Monday, April 13, 2020

1531. GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ Chết lần thứ ba - Bản dịch của Trịnh Y Thư

Gabriel García Márquez [1927-2014], Nobel Văn chương 1972

Dịch COVID-19, tôi thường xuyên nghĩ đến cái chết, lý do dễ hiểu, có quá nhiều người chết xung quanh. Nhìn bức ảnh chụp những chiếc quan tài màu trắng nằm xếp lớp, chen chúc trong một mồ chôn tập thể, có các nhân viên mặc áo bảo hộ trắng từ đầu đến chân, lấp đất, chắc bạn cũng như tôi, chẳng thể nào che giấu được sự mất mát to lớn trong lòng, sự hoang mang về tương lai loài người, sự mong manh của kiếp người, sự khiếp hãi của đời sống… Tin tức dồn dập từng giờ, từng ngày, bao nhiêu người bị dương tính, bao nhiêu người chết, tất cả như trong ác mộng, không thể nào tin được cái gì đang thật sự xảy ra trên thế giới, đang diễn ra trước mắt mình.
    
Cái chết sao dễ dàng thế, chết như mơ, chết như đang làm một chuyến du hành. (Thực sự là một chuyến du hành về bên kia thế giới.) Chứng kiến những cái chết như thế, để trấn át cảm giác hãi hùng, hoang mang ghê rợn, có thể bạn tìm đến đức tin tôn giáo. Tốt thôi. Tôi hiểu sức mạnh tâm linh có thể giúp người ta bước qua cơn hoạn nạn. Hoặc có thể bạn vào phòng làm tình với vợ, với người yêu. Cũng tốt thôi. Tôi hiểu khi bất an, người ta cần đi sâu vào nhau tìm chút hơi ấm của vỗ về, an ủi, để khơi dòng nước tắc nghẽn nơi sông cạn cho nó chảy chan hòa ra biển cả mênh mông. Hoặc có thể bạn nốc hết chai Macallan rồi gục xuống sô pha mà ngủ. Vẫn tốt thôi. Tôi biết những biến động kinh hoàng xung quanh tác động sâu sắc lên tâm hồn mẫn cảm, dễ bi lụy của bạn, và bạn đành tìm quên trong men rượu. Kỳ thực bạn có thể làm bất cứ điều gì khả dĩ giúp bạn vượt qua cơn khó này. Riêng tôi, tôi tìm đến văn chương.
    
Lại kệ sách tôi lấy xuống tập truyện ngắn của Gabriel García Márquez. Đọc đã lâu, nhưng tôi nhớ trong đó có vài ba truyện ngắn Márquez viết về cái chết.
    
Hiếm có nhà văn nào viết về cái chết như Márquez. Khí hậu “Hiện thực Huyền ảo” đã khiến ông có thể viết những điều mà một ngòi bút “Hiện thực Tả chân” không thể nào làm nổi: Đi vào phần sâu thẳm nhất của bản ngã và kiếp người để trực diện cái kinh khiếp nhất. Cái chết. Trực diện để thấy rằng đời sống vẫn đáng sống, để thấy tôi và bạn là những kẻ may mắn vì chúng ta vẫn còn trông thấy mặt nhau. Và nhất là để sống sao cho xứng đáng, một điều cực kỳ khó khăn cho con người chúng ta.
    
Tôi mất ba hôm để dịch thiên truyện này, xin chia sẻ với bạn, mong bạn an lành trong mùa đại dịch.  – Trịnh Y Thư.


Lại cái âm thanh ấy. Âm thanh nhức óc, lạnh lẽo hắn đã nghe rất nhiều lần; nhưng không hiểu vì sao lần này hắn thấy có cái gì chói lói và đau đớn, như thể chỉ qua đêm hắn không còn nhớ gì cái âm thanh ấy nữa.
    
