Monday, April 13, 2020

1529. MINH NGỌC Nhật ký chống dịch (Phần 1, 2, 3)

Nguồn ảnh: tapionhospital.com


1.
Ngày 16 tháng 3

Bắt đầu tập trung lực lượng chống dịch. Từ hôm nay trở đi, hầu hết các ca mổ chương trình phải hoãn vô thời hạn tới khi bớt dịch, chỉ mổ bệnh ung thư, tim mạch, chỉnh hình, và những trường hợp đặc biệt không thể chờ lâu. Số phòng mổ giảm xuống quá nửa. Điều dưỡng phòng mổ được phân công qua tăng cường cho các khoa ICU và trại bệnh COVID-19 (5 khu tất cả). Hai điều dưỡng được cắt canh cổng chính và cổng sau bệnh viện để kiểm tra tất cả khách ra vào có ho hay sốt không. Mỗi ngày 2 BS Gây Mê phân vào nhóm cấp cứu đường thở để trợ giúp khoa Cấp cứu. Số máy thở trong phòng mổ không sử dụng dành để cung cấp cho các khoa COVID-19, và sẽ phân công BS Gây mê phụ trách các máy này khi sử dụng.

Sáng nay ho nhiều, vẫn đi làm. Vào phòng locker thay đồ nghe mấy chị điều dưỡng phòng mổ chửi nhoi lên vì vừa nhận được tin một BS Chỉnh hình có kết quả dương tính, tuần trước đã thấy bệnh còn ráng làm phòng mổ 2 ngày, chắc lây hết cả lũ. Xuống văn phòng khoa coi mình được phân công đi đâu, vừa ho mấy cái, mọi người xua mình về như đuổi tà. Về nhà hai đứa con còn ngủ khò, phải réo dậy.

Sau cả tuần nhất định không đóng trường học, hôm nay Thị trưởng de Blasio phải nhượng bộ trước sức ép từ phụ huynh và giáo viên, cũng phải cho học trò nghỉ ít nhất tới cuối tháng 4. Không cho cũng phải cho thôi, vì Thống đốc Cuomo đã hạ lệnh đóng cửa hết các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, trung tâm dạy nghề... 

Ngày 17 tháng 3:

Hôm nay lễ St. Patrick, một trong những ngày hội lớn nhất ở NY, mọi người trông chờ cả năm, có diễu hành tưng bừng chiếu trực tiếp trên truyền hình toàn quốc hội tụ đông đảo dân Ái Nhĩ Lan từ khắp nơi, thậm chí từ... Ireland. Sau diễu hành là tiệc tùng ăn nhậu thâu đêm. Thị trưởng de Blasio khẳng định sẽ vẫn có lễ hội và diễu hành, nhưng Thống đốc Cuomo đã ra lệnh bỏ. Thế là thành phố vắng vẻ im ắng chưa từng có trong lịch sử St. Patrick's Day ở NY.

Hai ông này ghét nhau như đào đất đổ đi, hễ ông nào tuyên bố gì thì ông kia phủ quyết, chẳng ai nhường ai. Có năm dự đoán bão tuyết lớn chưa từng có. Thành phố NY nổi tiếng là luôn luôn hoạt động bất kể tình huống nào, thời tiết ra sao. Từ thủ phủ Albany, đang đêm Thống đốc Cuomo ra lệnh đóng xa lộ xung quanh thành phố, đóng cửa trường học và công sở. Sáng sớm Thị trưởng de Blasio nhảy dựng: "Tui là thị trưởng, ai (thằng nào) ra lệnh đóng cửa?" Lần này de Blasio vừa tuyên bố sẽ giữ lễ hội thì hôm sau Cuomo lên TV thông báo bỏ. De Blasio dự định phong tỏa thành phố, Cuomo lên TV tuyên bố NYC chưa đến lúc phải phong tỏa!

Đi BJ's (giống Costco nhưng hàng hóa đa dạng hơn) thấy lơ thơ khách, những người đẩy xe ra chỉ có vài món, chẳng thấy không khí điên cuồng như tuần trước. Bên trong đã có nhiều giấy vệ sinh và khăn lau giấy như cũ, ít ai rớ tới. Chắc là nhà đầy nhóc hết chỗ chứa rồi.

Chiều, nghe tin cô Thái Thanh vừa qua đời. Tự nhiên ai cũng cảm thấy hụt hẫng như một phần đời của mình vừa bị mất.

Ca sĩ Thái Thanh & nhà văn Minh Ngọc


- Ngày 18 tháng 3:

Hôm nay bị bắt ở nhà tiếp, mặc dù mình khẳng định là không sốt. Cứ ăn, ngủ và coi phim chắc bị mập mà không bị dịch. Trường học bắt đầu chương trình online hôm nay, bài vở ngập đầu cho hai đứa hết than chán.

Tuần này phòng khám nội khoa của ông xã đã không còn khám bệnh thường quy mà thành trung tâm xét nghiệm COVID-19. Thay vì ngồi chịu đựng bệnh nhân kể lể than thở dài dòng hết người này tới người khác rồi phải ra toa trên computer, gọi nhà thuốc, đủ thứ linh tinh cả ngày, bây giờ ổng phải trùm che từ đầu tới chân, quẹt mũi bệnh nhân thử cúm và COVID-19. Vậy mà ổng khoái, vì được hoạt động, mỗi ngày về nhà vui vẻ khoe hôm nay làm bao nhiêu người, không mệt mỏi cau có như thường lệ.

- Ngày 19 tháng 3:

Hôm nay mình nhất định đi làm, nhưng vào đến văn phòng thấy còn ho, họ lại đuổi mình về. Phải qua phòng thử N95 (bắt buộc) fit testing. Đúng ra mỗi năm nhân viên Cấp cứu, ICU, phòng mổ và Gây mê phải đi thử khẩu trang N95, nhưng nhiều người tà tà lờ đi, trong đó có mình, vì hiếm khi dùng tới ngoại trừ có bệnh nhân nghi lao, mà ở nước Mỹ mấy thuở mới gặp bệnh nhân lao, qua thử phải chờ đợi mất thì giờ. Trưởng khoa và điều dưỡng trưởng năm nào cũng lập bảng phong thần dài xọc tên những người chưa đi thử, hẹn lần hẹn hồi rồi một năm trôi qua cũng xong. Lần này thiên hạ nháo nhào đi thử không đợi nhắc, vì được phát N95 mang về. Té ra ai cũng sợ chết! Một cái phải mang cả tuần mới được thay nhé!

