TRANG CHỦ

Thursday, April 30, 2020

1558. TRẦN HUIỀN ÂN Nhớ một chuyến đi - Nhớ Nguyễn Dương Quang



Trần Huiền Ân
NHỚ MỘT CHUYẾN ĐI –
NHỚ NGUYỄN DƯƠNG QUANG

Nhà thơ Nguyễn Dương Quang (1944-2020) - Photo by Nguyễn Hữu

Mùa hè 1973 tôi và Đỗ Chu Thăng có một chuyến đi ngắn, cho đỡ cuồng chân sau mười tháng quanh quẩn dưới mấy mái trường. Trước hết lên Đà Lạt, gặp Phạm Cao Hoàng, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Tự Cường, Quan San, và Thanh Mỹ - bạn của Hoàng, Phong - nhân viên ngân hàng Đông Phương. Hoàng và Cường chở tôi và Chu Thăng chạy khắp nơi, lên đồi xuống dốc, xem hồ này thác nọ. Có những buổi tối ngồi trên căn gác nhỏ, thật nhỏ mà thật thân tình của Thanh Mỹ, bữa ăn gồm các loại rau củ đặc sản Đà Lạt, màu sắc hồng tím xanh vàng tươi thắm.
Rồi Phạm Cao Hoàng cùng xuống núi, ghé Duồng. Xóm Duồng hơi giống xóm Đông Tác, không gian xam xám, đậm đà hương biển, nghe rõ trong hơi gió có mùi vị cá muối phơi dưới nắng trưa. Nhưng Duồng đủ màu sắc thị thành hơn Đông Tác, từ những căn nhà có tầng gác gỗ san sát hai bên đường đến quán cà phê nhẹ nhàng tiếng nhạc.
Hôm sau, buổi chiều, trên một đoạn đường vào Phan Thiết, thấy có mấy người lính đi bộ, Hoàng nói với tài xế ngừng lại vài phút, viết vội mấy hàng vào mảnh giấy nhỏ, nhờ đưa cho Nguyễn Dương Quang. Chúng tôi ghé nhà Từ Thế Mộng (đã trở về dạy trường Phan Bội Châu), gặp Đài Nguyên Vu.
Sáng ngày, lên căn lều của Hồ Dạ Thoại. Nguyễn Dương Quang kịp vào, cùng một bạn nữa. Căn lều lợp tôn, chiếc bàn thấp đóng bằng gỗ thùng đạn, ghế ngồi là vật dụng gì đủ chắc có thể ngồi lên được. Uống bia lon. Hồi ấy phải dùng một cái “mở” nhọn bấm lên mặt lon bia tạo ra lỗ trống hình tam giác để rót. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Dương Quang và Hồ Dạ Thoại. Rượu vào cũng kha khá, nhưng không có lời ra ồn ào. Nguyễn Dương Quang và Hồ Dạ Thoại đều trầm tĩnh. Hai bạn đọc những bài thơ, khẳng khái mà vương vấn một chút buồn mênh mông, như tâm sự nhiều người đương thời có nỗi niềm tâm sự… Bên ngoài trời nắng gắt, đồng thời gió qua đồi cát làm nhẹ bớt sức nóng. Chúng tôi mả mê chuyện vãn, quên cả nắng và cả gió.
Trên đường về, chúng tôi ghé Phan Rí, đến với Tô Duy Thạch và Huỳnh Hữu Võ. Lại một đêm trong không khí cửa biển. Chia tay Thạch và Võ, Hoàng lên Đà Lạt, Ủng và tôi về Tuy Hòa.
Sau năm 1975, nhận được tin Hồ Dạ Thoại ở Sài Gòn, tôi tìm đến địa chỉ tại đường Nguyễn Thị Nhỏ thì Thoại đã đi nơi khác. Một dịp ra Phan Thiết gặp Từ Thế Mộng. Nguyễn Dương Quang có lần cùng Nguyễn Sông Ba đến Tuy Hòa. Mấy hôm vui vẻ mừng còn bên nhau có Nguyễn Lệ Uyên nữa.
Mùa hè năm 2014 tôi lên Đà Lạt, buổi tối ngồi với Nguyễn Dương Quang ở quán cà phê bên đường Yết Kiêu. Trong vùng ánh sáng lờ mờ, nhìn thấy bức tranh lớn nơi vách quán, tôi nói:
-Kia có phải là chó sói với giàn nho, như trong thơ La Fontaine.
Quang nói:
-Không, anh. Đó là con chồn với cành cà phê đầy trái chín.
Thì ra do con mọt sách ẩn cư trong lòng tôi đã nhìn con chồn thành con sói, trái cà phê thành trái nho.
Lúc đi ở khách sạn thời tiết se se ấm ấm dễ chịu, tôi quên không mặc thêm áo. Ngồi một chặp, lạnh dần dần, rồi lạnh quá, tôi hơi run run. Nguyễn Dương Quang đưa chiếc bê rê cho tôi đội, rồi thấy tôi vẫn lạnh, run thêm nhiều, dù câu chuyện chưa hết, biết lúc nào hết được, nói: Thôi mình về, nếu mai anh còn ở lại, hay một dịp khác…
Đó là lần cuối cùng tôi gặp Nguyễn Dương Quang.
Không lâu sau, vì nghe tôi nói chưa có tập Thơ miền nam trong thời chiến, Nguyễn Dương Quang đã photocopy gởi cho tôi. Và lụm cụm từ Đà Lạt tìm gởi xuống mấy món thuốc nam trị bệnh gút. “Của không phải tơ tóc thì nghĩa so hơn cả nghìn trùng”. Bạn bè thương nhau từ những chuyện thân thiết như vậy. Và những chuyện riêng hiểu với nhau, không tiện nói hết.

TRẦN HUIỀN ÂN
29.4.2020