Nó quay mòng mòng bên trong não bộ trống trơn của hắn, âm u và nhức buốt. Một cái tổ ong giữa bốn bức tường hộp sọ. Mỗi lần quay một vòng, cái âm thanh chói lói ấy như tăng lên một bậc, toàn thân hắn vật vã, những đốt xương sống co giật liên hồi, không cùng nhịp với những phần khác trong cơ thể. Có cái gì đó không chịu hội nhập với xương thịt con người hắn, cái gì bình thường “vào những thời điểm khác” và giờ đây hắn có cảm tưởng như có bàn tay xương xẩu không tí da thịt đang nện những nhát búa khô khan, chí tử trong đầu hắn, nó làm hắn nhớ đến tất cả những cảm giác cay đắng của cuộc đời. Một xung lực súc vật bốc lên khiến hắn như muốn nắm chặt đấm tay và bóp mạnh hai thái dương đang nổi cộm những đường gân xanh tím vì cơn đau hành hạ. Hắn muốn thò đôi bàn tay nhạy cảm của mình để chụp bắt cái âm thanh quái dị như có kẻ đóng mũi đinh nhọn xuyên thủng hộp sọ hắn. Hình ảnh một con mèo khiến cơ bắp trên người hắn co thắt không tự chủ được lúc hắn tưởng tượng ra cảnh con mèo đang chạy đuổi bên trong cái đầu nóng bừng đau nhức như lên cơn sốt nặng. Nhưng hắn không thể bắt con mèo. Không. Bộ lông của âm thanh trơn tuột, gần như chẳng va chạm vào được. Nhưng với tất cả sức mạnh vì đã quá tuyệt vọng, hắn dự mưu thủ sẵn để chụp giữ nó lại thật chặt, thật lâu. Hắn sẽ không cho phép nó chui vào tai mình nữa, không cho nó đi ra từ miệng, từ từng lỗ chân lông, hay từ đôi mắt. Đôi mắt mù, con ngươi lộn ngược, mỗi lần âm thanh từ đó thoát ra, nhưng vẫn dõi nhìn theo đường bay của nó vọng lại từ khoảng tối mịt mùng vỡ vụn. Hắn sẽ không để cái âm thanh ghê rợn như kính vỡ, buốt giá như sao băng kia nện từng hồi liên tục vào hộp sọ hắn. Cái âm thanh là như thế: liên hồi không dứt, như một đứa trẻ đập đầu vào tường xi măng đặc cứng. Như những cú nện thật mạnh vào cái gì cứng nhất của thiên nhiên. Nếu hắn có thể nhốt nó lại trong một vòng tròn, cách ly nó, thì chắc nó sẽ không làm hắn đớn đau khổ sở nữa. Cắt cái hình dạng luôn biến đổi ra khỏi bóng nó. Chụp giữ lấy nó. Bóp nghẹt nó, vâng, một lần rồi thôi. Ném nó xuống vệ đường với tất cả sức mạnh bình sinh rồi lấy bàn chân dí lên nó một cách hung tợn cho đến khi hắn có thể bảo, trong lúc thở hổn hển, rằng hắn đã diệt trừ được cái âm thanh làm hắn khổ sở, cái âm thanh làm hắn nổi điên, và giờ đây nó nằm bẹp dí dưới mặt đất như một món vật tầm thường, chết ngắt.
    
Thế nhưng ngay cả lấy tay bóp thái dương, hắn cũng chẳng thể nào làm nổi. Hai cánh tay hắn từ lâu đã co rút lại và giờ đây là tay một người lùn: ngắn ngủn, phù lên toàn mỡ. Hắn cố gắng lắc đầu. Lắc. Nhưng hình như càng lắc âm thanh càng gia tăng cường độ bên trong hộp sọ, cái hộp sọ trở nên rắn chắc lạ thường, to ra, và như bị trì xuống nặng hơn bởi sức hút của trọng trường. Âm thanh ghê rợn, nặng nề và mạnh bạo. Nặng nề và mạnh bạo đến nỗi giả như hắn chụp bắt và đập chết được nó thì hắn có cảm tưởng như ngắt một đóa hoa từ một cành hoa bằng chì.
    