Ghé chợ Đài loan gần bệnh viện mua khổ qua, cải bắp và mấy thứ linh tinh. Khách mua hàng cũng linh tinh mấy thứ như mình. Chợ chất đầy nhóc gạo, mì, đồ khô. Chợ này để một hộp găng tay ngay cửa để khách đeo vào đi chợ.

Thêm một tin buồn: tướng Lê minh Đảo. Cách đây mấy hôm, ông xã chở con gái đi Barnes&Noble mua sách, đem về cho mình cuốn tạp chí đặc biệt của hội Sử học kỷ niệm 45 năm chiến tranh VN, đặc biệt chủ đề Xuân Lộc, trong đó dành hẳn nhiều trang viết về tướng Lê minh Đảo (nhà báo David Zabecki) với lòng ngưỡng mộ. Tiếc là ông không được đọc. Khi rảnh có lẽ mình sẽ dịch đưa lên.

- Ngày 20 tháng 3:

Hôm nay mình nhất quyết làm nguyên ngày ở khu mổ ngoại trú, mấy bà điều dưỡng la oai oái nghe mình ho. Ông xã gọi, báo là nhận được kết quả 1 bệnh nhân của ổng dương tính, cộng thêm bà điều dưỡng và 1 BS trong phòng khám của ổng nên ổng phải đi thử. Bệnh viện sợ quá, gửi người qua thế cho mình về lúc 12:30. Hôm nay bắt đầu quy định mới cho các bệnh viện thuộc NYC, chỉ thử bệnh nhân nhập viện thôi, nên mình đâu có được thử vì bệnh viện mình là NYU theo luật này. Phòng khám ông xã không trực thuộc NYC nên vẫn còn thử. Tới hôm nay ai cũng điên cả rồi, cứ social distancing hoài.

Chứng khoán ngoi lên được một tí rồi lại tuột xuống, mặc dù TT Trump cố cứu vãn bằng lá bài Plaquenil. Thôi rồi còn chi đâu em ơi, có còn lại chăng dư âm thôi. Mới đây thôi, Dow nhảy lên trên 30 000 ngạo nghễ. Thôi thôi đừng nhắc chi thêm đau lòng. Xăng dầu xuống giá thảm hại, OPEC điêu đứng, người giàu cũng khóc.

- Ngày 21 tháng 3:

Sáng sớm thức dậy mở tin ra xem thấy Kenny Rogers không còn nữa. Tự nhiên bâng khuâng. Ông được mệnh danh là ông hoàng nhạc đồng quê nhưng thật ra phong cách gần với pop hơn là mấy ông hát nhạc đồng quê mang ủng da, đội nón rộng vành, hát ê a trên guitar hay banjo một điệu. Kenny Rogers lịch lãm nhưng dung dị, lối trình diễn phóng khoáng không kiểu cách, giọng hát êm mượt, và cũng như Thái Thanh nâng niu trau chuốt từ ngữ Việt, câu chữ qua giọng Kenny Rogers đẹp đẽ, rõ ràng, truyền cảm. Ông và Dolly Parton hợp diễn hồn nhiên vui nhộn trên sân khấu với những ca khúc để đời.

- Ngày 22 tháng 3:

Sáng nay, nhận được kết quả âm tính, ông xã đòi đi chợ, kêu ở nhà tù túng, mặc dù tủ lạnh đầy nhóc không còn chỗ. Con gái lập tức đòi đi dạo xe đạp với bạn nó. Hôm nay các nước lần lượt áp dụng chính sách "nhà ai nấy ở, hồn ai nấy giữ". Dân Ý hát trên balcon, Tây Ban Nha vỗ tay đồng nhịp, tối nay Montreal hát nhạc Leonard Cohen. Dân NY đóng cửa coi Netflix. Không phải ai cũng sạt nghiệp vụ này. Netflix hưởng lợi thấy rõ, nhưng cũng biết nhân đạo, cho 100 triệu để tài trợ nhân viên ngành show biz không có việc làm. Tài tử ca sĩ giàu, chớ nhân viên hậu đài khổ lắm.

Các cửa hàng thi nhau mướn thêm người để giao hàng, từ Amazon đến Target, Walmart, Best Buy và các siêu thị. Từ tuần này, tất cả cơ sở, cửa hàng phải đóng cửa, chỉ trừ siêu thị, nhà thuốc và các văn phòng cần yếu. Mới bỏ cái laptop ở Best Buy để sửa vì không mở được Windows 10, phen này nó bị giam giữ vô thời hạn rồi. Cả nhà toàn đồ Apple, chỉ có cái laptop là Windows, mắc dịch.

Hạm đội Quân y Hải quân và Vệ binh Quốc gia được điều tới hỗ trợ NY. Nhận được email từ bệnh viện sơ kết dịch. Hiện tại có 52 bệnh nhân COVID-19 nằm viện. Tuần sau có thể bắt đầu huy động thêm BS Gây mê qua các khu điều trị COVID-19. Ngày mai vô bệnh viện, chưa biết phải đương đầu với những gì đây, y như lính bị điều ra sa trường.

Roll up your sleeves, go get it!
(chưa biết chừng nào hết)


2.
- Ngày 23 tháng 3:

Sáng nay vẫn còn ho khúc khắc nhưng thấy khoẻ hơn, mình đi làm, được giao qua bên khoa Ung thư Nhi để sedate các em cần chích hóa trị vào tủy sống. Mọi người che chắn khử trùng cẩn thận, các bé đeo khẩu trang rất ngoan ngoãn. Về bệnh viện, trong phòng mổ có một bệnh nhân dương tính COVID-19 cần mổ cấp cứu, giới hạn con số tối thiểu nhân viên trong phòng mổ, còn bao nhiêu bị xua đi xuống lầu dưới để tránh. Trong khoa mình có 2 cô có bầu 6 tháng, được đề nghị nghỉ tạm, một cô mang bầu con so thì chịu nghỉ, còn Christine mang bầu lần thứ ba, cứ vác bụng bầu đi làm, ai cũng ái ngại, cho ngồi phòng mổ để khỏi chạy đi cấp cứu đường thở. Nguy cơ bị lây vẫn có dù làm bất cứ công việc nào vì đến lúc này mặc định hầu hết dân NY đã có tiếp xúc với con Corona và có thể mang nó trong người dù vẫn khoẻ mạnh. Khoa Gây mê đảm nhiệm cấp cứu đường thở được 1 tuần mà đã thấy bủn rủn. Không phải vì bị gọi liên tục, nhưng vì chứng kiến nhiều bệnh nhân trẻ tuổi khoẻ mạnh bị suy hô hấp nặng phải đặt máy thở mà vẫn không khỏi, bệnh nhân trẻ nhất tử vong là một thanh niên 28 tuổi dù đã đặt ECMO. 

