Tuesday, May 12, 2020

1577. Phút mong manh giữa những từ Nói chuyện với nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh



Phút mong manh
giữa những từ
Nói chuyện với nhà thơ
Nguyễn Thị Khánh Minh

Nguyễn Thị Khánh Minh - dinhcuong (2013)

Cho đến năm 2019, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã có 12 tập thơ xuất bản, Ngôn Ngữ Xanh là tập gần đây nhất do Văn Học Press xuất bản và phát hành đầu tháng 10/2019 trên Barnes & Noble. Thơ chị cũng xuất hiện thường xuyên trên các trang mạng văn chương, trong và ngoài nước. Nhà thơ Du Tử Lê, khi còn tại thế, đã không ngần ngại nói “Thi Ca và Nguyễn Thị Khánh Minh là một hôn phối lý tưởng.”
   
Nhân dịp tập thơ Ngôn Ngữ Xanh ra mắt độc giả yêu thơ, Việt Báo hân hạnh được chị dành cho ít phút nói đôi ba chuyện, về thi ca cũng như phi thi ca. Dưới đây là nội dung cuộc nói chuyện:

Việt Báo (VB): Bà nhà văn Mỹ Joyce Carol Oates có lần bảo văn chương và mộng mơ có cùng một nguyên do, một động lực thúc đẩy. Thơ chị được nhiều người đánh giá là những giấc mơ, hay giấc chiêm bao. Nhưng không phải những giấc mơ Siêu thực, trôi ra từ tiềm thức hay vô thức, mà từ ý thức, từ một thực tại. Chị nghĩ sao về đánh giá này? Theo chị thì “thơ” và “mơ” có là một không?
Nguyễn Thị Khánh Minh (NTKM): Đúng là thơ tôi luôn được chỉ đường bởi những giấc mơ. Tôi nhìn thực tại, qua lăng kính của mơ, vì sao ư? Thực tại có quá nhiều điều tàn khốc càng lúc càng đẩy con người vào niềm vô vọng. Cũng tại vì tôi quá nhạy cảm với sự đau đớn mà con người gây ra cho nhau về thể xác cũng như tinh thần, nên tôi muốn dùng ánh phản chiếu đẹp đẽ của mơ để khơi dậy niềm hy vọng. Theo tôi, Thơ và Mơ không là một. Cũng chẳng phải là hai. Hans Sachs từng nói “Tất cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những giấc mơ.” Nhân quả qua lại. Mơ là đòn bẩy. Thơ gần như là “phát ngôn viên” của Mơ, việc làm này vô cùng gian nan nhưng cực kỳ quyến rũ. Nhà thơ dùng Thơ, cách khả dĩ nhất để diễn đạt được cái bất-khả-tư-nghị của Mơ, đặt một cái không biên giới vào cái hạn hẹp của ngôn từ, cũng vì vậy đẩy họ bứt phá ngôn ngữ, làm sao để đem cái phi thực huyễn ảo ấy hiển lộ dưới ánh sáng của lời, do tác động qua lại đó nên có thể nói viết văn, làm thơ, là một cuộc đuổi bắt dài. Khởi đi từ Giấc Mơ, nhưng hành trình Thơ là dặm trường sáng tạo, đi tìm Giấc Mơ.
VB: Nguồn hứng khởi cho sáng tác, phần nhiều chị lấy từ đâu? Có phần nào trong đời sống thường nhật không?
NTKM: Có lẽ cái bấm nút đầu tiên kích thích tôi viết là sự mơ mộng. Khi những sự việc trong đời sống hằng ngày va chạm vào những giấc mơ, có khi đến tàn nhẫn, thì làm tôi muốn phải viết cái gì đó, nhưng thay vì chọn cách đánh thẳng vào trọng tâm tôi chọn cách khác, tôi muốn đưa ra hình ảnh một thế giới mà tôi vẫn thường gọi là Cõi Đẹp để khơi gợi niềm mơ ước và đánh động cái ác mà người ta chạm mặt mỗi ngày.
Cái cảm xúc thường xuyên nhận ra những điều ta đang sống, đang có đều rất mong manh, khiến tôi biết sống hơn, biết đón nhận tận tình hơn, những hạnh phúc bình thường trong đời sống hằng ngày, cả đến nắng mưa hoa lá cây cỏ chung quanh, tiếng chim hót sớm, cũng làm thay đổi không ít cách nhìn buồn rầu của tôi về cuộc sống. Chắc do vậy mà các bạn văn gọi tôi nhà thơ “thơ mộng.” Thơ mộng là một trong những định nghĩa của lạc quan. Tôi muốn dùng thơ mộng như một hạt giống lành để cấy trong khu vườn ác mộng.