Hắn đã từng nghe thứ âm thanh dai dẳng ấy “vào những thời điểm khác.” Thí dụ vào hôm hắn chết lần đầu. Đó là lúc – khi hắn trông thấy cái xác chết – hắn nhận ra đó là xác chết của chính mình. Hắn nhìn cái xác, thò tay ra sờ. Nhưng hắn không có cảm giác đang bị sờ mó, nó hoàn toàn trống rỗng, không hiện hữu. Quả thật hắn là một xác chết và hắn cảm thấy cái chết đang tới với thân xác tuy còn trẻ nhưng bệnh hoạn của hắn. Không khí bên trong căn nhà đông cứng, như thể có xi măng đổ vào đầy kín, và ngay chính giữa khối xi măng – mọi đồ vật trong nhà vẫn nằm yên vị như khi còn là không khí – hắn nằm đó, chỉn chu, gọn ghẽ trong một cái quan tài cũng bằng xi măng cứng nhưng vô hình, trong suốt. Lúc đó hắn đã nghe thấy cái “âm thanh” này trong đầu rồi. Gót chân hắn, ôi sao lạnh giá, khoảng cách từ đôi bàn chân đến đầu kia quan tài, ôi sao xa cách. Dưới chân hắn, người ta đặt một chiếc gối, bởi thân xác bé bỏng của hắn lọt thỏm trong quan tài, họ đã phải dùng vải vóc bày biện bên trong cho đầy đặn trông được. Đoạn họ lấy vải trắng phủ lên người hắn và buộc một cái khăn tay xung quanh cổ, giữ hàm dưới hắn lại; hắn chết nhưng đẹp.
    
Hắn nằm trong quan tài, sẵn sàng đi chôn, nhưng hắn biết hắn chưa chết. Hắn biết rằng nếu hắn muốn ngồi nhổm dậy thì hắn vẫn có thể dễ dàng làm được. Chí ít là về mặt “tinh thần.” Nhưng chẳng bõ bèn gì. Tốt hơn hắn cứ nằm chết, chết vì “chết,” bởi chết chính là căn bệnh của hắn. Đã lâu rồi, ông bác sĩ bảo mẹ hắn:
    
“Thưa bà, con trai bà mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo: cậu ấy chết rồi.” Ông ta lại nói tiếp, “Thế nhưng, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để cậu ấy sống bên kia cái chết. Những cơ phận trong thân thể cậu ấy vẫn tiếp tục hoạt động bình thường nhờ vào một hệ thống tự dinh dưỡng phức tạp mà chúng tôi tin là sẽ làm được. Chỉ những chức năng cử động là không làm được thôi, cậu ấy sẽ phải nằm bất động như thế suốt đời. Chúng tôi sẽ theo dõi thật sát tiến trình tăng trưởng của cậu ấy, bởi cậu ấy vẫn tiếp tục lớn lên như bình thường. Nói một cách đơn giản cho dễ hiểu thì đây là một đời sống trong lúc chết, một cái chết thật sự và trung thực…”
    
Hắn nhớ câu nói của ông bác sĩ nhưng nó lộn xộn lắm. Có lẽ hắn chẳng nghe gì cả và nó chỉ là thần trí tưởng tượng của hắn trong lúc thân nhiệt tăng cao do cơn sốt thương hàn gây nên.
    
Trong lúc hắn chìm vào cơn mê sảng. Trong lúc hắn đọc chuyện ướp xác các hoàng đế Ai Cập. Trong lúc cơn sốt trở nặng, hắn cảm thấy hắn chính là nhân vật chính diện. Một cái gì trống vắng trong cuộc đời bắt đầu. Từ lúc đó trở đi hắn không tài nào phân biệt được, không thể nào nhận biết biến cố nào là trong cơn mê sảng, chuyện nào thật ngoài đời. Đó là lý do vì sao bây giờ hắn đâm ra hoài nghi tất cả. Có lẽ ông bác sĩ chẳng bao giờ đề cập đến cái “đời sống trong lúc chết.” Nó chẳng hợp lý chút nào, đầy mâu thuẫn, và giản dị chỉ là sự đối chọi nhau đến phi lý. Và nó khiến hắn bây giờ trở nên hoang mang, chẳng rõ mình đã thật sự chết hay chưa. Mình chết đã mười tám năm rồi, có thật thế không?
    