Nhìn lại, mình nghiệm ra trong số những nguyên nhân dịch bùng phát mạnh ở NY mặc dù đã chuẩn bị từ tháng giêng khi dịch phát ở TQ, có những yếu tố ngộ nhận gây ra chậm chân trước con Corona. Trước hết, NY chuẩn bị phương án chận dịch ở 2 cộng đồng người Hoa lớn nhất nước, chỉ sau San Francisco, ở Chinatown và Flushing, hóa ra dịch lại phát từ cộng đồng Do Thái, mà dân Do Thái thích tổ chức tiệc lớn, mời tất cả bà con bạn bè gần xa. Thứ nhì là, từ tháng giêng, đã ra khuyến cáo người lớn tuổi và người có bệnh mãn tính phải hạn chế đi lại, không đón người thăm viếng, bởi vì theo thông tin chung thì những người này dễ tử vong hơn. Rốt cuộc người trẻ ở NY lại bị nhiều, và rất nặng. Không thể tả nổi những hoàn cảnh đau lòng mà nhân viên y tế phải chứng kiến trong sự bất lực.

Cảm xúc với những gì mình chứng kiến, chiều về mình ngồi viết ngay một truyện ngắn cho tạp chí Ngôn Ngữ số tới, cất lại truyện viết sẵn mà mình định gởi. Truyện về một đôi uyên ương phải chia ly vì dịch COVID-19. Viết một mạch xong, ngồi đọc lại để sửa chữa trước khi gởi mà tác giả lại khóc mùi mẫn. Sửa xong, đọc lại lần nữa, lại khóc tiếp. Con gái ngạc nhiên, mẹ nói tại mẹ đọc lại truyện mẹ mới viết, buồn quá. Nó nhăn mặt khó hiểu, chắc nghĩ không ngờ mẹ mình sến dữ vậy (sến đây là sentimental, là "ướt át"), vì mỗi lần viết truyện mình hay kể sơ cho nó nghe, nó thắc mắc sao mẹ cho hai người này chia tay, sao cho ông này ở tù... mình thường tỉnh bơ nói tác giả quyền lực tối thượng đó con, muốn cho chết thì chết, muốn cho sống thì sống, muốn cho lấy nhau hay không, còn ông này mẹ cho ở tù đỡ vì chưa biết nên làm gì với ổng, để suy nghĩ thêm.

Nhưng mà lần này mình đã khóc vì nhân vật có thật, khóc riết không dám đọc lại nữa vì hễ đọc là khóc. Lần đầu tiên tác giả bất lực trước một thảm cảnh.

- Ngày 24 tháng 3:

Hôm nay là ngày nghỉ, mình thật sự cần nghỉ hôm nay, vì chiều qua ra về trong lúc mưa gió lạnh buốt mình ho trở lại và thấy mệt mỏi như cảm cúm. Lại tiếp tục cháo và phở. Tuần này tất cả dịch vụ, cửa hàng đã đóng cửa. Hầu hết mọi người nghỉ làm, ở nhà cũng chẳng đi đâu được, trừ đi chợ. Email từ học khu buổi sáng thông báo một giáo viên trường tiểu học Signal Hill dương tính, chiều nhận thêm một email nữa báo tin một giáo viên trường tiểu học Vanderbilt dương tính. Chắc là bị lây từ học trò thôi, vì các học sinh lớn ít phải gần gũi thầy cô, nhưng giáo viên tiểu học phải chăm sóc các em, khó tránh được. Mọi người tự hỏi nếu đóng cửa trường học sớm 1 tuần thì có lẽ đã an toàn hơn. Hôm trước dân chúng đấu khẩu quyết liệt ở VN vì một số khá lớn người đòi mở trường đi học lại, thậm chí trên FB một số BS còn viết bài kể ra những lý do không nên đóng cửa trường học, trong đó có nói trẻ em không bị nhiễm, được nhiều người share tùm lum. Mình phát sợ những "chuyên viên" kiểu này trên FB. Con virus này mới, chưa có nhà nghiên cứu vi sinh hàng đầu nào trên thế giới dám vỗ ngực tự nhận biết rõ, biết hết về nó, vậy mà có những người hô hào đặt mấy triệu trẻ em và giáo viên vào nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh bằng những bài viết nghe rất "chuyên môn". Không phải trẻ em không bị, chỉ là không có triệu chứng nên không xét nghiệm, không có con số thống kê. Hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Thực tế ở NY đã chứng minh người trẻ bị nhiều, và bị nặng, nay lại bắt đầu tiếp nhận trẻ em có triệu chứng và xét nghiệm dương tính. 

- Ngày 25 tháng 3:

Lại đi làm. Hôm nay dồn tất cả các bệnh mổ và nội soi tiêu hóa xuống khu mổ ngoại trú, thật ra cũng chỉ có vài bệnh thôi vì chỉ làm những trường hợp thật sự cần thiết. Khu nội soi Tiêu hóa và toàn bộ lầu mổ chính cùng khoa hồi sức để cho bệnh nhân COVID-19 cần máy thở vì tất cả các khoa ICU và 5 lầu dành cho COVID-19 đã kín chỗ. Mình ái ngại nhìn các chị điều dưỡng phòng mổ và hồi sức, bình thường làm những công việc hàng ngày sạch sẽ, nay phải trùm kín đồ bảo hộ từ đầu tới chân, săn sóc những người bệnh mang trong người con virus ghê sợ. Lúc mới lên kế hoạch này, nhiều chị phản đối, kêu tui đâu phải điều dưỡng ICU mà bắt chăm sóc bệnh nhân Corona, nhưng hôm nay các chị đều tận tâm hăng say làm việc, dịu dàng an ủi những bệnh nhân tuyệt vọng trên giường bệnh, như quên hẳn là vừa bực bội trước công việc nặng nề mới mẻ. Mình đến trước một người đàn ông gốc Ý mới trên 60 tuổi, không có bệnh lý, chỉ có hút thuốc (dân Ý và Hy lạp ở đây hút thuốc rất dữ), ông nằm thở phều phào, chỉ số oxygen chỉ 90-92 mặc dù thở oxygen 100%, nhẹ nhàng bảo ông là ông cần máy thở, tôi sẽ chích thuốc gây mê rồi đặt ống thở cho ông. Ông yếu ớt gật đầu, ánh mắt nhìn mình khá bình tĩnh, thều thào "xin báo cho vợ tôi biết". Ánh mắt ông bám chặt lấy mình cho tới khi mình chích thuốc mới từ từ nhắm lại. Nó ám ảnh mình với ý nghĩ có thể là lần cuối cùng ông nhìn thấy những hình ảnh của cuộc sống, trong trí ông có lẽ là hình ảnh người vợ mà ông không được thấy mặt.

