Đinh Cường và Nguyễn Đức Sơn - Đại Lào (Bảo Lộc), 2005
Thiệp
ơi, đọc tháng Tư, nhớ về Saigon của bạn
trên blog Nguyễn Xuân Hoàng và bạn hữu …bạn nhắc ở cuối bài, tháng tư vọng lên
câu chửi thề nổi tiếng của thi sĩ Sơn Núi làm tôi nhớ Nguyễn Đức Sơn hỗn danh
Sơn Núi quá, lật những trang trong quyển vở đã ố vàng, tìm lại những câu thơ mà
Sơn đã ghi trong đó, năm 1987, có câu chửi thề nổi tiếng (Ian Bùi đã dịch ra
tiếng Anh rất hay) ghi lại cho đúng như thế này:
Đụ mẹ
Đụ mẹ
Cây bông
Hắn không
Lao động
Ai trồng
Chật chỗ
Mày nhổ
Xem sao
Máu trào
Thiên cổ
Và
bài kế tiếp:
Bông hồng
Bông hồng
Mới nở
Mắc cỡ
Đời hay
Hương sắc
Ai bày
Sáng nay
Ta chết
Từng
câu hai chữ, chữ đầu viết hoa … Sơn Núi rất kỹ và khó tánh, sai một chút là
chàng ta chửi thề. Đọc hai bài trên, nhớ lại tập Du sỹ Ca, tác phẩm thứ mười
một của Nguyễn Đức Sơn, An Tiêm xuất bản năm 1973, có đoạn gần cuối, trang 35:
Địa cầu
Địa cầu
Địa cầu
Rồi đây
Lụi hụi
Tới ngày
Quá vui
Mày tan
Thành bụi
Tro than
Mê man
Mở đùi
Ta khụi
Kẻo rủi
Một mai
Ai tới
Ai lui
Ai chùi
Vắng lặng
mới
thấy thi sĩ là kẻ tiên tri... nói như Rimbaud, địa cầu như càng ngày càng nóng
lên với bao nhiêu trận động đất vừa qua... Cuối tập, tác giả viết: Bài vè này
tưởng đã được hoàn tất giữa một đêm rạng sáng ở nhà, trong một cái lò bánh mì
đốt củi cũ mục bỏ hoang, đột hứng, tác giả đã phóng đại triển khai thêm một nửa
số câu, nằm viết trong nhà đá lởm chởm, nhầy nhụa, chật cứng, bít bùng, chỗ
giam của Quân Cảnh Tư Pháp Bảo Lộc, khuya 25 tháng 8 năm 1972 lúc đã được hốt
từ lao tỉnh qua.
Như
vậy, câu chửi thề mà Thiệp nhớ, với Sơn là dạng một bài vè ghi lại trong một
hoàn cảnh đáng nguyền rủa, ngộp thở... lao động là vinh quang.
Có
nên nhắc lại một ít về Sơn (1) không? Cứ nhớ giọng đọc của Trương Hồng Sơn,
tiến sĩ, làm viêc tại NASA, Maryland, người bạn học cùng lớp với Nguyễn
Đức Sơn thời trung học ở Nha Trang:
Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô
Cùng
học với thầy Nguyễn Đức Nhơn (thân sinh của Nguyễn Đức Sơn) dạy Pháp văn và
thầy Thạch Trung Giả dạy Việt văn, người thầy Sơn rất kính nể.
Trong
thư gửi cha từ Blao đề ngày 19.8.1972 thay lời tựa cho tập thơ Tịnh Khẩu: “… Bởi
con mà có cái tham vọng gì, con một thằng sống bằng lửa tịch mịch, bằng hơi
lạnh thiên thu. đến cả mộng mơ đích thực còn không có, hay chỉ có toàn là mộng
không:
Sáng mênh mông
Sáng mênh mông
Ta đi thơ thẩn trong vườn hồng
Ô bông, ồ mộng, ồ không.
Ba
không thấy sao, chính cái bọn tự cho mình là trượng phu, là kẻ sỹ, lại là bọn
người tha thiết nằm trong cái guồng máy vô tâm, thúc hối cái guồng máy đó
nghiền nát không những bao kẻ phiêu hốt mà luôn cả những kẻ nào còn mang trong
người chút xíu lẽ công bình còn sót lại với trời đất. Vả chăng, thanh minh, bày
tỏ cái gì nữa đối với cái thằng đàn ông đã lê tới và đã đi qua cái đỉnh tịch
mịch khốc liệt chưa từng thấy là con? Ôi cái giọng của con, cái giọng thơ văn
con, mà ngay cả một người đầy tâm huyết và khí phách với bản tính vô cùng thận
trọng là nhà văn hóa đầu bạc phơ Nguyễn Hiến Lê cũng
cho là “khác cả thế hệ này nữa vì cá tính quá đặc biệt”.
Bửu
Ý trong một tự truyện đăng trên Văn năm 1973 đã viết về Sơn là “hình
ảnh của con tê giác, từ tính tình đến cách ăn nói, dáng đi, Húc bừa về phía
trước không kể thiệt hơn, không tính hậu quả. Thêm thù và bớt bạn. Đơn độc quắt queo. Dã man nghiệt ngã. Chỉ thong dong ở chốn không người: rừng và biển …’’
Thật
vậy, không ai đánh đổi cả đời mình với rừng như Sơn Núi. Sơn vẫn ở riết trên
Phương Bối Am từ sau 1975 đến nay (Phương Bối Am là một vùng đồi rộng ở Bảo Lộc
từ Sài Gòn đi quốc lộ 20 lên Đà Lạt, qua cầu Đại Lào, bên tay trái, đi sâu vào
xã Lộc Châu tới con dốc dẫn lên một vùng đồi rộng là Phương bối Am. Thầy Nhất
Hạnh đã xây một thiền thất giữa đồi thông mênh mông, thơ mộng ấy. Sau 1975,
ngôi nhà bị sập, cả vùng đồi tan hoang, chỉ còn lại cái bể cạn lớn, khô nước,
trơ bốn vách tường xi măng). Sơn đã đưa gia đình lên đó, che cái mái tranh,
vách ván, cả nhà chui vào ở. Sơn, Phượng vợ Sơn cùng chín đứa con, bảy trai hai
gái: Thạch, Vân, Thảo, Thuỷ, Không, Lão, Yên, Phương Bối, Tiểu Khê.…”Những
đứa trẻ lớn lên cũng hoang dại như núi rừng, không cách chi sinh sống đươc. nên
tất cả đều lần lượt được gửi vào nương náu nơi cửa chùa. Ngoại trừ Thạch đã có
cuộc sống riêng và cắt đứt liên hệ với gia đình, Thảo nằm kia từ lâu lắm, nấm
mồ chơ vơ trên ngọn đối yên ả mây bay. Vân từ chối cơ hội sang Pháp tu
học, tạm quay về để gom tất cả bốn người em trai, nuôi ăn học lại dưới một mái
nhà tại chân Phương Bối, trong đó Thuỷ đang theo học cao cấp Phật học tại Sài
Gòn. Yên, Không, Lão rời chùa về nhà theo thế học.” (Mùa hạ, về Phương Bối –
Hàm Anh)
Năm
2005, tôi ghé thăm Sơn Núi. Trên đường lên Đà Lạt, Sơn hẹn ở một quán cà phê
quen thuộc bên đường quốc lộ gần cầu Đại Lào rồi đi chiếc xe gắn máy cỡ nhỏ
hướng dẫn về nhà. Bây giờ đường đi đã mở rộng, xe hơi vào đến đậu ở chân đồi.
Trưa im vắng giữa đồi thông xanh lao xao gió, chúng tôi ngồi ăn mâm cơm chay
cùng nhau trên nền xi măng cao bên hông căn chòi nhỏ Sơn ở một mình … Nhà gỗ
bên dốc trái là Phượng ở cùng hai cô con gái út Phương Bối, Tiểu Khê, rất xinh
đẹp, đang học trung học. Tôi còn gặp cháu Yên, người gầy cao giống mẹ, bị chứng
đau mắt nặng, ngồi trong bếp phụ mẹ làm cơm trưa đãi khách. Một buổi trưa thật
cảm động, với buồng chuối sứ Sơn chặt đem vào …khoe tài trồng chuối, trồng mít
của mình ngoài tài trồng cả rừng thông quanh Phương Bối, mà kể lại là cả một
câu chuyện dài …đầy máu và nước mắt về Sơn Núi …
Cũng
vui là những năm gần đây, Sơn Núi đã chịu tiếp các nhà báo, nhà làm phim để
phỏng vấn, viết và quay phim về mình:“Sơn Núi” Lão du sĩ cuối cùng, bài
về mỗi tuần một chân dung của Lê Quang Kết trên Thể Thao & Văn Hóa, số
49,18.6.2002 Trang Phóng sự & Ký sự báo Tuổi Trẻ ngày 6.7.2002 với bài của
Quốc Việt Ẩn sĩ cuối Cùng và đồi thông Phương Bối: …” Vừa nói lão vừa
dẫn tôi lang thang tham quan đồi thông rộng xấp xỉ 30 ha. của mình. Khoảng vài
ngàn ngọn thông lớn nhỏ, nhiều cây cao đã 6 -7 mét. Nhưng rồi ngậm ngùi biết
bao khi lão lần xuống triền đồi và chỉ cho tôi xem hàng ngàn cây thông nhỏ với
những lổ đất trống không xen kẽ khắp nơi. Tôi cứ trồng xuống, nguời ta lại nhổ
lên, rồi tôi lại trồng xuống…Kể về mình, lão đã cười đến chảy nước mắt khi nói
đến độc chiêu để bảo vệ thông. Cứ cây nào ra cành đẹp là lão phéng ngay cành đó
để chặn mấy tay vô tâm chỉ vì một cành ưng ý mà hạ luôn cả cây. Rồi gần đến mùa
Noel lão sẽ châm lửa đốt rừng thông lớn của mình, do thông lớn gặp than lửa sẽ
không chết mà càng cao tốt thêm trong khi những cành bên dưới sẽ xấu đi …”
Sơn
ký tặng tôi CD ghi lại Buổi giao lưu của đoàn phim HTV về tác giả Nguyễn Đức
Sơn với Hải Chuyên, người đẹp dẫn chương trình …, với tôi, thông với thơ là
một. Trong núi thơ có đồi thông. Trong đồi thông có núi thơ. Núi thơ là đồi
thông. Đồi thông là núi thơ. câu mà tôi ghi nhớ nhất của Sơn trong phần trả
lời các câu hỏi …và bài thơ Sơn ghi trên mặt CD:
Ngày mai núi cũ tôi về
Dĩ nhiên hạnh phúc tràn trề em ơi
Thơ bay từ cổ ngút trời
Quanh năm bảo đảm tuyệt vời nước mây
Cớ sao đãng tử bậc thầy
Hỏi ra từ đá tới cây lắc đầu
Sơn
Núi, đãng tử bậc thầy đúng vậy, và nhắc đến bạn là từ đá tới cây lắc đầu thật.
Nhưng sao trong lòng tôi vẫn luôn nghĩ đến một người bạn quý hiếm, đã đánh đổi
cả cuộc đời mình cho Ông Nghệ Thuật, như lời bạn nói.
Virginia, 2010
ĐINH CƯỜNG
(1939-2016)
(1)
Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18 Nov.1937 tại làng Dư Khánh (Thanh Hải) gần bên bờ
biển Ninh Chữ tỉnh Bình Thuận. Học trung học Võ Tánh Nha Trang, Đại học Văn
Khoa Saigon 1967.
Đã
xuất bản 3 tập truyện ngắn Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm 1968), Cái Chuồng
Khỉ (An Tiêm 1969), Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm 1971) và tập Ngồi
Đợi Ngoài Hành Lang chưa in, 11 tập thơ: Bọt Nước (Mặt Đất 1966),
Hoa Cô Độc (Mặt Đất 1965), Lời Ru (Mặt Đất 1966), Đêm Nguyệt Động
(An Tiêm 1967), Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm 1972), hai tập
cuối cùng là Tịnh Khẩu (An Tiêm 1973) và Du Sỹ Ca (An Tiêm 1973).
Bút
hiệu đầu tiên Sao Trên Rừng đã cộng tác với các tạp chí: Bách Khoa, Sáng Tạo,
Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ, Khởi Hành, Văn ….
Truyện
ngắn Ý Tưởng Chiều Tà in trong Những truyện ngắn hay nhất của quê
hương chúng ta.
Bài
thơ tôi thích nhất của Nguyễn Đức Sơn: Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh (trong
Thơ Tự Do Miền Nam, Thư Ấn Quán xuất bản)
Chân dung Nguyễn Đức Sơn - Sơn dầu Đinh Cường (1989