TRANG CHỦ

Tuesday, April 28, 2020

1549. ALBERTO MORAVIA Truyện ngắn NGÀY NẮNG NÓNG - Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu

Portrait of Alberto Moravia by Renato Guttuso - Oil on canvas, 1982

Alberto Moravia (1907-1990), nhà văn Ý. Căn bệnh lao xương mắc phải từ lúc mới lên 9  khiến Ông không thể tiếp tục đến trường học và chỉ trau dồi kiến thức bằng con đường tự học. Ông còn học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, làm thơ bằng các ngôn ngữ này. Mười chín tuổi, Ông bắt đầu viết tiểu thuyết và ba năm sau,  tự bỏ tiền để xuất bản và nổi tiếng ngay với  tác phẩm  đầu  tay   này ( Những kẻ thờ ơ – Les Indifférents ). Nhng tiểu thuyết tiếp theo cũng được người đọc tán thưởng, trong số đó có cuốn đã được các đạo diễn lừng danh ( Vittorio De Sica, Jean-Luc Godard, Francesco Maselli ) chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh với các minh tinh tài tử hàng đầu : Gina Lollobrigida, Sophia Loren, Jean-Paul Belmondo, Brigitte Bardot . Alberto Moravia cũng thành công vi các truyện ngắn, theo Ông, nghệ thuật của truyện ngắn “ tinh khiết hơn, cơ bản hơn, trữ tình hơn, cô đọng hơn và tuyệt đối hơn, so với tiểu thuyết”.
   Trong truyện ngắn dưới đây, nhân vật vẫn xưng " tôi " như tất cả truyện khác trong tập truyện "Racconti romani "( Những mẩu chuyện thành Rome ), chỉ có khác ở chỗ đây là nhân vật không có lý lịch, không rõ tuổi tác, nghề nghiệp, chứ không rõ rệt là thợ hớt tóc, anh bảo vệ, người ca sĩ, chú lái xe... như trong các truyện khác. Dẫu sao, tất cả vẫn là " tôi ", vẫn là người bình dân ở Rome nghèo nàn, cơ cực những năm sau chiến tranh. Chuyện ngày nắng nóng vẽ ra những lát cắt chân thực của cuộc sống, vừa bi thương vừa hài hước, với cái kết lửng lơ, đủ để người đọc thắc mắc, chuyện thật hay chuyện đùa đây? Cần nói thêm là nhan đề truyện trong nguyên tác Alberto Moravia viết là " Scherzi del caldo " ( Chuyện đùa ngày nắng ), còn nhan đề Jour de chaleur  ( bỏ mất ý chuyện đùa ) là của dịch giả Claude Poncet trong tác phẩm dịch Nouvelles romaines.