Thái tử Charles dương tính, cách đây 2 tuần ông chủ trì một buổi hội thảo ở London, có mặt cả Thân vương Albert của Monaco, người đã có kết quả dương tính tuần trước. TV chiếu lại buổi hôm ấy, ông bắt tay chào hỏi nhiều người. Mình phát nản với cái tính tự cao tự đại của người Anh, nghĩ dịch không tới chắc. Dân NY đã thôi bắt tay và ôm hôn từ tháng 2 mà còn bị dịch như thế này, London sẽ tiêu thôi. Bây giờ còn đổ lỗi ông hoàng nào lây cho ông hoàng nào, có ý nghĩa gì đâu. Nữ hoàng chẳng bao giờ gần gũi con, ngay cả khi Thái tử còn nhỏ, nên chắc bà không sao đâu, chỉ lo giữ gìn cho Hoàng tôn William vì có vẻ anh chàng này sẽ nối ngôi.

Thống đốc Cuomo vừa thông báo hôm qua FDA chấp thuận cho NY bắt đầu thử điều trị bệnh nhân với hydroxychloroquine và zithromax, cần 1 tuần mới xong liều thuốc, mà hôm nay FB đã lan truyền chóng mặt những post tuyên bố NY đã chữa khỏi COVID-19 với hydroxychloroquine, xuất viện mấy trăm bệnh nhân. Bạn bè người thân gửi message hỏi tới tấp, mình tức điên. Cái bọn rảnh hơi nhiều chuyện trên FB đúng là giết người không dao, thiên hạ tin ào ào, rồi đây lại thêm nhiều người ngộ độc chloroquine vì tự mua thuốc uống. Tại sao những bài đứng đắn từ các nguồn chuyên môn tin cậy thì ít ai đọc mà những tin vịt nhảm nhí thì cả trăm ngàn người ráp nhau đọc và share ào ào, kể cả người trong ngành?

Ông xã báo hôm qua thử 8 bệnh nhân, hôm nay có kết quả 6 dương tính. Ổng nói "chừng nào tới lượt tui?". Hôm nay đã có bộ xét nghiệm 45 phút của Nam Hàn viện trợ, lại đổi quy tắc thử là những người có triệu chứng không cần thử, cứ cách ly và điều trị, tăng cường thử những người có triệu chứng nhẹ hay không đặc trưng để phát hiện thêm nguồn lây trong cộng đồng. Cũng trên FB lan truyền bảng triệu chứng nào của Corona, triệu chứng nào không phải - sai bét! Càng đi sâu vào dịch, mọi người trong ngành Y ở NY càng thấy rõ thật ra bất kỳ triệu chứng nào cũng có thể dương tính với con Corona khi thử ra - từ hắt hơi sổ mũi đến đau bụng tiêu chảy, nhiều bệnh nhân hoàn toàn không sốt. Con virus này thật tai quái, thiên hình vạn trạng. Ngày hôm qua bệnh viện Elmhurst có 13 người chết trong cùng một ngày, nhiều bệnh viện phải lập thêm các lều đã chiến làm nhà xác với các ngăn đông lạnh.

- Ngày 26 tháng 3:

Bệnh viện Mount Sinai được FDA chấp thuận làm chương trình nghiên cứu chích huyết tương của người hồi phục COVID-19 vào người bệnh để xem kháng thể có tác dụng gì không. Lại thêm một nguồn hy vọng.

Mình lại làm ở khoa Ung thư Nhi. Bệnh nhân là em bé 4 tuổi bị tái phát leukemia, đáng lẽ đến lúc 9:30, gần 10 giờ người mẹ gọi vào, nói rằng cô không ra khỏi nhà được vì cảnh sát đến phong tỏa khu phố, không ai được phép ra vào. Điều dưỡng tới hỏi mình muốn hủy hẹn không, mình nói đâu được, bé cần hóa trị, bằng mọi giá phải tới. Sau một hồi điều đình với cảnh sát, cuối cùng người mẹ đem được bé tới lúc 11 giờ. Cô có 5 con, hiện giờ gia cảnh bối rối vì người chồng lái xe tải, đang bị cách ly ở Houston không về được. Sau khi làm xong, cả khoa đến cám ơn mình đã chịu khó chờ. Trở về bệnh viện, mình thấy hai trại cấp cứu dã chiến đang được dựng lên trước khoa Cấp cứu. Nhìn lên cửa sổ khoa COVID-19, mình xúc động thấy những hình ảnh đầy màu sắc dán trên cửa sổ với dòng chữ "Thank you, XOXO". Những bệnh nhân vô danh đã ghi lời tri ân lên cửa sổ phòng bệnh, đem lại niềm vui nho nhỏ giữa không khí căng thẳng u ám này.

Mỗi ngày, các tiệm ăn, nhà hàng trong vùng đem thức ăn lại cho nhân viên bệnh viện, la liệt - khoa Cấp cứu, ICU, và cả Gây mê. Thật bất ngờ và cảm động, vì khoa Gây mê mình là những người hùng thầm lặng, nắm trong tay sinh mạng của bệnh nhân (không thở được là tiêu) nhưng ít ai biết. Không hiểu sao họ biết bọn mình làm cấp cứu đường thở, là những người gần với ổ virus nhất mỗi ngày. Thức ăn đem tới nhiều quá, chia bớt cho các khoa và đặc biệt nhân viên bảo vệ, họ làm việc cũng rất căng thẳng trong mùa dịch.

Halpern, anh bác sĩ ngoại khoa, phải đưa một bệnh nhân COVID-19 lên mổ túi mật vì bà này nhập viện dương tính COVID-19, bỗng nhiên đau bụng, chụp CT ra viêm túi mật. Biết là sẽ dễ nhiễm bệnh nhưng anh không thể để mặc bệnh nhân. Các điều dưỡng phòng mổ lập tức chuẩn bị, rất chuyên nghiệp, tuyệt nhiên không ai phàn nàn nhăn nhó.

Ông xã mình báo tin người quét dọn khu phòng khám của ổng bị sốt, thử ra dương tính. Anh này rất trẻ, đã thấy bệnh từ nhiều ngày nhưng không dám nói ra, đến lúc bị sốt cao mới thử. Mỗi ngày hai vợ chồng mình về nhà lại kiểm tra nhau xem có triệu chứng gì không. Từng ngày qua lại bớt được một ngày lo lắng.

Thượng viện cuối cùng đã thông qua chương trình cứu trợ hơn 2 trillion USD. Lại có người nhao nhao chê nhiều chê ít. 