Lúc đó – hắn chết năm lên bẩy – mẹ hắn có nhờ thợ đóng hòm đóng cho hắn một cái quan tài nhỏ bằng gỗ, loại chôn trẻ con, nhưng ông bác sĩ ra lệnh cho thợ đóng một cái lớn, loại dùng cho người lớn bình thường, bởi hắn sẽ tăng trưởng theo thời gian, tuy sự tăng trưởng suy mòn này có thể sẽ biến dạng hắn thành một người chết với hình thù quái dị hay một người sống bất bình thường. Hoặc cũng có thể vì không tăng trưởng hắn không nhận ra mình đang khỏi bệnh. Thế là theo lời khuyên giải của ông bác sĩ, mẹ hắn yêu cầu đóng một cái quan tài lớn cho hắn, một quan tài người lớn, và bà xếp ba chiếc gối dưới chân hắn để trông vào không đến nỗi quá so le, xệch xạc.
    
Sau đó chẳng bao lâu hắn bắt đầu tăng trưởng bên trong quan tài, và mỗi năm người ta phải lấy bớt vải len trong chiếc gối đặt cuối quan tài để hắn có chỗ duỗi chân. Phân nửa quãng đời của hắn là như thế. Mười tám năm. (Hắn bây giờ đã hai mươi lăm.) Và chiều cao, hay đúng hơn, chiều dài thân hình hắn đã đến mức không thể dài thêm. Người thợ đóng hòm và ông bác sĩ đã tính toán không chính xác, kết quả quan tài thừa cả sáu mươi phân. Họ tưởng hắn giống cha, người có thân hình hộ pháp cao lớn dềnh dàng. Nhưng hắn không thế, điểm duy nhất hắn thừa kế người cha sinh thành ra mình là hàm râu rậm rạp. Hàm râu xanh, rậm, bà mẹ hắn có thói quen vén chải râu hắn cho đẹp. Những hôm trời nóng nực hàm râu làm hắn khó chịu vô cùng.
    
Nhưng cái làm hắn khiếp hãi hơn cả, hơn cái “âm thanh” đó, là những con chuột nhắt! Ngay từ khi còn bé thơ, không có gì trên đời làm hắn hãi hùng hơn giống chuột nhắt. Và mùi nến thắp dưới chân đã thu hút đám vật kinh tởm đó tìm đến. Chúng gặm nhấm áo quần hắn, và hắn biết chẳng bao lâu nữa chúng sẽ gặm nhấm chính hắn, ăn thịt hắn. Có hôm hắn trông thấy chúng: năm con chuột lông trơn láng, bóng lưỡng từ chân bàn lũ lượt trèo lên chui vào quan tài gặm thịt da hắn. Khi mẹ hắn phát hiện thì hắn chẳng còn gì ngoài một đống da bầy nhầy và bộ xương lạnh cứng. Hắn kinh hoàng vì lũ chuột ăn thịt mình thì ít, dù sao chăng nữa hắn vẫn có thể sống tiếp như một bộ xương khô, mà chết khiếp vì cảm giác kinh hãi lũ vật ấy thì nhiều. Chỉ cần nghĩ đến những con vật lông mượt như nhung là tóc tai hắn đã dựng đứng lên rồi, chúng chạy rúc rích cùng khắp thân người hắn, rúc mỏ chui vào những kẽ hở trên da thịt, lấy móng sắc lạnh khều môi hắn. Một con bò lên mí mắt, tìm cách gặm tròng mắt hắn. Hắn thấy con vật, nó to lớn khủng khiếp dị thường, và đang loay hoay tìm cách cắm hàm răng nhọn sâu vào con ngươi hắn. Hắn nghĩ thầm đây hẳn là cái chết khác cho mình và hắn hoàn toàn buông tay phó thác định mệnh cho số kiếp đọa đày đang chờ đón.
    
Hắn nhớ thời điểm hắn trở thành người lớn, hai mươi lăm năm tuổi, có nghĩa là hắn sẽ không lớn nữa. Thân hình hắn sẽ rắn chắc, nhân dáng nghiêm trang. Nhưng mai sau, lúc khỏi bệnh, làm sao hắn kể lại cho người khác nghe về chuỗi đời ấu thơ của hắn được. Hắn làm gì có tuổi thơ. Tuổi thơ hắn nằm chết mà.
    
