiến vội vã tới nhân viên ở phía đầu máy để nhờ giới thiệu với trưởng xa không thôi cũng đủ. Không đợi nghe hết câu chuyện, trưởng xa thấy dáng đàng hoàng của Tâm ngoắc tay ra dấu cho chàng bước lên chiếc toa độc nhất không chở hàng hóa gì cả mà chỉ có một phụ khuân vác ngồi trong một góc tối và một nhân viên công vụ đang đứng gần cửa toa.

Chiếc đầu máy diesel rúc rúc một hồi ngắn ngủn nữa và lao mình vào đêm tối. “Thôi vậy là xong!” Bây giờ Tâm nấc lên và muốn bật khóc. Anh cảm thấy hối tiếc như đã tính sai một bài toán quan trọng nhất đời mình. Anh hối tiếc tràn ngập tuy biết rằng nếu ở lại Đà Lạt nằm xuống lần này là anh sẽ nằm luôn, sẽ hối tiếc nhiều hơn trăm lần.

Khi tàu ra khỏi khu vực nhà ga, nhân viên thừa hành công vụ làm quen với Tâm:
“Ông thật may mắn vì đáng lẽ chuyến tàu này khởi hành từ mười lăm phút trước.”

Tâm không biết trả lời sao. Vì anh chưa chắc đó là may hay rủi. Phải về Sài Gòn cắm đầu làm việc. Anh tự nhủ như thế. Còn may hay rủi thì chưa chắc. Tâm đáp lễ:
“Chưa chắc may hay rủi ông ạ!”
“Ông nói sao?” Nhân viên ngạc nhiên nhìn Tâm.
“Tôi nói chưa chắc may hay rủi khi tôi được đi chuyến tàu đặc biệt này.”
“Sao thế?”

Tâm lại bối rối. Thật ra may hay rủi? “Nga ơi.” Tâm kêu vọng lên, nhỏ vừa đủ nghe. Hay đúng ra tiếng kêu chỉ ở trong hồn anh. Anh không rõ nữa. anh thấy như đã thực sự phản bội và lừa dối Nga. “Nga ơi, có thể, rất có thể lắm Nga ạ, là ngày nào kia anh sẽ thống hối khi anh không bao giờ được về ngôi biệt thự của em nữa vì nhiều lý do. Xa mái tóc em, đôi mắt em, hồ nước trong như gương, những đám rong rêu ven hồ và nhất là những chiều tà êm ả vạn niên mà chỉ có khung cảnh nhà em mới tạo nên một cách kỳ ảo, anh sẽ tiếc suốt đời. Nhưng anh không muốn phản bội lý tưởng và con đường của anh, con đường chỉ thỉnh thoảng mới rợp bóng chiều tà, còn hầu hết nó sẽ chạy qua sa mạc rát bỏng nhảy dựng chân, qua đấu trường để chứng kiến giờ khắc uy nghi nhất đời mình, qua dại dương để đón nhận cuồng phong bão táp, qua những đêm trăng hàn lạnh và cô tịch trên một bờ biển hoang vu nào đó để tiếp nhận sự mong manh, vô nghĩa của kiếp người.”
“Sao thế, thưa ông?” Nhân viên lập lại, thái độ săn đón.
“Thưa ông thật sự tôi không biết trả lời sao.”

Vâng, Tâm không chắc chuyến tàu này may hay rủi cho anh. Anh chỉ biết rằng suốt đời chắc không bao giờ Nga biết đến chuyến tàu kỳ cục này. Cũng như Nga làm sao biết được rằng Tâm đã nhìn thấy rất rõ trái đất này nó quay, nó quay, nó quay.

NGUYỄN ĐỨC SƠN
(1937-2020)
Trích từ tuyển tập NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA - NXB Sóng, Sài Gòn, 1973.