- Ngày 27 tháng 3:

Bệnh viện lại cho mình nghỉ hôm nay vì ho nhiều hơn dù không sốt. Mình đi chợ cho ba, thứ sáu nào cũng phải đem lại sữa, thịt, rau, cereals và mấy thứ linh tinh, trả lương cô giúp việc. BJ's chất đầy khăn giấy Bounty và giấy vệ sinh Charmin, lác đác mấy người tới ngó. Chắc nhà họ hết chỗ rồi. Cả tháng nay tụi mình không dám gặp mặt ba má, chỉ đem đồ đạc thuốc men tới để ngoài cửa. Cần tới coi sóc nhà xem có hư hao gì không, mình phải gọi má trước, dặn má ở trên lầu, chừng nào con về mới được xuống. Không gặp ba, mình sợ lâu quá ba sẽ quên mình mất. Lần này, ba đi ra, thấy mình ba mừng quá, giơ tay ngoắc từ xa, miệng cười tươi. Mình muốn rớt nước mắt nhưng không dám lại gần, nói to là con phải về. Ba sống hồn nhiên như con nít 3 tuổi, không hề hay biết dịch bệnh chết chóc xung quanh, không thể giải thích cho ông hiểu được, có nói thì 5 phút sau ông cũng quên.

Đọc những bình luận chê bai của người VN, thật bực mình. Dịch bắt đầu bùng lên ở đó không lo, cứ tự hào. Họ đâu có biết ở đây xét nghiệm và điều trị COVID-19 miễn phí, nhà thuốc và siêu thị giao thuốc men và thực phẩm tận nhà để bệnh nhân khỏi ra ngoài, còn các cửa hàng siêu thị vẫn đầy nhóc hàng hóa. Chỉ lan truyền mấy cái post kêu rêu xét nghiệm $3000, những hình ảnh ngăn kệ trống trơn không biết ở đâu ra rồi cứ nhai đi nhai lại những luận điệu ếch ngồi đáy giếng, khoe VN chống dịch giỏi, biết lo cho dân. Học sinh du học và dân lao động nghe vậy ùn ùn kéo về, gây loạn vì họ mang dịch về theo. Cũng vì VN tuyên bố phòng dịch thành công, hồi đầu tháng 3, chiến hạm USS Roosevelt đã đến Đà Nẵng, tham gia các chương trình thể thao và văn nghệ với người dân, trở về các thủy thủ bị nhiễm bệnh, lên tới con số 22 và sẽ còn nhiều nữa.

- Ngày 28 tháng 3

Đã có một nhân vật hoàng phái ra đi vì con Corona: Quận chúa Maria Teresa của dòng hoàng tộc lưu vong Bourbon-Parma. Câu chuyện gia đình này khá ly kỳ. Vua Philip V của Tây Ban Nha là hoàng tôn trưởng nam của Hoàng Thái tử Louis của Pháp, cháu nội đích tôn của vua Louis XIV. Vì Hoàng Thái tử chết trước vua cha, khi Louis XIV băng, thứ nam kế vị, là Louis XV. Con dòng trưởng được đưa sang Tây Ban Nha làm vua, hai hoàng tộc này có quan hệ thông gia nhiều đời, các hoàng hậu Pháp xuất thân là công chúa Tây Ban Nha, nên cháu nội vua Pháp cũng là cháu ngoại vua Tây Ban Nha. Vua Philip V áp dụng luật thừa kế của dòng Bourbon Pháp là chỉ truyền ngôi cho hoàng nam, "nữ nhân ngoại tộc". Sau hơn 100 năm, đến vua Ferdinand VII, đã lấy tới hoàng hậu thứ tư mà vẫn chưa có con, gần băng thì bà có mang. Sợ rằng ngôi báu sẽ về tay em trai là Hoàng thân Carlos, vua bèn lập ra luật mới cho phép con vua được thừa kế dù là con trai hay gái. Sau khi vua băng, hoàng hậu quả nhiên sinh con gái, nối ngôi thành Nữ hoàng Isabella II. Hoàng thân Carlos tức giận, sang lưu vong ở Bồ Đào Nha, lập ra vi cánh của riêng mình thành phong trào Carlism, kéo quân gây chiến nhiều lần để giành lại ngai vàng nhưng thất bại. Tuy nhiên, phái Carlism đã thành một lực lượng hùng hậu có ảnh hưởng chính trị. Dưới thời Franco, họ có thành viên trong nội các và quốc hội, nhưng lại sinh ra chia rẽ giữa các hoàng thân vì đường lối chính trị khác nhau, và suy yếu dần dần. Sau khi chế độ Franco kết thúc năm 1975 cho tới nay, dòng Bourbon-Parma sống lưu vong ở Ý và Pháp, không còn tham gia chính trường Tây Ban Nha. Tiếng Anh gọi giới quý tộc là "blue blood" thì máu bà quận chúa Maria Teresa có thể là xanh nhất trong các máu xanh Âu châu. Thân phụ là Hoàng thân Xavier, trưởng tộc Bourbon-Parma, tức là dòng chính, thân mẫu là cháu ngoại vua Charles X của Pháp. Bà tốt nghiệp đại học Sorbonne, là giáo sư ở đây. Bà mất tại Paris, thọ 86 tuổi.

Hết chuyện vua chúa, trở lại với chuyện nhà thường dân. Ông xã tới chiều tự nhiên đau bụng, nóng lạnh, mệt, nhưng nhiệt độ bình thường. Đến tối thì sốt 100 độ F. Mình nói, kiểu này cũng có thể là Corona hay bị virus tiêu hóa thường gặp, để coi hôm sau ra sao. Bệnh cũng không được yên. Anh bạn gọi, nói thằng con 10 tuổi bị sưng một bên mắt, bác sĩ cho thuốc thoa 10 ngày không hết, cho luôn kháng sinh cũng không đỡ mà sang luôn con mắt thứ hai. Ông xã mình bèn gởi hình cho cô BS Mắt quen, cô nói chắc nhiễm virus, không chừng COVID-19 vì cô đã gặp bệnh nhân đau mắt, thử ra dương tính COVID-19. Thiệt là thời buổi này nhìn đâu cũng thấy Corona!

- Ngày 29 tháng 3:

Sáng dậy ông xã lấy nhiệt độ, không sốt. Vậy chắc không phải Corona, nhưng phòng khám cũng bắt ổng nghỉ 3 ngày.

Tuần rồi, các bệnh viện được tiếp viện thêm trang bị nên không đến nỗi thiếu thốn áo choàng và khẩu trang như trước. Liên Hợp Quốc, có trụ sở đặt chình ình ở NY, cho 250000 khẩu trang, kệ, có còn hơn không! Hạm đội Quân y đã rời Căn cứ Hải quân Norfolk, Virginia hôm qua, mai sẽ tới NY. Nhiều trung tâm COVID-19 dã chiến đã được thiết lập khắp nơi.