      Khi mùa hè tới, có lẽ vì tôi còn trẻ và chưa hoàn toàn sẵn sàng cho vai trò làm người chồng và người cha của gia đình nên tôi luôn muốn bỏ nhà đi đâu đó.
      Mùa hè, nhà giàu đóng  cửa sổ từ sáng, hơi mát ban đêm còn vương lại trong những căn phòng tối, rộng rãi, bên trong , gương, sàn đá cẩm thạch và đồ gỗ bóng lộn trong ánh sáng mờ. Mọi thứ đều đặt đúng chỗ, mọi thứ đều sạch sẽ, ngăn nắp, tinh tươm, ngay cả bầu không khí im lặng cũng là thứ im lặng mát mẻ, lan toả, làm cho thư thái.
      Nếu khát nước ư? Người ta sẽ  mang tới  trong khay một thức uống ướp lạnh ngon lành, cam hoặc chanh, vắt trong một ly pha lê với những cục đá nhỏ, lắc nhẹ sẽ nghe tiếng kêu lanh canh vui tai mà nghe tiếng kêu cũng đã thấy mát.
      Nhưng ở nhà người nghèo thì khác. Ngay những ngày nóng đầu tiên,  cái nóng đã chui vào trong những căn phòng ngột ngạt và không chịu thoát ra. Nếu muốn uống ở vòi trong bếp, nước chảy ra nóng hổi như nước canh. Không thể đi lại ở trong nhà, hình như tất cả bàn ghế, quần áo, bát đĩa, mọi thứ đều căng lên và không còn chỗ để thở nữa. Mọi người đều chỉ mặc sơ mi nhưng áo nào cũng bẩn và có mùi. Nếu đóng cửa sổ thì dễ chết ngạt vì không khí ban đêm không thể làm mát hai, ba căn phòng có tới sáu nhân mạng nằm ngủ bên trong. Còn nếu mở cửa thì nắng ngập nhà đến nỗi tưởng như đang ở ngoài đường với đủ thứ mùi: nhựa khét, mồ hôi và bụi bặm. Nóng lên, con người cũng thay đổi, ưa gây gổ cãi cọ, nếu là người giàu sẽ tách ra, chỉ việc lánh vào cuối nhà, chui vô hai hay ba căn phòng bên trong. Còn người nghèo trái lại phải chúi đầu vào dĩa thức ăn đầy mỡ hay ly nước cáu bẩn, hoặc là bỏ đi hẳn khỏi nhà.
      Một lần nóng nực như thế, sau khi cãi nhau một trận với cả nhà - với vợ tôi vì món xúp mặn và nóng quá, với em rể vì nó bênh vực vợ tôi mà theo tôi nó không có quyền vì nó đang thất nghiệp và đang ăn bám, với cô em vợ vì cô ta đứng về phía tôi ( tôi bực chuyện đó vì cô ta vốn mê tôi nên õng ẹo thế thôi ), với mẹ tôi vì bà cố xoa dịu tôi, với ông bố vì ông chống đối chỉ muốn để yên cho ông ăn, với cả con gái tôi nữa vì nó oà lên khóc - tôi vùng dậy, vớ lấy cái áo khoác vắt ở lưng ghế dựa và tuyên bố: " Các người có biết không? .. Tôi chán hết các người đó. Hẹn tháng mười gặp lại khi mát trời..." Và tôi đi ra. Cô vợ nhỏ bé tội nghiệp của tôi từ nơi cầu thang kêu với theo rằng còn món sà lách với dưa chuột mà tôi vẫn thích. Tôi trả lời nàng cứ ăn phần tôi đi, rồi bước ra đường.
      Nhà chúng tôi ở trên đường Ostiense. Tôi băng qua đường và đi về phía cầu sắt cạnh cảng sông Rome.  Hai giờ chiều, thời khắc nóng nhất trong ngày. Bầu trời nóng gắt, nhợt nhạt, tối đen đến nhức mắt. Ra đến cảng, tôi tựa vào chắn song kim loại nóng bỏng tay. Dòng sông Tibre, bóp lại giữa những bờ, nước đục ngàu trông giống như một cống rảnh ở cuối những bức tường nghiêng. Chiếc bình ga, giống bộ xương còn lại sau trận hoả hoạn, những chiếc lò cao của những nhà máy khí đốt, những ngọn tháp ủ cây cành, những ống dẫn dầu, những mái nhọn của nhà máy nhiệt điện che khuất chân trời khiến tưởng như đang ở một thành phố công nghiệp nào đó trên miền Bắc chứ không phải ở Rome. Tôi đứng nhìn con sông Tibre hẹp và vàng đục một lát, có những chiếc sà lan chở những bao xi măng cặp trên bến tàu, tôi thấy nực cười khi nghĩ đến cái cống rãnh này mà cũng được gọi là cảng, giống như cảng Gênes hay Naples với bao nhiêu tàu lớn ngược xuôi! Nếu tôi thực sự muốn đi xa, tôi cũng có thể xuất phát từ cảng này đi tới Fiumicino kịp để vừa ăn cá rán vừa ngắm biển.
      Cuối cùng, tôi bước ra, băng qua cầu đi về hướng khu đất nằm ở bờ bên kia sông Tibre. Tuy ở gần đây, tôi chưa bao giờ đặt chân đến chỗ này. Trước tiên, tôi đi theo con đường nhựa chạy giữa những cánh đồng trơ trụi thỉnh thoảng có những đống rác, rồi đường nhựa biến thành con đường đất, đống rác chất cao gần như là những ngọn đồi. Tôi tưởng mình đã tới chỗ tất cả rác rưởi ở Rome đều đem đổ ở đây, không một cọng cỏ, chỉ có giấy loại, hộp rỉ sét, lõi rau xanh, đồ phế thải, tất cả thứ đó trong ánh nắng chói chan và mùi chua của vật thối rửa. Tôi cảm thấy mất phương hướng, lạc loài, chẳng muốn đi tới cũng không lùi trở lại. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng " suỵt.. suỵt.. " như có ai gọi chó.