VB: Thiếu thực phẩm, thiếu tự do, người ta có thể chết. Nhưng thiếu thơ, không ai chết cả. Sự thật là phần nhiều người ta không quan tâm đến thơ. Nhưng theo chị thì thơ đã giúp gì cho đời sống? Hay nói cách khác, đời sống có cần thơ hay không?
NTKM: Những cái chết thể chất người ta có thể nhận biết, thống kê. Nhưng cái chết, cái đói tinh thần thì phải chờ cả một, hai ba thế hệ, một thời gian rất dài, dài lắm, mới biết tác hại kinh khủng của nó trên nền văn minh, trình độ văn hóa, chất lượng sống của một dân tộc, hay nhân loại nói chung. Văn chương, trong đó có Thơ, là một trong những nguồn sống tinh thần đó. Nó bóc trần cái tột cùng xấu, cũng như ca ngợi cái đẹp của xã hội con người, dù bằng cách thế nào thì mục đích của nó vẫn là kiến tạo một Cõi Đẹp. Thơ đảm nhiệm việc ấy vì tự thân Thơ là như thế. Tôi thực sự không thể hình dung một thế giới ngày nay mà xưa kia không có (nói riêng về Thơ) một nền thi ca Đường Thi Trung Hoa, không có Homer, Tagore, Haiku, Lục bát, và những lời thơ dân gian của mọi dân tộc… thì nền văn minh nhân loại đang đứng ở cột mốc nào trên con đường tiến hóa? Văn chương thế giới ngày nay có được diện mạo như vầy không phải ngẫu nhiên tình cờ mà là di sản chập chùng bao đời cha ông để lại, di sản của những giấc mơ, di sản của cảm xúc, đã thử thách trên ngần ấy thời gian kết thành sức mạnh để cầm chân cái ác. Thơ nuôi nấng tâm hồn con người, biết cảm xúc, mối tương quan giữa con người sẽ tốt đẹp hơn, cách cư xử với thiên nhiên sẽ bớt ích kỷ hơn. Có thể người ta không quan tâm đến Thơ, nhưng họ không biết rằng, vô hình trung, sống cùng trong một thế giới họ ít nhiều cũng nhận được những tác động tốt đẹp của Thi Ca lên nếp sống, văn hóa. Tôi có niềm tin quyết liệt vào sức mạnh của văn chương. Thơ tồn tại với loài người bao nhiêu lâu rồi, thưa anh? Tôi tin sẽ còn mãi khi còn con người.
VB: Phải chăng thơ phản ánh tâm hồn người làm thơ? Nghĩa là, thơ và tâm hồn người làm thơ là một, chị có đồng ý với quan điểm này không?
NTKM: Có câu “Văn là người.” Tôi tin như vậy. Nếu khác đi thì điều đó có vẻ như “nhị trùng nhân cách.” Nếu viết điều gì đó không phản ánh đúng điều mình đang cảm thấy, đang suy nghĩ, thì văn chương đó không có lực đánh động được cảm xúc người đọc. Cho dù người sáng tạo thể hiện bằng bất cứ bút pháp nào, ngôn ngữ nào, trường phái nào. Mấu chốt của sáng tạo phải khởi đi từ cảm xúc thật của chính mình, không vay mượn, giả tạo. Nhất là Thơ, khi đọc một câu thơ không viết từ cảm xúc thật, người đọc sẽ trực cảm được ngay, và hầu hết trực cảm ấy là đúng.
VB: Để làm thơ hay, cần những yếu tố gì, theo chị?
NTKM: Gom lại những điều tôi đã nói ở trên thì, Nhà Thơ là một loại người đại diện cho mơ mộng và lạc quan. Mơ mộng nên mới viết. Lạc quan vì, họ rất tin vào điều mình viết. Còn mơ mộng lạc quan thì tràn đầy hy vọng. Và để bảo vệ cho mơ mộng lạc quan hy vọng của mình, phải có sức mạnh của sự cô độc. Theo tôi, để làm thơ cần những đặc tính ấy. Anh hỏi để làm thơ hay ư? Theo anh, thế nào là thơ hay? Rất mong đọc được bài của anh về đề tài này.
VB: Giải Văn chương Toàn quốc của nước Mỹ năm 2019, bộ môn Thơ, về tay thi sĩ Arthur Sze với tập thơ Sight Lines. Theo nhận định của ban xét giải, sở dĩ ông được trao giải là vì “Chữ nghĩa ông đã đi xuyên thấu không-thời-gian để đem lại ý nghĩa sáng tỏ cho những điều cá biệt trong cuộc sống. Qua trí tưởng tượng phong phú, thơ ông là lời cảnh báo thiết thực nhất về mối hiểm họa đang xảy ra trên quả đất chúng ta đang sinh sống.” Theo chị thì các thi sĩ của Việt Nam chúng ta có được tầm vóc như vậy không?
NTKM: Dường như bất cứ thể loại sáng tác nào, văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, các tác giả đều dùng chữ nghĩa, âm thanh, mầu sắc đi xuyên thấu không-thời-gian để biểu lộ điều họ muốn truyền đạt. Nhất là Thơ, đó như là một bút pháp tự nhiên của cảm xúc thơ. Bút pháp hữu hiệu nhất dùng huyễn ảo phi thực để bật ra cái trơ trụi thực tế. Thì cũng là khởi đi từ Mơ! Như Athur Sze, cũng qua lăng kính tưởng tượng ông kiến tạo những hình ảnh cảnh báo về sự hủy diệt. Từ cảm xúc rất thơ mộng về những ngọn tulip xanh đang mọc lên, Sze vẽ ra một Black Center, với tất cả hình ảnh chụp bắt tức thì xô đẩy nhau trong lời thơ tạo nên một bức tranh siêu thực, để nói rằng mớ hỗn độn ấy đang và tiếp tục xảy nếu lúc này không chấn chỉnh lại sự phát triển lệch lạc, phi nhân, ích kỷ. Ông kết một sợi dây mơ mộng ngây thơ của ngọn tulip đang vươn lên (Black Center), hoa mận nở, mùi của ánh sáng (Spring Snow) với hiểm họa khủng bố và hủy diệt sinh thái, khiến thơ ông là một lời cáo buộc mạnh mẽ, mà không đánh mất nét diễm lệ của thơ.
   Đó cũng là cách mà tôi thấy các nhà thơ Việt Nam thể hiện, chỉ khác nhau ở sự liên tưởng, những hình ảnh đối chọi khắc nghiệt đến thế nào để bóc trần được những khác biệt tốt-xấu, an bình-đe dọa, nguy hiểm. Như trong tập thơ Phế Tích Của Ảo Ảnh của Trịnh Y Thư, tôi cũng gặp bút pháp đi qua không-thời-gian này. Đan xen hình ảnh giữa một di sản bi thương, những người bị lãng quên nằm chen chúc dưới đám ruộng, bên cạnh cái nên thơ của hoa lúa, quả ổi xanh và nhịp chày ba, xô lên ký ức thời điêu linh trong hoa lúa, lúa ấy mọc lên từ những thân vùi bị bỏ quên kia. Hình ảnh tương phản ấy có hiệu ứng của một lời kết tội chiến tranh ẩn dưới cái đẹp não nùng của thi ca. Tôi không nói đến tầm vóc, tôi muốn nói một điểm chung của các Nhà Thơ này, họ đều dùng Thơ để kiến tạo Cõi Đẹp.
VB: Chị suy nghĩ gì về hiện tình đất nước Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung?
NTKM: Suy nghĩ về hiện tình đất nước tôi có nói trong bài thơ Chữ S Cong Cong trong tập thơ Đêm, tôi sắp in nay mai. Còn về tình hình thế giới, tôi đã mất sự mơ mộng lạc quan để tin vào Chính Trị. Một trong hai điều tôi sợ hãi là vấn đề sinh thái, như nhà thơ Arthur Sze vậy.
VB: Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã cho độc giả Việt Báo nghe những quan điểm lý thú của chị về Thơ.
NTKM: Cảm ơn Việt Báo đã chọn tôi trong mục nói chuyện kỳ này.

(Nguồn: Việt Báo Weekly).