Dịch bệnh đã tấn công những chiến sĩ tiền tuyến ở NY (first responders): hơn 2000 cảnh sát, mấy trăm lính cứu hỏa, nhiều bác sĩ điều dưỡng đã mắc bệnh. Đến hôm nay đã có tin tử vong của nhân viên cấp cứu (EMT), cảnh sát, và điều dưỡng trưởng của khoa cấp cứu bệnh viện Mount Sinai - tên là Kious Kelly trẻ trung đẹp trai. Ai cũng biết có ngày tới lượt mình nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu mỗi ngày với tai ương của cả nhân loại. Để đối phó với tình trạng nhân viên y tế nhiễm bệnh phải cách ly, tiểu bang kêu gọi các bác sĩ điều dưỡng hưu trí hoặc làm các ngành chuyên khoa hiện đang phải nghỉ, tình nguyện đi chống dịch, tới hôm nay đã có hơn 50000 người đăng ký. 

Mình chợt nhớ mấy câu thơ trong một truyện ngắn của Vũ Bằng:

"Không ai còn ai mất
Ai cũng chết mà thôi
Người sau kẻ trước lao vào giặc 
Giữ vững nghìn thu một giống nòi".

Và lại ước ao, như một bài hát "Nếu một mai, khi hòa bình..."
Cuối tháng 3/2020


3.
- Ngày 6 tháng 4:

Tuần qua là tuần lễ kinh hoàng trong bệnh viện, với bệnh nhân nằm máy thở khắp nơi, đầy cả trong phòng mổ, dùng máy gây mê. Khoa Gây Mê hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân này. Hôm nay bệnh viện nhận thêm máy thở viện trợ, một số bệnh nhân chuyển qua dùng máy thở ICU mới nhận được, một số bệnh nhân tiến triển khá hơn được cho ra nằm phòng thường. Tàu Quân Y Navy Comfort đến NY để điều trị bệnh nhân không truyền nhiễm, nhưng sau 1 tuần, Thống đốc Cuomo đề nghị lên TT Trump để chuyển tàu này thành tàu trị bệnh COVID-19 vì có nhu cầu cao hơn, được TT chuẩn y. Bộ trưởng Y Tế Jerome Adams, vốn là BS Gây Mê của Hải Quân cũng đồng ý. Trung tâm hội nghị Jacob Javits đã hoạt động thành BV dã chiến 1000 giường, nay tăng lên 2400 giường.

NYU làm chương trình nghiên cứu thử nghiệm liều phòng ngừa của hydroxychloroquine cho nhân viên, vừa tiện lợi, vừa có thể có ích, vừa dễ theo dõi và thu thập dữ liệu. Khá nhiều nhân viên đăng ký, mình thì chưa vì mình vốn ghét uống thuốc. 

Chiều, tất cả bệnh nhân nằm trong phòng mổ đã được chuyển ra hết, máy thở ICU đủ dùng nên không cần máy gây mê nữa. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Trước tình hình bệnh nhân ICU tăng vọt, bệnh viện đã tính đến giải pháp cuối cùng là chuyển nhà ăn nhân viên thành ICU đã chiến, nhưng bây giờ không cần nữa, nên vẫn còn nhà ăn. Hú hồn.

- Ngày 7 tháng 4:

Tình hình có phần yên tĩnh hơn. Số bệnh nhân cần đặt ống thở giảm hẳn. Tuy nhiên bên Anh khá căng thẳng, Thủ tướng Boris Johnson phải vào ICU thở oxygen. Ngoại trưởng Anh làm quyền Thủ tướng. Cả thế giới theo dõi tình hình sức khoẻ của một trong những nguyên thủ quyền lực nhất. Hôm trước, khi Thủ tướng thử ra dương tính, dư luận Anh phàn nàn tại sao Thủ tướng được đặc ân thử trong khi dân không đủ bộ xét nghiệm. Đúng là rảnh rỗi nhiều chuyện. Cả nước có 1 ông Thủ tướng mà không lo thì lo cho ai?

Nhiều người chuyển cho mình coi cái video của David Price đang lan tràn chóng mặt trên internet. Mình coi mà tự hỏi không biết anh này lạc quan tếu hay làm việc nhiều quá bị mát dây. Cần nói rõ anh này chỉ là fellow, tức là còn đang học chuyên khoa, chưa là BS chuyên khoa Phổi như nhiều site giới thiệu, kinh nghiệm chưa có bao nhiêu. Phần hướng dẫn phòng ngừa anh nói khá tốt, hữu ích, nhưng còn mấy chi tiết khác thì hỡi ơi, không biết lấy thông tin ở đâu ra. Anh ta quả quyết COVID-19 không dễ lây như mọi người tưởng, chỉ lây qua tiếp xúc 15-30 phút, không lây qua đường hô hấp, rằng mang khẩu trang chỉ để tránh sờ vào mặt mũi, anh ta không cần mang N95 luôn. Trong khi tất cả khoa học gia hàng đầu trên thế giới đã khuyến cáo con Corona lây qua đường hô hấp (vì vậy mới quẹt mũi để lấy mẫu thử vì người bệnh hít virus vào đóng đô trong hốc mũi), anh ta học chuyên khoa Phổi chẳng lẽ chưa thấy con virus xâm lấn tàn phá mô phổi cỡ nào, đến nỗi bệnh nhân đã đặt ống thở mà lỡ gỡ đường ống nối ra, hít phải là đủ nằm bệnh luôn rồi. Chưa có khoa học gia nào nghiên cứu xác định được tiếp xúc bệnh nhân bao lâu thì bị nhiễm, trong khi thực tế nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm dù chỉ giao tiếp với người bệnh có vài phút. Mình vừa trải qua một tuần chết chóc, đang buồn vì nhiều đồng nghiệp mang khẩu trang vẫn bị bệnh, Thống đốc tổng kết số tử vong ngày hôm qua cao nhất từ trước tới nay, gần 800 người chết, bị mời coi cái video này phát điên lên, muốn cú đầu anh ta mấy cái.

- Ngày 8 tháng 4:

Trung Quốc mở cửa thành phố Vũ Hán sau hơn 2 tháng bế quan tỏa cảng. Thế giới theo dõi hồi hộp, vừa mừng vừa lo.

Tối nay bắt đầu lễ Passover của Do Thái, kéo dài 8 ngày. Hai đêm đầu rất quan trọng, gọi là seder, tức là nghi lễ ăn những món truyền thống, đọc lại câu chuyện chạy trốn khỏi Ai Cập. Đây là một trong những bữa tiệc truyền thống lớn nhất trong năm, tụ họp gia đình, bạn bè. Tuy nhiên năm nay ai ở nhà nấy, vắng vẻ, buồn tẻ.