      Con vật nào đấy? Ở đâu? Tôi quay lại: chẳng thấy con chó nào, tuy nơi có nhiều đồ ăn thừa như thế này thường có nhiều chó hoang.  Như vậy là có ai gọi tôi, và tôi nhìn về phía có tiếng nói. Tôi nhìn thấy một cái lều nhỏ tựa trên một đống vôi gạch đổ nát, trước đây tôi chưa hề thấy, xiêu vẹo, lợp mái tôn gợn sóng. Một bé gái chừng 8 tuổi đứng ở cửa và ra dấu cho tôi vào. Tôi nhìn nó: mặt tái mét, dơ bẩn, mắt có quầng thâm, giống phụ nữ. Tóc dính đầy cọng rơm, lông và bụi làm cho cái đầu nó to ra, xù lên như tổ chim. Còn quần áo của nó: chỉ là một cái bao gai chọc thủng bốn lỗ: hai lỗ để cho tay, hai lỗ cho chân. Nó gọi khi tôi quay lại:
      - Ông là bác sĩ phải không?      
      - Không, tôi trả lời. Nhưng có chuyện gì? Cháu cần bác sĩ à? 
      - Vì nếu ông là bác sĩ xin mời ông vào. Mẹ cháu đau.
      Tôi không muốn giải thích mình không phải là bác sĩ, cứ bước vào trong lều.  Đầu tiên tôi ngỡ là mình đang ở trong một cửa hàng đồ phế thải như ở Campo di Fiori. Mọi thứ đều treo trên trần: quần áo, tất vớ, giày dép, soong nồi, giẻ rách. Rồi tôi hiểu ngay vì nhà không có tủ nên mọi thứ của nả trong nhà đều đem móc trên  đinh hết.
      Cúi lom khom dưới những thứ treo lủng lẳng này, tôi nhìn hai bên để tìm bà mẹ, con bé rón rén đưa tay chỉ một đống quần áo trong góc. Tôi cứ nhìn kỹ hơn và thấy là cái đống dị dạng đó đang nhìn tôi bằng một con mắt sáng quắc, còn mắt kia bị mớ tóc che khuất. Tôi thấy bất ngờ vì cảnh tượng này, cứ tưởng là một bà già nhưng  thực ra, người này đang còn trẻ. Nhìn thấy tôi bà ta nói:
      - Thế nào? Nếu chưa chết thì rồi ra thế nào cũng có ngày gặp lại nhau.
      Con bé phá lên cười, như thể sẽ diễn ra một tiết mục khôi hài, rồi ngồi xuống chơi với mấy đồ hộp cũ.
      - Nhưng tôi không biết chị, tôi nói, chị đau gì vậy? Và cháu bé này là con của chị?
      - Tất nhiên rồi, và cũng là con anh nữa!
      Con bé cúi đầu và lại bật cười lần nữa. Tôi nghĩ bà ta nói đùa.
      - Có thể là con tôi, nhưng đúng hơn là con một người nào khác.
      - Không, bà nhấc người lên và chỉ tay vào tôi, nó là con anh, chính xác con anh, đồ tồi, đồ lừa lọc, đồ hèn nhát, vô tích sự.
      Con bé cười khoái chí, có vẻ đã chờ đợi những lời nhiếc móc này. Tôi bất bình:
      - Chị có kiểu ăn nói lạ thiệt... Tôi đã bảo tôi không quen biết chị.
      - À, anh không biết tôi, anh không biết tôi, thế mà anh trở về, nếu anh không quen biết tôi làm sao anh tìm được đường về nhà!
      - Đồ hèn nhát, vô tích sự, con bé hát thêm vào.
      Tôi toát cả mồ hôi, phần vì cái nóng ngột ngạt, phần vì lo lắng.
      - Tôi tình cờ qua đây thôi.
      - Ờ, được rồi, thằng khốn! ( Bà quay sang con bé và ra lệnh ). Đưa cái túi đây!
      Con bé nhanh nhẹn chạy đến gỡ trên trần nhà một cái túi bằng nhung đen, rách bẩn, đem đưa cho bà. Bà mở ra, lấy một tờ giấy:
      - Giấy hôn thú của chúng ta đây này. Priotetti Eloira kết hôn với Rapelli Ernesto...Anh còn chối nữa không Rapelli Ernesto?
       Và tên tôi đúng là Ernesto! Tôi ngạc nhiên và bối rối nói:
      - Nhưng họ tôi không phải Rapelli.
      - Không phải à?
      Con bé lại hát : Ernesto, Ernesto... Người đàn bà đứng dậy. Tôi đã đoán đúng. Tuy tóc đã bạc, mặt nhiều nếp nhăn, răng rụng hết nhưng có thể nói bà ta chưa đến 30 tuổi.
      - Sao? Anh không phải là Rapelli? Bà chống tay lên háng, đến nhìn sát mặt tôi rồi hét: Anh là Rapelli, trước mặt Chúa, trước loài người, anh chính là Rapelli.
      - Thôi được, tôi biết chị không được khoẻ, xin phép, tôi đi đây.
      - Từ từ đã, làm gì mà vội thế. ( Trong lúc đó, con bé nhảy nhót quanh chúng tôi, lộ vẻ mừng rỡ.) Người phụ nữ nói tiếp, tức giận:
Ernesto, chàng Ernesto vĩ đại, người đã bỏ rơi vợ và đi khỏi nhà chẳng lộ tung tích gì cả năm nay rồi. Anh có biết tôi và con nhóc này sống như thế nào một năm nay vắng anh không?
      - Tôi không biết, tôi vụt nói, tôi không cần biết, để tôi đi.
      - Mày nói cho ông biết đi, bà quát con bé. Mày nói chúng ta sống nhờ vào đâu! Nói cho ba mày biết đi!
      - Nhờ của bố thí! Con bé vui vẻ nói, giọng vang lên, và đến lượt nó chạy đến nhìn sát mặt tôi.
      Thú thật là tôi bắt đầu cảm thấy bối rối. Bao nhiêu sự trùng hợp: cái tên Ernesto, việc tôi bỏ nhà ra đi, tôi cũng có vợ và một con gái, tôi có cảm tưởng không còn là chính mình nữa, đồng thời lại là một người nào khác.
      Tuy nhiên, người phụ nữ thấy tôi hoảng hốt lại gào lên:

      - Anh có biết điều gì chờ đợi người ruồng bỏ vợ con không? Nhà tù, hiểu chưa,    tên vô lại, nhà tù!
      Lần này, tôi thấy sợ, tôi lặng lẽ quay về phía cửa định thoát ra. Nhưng từ nơi ngưỡng cửa, có người đang đứng nhìn chúng tôi: một người đàn bà thấp nhỏ, lanh lẹ, ăn mặc nghèo nàn mà sạch sẽ. Thấy tôi hoảng loạn, chị ấy bảo:
      - Đừng nghe cô ấy. Cô cứ có ý nghĩ nhận là chồng bất cứ người đàn ông nào. Và đứa con gái láu cá cố tình lôi kéo khách qua đường vào nhà nghe bà mẹ la hét nổi cơn điên để làm trò vui. Tao tóm lấy mày bây giờ, con nhãi ranh. Chị phác cử chỉ như muốn tát tai con bé nhưng nó nhanh hơn đã chạy thoát và nhảy cỡn quanh tôi, luôn mồm nói:
      - Vậy mà ông đã tin, thú nhận đi, ông đã tin và ông sợ, sợ, sợ...
      Người đàn bà nhẹ nhàng nói:
      - Elvira, người này không phải là chồng chị.
      Ngay lập tức, chừng như đã tin chắc, Elvira lại quay về thu mình trong góc. Khỏi bận tâm về tôi nữa, người đàn bà tiến về cuối lều lật những hòn than trên lò.
      - Tôi nấu nướng cho hai mẹ con này ăn đó, chị giải thích, đúng là họ sống nhờ của bố thí, nhưng chồng chị ấy không bỏ chị đi, ông ấy chết rồi.
      Với tôi vậy là đủ rồi. Tôi rút ví lấy tờ 100 lia đưa cho con bé, nó cầm lấy chẳng nói cám ơn. Tôi đi ra và đi ngược lại lộ trình đã qua: con đường đất, con đường trải nhựa rồi qua cầu và trở lại đường Ostiense. Về nhà, so với cái nóng của căn lều ban nãy, tôi thấy mát mẻ như đang đi vào một hang động. Thật ra tuy bàn ghế trong nhà còn sơ sài nhưng chúng có giá trị gấp nhiều lần những cái đinh móc đủ thứ của những người bất hạnh kia. Trong bếp, chén dĩa dọn ăn đã cất đi hết nhưng vợ tôi đang đi lấy món xà lách dưa chuột nàng để dành cho tôi, tôi vừa ăn với bánh mì vừa nhìn nàng đứng rửa chén bát. Ăn xong tôi đứng dậy, bất ngờ hôn vào cổ nàng. Chúng tôi dàn hoà với nhau vậy đó.
      Ít hôm sau, tôi kể hết cho vợ nghe câu chuyện cái lều và quyết định trở lại nơi đó để xem có thể giúp gì cho con bé được không. Từ nay tôi khỏi phải sợ bị nhận lầm là Ernesto Rapelli nữa rồi. Vậy mà, có tin được không? Tôi không hề thấy cái lều ở đâu, cũng không thấy người đàn bà, con bé và người phụ nữ nuôi ăn hai người kia nữa. Suốt một tiếng đồng hồ, tôi đi quanh những đống rác rồi tiu nghỉu trở về nhà. Lúc đó tôi nghĩ là mình lạc đường. Còn vợ tôi, ngược lại, cho rằng tôi  định bỏ nàng sau đó thấy hối hận nên bịa ra chuyện đó thôi.
  
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu 
( Từ bản tiếng Pháp của Claude Poncet
Jour de chaleurtrong Nouvelles romaines.
Nhà xuất bản Flammarion, 1982. )