Phác thảo chân dung Nguyễn Đức Sơn - Đinh Cường (2013)
Đầu
thập niên 90, thỉnh thoảng Nguyễn Đức Sơn đi xe đạp từ Bảo Lộc về Đà Lạt. Khó
mà hình dung nổi làm sao anh có thể đạp xe trên một đoạn đường dài như vậy, một
đoạn đường mà nếu đi xe đò cũng phải mất khoảng 3 tiếng. Thế mà anh vẫn đi một
cách bình thường. Hỏi anh đạp xe có mệt không thì anh cười hì hì, “Không mệt,
mà còn khỏe ra”. Nhà tôi ở Đức Trọng, trước khi đến Đà Lạt phải qua chỗ tôi ở,
nên trên đường đi anh thường ghé lại thăm tôi. Lần nào ghé lại anh cũng
mang cho tôi một ít trà do anh trồng . Tôi quí những gói trà đó lắm, vì
đó là tấm lòng của anh. Có khi anh ở lại với tôi một bữa, nhưng phần lớn là chỉ
trò chuyện năm mười phút hoặc nửa tiếng rồi lại tiếp tục cuộc hành trình bằng
chiếc xe đạp mini cọc cạch của mình. Anh ghé lại chỗ tôi có lẽ là do thuận
đường chứ không phải vì mối thân tình, vì anh thuộc lớp đàn anh cả về tuổi đời
lẫn tài năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực văn chương.
Tôi
từng nghe nhiều giai thoại về anh nên mỗi lần gặp anh tôi chú ý quan sát và
lắng nghe để có một cách nhìn riêng của mình về con người thuộc loại
controversial này. Có nhiều ý kiến trái ngược về cá tính và cách sống của
Nguyễn Đức Sơn. Riêng tôi, tôi tôn trọng cá tính và sự chọn lựa trong cách sống
của anh, quí trọng tài năng của anh. Từ những lần tiếp xúc ấy, tôi có thể biết
một chút vế anh: hiền lành, thông minh, đọc nhiều, hiểu rộng, có một trí
nhớ rất tốt, mê đạo Phật, ăn chay trường. Hầu như anh có rất ít nhu cầu
về vật chất. Anh ăn uống rất ít, số giờ ngủ mỗi ngày cũng rất ít. Hôm nào
anh ở lại chơi là Cúc Hoa nói đùa với tôi, “ Chuẩn bị đêm nay thức cùng Nguyễn
Đức Sơn”. Những đêm thức cùng Nguyễn Đức Sơn ấy, tôi nghe anh đọc
một số bài thơ anh viết sau 1975, nghe anh say mê nói về triết lý Phật
Giáo, về Ernest Hemingway, về John Steinbeck. Anh chê John Steinbeck là kẻ bất
tài. Anh kể chuyện về các con của anh, trong đó có một đứa đã ăn lá cây rừng
độc và chết như thế nào. Anh ca ngợi chị Phượng, hiền thê của anh, như
một người phụ nữ tuyệt vời, và anh thường nhắc đến người cha của
mình với sự ngưỡng mộ đặc biệt. Anh kể chuyện anh trồng thông, chuyện anh
chống lại những kẻ lấn chiếm rừng thông của anh . Càng về khuya, anh càng sôi nổi.
Hai ba giờ sáng mà vẫn thấy anh tỉnh táo, không có dấu hiệu gì là mệt mỏi
hay buồn ngủ. Khuya quá, tôi nhắc anh cần phải đi ngủ để có sức ngày mai đạp xe
tiếp, và anh vui vẻ dừng câu chuyện ngay. Sáng ra, chia tay, nhìn bóng anh lầm
lũi đạp xe đi, lòng tôi gợn một nỗi buồn mà tôi cũng không hiểu vì sao mình lại
buồn. Bóng dáng anh và chiếc xe đạp mi ni cũ kỹ sau này ám ảnh tôi trong nhiều
năm.
Bẵng
đi một thời gian lâu tôi không thấy anh ghé lại, cho đến ngày tôi đi Mỹ định cư
cũng không có dịp chào anh. Tôi vẫn nhớ về anh với những đêm gần như thức trắng
và những gói trà tình nghĩa của anh, nhưng không biết cách nào liên lạc.
Gần đây, qua anh Đinh Cường, tôi có được số điện thoại cầm tay của Nguyễn Đức Sơn. Tôi chọn một tối thứ sáu , để bên quê nhà là sáng thứ bảy, gọi về thăm anh.
Điện
thoại bên kia đường dây đổ chuông.
- Vui
lòng cho tôi nói chuyện với anh Nguyễn Đức Sơn.
Một
giọng đàn ông trả lời cộc lốc:
- Lão
đang ngồi trên núi đây.
Đúng
là chàng rồi. Tôi vừa mừng, vừa buồn cười. Vẫn là cái cách nói chuyện rất
Nguyễn Đức Sơn ấy.
- Phạm Cao Hoàng đây anh Sơn ơi.
- Đ.M. Hôm trước có người quen cho tôi số điện thoại của ông, tôi
gọi hoài mà không liên lạc được.
- Chắc là trục trặc sao đó.
Tôi
trò chuyện với anh gần một tiếng đồng hồ. Đúng ra, tôi nghe anh nói là chính.
Vẫn là chuyện trồng thông, chuyện mấy đứa con. Tôi rất muốn nghe anh đọc thơ
nên đề nghị:
- Anh đọc cho nghe một bài thơ của anh đi. Cũ mới gì cũng được.
- Tôi đọc ông nghe bài này, không nhớ là cũ hay mới.
Anh
bắt đầu đọc một bài lục bát nói về tình cảm của anh đối với người cha đã
qua đời. Nghe xong bài thơ, tôi bàng hoàng. . Những bài thơ viết về mẹ thì
nhiều, nhưng viết về cha lại quá ít. Trong số ít ỏi này, theo tôi, bài
thơ Nguyễn Đức Sơn vừa đọc là một tuyệt tác ở đề tài này.
Tôi
đề nghị anh đọc lại để tôi chép. Anh vui vẻ đồng ý, đọc chậm từng câu.
xưa
ông nội đến nơi này
sóng
xanh mơ mộng những ngày thanh niên
sáng
chiều bơi lội như điên
tập
cha vào cõi vô biên một mình
nước
vô mặt mũi lềnh bềnh
cha
gần ngộp thở nên kình lại luôn
bây
giờ biển cũ mênh mông
dẫn
con về thở cũng không kịp rồi
một
ngàn tư tưởng xa xôi
rừng
cao một khoảnh cha ngồi ru con
Tôi
hỏi anh tựa đề bài thơ là gì và viết năm nào. Anh nói không nhớ viết năm nào và
cũng không đặt tựa đề cho bài thơ.
Tâm
trạng của Nguyễn Đức Sơn trong bài thơ cũng là tâm trạng của nhiều người trong
chúng ta.
Hình
ảnh người cha trong bài thơ là một người cha nghiêm khắc, thương con, bắt con
phải khổ công rèn luyện để sau này có thể vững vàng bước chân vào đời.
sáng
chiều bơi lội như điên
tập
cha vào cõi vô biên một mình
“Bơi
lội như điên” và “vào cõi vô biên một mình” là những ẩn dụ, nói đến cái cách
người cha chuẩn bị cho con bước chân vào cuộc đời.
Nhưng
con thì không nhận ra tình thương đó.
nước
vô mặt mũi lềnh bềnh
cha
gần ngộp thở nên kình lại luôn
Trong
hai câu này anh tiếp tục dùng ẩn dụ để mô tả sự vất vả của anh trong thời kỳ đi
học. “Kình” là một từ địa phương thường dùng ở trung bộ và nam trung bộ, đồng
nghĩa với “cự”.Đại khái là cha bắt học nhiều, mệt quá, nên anh cự lại
luôn. Thật ra, tôi không nghĩ là Nguyễn Đức Sơn đã từng kình/cự lại người
cha của mình về việc này, nhưng đây chỉ là một cách để nói rằng khi còn nhỏ anh
đã không hiểu được tình thương của cha . Chữ “kình” anh đưa vào câu thơ này đậm
chất Nguyễn Đức Sơn.
Lớn
lên, nên người, hiểu được , ân hận, thì lúc đó muộn rồi, cha đã
không còn nữa.
bây
giờ biển cũ mênh mông
dẫu
con về thở cũng không kịp rồi
Đây
là hai câu thơ hay nhất của bài thơ. “Biển cũ mênh mông” và “thở” là
những ẩn dụ tuyệt vời. Chỉ có những thi sĩ tài hoa như Nguyễn Đức Sơn mới viết
được những câu thơ xuất thần như vậy.
Bài
chỉ có 10 câu, chặt chẽ và điêu luyện từng câu, từng chữ.
Bây
giờ thì tôi đã hiểu vì sao những lần Nguyễn Đức Sơn nhắc đến người cha của anh
thì anh luôn dành cho ông sự ngưỡng mộ đặc biệt.
Đầu
năm nay, do tuổi cao sức yếu, anh ngã bệnh và qua đời vào ngày 11.6.2020, hưởng
thọ 83 tuổi.
.
PHẠM CAO HOÀNG
Viết lần đầu tháng 2.2012 - Bổ sung: 11.6.2020
___________________________________________
xưa
ông nội đến nơi này
sóng
xanh mơ mộng những ngày thanh niên
sáng
chiều bơi lội như điên
tập
cha vào cõi vô biên một mình
nước
vô mặt mũi lềnh bềnh
cha
gần ngộp thở nên kình lại luôn
bây
giờ biển cũ mênh mông
dẫn
con về thở cũng không kịp rồi
một
ngàn tư tưởng xa xôi
rừng
cao một khoảnh cha ngồi ru con
Nguyễn Đức Sơn
Photo by Nguyễn Hữu, Đại Lào (1988)