Chuẩn bị cho Passover nặng nhất là khoản dọn dẹp nhà cửa. Theo kinh thánh, vì gấp rút chuẩn bị chạy khỏi Ai Cập, họ không kịp nướng cho xong bánh nên bánh nửa sống nửa khét. Vì vậy, ngày lễ này, người Do Thái ăn matzah, là bánh nướng dưới 18 phút, vừa cứng vừa cháy, và không được ăn bất kỳ món ngũ cốc nào. Trước ngày này phải dọn sạch nhà cho hết các món ngũ cốc, lau quét, hút bụi cho không còn chút vụn bánh nào. Tuy cực nhưng mình lại ưng ngày lễ này vì nó giúp mình có lý do dọn dẹp tủ bếp và tủ lạnh, nếu không đồ ăn nhét vô ngày này qua ngày khác thành ổ rác hồi nào không hay. Huy động con gái coi lại hết các thứ trong tủ bếp và tủ lạnh, nhiều thứ hết hạn từ lâu, mua về quên không ăn, dọn ra 2 bao rác lớn. Kinh khủng chưa! Lau dọn tủ lạnh sạch sẽ, bắt đầu mua đồ Passover về cất vô. Năm sau dọn tiếp. Đi chợ phải xếp hàng ngoài cửa cách nhau 6 ft (khoảng 1m7), cho vô từng người một khi có người ra. Vô trong được rồi thì mua sắm thoải mái, thức ăn ê hề. Trả tiền cũng phải đứng đợi cách nhau 6 ft. Ai nấy mang khẩu trang trịnh trọng nghiêm túc.

Buổi tối, vợ chồng con cái quây quần bên bàn seder, trong lúc hành lễ, không quên nhắc tới những gia đình không may có người thân mắc bệnh hoặc chết vì dịch, không còn biết tới ngày lễ.

- Ngày 9 tháng 4:

Năm nay là năm bầu cử tổng thống, mọi khi sôi sục căng thẳng, bây giờ lo dịch bệnh, toàn tranh cử online. Bernie Sanders cuối cùng cũng thông báo bỏ tranh cử, coi như Biden đương nhiên là ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, nhiều cử tri Dân chủ tỏ ý lo ngại trước tuổi tác và sự minh mẫn của ông. Nhiều khi đang nói huyên thuyên ông bỗng ngừng lại, quên mất mình nói gì. Nếu bị hỏi vặn, ông dễ nổi khùng. Ban tranh cử của ông nghĩ ra cách để ông phát biểu từ bài viết sẵn, giới hạn 7 phút, và không nhận câu hỏi của phóng viên mà đi thẳng vào trong.

Trong khi đó, trong tình hình dịch bùng phát, các Thống đốc có dịp trổ tài bình dân trị quốc, bỗng trở nên sáng chói, dân chúng NY quên tuốt ứng cử viên tổng thống. Mỗi ngày TV truyền trực tiếp, 10 giờ sáng Thị trưởng NYC de Blasio, 11 giờ Thống đốc New Jersey Murphy, 12 giờ Thống đốc NY Andrew Cuomo. Thị trưởng de Blasio ấm ớ hội tề, chẳng ai để ý. Thống đốc New Jersey bặt thiệp sắc sảo, lại có dáng dấp phong nhã, gương mặt sáng sủa, miệng cười có duyên. Thống đốc NY Cuomo bình tĩnh, sâu sắc, cương nghị, tường trình rạch ròi, am tường mọi chi tiết lớn nhỏ, trả lời câu hỏi rõ ràng khôn khéo, thu hút sự chú ý của cả nước. Bỗng nhiên có một trào lưu ngày càng lớn rộng kêu gọi Đảng Dân chủ bỏ Biden để thay bằng Cuomo. Chính TT Trump cũng khen ngợi Cuomo nhiều lần và còn nói Cuomo làm Tổng thống sẽ giỏi hơn Biden rất nhiều (quả là một nhận xét hớ hênh dại dột vì nếu Cuomo tranh cử thì TT Trump thua người đồng hương cái chắc, cả hai cùng sinh trưởng ở Queens, Cuomo có lợi thế là luật sư con một gia đình danh gia vọng tộc của Đảng Dân chủ, lại đang nổi như cồn với tài kinh bang tế thế trong thời kỳ khủng hoảng, tuổi lại trẻ hơn).

Trước đây mình không thích Cuomo lắm, mặc dù rất thích cha của ông, là Thống đốc Mario Cuomo, một trong những Thống đốc tài giỏi nhất của NY. Người tiền nhiệm là Thống đốc Pataki (Cộng hòa), tài năng đã chứng tỏ trong sự vững vàng điều khiển tiểu bang giai đoạn 9/11 năm 2001, lại mềm dẻo ôn hòa, được lòng cả dân chúng Cộng hòa lẫn Dân chủ. Khi Pataki hết hạn nhiệm kỳ, ông muốn từ giã chính trường để hưởng nhàn, Andrew Cuomo ra tranh cử cho Đảng Dân chủ và thắng dễ dàng trước một ứng cử viên Cộng hòa vô danh tiểu tốt. Ông là con cựu Thống đốc Mario Cuomo, người được dân chúng yêu mến, nên hưởng sái của cha, lại là con rể cố TNS Robert Kennedy. Với thế lực hai đại gia Dân chủ Cuomo và Kennedy, chẳng ai vượt qua nổi Andrew Cuomo để giành ghế Thống đốc. Lúc mới nhậm chức, Andrew Cuomo chẳng chứng tỏ khả năng gì đặc biệt, khi xảy ra bão Sandy năm 2012 tàn phá NYC và Long Island, ông lúng túng thấy rõ, không có sách lược gì hiệu quả. Tuy nhiên nhiệm kỳ sau ông lại đắc cử dù với tỷ số khít khao, từ đó ông chững chạc sâu sắc hơn nhiều, dần dần thu phục lòng dân.