Từ lúc dậy thì cho đến khi trưởng thành, mẹ hắn chăm sóc hắn kỹ lưỡng lắm. Bà luôn tay lau chùi cái quan tài và cả căn phòng nữa cho sạch sẽ. Bà thường xuyên thay hoa trong bình và mở cửa sổ hằng ngày cho không khí trong phòng thoáng mát. Thuở đó bà cảm thấy mãn nguyện mỗi lần bà lấy thước dây đo chiều dài thân hình hắn, bà gật gù thấy vui vui trong lòng khi thấy hắn dài ra vài phân. Bản năng thiên bẩm làm mẹ khiến bà vui sướng thấy con mình sống. Tuy thế, bà cẩn trọng giữ gìn, không cho người lạ mặt vào nhà. Dù sao đi nữa thì một cái xác chết nằm giữa nhà năm này tháng nọ cũng là cái gì không mấy hay ho và chẳng ai hiểu nổi. Bà là người có tính chối bỏ sự thật, nhưng chẳng bao lâu bà mất dần lạc quan. Vào những năm cuối, hắn thấy nét buồn bã hiện trên mặt bà lúc bà giương mắt nhìn vạch đo cái thước dây. Con trai bà hết lớn rồi. Cả mấy tháng trường thêm một mili-mét cũng không. Bà biết rằng từ giờ phút này trở đi bà sẽ không quan sát được sự sống hiện hữu bên trong cái xác thân yêu con bà. Bà sợ một buổi sáng nào đó thức dậy bà thấy con trai bà “thực sự” đã chết, và có lẽ vì lý do đó, một hôm hắn thấy bà khẽ khàng bước đến quan tài rồi cúi xuống ghé mũi ngửi thân hình hắn. Bà trở nên bi quan cùng cực. Gần đây bà cũng sao nhãng việc chăm sóc hắn, bà chẳng buồn lấy thước dây đo hắn làm gì. Bà biết con bà hết lớn rồi.
    
Và hắn biết giờ đây hắn “thực sự” đã chết. Hắn biết bởi những cơ phận trong người hắn trở nên yên ả, chúng như phó mặc, ra sao cũng được. Mọi thứ đổi thay một cách trái mùa khác lạ. Nhịp đập trước đây chỉ mình hắn nhận ra, bây giờ cũng không còn nữa. Hắn cảm thấy nặng nề, như bị sức mạnh vô hình nào lôi kéo về phía nguyên tố của quả đất. Sức mạnh trọng trường hình như hút hắn vào cõi vô biên nào đó mà hắn không tài nào kháng cự nổi. Hắn trở nên nặng nề như một cái xác chết đúng nghĩa, không thể chối cãi. Nhưng nhờ vậy hắn cảm thấy bình an hơn. Hắn chẳng cần phải thở để sống trong cái chết.
    
Bằng tưởng tượng, không cần sử dụng đến xúc giác, hắn lần lượt kiểm tra lại toàn bộ đầu mình tay chân hắn. Đầu hắn gối trên một cái gối cứng, hơi nghiêng về phía trái. Hắn tưởng tượng cái miệng hé mở, bởi có làn hơi băng giá lùa những hạt mưa đá vào cổ họng. Hắn bị đốn ngã như một thân cây già hai mươi lăm năm tuổi. Có lẽ hắn cố khép miệng lại. Chiếc khăn tay giữ cằm lâu ngày trở nên lỏng lẻo. Hắn không tài nào tự nằm vào vị trí cho đúng, thậm chí sửa sang bộ dạng sao cho ra vẻ một xác chết đàng hoàng cũng không làm nổi. Mọi cơ bắp, tay chân hắn không còn răm rắp tuân lệnh của thần kinh não bộ như trước đây nữa. Hắn không còn là đứa trẻ bình thường cách đây mười tám năm tự do bay nhảy theo ý muốn. Đôi cánh tay rã rời, vĩnh viễn không liền lặn với cơ thể, ép sát vải đệm lót quan tài. Dạ dày rắn như vỏ cây bồ đào. Và, bên dưới là đôi chân, toàn nguyên, chính xác, hoàn tất một cơ thể người lớn tuyệt hảo. Thân xác hắn nằm trông nặng nề nhưng bình an, không một dấu hiệu nào cho thấy sự khó chịu, như thể thế giới đột nhiên ngưng lại và không ai phá vỡ bầu không khí im lặng tuyệt đối, như thể tất cả các buồng phổi trên thế gian đều ngưng thở để sự lặng thinh của vũ trụ lan tỏa khắp không gian. Hắn cảm thấy sung sướng như đứa trẻ nằm trên bãi cỏ xanh ngửa mặt mơ mộng nhìn đám mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời xanh buổi chiều tà. Hắn sung sướng lắm mặc dù biết mình đã chết và được nằm vĩnh viễn bên trong chiếc quan tài lót lụa là, vải vóc. Hắn cảm thấy trí óc minh mẫn, trong trẻo lạ thường. Nó không như thuở xưa, lúc hắn chết lần đầu, lúc hắn cảm thấy vô cùng u tối và chán chường. Bốn ngọn nến đặt xung quanh hắn, cứ ba tháng thay một lần, ngay lúc không thể thiếu thì bắt đầu tàn lụi. Hắn cảm nhận được cái gần gũi của bó hoa đồng thảo tươi đẹp mẹ hắn đem vào buổi sáng hôm đó. Hắn cũng thấy như thế với bó hoa huệ, hoa hồng. Tất cả những thực tại kinh khiếp chẳng hề làm hắn mảy may quan tâm, lo lắng. Ngược lại là đằng khác, hắn thấy sung sướng nằm một mình trong quan tài, thưởng thức cái cô đơn hiu quạnh của chính mình. Nhưng về sau thì hắn có thấy sợ hãi không?
    
Nào ai biết được? Thật khó khăn nghĩ tới lúc người ta nện những nhát búa chát chúa đóng đinh cái quan tài và nó kêu ken két bởi chẳng bao giờ nó còn hy vọng trở lại kiếp làm thân cây mọc giữa rừng xanh. Thân xác hắn, giờ đây bị kéo xuống sâu hơn bởi sức mạnh vô biên của quả đất, nằm lệch vẹo dưới lòng đất sốp, ẩm ướt, và trên kia, ba thước đất trên kia, những người đào mồ đang nện những nhát cuốc cuối cùng, nghe nhỏ dần, nhỏ dần. Không. Tại đó hắn cũng không cảm thấy sợ hãi. Nó chỉ là thời đoạn nối dài cái chết của hắn thôi, một thời đoạn nối dài tự nhiên nhất, cho hắn đi vào một trạng thái mới.
    
Cơ thể hắn không còn tia hơi ấm nào, tủy xương hắn sẽ đóng băng vĩnh viễn và những vì sao bé xíu lạnh giá sẽ chui sâu vào hòa quyện với tủy xương. Tốt đẹp biết bao hắn làm quen với cuộc sống mới như một người đã chết! Tuy thế, một hôm trong lúc cố gắng kiểm tra lại đầu mình tay chân mà chẳng thấy đâu, hắn cảm thấy bộ áo giáp vững chắc mình mặc bấy lâu bỗng nhiên tan rã. Hắn không còn hình thể rõ ràng, chính xác nữa, cái cơ thể hai mươi lăm năm tuổi tuyệt hảo của hắn không còn nữa, hắn vô cùng chán nản khi nhận ra thế, nó đã hóa thành một nhúm bụi vô hình tướng, vô hình hài.
    
Những hạt bụi về sự chết chỉ thấy trong thánh thư. Có lẽ lúc đó hắn mới dấy lên chút hoài niệm, hoài niệm vì không còn là một thân xác với những cơ phận hẳn hoi, mà chỉ là một thân xác tưởng tượng, trừu tượng, rơi rớt trong ký ức những người quyến thuộc thân quen. Chỉ lúc đó hắn mới biết rằng hắn sẽ tỉnh thức và luồn lách theo những đường ống dẫn nhỏ li ti của cây táo mà vươn lên, để đứa bé nào đó hái ăn trong một ngày thu. Hắn sẽ biết rằng – và điều này quả làm hắn buồn bã – hắn đã đánh mất cái duy nhất của hắn: rằng hắn không là một người chết bình thường, thậm chí một cái xác chết tầm thường cũng không.
    
Đêm cuối cùng hắn gặm nhấm nỗi cô đơn cùng cực bên trong xác chết của chính hắn.
    
Nhưng một ngày mới bắt đầu, mặt trời phả những tia nắng ban mai ấm áp lung linh xuyên qua khung cửa sổ, hắn cảm thấy da dẻ mềm mại trở lại. Hắn quan sát một lúc lâu. Lặng yên, chăm chú. Hắn để làn nắng ấm từ từ phủ trùm lên thân thể. Hắn không thể nào không ngửi thấy cái mùi ấy: cái “mùi thối” chắc chắn ở quanh đây. Suốt đêm cái xác chết đã bắt đầu thối rữa. Thân xác hắn đã thối rữa như bất kỳ một xác chết bình thường nào. Không thể nghi ngờ, không thể sai, cái “mùi thối,” mùi thịt thiu, bốc lên, càng lúc càng nồng nặc, như xộc vào khứu giác. Thân xác hắn đã xình thối từ đêm qua do thời tiết về đêm trở nóng. Vâng. Hắn đã xình thối. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi mẹ hắn sẽ vào thay hoa và mùi thối xác chết sẽ làm bà choáng váng ngay từ ngạch cửa. Thế rồi sau đó họ sẽ khiêng xác hắn đem đi chôn để hắn ngủ giấc ngủ thiên thu lần thứ hai bên cạnh những người chết khác.
    
Đột nhiên cơn hoảng sợ bất ngờ ập đến như có ai đâm mạnh lưỡi dao sắc sau lưng. Hoảng sợ! Cái từ thậm xưng, nhưng đầy ý nghĩa! Lúc này hắn cảm thấy thật sự sợ hãi, với cái sợ “vật thể” đúng nghĩa. Nhưng nguyên do nào khiến hắn sợ? Hắn hiểu rất rõ và chính điều này khiến hắn sợ: có lẽ hắn không chết. Họ liệm xác hắn vào cái quan tài này, một cái hòm mà giờ đây hắn cảm thấy rất êm ái, dễ chịu, và con ma sợ hãi mở toang cánh cửa sổ thực tại cho hắn trông thấy: Họ sẽ chôn sống hắn!
    
Hắn không thể nào chết được bởi hắn vẫn ý thức thật rõ ràng mọi chuyện, mọi vật: đời sống quay cuồng, huyên náo xung quanh hắn. Hắn vẫn nhận ra mùi hương ấm áp của cây vòi voi từ  ngoài vườn, qua khung cửa sổ, bay vào thoang thoảng quyện với “mùi thối.” Hắn cũng nghe rất rõ tiếng nước nhỏ từng giọt tí tách xuống bể nước. Và tiếng con dế trong xó nhà rung cánh gáy vì nó ngỡ trời chưa sáng hẳn.
    
Tất cả hình như bảo rằng hắn chưa chết. Tất cả, ngoại trừ cái “mùi thối.” Nhưng chắc gì “mùi thối” đó là của hắn? Có thể hôm qua mẹ hắn quên thay nước bình hoa và những nhánh hoa úa héo sáng nay bốc mùi. Hay có thể đó là mùi con chuột chết do con mèo tha vào phòng rồi bỏ quên để nó phình trương xình thối. Không, không đời nào. Nhất định cái “mùi thối” đó không phải hắn.
    
Chỉ mới đây thôi hắn còn vui vẻ với cái chết của mình, bởi hắn nghĩ là mình đã chết. Bởi người chết thì có thể vui với một tình huống vô phương cứu vãn. Nhưng một người sống thì không thể  chấp nhận mình bị đem đi chôn sống. Biết thế nhưng toàn thân hắn hoàn toàn bất lực, hắn không biết phải làm cách nào bảo mọi người rằng hắn còn sống, và đó chính là lý do vì sao hắn hoảng sợ, nỗi sợ kinh hoàng nhất hắn chưa từng cảm thấy bao giờ suốt cuộc đời khi sống cũng như lúc chết của hắn. Họ sắp chôn sống hắn. Có thể hắn sẽ nghe tiếng đóng đinh lên quan tài. Có thể hắn sẽ cảm thấy cái khinh phù trống rỗng của xác thân nằm trên vai những người thân thuộc trong lúc họ cẩn trọng bước từng bước chậm chạp về phía nghĩa trang, và sự kinh hãi cùng nỗi tuyệt vọng cứ thế tăng lên theo từng bước đi.
    
Hắn sẽ cố ngoi lên, với tất cả sức tàn, trong vô vọng cất tiếng gọi từ bên trong cái quan tài chật hẹp tối đen, hắn sẽ đập mạnh vách ván để mọi người biết rằng hắn chưa chết, rằng hắn đang bị chôn sống. Vô ích thôi. Ngay cả vào giây phút cuối, mấp mé giữa bến bờ sinh tử đó, cơ thể hắn vẫn hoàn toàn không chịu nghe mệnh lệnh của thần kinh não bộ.
    
Hắn nghe tiếng động phòng bên cạnh. Phải chăng hắn đang ngủ mơ? Phải chăng toàn bộ đời sống một người chết chẳng qua chỉ là cơn ác mộng? Nhưng tiếng đĩa vỡ tắt ngúm sau đó. Hắn cảm thấy buồn bã vô hạn và có lẽ tiếng đĩa vỡ làm hắn khó chịu. Hắn muốn tất cả đĩa bát trên thế gian đồng loạt rớt xuống sàn nhà vỡ tan tành ngay bên cạnh để hắn ngoi dậy, bởi chỉ một động lực vô biên từ ngoài như thế mới kích hoạt được hắn thôi, sức lực trong người hắn đã cạn kiệt rồi, không còn lại chút gì.
    
Nhưng không. Hắn không nằm mơ. Hắn biết chắc rằng nếu đây chỉ là giấc mơ thì chủ đích trở về thực tại đã không thất bại. Hắn đã không tỉnh dậy. Cảm giác mềm mại của lớp vải bên trong quan tài, hắn cảm thấy, cùng lúc “mùi thối” trở lại, thối khủng khiếp, thối đến nỗi hắn đâm ra nghi ngờ, không biết đó có phải “mùi thối” của chính mình không. Hắn muốn nhìn mặt bà con dòng họ trước khi hắn tan rữa, nhưng cảnh tượng một đống thịt thối rữa hiện ra trước mắt chắc sẽ làm họ chết khiếp vì kinh tởm. Hàng xóm sẽ xúm nhau bỏ chạy, ai nấy lấy khăn tay che miệng, và nhổ nước bọt liên hồi. Không. Không thể thế được. Tốt hơn họ phải đem hắn đi chôn ngay. Tốt hơn phải dẹp bỏ ngay “cái đó,” càng sớm càng tốt. Lúc này, thậm chí chính hắn cũng muốn vứt đi thân xác mình. Bây giờ hắn biết rất rõ hắn đã chết, hoặc, có sống thì cũng chẳng đáng kể, chẳng ra gì. Có khác biệt nào không? Trường hợp nào thì cái “mùi thối” vẫn ngoan cố bốc lên.
    
Với lần bỏ cuộc này hắn sẽ được nghe lời kinh cầu nguyện, một buổi đọc kinh bằng tiếng La-tinh cuối cùng với những người trợ lễ không thành thuộc. Cái lạnh lẽo của nghĩa trang, toàn đất cát và xương xẩu, sẽ thấm vào xương tủy hắn, và có lẽ sẽ làm “mùi thối” giảm bớt phần nào. Có lẽ – nào ai biết được! – có lẽ chỉ giây phút đó hắn mới được giải thoát ra khỏi tình trạng hôn thụy, u mê. Đó sẽ là lúc hắn cảm thấy như đang bơi lội trong mồ hôi của chính mình, trong vũng nước nhơn nhớt, đặc sệt, như hắn từng bơi bên trong tử cung của mẹ lúc hắn chưa chào đời. Có lẽ, chỉ lúc đó hắn mới sống.
    
Nhưng phần nhiều bây giờ hắn chỉ mong chết, mong đến nỗi chắc hắn sẽ chết vì mong đợi mất thôi.

TRỊNH Y THƯ
(Dịch từ ấn bản Anh ngữ của Gregory Rabassa, HarperCollins xuất bản, 1991)