Lần này dịch phát bất ngờ, mặc dù khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên là luật sư Garbuz, tiểu bang đã hành động cấp tốc, xét nghiệm tất cả gia đình, họ hàng, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, cách ly phong tỏa lập tức, thậm chí đóng cửa cả trường đại học mà con trai ông đang theo học. Nếu như ở một vùng khác hoặc một nước khác, những biện pháp đó có thể đủ để chận dịch. Nhưng NYC là trung tâm tài chánh, văn hóa, du lịch, hàng ngày có cả ngàn lượt khách từ khắp thế giới, hàng chục ngàn người đi đi về về làm việc giữa 3 tiểu bang NY - New Jersey - Connecticut. Mật độ dân lại dày đặc trên một hòn đảo nhỏ. Con Corona âm thầm len lỏi rồi bùng lên, phá hoại cuộc sống bình thường, giết chết hàng ngàn người dân. Tuy thất bại trong việc chận dịch từ đầu, Thống đốc Cuomo đã chứng tỏ bản lĩnh khi ban hành một loạt biện pháp hỗ trợ NYC để chống dịch.

- Ngày 10 tháng 4:

Tuần này có vẻ khả quan nhất từ đầu dịch tới giờ. Số bệnh nhân cần máy thở giảm nhiều, nhiều bệnh nhân xuất viện, số bệnh nhân mới nhập viện cũng bớt đi. Mỗi ngày NYU tổ chức liên bệnh viện sơ kết dịch giữa các chi nhánh, hầu hết tường trình những con số đáng khích lệ, trừ Brooklyn vẫn còn rất thê thảm với nhiều bệnh nhân nặng cần máy thở và con số tử vong khá cao.

Trong buổi họp báo thường ngày, hôm nay Thống đốc Cuomo lần đầu tiên có vẻ thư thái hơn một chút, thậm chí có lúc còn mỉm cười. Con số tử vong ở nguyên mức cũ từ hôm thứ ba không tăng lên nữa, số nhập viện và số bệnh nhân ICU sụt giảm đáng kể trên toàn NYC. Nói thêm là sở dĩ ông thành công trong mắt dân chúng cũng nhờ bộ óc của người bên cạnh ông - Howard Zucker, Giám đốc Y Tế tiểu bang (State Health Commissioner). Trước đây Howard và mình làm việc chung trong chuyên khoa Gây Mê Nhi của Albert Einstein. Khi anh rời bệnh viện để lên làm Health Commissioner, mình đã tổ chức một buổi ăn tối tại một nhà hàng với sự tham dự của các BS Gây mê Nhi và Phẫu thuật Nhi để từ giã. Mình gọi anh là "người có IQ cao nhất mà tôi từng được biết", anh rất cảm động. Howard thông minh cực kỳ, 16 tuổi đã vào Y khoa đại học McGill. Hầu hết sinh viên y khoa học trắng mắt cho xong mấy năm gian khổ, nhưng trường y lại quá nhàn với Howard nên anh học Luật song song cùng lúc. Ra trường, anh học Nhi khoa 3 năm rồi học chuyên khoa Tim mạch Nhi 3 năm, sau đó học Gây mê 3 năm nữa. Về Albert Einstein, anh làm Gây mê Tim mạch Nhi nhưng chỉ có 3 ngày một tuần vì phải xuống DC dạy Đại học Luật Georgetown 2 ngày. Trong khoa, ai cũng phục anh vì trí tuệ thông minh sắc sảo hơn người, riêng mình gọi anh neurotic vì anh lúc nào cũng nghĩ tới khả năng xấu nhất, những ca đơn giản anh cũng lên phác đồ trịnh trọng làm mình ngán tới cổ, nhưng lại học hỏi được ở anh rất nhiều. Lần này tuy vốn nhìn đâu cũng ra bệnh, anh lại bị hớ vì quá tin các đồng sự ở WHO (anh từng là cố vấn y tế cộng đồng cho WHO). Tuy nhiên sau đó anh đã trợ giúp Thống đốc Cuomo đắc lực trong việc thu thập dữ liệu để lập chương trình chống dịch.

- Ngày 11 tháng 4:

Họp báo hôm nay, tình hình tiếp tục tiến triển khả quan với con số nhập viện giảm sụt. Các phóng viên gặng hỏi Thống đốc Cuomo về dư luận toàn quốc muốn ông ra tranh cử cho Đảng Dân chủ thay Biden, ông khẳng định không tranh cử, không đi đâu hết, chỉ lo cho NY mà thôi. Ông lập đi lập lại với cử tọa không nên lôi chính trị vào đây, hiện giờ chỉ nên hợp lực chống dịch, không vì tham vọng nào khác. Khi được hỏi về cách quản lý dịch của chính phủ liên bang (ý họ muốn ông chê trách TT Trump công khai), ông thẳng thắn cho biết ông liên lạc với TT mỗi ngày và được sự hỗ trợ đắc lực của TT, hiện tại không phải là lúc chơi trò blame game (đổ lỗi) mà cùng làm việc để nạn dịch mau qua. Thật là một thái độ công bằng hiếm hoi giữa lúc công luận hỗn độn như cái chợ trời, chửi bới công kích lẫn nhau. Hai ông Trump và Cuomo mặc dù thuộc hai đảng đối lập nhưng trong vụ dịch này lại khen tặng nhau nồng nàn, nghĩ cũng là gương cho những thái độ quá khích nhìn vào mà bình tĩnh lại.

Trong email và trên FB mình nhận được vô số những bài chửi nhau tan nát - bênh Trump, ghét Trump - ai cũng quá đáng và không ai hoàn toàn đúng. Mình cực kỳ ghét những thái độ quá khích lôi kéo người khác về cùng phe. Xứ này dân chủ, ai muốn chửi TT thì chửi, muốn bênh thì bênh, nhưng đừng công kích người khác vì người đó không đồng ý với mình. Mỗi ngày cùng đồng nghiệp tranh giành sự sống cho từng bệnh nhân từ con virus nguy hiểm, bọn mình nhận thấy cuộc đời mong manh phi lý lắm, ranh giới giữa sống và chết như một lằn chỉ mà thôi. Khi mình đến đặt ống thở, có người mới còn ngồi nói chuyện mà mắt đã lạc thần ngáp ngáp lấy hơi, có người còn tỉnh táo nhìn mình bằng ánh mắt vừa hy vọng vừa tuyệt vọng. Một ông già 82 tuổi xin mình chờ để ông gọi con gái nói mấy câu. Những thanh niên trẻ khoẻ vừa bảo không sao đâu, bỗng suy tim suy phổi trong giây phút cứu không kịp. Đã chứng kiến những cảnh đó, những lời nhục mạ phỉ báng nhau vì khác quan điểm chính trị đối với mình trở nên nực cười, nhỏ mọn vô nghĩa.

Có lẽ hai ông Tổng thống và Thống đốc chỉ huy chiến tuyến chống dịch, trước những con số kinh khủng cũng đã tìm thấy mối đồng cảm trong cõi đời phù du này chăng?

Mong lắm!

MINH NGỌC

Các bạn có thể đọc phần 4 của nhật ký này theo đường dẫn dưới đây: